Thanh Triều Ngoại Sử
Chương 1 : Đại thích khách (Thượng)
Vọng gác đêm trăng nhớ giang san
Nhớ nhà đau đáu nỗi niềm mang
Nước non bờ cõi vào tay giặc
Hận lũ sói lang kiếm sẵn sàng
Cửa nhà yên ấm bỗng tan hoang
Chuồng trại cà dưa chốc điêu tàn
Thương dân sống cảnh lầm than lắm
Quặn lòng đau nhói thấu tâm can
Nằm phía tây cách kinh thành hơn hai trăm dặm, Quan Âm Tự - tỉnh Sơn Tây đứng tựa lưng vào vách núi cao sừng sững, trơ gan cùng tuế nguyệt. Mé tả là một ngọn thác hiểm trở, dòng nước hung dữ từ độ cao hơn chục trượng ầm ầm đổ xuống, bọt tung trắng xóa. Mé hữu trái ngược, lại là cánh rừng thông xanh ngắt, lác đác sắc xám của đá núi bốn phía xung quanh. Trong không khí đẫm hơi nước mát mẻ, khu rừng như khoác lên một màn sương mờ ảo, có phần u tĩnh hiền hòa. Một động một tĩnh không hề đối chọi, lạ thay lại kết hợp hài hòa tạo nên kỳ cảnh nhân gian hiếm có.
Không còn ai biết chính xác Quan Âm Tự được dựng từ bao giờ, màu thời gian huyền ảo ấy càng phủ lên ngôi chùa này một sắc thái cổ kính và linh thiêng huyền bí, góp phần đưa nó trở thành chốn ưa thích không chỉ của khách hành hương mà cả giới tao nhân mặc khách suốt một dải trăm dặm Sơn Tây.
Có điều hôm nay, Quan Âm Tự thường ngày tấp nập lại vắng bóng du khách. Không những thế, chu vi năm dặm quanh đây càng không một bóng người, ngoại trừ lác đác từng tốp lính tuần phòng qua lại. Vài vị khách phương xa sau cơn hoảng hốt vì bị xua đuổi, hỏi ra mới hay từ mười ngày trước Hoàng đế Thuận Trị băng hà khiến thiên hạ rúng động. Cho nên từ kinh thành xa xôi, xa giá Thái hoàng thái hậu Hiếu Trang cùng tân Tiểu hoàng đế ngày đêm vội vã khởi hành đến tận Quan Âm Tự nơi này, lo chuyện hậu sự cho Tiên đế Thuận Trị. Đồng thời truy tôn thụy hiệu Tiên hoàng thành “Thể Thiên Long Vận Đỉnh Thống Kiến Cực Anh Duệ Khâm Văn Hiến Vũ Đại Đức Hoằng Cung Chí Nhân Sơ Hiếu Chương Hoàng Đế.”
Người ta thường nói “Hoàng đế động, thiên hạ rùng rùng theo sau,” huống hồ giờ đang là thời điểm chuyển giao quyền lực vô cùng nhạy cảm. Cũng dể hiểu vì sao ngoài quân địa phương Sơn Tây phong tỏa năm dặm chung quanh, mặt chính diện Quan Âm Tự còn cờ xí rợp trời, lớp lớp nhân mã khôi giáp vũ khí sáng loáng, đội ngũ chỉnh tề, canh gác cẩn mật. Chỉ cần kẻ am hiểu tình hình kinh thành có mặt nơi đây, ắt nhận ra cờ hiệu kia đại diện cho Tứ mệnh đại thần cùng đoàn quân Bát Kỳ. Ngay cả rừng thông bên mé hữu cũng âm u khác hẳn thường ngày, lộ ra một sát khí chết người. Với địa hình hiểm trở cùng bố phòng nghiêm mật như vậy, kẻ nào có ý định hành thích tân hoàng hẳn là điều hết sức ngu xuẩn.
