Trời nắng chang chang trên đầu như cái nỗi bẽ bàng rọi soi trong óc, Trinh ngồi thẫn thờ trên bậu cửa nhà sau ông huyện, mắt đăm đăm dùi vào cái chiếu hoa cạp điều phơi chỏng trơ trên sào. Bên dưới chữ song hỷ đan khung viền đỏ, một vệt máu thâm sì trội lên bần bật như xỉa vào cái tâm của nàng.  Đấy, là dấu vết chứng minh nàng Trinh làng Ẻn đã không còn trinh nữa. Trinh đã ngâm, đã cọ, đã dùng xơ mướp thấm giấm bổng chà rửa từ mãi hôm qua, thế mà cái vệt máu ấy dường như đang cố tình trêu chọc người đàn bà thất tiết, chẳng chịu phai đi cho nhờ. Quẫn quá, nàng đã toan ném đi cho rãnh, nhưng rồi bà bếp chẳng cho, bảo rằng chiếu hoa hơn mười đồng một tấm có lẽ đâu đem ném hoang như thế? Thôi thì bà sẽ thay cho ông huyện một tấm khác, còn tấm này nàng cứ việc đem về thay chiếu cói mà nằm cho sướng cái thây. Ừ thì sướng cái thây, nhưng lầy cái xác. Đem thân ra hầu người đã nhục, thế mà giờ nàng còn phải nằm lên cái nhục ấy hằng ngày, có cái đớn, cái hèn nào thâm sâu như thế không? Sáng hôm nay theo bà bếp cắp nón ra chợ, đã có đứa con nít gọi nàng là "thị Khinh" rồi đấy. Ừ thì chữ "Trinh" với chữ "Khinh" cùng vần, nhưng ngọng ngịu làm sao ra thế ấy cho nổi. Trinh biết rất rõ, ấy là chúng học theo thầy u mình mắng gió nàng đây.  Nhưng bị chúng khinh, nàng thấy cũng đáng. Mỗi lần nhớ lại cái đêm của ba hôm trước, Trinh lại muốn xé hết áo quần vùi mình xuống nước sông tắm gột, gột chẳng sạch thì nằm luôn dưới ấy chẳng cần ngoi lên. Nhưng rồi nàng nghĩ đến cái thây quấn chiếu đương nằm giữa sân chùa, vì chưa có lệnh của tri châu ban xuống nên vẫn chưa chôn được, lại thôi không hướng ra sông nữa. Nàng vì để u được nhập thổ đàng hoàng, ở cuộc phán xét giữa đình đêm ấy đã thẳng lưng gật đầu, tay không chút do dự lăn lên khế bán thân cho ông huyện. Ấy rồi nàng được lũ hầu nhà quan lý đem đi tắm gội, thơm tho nức mũi xong lại tống lên võng khênh về phủ huyện. Trinh bị lão sư gia đẩy vào phòng ông huyện cùng một chậu nước ấm và vài mảnh vải nhàu lớn nhỏ khác nhau. Vì đã từng hầu thầy lúc say, nàng biết cái nào đem lau chân, lau mặt, song lại chẳng buồn chú ý, cứ vơ cả đống ướt nhẹp đắp bừa lên người ông huyện, bản thân co lại nơi góc buồng ngồi bó gối nhìn chăm chăm kẻ say trên giường. Trong đầu, chỉ le lói đúng một ý nghĩ - cho mày trúng gió chết. Chừng đến giữa đêm, nàng thấy ông huyện lảo đảo bò dậy, xiêu xiêu vẹo vẹo đứng hẳn trên giường. Vì ông chẳng chú ý đến nàng nên nàng cũng không động đậy, im lặng ngồi nhìn ông ta leo lên cái tráp, rướn người lôi một vật dài trên xà ngang xuống. "Thầy ơi, con thật có tội với dân mình... Nhưng con mệt quá rồi, không thể tiếp tục nữa..." Ấy rồi có tiếng tráp gỗ rơi xuống nền nhà, Trinh kinh hoàng nhìn cảnh người đàn ông đang tự thắt cổ trước mặt mình mà toàn thân run rẩy. Nó muốn chết sao? Sao lại muốn chết? Chắc vì say quá rồi! Mình có nên kêu người đến cứu? Lý trí trong vài hơi thở quay về với người thiếu nữ, nàng từ từ trượt tường ngồi xuống lại. Vì sao nàng phải gọi người? Cứ để nó chết! Ừ, cứ để thằng huyện nó chết. Nhưng ông trời bất nhân, để cho dây thừng tuột ra, toàn thân kẻ kia thế là rơi phịch xuống giường. Và rồi, kẻ đó khóc.   