Thanh Cung Mười Ba Triều
Chương 34 : Vua Thái Tông Đăng Vị
Anh Minh hoàng đế tức vua Thái Tổ, sáng lập nhà Mãn Thanh, đã mất.
Ngài mất vì một viên đại bác của quan kinh lược sứ Liêu Đông Viên Sùng Hoán.
Lúc lâm chung, ở bên cạnh ngài chỉ có Đại bối lặc Đại Thiện, bà Nạp Thích và người con trai Đa Nhĩ Cổn của bà.
Việc trối trăng hậu sự, Anh Minh hoàng đế đã dặn dò cẩn thận trước ba người vừa vợ vừa con thân yêu này.
Nhưng người ta không ngờ được rằng sự thể rồi đây lại khác hẳn ý ngài…
Bà Nạp Thích nằm phục bên cạnh chồng, kêu gào thảm thiết.
Đại Thiện, Đa Nhĩ Cổn cùng nắm tay cha mà khóc.
Giữa lúc buồn khổ sầu thảm ấy, Tứ bối lặc hối hả chạy từ ngoài vào thấy cha đã chết nằm đó nhưng chẳng khóc lóc gì, hỏi ngay tới việc lập thái tử.
- Phụ hoàng trối lại lập ai làm thái tử?
Đại bối lặc thấy mặt y có vẻ chẳng lành, biết lúc này chẳng thể nói, bèn trả lời một cách hàm hồ.
- Phụ hoàng vừa mất.
Mọi sự bọn ta sẽ thu xếp.
Tứ bối lặc nghe đoạn lạnh lùng nói:
- Có gì mà phải thu xếp dần! Phụ hoàng đã mất thì lập thái tử là một việc tối quan hệ.
Anh ở đây lo tang sự cho phụ hoàng.
Còn em binh quyền nắm trong tay em có thể chủ động việc này.
Đối với hai anh A Mẫn và Mãng Cổ Nhĩ Thái em đã nói qua rồi.
Mọi sự bên ngoài, hai anh đó đều nghe theo em cả, anh khỏi cần lo ngại.
Em sẽ xếp đặt ổn thoả.
Nói xong Tứ bối lặc trở ra, có vẻ dương dương tự đắc.
Bà Nạp Thích và Đại Thiên xem cử chỉ của Tứ bối lặc biết y đã có dự bị bên ngoài.
Nếu xảy ra cuộc tranh giành ngôi báu tất nhiên nguy hiểm không thể tránh khỏi.
Vả chăng bà Nạp Thích cũng chẳng dại gì để con cưng của bà bị giết, bởi vậy bà khẩn khoản với Đại Thiện chớ tiết lộ việc vua cha đã lập Đa Nhĩ Cổn làm thái tử, tình nguyện bỏ luôn cái ngai vàng của hoàng đế để bảo toàn tính mạng cho cả hai mẹ con.
Đại bối lặc thấy tình cảnh của bà Nạp Thích quả thật nguy ngập nên đồng tình lờ chuyện thái tử đi.
Qua ngày thứ hai, các vị bối lặc, đại thần đưa thi hài Anh Minh hoàng đế vào thành Thẩm Dương, quàn tại chính điện để thờ phụng, có Đạt Hải Pháp sư cùng bọn Thích Ma Tăng tụng kinh siêu độ.
Đến giờ khâm liệm, văn võ bá quan cùng các bối lặc, thân vương tề tập tại nội điện để sửa soạn làm lễ.
Bỗng thấy Tứ bối lặc, Nhị bối lặc, và Tam bối lặc ai cũng đeo bộ đao hùng hổ tiến vào điện, phía sau có đến hai ba trăm tên võ sĩ theo bén gót dàn hàng chữ nhất dưới thềm.
Tứ bối lặc nhảy lên điện, miệng hô lớn:
- Còn có một việc lớn chưa ổn định.
Di thể của phụ hoàng thong thả rồi hãy liệm.
Hô xong, y kéo mạnh Đại bối lặc lại giữa điện.
Các vị đại thần ai cũng mặt cắt không còn giọt máu.
Mọi người lại nghe Tứ bối lặc cất tiếng bảo Đại bối lặc.
- Nước không thể một ngày không vua, dân không thể một ngày không chúa.
Phụ hoàng mất đã ba ngày, thế mà ta chưa định được ngôi quốc chủ, đến nỗi lòng ba quân bên ngoài xao xuyến, rối loạn tới cực điểm.
Em tuy nắm binh quyền nhưng thực không trấn áp nổi nữa.
Nếu không tin anh hãy nhìn kìa!
Nói đến đây, Tứ bối lặc lấy tay chỉ ra ngoài cửa điện.
Những tiếng đổ vỡ rầm rầm bỗng vang lên làm mọi người giật mình.
Thì ra cửa điện đã bị phá tan hoang.
Ngoài cửa, đông nghẹt lính tráng kẻ nào kẻ nấy đều nai nịt, gươm giáo tua tủa sáng ngời… Đám quân sĩ vừa trông thấy Tứ bối lặc, đồng thanh hồ rầm trời:
- Tứ bối lặc vạn tuế! Tứ bối lặc vạn tuế!
Vừa tung hô, chúng vừa giơ cao gươm giáo, một phần để mừng, một phần để doạ…
Khi đám binh sĩ tung hô vạn tuế vừa xong, Tứ bối lặc lại bảo Đại bối lặc:
- Lúc phụ hoàng lâm chung chỉ có anh và em mà thôi.
Vậy phụ hoàng đã nói những gì với anh?
Đại bối lặc nghe Tứ bối lặc nói xong hiểu rõ thâm ý của em, tự nhủ chính mình cũng chẳng muốn làm thái tử thì tội gì không thuận nước xuôi thuyền để giải nỗi hận thù.
Bởi vậy ông liền trả lời:
- Phụ hoàng lúc lâm tử có nói với anh rằng: "Tứ bối lặc niên thiếu lại có kiến thức, đáng nên lập làm thái tử".
Câu nói vừa dứt thì tiếng tung hô vạn tuế lại nổi dậy ở dưới điện.
Tức thì Nhị bối lặc A Mãn, Tam bối lặc Mãng Cổ Nhĩ Thái chạy vút lên điện, công kênh Tứ bối lặc lên ngồi ngất ngưởng trên ngai vàng rồi quay đầu lại, nói với đám đông:
- Nước không thể một ngày không vua.
Lập thái tử hay không lập thái tử, việc đó không thành vấn đề.
Hiện nay bọn ta đã tôn Tứ bối lặc lên làm vua.
Nếu có kẻ nào không chịu hãy nhìn báu dao của ta đây!
Nói xong, hai ông đích thân nằm bò sát xuống đất làm đại lễ trước ngai vàng của Tứ bối lặc.
Thấy hành động của hai bối lặc như vậy, văn võ bá quan đứng đầy nghẹt trong điện nhất tề quỳ xuống làm lễ, dập đầu triều hạ, miệng tung hô:
- Hoàng đế vạn tuế, vạn tuế!
