Tới Hạc Minh viện, liền gặp đại nha hoàn của lão phu nhân Thúy Tụ đang đứng canh, thấy mọi người đến, thì liền tươi cười bước lên hành lễ, tự mình dẫn họ vào. Lão phu nhân đã ngồi chờ sẵn, người mặc một bộ bối tử điểm hoa màu trắng ngà, trên tóc cài hai cây trâm tiên đào hiến thọ bằng vàng, không nhìn ra được bà đã bao nhiêu tuổi, sắc mặc hồng hào, tinh thần rất minh mẫn. Khi mọi người thỉnh an xong, Khúc lão phu nhân mới kéo tay Khúc Thấm mà bảo: - Thật tội nghiệp, Thấm nha đầu bệnh một trận vậy mà gầy đến thế này rồi, nhất định phải bồi bổ nhiều vào, muốn ăn gì thì cứ nói với đại bá mẫu của con, không được vì xấu hổ mà bạc đãi bản thân đâu đấy! Con gái ấy à, khi còn ở nhà mẹ đẻ thì mới có thể tự do một chút, không được để mình phải chịu tủi thân biết không… Rồi lại hỏi bệnh trạng của nàng, thường ngày ăn gì, thanh âm chậm rãi, vô cùng dễ gần. Khúc Thấm nhất nhất đáp lời bà, cảm ơn lão phu nhân đã quan tâm, vẫn như trước, không hề nịnh nọt, nhưng cũng chẳng mất lễ nghi. Mẹ ruột của Khúc Thấm là con gái nhà Bình Dương hầu Lạc gia, sau khi Lạc Thị mất, Lạc lão phu nhân rất yêu thương cháu ngoại gái này, không chỉ phái riêng ma ma giáo dưỡng trong cung đến, còn thường cho người đến đón Khúc Thấm vào kinh thành ở tại Lạc gia. Từ đó mà hai người sinh khác biệt, Khúc Thấm toàn thân đều tỏa ra khí thế hơn người, kiêu ngạo từ trong xương, hoàn toàn khác biệt với sự dịu dàng ôn nhu của Khúc Liễm. Đương nhiên, Khúc lão phu nhân biết rằng, đừng trông Khúc Liễm bề ngoài yếu đuối, nhưng thật ra lại chẳng phải là người nhu nhược. Khúc Thấm từ trước đến nay vẫn luôn yêu quý muội muội này, ma ma giáo dưỡng được Lạc gia phái đến cũng chỉ bảo cho Khúc Liễm không ít, hai tỷ muội được ma ma trong cung chỉ điểm, điệu bộ cử chỉ hơn hẳn những cô nương thế môn danh gia khác trong phủ Thường châu. Chẳng qua là Khúc Liễm thường ngày xinh đẹp khả ái, khiến người người nhìn thấy đã thương, không nỡ bỏ rơi nàng, vô hình mềm hóa mọi thứ, khiến nàng trông có vẻ nhu thuận hơn mấy phần. Khúc lão phu nhân cũng không phải kẻ thích rảnh rỗi sinh chuyện, nên cũng không bất mãn việc cháu gái không mấy thân thiết với mình. Hỏi han Khúc Thấm xong, Khúc lão phu nhân đúng lúc nhớ đến, bèn nói với Quý thị: - Lần trước con nói là muốn đi Chùa Tể Minh dâng hương, vậy có định khi nào thì đi chưa? Quý thị nghe xong, rất vui vẻ mà đáp: - Con vừa định nói với lão phu nhân đây, đang chuẩn bị để mai đi ạ. Con tính chỉ đi cùng Khúc Liễm thôi, Khúc Thấm còn chưa khỏe hẳn, cứ để nó ở nhà nghỉ ngơi vậy. Hơn nữa Khúc Thấm xưa nay cũng không thích đi dâng hương với bà, nên Quý thị cũng không ép. Khúc lão phu nhân gật đầu: - Hằng năm, đến lễ tắm Phật, phủ chúng ta đều đến tự dâng hương và thêm tiền dầu vừng, nhưng năm nay Hàm nha đầu sắp lấy chồng, đại tẩu con bận rộn, nhân dịp này, con cũng đem theo tiền dầu vừng đi dâng đi! Đây chỉ là việc nhỏ, dĩ nhiên là Quý thị đồng ý. Nói chuyện thêm một lát, mọi người đều cáo từ. Trở về Thu Uyển cư, Quý thị dặn hai