Thần Điêu Hiệp Lữ
Chương 23
Dương Quá nổi điên, lúc này dù kề dao vào cổ nó, nó cũng không buông không nhả, lúc vai nó bị đau nhói, nó liền nghiến răng cắn mạnh, "cắc" một tiếng, Triệu Chí Kính kêu lên: "Ối chao!
" ngón tay đã gãy xương. Quyền trái của Triệu Chí Kính giơ lên, đập xuống đỉnh đầu Dương Quá, khiến nó ngất đi, lão mới cậy hàm nó, rút được ngón tay ra, chỉ thấy cả ngón tay máu đầm đìa, xương ngón tay bị gãy, tuy có thể nối lại, nhưng từ nay cái ngón tay ấy sẽ kém hẳn, có phần tổn hại đến võ công. Triệu Chí Kính cả giận, đá vào người thằng bé mấy cái.
Triệu Chí Kính xé tay áo Dương Quá lấy một mảnh vải buộc vết thương lại, nhìn tứ phía, may không có ai cả, nghĩ bụng chuyện này mà để người ngoài biết, giang hồ loan tin đi, bảo Triệu Chí Kính phái Toàn Chân bị tên đệ tử trẻ con cắn gãy xương ngón tay, thì thực là mất hết thể diện, bèn bưng một chậu nước lạnh tới vẩy vào mặt cho Dương Quá tỉnh lại.
Dương Quá vừa tỉnh, nó lại vùng vẫy đánh lại. Triệu Chí Kính túm lấy ngực nó, quát:
- Đồ súc sinh, ngươi quả thật không thiết sống nữa hả?
Dương Quá chửi lại:
- Cẩu tặc, tên đạo sĩ thối tha, đồ râu dê, để cho Quách bá bá ta đánh cho bò lê bò càng dưới đất mà xực cứt chó, mi là tên súc sinh thì có!
Triệu Chí Kính vung chưởng lên, lần này có phòng bị, Dương Quá làm sao có thể đánh lại và xông tới gần? Trong giây lát nó bị liền mấy cú đá lộn nhào. Triệu Chí Kính muốn đánh nó thế nào chẳng được, nhưng nghĩ nó rốt cuộc là đồ đệ của mình, nếu nặng tay quá, sư phụ sư bá hỏi tới biết ăn nói ra sao. Song Dương Quá cứ liều chết đánh lại, tựa hồ có mối thù không đội trời chung, tuy liên tiếp bị đòn đau, nó vẫn cứ lăn xả vào mà đấm đá.
Triệu Chí Kính đánh thằng bé rồi, trong lòng hối hận, thấy nó tuy bị thương, song càng đánh càng hăng, cuối cùng không còn cách nào khác, đành điểm huyệt ở sườn nó. Dương Quá nằm bất động dưới đất, ánh mắt đầy vẻ hằn học. Triệu Chí Kính nói:
- Ngươi là một tên nghịch đồ, đã chịu hay chưa?
Dương Quá giương mắt nhìn, không hề có ý khuất phục. Triệu Chí Kính ngồi xuống một tảng đá, thở hổn hển. Tỷ võ quá chiêu với cao thủ, hồi lâu Triệu Chí Kính cũng chưa bao giờ thở hổn hển thế này, lần này chân tay thì không mệt, nhưng trong lòng thì chán ngán, giận dữ khó trấn tĩnh.
Một thầy một trò hằn học nhìn nhau, Triệu Chí Kính vẫn chưa nghĩ ra cách trị thằng bé ngỗ nghịch hỗn xược, đang chán ngán, bỗng có tiếng chuông gióng giả vang lên, triệu tập đệ tử toàn giáo. Triệu Chí Kính giật mình, nói với Dương Quá:
- Ngươi không ngỗ nghịch nữa, thì ta tha cho ngươi.
Nói rồi đưa tay giải huyệt cho nó.
Nào ngờ Dương Quá bật dậy, lại xông vào. Triệu Chí Kính lùi hai bước, giận quát:
- Ta không đánh ngươi, ngươi còn muốn gì?