Tứ bối lặc lúc đó tự nhiên nẩy sinh một ý khá đặc biệt, ông vội kéo Đại bối lặc, Nhị bối lạc, Tam bối lặc cùng ngồi xuống ngai vàng, kề vai sát cánh bên nhau để cùng chịu trăm quan triều hạ.
Việc triều hạ vừa xong thì đã thấy Thích Ma Tăng lên điện tâu xin hoàng đế tống liệm, Hoàng Thái Cực (tức Tứ bối lặc, tân hoàng đế) ngồi trên ngai vàng, im lặng không trả lời như có ý chưa nghe thấy.
Đại bối lặc cũng tưởng tân hoàng đế không nghe thấy thật, nên nhắc lại thêm một lượt.
Nhưng Hoàng Thái Cực bỗng nhiên nói lớn:
- Đại hành hoàng đế hiện còn một điều sở nguyện nhưng chưa được giải quyết, bởi vậy việc khâm liệm hãy khoan!
Sau đó, ông truyền chỉ cho Tuyên quan mời bà Kế đại phi ra trước điện.
Đại bối lặc nghe xong biết Tân hoàng đế có ý chẳng lành vội tâu lên.
- Chẳng nên! Chẳng nên? Bởi Kế đại phi hiện đã ở địa vị Thái Hậu.
Nếu hoàng thượng cần chỉ dụ, thiết tưởng phải tự khuất thân vào cung của Thái hậu mà truyền.
Hơn nữa, phụ hoàng vừa mới mất, kế đại phi đang lúc thương xót muôn phần, hoàng thượng không nên tuyên triệu.
Hoàng Thái Cực vừa cười vừa nói:
- Lời của Đại bối lặc quả không sai chút nào.
Khốn thay, việc ngày nay thực ra không phải trẫm dám tuyên triệu Kế đại phi mà lại là phụ hoàng di chỉ tuyên triệu đại phi.
Bởi vậy trẩm đâu dám chống đối di chỉ của phụ hoàng.
Đại bối lặc nghe lời nói của Hoàng Thái Cực là danh chính ngôn thuận, không tiện ngăn trở thêm nữa.
Chẳng bao lâu bà Nạp Thích, mặt đầy nước mắt, bước ra trước điện.
Văn võ trăm quan ai cũng tiến lên thỉnh an.
Hoàng Thái Cực cũng như mọi người thỉnh an xong, bỗng ông quát lên một tiếng lớn:
- Nghe di chỉ đây!
Quát xong, ông đích thân quỳ xuống trước.
Tức thì, văn võ bá quan không ai bảo ai cũng vội vàng răm rắp quỳ theo.
Tân hoàng đế bò mọp sát đất rồi tuyên đọc.
- Đại hành hoàng đế, có khẩu chiếu giao trẫm truyền rằng: "Sau khi ta mất rồi bà Nạp Thích phải tuẫn táng theo ta!"
Tuyên bố xong, ông đứng dậy, mặt nghiêm nghị đợi chờ.
Bà Nạp Thích nghe xong câu nói, thét lên ruột tiếng thảm thiết ba hồn bảy vía lên tận mây xanh.
Bà lảo đảo người đi mấy vòng rồi té xỉu ngay vào trong lòng mấy ngýời cung nữ đứng bên cạnh.
Lát sau, bà tỉnh dần lại, gần như mất trí, không còn nói lên được lời nào.
Hai người con của bà là Đa Nhĩ Cổn và Đa Đạc chạy lên bên cạnh bà, nắm lấy vạt áo mẹ oà lên khóc lóc thảm thiết.
Bà cũng oà khóc mếu máo qua đôi lệ, mãi mới bật lên được thành tiếng:
- Ta may được hầu hạ tiên đế từ lúc 12 tuổi, đến nay đã 26 năm, tình sâu như bể, vốn bất nhẫn tương ly, duy chỉ có điều hai đứa con ta là Đa Nhĩ Cổn và Đa Đạc tuổi còn quá nhỏ mà thôi.
Sau khi ta chết rồi, chỉ cầu mong hoàng thượng nể tình tiên đế mà săn sóc giùm ta.
Nói xong, bà Nạp Thích liền quỳ xuống đất lạy liền mấy lạy.
Hoàng Thái Cực thấy vậy, vội vàng hồi bái.
Bà Nạp Thích từ từ đứng dậy, rồi trở về cung.
Lát sau hai con cung nữ trở ra, báo lên:
- Đại phi đã tuẫn tiết theo tiên đế.
Tin báo này vừa xong thì một tin khác cũng vừa tới:
- Thưa, phi A Tế Căn và Đức Nhân Thạch cũng đều tự vẫn cả.
Ba bà phi đã tuẫn tiết cả.
Sau đó người ta mới thấy trên chính điện chiêng khua trống gióng, bát âm đàn sáo trôi dậy để làm lễ tấm liệm thi thể Anh Minh hoàng đế.
Người ta cũng được nghe Hoàng Thái Cực và triều đình tuyên bố cải hiệu là Thiên Thông năm thứ nhất, hoàng đế là Thái Tông (tức là vị Hoàng đế thứ nhì của nhà Mãn Thanh).
Nhân vì Đại bối lặc, Nhị bối lặc và Tam bối lặc có công lớn đối với mình, Thái Tông hoàng có biệt nhãn đối với họ.
Trong những buổi thiết triều, Thái Tông hoàng đế thường mời cả ba người lên cùng ngồi trên ngai ngang hàng với mình để chịu lễ "quỳ lạy" của bá quan.
Sau đó, Thái Tông hoàng đế lại đem việc lập hoàng hậu bàn với anh cả là Đại bối lặc Đại Thiện.
Đại bối lặc hỏi Thái Tông hoàng đế có ý muốn lập ai vào ngôi đó thì Thái Tông hoàng đế bèn đáp:
- Khi phụ hoàng còn tại thế, tuy đã lấy cho trẫm nàng nguyên phi, hơn nữa trong hậu cung còn có rất nhiều phi tần được sủng ái.
Nhưng theo ý riêng trẫm, thì chỉ có nàng Bác Nhĩ Tế Cát Đặc là người trẫm muốn lập lên làm hoàng hậu mà thôi.
Song trẫm lại sơ rằng thiên hạ sẽ cười trẫm vì nàng vốn đã gái có chồng rồi.
Do đó, trẫm do dự mãi, không dám quyết.
Đại bối lặc bèn hồi tâu:
- Bệ hạ thực quá lo xa.
Xưa nay, vợ chồng cốt lấy ái tình làm trọng.
Nàng Cát Đặc đã hợp ý bệ hạ, thì việc lập làm hoàng hậu có gì khó khăn nữa đâu.
Nếu bệ hạ sợ dư luận đàm tiếu về trường hợp riêng của nàng thì hạ thần sẽ hiến cho bẽ hạ một kế, là bệ hạ sẽ cùng nàng làm lễ hôn phối một lần nữa, tế cáo tại nhà Tông miếu một cách trọng thể.
