Thiên Hạ Kỳ Duyên
Chương 5 : Dạ yến Liên đài
Hoàng Lan cứ thế ngồi trong đám đông, không dám có hành động gì thái quá, chỉ chờ đến khi tan cuộc là lại theo đoàn nhạc công lẻn ra ngoài, vậy mà chiếc đàn trong tay nàng lại đột ngột đứt dây, đến chính Hoàng Lan cũng không hiểu rốt cuộc đang xảy ra chuyện gì.
...
Năm Quang Thuận thứ nhất (tức năm 1460).
Hoàng gia mở yến tiệc ở Liên đài.
Liên đài là tòa lầu hình lục giác được xây cao ba tầng, tọa lạc giữa hồ Lạc Thủy. Tương tự như chùa Diên Hựu, cấu trúc Liên đài lấy cảm hứng từ hình tượng bông hoa sen nhưng có phần bề thế và quy mô hơn, càng lên cao càng mở rộng ra bốn phía, thậm chí nếu đứng ở tầng lầu cao nhất có thể nhìn thấy mái ngói điện Kính Thiên. Liên đài rộng rãi thoáng mát, địa thế thuận lợi, lại thêm ba phía đều có cầu nối vào bờ, vì thế hàng năm đều được hoàng gia chọn làm nơi thiết yến.
Vì bữa nay chỉ là gia yến nên trang phục của Tư Thành không quá cầu kì. Hắn mặc áo Viên lĩnh (1) màu vàng, viền áo, cổ tay và thân áo đều thêu hình rồng bằng chỉ kim tuyến, hoa tiết tương tự như trên áo hoàng bào nhưng có phần giản tiện hơn; hắn đội mũ Đường cân bằng the đen, lưng đeo đai màu đỏ nạm ngọc, phía trước thắt thường (2) trang trí hình mây ngũ sắc. Ngồi gần Tư Thành nhất là chiêu nghi Phùng Diệm Quỳnh. Hôm nay, nàng ta đặc biệt cài một chiếc loan trâm làm bằng phỉ thúy mà thái hậu ban tặng trong ngày nàng ta mới vào vương phủ làm dâu. Mang nó bên mình, địa vị của nàng ta trong đám phi tần cũng có chút khác biệt. Xa ghế vua hơn là những phi tần khác, ví như tu dung Lê Tuyên Kiều trang nhã thuần thục, tu nghi Trịnh Minh Nguyệt xinh đẹp sắc sảo, tài nhân Nguyễn Nhã Nhân đằm thắm dịu dàng...
Mặt hồ Lạc Thủy phản chiếu hàng ngàn ngọn đèn lấp lánh. Sân khấu múa rối nước được dựng lên phía trước thủy đình, xung quanh là một hàng cờ quạt, voi lọng màu xanh đỏ. Sau màn đốt pháo bật cờ, những con rối làm bằng gỗ sung, được trang trí cầu kì, tỉ mỉ bắt đầu khoa chân múa tay, diễn vở kịch Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận. Nhạc trống nổi lên, huyên náo cả một vùng.
Ngồi trên đài cao, thái hậu, hoàng thượng cùng chúng phi nhàn nhã xem múa rối nước, thưởng trăng trò chuyện.
Yến tiệc kéo dài được gần nửa canh giờ, từ trong hàng ghế phi tần, một bóng hồng nhẹ nhàng bước ra. Nàng ta nhìn hoàng thượng đang ngồi ở trên cao, ánh mắt tỏa ra một mị lực không hề nhỏ, tươi cười mà nói.
"Dạ yến hôm nay thật náo nhiệt. Thần thiếp tuy học hành sơ sài nhưng cũng có chút tài mọn, muốn được góp vui cùng mọi người, mong bệ hạ ân chuẩn."
Lê Tuyên Kiều vừa nói vừa khẽ nhún người, ánh mắt trong biếc ngượng ngùng nhìn Tư Thành. Nàng ta chính là con gái của tả đô đốc Lê Thọ Vực, xuất thân danh môn, vào cung cùng lúc với Phùng Diệm Quỳnh. Luận về nhan sắc, Lê Tuyên Kiều so với Phùng Diệm Quỳnh cũng có thể coi như kẻ tám lạng, người nửa cân. Thế nhưng, đến bây giờ, nàng ta vẫn chỉ là một tu dung nhỏ bé, nếu đem so với Phùng chiêu nghi đứng đầu cửu tần thì thực sự thua kém rất xa.
