Thánh Kiếm Đoạt Hồn
Chương 34 : Thoát khỏi vòng vây
Thấy Thanh Kỳ lệnh chủ đã thoát ra ngoài mấy trượng, Lý Duy Năng giận lắm hắn phóng chận ngang đầu người áo đen và tung chiếc quạt ra như sấm sét...
Hình như không muốn tham chiến, người áo đen chỉ hoành kiếm đánh vạt thế quạt của Lý Duy Năng và nhảy tới sát chỗ đứng cửa hai tên thơ đồng khẽ gắt :
- Hãy theo ta...
Vừa nói hắn vừa đánh luôn hai kiếm nữa vừa đủ cho Lý Duy Năng chùn bước là vội vẫy tay cùng với hai tên thơ đồng phóng vọt ra vòng chiến.
Lý Duy Năng phóng mình vút theo như bóng với hình.
Vì Lý Duy Năng bám sát cho nên bao nhiêu cung thủ của Lý gia đành ghìm dây cung nhìn theo chứ không dám buông tên...
Hình như người áo đen không muốn giao đấu với Lý Duy Năng cho nên hắn cứ thi triển khinh công nhắm ngay vào rừng rậm và cho tới khi Lý Duy Năng theo hút đến thì hắn đã ẩn mất vào những tàng cây rậm xa xa.
Lý Duy Năng thét lớn :
- Ngươi có chạy đàng trời...
Thân ảnh cùng một lúc bắn bổng lên chúi thẳng vào rừng.
Nhưng bóng dáng của người áo đen đã không còn thấy nữa, Lý Duy Năng chỉ nghe loáng thoáng có giọng truyền âm nhập mật rót nhẹ vào tai :
- Ta không muốn có cuộc giao đấu này đâu...
Ngay lúc đó Lý Duy Năng vẫn còn ngơ ngác thì từ phía trong ven rừng bên trái có tiếng người hối hả lao ra, Lý Duy Năng thét lớn :
- Ai?
Khang Văn Huy lên tiếng :
- Thuộc hạ đây, Đại công tử...
Tiếp theo là Dương Sĩ Kiệt.
Khang Văn Huy nói tiếp :
- Đại công tử, trong rừng rậm ban đêm khó lòng truy kích, chúng ta nên đành chờ dịp khác là hơn.
Dương Sĩ Kiệt nói liền theo :
- Cồ lão tiên sinh đã đoán đúng rồi.
Lý Duy Năng cau mặt hỏi :
- Cồ lão tiên sinh đã nói sao?
Dương Sĩ Kiệt nói :
- Khi Đại công tử đang bức thối Thanh Kỳ lệnh chủ thì ông ta khẽ nói: “Tuy Thanh Kỳ lệnh chủ không phòng bị để rơi vào thế yếu nhưng đêm nay không chắc bắt được đâu”...
Khang Văn Huy nói tiếp :
- Hình như Cồ tiên sinh biết trước sự có mặt của Hắc Kỳ lệnh chủ.
Lý Duy Năng cau mặt :
- Hắc Kỳ lệnh chủ? Tên áo đen che mặt giải thoát cho Thanh Kỳ lệnh chủ quả đúng là Hắc Kỳ lệnh chủ... Nhưng sao Cồ tiên sinh lại đoán biết?
Khang Văn Huy đáp :
- Chính thuộc hạ cũng thấy làm lạ con người ấy...
Ngưng một chút, hắn nói tiếp tiếp :
- Chúng ta đang cùng Ngũ Phượng môn chiến đấu gay go, xin công tử hãy quay về thỉnh cầu ý kiến của Cồ tiên sinh, người ấy tất có nhận xét cao minh lắm.
Lý Duy Năng khẽ gật đầu :
- Nghiêm huynh cũng đã có nói với tôi rằng chẳng những Cồ tiên sinh là người tinh thông y học mà lại là người có kiến thức vô cùng quảng bác, vì Nghiêm lão bá khi gặp chuyện khó khăn đều phải thỉnh ý ông ta và chính ông ta đã nói với Nghiêm lão bá rằng muốn đối phó hữu hiệu với Ngũ Phượng môn điều trước tiên là phải liên hợp cho được Tứ đại thế gia của võ lâm hiện tại...
