Thanh Cung Mười Ba Triều
Chương 105 : Ai Thích Làm Công Chúa Nhà Thanh
Đạo Quang hoàng đế đang bực mình vì việc hoàng hậu giết mất nàng phi Nhị Hương sủng ái của ngài, bỗng thấy Tôn nhân phủ tâu lên nói Dự vương dâm bức thị nữ Dân Cách, bất giác cả giận đùng đùng, lập tức cầm bút phê ngay trên tập sớ hai chữ: "Tứ tử" (cho chết).
Dự vương phúc tấn vốn thân với hoàng hậu nên vừa được tin này bà vội đem theo công tử vào cung, quỳ trước mặt hoàng đế và hoàng hậu cầu xin tha mạng cho chồng.
Hoàng hậu cũng nói thêm vào giúp bà phúc tấn.
Lại còn có Thuần Thân vương, Thuỵ Thân vương, vì thể diện anh em, cũng nhất tề hẹn nhau vào cung, cầu xin cho Dự Vương.
Bà Dự vương phúc tấn còn đến cả phủ Long Cách thân vương để cầu xin nữa.
Thế là nỗi giận của hoàng đế hạ xuống ngay.
Ngài giao nội vụ cho đại thần Tôn nhân phủ họp cùng với Hình bộ đại thần định tội.
Ít hôm sau, toà định tội như sau: Dự vương bị cách tuột tước vương, phát giao cho Tôn nhân phủ giam cấm ba năm, mãn án về nhà, không được ra ngoài gây hoạ.
Bà Dự vương phúc tấn chạy đông chạy tây gỡ tội cho chồng, tiêu hết mất 30 vạn lạng bạc mới còn giữ được cái đầu đội nón trên cổ Vương ông.
Thôi thì tiền mất chẳng kể chi, có điều đằng đẵng ba năm xa chồng, bà phúc tấn chiếc thân vò võ cô phòng, nghĩ mà thê thảm.
Đạo Quang hoàng hậu biết bà buồn rầu lắm, nên hay cho gọi bà vào cung trò chuyện.
Cũng có khi hậu cho gọi cả đại công tử theo vào cung nữa.
Đạo Quang hoàng hậu thấy mặt mũi cậu cả khôi ngô tuấn tú, tính tình lại nhu thuận, bèn xin hoàng đế cho tập tước Dự vương, do đó mọi người mới gọi là Tiểu Dự Thân vương.
Tiểu Dự Thân Vương cũng đã đến tuổi thanh niên.
Hoàng hậu lại làm mai cho cô Cách Cách, con gái Phúc Quận Vương.
Thế rồi ngày nghênh hôn tới.
Chính hoàng hậu lại cầu xin hoàng đế thả cho Dự vương ra khỏi lao Tôn nhân phủ trở về nhà.
Từ đó, cả nhà Dự Thân vương đều cảm kích và nhớ ơn hoàng hậu.
Bà Dự vương phúc tấn rắp tâm trèo cao đã từ lâu.
Bà đã nhắm Đại công chúa, mặt mũi xinh tươi, tính tình lại hào sảng.
Cứ mỗi lần vào cung gặp công chúa, bà lại tay bắt mặt mừng, hỏi đủ chuyện, hết sức thân mật.
Theo luật lệ trong cung nhà Thanh thì khi sinh ra, công chúa sẽ chủ yếu sống với bà bảo mẫu, nếu không phải là ngày lễ sinh nhật, Vạn thọ thì không được gặp mặt cha mẹ.
Một nàng công chúa từ khi sinh ra cho đến lúc đi lấy chồng, chỉ được gặp cha mẹ có mười mấy lần, thật tội nghiệp.
Uy quyền của người bảo mẫu rất lớn, còn công chúa với cha mẹ mình thì thương yêu trở nên nhạt nhẽo, thậm chí có công chúa khi gặp cha mẹ cũng không dám tỏ bày nỗi khổ cực của mình ra nữa.
Duy chỉ có Đại công chúa này là khác hẳn.
Nàng được Đạo Quang hoàng hậu hết sức sủng ái và nuôi nấng từ nhỏ tại cung nội.
Bên cạnh nàng có hai chục thị nữ, tám người bảo mẫu hầu hạ.
Nàng tuy là gái nhưng tính nết con trai.
Suốt ngày, nàng cười nói, vui đùa, cưỡi ngựa, bắn cung.