Dương Quá hỏi:
- Từ nay lão còn đánh ta nữa hay thôi?
Triệu Chí Kính nghe tiếng chuông giục giã, không dám chậm trễ, đành nói:
- Nếu ngươi ngoan ngoãn, ta đánh ngươi làm gì?
Dương Quá nói:
- Thế thì được. Sư phụ, lão không đánh ta, ta sẽ gọi lão là sư phụ. Lão còn đánh ta một lần nữa, ta sẽ vĩnh viễn không chấp nhận lão.
Triệu Chí Kính đành cười khổ, gật đầu, nói:
- Chưởng giáo chiêu tập môn nhân, mau đi theo ta.
Thấy Dương Quá quần áo xộc xệch, mặt mày chỗ sưng chỗ tím, sợ người ngoài tra hỏi, Triệu Chí Kính sửa sang qua loa cho nó, rồi dắt tay nó chạy đến tập trung trước cung.
Lúc Triệu Chí Kính dẫn Dương Quá tới nơi, thì chúng đạo sĩ đã tề tựu. Mã Ngọc, Khưu Xứ Cơ, Vương Xứ Nhất ba vị ngồi quay mặt về phía mọi người. Mã Ngọc vỗ tay ba cái, nói to:
- Trường Sinh Chân Nhân và Thanh Tịnh Tản Nhân từ Sơn Tây có báo tin về, rằng ở đó tình thế nguy ngập. Bổn tòa cùng hai vị sư đệ thương nghị, quyết định rằng Trường Xuân Chân Nhân và Ngọc Dương Chân Nhân dẫn theo mười đệ tử sáng mai sẽ đi cứu viện.
Các đạo sĩ nhìn nhau, người thì có vẻ kinh hãi, người thì hăng hái. Khưu Xứ Cơ liền gọi tên mười đệ tử nói:
- Các ngươi lập tức thu xếp hành lý, sáng sớm mai cùng Ngọc Dương Chân Nhân và ta đi Sơn Tây. Thôi, giải tán.
Các đạo sĩ tản đi, bây giờ mới bàn tán, nói:
- Lý Mạc Sầu chẳng qua là một nữ nhân, thế mà Trường Sinh Tử Lưu sư thúc cũng không làm gì nổi mụ ta ư?
Có người nói:
- Thanh Tịnh Tản Nhân Tôn sư thúc chẳng phải cũng là nữ nhân đó sao? Đủ thấy nữ nhân lắm người tài giỏi, chớ nên coi thường.
Có người nói:
- Khưu sư bá với Vương sư thúc đi chuyến này, chắc Lý Mạc Sầu sẽ phải thúc thủ chịu trói thôi.
Khưu Xứ Cơ tới bên Triệu Chí Kính, nói:
- Ta cũng định đem ngươi đi, nhưng sợ chậm việc học hành của Quá nhi, nên không lấy ngươi đi theo nữa.
Thấy mặt mày Dương Quá có nhiều vết xây xá, bèn hỏi nó:
- Ngươi đánh nhau với ai vậy?
Triệu Chí Kính sợ sư bá biết sự tình, tất quở trách nặng, vội liên tiếp đưa mắt ra hiệu cho Dương Quá.
Dương Quá vốn đã có chủ ý, thấy Triệu Chí Kính lo cuống lên, thì vờ như không biết, cứ ậm ậm ừ ừ. Khưu Xứ Cơ giận hỏi:
- Kẻ nào đánh ngươi đến mức này? Rốt cuộc là ai có lỗi? Nói mau!
Triệu Chí Kính nghe giọng nói nghiêm khắc của sư bá, thì càng cuống lên.
Dương Quá nói:
- Không phải đánh nhau, mà là đệ tử bị ngã chỗ dốc núi. Khưu Xứ Cơ không tin, bực hỏi:
- Ngươi nói dối. Đang dưng sao lại bị ngã? Vết thương trên mặt ngươi cũng không phải do bị ngã.
Dương Quá nói:
- Ban nãy sư tổ gia giáo huấn đệ tử phải chịu khó học nghệ...