Tiếng khóc... nó nghẹn, nó trầm, nó đứt quãng như đàn bà uất chồng đi ve gái. Thế mà, nó lại phát ra từ một gã đàn ông. Trinh giật mình thảng thốt, nhưng nàng ngỡ ngàng không phải do nút dây thừng bị tuột giữa chừng, mà vì tiếng khóc của gã. Sao mà nghe quen thế? Tò mò, nàng nhón chân đến gần giường để nghe rõ hơn, một hồi lâu sau liền cảm thấy đầu óc quay cuồng. Chính là cái âm thanh đó! Cái âm thanh đã theo nàng vào giấc ngủ nhiều đêm, xoa bớt nỗi đắng cay muộn phiền của kiếp thân con tội. Thầy nàng chết phơi xương ra đó, kẻ tiếc thương thì đầy, song chẳng có ai đủ gan để gỡ xuống đem chôn. Họ đập bàn than giời khi lê la ở các hàng quà, hàng nước; họ đấm ngực oán thán trước những mâm cỗ đầy xôi thịt ngày hội làng, ấy nhưng cũng chỉ được thế thôi. Lệnh vua thua lệ làng, song trong cảnh nước mất nhà tan, lệ làng cũng còn phải kém lệnh vua một bậc. Xưa có làm quá thì còn thầy ruột nương cho mà đánh khẽ, nay vào tay thằng hàng xóm bị nó bắt gọi bằng cha cho vui cửa vui nhà, chứ thử mà vênh lên với nó xem, nó không thụi cho rồi đời cũng uổng. Thành ra, kính thì có kính, thương thì có thương, người ta cũng chỉ dám kính thương vụng trộm, chứ mấy ai mà chịu liều mạng chống vua vì mình? Rồi đến một buổi chiều, ông huyện ghé thăm làng ngang qua cây đa ấy, mùi ôi thối xộc vào khiến ông nôn hẳn một hơi đến tím xanh mặt mày. Chỉnh tề áo mũ xong xuôi, ông chống nạnh rủa mắng vong linh kẻ chết là phường khốn nạn, cứ treo đấy ám chết cái thân ông, giận quá bèn lệnh cho lính tháo xuống ném phứt ra sông cho khuất mắt. Nghe nói ông châu sau khi biết chuyện, cười một trận rồi cho qua. Cũng chỉ là cơn sôi máu của một thằng quan non háu đá, nào có phải phản loạn chi đâu mà chấp nhất cho nhọc. Thế là, cụ đồ Nghị Quế đã được tự do như vậy đấy.  Đêm về, Trinh canh lúc ai nấy tắt nến bèn lẻn ra vớt cốt thầy đem chôn cất, đến bờ sông vén váy toan lặn xuống thì nghe ra tiếng lội nước đâu đây. Trời quá tối nên nàng không thấy được mặt mũi người này, song ánh trăng đêm khiến nàng có thể chắc mẩm trong tay gã chính là một cái sọ. Nghĩ một lúc, nàng biết đấy chính là cốt xương của thầy mình, song lại không dám nhào ra nhận thức. Nhỡ đâu kẻ vớt cốt kia là người của lão châu phái ra dụ bắt loạn đảng, nàng lại chẳng rơi vào tù tội? Lúc ấy thì u nàng còn sống sao được nữa? Thế là nàng lội theo gã cả quãng đường dài đến một khúc rừng hoang, rình xem gã vùi bọc xương xuống cái hố đã được đào sẵn, lấp đất lại rồi nhang khói hẳn hoi; sự đề phòng trong nàng mới một phần giảm xuống.  