Như thế thử hỏi có ai dám chê trách gì về việc lập hoàng hậu của bệ hạ nữa?
Thái Tông hoàng đế nghe xong, gật đầu lia lịa, miệng khen "đúng, đúng" và tiếp thêm:
- Cuộc lễ này cần phải thật linh đình và trang trọng, vậy ai có thể là người lo liệu việc này cho trẫm?
Đại bối lặc suy nghĩ một lát, bèn nói:
- Có rồi! Có rồi.
Trong cung của bệ hạ, há chẳng có một cái bụng bự lễ giáo, tức là cái ông mà mọi người gọi là Phạm tiên sinh đó sao? Bệ hạ chỉ cần gọi ông ta tới mà hỏi là xong!
Thái Tông hoàng đế nghe vậy, gật đầu khen phải.
Hôm đó, quay về cung, Thái Tông hoàng đế liền truyền gọi Phạm tiên sinh vào bệ kiến.
Thế là chỉ vỏn vẹn có một đêm bàn tính với Phạm tiên sinh, Thái Tông hoàng đế đã có cả một chương trình về cuộc lễ đại hôn, với đầy đủ chi tiết.
Qua ngày hôm sau, Thái Tông hoàng đế hạ chỉ giao hết mọi việc lễ lạt cho bộ Lễ lo liệu.
Chẳng mấy chốc, khắp thành trong ngoài không chỗ nào là không biết tin nhà vua sách phong Hoàng hậu, thậm chí còn có kẻ nhảy lên tưng tưng, miệng gào: "Hoàng đế ta cưới hoàng hậu".
Ngày hôn lễ đã đến, hoàng cung chăng đèn kết hoa tưng bừng náo nhiệt xưa nay chưa từng thấy.
Hoàng hậu ngồi trên chiếc xe phượng liễn, một đội âm nhạc, rồi một đội âm nhạc khác nữa kế tiếp nhau trỗi nhạc đưa hoàng hậu vào cung.
Tiếng nhạc đưa xa hàng mấy dặm, dân chúng như phải đứng tim lại mà nghe, mà hân hoan với niềm sung sướng của đức vua của họ.
Xe hoàng hậu vào tới cung.
Bà được đoàn cung nữ xinh như mộng đưa lên bệ rồng bệ kiến Thái Tông hoàng đế.
Tiếng bát âm lại trỗi dậy những nghì thức phức tạp của một cuộc đại hôn trong cung đình được lo liệu chu đáo.
Hôm đó, không một cung, một phi tần nào là không quần đẹp áo tốt dự vào cuộc đại lễ này.
Sau cuộc lễ quân thần, đến cuộc lễ phu thê.
Thái Tông hoàng đế và hoàng hậu kề vai ngồi trên ngai vàng để trăm quan triều hạ.
Rồi đến cuộc lễ tại nhà Thái miếu.
Hoàng đế và hoàng hậu cùng bá quan lại một phen võng lọng kiệu sang đó.
Các cuộc lễ bên ngoài đã xong, nhà vua và hoàng hậu quay về cung, chịu lễ bái yến và chúc mừng của phi tần.
Tiếp sau đó là cuộc lễ, tương kiến trong gia đình, nào là anh em, nào là chú bác, nào là chị em, nào là cô dì… tất cả đều theo nghi tiết mà hành lễ, mười phần hoàn hảo.
Cuối cùng, đến cuộc triều hạ mệnh phụ, cũng vô cùng trọng thể.
Mọi cuộc lễ đều xong, lúc đó nhà vua và hoàng hậu mới song song ngồi trên xe loan vào tẩm cung để làm lễ hợp cẩn.
Thái Tông hoàng đế đến lúc này mới được rảnh để nhìn ngắm tường tận người vợ yêu của mình.
Nàng mặc y phục hoàng hậu theo đúng nghi thức Đại hôn, thêu kim tuyến óng ánh muôn màu trước ánh đèn lồng soi sáng cung đình như ban ngày.
Hoàng hậu hôm nay trang điểm vô cùng tinh tế, cặp lông mày nhỏ như lá liễu, uốn vòng cung trên đôi mắt đa tình lúc nào cũng như mặt nước hổ thu lóng lánh, đôi môi thắm nở một nụ cười hệt như bông hoa hàm tiếu.
Mái tóc mây được những năm cung nữ chuyên môn chải búi.
Người ta chỉ cần nhìn vào mái tóc đó cũng đủ để phải ngây hồn rồi.
Tóc của bà là loại tóc mây đen óng ánh, lả lướt xuống đôi vai, mỗi khi làn gió nhẹ thổi qua những sợi tóc mảnh như tơ phất phơ bị làn gió xuân xao động.
Đôi hài hết sức đặc biệt.
Chung quanh hài dính toàn ngọc lưu ly nhỏ như hạt đậu, ánh sáng chiếu ra ngoài thành muôn đường sáng quắc.
Phía trước, chiếc nào cũng có một con phượng xinh xinh, mỗi khi hoàng hậu bước đi đôi cánh phượng nhún nhẩy y như khi chúng đang bay trên khoảng trời xanh cao vút.
Thái Tông hoàng đế càng nhìn hoàng hậu càng thấy mê mẩn tinh thần.
Theo sau gót hoàng hậu, một đoàn phi tần cũng áo mới xiêm mới, cũng đủ màu đủ vẻ, chẳng khác gì một đoàn tiên nữ đang theo hầu nàng Hằng Nga, đạo chơi trên Nguyệt điện.
Tuy các nàng phi tần cũng là những giai nhân tuyệt sắc, nhưng bên cạnh hoàng hậu, ai cũng thấy các nàng còn thua xa.
Hoàng hậu quả là một giai nhân xưa nay chưa từng thấy ở cái xứ Mãn Châu man dại này.
Bà là một đoá hoa rừng mà tạo hoá như có ý dành riêng cho dân tộc Mãn để tô điểm cho ngài vàng dòng tộc Mãn.
Đứng trong đám phi tần nọ, bà như một con chim phượng hoàng giữa đàn gà, một cành mẫu đơn đang độ trong một vườn hoa tuy đủ sắc đủ vẻ nhưng quá tầm thường.
Mọi người đẹp trong hoàng cung hôm đó thực đã bị hoàng hậu hạ giá hết.
Người ta chỉ thấy có bà duy nhất là nghiêng nước nghiêng thành.
Chính cái sắc ấy đã khiến Thái Tông hoàng đế mê mệt đến độ bất chấp cả điều tiếng của thiên hạ để lăn xả vào đường tình, không chút e ngại.
Thái Tông hoàng đế càng trông thấy hoàng hậu của mình càng thấy lòng xốn xang bối rối.
Ngài bèn liếc mắt cho toàn thể phi tần, cung nữ lùi ra ngoài rồi ngồi xuống bên cạnh hoàng hậu xinh đẹp của mình, hai kề vai, tay trong tay, tuy đôi miệng chưa nói điều gì nhưng ánh mắt đã gởi cho nhau những niềm ân ái kín sâu xưa nay chưa từng nói tới bao giờ.