Khưu Xứ Cơ nói:
- Phải, rồi sao?
Dương Quá nói:
- Sau khi sư tổ gia đi rồi, đệ tử nghĩ giáo huấn của sư tổ gia rất đúng, từ nay đệ tử phải cố gắng hết sức để khỏi phụ kỳ vọng của sư tổ gia.
Nghe mấy câu hoa ngôn xảo ngữ ấy, sắc mặt của Khưu Xứ Cơ dịu lại, ừ một tiếng. Dương Quá nói tiếp:
- Nào ngờ bỗng nhiên có một con chó điên ở đâu chạy đến, chẳng nói chẳng rằng xông vào cắn, đệ tử đá đuổi nó đi, con chó điên càng lúc càng hung hăng. Đệ tử đành quay người bỏ chạy, vì không cẩn thận, bị trượt chân ngã xuống dốc núi. May có sư phụ của đệ tử tới, cứu được đệ tử.
Khưu Xứ Cơ bán tín bán nghi, đưa mắt nhìn Triệu Chí Kính, ngụ ý hỏi những lời vừa rồi của thằng bé là thật hay không. Triệu Chí Kính cả giận, nghĩ thầm: "Thằng khốn, tên tiểu tử thối tha, ngươi dám chửi ta là con chó điên", nhưng trong tình thế này đành cho qua chuyện, nên gật đầu nói:
- Là đệ tử cứu nó lên ạ.
Khưu Xứ Cơ bấy giờ mới tin, nói:
- Sau khi ta đi, ngươi hãy truyền thụ huyền công bản môn cho nó, cứ mười ngày sẽ do sư bá chưởng giáo phúc tra một lần, chỉ điểm yếu quyết.
Triệu Chí Kính chẳng muốn chút nào, nhưng lời sư bá sao dám cãi, đành cúi mình đáp ứng. Dương Quá lúc này vừa buộc được sư phụ tự nhận là con chó điên thì quá thích thú, không để ý nghe lời nói của Khưu sư tổ.
Chờ Khưu Xứ Cơ đi xa mười mấy bước rồi, Triệu Chí Kính lửa giận bốc lên, không kìm nổi, lại giơ tay định đánh xuống đầu Dương Quá. Dương Quá gọi to:
- Khưu sư tổ!
Khưu Xứ Cơ ngạc nhiên ngoảnh lại, hỏi:
- Gì vậy?
Bàn tay của Triệu Chí Kính giơ lên lưng chừng, không dám đánh xuống, y đành miễn cưỡng đưa lại gãi gãi đầu tóc của mình. Dương Quá chạy về phía Khưu Xứ Cơ, nói:
- Sư tổ gia đi rồi, đệ tử không có ai bênh vực, ở đây có nhiều vị sư bá sư thúc muốn đánh chửi đệ tử.
Khưu Xứ Cơ nghiêm mặt, quát:
- Nói bậy. Làm gì có chuyện đó?
Bề ngoài nghiêm nghị, nhưng nội tâm thì Khưu Xứ Cơ rất hiền từ, nghĩ thằng bé mồ côi đáng thương, bèn nói:
- Chí Kính, ngươi hãy săn sóc tử tế thằng bé này, nếu có xảy ra chuyện gì, ta về sẽ hỏi tội ngươi đó.
Triệu Chí Kính lại đành đáp ứng.
Tối hôm đó sau bữa ăn, Dương Quá thong thả đi tới tịnh thất của sư phụ, gọi:
- Sư phụ!