"Lê tu dung là tài nữ nổi tiếng kinh thành, cầm kì thi họa đều tinh thông. Không biết hôm nay nàng muốn biểu diễn thứ gì?" Tư Thành tươi cười hỏi vị tu dung mà hắn đã gặp qua vài lần.
"Để bệ hạ chê cười rồi." Lê Tuyên Kiều thẹn thùng cúi đầu xuống làm mái tóc dài buông rủ xuống tấm lưng ong thon thả: "Thần thiếp học hành sơ sài, thật không dám nhận hai chữ tài nữ. Chẳng qua hôm nay là ngày vui của hoàng thất, thần thiếp biết chút về cầm nghệ nên mạo muội đem ra góp vui cùng mọi người thôi."
Phùng Diệm Quỳnh ngồi bên cạnh, trong đáy mắt ánh lên một tia cảm xúc không rõ ràng. Lê Tuyên Kiều, cho tiếng đàn của ngươi có là tiên nữ giáng phàm đi nữa, giữa chốn cung đình tàng long ngọa hổ, mang một điệu nhạc ra tranh thủ ánh mắt của hoàng thượng, thực quá tầm thường! Chỉ có điều, lần biểu diễn này là vinh dự hay nhục nhã còn chưa thể nói trước được. Nghĩ vậy, Phùng Diệm Quỳnh thuận tay bứt một trái nho, ôn nhu đưa cho Tư Thành, giả hờ hững quan sát long nhan.
"Cũng tốt, đã lâu trẫm không nghe tu dung đàn."
Kì thực hắn chưa từng nghe Lê tu dung này đàn bao giờ, chỉ thuận miệng nói một câu vô thưởng vô phạt. Nhưng đối với Lê Tuyên Kiều, câu nói này đủ khiến nàng ta cực kì xúc động.
"Thần thiếp tạ long ân."
Hắn đã ân chuẩn, lập tức có hai thái giám mang đến một chiếc đàn tam thập lục. Từng ngón tay xinh như búp sen của Lê Tuyên Kiều lướt trên những dây đàn. Tiếng đàn vừa cất lên, ban đầu còn réo rắt du dương, sau đó dần biến thành một giai điệu ngàn mê vạn ảo. Liên đài tràn ngập thứ giọng nói mượt mà như suối chảy, lúc lên cao ngàn tầng trời xanh, lúc trầm khởi như tiếng trà rót trong ly ngọc, khi lại ngẫu hứng như ngàn hạt mưa tí tách rơi trên mái ngói lưu ly. Tiếng đàn của Lê Tuyên Kiều gieo vào lòng người một cảm giác thanh khiết, khoáng đạt, đủ biến sầu thành vui, hóa ưu tư thành hạnh phúc. Tư Thành nhìn phi tần trước mặt mình, hơi mỉm cười. Hắn không ngờ trong hậu cung của hắn lại có người giỏi cầm nghệ đến vậy.
Nụ cười thoáng ẩn thoáng hiện của hắn không qua mắt được Phùng Diệm Quỳnh. Nàng ta hơi nhíu mày. Người đang gảy khúc nhạc này, nếu đứng thứ hai thì không ai dám nhận thứ nhất. Một cảm giác tức tối, khó chịu càng ngày càng định hình rõ trong lòng. Thì ra dạ yến hôm nay, Lê Tuyên Kiều đã dày công chuẩn bị từ lâu. Suy nghĩ nửa ngày, cuối cùng Phùng Diệm Quỳnh nhẹ nhàng đi đến trước mặt Tư Thành:
"Tiếng đàn của Lê tu dung tàng ẩn biết bao ý tứ, mê diệu khôn cùng, khiến thần thiếp vô cùng ngưỡng mộ."
Ái phi bỗng nhiên nói nói cười cười, Tư Thành sao không nhìn ra ý tứ khác?
"Phải chăng nàng cũng muốn góp vui?"
"Nếu bệ hạ không chê Diệm Quỳnh vụng về." Chỉ chờ có vậy, Phùng Diệm Quỳnh vội đáp.
"Được, trẫm ân chuẩn. Hôm nay là gia yến, mọi người đều là người một nhà, ai có tài nghệ gì thì cứ biểu diễn đi."
Phùng Diệm Quỳnh cố nén nụ cười hài lòng. Luận về cầm nghệ, đúng là nàng ta không phải đối thủ của Lê Tuyên Kiều, nhưng luận về ca vũ, mèo nào cắn mỉu nào còn chưa chắc!
Điệu nhạc của Lê Tuyên Kiều đang mượt mà biến ảo bỗng nhiên hơi trầm xuống. Người tinh ý khó phát hiện ra điều này, lạc điệu biến mất nhanh như khi xuất hiện.