Ba người vừa nói chuyện vừa lần ra khỏi rừng trong khi đó bên ngoài trang dinh của Lý gia đã thắp đuốc sáng ngời bày biện đội hình nghiêm chỉnh thủ hộ sát ven rừng.
Cồ Thiên Khải và Nghiêm Tú Hiệp thì thầm bàn tán.
Lý Duy Năng ra lệnh cho Khang Văn Huy điều động trang dinh quay trở về Lý gia trang...
* * * * *
Hắc Kỳ lệnh chủ chặn được bọn Lý Duy Năng bèn theo hút bước Thanh Kỳ lệnh chủ.
Theo được một khoảng khá xa chợt thấy một tên ăn vận theo lối thư đồng đứng đợi, hắn vừa thấy Hắc Kỳ lệnh chủ thì đã vòng tay cung kính :
- Tham kiến Tứ lệnh chủ.
Hắc Kỳ lệnh chủ chưa kịp hỏi thì tên thơ đồng nói tiếp :
- Tiểu tỳ là Tiểu Hương, vâng lệnh bản Lệnh chủ ở đây đón Lệnh chủ.
Sực nhớ Đào Ngọc Lan có tên tỳ nữ là Tiểu Hương nên Hắc Kỳ lệnh chủ hỏi :
- Tam sư thư bây giờ ở đâu?
Tiểu Hương đáp :
- Bản Lệnh chủ đang đợi ở bên trong rừng này, tiểu tỳ xin hướng dẫn.
Vừa nói vừa quay mình bước đi.
Hai người đi được chừng mấy trượng thì thấy một thơ đồng thoáng ra chặn lại :
- Ai?
Tiểu Hương cười nói :
- Tứ lệnh chủ đã đến.
Tên thơ đồng lật đật cúi mình :
- Tiểu tỳ là Tiểu Hoa xin tham kiến Tứ lệnh chủ.
Hắc Kỳ lệnh chủ chưa kịp đáp thì tiếng của Đào Ngọc Lan từ trong rừng vọng ra :
- Tứ sư đệ đã đến rồi à? Chúng ta đi thôi...
Là Giang Hàn Thanh giả dạng, tự nhiên tên Hắc Kỳ lệnh chủ này đâu có lạ gì Đào Ngọc Lan? Hắn chỉ cần nghe giọng nói là biết đúng ngay, nhất là khi thấy nàng từ trong bước ra hơi thở hãy còn dồn dập chứng tỏ cuộc chiến vừa rồi với Lý Duy Năng đã làm cho nàng có phần quá sức...
Hắc Kỳ lệnh chủ vội hỏi :
- Chúng ta đi bây giờ?
Đào Ngọc Lan nói :
- Trở lại Biên Thành.
Hắc Kỳ lệnh chủ hỏi :
- Thuộc hạ toàn bộ tại Biên Thành, tại sao tam sư thư lại đến đây với hai tỳ nữ?
Đào Ngọc Lan nói :
- Lý Duy Năng tuy chưa lịch lãm giang hồ nhưng tên Tổng quản Khang Văn Huy là con người đáng nể nhất là vùng ba tỉnh chung quanh đều là thế lực của Lý gia, nếu không khéo sẽ bị chúng phát giác ra sào huyệt, vì thế phải chọn nơi này tạm làm điểm đàm phán với Lý Duy Năng.
Hắc Kỳ lệnh chủ làm thinh gật đầu...
Bốn người đi một mạch gần ba mươi dặm qua khỏi hai dải núi là đến một vùng sơn cốc. Hắc Kỳ lệnh chủ đảo mắt nhìn quanh thấy nơi này là chỗ ít người lai vãng chung quang toàn là cổ thụ chọc trời.
Nhưng vì tối trời quá nên khôn thể nhận định tình hình cốc khẩu. Hắc Kỳ lệnh chủ đoán chừng nơi đây chắc là chỗ mà Đào Ngọc Lan vừa gọi là “Biên Thành”.
Vào trong sâu, hai bên chực sẵn hai hàng vệ sĩ áo xanh. Họ vừa thấy Thanh Kỳ lệnh chủ tức Đào Ngọc Lan thì tất cả đều vòng tay cúi đầu cung kính.