Chừng đến lúc gã rấm rứt khóc nghẹn, đề phòng kia liền biến mất hoàn toàn, thay vào đấy là sự bùng nổ của loại cảm xúc không tên. Thì ra trên đời này, còn có một người đau cho thầy nàng như vậy. Dĩ nhiên, người làng khóc cho cụ không thiếu gì, họ thậm chí còn ngã ra đất gào la thấu giời. Song chẳng hiểu sao, Trinh lại có loại cảm giác hoang đường là - khóc cần chi ầm ĩ, cứ nghẹn ngào kiềm nén như gã đàn ông kia, thế mới lại là đau thật sự. Nén hương ký ức vừa cháy rụi, Trinh vội vội vàng vàng lao đến gần giường cởi cái lọng ra khỏi cổ quan. Nếu đây thật là người ơn của thầy nàng, nàng suýt nữa đã trân mắt nhìn hắn chết. Cũng may nút dây bị tuột, mà nghĩ kỹ lại, chắc là thầy nàng linh thiêng làm cho nó tuột. Sờ vào cổ ông thấy nóng ran, nàng phát hoảng, lẹ làng đưa tay xuống cởi bỏ mảnh áo ướt nhèm, sau dùng chăn bao lại, bản thân ôm chậu ra toan thay nước ấm vào lau người cho kẻ bệnh. Phát hiện cửa đã khóa trái mất rồi, nàng bèn rệu rã ngồi lại lên mép giường thở dài nhè nhẹ. Tội nghiệp con bé mới chỉ tròn đôi chín, nào có từng trải qua chuyện trăng hoa, không biết đối với mấy thằng say ngắc ngứ, hơi đàn bà chính là mồi đốt lửa dục. Trinh bị ông huyện mơ mơ tỉnh tỉnh túm lấy tay lôi tuột lên giường, thân gái nhà bút nghiên lấy đâu ra hơi sức mà chống cự, giẫy đạp một lúc rồi cũng bị cướp đi đời con gái.  Bẽ bàng hơn nữa là sáng hôm sau khi ông ta tỉnh lại, nghe thấy nàng nghèn nghẹn khóc than, sau một lúc vò tóc nắn đầu, ông ta đột nhiên trở chứng điên lồng lên mắng nhiếc. "Khóc, khóc, khóc cái mả cha nhà mày! Làm như có mỗi nhà mày có trinh để mất ấy! Nín mồm ngay cho tao!" Ấy rồi ông đuổi luôn Trinh xuống bếp, từ ngày đó cũng không cho lên nhà trên nữa. Bây giờ ngồi đây nhớ lại thời khắc ấy, Trinh cũng không biết nên khóc hay cười. Thói đời mới thật lạ thay, kẻ cưỡng bức đời nay còn có thể mắng ngược nạn nhân hắn dâm dục. Đang lúc nghĩ ngợi vớ vẩn, bà bếp bỗng từ đâu lao ra giục nàng lên sảnh hầu quan. Trinh tuy ngạc nhiên nhưng cũng ngoan ngoãn theo bà vào buồng thay vào xống áo mới. Đeo vội cho nàng đôi thoa ngọc trai và cái kiềng bạc, bà hấp tấp kéo nàng ra khỏi buồng. Vừa vào đến gian chính, Trinh đã thấy ngay ông huyện quần áo thẳng thớm ngồi khoanh chân rung đùi trên sập, phía đối diện là lão châu Thao Giang đã ép chết thầy nàng. Nỗi căm hờn dâng lên đầy bụng, nhưng nàng không phát ra, nàng chưa dại như thế. Sụp người làm lễ quỳ bái các quan ông, nàng dịu dàng đến ngồi cạnh ông huyện hầu rượu, cẩn thận rót dâng lão châu trước, đoạn mới mời đến quan nhà. Mắt chạm mắt, nàng dường như đã trông ra sự ngạc nhiên trong cái nhìn của ông huyện. Ông hẳn đang rất tò mò vì đâu nàng lại có thể mỉm cười nhu thuận ngồi hầu kẻ thù giết cha. Nhưng rồi ông cũng dời mắt, quay sang khoác vai nàng, bắt đầu ngả ngớn vài câu đùa giỡn với lão châu. Ông khen nàng Trinh nhà cụ Nghị Quế quả không ngoa mỹ nhân Tam Giang, da nõn, eo thon, nuột nà như cái bánh trôi ngày