tỷ muội nghỉ ngơi một lát cho khỏe, rồi mới đi chuẩn bị chuyện ngày mai đi dâng hương. Khúc Liễm thấy vẻ tín đồ cuồng nhiệt của mẫu thân, bất đắc dĩ lắc đầu, lại nhớ đến nhiệm vụ mà mẫu thân giao cho mình vài ngày trước, bèn quyết định hôm nay đem ra làm cho xong. Khúc Liễm sai Bích Xuân đi mài mực, Khúc Thấm khó hiểu hỏi: - Muội làm gì vậy? Trọng sinh một kiếp, nàng quên đi rất nhiều chi tiết trong cuộc sống ở ngõ Bình An phủ Thường châu, nhưng mỗi khi thấy những việc mẫu thân và đệ đệ muội muội làm, ký ức sẽ từ từ hiện về, làm nàng thấy thân thương vô cùng. Thời gian tốt đẹp nhất trong sinh mệnh của nàng, chính là những ngày còn sống ở ngõ Bình An phủ Thường châu, bấy giờ, tuổi họ đều còn nhỏ, Quý thị một lòng một dạ thờ Phật, thỉnh thoảng lại gây ra vài chuyện dở khóc dở cười, muội muội kiều diễm nhu thuận, nếu không thì hoa lộng thảo (chăm sóc cây cỏ, luyện chữ) thì thêu thùa may vá, như một tiểu thư khuê các tiêu chuẩn; đệ đệ toàn tâm toàn ý học hành, muốn vượt trội hơn người, đem tài năng của bản thân vì họ mà chống đỡ một khoảng trời. Không có những đau khổ và sinh ly tử biệt của ngày sau. Tất cả mọi người đều còn bình an. Khúc Liễm cười nói với nàng: - Lần này tỷ tỷ ngã bệnh nặng, làm nương sợ hãi, chép rất nhiều kinh thư cho Phật tổ, nương cũng để muội chép một phần, định dâng lên Chùa Tể Minh. Muội còn vài trang chưa chép hết, nhân lúc chưa ngủ nên định chép cho xong ấy mà. Nghe nàng nói vậy, Khúc Thấm cuối cùng cũng nhớ ra, không nhịn được cười thầm. Quý thị vẫn luôn là như vậy, chỉ cần xảy ra chuyện gì, bất luận là lớn hay nhỏ, thì liền muốn dâng hương bái Phật, cầu Phật tổ phù hộ, chính mình bái cũng thôi đi, còn muốn kéo theo con gái nhỏ. Tuy tính Khúc Liễm hơi lạnh nhạt, nhưng rất hiếu thảo với Quý thị, sai gì làm đó, ai thấy cũng phải khen nàng một tiếng hiếu thuận. Chẳng qua Khúc Thấm thấy, Khúc Liễm không chỉ hiếu thảo, mà còn bao dung cho Quý thị. Dẫu rằng cách nói con gái bao dung cho mẫu thân có hơi kỳ lạ, nhưng ba tỷ đệ họ phụ thân mất sớm, đã nếm trải tình người ấm lạnh, nên đều sớm trưởng thành hiểu chuyện, Quý thị lại là người hồn nhiên chân chất, Khúc Liễm là con gái ruột của bà, có nuông chiều bà một chút cũng không sao. Khi Khúc Liễm rửa tay xong ngồi vào bàn trước điện thờ, bắt đầu chép kinh thư, Khúc Thấm cũng ngồi cạnh, vừa uống trà vừa ngắm vẻ ngoan ngoãn chép kinh của muội muội, lòng bỗng hoảng hốt. Muội muội thoạt nhìn yếu đuối nhường ấy, sau này lại giết người vì nàng. Nàng vẫn nghĩ, nàng là tỷ tỷ, phải chăm sóc cho muội muội mới phải, nhất là cô muội muội mảnh mai xinh xắn như đóa hoa trong nhà kính này, và từ nhỏ đến lớn nàng vẫn làm rất tốt. Nhưng ai ngờ, cuối cùng ngược lại là muội muội phải săn sóc cho nàng, động viên nàng, để nàng cố gắng mà sống sót. Vì vậy, kiếp này đến lượt nàng chăm sóc cho muội muội, muội ấy chỉ cần an an ổn ổn gả cho Kỷ Lẫm là được rồi, dù họ không được phụ thân che chở đi nữa, người ngoài cũng đừng mơ tưởng bắt nạt được họ. Hôm sau, Khúc