Giờ là lúc truyền thụ võ công. Triệu Chí Kính đã ngồi xếp chân bằng tròn từ lâu trên giường, nghĩ thầm: "Thằng nhỏ này quá ư ương ngạnh, đã thành con ngựa bất kham, sau này võ công cao cường, thì ai có thể chế ngự được nó? Nhưng Khưu sư bá và sư phụ dặn ta dạy võ công cho nó, ta đâu có thể trái lời". Nghĩ mãi vẫn chưa biết nên làm thế nào, thấy Dương Quá thong thả bước tới, ánh mắt láo liên, dáng điệu nửa như cười cợt, thì Triệu Chí Kính càng tức giận, bỗng nhiên nghĩ ra: "Có cách rồi, nó chưa biết tí gì về công phu bản môn, ta chỉ truyền thụ khẩu quyết huyền công cho nó, chứ không dạy nó phép tu luyện. Dẫu nó thuộc lòng mấy trăm câu ca quyết, cũng chẳng ích gì. Nếu sư bá, sư phụ hỏi đến, ta sẽ bảo nó không chịu dụng công". Chủ ý đã định, Triệu Chí Kính bèn dịu dàng nói:
- Quá nhi, lại đây nào.
Dương Quá hỏi:
- Sư phụ có đánh hay không đấy?
Triệu Chí Kính nói:
- Ta truyền công phu cho ngươi, chứ đánh ngươi làm gì?
Dương Quá thấy thần tình của Triệu Chí Kính thật ngoài dự liệu, bèn từ từ lại gần, trong bụng sẵn sàng đề phòng, sợ sư phụ có ngụy kế gì chăng. Triệu Chí Kính thấy hết, nhưng giả như không biết, nói:
- Công phu của phái Toàn Chân là luyện từ trong ra ngoài, không như công phu ngoại gia luyện từ ngoài vào trong. Bây giờ ta truyền cho ngươi tâm pháp bản môn, ngươi phải nhớ cho kỹ.
Rồi đọc khẩu quyết nội công nhập môn của phái Toàn Chân một lượt. Dương Quá chỉ nghe một lần là thuộc. Nó nghĩ thầm: "Con dê già râu dài này căm ghét ta, lẽ nào lão chịu truyền công phu thật sự cho ta kia chứ? Chắc lão sẽ dạy ta mấy câu khẩu quyết giả vô dụng đấy thôi". Lát sau, nó giả bộ quên, hỏi lại Triệu Chí Kính. Triệu Chí Kính đọc lại đúng như lần trước. Hôm sau, Dương Quá lại tái vấn sư phụ, nghe sư phụ đọc đúng như hôm qua, nó mới tin là không phải khẩu quyết giả.
Cứ thế mười ngày, Triệu Chí Kính chỉ truyền thụ khẩu quyết, còn cách tu luyện thực tế ra sao, thì y không nói một lời. Ngày thứ mười, Triệu Chí Kính dẫn Dương Quá lên gặp Mã Ngọc, bẩm rằng đã truyền thụ tâm pháp bổn môn, rồi bảo Dương Quá đọc cho sư tổ chưởng giáo nghe.
Dương Quá đọc một mạch từ đầu chí cuối, không sai một chữ. Mã Ngọc cả mừng, luôn miệng khen thằng nhỏ thông minh. Mã Ngọc là đạo sĩ đôn hậu khiêm xung, lòng dạ quân tử, đâu nghĩ đến việc Triệu Chí Kính có ngụy kế.
Hết hạ sang thu, hết thu sang đông, thấm thoắt đã mấy tháng, Dương Quá nhớ nằm lòng bao nhiêu là khẩu quyết, nhưng công phu thực tế thì chẳng học được tí gì, nói về nội công võ nghệ, nó chẳng khác gì khi mới lên núi. Hồi đầu chỉ học khẩu quyết, Dương Quá biết là sư phụ không chịu dạy võ tử tế cho nó, nó cũng chẳng nghĩ ra cách gì. Thấy sư tổ chưởng giáo Mã Ngọc hiền lành, có mách với Mã Ngọc, Mã Ngọc cũng chỉ trách cứ Triệu Chí Kính vài câu là cùng, e rằng lão dê già râu dài tìm cách hành hạ nó, đành chờ Khưu sư tổ về sẽ hay. Nhưng dăm tháng rồi vẫn không thấy Khưu sư tổ trở về. Hơn nữa, đối với võ công của phái Toàn Chân, Dương Quá vốn coi thường, học cũng được mà không học cũng chẳng sao, có điều là bị Triệu Chí Kính lừa dối như thế, trong bụng nó ngày càng căm hận, ngoài mặt vẫn giả bộ vâng lời. Triệu Chí Kính thầm đắc ý, nghĩ bụng: "Mi hỗn hào với sư phụ, để xem ai bị thiệt?