tết, cắn một miếng là chỉ muốn ngậm luôn vào miệng, lời lẽ khiếm nhã không để đâu cho hết. Trinh đỏ mặt vì ngượng thì ít, vì uất nhục thì nhiều, song chỉ biết bậm môi cười mỉm, mặc cho hai ông quan đua nhau rộ lên khoái chí. Rồi hai ông ấy cũng để nàng yên mà tiếp cuộc chè rượu, chừng ngà ngà say mới lái câu chuyện sang thuế má ruộng điền. Ông huyện có ý xui nàng tránh đi, lão tri châu lại nằm lăn ra sập, ễnh bụng xua tay bảo chẳng cần, sợ cóc gì cái con câm mà bảo nó né? Nó chạy ra đình gióng trống kể tội được chắc? Mà thời này muốn kể thì cũng biết kể với ai? Vua ở quá xa, quan to nhất ở Giao Chỉ cũng là người nhà Minh, dễ mà rỗi sự đi xét việc cho một đứa mọi Nam chắc? Ông huyện cung kính cúi đầu thưa phải, đoạn cười hề hề khom người ghé vào tai lão châu. "Năm nay được mùa, thuế ruộng có thể nhân lên ba lần đấy ông ạ." "Dễ chừng các quan chờ anh phán chắc?" lão châu cười sặc, tay nhấc cao đưa lên ba ngón. "Các quan ở trên liệu trước hết rồi, thuế ruộng năm nay đã sẵn nhân ba. Chẳng cần phải lén lút cái chi hết." "Ơ thế là sao ạ, bẩm ông?" Lão châu nhổm người ngồi dậy, bắt chân chữ ngũ ra chiều đang bàn chuyện trọng đại, vẩy vẩy cái quạt trong tay lên giọng dạy rằng. "Này nhé, không biết cái ông nào nghĩ ra chiêu này, ôi thôi phải nói là diệu kế trong diệu kế. Thiên triều với chính sách an dân đã lệnh xuống định số thuế ruộng hệt thời nhà Hồ, nghĩa là năm thăng trên một mẫu*. Nhưng các ông to bên ta đã lý luận rằng mẫu nước Nam không giống mẫu nước họ, đã cho sửa lại, thế thành ra một mẫu nước ta bằng với ba mẫu bên ấy, thuế vì thế cũng phải nộp gấp ba lần." (*Đơn vị đo lường cổ Trung Hoa: 1 mẫu = 614,4 m², 1 thăng = 1 lít ngũ cốc, chả hiểu taị sao ngũ cốc đo bằng lít, mà thui kệ. :P) Trinh có thể cảm nhận được bàn tay trên eo mình khẽ siết, dẫu chỉ là thoáng qua. Song khi trông đến mặt ông huyện, nàng chỉ có thể trông ra sự hồ hởi. "Ôi các ông ấy đúng là bậc tài hoa ông nhỉ? Một mẫu nộp thành ba, rồi còn phần của chúng ta, vị chi chúng nó phải nộp thành chín. Sướng quá còn gì ông ạ!" Lão tri châu cau mày, quạt phát một cái lên đầu ông huyện.  "Đồ ngu! Ai đâu lại đi tham sỗ sàng ra như thế! Tôi nói anh huyện nhá, anh càng lúc càng lộ liễu rồi đấy, đến cả cái thằng bắt ốc của Thanh Ba này cũng biết anh là đại tham quan. Anh lo mà liệu cái thần hồn, chấm mút kiểu nào mà để cái lũ dân làm phản là không những anh chết, tôi chết, mà đến cả đức ngài Tham chính cũng chết với các quan thiên triều luôn đấy." "Chết nỗi," ông huyện cười mát. "Ông đừng nghe chúng nó mà nghi oan cho con." "Oan gì nhà anh?" lão châu trề môi. "Nghe bảo đến thằng lý anh còn vơ vét, sá gì lũ dân đen còm cõi!" Ông huyện đập tay lên sập ra chiều oan ức. "Đứa nào, đứa nào dám mách lẻo với ông thế ạ? Cái luật ăn chia trong hội nhà quan trước giờ đều đã có đường lối hẳn hoi, con dựa y đó mà làm, nhưng chúng nó thấy con là