Bà Dự vương phúc tấn đã tính làm mai nàng cho chính con trai bà tên gọi Phù Trân.
Phù Trân năm đó tuổi đã hai mươi.
Trân tuy là con trai nhưng tâm tính lại như con gái.
Chàng có làn da trắng mịn, thân hình yểu điệu, lại có tính hay mắc cỡ, đụng tẹo là đỏ mặt tía tai lên.
Bà Dự vương phúc tấn cho người mai mối xin Đại công chúa cho con trai.
Hoàng hậu hỏi ý nàng thì nàng bằng lòng ngay, chỉ nhờ có một điều là nàng nghe nói anh chàng Phù Trân tính nết rất hiền lành, nhu thuận.
Hoàng hậu nói chuyện cưới gả này với hoàng thượng xong bèn cho xây cất ngay một toà phò mã phủ.
Đợi đến ngày lành tháng tất, Đại công chúa từ biệt cha mẹ, lên kiệu hoa về phò mã phủ, làm hôn lễ.
Sau đó hai ông bà bố mẹ chồng tới triều kiến cô dâu.
Nhưng sau cuộc triều kiến này, nàng công chúa bị khoá trái cửa lại, sống một mình lạnh lẽo trong phòng vắng, chẳng được gặp mặt chồng lấy một lần.
Đại công chúa lấy làm lạ.
Khi bà Dự vương phúc tấn tới thăm, nàng bèn hỏi lý do tại sao phò mã không thấy tới.
Bà phúc tấn an ủi nàng và nói:
- Đó vốn là luật lệ của bản triều ta.
Công chúa hãy nhẫn nại ít lâu.
Nghe nói vậy, Đại công chúa càng nghi hoặc, càng không rõ lý do tai sao.
Còn Phù Trân phò mã từ lúc lấy công chúa, thực quả cũng chưa từng được thấy nàng mặt ngang mũi dọc thế nào.
Suốt ngày chàng bị nhốt trong thư phòng phía ngoài viện, có muốn vào thăm vợ cũng chẳng được cho nên lòng rất lấy làm hối hận rằng mình đã lỡ phải làm phò mã, lấy công chúa con vua.
Thời giờ thấm thoắt thoi đưa, chẳng bao lâu đã năm tháng qua mà vợ chồng công chúa vẫn chưa từng được gặp mặt lần nào.
Nàng vốn là người hào sảng, thẳng thắn, không chịu nổi cái luật lệ kỳ cục ấy bèn bảo thị nữ cho tuyên triệu phò mã tới.
Nào ngờ lệnh của công chúa bị ngay chính bọn bảo mẫu ngăn cản.
Họ nói:
- Điều đó quyết không được đâu! Thiên hạ sẽ đồn rầm lên là công chúa không có liêm sỉ gì cả đấy!
Thế là nàng đành khoanh tay, đợi chờ.
Ba tháng sau, nàng lại muốn cho thị nữ đi tuyên triệu phò mã.
Bọn bảo mẫu lại ngăn cản, song lần này họ "mách nước":
- Nếu công chúa nhất sinh tuyên triệu phò mã tới thì cần phải bỏ ra ít tiền gọi là tiền "che xấu".
Đại công chúa nghe nói vậy, vội bỏ ra một trăm lạng bạc.
Bọn bảo mẫu chê ít, nàng lại thêm một trăm lạng nữa.
Bọn bảo mẫu vẫn chê ít, nàng lại thêm lên tới năm trăm.
Nhưng bọn bảo mẫu vẫn chê ít mà nói:
- Cung nội sai bọn tôi tới phò mã phủ để hầu hạ công chúa, một khi để công chúa tuyên triệu phò mã, tức là bọn tôi đã phải chịu tội thay cho công chúa rồi đó!
Đại công chúa nghe nói tức mình lắm, thế là lệnh lại bỏ.
Mãi đến ngày mồng một tháng giêng (ngày Tết Nguyên đán), nàng vào cung chúc tết, gặp cha bèn hỏi:
- Phụ hoàng đem con gả cho ai vậy?
Đạo Quang hoàng đế nghe đoạn, lấy làm lạ hết sức, bèn hỏi:
- Phù Trân không phải là chồng mày sao?
Đại công chúa liền nói với cha:
- Phù Trân là ai vậy? Phù Trân là người như thế nào? Con lấy chồng đã một năm rồi mà chưa từng được gặp chồng lần nào!