Bất quá trong thiên hạ, thời nào cũng vậy, đâu thiếu kẻ anh hùng hào kiệt, gan lớn trùm đời…
Chính điện Quan Âm Tự hương trầm bảng lảng. Khang Hi tiểu hoàng đế lúc bấy giờ đang bái lạy bài vị của tiên hoàng Thuận Trị. Bên cạnh là thái hoàng thái hậu Hiếu Trang hoa dung sầu lụy, đau buồn ủ rũ, lã chã lệ châu. Phía sau mấy bước, đương cung kính cúi đầu là hai nhân vật tay nắm trọng quyền, đã sớm tuyên thệ trung thành với Khang Hi - Lại bộ thị lang Sách Ngạch Đồ và Ngự lâm quân thống lĩnh Mã Tề.
Trong không khí thành kính trang nghiêm, bỗng hai vị đại nhân ấy chau mày, đưa mắt nhìn nhau. Hiển nhiên, họ đã phát hiện ra điều bất thường. Mã Tề quay sang nhìn Sách Ngạch Đồ, khẽ hỏi:
- Sách đại nhân, ngài có nghe thấy tiếng gì không?
Sách thị lang nhẹ gật đầu. Sau một thoáng chăm chú, Mã Tề thấp giọng:
- Bước chân di chuyển quá nhẹ nhàng. Những kẻ đang đến chắc chắn đều là hàng cao thủ.
Sách Ngạch Đồ gật gù khẳng định:
- Ừ, hẳn vậy!
Bàn tay Mã Tề bất giác siết chặt chuôi kiếm.
Vù, vù, vù...
Mã Tề chưa kịp rút kiếm, đã có tiếng y phục lất phất, tám bóng người thình lình xuất hiện ngoài sân, trong đó bảy người khoác y phục dạ hành. Những kẻ này dù che đi diện mạo, nhưng tướng tá cao ráo đường bệ uy vũ hiên ngang, cho thấy đều không phải hạng vô danh tiểu tốt. Người duy nhất không che mặt, là một lão ni cô, tóc bạc trắng như tuyết.
Thái hoàng thái hậu Hiếu Trang dầu có chuẩn bị tâm lý sẵn nhưng vẫn không khỏi giật mình kinh hãi, theo phản xạ vội đỡ Khang Hi dậy, ôm chặt vào lòng, cặp lông mày ngài nhíu chặt, lộ ra bảy phần tức giận ba phần lo lắng. Bên ngoài có một vòng phòng vệ, vậy mà tám người này như đi vào chốn không người. Sách Ngạch Đồ và Mã Tề đương nhiên ý thức được điều nguy hiểm tột đỉnh sắp sửa xảy ra rồi, tức tốc đứng cạnh nhau, thành tấm bia chắn sống cho tiểu hoàng đế.
Ngự lâm quân thống lĩnh Mã Tề cao giọng:
- Tại hạ Mã Tề, tuy không còn lăn lộn giang hồ đã lâu, nhưng đồng đạo võ lâm vẫn thường gọi Thần Kiếm Thiên Long. Dám hỏi các vị hảo hán là người phương nào?
Thân mang quan tước không nhỏ, Mã Tề lại xưng hô bằng ngoại hiệu trong giang hồ, ý đồ hòa hoãn rất rõ. Song lão ni cô chỉ đảo mắt một cái, nhếch mép khinh bỉ không thèm trả lời.
Mã Tề nhíu chặt cặp lông mày rậm, quan sát kỹ hơn, chỉ thấy một khuôn mặt lạnh lùng. Môi lão ni cô khép chặt, phần môi trên khá mỏng tạo cho người ta ấn tượng đây là con người khắc nghiệt. Đôi mắt bà hơi híp lại, sắc như đao kiếm. Mã Tề nhìn xuống thì thấy một ống tay áo phất phơ trong gió, hiển nhiên lão ni cô này đã cụt mất một tay. Tay còn lại cầm cây phất trần lại không mất đi phần tiêu sái. Trong đầu Mã Tề nảy ra một suy đoán, thốt lên kinh ngạc:
- Không lẽ bà là Cửu Nạn sư thái? Các ngươi là Giang Nam thất... phỉ?
Bà lão bấy giờ mới chịu lên tiếng, môi không hề mấp máy, âm thanh vẫn cuồn cuộn phát ra cho thấy nội lực phi phàm:
- Không sai! Coi như kiến thức tên cẩu quan nhà ngươi cũng không tệ.