Liễm và Quý thị đi Chùa Tể Minh dâng hương. Khúc Thấm lo âu nhìn hai mẹ con xinh đẹp như hoa, sai nha hoàn chuẩn bị kỹ hai chiếc khăn sa che mặt, dặn dò: - Trong chùa nhiều người, nhất định phải bảo vệ tốt bản thân, không được lấy khăn xuống trước mặt người khác đâu đấy! Khúc Liễm mỉm cười nói với nàng: - Tỷ tỷ yên tâm đi, muội sẽ cẩn thận mà, lại có gia đinh hộ vệ đi theo nữa, không sao đâu. Nhưng Khúc Thấm vẫn không an lòng, lo lắng nhìn họ. Khúc Liễm cân nhắc, cảm thấy tỷ tỷ trọng sinh càng thêm yêu thương quan tâm họ hơn so với trước đây, không phải là dung mạo của mình và mẫu thân đã từng gây ra phiền phức gì đấy chứ? Nên tỷ ấy mới lo nghĩ như vậy. Trong nỗi lo của Khúc Thấm, Khúc Liễm đỡ mẫu thân lên xe ngựa. Chùa Tể Minh là ngôi chùa hương khói thịnh vượng hơn cả ở phủ Thường châu, tọa lạc trên đỉnh một ngọn núi ở phía Tây phủ Thường châu, từ chân núi nhìn lên, ngôi chùa thấp thoáng giữa sắc lá xanh biếc, chỉ có thể nhìn thấy mái hiên lấp ló, như rời xa chốn ồn ào, tách biệt với ngoại cảnh. Chính vì lý do đó, mới khiến các phụ nhân ưa thích đến dâng hương lễ Phật ở chùa Tể Minh. Đến chân núi chùa Tể Minh thì phải đổi sang nhuyễn kiệu để lên núi, thế nhưng cũng có vài vị phu nhân ngoan đạo đi bộ lên,thể hiện lòng thành. Quý thị là tín đồ ngoan đạo, cho rằng đi bộ lên thì mới là thành tâm, nên mỗi lần đến chùa Tể Minh dâng hương đều không dùng kiệu mà đi bộ lên núi. Khúc Liễm nghĩ, mình và mẫu thân trông yếu đuối nhưng kỳ thực thân thể rất mạnh khỏe, nhất định là có liên quan đến loại chuyện tiêu hao thể lực thế này. Nàng từ nhỏ đã quen đi cùng với mẫu thân lên chùa Tể Minh trên núi. Hôm nay khách hành hương đến chùa Tể Minh dâng hương rất đông, cũng có mấy người đi bộ lên giống họ. Phần lớn các vị phu nhân trẻ tuổi hoặc các cô nương cũng đều mang khăn che mặt, chỉ là dùng chất liệu khác nhau, có người dùng sa mỏng, lại có người dùng sa lưới, bên dưới khéo léo đính trân châu hay đá quý. Đương nhiên, cũng có vài người giữ nguyên dung mạo, các phụ nhân hơi lớn tuổi hoặc các tiểu cô nương không che mặt, ánh nắng ấm áp của tháng ba soi rọi trên những gương mặt ngây thơ của các cô nương, tràn đầy sức sống. Khúc Liễm dìu Quý thị, giữa vòng vây của nha hoàn ma ma, bắt đầu đi bộ lên núi. Chùa Tể Minh hương khói thịnh vượng, khách hành hương đông như trẩy hội, trong lúc đỡ mẫu thân lên núi, Khúc Liễm nhân dịp quan sát người qua lại xung quanh, thấy thậm chí còn có rất nhiều du khách kết bạn mà đi theo đoàn. Trong số đó có một nhóm công tử áo quần sang trọng vừa nói vừa cười đi về hướng phía sau núi chùa Tể Minh. Phía sau núi chùa Tể Minh từ lâu đã thành thắng cảnh, quang cảnh bốn mùa xuân hạ thu đông đều khác biệt, thu hút rất đông văn nhân thi sĩ đến thưởng lãm, danh xưng thắng cảnh nổi tiếng xa gần. Sau khoảng ba khắc chung, rốt cuộc họ cũng lên đến đỉnh núi. Sau khi đến nơi, hai mẹ con đều thở hơi gấp, vầng trán ướt đẫm mồ hôi. Ngay lập tức, có nhà sư phụ trách tiếp khách bước đến, hành lễ xong, sai