Hoàng hậu sẽ vén ống tay áo lụa mỏng, để lộ cánh tay trắng như tuyết, cầm lấy hồ rượu bồ đào nhẹ rót vào hai chiếc ly bằng pha lê đặt trên bàn trước mặt.
Ngắm đôi tay xinh như ngọc ấy, Thái Tông hoàng đế cảm thấy mình như được thượng đế cưng chiều nhất, dành riêng cho mình ưu vật có một không hai dưới trần thế.
Thế rồi hai ly rượu được nâng lên để làm hợp cẩn, men rượu vừa say trong khi men tình cũng đã thấm sâu tận các thớ thịt cùng làn da của đôi tình nhân… Đây là cuộc tình duyên ngẫu nhiên của Thái Tông hoàng đế, bắt nguồn từ cuộc hành quân của Anh Minh hoàng đế ra Phủ Thuận.
Thân mẫu của Hoàng Thái Cực (tức Thái Tông hoàng đế) là bà Diệp Hách Nạp Thích rất được Anh Minh hoàng đế cưng chiều.
Hoàng Thái Cực sinh ra trong cuộc ân ái mặn nồng đó.
Chàng lại khôi ngô tuấn tú, nên càng được Anh Minh hoàng đế thêm phân sủng ái.
Chàng tuổi tuy còn nhỏ nhưng giải quyết mọi việc rất nhanh và đúng.
Thấy con có tài năng xuất chúng, Anh Minh hoàng đế để chàng lại kinh thành, thay mặt ngài xử lý mọi việc trong bộ lạc.
Ngài còn cho gọi thêm mấy người anh là A Bái, Thang Cổ Đạt tháp Bái và A Bá Thái Giáp Cực chu toàn công việc.
Hoàng Thái Cực vâng lệnh cha, không dám biếng trễ, ngày đêm lo liệu mọi việc đến quên cả ăn ngủ.
Bà Diệp Hách thấy chàng quá vất vả càng thương chàng.
Bà biết chàng rất thích đi săn nên bảo mấy người anh của Cực thay phiên nhau xử lý công việc, để cho Cực có chút thì giờ rảnh rang ra ngoài săn bắn giải trí.
Thế là Cực được các anh cho phép đi săn luôn ba ngày.
Cực liền đem bọn thị vệ vào săn trong rặng núi phía tây…
Hôm đó đoàn thợ săn cao hứng đi sâu mãi vào rừng thẳm đến hàng năm, sáu chục dặm.
Họ săn được không biết bao nhiêu thú, bao nhiêu chim.
Họ cắm trại câng lều trong giữa khu rừng, tha hồ uống rượu ăn thịt, ca múa, vui thâu đêm.
Thật là một đêm vui nhộn hiếm có mà Hoàng Thái Cực cảm thấy đặc biệt thích thú.
Qua ngày hôm sau, đoàn thợ săn lại lên đường đi tiếp, dã thú càng vào sâu trong rừng thẳm càng có nhiều.
Đoàn đi tới một khu rừng thông, bỗng thấy trên một bãi đất trống rộng trước mặt có đàn hươu sao đang gặm cỏ.
Hoàng Thái Cực mừng rỡ đến cực độ, vội truyền lệnh cho hơn một trăm tên kỵ mã thị vệ hướng về hướng tây săn đuổi, chỉ một chàng mình ở lại Cực lúc đó đứng dưới bóng một cây thông cao, bỗng thấy một con hươu mẹ bị người đuối đang hoảng hốt ba chân bốn cẳng chạy vào khu rừng thông.
Cực vội nhảy lên mình ngựa, đuổi gấp.
Con hươu mẹ thấy trong rừng có người chạy ra giật mình hoảng sợ, quay đầu chạy tạt về hướng đông, lẹ như mũi tên bắn.
Tóm được chú mồi ngon, Cực đời nào chịu bỏ, phóng ngựa như bay đuổi theo.
Ngựa của Cực vốn thuộc loại có tiếng cho nên đuổi một lát đã gần kịp, Cực tay tả giương cung, tay hữu rút tên rồi phóng luôn ba mũi, một mũi trúng ngay giữa lưng hươu mẹ.
Hươu mẹ chịu đau, vừa chạy vừa lắc, xuyên thẳng tới đầu núi, bốn vó phóng như điên.
Tuấn mã như cũng cảm thấy khoái thích lao theo như gió.
Chẳng mấy chốc, Cực đã đuổi qua đầu núi, nhìn về trước chỉ thấy sừng sững đứng chắn ngang hai ngọn núi cao chót vót, chênh vênh trên đỉnh khu rừng già.
Cực lúc đó đã thấm mệt nên muốn tới nghỉ ngơi đôi chút tại khu rừng, nhất là khi hươu chạy qua đầu núi, chẳng hiểu đã phóng về ngả nào mất hút.
Cực thả lỏng cho ngựa từ từ bước một vào rừng.
Đang định xuống ngựa, bỗng nghe đằng sau gáy có tiếng "vút" xé không khí về phía trái.
Thế rồi hai tiếng "vút vút" nữa tiếp theo liền.
Hai mũi tên sau thì một mũi chui qua nách Cực, còn mũi kia cắm vào vai áo nhuyễn giáp.
Cực biết có người mưu hại, vội rạp đầu xuống, tay giật mạnh giây cương cho ngựa chạy vào hẳn trong rừng già để tạm nấp.
Bỗng có tiếng gầm thét nối lên ở phía sau chàng rồi những tiếng vó ngựa rầm rầm đuổi theo, tiếng "vút vút" của những mũi tên bắn đi, tạo thành một quang cảnh hỗn độn giữa khu rừng núi âm u tịch mịch.
Một chiếc tên bay tới, trúng vào đùi ngựa.
Lại một chiếc tên nữa cắm phập đùi Cực.
May mà khoảng cách hơi xa cho nên sức yếu, tên cắm vào không sâu lắm, Cực vội dùng tay rút phắt tên ra.
Con ngựa trúng tên, đau quá hoá khùng, hí một tràng dài rồi giơ cao bốn vó lao mình về trước, xuyên vào khu rừng.
Cực bám chặt lấy cổ ngựa, tai chỉ nghe tiếng gió lướt vù vù, chẳng còn biết được gì xảy ra chung quanh nữa.
Chàng phi như thế không biết đã bao lâu, ngựa giảm bị tốc lực, chàng ngồi thẳng người lên, thở phào mấy cái dốc hết nỗi mệt nhọc ra ngoài.
Chàng ngẩng đầu lên nhìn, bốn phía đều là rừng núi bát ngát, cỏ rậm.
Xa xa có tiếng suối chảy rì rào.
Thật là một quang cảnh nên thơ.