Câu đầu tiên đã mắng chửi người, lại xuất ra từ một lão ni đầu bạc, không khỏi khiến người ta coi thường. Song Mã thống lĩnh lại biết tám người này bất cứ ai cũng có bản lãnh khuynh đảo một phương, thường hay hành hiệp trượng nghĩa nên danh vọng rất cao trong võ lâm, tự xưng là Giang Nam thất hiệp. Ngoài cường hào ác bá, không ít quan quân triều đình Mãn Thanh đã chết dưới tay bọn họ. Dưới con mắt triều đình, từ lâu bọn họ đã là phỉ đồ.
Có điều hai tiếng “thất phỉ” với bọn họ lại vô cùng chối tai, nhất là Cửu Nạn sư thái ghét ác như cừu, đó không khác gì sự sỉ nhục nặng nề.
Thực ra, Mã Tề đã từng nghe danh tiếng lẫy lừng của tám người này, có phần coi nhẹ. Nhưng trăm nghe không bằng mắt thấy, tiếng quát của Cửu Nạn sư thái chứa đựng một luồng nội lực cực lớn, ong ong mãi trong đầu Mã Tề, lúc gần lúc xa, lúc cuồng nộ như sấm chớp, lúc thanh thoát như chốn địa đàng. Quái âm nửa âm nửa dương khác người như vậy khiến họ Mã vô cùng khó chịu. Hiển nhiên âm công của lão ni cô rất cao cường.
Da gà hốt nhiên nổi đầy hai cánh tay Mã Tề. Một cảm giác lạnh buốt như có ai đó đặt một lớp băng trên đỉnh đầu gã vậy. Nó chạy dọc từ đằng sau cổ của Mã Tề, men theo sống lưng, một mạch xuống tận hai gót chân.
Dù Mã Tề được giang hồ xưng tụng là Thần Kiếm Thiên Long, nhưng đứng trước bà lão này lại không khỏi phát run. Chỉ riêng phong thái tiêu sái bất phàm, ung dung giữa thiên quân vạn mã ấy Mã Tề tự thẹn không bằng.
Trái ngược với Mã Tề, Sách Ngạch Đồ nãy giờ vẫn điềm tĩnh, chẳng chút e ngại. Phần vì bấy lâu nay Sách Ngạch Đồ có tiếng là kiệm lời, phần khác đừng thấy gã trông như thư sinh mà coi thường. Tuy là Lại Bộ thị lang song người trong võ lâm đều biết tiếng, vốn là kẻ không sợ trời đất, nao núng trước quỷ thần. Trước đòn thị uy của Cửu Nạn sư thái, Sách gia chỉ đáp một câu gọn lỏn:
- Ngưỡng mộ đã lâu!
Xong ngửa mặt lên trời cười nhạt.
Mã Tề sau cơn hốt hoảng, cố gắng lấy lại bình tĩnh mạnh giọng quát hỏi:
- Các ngươi muốn gì?
Hỏi xong y lập tức thấy hớ. Người bình thường không được tuyên triệu dám tiếp cận hoàng đế đã đủ mang ra chém đầu rồi. Huống chi một đám mặc y phục dạ hành giữa ban ngày, vượt qua tầng tầng lớp lớp quân phòng vệ, thử hỏi còn mục đích gì nữa, ngay đứa trẻ lên ba cũng trả lời được. Nó cho thấy Mã Tề vẫn chưa thoát khỏi trạng thái hốt hoảng bối rối. Tố chất ấy với một Thống lãnh ngự lâm quân mà nói, quả thực không xứng chút nào.
- Hỏi dư thừa!
Quả nhiên Cửu Nạn sư thái nở nụ cười giễu cợt:
- Ngoài lấy đầu thằng nhãi kia còn muốn gì nữa?
Dứt lời, cây phất trần liền ra sức đánh tới, thế nặng như núi.
Truyện khác cùng thể loại
7 chương
247 chương
118 chương
167 chương
47 chương
10 chương
631 chương