Thanh Cung Mười Ba Triều

Chương 86 : Vụ Án Văn Tự Chết Cả Họ Chỉ Vì Thơ

Tên thủ hạ của Uông Như Long bị bọn thị vệ vây bắt tự thấy khó thoát, bỗng quay ngược mũi dao nhè thẳng tim mình mà đâm vào, miệng chỉ kêu được một tiếng "chao ôi!" rồi ngã quay ra đất, mắt, trợn ngược lên, chết luôn tại chỗ. Bọn thị vệ vội chạy lại gỡ con dao ra, cởi chiếc áo ngoài của hung thủ, bỗng thấy lộ ra một bộ ngực trắng mịn với cặp vú cao vòi vọi có đôi núm danh dảnh. Cả bọn lấy làm lạ. Lột thêm cái mũ, họ lại thấy một bộ tóc mây dài đen óng như tơ. Cuối cùng lột đến đôi giày ra, họ còn thấy một đôi chân nho nhỏ xinh xinh. Thì ra một thiếu nữ tuyệt sắc chứ chẳng phải là tên thủ hạ nào của Uông Như Long. Bọn thị vệ không dám xem thường, một mặt chạy về báo cho thị vệ trưởng biết, một mặt chạy báo cho gia đình Uông Như Long hay. Vợ Long hối hả chạy tới nhìn xem mới biết tên thích khách giết họ Uổng chẳng ai xa lạ mà chính là Tiểu Mai. Bộ quần áo nam trang nàng mặc đó chính là bộ quần áo của tên thủ hạ thân tín nhất của Uổng. Hỏi ra mới biết tên thủ hạ này đã cao bay xa chạy từ hồi nào không rõ! Người ta lại lục trong túi áo tìm ra được lá đơn kêu oan. Trong lá đơn này có kể nào Hoà Khôn vu khống gia đình họ Kháng, nào cha nàng là Dư Đại Hải muốn thay họ Kháng để báo thù, nào Uông Như Long cưỡng dâm nàng, lại còn bán đứng cha nàng ra sao, và sở dĩ nàng hạ sát Long là bởi vì: một để báo thù cho cha, hai để rửa hận cho mình. Lá đơn nói thêm Hoà Khôn là một gian thần hại nước, mong cầu hoàng thượng lập tức bắt hắn trị tội. Bọn thị vệ đều là những tay tâm phúc của Hoà Khôn, vội đem huỷ đơn đi ngay cho chủ, rồi tâu láo với Càn Long hoàng đế rằng tên thích khách nọ tay cầm con dao nhọn xông tới phía dưới ngự lâu, ngó trước nhìn sau có ý hành thích hoàng thượng song bị Uông Như Long trông thấy chặn hắn, do đó hắn mới giết chết Uông Như Long. Càn Long hoàng đế nghe bọn thị vệ tâu láo mà vẫn tin là thật. Bởi vậy ngài hạ chỉ truy tặng cho Long đệ nhất phẩm triều đình, còn sai Lương Thi Chính thay mặt mình tới nhà Long làm lễ "ngự tế", đồng thời cấp cho vạn lạng bạc dùng cho đám tang. Từ khi xảy ra vụ Uông Như Long bị giết, Càn Long hoàng đế hễ đi tới đâu cũng nơm nớp đề phòng. Ngài nghĩ rằng Thanh Hà, Giang Hà cùng cả bọn mười con danh kỹ kia đều không có ý tốt cho nên ngay đêm đó đuổi ra vườn hết. Mặt khác ngài hạ lệnh cho tập hợp người ngựa rồi điều động tuần thám ngày đêm bên ngoài vườn. Hai chị em Thanh Hà và Giang Hà đang được hoàng đế sủng ái, bỗng thấy bị đuổi ra chẳng hiểu ý tứ của ngài ra sao, nên hai nàng nũng nịu làm bộ như quyến luyến lắm không muốn đi. Ngài mới nói dối là khi nào hồi loan sẽ đem cả hai về kinh, lại vờ hỏi