Đã nghe tiếng Phùng Diệm Quỳnh như nước chảy bên tai:
"Em à, có thể cho chị mượn tạm tiếng đàn của em được không?"
Phùng Diệm Quỳnh bằng tuổi Lê Tuyên Kiều nhưng địa vị cao hơn nên trước mặt mọi người, nàng ta vẫn xưng chị gọi em với đối phương.
Thấy nàng ta hỏi thế, Lê Tuyên Kiều chỉ còn biết gượng cười. Vốn đang là trung tâm, nay chỉ sợ Phùng Diệm Quỳnh nhúng tay vào, vị trí vinh dự ấy sẽ phải nhường cho kẻ khác.
Phùng Diệm Quỳnh khoác váy áo lụa mỏng, mình hạc sương mai, nổi bật như tiên nữ giữa đám vũ công phụ họa. Bước chân của nàng ta, uyển chuyển mềm mại, nhanh chóng bắt nhịp cùng điệu nhạc của Lê Tuyên Kiều. Tư Thành ngắm nhìn người trước mắt, ban đầu còn hào hứng, càng về sau càng thấy nhạt nhẽo. Bất giác nghĩ đến Yên hoa vũ khúc của Mạc Viên Nhiên, trong lòng hắn hiện lên một cảm giác so sánh mơ hồ. Điệu múa trước mặt có thể nói là rất tuyệt diệu, nhưng người múa lại có tâm ý tranh giành, thành ra địa vị trong lòng hắn lại thua thê thảm so với một ca kỹ dân gian.
Phùng Diệm Quỳnh vừa múa vừa quan sát sắc mặt của Tư Thành, hoảng hốt khi thấy hắn hời hợt, không chăm chú ngưỡng mộ như lúc trước nghe Lê Tuyên Kiều gảy đàn. Nàng ta cắn răng, làm một động tác xoay vòng mị ảo, rồi thuận đà ngã về phía hắn. Tư Thành đang ngồi trên ghế vội đưa tay đỡ, chẳng qua do quá đột ngột nên không kịp nghĩ ngợi nhiều. Thoắt một cái, cả Liên Đài hướng về một phía. Hoàng thượng đang ôm Phùng chiêu nghi e e ấp ấp trong lòng.
Tiếng đàn tam thập lục chậm dần rồi ngưng hẳn, Lê Tuyên Kiều điềm nhiên nhìn lên.
"Thần thiếp thất lễ." Phùng Diệp Quỳnh ngượng ngùng nói.
"Nàng vất vả rồi."
Giọng điệu Tư Thành không rõ là tán thưởng hay không tán thưởng. Hắn chỉ cảm thấy phi tần trong tay hắn không bị kinh sợ quá mức, liền muốn đẩy nàng ta ra, nhưng càng đẩy thì hình như nàng ta càng dính chặt vào người mình!
"Phùng chiêu nghi..." Hắn nhẹ giọng nhắc nhở.
"Bệ hạ, được người che chở như vậy là phúc khí cả đời của thần thiếp."
Người con gái trong lòng này, cũng như bao kẻ khác, muốn dùng chút tài sắc để lấy lòng quân vương. Nhưng trước mặt bao nhiêu người, nàng ta lại không biết thể diện, ngả ngớn như vậy! Việc ngày hôm nay, chỉ e rằng Phùng Diệm Quỳnh đã tự làm khó mình sau này.
Bản tính Tư Thành, trước nay đều không quá gần gũi với hậu cung. Hắn mới đăng cơ, chính sự còn chưa giải quyết hết, không muốn đám người con gái rảnh rỗi ở hậu cung vì tranh sủng mà gây thêm chuyện đau đầu.
"Nàng đã bớt kinh sợ chưa?"
Vì muốn giữ thể diện cho Phùng Diệm Quỳnh, Tư Thành chỉ nhắc khéo để nàng ta tự động đứng lên, không cần chính mình phải thô bạo can thiệp. Nhưng thái độ hắn lại hòa nhã như nước, thành ra Phùng Diệm Quỳnh nghe được mà không hiểu được:
"Thần thiếp đối với bệ hạ luôn luôn kính cẩn hầu hạ, tuyệt đối không dám sơ ý như vậy." Nàng ta làm bộ oan ức, nhìn về phía đám vũ công trước mặt: "Vừa nãy lúc đang múa, thần thiếp bị người ta dẫm phải váy áo nên mới bị ngã..."