".
Chẳng mấy chốc tới tháng Chạp. Theo môn quy của phái Toàn Chân truyền từ thời Vương Trùng Dương, mỗi năm ba ngày cuối tháng Chạp các đệ tử môn hạ đều so tài với nhau, kiểm tra sự tiến bộ của từng người sau một năm luyện tập. Các đệ tử thấy ngày so tài sắp đến, đều miệt mài luyện tập.
Hôm ấy môn hạ đệ tử của Toàn Chân Thất Tử chia nhau thành bảy nhóm so tài. Các đồ tử đồ tôn của Mã Ngọc thành một nhóm. Các đồ tử đồ tôn của Khưu Xứ Cơ của Vương Xứ Nhất, đều thành một nhóm. Đàm Xứ Đoan tuy đã chết, song các đồ tử đồ tôn của họ Đàm vẫn rất mạnh. Mã Ngọc, Khưu Xứ Cơ nghĩ họ Đàm mất sớm, dành ưu ái nhiều hơn cho các đệ tử của họ Đàm, nên các dịp so tài cuối năm, các đệ tử đó cũng không thua kém gì đệ tử của sáu vị còn lại. Năm nay cung Trùng Dương gặp họa, trên dưới phái Toàn Chân đều nghĩ, phái Toàn Chân tuy được tôn là võ học chính tông trong thiên hạ, nhưng các môn phái khác trong võ lâm ngày càng có nhiều cao thủ xuất hiện, uy danh của phái Toàn Chân bị lung lay, nên ai nấy chịu khó tu luyện hơn hẳn mọi năm.
Giáo phái Toàn Chân do Vương Trùng Dương khai sáng. Vương Trùng Dương là tổ sư sáng lập. Toàn Chân Thất Tử (Mã Ngọc, Khưu Xứ Cơ...) là đệ tử thân truyền của Vương Trùng Dương, thuộc đời thứ hai. Triệu Chí Kính, Doãn Chí Bình, Trình Dao Ca là môn đồ của Thất Tử, thuộc đời thứ ba. Dương Quá là đệ tử thuộc đời thứ tư. Chiều nay, các đệ tử của Ngọc Dương Tử như Triệu Chí Kính, Thôi Chí Phương... tề tựu ở một sân bãi góc đông nam để so tài. Vương Xứ Nhất đi vắng, việc so tài do đại đệ tử Triệu Chí Kính chủ trì. Các đệ tử đời thứ tư hoặc diễn quyền cước, hoặc sử đao thương, hoặc phóng ám khí, hoặc hiển nội công, đều do Triệu Chí Kính phân định thứ tự.
Dương Quá nhập môn muộn nhất, xếp sau cùng, thấy không ít tiểu đạo sĩ hoặc thiếu niên tục gia võ nghệ thành thạo, ai nấy có sở trường của mình, thì nó đã chẳng ngưỡng mộ, lại còn ôm lòng căm giận. Triệu Chí Kính thấy nó luôn tỏ vẻ bất bình, bèn có ý để nó lộ cái xấu ra, chờ hai tiểu đạo sĩ đấu khí giới với nhau xong, liền gọi to:
- Dương Quá bước ra!
Dương Quá ngẩn người, nghĩ thầm: "Lão chưa truyền cho ta chút võ nghệ gì, gọi ta ra làm chi?
" Triệu Chí Kính lại gọi:
- Dương Quá, ngươi có nghe thấy hay không vậy? Mau bước ra!
Dương Quá đành tiến ra, cúi mình, nói:
- Đệ tử Dương Quá, tham kiến sư phụ!
Truyện khác cùng thể loại
117 chương
31 chương
1521 chương
40 chương
53 chương
96 chương
12 chương
122 chương
20 chương