hai nàng sống nơi đâu thì Thanh Hà hồi tấu: - Khuê phòng của bọn thiếp ở ngay trên bờ sông, phía dưới lều có trồng một cây liễu lớn. Càn Long hoàng đế lại bảo: - Bọn ngươi chờ tin ta hồi loan, khi tới Dương Châu thì treo ngay một chiếc lồng đèn đỏ lên trên lầu. Ta sẽ sai người tới đón bọn ngươi về kinh. Hai chị em Thanh Hà thấy Càn Long hoàng đế nói vậy, mừng rỡ khôn xiết, và sau đó về ngay căn phố lầu bên sông ngày ngày chờ đợi. Trên đường du ngoạn, Càn Long hoàng đế thường gặp phải thích khách, cho nên ngài nghi rằng lòng dân vẫn còn nhiều kỳ thị Mãn - Hán, chỉ muốn giết hoàng đế nhà Mãn Thanh để báo thù cho dân tộc Hán. Ngài lại tự nhủ cái tư tưởng báo thù rửa hận đó phần nhiều là do bọn đọc sách, tức bọn trí thức xách động mà nên. Bởi vậy muốn tra xét xem dân tâm ngay dối, yêu ghét ra sao, trước hết cần phải theo sát mấy anh chàng đọc sách đó đã. Nghĩ vậy Càn Long hoàng đế bèn hạ chiếu cho những vùng ngài đi ngang qua, bọn sĩ tử được phép dâng thơ văn sáng tác lên để đích thân ngài xem, nếu hay sẽ thưởng tiền nếu hay tuyệt sẽ thưởng quan hàm chức tước. Chiếu chỉ vừa ban xuống thì bọn sĩ tử vọng tưởng danh lợi ùn ùn kéo tới dâng thơ, hiến văn. Hoàng đế nhận thơ và giao cho mấy vị đại thần thị tòng giỏi văn thơ duyệt xét. Tuy không có áng văn chương nào gọi là kiệt tác nhưng cũng không có câu nào tỏ ý chống đối cả Hồi đó có một vị danh sĩ già họ Giao người Giang Âm, nhân vì công danh chẳng vừa ý bèn sáng tác một bộ tiểu thuyết tên là "Dã tấu bộc ngôn" (lời nói thẳng của ông lão nhà quê). Họ Giao ỷ vào tài học của mình cho nên trong sách nói đủ thứ: nào là thiên văn, địa lý, nào là quân sự, nào là lễ nhạc, lịch số, nào là âm nhạc văn thơ… chẳng có thứ nào là chẳng nói tới. Nhân vật chính trong chuyện chẳng phải ai khác mà chính là ông ta đội cái tên khác đó thôi. Khì kể đoạn "Tây Hồ giết rồng" thì lời lẽ khí khái quả chẳng tầm thường, nhưng khi kể tới nàng Lý Xuân Nương nào đó thì giọng văn lại dâm đãng nhơ nhớp lạ thường. Ông lão có một cô gái tên gọi Hàng Nương, thông hiểu chữ nghĩa lại rất thông minh. Cô Hàng thấy cha mình viết sách có nhiều chỗ phạm kỵ lại mô tả quá dâm ô thì thế nào cũng bị huỷ hoặc cấm, nên thường hay khuyên cha sửa chữa lại. Nhưng phải cái ông lão Giao, tính ngông nghênh hết sức chướng, chẳng thèm nghe con! Đã thế ông lại còn bắt Hàng Nương chép lại bộ sách của ông bằng chữ chân phương hết sức cẩn thận, và đóng thành một trăm bản, chứa trong một cái tráp. Ông chứa tại đây là để chờ khi Càn Long hoàng đế ngự giá ngang qua là sẽ đem dâng. Ngày thường có vị thân hữu nào đến nhà là y như ông đem sách ra cho họ xem, để khoe cái học rộng của mình. Trong số thân hữu đó có một vị tên gọi