Đạo Quang hoàng đế hỏi thêm:
- Hai vợ chồng tụi bay sao mà không gặp mặt nhau?
Đại Công chúa đáp:
- Bọn bảo mẫu không cho phép con được gặp mặt chồng, thì làm sao mà con gặp được.
Đạo Quang hoàng đế nói:
- Đó là chuyện riêng của vợ chồng tụi bay, bọn bảo mẫu quyền gì mà can dự vào?
Đại công chúa lại nói:
- Có phải phụ hoàng cho bọn bảo mẫu tới phò mã phủ để cai quản con không?
Đạo Quang hoàng đế nói;
- Làm gì có chuyện đó bao giờ!
Đại công chúa nhớ lấy lời đó, cất kín trong bụng, quay về phủ.
Nàng trước hết cho gọi bọn bảo mẫu đến, chửi cho một trận, đuổi hết ra khỏi phủ, rồi tuyên triệu phò mã vào nội viện.
Thế là từ đó, hai vợ chồng đoàn tụ dưới một nếp nhà ấm cúng, vui vẻ, đẻ liền một dây tám đứa, đủ trai lẫn gái.
Từ khi nhà Thanh dựng nước đến lúc đó là hai trăm năm, sinh con đẻ cái thực chỉ có mỗi mình nàng Đại công chúa này.
Đã từ lâu, các công chúa triều nhà Thanh đều không được gặp mặt phò mã? Nhiều nàng ốm bệnh tương tư đến chết, đều do bọn bảo mẫu kiếm chuyện gây trò mà nên.
Công chúa chết đi rồi, tức thì phò mã bị đuổi ra khỏi phủ.
Trừ những phòng ốc nhà cửa giao lại cho nội vụ, tất cả những đồ đạc của công chúa như quần áo, vàng ngọc, trang sức đều bị bọn bảo mẫu nuốt sạch.
Bọn này vì tham lam những của cải đó nên đã nghĩ ra mọi cách, gọi là để bức tử công chúa.
Chuyện thật kỳ quặc song lại có thực dưới triều nhà Thanh.
Lại nói Đạo Quang hoàng đế bị hoàng hậu quản thúc ở trong cung và thường bị những tên thái giám tâm phúc của bà rình rập coi chừng.
Ngài chẳng có cách nào tiêu khiển, suốt ngày buồn bã, chán ngán.
Lúc còn trẻ, ngài có tập luyện cung tên cưỡi ngựa, bởi vậy, thường đem bọn hoàng tử ra ngoài ngự hoa viên tập dượt giải khuây.
Theo lệ trong cung nhà Thanh, cứ mỗi khi sinh ra, các hoàng tử được bế ra khỏi cung giao cho vú nuôi trông coi và nuôi nấng.
Đúng lệ thì cứ mỗi hoàng tử có tám bảo mẫu, tám vú nuôi, tám người khâu vá, tám người tắm giặt, bốn đèn đóm và bốn nhà bếp.
Khi lên ba thôi bú rồi thì bỏ bớt bọn vú nuôi, nhưng lại thêm tám tên thái giám, thường gọi là Ám Đạt để dạy hoàng tử cách ăn uống, tập cách nói năng, trò chuyện, luyện cách đi đứng, cách cư xử theo lễ đạo.
Đến sáu tuổi, bọn này còn dạy hoàng tử đi giầy, đội mũ, mặc áo, đưa đi theo ban đại thần đứng tại triều đình để sai khiến.
Hằng ngày cứ canh năm trở dậy, bọn hoàng tử mặc áo trào phục đi vào cửa Kiều Thanh, khi tới bực cửa lớn, có thái giám bế vào cửa, đưa mãi vào trước ngự toạ để cùng chầu với bọn Thân Vương.
Triều bái xong, các hoàng tử được đưa lên thư phòng đọc sách, làm văn.
Đến mười ba tuổi lại có những viên Ám Đạt giỏi chữ Mãn Châu, dạy cho cách đọc chữ Mãn, rồi mười bốn tuổi, dạy cưỡi ngựa bắn cung.
Trong cung gọi hoàng tử là A Kha Sở, cũng gọi là Thanh cung (cung xanh).
Mãi đến khi Phụ hoàng băng giá, hoàng tử mới được đem mẹ đẻ, con cái ra khỏi cung, ở bên ngoài.