Càng đi vào sâu hai bên đường càng hẹp lại, chỉ vừa đủ một người một ngựa đi qua. Bên trong lòng cốc khẩu địa thế cũng không rộng lắm, thấp thoáng những tòa núi nhỏ như giả sơn vừa giống thiên nhiên vừa giống nhân tạo.
Đào Ngọc Lan đưa Hắc Kỳ lệnh chủ đến một gian nhà dưới chân một tòa núi nhỏ.
Tiểu Hương và Tiểu Hoa bước lên trước mở cửa rồi đứng dạt bên.
Hắc Kỳ lệnh chủ đảo mắt thật nhanh, hắn thấy bốn bên tòa núi nhỏ này đều có bốn gian nhà, có lẽ đó là những gian nhà dành cho vệ sĩ của Thanh Kỳ lệnh chủ.
Nếu cứ cho rằng trong một gian nhà như thế có mười tên võ sĩ thì có bốn gian đã lên đến bốn mươi người nhưng chắc chắn rằng mỗi gian không chỉ có mười tên.
Ngay khi Hắc Kỳ lệnh chủ và Thanh Kỳ lệnh chủ bước vào khu vực thì trong nhà đã nổi đèn ngay và Đào Ngọc Lan đưa tay mỉm cười :
- Xin thỉnh tứ đệ vào trong.
Hắc Kỳ lệnh chủ hơi rung động, hắn vội nói :
- Vâng xin tam sư thư đi trước.
Hắn với cung cách thủ lễ như thế nhưng thật sự thì trong lòng hắn đã bắt đầu chuẩn bị, hắn cảm thấy như đang đi vào hổ huyệt, chỉ cần một chút sơ xảy thì khó mà toàn mạng...
Thanh Kỳ lệnh chủ cũng không khách sáo, nàng bước đi trước và cười nói :
- Tứ sư đệ cảm thấy địa thế ở đây như thế nào?
Hắc Kỳ lệnh chủ bước theo và xuýt xoa :
- Úi chà chỗ này thì tốt quá rồi, nó là một cốc hẹp thiên nhiên nhưng thật đúng là chỗ mà binh pháp đã nói: một người đứng giữ, muôn người khó xâm nhập... Nhưng Tam sư thư làm sao tìm ra chỗ này hay thế?
Đào Ngọc Lan nói :
- Chính Y Hộ pháp tìm ra đó chứ, Hà Bắc Lý gia thanh thế lẫy lừng, thực lực của họ cũng đáng nể lắm, chỉ cần có gì khác lạ hiện ra là họ sẽ có tai mắt thấy ngay, vì thế nên mới chọn chỗ này vì nó là chỗ hoang vu không người lui tới không ai chú ý.
Vừa nói, Đào Ngọc Lan vừa bỏ khăn che mặt, nàng thở phào một hơi ngồi xuống ghế :
- Thật không ngờ Lý Duy Năng võ công cao như thế nếu không có Tứ sư đệ đến kịp thời đêm nay hậu quả sẽ không sao tưởng tượng.
Tuy ăn vận theo lối nam trang nhưng bằng vào khổ mặt và tư thế của nàng quả thật Đào Ngọc Lan có một vẻ đẹp... mê hồn.
Hắc Kỳ lệnh chủ ngồi xuống chiếc ghế kế bên và nói giọng khiêm nhường :
- Tiểu đệ vâng lệnh của Tam sư thúc đến đây ứng cứu nhưng lại để cho Tam sư thư phải đối phó khá lâu, đúng ra đó là lỗi của tiểu đệ đấy chứ.
Ngay lúc đó Tiểu Hương bưng khay trà lên, Đào Ngọc Lan căn dặn :
- Tiểu Hương, hãy đốt ngọn hồng đăng.
Tiểu Hương vâng lệnh lui ra, một lát sau cô ta mang vào một ngọn hồng đăng.
Đào Ngọc Lan nhìn thẳng vào mặt Hắc Kỳ lệnh chủ và hỏi :
- Tam sư thúc giao cho Tứ sư đệ điều tra về Giang Hàn Thanh, chẳng hay chuyện ấy đã đi đến đâu rồi.