người mới, ra vẻ không phục, còn đòi ăn trên đầu con đấy ông ạ. Nói gì xa, cái thằng lý Chả đây này, đã biết luật chia trước giờ là ông năm, con ba, chúng hai, thế mà kỳ sưu đợt trước cứ nằng nặc đòi lấy bốn ông ạ. Nó bảo ông và con không động tay mà ăn nhiều quá, nó không phục, giờ phải cho nó bốn phần thì nó mới làm. Con giận quá mới nọc nó ra đánh ba mươi gậy. Chắc nó căm con từ đợt đấy đấy thưa ông." Nghe đến đây, ông châu liền trợn mắt, phùng mang. "Thế mà nó dám nói với tao mày đánh nó vì muốn chiếm luôn phần. Láo! Láo quá! Cái thằng lý ấy ăn gan hùm mật gấu hay sao mà dám đòi tận bốn phần?! Còn bảo tao chẳng động tay? Tao mà chẳng động tay thì chúng mày có mà tự do đi vơ vét thế à? Phải biết cái nghiệp quan trường của tao nó dài còn hơn đường làng chúng mày ấy chứ! Quanh năm cứ rúm ró trong cái xó này rồi xem giời bằng vung!" Nói rồi lão tức tối thõng chân xuống sập, miệng í ới thằng hầu đem gậy vào cho mình sang nhà thằng lý phạt cho ra lẽ. Thấy lão dợm bước, ông huyện vội vã vơ lấy cái tráp gỗ đầu sập nhét vội vào tay lão. "Ấy, ông đừng vội quá mà quên cả quà cho các cháu đây này." Lão châu hơi hơi nheo mắt, tay rón rén mở nhẹ nắp tráp rồi đóng sập xuống, cơ mặt căng cứng lập tức giãn ra.  Ông huyện được nước bèn sáp vào xun xoe, mắt híp lại hơi hất đầu về phía cô nàng trên sập. "Toàn là cái Trinh nhà con nó làm đấy ông ạ, các cháu nhà ăn có ngon thì báo lại một tiếng để em nó mừng." Lão châu nhìn Trinh một cái rồi quay sang ông huyện, đôi môi thâm sì toét cười một cách gian manh, ngón trỏ phẩy nhẹ ra bộ thầy đồ dạy học.  "Nhà anh đến có ngày chết vì gái đấy nhé...!" "Ông dạy phải lắm ạ," ông huyện lại cúi đầu, môi đáp lại bằng nụ cười gian không kém. Lão gật gù ra chiều ưng thuận, ngực ưỡn, đầu chếch, xoay sang Trinh đạo mạo mở lời. "Con kia! Chiều nay liệu mà đi chôn con mẹ nhà mày đi nhé! Để nó phơi thây giữa chùa thì toi hết quang cảnh linh thiêng." Trinh mừng đến run người, vội vàng sụp xuống vái tạ. Chừng ra đến cửa, chợt nhớ ra gì đó, lão quay đầu dặn dò. "Nạn bạo dân vẫn phơi ra đó, anh huyện nhớ lời tôi mà liệu cái thân, đừng để tiếng tham của anh liên lụy chúng tôi. Năm nay đã lỡ lao nhao, cả cái Thanh Ba này không tăng sưu được nữa, thôi thì hạ xuống hai đồng, thuế ruộng cũng không thu gấp chín nhé, gấp sáu... à không, gấp năm thôi, đành thu ít lại hòng dịu lòng chúng nó. Để đấy năm sau sự nó an lành rồi ta tính tiếp." Ông huyện chắp tay đáp dạ, đoạn càng gập người vái tiễn quan trên. "Con tiễn ông tri châu ạ!" Nhìn cảnh ấy, Trinh lại không kiềm được mà nhớ đến bốn câu thơ giễu đọc hồi mười tuổi. "Ông quan vái tiễn quan ông Kẻ cong cái ngực người còng cái lưng Cong còng thói ấy đã từng Thói đâu thói lạ quá chừng ta ơi?" Nếu nàng nhớ không nhầm, vị sĩ tử tài danh đã xướng ngâm nên bốn câu ấy chính là cậu ba họ Đinh Văn, tên đúng một chữ Trung trong "Trung quân ái quốc."