Cực lúc đó đã quá khát, bèn cho ngựa hướng về phía co tiếng suối quay đầu lại sau không thấy kẻ nào theo đuổi, chàng nhảy xuống ngựa, tay cầm cương, rồi dắt ngựa từ từ đi trên đám cỏ mòn lá sắc.
Vết thương trên đùi không nặng gì lắm nên không trở ngại nhiều cho cuộc đi bộ của chàng.
Càng đi tới tiếng suối càng nghe rõ.
Tìm đường về trái rồi về phải nhưng không thấy, chàng đành chậm bước tiến lên.
Khi vượt qua một đoạn đèo núi, chàng mừng quýnh bởi đã thấy một thác nước trắng xoá như tấm lụa bạch chạy dài từ trên đỉnh núi xuống mãi tới chân đèo, rồi từ nơi chân đèo, thác nước đã biến thành một con suối nhỏ oằn oèo như lưng rắn chạy trên khu đồng cỏ xanh rì.
Hoàng Thái Cực lòng mừng rỡ khôn xiết, cố đi thêm một đoạn đường ngắn nữa.
Chàng cho ngựa uống nước ở một cái vũng cạnh thác, rồi tiến lên vài bước, bụm hai tay hứng nước thác đưa vào miệng.
Chàng uống luôn mấy ngụm nước trong mát, cảm thấy tinh thần sảng khoái, thư thái rồi ngồi xuống cạnh thác nước, đưa mắt nhìn trời mây… Phong cảnh núi non thật hùng vĩ.
Tứ bề vắng lặng như tờ.
Giữa lúc đang mê mải thương thức cảnh tượng thiên nhiên.
Hoàng Thái Cực bỗng nghe một tiếng gầm thét vang lên, xé tan bầu không khí tĩnh mịch.
Rồi có tiếng vó ngựa nện trên đường đá lộp cộp vội vã chạy về phía chàng.
Cực lúc đó chẳng khác gì con chim phải tên nghe những thanh âm đó mà hoảng sợ, trống ngực đập thình thình.
Phải chăng kẻ thù khi nãy đã đuổi tới đây? Nhưng chàng không đến nỗi lo lắm, bởi vì chỗ chàng ngồi bên cạnh thác nước được bóng cây che khuất, người bên ngoài không thể nhìn thấy được.
Chàng lặng lẽ kéo con ngựa xích lại gần mình, rồi nhô đầu ra, nhìn về phía bờ suối.
Trên cánh đồng bằng trước mặt, một bọn người đông có tới ba, bốn chục, cưỡi ngựa đuổi theo một con sói lớn.
Con sói khi chạy ra đến giữa cánh đồng thì bị bọn người vây quanh, chạy ngả nào cũng bị chặn lại.
Nhìn kỹ bọn người cưỡi ngựa chàng lấy làm lạ lắm.
Bởi đó toàn là những thiếu nữ trẻ đẹp, môi son mắt phượng.
Các nàng vừa đuổi thú vừa hò hét vang tròn.
Con sói xem ra hết đường chạy, chỉ còn một ngả duy nhất là con suối.
Các cô gái kia đâu có chịu bỏ; vội quất ngựa đuổi theo.
Sói hối hả chạy gần tới bờ suối.
Hoàng Thái Cực không thể ngồi yên, giương cung đặt tên nhắm chính sọ con sói bắn một phát.
Cùng lúc đó, một cô gái trong bọn, cũng bắn trúng ngay sau ót con mồi, đối ngược lại với mũi tên của Cực.
Sói la lên một tiếng thảm thiết rồi chết lăn ra đất.
Cô gái chạy tới, nhảy xuống ngựa xem, thấy có hai mũi tên thì lấy làm lạ.
Giữa lúc nàng còn phân vân thì đoàn con gái chạy theo sau đều đã tới, vây lấy con sói.
Có một nàng trong số nhanh mắt nhìn thấy bóng Hoàng Thái Cực bên suối, bèn hò cả bọn chạy tới.
Cực lúc này biết rằng khó nấp, chàng dắt ngựa đi ra.
Các cô gái chạy lại, vây quanh chàng rồi đưa tới trước mặt một cô nàng có tư thế của một vị chủ nhân.
Khi giáp mặt, chàng mới có dịp nhìn kỹ.
Chàng không ngờ lại có người đẹp đến thế.
Mắt chàng bỗng như bị choá vì sặc đẹp rực rỡ của nàng.
Trang giai nhân trước mặt chàng qua là một ưu vật, sắc nước hương trời.
Thân hình nhỏ nhắn, lưng eo, dáng yểu điệu dịu dàng.
Chân nàng đi đôi man hài, mình mặc chiếc áo ngắn, tay cộc.
Toàn thân nai nịt vừa gọn gàng vừa xinh đẹp, khiến ai cũng phải si mê.
Khuôn mặt nàng hình trái xoan, trắng mịn, không cần trang điểm mà vẫn duyên dáng mặn mà.
Đôi mi cong cong lá liễu, phủ dài trên cặp mắt lóng lánh.
Chiếc mũi dọc dừa và cặp môi thắm như muốn cướp hồn những khách đa tình.
Giai nhân thấy có một chàng trai trẻ đứng trước mặt mình, đôi má bất giác ửng hồng, ra chiều e lệ ngại ngùng.
Nàng quay lại bảo thị nữ đứng bên:
- Hỏi xem y là ai? Tại sao dám vào rừng săn bắn của ta?
Thị nữ được lệnh, bèn lại gần Hoàng Thái Cực, bảo:
- Công nương vừa nói gì, công tử nghe rõ rồi chứ?
Nghe hỏi đi hỏi lại hai, ba lần mà Cực vẫn không trả lời.
Đôi mắt chàng bị khuôn mặt xinh tươi kia hút lấy, có nghe thấy gì nữa đâu.
Bọn thị nữ vây quanh thấy chàng như ngây như ngốc chẳng khác kẻ mất hồn, bèn cười ồ lên và đùa giễu với nhau:
- Anh chàng này xem chừng điếc chắc?
Có cô nói:
- Hắn có lẽ câm nữa đây?
Lai có cô thêm:
- E rằng là hắn sắp cả mù rồi…
Cô thứ tư có vẻ già dặn từng trải hơn, cười nhạt bào mọi người:
- Bậy nè! Hắn chẳng câm, cũng chẳng điếc đâu.
Hắn chỉ mất hồn thôi.
Bọn chị em lại cười ồ cả lên khiến Hoàng Thái Cực giật mình như vừa tỉnh một giấc mộng, bất giác cũng mỉm cười.
Rồi chàng lên tiếng:
- Ta vốn là một vị bối lặc.
Đây là lần đẩu ta thấy có kẻ dám bảo ta vừa mù, vừa điếc, vừa câm.
Mấy con a hoàn này gớm thật.
Bọn thị nữ nghe chàng tự xưng là bối lặc, lại phá lên cười nữa.
Chúng chỉ vào mặt chàng, giễu cợt:
- Chị em hãy nhìn anh chàng bối lặc khốn khổ này xem.