Không phải nàng ta cố tình, mà vì bị người khác giẫm lên y phục. Phùng Diệm Quỳnh vụng chèo nhưng thật khéo chống!
"Là ai giẫm phải váy áo của Phùng chiêu nghi?" Giọng Tư Thành nhàn nhạt.
Sắc mặt đám vũ công trắng bệch như tờ giấy. Hoàng thượng đích thân trách tội không phải là chuyện nhỏ, nhưng họ không giẫm vào váy áo của vị chiêu nghi kia, làm sao có thể nhận tội, thành ra chỉ biết hốt hoảng quỳ xuống, nỗi sợ hãi kìm nén trong sự im lặng.
Một lúc sau, không thấy ai bước ra nhận tội, cũng biết Tư Thành không có ý truy xét đến cùng, Phùng Diệm Quỳnh thì thầm bên tai hắn:
"Thôi bỏ đi bệ hạ, cũng là tại thần thiếp vụng về, người đừng trách bọn kẻ dưới nữa."
"Nếu chiêu nghi đã nói vậy, trẫm cũng không làm khó bọn chúng nữa. Ra ngoài hết đi!"
Đám vũ công thoát nạn, vội vàng dập đầu tạ ơn. Phía bên dưới, Quách tuyên vinh Quách Liễu ình biết lựa thời thế, tranh thủ nịnh nọt vài câu. Hùa theo nàng ta, tiếng người râm ran vang khắp Liên đài.
"Chiêu nghi thật khoan dung độ lượng..."
"Đúng vậy, chúng em còn phải học hỏi lệnh bà nhiều..."
Kẻ nịnh nọt người bợ đỡ một hồi, Phùng Diệm Quỳnh liếc ánh mắt đắc ý về phía Lê Tuyên Kiều. Ánh mắt ấy như một bức tối hậu thư, cảnh cáo tất cả những ai không biết thân biết phận mà dám có tâm tranh sủng với mình. Không biết vô tình hay hữu ý, Lê Tuyên Kiều chỉ nở một nụ cười thảng hoặc, nhẹ nhàng đáp lễ.
Bỗng nhiên một âm thanh khô khốc, gãy gọn vang lên, hệt như nhát dao cắt ngọt không khí ra làm hai nửa. Là tiếng đàn đứt dây! Mọi người lại nhất loạt nhìn về phía đám nhạc công, ngay lập tức nhận ra kẻ nào nào vừa làm đứt dây đàn.
Yến tiệc đang diễn ra vui vẻ, việc nhạc công vụng về làm đứt dây đàn tự nhiên trở thành điều tối kị, báo hiệu điềm chẳng lành, thậm chí nếu chọc giận long nhan còn có thể dẫn đến họa sát thân.
Nguyễn Hoàng Lan trước nay vẫn ngồi yên một chỗ, lẫn lộn trong đám nhạc công, đến khi nghe tiếng quát mới giật mình nhìn lên.
...
Buổi sáng hôm đó.
Từ Trọng Sinh đã đi kiếm củi từ rất sớm, Hà thì ốm nặng mấy ngày nay, thành ra việc lớn việc nhỏ trong nhà đều đến tay Hoàng Lan. Bình sinh nàng chưa từng phải băm bèo nấu cám lợn, nhưng nghĩ lại bản thân ăn chầu ở chực nhà người ta đã lâu, xem như đây cũng là một cách để trả ơn gia chủ vậy.
Đang hì hụi với nồi cám bên bếp, Hoàng Lan hơi giật mình khi thấy Hà lảo đảo bấu tay vào bậu cửa, bộ dáng hình như sắp đi đâu đó.
"Cô còn đang ốm, không nằm nghỉ trong nhà lại chạy ra ngoài làm gì?"
Hoàng Lan vừa nói vừa đỡ Hà ngồi xuống chõng tre. Hà ôm ngực ho sặc sụa nhưng vẫn gượng nói:
"Hôm nay có quan lớn về, chúng tôi phải tới đình làng để hầu đàn nhạc."
Ở thời này, việc dân thường bị sai đi làm việc công không phải là hiếm. Nhưng có một điều Hoàng Lan cảm thấy không đúng lắm.
"Cô biết chơi đàn à?" Nàng băn khoăn.
Hà từ tốn gật đầu:
"Hồi trước tôi có học qua cầm nghệ, lâu rồi không đụng tới đàn nên khả năng không thể như xưa... nhưng để hầu quan thì vẫn tạm được."
"Nhưng cô còn đang ốm mà."
"..."
"Hay là xin quan trên cáo bệnh không tới?"