Kim Lang Phủ, vốn là một tay thiếu niên đọc sách, lại giàu có. Phủ thấy Hàng Nương xinh đẹp nên đã nhờ mối lái tơ ướm đôi ba lần nhưng lão Giao chê Phủ là người khinh bạc, từ chối. Phủ im lặng từ đó nhưng luôn căm giận trong lòng. Chú ruột của Phủ tên gọi là Kim Ngẫu Phương cũng có chuyện kiện tụng lôi thôi tới cửa quan về chuyện ruộng đất với gia đình họ Giao, do đó đôi bên lại cũng có điều không thuận nhau. Kim Lang Phủ được biết ông lão họ Giao viết bộ sách trong đó rất nhiều điều kỵ huý. Bộ sách này chính Phủ đã được đọc. Tin chắc được dịp tốt để rửa hận, Phủ liền lên nha môn của quan tri phủ Giang Âm để mật cáo. Viên tri phủ này vốn đã được mật chỉ của triều đình về việc sưu tra những trước tác phản nghịch, nay được Kim Lang Phủ cáo mật tỏ ý mừng lắm. Thế là viên tri phủ Giang Âm đích thân tới nhà lão Giao để thăm viếng. Ông lão họ Giao có biết đâu là kế, lại còn vác cả bộ sách "Dã tẩu bộc ngôn" của ông ra để khoe nữa. Viên tri phủ thấy trên đầu sách có rất nhiều những lời khoa trương khoác lác, nhất là đoạn kể việc "giết rồng" thì rõ ràng ngụ ý giết vua rồi, bèn ngỏ lời tán tụng mấy câu lấy lệ, và quyết rằng một khi dâng sách lên hoàng đế thì thế nào cũng được thưởng. Ông lão họ Giao nghe nói lấy làm đắc ý lắm! Hôm đó, Càn Long hoàng đế tới Giang Âm. Ông lão họ Giao mặc áo thụng dài trịnh trọng nâng cái tráp, cung kính quỳ lạy ngay bên bờ sông để dâng sách. Viên tri phủ Giang Âm đã chờ đợi trước, chỉ còn chờ trên ngự chu hô tiếng "bắt" là y hạ thủ ngay. Không ngờ khi dâng lên ngự chu, đem mở tráp ra thì tuy có một bộ sách thật nhưng bên trong chẳng có chữ nào, toàn là giấy trắng mà thôi. Càn Long hoàng đế lấy làm lạ, truyền chỉ ra ngoài hỏi như thế nghĩa lý gì. Ông lão họ Giao lúc đó mới biết sách của mình chi toàn có giấy trắng bèn hoảng hồn bạt vía, chẳng hiểu ra sao cả, miệng méo xệch đi không còn nói được một câu nào nữa. Càn Long hoàng đế thấy bộ tịch ông lão như vậy, cho rằng chỉ là một lão khùng bèn truyền chỉ ra ngoài quở trách vài ba câu rồi cho về. Thế là Kim Lang Phủ với viên tri phủ Giang Âm hoài công bao ngày đồ mưu lập kế hại người, rút cục suýt hại chính cả mình. Riêng đối với ông lão họ Giao bộ sách "Dã tẩu bộc ngôn" là cả một bầu tâm huyết từ lúc còn trẻ đến lúc đời đã hầu tàn. Ấy thế mà nay một chữ cũng chẳng thấy, thử hỏi làm sao ông chẳng thương tâm. Ông ở trong nhà thở ngắn than dài, hết ngày này qua ngày khác. Ông có ngờ đâu rằng bộ sách quý của ông đã bị chính con gái cưng của ông đánh cắp đem chứa vào trong một cái chum nhỏ, chôn kỹ trong vườn sau. Mặt khác nàng mua giấy về đóng một trăm quyển khác giống in như những quyền cũ, bỏ vào trong tráp khoá lại cẩn thận. Ấy chính