Hắc Kỳ lệnh chủ đáp hơi chậm :
- Từ lúc xá đệ bị Độc Nhãn Diêm La Đơn Hiểu Thiên bắt đi nửa đường thì gặp một tên thư sinh áo trắng đem đi, đến nay không nghe tin tức chi cả. Tiểu đệ đã cho người điều tra khắp chỗ nhưng cũng vẫn chưa có kết quả.
Đào Ngọc Lan sặc cười :
- Tứ sư đệ nói bằng một giọng y hệt là anh của Giang Hàn Thanh thật vậy.
Hắc Kỳ lệnh chủ cũng cười :
- Nếu khẩu khí của tiểu đệ không giống Giang Bộ Thanh thì đã lộ liễu lâu rồi.
Bên ngoài chợt có một giọng nói rổn rảng như chuông gióng :
- Khải bẩm Lệnh chủ, tại hạ Y Thừa Nghiệp xin bái kiến.
Đào Ngọc Lan với khăn che mặt lại rồi ra lệnh cho tiểu Hương :
- Cho vào.
Tiều Hương bước ra ngoài cửa nói lớn :
- Lệnh chủ cho vời.
Hắc Kỳ lệnh chủ thấy thêm một chuyện lạ.
Như vậy khi tiếp kiến thuộc hạ thì họ cũng vẫn phải che mặt lại.
Và như vậy những thuộc hạ trong một Lệnh Kỳ cũng không phải ai cũng thấy được mặt thật của vị chỉ huy, tự nhiên cũng không thể biết lai lịch xuất thân của người chỉ huy trực tiếp của mình.
Hắn nhận thấy tổ chức này cũng khá là chu đáo.
Sau tiếng triệu thỉnh của Tiểu Hương, từ ngoài cửa bước vào một người hơi lùn thấp và trên mặt cũng che khăn.
Nhưng khi bước vào trong thì người ấy lại lật khăn che mặt xuống ngay, ông ta là một lão già trạc năm mươi tuổi có hàm râu thưa ngắn, mình vận chiếc áo màu xanh, vừa lột khăn xuống đã vội vòng tay :
- Thuộc hạ tham kiến nhị vị Lệnh chủ.
Đào Ngọc Lan khẽ gật đầu :
- Hà Bắc Lý gia có truyền Thiết Vũ lệnh tiễn, họ liên lạc đồng đạo võ lâm ba tỉnh Ký, Dự, Tấn để tra ra tung tích của ta, vậy Y Hộ pháp hãy truyền lệnh cho tất cả người của chúng ta bắt đầu từ giờ phút này phải cẩn thận trong mọi hành động, những quần áo bình thường đều nên thay đổi, cố tránh màu xanh để địch khỏi bị địch chú ý, ngay nơi cốc khẩu này cũng phải tăng sự canh phòng giới bị...
Y Thừa Nghiệp cúi đầu :
- Thuộc hạ xin tuân mạng.
Sau đó hắn ngẩng mặt lên và nói tiếp :
- Thuộc hạ vừa nhận được sự vụ của Phân đàn nhưng vì Lệnh chủ không có mặt ở đây nên đặc biệt cho bồ câu mang tin đến, chẳng hay...
Đào Ngọc Lan dậm chân :
- Hỏng rồi, nếu Hộ pháp cho bồ câu mang tin đến là thì chắc chắn đã lọt vào tay họ Lý...
Và ngẩng mặt lên hỏi lại :
- Vụ Lệnh của Tổng phân đàn nói những gì Y Hộ pháp đã có xem chưa?
Y Hộ pháp cúi đầu :
- Đó là một mật thư nên thuộc hạ không dám mở.
Đào Ngọc Lan cau mày nhưng nàng chưa kịp nói gì thì từ bên ngoài chợt nghe có tiếng động nhỏ của chim đập cánh, nàng vội vẫy tay :
- Tiểu Hương, hãy ra xem có phải bồ câu mang thư của ta trở về đó không?
Tiểu Hương vâng dạ và nhanh chân chạy ra, mấy phút sau thấy nàng cầm một chiếc ống nhỏ bước vào.
Đào Ngọc Lan tiếp ống trúc, mở ra lấy mảnh giấy bên trong, nàng chỉ liếc qua rồi quay mặt nói với Y Hộ pháp :
- Tam sư thúc phái ta lập tức đến Hàng Châu, như vậy đối với công việc của Lý gia tạm thời án binh bất động và tất cả những công việc nơi đây Y Hộ pháp cứ toàn quyền xử lý.