Hà sợ hãi xua xua tay:
"Lệnh quan không phải nói chơi. Ngài đã nói một người cũng không được thiếu. Chọc ngài nổi giận, chúng tôi chỉ còn nước bỏ xứ mà đi thôi."
Nói xong, nàng ta lại ôm ngực ho sặc sụa. Hoàng Lan nhìn bộ dạng ấy mà không nén nổi thở dài. Đừng nói đến đình làng đánh đàn, chỉ e Hà chưa bước qua cánh cổng kia thì đã bị gió quật đổ rồi.
"Chỉ cần có mặt đầy đủ thôi phải không?" Hoàng Lan đột nhiên nghĩ ra một ý: "Là ai cũng không quan trọng phải không?"
"Đúng vậy, chỉ cần có mặt đầy đủ là được, thỉnh thoảng vẫn có người đi thay người nhà mà." Lờ mờ đoán được ý tứ của đối phương, Hà rụt rè hỏi: "Hoàng Lan, không phải cô định...?"
Nụ cười của Hoàng Lan còn ấm áp hơn gió xuân. Nàng nắm tay Hà, nói chắc như đinh đóng cột:
"Cô đang ốm nặng, không tiện đi xa, việc này cứ để tôi làm thay cho. Sân đình đông người như vậy, tôi không tấu nhạc lên chắc cũng không ai để ý đâu. Yên tâm đi, tôi sẽ cẩn thận mà, tuyệt đối không để liên lụy tới cô và Trọng Sinh đâu."
"Nhưng mà..."
Hoàng Lan ngắt lời Hà:
"Cứ quyết định vậy đi. Hai người đã cứu mạng tôi, cũng phải cho tôi cơ hội đền đáp ân nghĩa này chứ."
Hà cảm kích nhìn Hoàng Lan, một lúc sau mới miễn cưỡng gật đầu.
Lúc quyết định giúp Hà, Hoàng Lan không hề biết rằng chuyến đi này sẽ thay đổi cả cuộc đời mình.
Khi có một vị công công xuất hiện, nàng mới biết rằng người ta tập trung những nữ nhạc trong dân gian lại, không phải để biểu diễn ột vị quan lớn nào đó xem, mà là vào cung phục vụ cho dạ yến ở Liên đài.
...
Khi không bị dẫn vào cung, Hoàng Lan không có cơ hội thoát ra ngoài. Gió đẩy thuyền trôi, tùy cơ ứng biến, nàng đành tiếp tục trà trộn trong đám nhạc công. Khi yến tiệc sắp diễn ra, người ta cũng phát cho nàng một cây đàn, nhìn qua khá giống đàn nguyệt. Nàng không biết chơi loại đàn này nên đành ngồi không, giả bộ đưa tay lên gẩy gẩy nhưng không dám gẩy mạnh đến mức phát ra tiếng động. Vẻ mặt của lại nhập tâm vô cùng, nhạc trầm thì nàng buồn, nhạc cao thì nàng vui, trông chẳng khác gì một người đang say sưa biểu diễn đến quên cả đất trời. Cũng may, cũng không ai phát hiện ra bản nhạc thiếu mất âm thanh của một loại đàn.
Trong một đám đông đang thi nhau thể hiện, đôi khi có nhiều thứ chỉ là hình thức.
Hoàng Lan cứ thế ngồi trong đám đông, không dám có hành động gì thái quá, chỉ chờ đến khi tan cuộc là lại theo đoàn nhạc công lẻn ra ngoài, vậy mà chiếc đàn trong tay nàng lại đột ngột đứt dây, đến chính Hoàng Lan cũng không hiểu rốt cuộc đang xảy ra chuyện gì.
...
Chú thích:
(1) Áo Viên lĩnh: Áo cổ tròn, còn gọi là Đoàn lĩnh. Áo có từ thời nhà Đường bên Trung Quốc, dần phổ biến vào thời văn minh Hoa Hạ. Người mặc Viên lĩnh, bên trong thường mặc một lớp Trung đơn trắng, sau cùng là một lớp áo Viên lĩnh bên ngoài, độ dài tương tự áo Giao lĩnh.
(2) Thường: Loại trang sức che phần hạ thân của người mặc, che phần váy - quần mặc phía trong và cả lớp áo mặc phía trên. Độ dài thường từ phần eo đến qua đầu gối 1 tấc, có loại gần đầu gối và tuyệt đối không chạm đất.
Truyện khác cùng thể loại
1663 chương
68 chương
156 chương
70 chương
8 chương
62 chương
10 chương