Suốt thời gian làm hoàng tử, trừ những buổi vào chầu nơi triều đình ra, chỉ được gặp mặt phụ hoàng độ mười mấy lần.
Trong lúc gặp, lại không được nói chuyện.
Bởi thế giữa hoàng tử với hoàng đế, tình cảm thật hết sức lạnh nhạt.
Trên đây là luật lệ chung tại Thanh cung.
Nhưng đặc biệt với Đạo Quang hoàng đế thì lại khác.
Ngài thường triệu hoàng tử vào cung, đem cả đoàn theo bên cạnh mình đi du ngoạn.
Về sau, ngài nhận thấy nơi hoa viên quá nhỏ, bèn đem theo ngự lâm quân tới khu rừng mộc lan săn bắn.
Đạo Quang hoàng đế rất yêu quý hoàng tử thứ tư Dịch Trữ và hoàng tử thứ sáu Dịch Hân.
Phen nào tuần du ra ngoài, ngài đem hai hoàng tử này theo bên cạnh.
Mục Chương A thấy hoàng đế sủng ái Dịch Hân hơn cả Dịch Trữ, bèn ngầm liên kết với Hân, thường đưa lễ vật và dặn bảo Hân:
- Hoàng thượng là một vị thanh chúa, thông minh anh dũng, Đại A Kha nên cống hiến bản lĩnh phi thường trước phụ hoàng khiến ngài vui lòng hơn thì ngôi báu coi như đã nằm trong tay mình rồi.
Dịch Hân nghe lời A, suốt ngày luyện tập võ nghệ.
Bởi thế cứ mỗi lần cưỡi ngựa, bắn cung y như Hân được thưởng tứ nhiều nhất.
Đạo Quang hoàng đế càng ngày càng yêu Hân, Dịch Trữ ở bên cạnh, lặng lẽ đứng nhìn, cũng biết rằng phụ hoàng yêu Lục hoàng tử hơn mình.
Lục hoàng tử thấy được cha yêu, lại làm bộ kiêu ngạo hơn xưa khiến Trữ thấy khó chịu lắm.
Dịch Trữ cho mời sư phó của mình tên gọi Đỗ Thụ Điền tới thương lượng.
Điền vốn xuất thân nơi Hàn lâm, lòng đầy ứ kế mưu, bèn ri tai Trữ bảo làm như thế như thế, Trữ nghe lời thày dạy, nhớ kỹ trong lòng chờ ngày thực hiện.
Cách ít hôm, vùng Nhiệt Hà đầy nghẹt tuyết, hoàng đế dặn chuẩn bị trước: ngày mai đi săn tại sườn núi phía tây.
Ngài triệu tập khá đông thân vương, bối lặc.
Mọi người sửa soạn kỹ lưỡng vâng theo, ngày hôm sau, hoàng đế xuất môn, bên cạnh có bảy vị hoàng tử theo hầu.
Khi đến vùng núi phía tây, đoàn người ngựa bắt đầu khởi sự.
Duy chỉ có Tứ Hoàng tử Dịch Trữ kìm cương ngựa đứng yên bên cạnh cha, không nhúc nhích.
Đạo Quang hoàng đế thấy vậy, lấy làm lạ bèn hỏi:
- Trữ, con! Sao con không đi săn hả?
Dịch Trữ ngồi trên ngựa, khom mình đáp lời cha:
- Con nghĩ rằng đang là mùa xuân, chim muông đang mùa sinh nở, nên không nỡ giết hại chúng, e trái với đức nhân hoà của Trời Đất.
Con cũng chẳng muốn lấy cái hay về cung kiếm để cạnh tranh với anh em con làm gì!
Không ngờ mấy lời nói đó của Trữ đã làm cho Đạo Quang hoàng đế trầm ngâm hẳn đi, lát sau ngài thở dài nói:
- Con ta thật đã có cái độ lượng của người quân trưởng (ông vua).
Nói đoạn, ngài ra lệnh ngừng cuộc săn.
Cả đoàn Vương gia đang mặc sức đuổi nai bắn hoẵng, bỗng nghe có lệnh ngừng, lấy làm lạ lắm.
Nhưng đó là lệnh vua thì kẻ nào dám trái? Thế là cuộc săn phút chốc đã êm ru, ông nào ông nấy cuốn cờ dẹp trống, tiu nghỉu trở về..
Truyện khác cùng thể loại
267 chương
99 chương
34 chương
63 chương
875 chương