Y Hộ pháp hỏi :
- Chẳng hay bao giờ Lệnh chủ mới về.
Đào Ngọc Lan nói :
- Trong vụ lệnh đó không nói rõ nhưng chắc có lẽ cũng phải đến mười bữa hay nửa tháng.
Y Hộ pháp hỏi luôn :
- Chẳng hay Lệnh chủ còn có chi dạy bảo?
Đào Ngọc Lan nói :
- Tất cả những người của ta phái đến ngầm phục ở Lý gia trang đều đã bị chúng khám phá, có thể bắt nguồn từ đó, bọn Lý gia sẽ theo dõi truy cứu hành tung của chúng ta, như thế khi không có mặt ta ở đây, nghiêm cấm không cho một ai trong bản kỳ xuất ngoại. Tam cung chủ cũng đến Hàng Châu, nhất định sẽ có lệnh mới, vậy tất cả những gì cũng phải chờ ta về.
Y Hộ pháp :
- Thuộc hạ tuân lệnh.
Nói xong, hắn cúi đầu một lần nữa và lui trở ra ngoài.
Nghe nói Tam cung chủ cũng đến Hàng Châu, Hắc Kỳ lệnh chủ giật mình...
Phải chăng Tổng đàn của chúng đặt tại Hàng Châu?
Sau khi Y Hộ pháp ra rồi, Đào Ngọc Lan trao mảnh giấy và nói :
- Sư phụ đã đến Giang Nam, hiện giờ có mặt tại Hàng Châu. Tam sư thúc đã đến đó chúng ta cũng phải đi ngay. Tứ sư đệ hãy xem.
Hắc Kỳ lệnh chủ tiếp lấy, thấy trong lệnh “Dụ truyền Thanh Kỳ lệnh chủ truyền Hắc Kỳ lệnh chủ: Đại cung chủ đã đến Hàng Châu, tất cả hãy lên đường đến đó ngay không được chậm trễ.
Bên dưới có một dấu triện, ở trong có khắc bốn chữ “Phi Thúy Tiểu Trúc”.
Có thể bốn chữ “Phi Thúy Tiểu Trúc” là khẩu hiệu chính của Tổng phân đàn tại Giang Nam.
Hắc Kỳ lệnh chủ nghĩ thầm :
- “Cứ theo khẩu khí trong vụ lệnh thì Hàng Châu không phải là Tổng đàn của chúng, nhất là chỉ bảo đi đến đó chứ không nói rõ chỗ nào thì chắc chắn địa điểm này không phải lạ, không phải chỉ mới đến lần đầu”.
Nhưng cảm thấy không tiện hỏi về chuyện đó nên Hắc Kỳ lệnh chủ hỏi qua việc khác :
- Tam sư thư định bao giờ thì khởi hành?
Đào Ngọc Lan nói :
- Sư phụ đã đến Hàng Châu, trong vụ lệnh lại bảo chúng ta đi ngay thì tự nhiên chúng ta phải đi ngay.
Tiểu Hương hỏi :
- Bẩm Lệnh chủ, còn tiểu tỳ thì sao? Có phải theo Lệnh chủ đến Hàng Châu không ạ?
Đào Ngọc Lan nói :
- Ngươi và Tiểu Hoa hãy ở lại đây, không cần phải theo ta.
Tiểu Hương chớp chớp :
- Trên có Thiên Đường, dưới có Hàng Tô, người ta đã ví Tô Châu và Hàng Châu là Thiên Đường hạ giới, thế mà Lệnh chủ không cho chúng tôi đi theo!
Hắc Kỳ lệnh chủ khẽ cau mày...
Cứ theo cách nói của con tỳ nữ nầy thì hóa ra cả chủ và tớ của chúng đều chưa tới Hàng Châu cả sao?
Đào Ngọc Lan nhìn cô tỳ nữ mỉm cười :
- Tổng phân đàn của chúng ta tại Giang Nam này thì lo gì lại không có dịp đến Hàng Châu mà ngươi nôn nóng dữ?
Và nàng quay qua nói với Hắc Kỳ lệnh chủ :
- Tứ sư đệ hãy ngồi lại đây một chút, để tôi vào sửa soạn rồi ta lên đường.