Hắn ra ngoài mà chả có một mống lính hầu nào! Hắn phải tự giắt ngựa, trông thảm não chưa kìa! Chẳng bù với Tái Tang bối lặc của bọn ta, mỗi khi ra cửa, tiền hô hậu hét ít ra là phải hàng trăm tuỳ tùng.
Hoàng Thái Cực chẳng đặng đừng, đành phải xưng tên họ, kể gia thế rồi thuật cuộc đi săn, gặp con hươu mẹ, đuổi đến nửa đường bị địch nhân ám hại nên phải chạy trốn lạc bước tới đây.
Chàng kể rành mạch từ trước đến sau, đầy đủ chi tiết.
Cô gái ngồi nghe hết, tin là chàng nói thật.
Hơn nữa nàng thường được thân phụ nàng kể lại cho nghe, nào là bộ lạc Kiến Châu cường thịnh ra sao, nào là Tứ bối lặc anh hùng thế nào, nên lại càng tin thêm.
Nàng trông kỹ, thấy chàng quả nhiên khôi ngô tuấn tú, ăn nói hoạt bát, tỏ ra học thức hơn người.
Nàng bất giác cảm thấy lòng mình xao xuyến, khó nói nên lời.
Một lúc sau, nàng mới cất giọng oanh thỏ thẻ:
- Bối lặc đã là người Kiến Châu thì đối với bọn thiếp chính là chỗ thân tình rồi.
Địa phương này xa uý bộ tới hai trăm dặm.
Thiết tưởng bối lặc nhất thời chưa thể về kịp, mà lều trại của bọn thiếp thì ở gần đây, vậy xin bối lặc quá bộ lại nghỉ, uống chén trà, nói chuyện cho vui.
Nôi đoạn nàng nhảy lên mình ngựa, chạy trước dẫn đường.
Hoàng Thái Cực lúc này đã quá si mê, chẳng thể chẳng lên ngựa theo đi.
Phía sau bọn thị nữ xinh đẹp cười nói huyên thuyên, lần lượt bước theo.
Đoàn người đi qua cánh rừng nhỏ thì thấy một khu lều trại khá lớn.
Cực xuống ngựa bước theo vào lều, sau khi chia ngôi chủ khách, bọn thị nữ dâng rượu thịt.
Cực chẳng làm khách, vào tiệc ngay, vừa ăn uống vừa hỏi về gia thế người đẹp.
Nàng vui vẻ trả lời:
- Địa phương này là biên địa của bộ lạc Khoa Nhi Bí.
Phụ thân của thiếp chính là Bộ chủ Bác Nhĩ Tề Cát Đặc, tên Tắc Tang bối lặc.
Hoàng Thái Cực nghe tới đây biết nàng là con gái của Tắc Tang bối lặc, bất giác lòng mừng khấp khởi.
Chàng vội đứng dậy, cúi chào thỉnh an, rồi cất giọng trịnh trọng nói:
- Thì ra cô nương vốn là một vị cách cách.
Tại hạ thực đã quá đường đột xúc phạm tới phương nhan nhiều lắm.
Vừa nói Cực vừa để ý liếc nhìn tấm thân yểu điệu, thướt tha của nàng.
Chàng nhớ lại lời đồn đại của dân chung Mãn Châu, nói rằng Tắc Tang bối lặc có hai vị cách cách, hai đoá hoa hàm tiếu giữa mùa xuân đương độ.
Da thịt của cả hai nàng trắng mịn như ngọc, bởi vậy cô lớn mới có tên Đại Ngọc Nhi, còn cô bé Tiểu Ngọc Nhi.
Hoàng Thái Cực có ý tinh nghịch, bèn lên tiếng hói nàng:
- Xin hỏi phương danh của cách cách là gì?
Cách cách Đại Ngọc Nhi (vì cô này là lớn) nghe hỏi cúi đầu hơi thấp xuống, lấy khăn che cặp môi hồng chỉ mỉm cười mà chẳng chịu trả lời.
Một đứa thị nữ đứng hầu bên cạnh vốn tính nhanh nhẹn hoạt bát đã tiếp lời:
- Cách cách của tiện nữ tên gọi Đại Ngọc Nhi đấy ạ!
Đại Ngọc Nhi bỗng sa sầm nét mặt.
Đứa thị nữ giật mình sợ hãi, lùi hẳn lại đến hai bước.
Ngọc Nhi vừa khoát tay vừa bảo đứa thị nữ:
- Ra ngoài kia ngay đi! Đừng ở đây mà lẻo mép.
Nếu không có lệnh gọi, cấm được vào, nghe chưa?
Bọn thị nữ thấy cách cách nổi giận, nhất tề lui ra, túm năm tụm ba trò chuyện.
Bên trong lều chỉ còn lại có Ngọc Nhi và Thái Cực.
Chàng và nàng trò chuyện có mòi tương đắc lắm, mãi tới chiều tối, đèn cũng chẳng cần đốt, cơm chiều cũng chẳng hò dọn.
Bon thị nữ không có lệnh gọi không dám hỏi, chi biết đợi chờ phía ngoài.
Chúng ngồi nghe hết tiếng cười này đến tiếng cười khác, trong lều quả đã có một cuộc vui hiếm có.
Cuộc vui hiếm có của đôi trai gái tuổi xuân đương độ ấy kéo mãi suốt sáng.
Lúc đó, bọn thị nữ mới được lệnh sửa soạn tiệc rượu.
Đại Ngọc Nhi với Hoàng Thái Cực ngồi vào tiệc, vai kề vai, trò chuyện không dứt.
Bữa tiệc kéo dài đến gần trưa.
Cực lúc đó mới sực nhớ tới việc nhà, bèn khẩn khoản cáo từ.
Ngọc Nhi chẳng còn biết nói sao, đành sai người chạy về bộ lạc điều động một đội quân hộ tống chàng về Kiến Châu.
Lúc tạm biệt của hai người, bọn thị nữ lưu ý chỉ thấy vị cách cách của chúng đôi mắt đỏ hoe ngồi trên mình ngựa đưa tiễn mãi chẳng nỡ trở về.
Đôi ngựa kề đầu chàng và nàng chẳng biết đã nói bao nhiêu chuyện cuối cùng đành bịn rịn chia tay.
Đại Ngọc Nhi chằng còn lòng dạ nào săn bắn nữa.
Nàng cho lệnh nhổ lều, cuốn gói lặng lẽ âm thầm trở về bộ lạc.
Lại nói bà Diệp Hách Nạp Thích từ khi Hoàng Thái Cực vào rừng săn bắn thường băn khoăn ra vào không yên.
Đêm đầu không thấy con về, bà chỉ nhớ chứ không lo vì Cực đi săn qua đêm là thường.
Qua ngày thứ hai, mãi tới chiều tối mà vẫn chẳng thấy Cực về thì bà đã thấy sốt ruột.
Đến lúc lên đèn bà chỉ thấy bọn thị vệ hối hả chạy bố từ ngoài vào nói rằng Tứ bối lặc bị lạc đường chẳng rõ chạy về phương nào càng lấy làm lo, và cật vấn bọn thị vệ kỹ lưỡng thì thấy chính chúng cũng không rõ lý do nữa.