nhờ cô con gái biết lo xa cô hành động khôn ngoan này mà ông đã thoát tội. Mãi về sau, khi cha đã mất và mình đã có chồng rồi, Hàng Nương đến đào chum sách lên cất kín trong nhà nên mới còn truyền đến ngày nay, đó là việc sau xin kể vào dịp khác. Lại nói Càn Long hoàng đế phòng người Hán phản bội, nên đã gây ra những vụ "án văn tự". Bởi thế hồi đó, ngài đã tìm ra được hai vụ - một vụ là "Hắc mẫu đơn thi" (thơ vịnh hoa mẫu đơn mầu đen), còn một vụ nữa là "Trụ lâu thi cảo". Bài thơ vịnh hoa mẫu đơn đen vốn là sáng tác phẩm của Đại học sĩ Thẩm Đức Tiềm. Tiềm tên tự là Qui Ngu, vốn một tay thơ cự phách. Càn Long hoàng đế tuy vốn liếng văn chương chẳng mấy gì, nhưng lại thích khoe mình là người văn học thường xướng hoạ thi ca với bọn đình thần. Nhưng ngài chỉ sợ mình có phen lộ tẩy, lòi cái dốt nát ra khiến bọn bày tôi cười vào mũi cho, bởi thế ngài mời hai vị đại thần luôn luôn ở cạnh để làm bài "gà" cho mình. Một người tên gọi Kỷ Hiều Phong chuyên làm văn thay cho ngài. Còn một người nữa chính là Thẩm Đức Tiềm, chuyên làm thơ. Về sau Tiềm chết đi. Lương Thi Chính thế vào chân đó. Thẩm Đức Tiềm thấy Càn Long hoàng đế coi trọng mình nên thường có vẻ kiêu ngạo, ngay cả trước mặt ngài. Cũng vì mọi việc thơ phú đểu phải nhờ Tiềm, Càn Long hoàng đế cũng bỏ qua đi, không muốn nói đến những tiểu tiết đó trái lại còn đặc biệt kính trọng là khác. Lúc sáu mươi tuổi, Tiềm vốn là một tú tài. Nhưng đến bảy mươi tuổi thì Tiềm vọt lên cái chức Tể tướng. Và đến tám mươi tuổi, Tiềm từ quan về vườn. Thế mà Hoàng đế vẫn thường còn sai người tới nhà riêng vấn an, thật là cả một điều vinh dự lớn lao cho Tiềm. Càn Long hoàng đế có làm mười hai "Ngự chế thi tập", bèn sai đưa tới nhà Thẩm Qui Ngu để nhờ duyệt lại, và nếu cần thì sửa sang cho thơ được thập phần hoàn hảo. Thẩm Qui Ngu nhận sách, đem duyệt, chẳng thèm nể nang gì nhà vua, cứ thực mà khen chê, khiến trong tập thơ có nhiều chỗ bị phê bình quá gắt gao, với những lời lẽ rất tệ nữa, đó là chưa kể còn rất nhiều đoạn thơ bị vứt bỏ đi là khác. Khi bộ "Ngự chế thi tập" gởi trở về kinh, Càn Long hoàng đế xem lại, trong lòng thực không vui tí nào, nhưng vì nể mặt lão thần, ngài đảnh làm thinh, không nói gì cả. Cách một năm sau, Thẩm Qui Ngu chết. Năm này cũng là năm mà Càn Long hoàng đế tuần du phương Nam, đi về ngả Tô Châu. Qua địa phương này, ngài bỗng nhớ lại họ Thẩm, bèn truyền chỉ xa giá tới phần mộ của Thẩm để tế viếng. Cũng trong dịp này, ngài xuống chỉ gọi hết con cháu của họ Thẩm đến. Ngài nghĩ bụng Thẩm Đức Tiềm tức Qui Ngu vốn là thi nhân một thời thì trong nhà tất nhiên phải có trước tác, thế là ngài liền hỏi thử xem. Đám con cháu của Tiềm thừa hưởng sự nghiệp của ông