Nói xong, nàng quay vào trong sửa soạn.
Lợi dụng cơ hội thăm dò, Hắc Kỳ lệnh chủ hỏi Tiểu Hương :
- Tam sư thư đã đưa các cô đến Giang Nam mà chưa đến Hàng Châu lần nào à?
Tiểu Hương lắc đầu :
- Đâu có. Chúng tôi mỗi lần đi đều hối hả lắm, luôn cả Tô Châu gần nhất mà cũng chưa được đi dạo bao giờ.
Hắc Kỳ lệnh chủ cười :
- Tam sư thư nói đúng lắm, chúng ta còn ở Giang Nam lâu dài thì lo gì không có ngày đi dạo những thắng cảnh.
- Đúng rồi, Lệnh chủ đã ở Kim Lăng lâu lăm, chắc đã có dạo nhiều về cảnh Tây Hồ chứ?
Hắc Kỳ lệnh chủ nói :
- Có chứ sao không. Ở đó có nhiều thắng cảnh đẹp lắm, ta còn nhớ nơi tại Đại Minh Hồ có một câu đối “Tứ diện hà hoa tam diện liễu, nhất thành sơn sắc bán thành hồ”, câu đối đó nếu đổi đi vài chữ thì rất giống với cảnh Tây Hồ, có thể đọc là “Tứ diện thanh sơn tam diện liễu, nhất thành thanh sắc bán thành hồ”, đọc như thế là hình dung ngay trước mắt cảnh Tây Hồ.
Đào Ngọc Lan từ trong bước ra mỉm cười :
- Tứ sư đệ, đệ còn nhớ hay không? Năm trước khi ta theo Đổng giáo thụ học thi văn thì sư đệ cười ta là kẻ lãng mạn, thế sao bây giờ sư đệ cũng sính thơ như thế chứ?
Hắc Kỳ lệnh chủ hơi giật mình nhưng hắn lấy lại tự nhiên ngay :
- Tiểu Hương hỏi đệ về cảnh Tây Hồ, tiểu đệ đành mượn mấy câu cổ văn đem mô tả chứ tiểu đệ mà có biết chi là thơ văn đâu.
Đào Ngọc Lan bây giờ đã cải trang, nàng ăn vận theo một người đàn ông lối bốn mươi tuổi, mặt nàng cũng đeo mặt nạ giả, nhưng dáng cách của người con gái vẫn giữ nguyên, nàng nhếch môi :
- Nhưng có thể nhớ được thơ của Tô Đông Pha cho hợp cách mình muốn tả thì cũng phải là người có chí đọc thơ lắm đó chứ.
Hắc Kỳ lệnh chủ thầm nghĩ: Cứ theo khẩu khí của nàng thì Hắc Kỳ lệnh chủ là một con người chỉ thích võ chứ không thích văn.
Nhưng hắn vẫn cười khỏa lấp :
- Nhưng Tam sư thư đừng khinh tiểu đệ thế chứ, trong gần một năm nay tiểu đệ đã phải đọc rất nhiều cổ văn đấy nghe.
Đào Ngọc Lan hỏi :
- Nhưng nguyên nhân nào khiến cho tứ sư đệ thích thơ thế chứ?
Hắc Kỳ lệnh chủ cười :
- Tam sư thư quên rồi à? Nó là chuyện không làm không được đây mà. Tam sư thư chắc cũng nghe qua Giang Bộ Thanh là người thích thơ văn đấy chứ? Hình như cứ lúc rảnh rỗi là y như trên tay hắn có quyển Đường Thi Tam Bá Thủ, và như thế nên tiểu đệ phải cố công học tập thì mới đúng vai trò chứ?
Đào Ngọc Lan cười :
- Nhưng nhớ rằng Tô Đông Pha vốn không phải là nhà thơ đời thịnh đường đâu nhé.
Hắc Kỳ lệnh chủ cũng cười :
- Đó là những bài thơ mà tiểu đệ đọc thấy trong Thiên Gia Thị chứ không phải trong Đường Thi Tam Bá Thủ.
Ngay khi đó chợt nghe tiếng gà xa xa báo hiệu trời sáng.
Đào Ngọc Lan ngẩng mặt nhìn trời rồi nói với Hắc Kỳ lệnh chủ :
- Trời sắp sáng rồi rồi, chúng ta sửa soạn lên đường là vừa.