ngay một chú tiểu dẫn họ vào sương phòng bên trong chùa nghỉ tạm, rửa mặt chải đầu uống nước. Rửa mặt chải đầu xong, hai mẹ con liền đi dâng hương, cũng dâng luôn kinh thư họ chép lên trước điện thờ. Rốt cuộc sau khi thêm xong tiền dầu vừng, Quý thị gọi một chú tiểu lại hỏi: - Chẳng hay hôm nay Minh Phương đại sư có khai đàn giảng kinh không? Minh Phương đại sư là cao tăng đắc đạo, tinh thông Phật pháp của Chùa Tể Minh, Quý thị lần nào đến cũng đều thích đi nghe Minh Phương đại sư giảng kinh, mỗi lần nghe xong đều khen ngợi không dứt, vô cùng sùng bái Minh Phương đại sư, chẳng khác gì fan cuồng của ông ấy cả. Chỉ tiếc là Minh Phương đại sư chỉ giảng kinh tùy theo duyên phận, chưa bao giờ định ra ngày chuẩn xác, làm Quý thị hơi tiếc nuối. Khúc Liễm tập mãi thành quen với đức hạnh của mẫu thân nhà mình, thôi thì chỉ cần bà ấy không khóc lóc, mọi chuyện đều có thể bàn bạc được. Chú tiểu cười nói: - Minh Phương đại sư đang ở trong chùa đấy, nhưng hôm nay ngài không khai đàn giảng kinh đâu. Quý thị có phần hy vọng hỏi: - Vậy có thể dẫn ta đến gặp Minh Phương đại sư không? Chú tiểu hơi khó xử, Minh Phương đại sư tinh thông Phật pháp, thường có khách hành hương nghe danh mà đến, do đó trừ nhũng ngày ngài khai đàn giảng kinh, đều ít khi chịu tiếp khách, mà có tiếp đi nữa, thì cũng phải tùy duyên. Nhưng Quý thị là Khúc tam thái thái ở phủ Thường châu, hơn nữa một lòng hướng Phật, là khách quen của chùa Tể Minh, thậm chí còn có chỗ riêng để nghỉ tạm, không thể dễ dàng làm mất lòng bà ấy được. Chú tiểu không còn cách nào, đành xin đi vào hỏi ý bề trên trước một phen. Sau khi chú tiểu đi rồi, Khúc Liễm mới nói: - Nương ơi, nếu Minh Phương đại sư không tiện tiếp khách, không bằng lần sau chúng ta hãy đến vậy. Quý thị lắc đầu nói: - Không được đâu, Minh Phương đại sư tinh thông Phật pháp, mẹ muốn xin ngài vài chiếc bùa bình an cho tỷ đệ các con đeo đấy, mong phù hộ tỷ đệ các con bình an, không bệnh không tai. Khúc Liễm nghe bà nói mà không biết nói gì, đành phải bình thản nói: - Người ăn ngũ cốc hoa màu, sao có thể không mắc bệnh chứ? - Trẻ con như con thì biết gì? Lần này tỷ con ngã bệnh, dường như không phải sự lành… Quý thị nói mơ hồ, nghĩ là không nên nói với con gái rằng dường như Khúc Thấm bị thứ gì đó bẩn thỉu ám vào người, làm lòng bà giờ vẫn còn sợ hãi, hôm nay đặc biệt đến đây, cũng không phải chỉ vì dâng hương đâu. Rồi lại nói: - Minh Phương đại sư Phật pháp uyên bác, quỷ tà không dám khinh nhờn, bùa ngài vẽ có thể trừ tà tiêu tai, tốt hơn hẳn bùa xin trong chùa đấy! Thấy bà nhất quyết muốn xin gặp, Khúc Liễm cũng không ngăn cản nữa. Đợi chú tiểu về, mới biết Minh Phương đại sư thế nhưng ngoại lệ mời họ qua, nhìn dáng vẻ mừng rỡ của Quý thị, Khúc Liễm lười không thèm nói nữa. Để ma ma ở lại, hai mẹ con đi theo chú tiểu đến đại điện nơi Minh Phương đại sư tu hành. Chẳng ngờ rằng, vừa mới tiến vào, thì thấy có một người đang ngồi trước mặt Minh Phương đại sư, xem ra là một thiếu niên tuổi không lớn lắm.