cha, quá sung sướng rồi, ngày đêm chỉ rủ nhau cờ bạc rong chơi, chẳng học hành gì cả, cho nên có biết chữ nghĩa gì nhiều đâu. Bởi thế, khi Càn Long hoàng đế hỏi tới, chúng đâu có biết gì là phạm huý hoặc không phạm huý, vội vào nhà lễ mễ đem hết mọi di cảo của ông cha ra và dâng lên. Càn Long hoàng đế mở ra xem, thấy còn có rất nhiều bài thơ chưa được ghi vào trong thi tập, hơn nữa rất nhiều bài thơ làm thay cho hoàng đế cũng được chép vào trong, phía dưới chú thêm ba chữ "ĐẠI ĐẾ TÁC" (làm thay vua). Hoàng đế xem xong, bất giác thẹn quá hoá giận. Ngài tự nhủ: lão già này biết thơ của trẫm đã in và phát ra ngoài rồi, ấy thế mà lão vẫn còn đề chữ "làm thay" trong thi cảo này, há chẳng phải là có dụng ý phỉ báng trẫm? Lòng lúc này quả không được vui tí nào, song ngài vẫn chưa tìm ra cách để xử trí. Nhưng đến lúc xem tới cuối sách, ngài thấy một bài thơ nhan đề là, "HẮC MẪU ĐƠN THI" 1 ngay vào bài đã hạ hai câu: "Đoạt Chu phi chính sắc. Dị chủng diệc xưng vương", thì ngài không còn giữ được bình tĩnh nữa, cả giận quát lớn: - Chà! Tên đại nghịch bất đạo Thẩm Qui Ngu giỏi thật! Rõ ràng hắn nói trẫm đã cướp ngôi thiên tử của họ Chu, lại còn chửi trẫm là dị chủng nữa. Như thế thì làm sao trẫm nhịn được? Thế là ngài lập tức hạ chỉ: "Thẩm Đức Tiềm lúc sinh thời được hậu ơn của triều đình. Nay xem tới di trước, trẫm mới biết y có ý phỉ báng triều, có lòng phản loạn chống đối. Vậy trẫm hạ chỉ: quật mồ phá bia của hắn, kéo thây ma hắn trong quan ra, chém đầu răn chúng. Còn con cháu họ Thẩm nhất luận đày tới Hắc Long Giang để sung quân. Chỉ giữ lại cháu nội năm tuổi, truất làm thường dân, để nối dõi tông đường mà thôi". Vụ án văn tự này kết liễu thì cả một bọn văn nhân anh nào anh nấy hoảng quá, suốt ngày chỉ cúi đầu rụt cổ ngồi trong xó bếp, chẳng dám bò ra tới cổng nữa. Và cũng từ đó, chẳng anh nào đám ho he thơ phú để đem dâng ngự lãm. -------------------------------- 1HẮC MẪU ĐƠN THÍ (Thơ hoa mẫu đơn đen) Đoạt chu phi chính sắc. Dị chủng diệc xưng vương Có nghĩa là: Cướp màu đỏ thì chẳng phải là màu sắc chính Giống quái lạ cũng xưng vươn Trong câu thơ thứ nhất: Chu có nghĩa là màu đỏ. Hoa mẫu đơn được gọi là vua các loài hoa - mẫu đơn màu đen tức là đã bị mất đi màu đỏ. Chu còn là họ của vua nhà Minh vì thuỷ tổ triều. Minh là Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ). Câu thơ trên có ý ám chỉ nhà Thanh cướp ngôi nhà Minh thì chằng phải là chính thống. Câu thứ nhì có nghĩa "giống quái lạ cũng xưng vua". Ý mỉa mai khinh ghét nhà Màn Thanh: "dị chủng" (giống quái lạ) ám chỉ nhà Mãn Thanh thuỷ giống Man rợ ở phía bắc, chứ không phải giống Hán. Càn Long nghĩ vậy nên tức giận quá mà trừng phạt Thẩm Đức Tiềm..