Nàng nhìn Hắc Kỳ lệnh chủ và ngần ngừ nói tiếp :
- Tứ sư đệ cũng nên hóa trang để cho bớt sự chú ý của người khác.
Hắc Kỳ lệnh chủ nói :
- Được lệnh của Tam sư thúc là tiểu đệ hối hả đi ngay, cho nên đâu có mang theo vật dụng cũng như y phục hóa trang, xin Tam sư thư cho đệ mượn tạm.
Đào Ngọc Lan nói :
- Mặt giả thì tôi còn có sẵn một bộ đây, nhưng quần áo thì sư đệ làm sao mà mặc được. À Tiểu Hương, ngươi hãy đến chỗ Thích Hộ pháp mượn một bộ quần áo, hình như vóc dáng của Tứ sư đệ và Thích Hộ pháp có hơi vừa đấy.
Tiểu Hương vâng lệnh ra đi và Đào Ngọc Lan đưa cho Hắc Kỳ lệnh chủ một chiếc mặt nạ, hắn đeo và hỏi lại :
- Tam sư thư cho biết coi hiện tại tiểu đệ là người như thế nào?
Đào Ngọc Lan cười :
- Là một danh nhân khoảng ba mươi tuổi có làn da trắng mét.
Hắc Kỳ lệnh chủ gật đầu :
- Vâng, tiểu đệ nhớ rồi.
Tiểu Hương mang vào một cái áo choàng ngoài trao cho Hắc Kỳ lệnh chủ :
- Xin Lệnh chủ mặc thử xem có vừa người không?
Hắc Kỳ lệnh chủ mặc áo vào và gật gật đầu :
- Khá lắm, thật là khít khao vừa vặn không có rộng chật gì lắm.
Đào Ngọc Lan nói :
- Thôi chúng ta hãy đi cho gấp.
Và quay lại bảo Tiểu Hương :
- Bảo thắng ngựa cho ta.
* * * * *
Vừng đông đã lên khỏi chân trời, vùng đồi núi hãy còn sương giăng mù mịt.
Ngoài hai tên vệ sĩ áo xanh, chung quanh mấy gian nhà im lặng thin thít.
Đào Ngọc Lan và Hắc Kỳ lệnh chủ thì Tiểu Hương và Tiểu Hoa đã giắt hai con ngựa yên cương chu tất.
Sau khi căn dặn hai tên nữ tỳ, Đào Ngọc Lan và Hắc Kỳ lệnh chủ lên yên rẽ về hướng Đông.
Ra khỏi sơn cốc, hai người cho ngựa phi nước đại, mãi đến trưa ngày hôm ấy cả hai đến một tửu điếm tại Võ An và nghỉ lại ở nơi này.
Võ An là giao giới giữa Hà Nam, Hà Bắc. Hai người ngồi một chút thì thấy có bốn kỵ sĩ thoát qua hướng về phía Bắc, người nào cũng vận kình trang đeo vũ khí và dáng cách rất vội vàng.
Hắc Kỳ lệnh chủ khẽ liếc qua thầm nghĩ :
- “Cứ theo cách này thì Thiết Vũ lệnh tiễn của Thiên Thu trang của Lý gia đã được gửi cùng khắp nẻo, như thế thì lực lượng của Lý gia trang vẫn còn khá mạnh”...
Hắn khẽ liếc nhìn xem thái độ của Đào Ngọc Lan.
Hình như nàng cũng đã thấy rồi nhưng ngoài mặt vẫn thản nhiên.
Hắc Kỳ lệnh chủ thầm nhận thấy con người của nàng quả thật khá là trấn tĩnh, đối với một con người như thế, hắn cảm thấy phải thận trọng từng ly...
Ăn uống xong xuôi hai người lại lên đường, quả đúng như ước đoán của Hắc Kỳ lệnh chủ, dọc đường họ gặp khá nhiều cao thủ võ lâm cùng phi ngựa về hướng Bắc, chứng tỏ là Lý gia trang đã truyền lệnh khắp nơi.
Đào Ngọc Lan chỉ cười khẽ chứ không lên tiếng, hình như đối với người Tứ sư đệ này vốn với nàng không thích hợp lắm cho nên nàng cũng rất ít hay nói chuyện.