Chúng chỉ khai rằng khi tất cà đuổi theo bầy hươu thì duy có Tứ hối lặc ngồi lại trong rừng thông, đến khi chúng quay về thì chẳng thấy chàng đâu nữa.
Chúng đã tìm kiếm khắp cả ngả rừng, mãi đến đêm khuya mà chẳng thấy vết tích, bọn chúng đành phải quay về bẩm cáo.
Hai hôm sau, Tứ bối lặc trở về, dương dương đắc ý.
Bà Diệp Hách chạy lại nắm lấy tay con, miệng cuống quýt hỏi han.
Tử bối lặc nói chẳng có gì lạ xảy ra.
Chàng chỉ giục bà cho người đi ngay tới bối lặc Khoa Nhĩ Bí để làm mai cho chàng.
Các bà phúc tấn, các nàng cách cách nghe chàng nói, ai cũng cho chàng là điên! Bà Diệp Hách cật vấn mãi chàng mới thổ lộ chân tình, kể lại một lượt cho mẹ nghe.
Chàng còn nói với mẹ:
- Lần này con mới thấy được một người đẹp đấy, mẹ ạ.
Chàng buộc mẹ cho người đi làm mai cầu thân, bà Diệp Hách cau mày bảo:
- Phụ thân con đã định việc hôn nhân cho con rồi, ai còn dám mai mối kiếm đám khác?
Tứ bối lặc vẫn nài nỉ mẹ, không chịu thôi.
Bà Diệp Hách chỉ còn biết thoái thác bằng cách bảo đợi phụ thân chàng ít ngày nữa trở về sẽ đứng ra chủ trương cho chàng.
Ít hôm sau, Anh Minh hoàng đế trở về.
Lần này xuất quân thắng trận nên ngài vui vẻ lắm.
Giữa lúc ngày đang cao hứng, Hoàng Thái Cực đem việc làm mai ra nói, được ngài bằng lòng ngay…
Thế là sau cuộc yến tiệc thành công, Anh Minh hoàng đế cho ngay một vị đại thần mang theo rất nhiều lễ vật đến Khoa Nhĩ Bí cấu hôn.
Vị đại thần đi rồi, Hoàng Thái Cực ngày đêm mong ngóng hết ra lại vào, thở vắn than dài.
Đã bao ngày đêm mới thấy vị đại thần trở về, với đầy đủ sính lễ, tất cả vẫn còn nguyên phong, Anh Minh hoàng đế lấy làm lạ, bèn hỏi thì đại thần tâu:
- Tâu bệ hạ! Thật đáng tiếc vì chúng ta đến quá trễ! Khi thần tới Khoa Nhĩ Bí gặp Tắc Tang bối lặc, trình lời cầu hôn thì Tắc Tang cự tuyệt.
Ông nói vừa hôm qua ông đã định việc hôn phối cho con gái ông lấy thế tử Đức Nhĩ Cách Lạc của bối lặc Kim Đài Thạch nước Diệp Hách rồi.
Thần không tin thì Tắc Tang bối lặc nói ngay rằng mai nhân còn đó để chứng minh sự thực.
Ông còn cho gọi một người ra trình diện.
Thì ra đó là một viên quan nước Diệp Hách tên gọi A Nhĩ Tháp Thạch.
Thần không còn biết nói gì hơn, đành cáo từ ra về.
Anh Minh hoàng đế nghe lời tấu xong cũng chẳng còn biết nói gì hơn.
Người đau khổ nhất còn ai khác hơn là Hoàng Thái Cực, chàng không ngờ người đẹp của chàng lại bị người anh con ông cậu cướp mất.
Chàng phát điên lên, nhiều lúc như ngày như dại.
Chàng buộc mẹ chàng tới Diệp Hách nói với gia đình nhà cậu hãy nhường người đẹp Đại Ngọc Nhi lại cho chàng.
Nhưng bà Diệp Hách e chẳng tiện đối với gia đình bên ngoại về việc này, bèn không chịu đi.
Thế là mối hận thù phát sinh mãnh liệt trong lòng cậu con cưng của bà.
Hoàng Thái Cực định huy động quân mã tới Diệp Hách quyết một phen sống mái.
Nhưng Anh Minh hoàng đế ngăn lại và buộc chàng phải cưới vợ ngay tức khắc với người con gái mà ông đã lựa chọn từ trước.
Chàng vẫn âm thầm tưởng nhớ đến người đẹp dù đã có người bạn trăm năm xinh đẹp cũng chẳng kém.
Chẳng ngờ ít lâu sau, Diệp Hách bộ ám trợ quân Minh, trong khi Anh Minh hoàng đế đánh bại quân Minh ở núi Tát Nhĩ Hủ.
Bởi vậy Kim Đài Thạch chuyển quân qua chinh phạt Diệp Hách.
Hoàng Thái Cực trong dịp này được kể là một vị tướng hăng hái nhất, xin xung chức tiên phong đánh phá Đông thành.
Đông thành chính là nơi tổng hành doanh của cha con Kim Đài Thạch.
Lòng tưởng nhớ người đẹp năm xưa lúc này bộc phát dữ dội khiến chàng đốc thúc quân sĩ ngày đêm đánh phá, quên cả ăn, bỏ cả nghỉ.
Bởi vậy Đông thành chẳng mấy chốc đã bị phá tan.
Kim Đài Thạch thấy đại sự đã hỏng, vội đem bà phúc tấn và gia quyến lên đài cao.
Hoàng Thái Cực cho rằng Đại Ngọc Nhĩ cũng có trên đó, bèn hạ lệnh cho binh sĩ vây kín chân đài rồi hô lớn:
- Cửu cửu mau xuống hàng đi để tránh cho Cửu cửu mẫu và biểu tẩu khỏi kinh sợ.
Nhưng sau đó chàng nghe nói người đẹp của chàng còn ở lại trong cung.
Thật may cho chàng là đại bối lặc Đại Thiện đem quân tới vừa đúng lúc.
Chàng bèn giao quân mã cho anh rồi tức tốc phi ngựa vào cung chỉ mang theo có hai trăm cận vệ.
Lại nói Đại Ngọc Nhi từ khi lấy Đức Nhĩ Cách Lặc thì tình ân nghĩa ái kể thực thắm thiết nồng nàn, thường cùng cưỡi ngựa vào rừng săn bắn, hưởng mọi khoái lạc hạnh phúc.
Tuy vậy, đôi khi nàng cũng nhớ tới cái đêm cùng Hoàng Thái Cực trong căn lều săn khi chưa xuất giá, cảm thấy lòng xao xuyến bâng khuâng.
Đức Nhĩ Cách Lặc đối với nàng thật muôn phần yêu quý cưng chiều cho nên lòng tưởng nhớ đó dần dần phai nhạt.