Tự nhiên Hắc Kỳ lệnh chủ nhận ngay ra điều đó, hắn cảm thấy thật quá khó khăn bởi vì hắn còn nhiều vấn đề còn chưa biết, hắn mong trên con đường đi đến Hàng Châu sẽ chờ vào những dịp chuyện trò để phăng lần ra manh mối hầu đánh giá cho đúng mức, thế nhưng gặp phải thái độ lạnh như tiền của Đào Ngọc Lan làm cho hắn đâm ra lúng túng.
Nhất là trong trường hợp này, trong trường hợp nàng đã không thích nói chuyện mà hắn hỏi phăng thì nhất định sẽ bị ít nhiều chú ý.
Chỉ trong vòng hai ngày sau là hai người đã tới địa phận Hàng Châu.
Nói đến Hàng Châu là phải nói đến Tây Hồ.
Tục ngữ gần xa đều nói trên là thiên đàng, dưới có Hàng Tô, họ đã ví Tô Châu và Hàng Châu như thiên đàng hạ giới.
Nhưng thực sự thì khi đến Tây Hồ mới thấy danh phù kỳ thực.
Khi hai người cho ngựa chầm chậm vào thành, Đào Ngọc Lan mới mở miệng :
- Tứ sư đệ, sư đệ đã thường tới Hàng Châu rồi chứ?
Hắc Kỳ lệnh chủ gật đầu :
- Vâng, năm rồi tiểu đệ có đến Tây Hồ, cùng đi có Hồ hộ pháp, hắn vốn là người Hàng Châu nhân có dịp nên thẳng tới Tây Hồ.
Hắn nhớ lại năm xưa đại ca của hắn thường nói Hồ Tuấn Tài vốn là người Hàng Châu và cũng có nói đã đi một chuyến sang Tây Hồ nên nói luôn như thế.
Đào Ngọc Lan hỏi :
- Như vậy đối với Hàng Châu tự nhiên Tứ đệ biết ít nhiều chứ?
Hắc Kỳ lệnh chủ gật đầu :
- Tiểu đệ chỉ cùng Hồ hộ pháp đến Tây Hồ dạo cảnh xem hoa chứ đâu biết được nhiều? Chuyến này có Tam sư thư cùng đi thì chắc chắn sẽ được Tam sư thư chỉ bảo cho biết nhiều hơn.
Đào Ngọc Lan lắc đầu :
- Tôi chưa đến Hàng Châu lần nào cả.
Không biết nàng nói thật hay nói dối vì rất sợ nàng thử ý mình nên Hắc Kỳ lệnh chủ nhóng hỏi :
- Chứ Tam sư thúc không có nói với Tam sư thư à?
Đào Ngọc Lan nhướng mắt :
- Tam sư thúc có nói gì đâu. Tứ sư đệ không có xem trong chỉ dụ sao? Trong ấy chỉ nói khi được chỉ dụ thì lập tức đi ngay chứ đâu có chỉ định địa điểm.
Thấy dáng cách của nàng không phải là nói dối, hắn nghĩ thầm :
- “Mình không dám hỏi gì với nàng nhiều, nhưng bây giờ thì đúng là nàng không biết!”.
Một ý nghĩ lóe lên trong đầu, Hắc Kỳ lệnh chủ mỉm cười :
- Nếu Tam sư thúc không nói rõ thì tiểu đệ có cách này...
Đào Ngọc Lan hỏi nhanh :
- Tứ sư đệ có cách gì?
Hắc Kỳ lệnh chủ thấp giọng :
- Trong vụ lệnh chỉ bảo mình tới Hàng Châu, vậy mình cứ tìm một khách sạn nào đó nghỉ ngơi nhất định sẽ có lịnh sau.
Đào Ngọc Lan gật gật đầu :
- Cách đó thì hay đấy, lần trước đến đây Tứ sư đệ ngủ tạm ở chỗ nào?
Hắc Kỳ lệnh chủ nói :
- Phía trước kia là Chiêu Hiền trang, tiểu đệ xin đưa Tam sư thư đến đó.
Truyện khác cùng thể loại
270 chương
59 chương
24 chương
70 chương
1089 chương
10 chương
11 chương
18 chương
89 chương