Đến lúc này, lúc quốc gia đại sự, chồng thì bị quân Mãn bắt, chưa biết sống chết ra sao, nàng chỉ còn độc thân trốn núp trong thâm cung.
Nàng cảm thấy lo sợ ghê gớm song cũng còn đôi chút hy vọng vì nàng nghĩ tới gia đình nhà mình còn có tình cậu cháu với họ Giác La thì nhất định tính mạng của nàng không có gì đáng ngại.
Giữa lúc Đại Ngọc Nhi suy nghĩ vẩn vơ như vậy, bỗng một đoàn cung nữ hớt hơ hót hải chạy tới la lên vội báo nàng:
- Nguy mất lồi! Nguy mất rồi Quân Mãn Châu đã phá thành ùa vào trong cung rồi.
Liền đó, Đại Ngọc Nhi nghe tiếng chân người ngựa rầm rập lao tới như thác lũ.
Nàng đứng bật dậy, tỏ vẻ cương nghị đem theo đám cung nữ xông ra bên ngoài nghiêm nét mặt quát bảo tốp binh sĩ đang hùng hổ tiến vào:
- Bọn ngươi cầm gươm vác giáo xông vào nơi cung cấm thực chẳng còn đạo lý nào nữa! Hoàng đế của bọn bay với gia đình ta vốn có tình cậu cháu, chỉ vì mối bất hoà nhất thời xảy ra, ắt cũng không thể vì thế mà xúc phạm chốn cung đình.
Việc bất pháp này nếu hoàng đế của bọn người mà biết được, ta e rằng cái đầu của bọn người khó lòng thoát rớt đấy.
Toán quân sĩ nhìn thấy Đại Ngọc Nhi mặt đẹp như hoa nở, tiếng nói lại sang sảng và lạnh lùng như băng giá, liền đứng khựng lại, tiến thoái lưỡng nan.
Giữa lúc đó, bỗng một viên tướng trẻ ngồi trên lưng con bạch mã, phi như gió tới trước cửa cung.
Toán binh sĩ vội xà thấp đầu xuống miệng hô: "Tứ bối lặc", xong đứng ra hai hàng, im phăng phắc.
Đại Ngọc Nhi nhận ngay ra Hoàng Thái Cực, người tình một đêm của nàng thuở nọ.
Nàng liếc mắt nhìn trộm, mới biết hồi này người tình của mình càng tuấn tú, đáng yêu hơn.
Nàng bất giác ửng hồng đôi má.
Tứ bối lặc vừa thấy nàng liền tiến vội tới thỉnh an và cố chọn lấy cách xưng hô cũng như giọng nói bình thường nhất:
- Biểu tẩu lâu nay có được mạnh giỏi không? Tôi tới hơi trễ, khiến tẩu tẩu phải sợ hãi một phen, mong tẩu tẩu thứ lỗi cho.
Tôi sẽ xin ở lại đây đề hầu hạ tẩu tẩu.
Rồi chàng khoát tay ra hiệu binh sĩ lui hết.
Đại Ngọc Nhi mặt càng đỏ thêm.
Nàng cúi xuống, lấy vạt áo che nửa miệng hoa, mỉm cười đáp:
- Binh sĩ của quý bộ xông vào trong cung thì làm sao thiếp chẳng sợ hãi.
May có bối lặc đến kịp khiến thiếp tránh được một phen nguy hiểm, đó thực là một cái ơn tái tạo.
Song trong tình thế hiện nay, thiếp đã trở thành một cung tần vong quốc, thì cái chuyện hiểm nguy, sợ hãi kia cũng đành phải chịu chứ đâu dám oán giận bối lặc.
Nàng vừa nói xong bỗng mắt đỏ hoe, rồi nguýt chàng một cái dài lộ vẻ oán giận đến cùng cực.
Chàng thấy vậy hiểu ý nàng, chỉ muốn đem lòng mình mà thổ lộ nhưng lại sợ con mắt tò mò của bọn cung nữ còn đứng cả đấy.
Chàng bèn ghé sát tai nàng:
- Biểu đệ đứng đã quá lâu, chân đã quá mỏi.
Bởi vậy biểu đệ mong biểu tẩu đưa vào trong cung ngồi nghỉ một lát cho đỡ mệt, không biết có được không? Biểu đệ còn có một việc mong được Phụng cáo.
Đại Ngọc Nhi thản nhiên nói:
- Chúng ta đều là người chí thân với nhau.
Ngồi nghỉ một lát có hại gì?
Nói đoạn, nàng cùng bọn cung nữ đi trước dẫn đường.
Hoàng Thái Cực theo sau, đi quanh quẩn một lúc lâu qua không biết bao nhiêu là cung điện mới tới một căn phòng trang trí rất lộng lẫy.
Chàng biết đây là phòng ngủ của người đẹp Đại Ngọc Nhi, trong đầu liền nảy sinh một ý tưởng bất chính.
Đại Ngọc Nhi quay đầu lại nhìn chàng nhoẻn miệng cười hỏi:
- Chỗ này có thể ngồi được chứ?
Cực tiếp lời:
- Ngồi được.
Ngồi được lắm!
Nói đoạn, chàng tiến vào phòng.
Đại Ngọc Nhi khoát tay ra hiệu cho các cung nữ lui ra hết.
Cực thấy lúc đó chẳng còn ai, bèn đứng dậy tiến lên vài bước cầm lấy tay Ngọc Nhi nói:
- Biểu tẩu? Tẩu có nghĩ tới nỗi khổ sầu của biểu đệ không?
Ngọc Nhi khẽ giật tay ra khỏi tay chàng rồi lấy ở trên giường kỷ chiếc khăn màu hồng, vừa chùi nước mắt vừa khóc thút thít nói:
- Chàng thật là bạc.
Nàng chỉ nói được có một câu đó rồi bỗng oà lên khóc nghe bi thiết đến xé phối cào gan.
Chàng đem hết mọi việc xảy ra và mối khổ tâm của mình ôn tồn thuật cho nàng nghe.
Chàng còn nói những lời âu yếm rồi xin lỗi đôi ba lần.
Người đẹp bỗng nhiên thôi khóc.
Chàng đưa tay kéo nàng sát lại bên mình. rồi thay nàng lau nốt mấy giọt lệ còn đọng trên hàng mi.
Chàng cất tiếng nói nhỏ nhẹ như chỉ muốn cho hai người nghe thôi:
- Người đẹp của anh đừng có sầu khổ làm gì.
Nếu anh không thực tâm yêu em thì đời nào anh liều mạng tới đây ác chiến? Bây giờ đã gặp được em, mối tình xưa vẫn còn đó, em hà tất phải buồn tủi chuyện quốc phá gia vong nữa?
Nàng nghe lời chàng nói, ngẩng lên nhìn chàng âu yếm.
Cái cảnh gương vơ lại lành, hoa xưa ong cũ, khỏi nói ai cũng biết nó nồng thắm đến độ nào!.
Truyện khác cùng thể loại
267 chương
99 chương
34 chương
63 chương
875 chương