Thâm Cung
Chương 84 : chương 69 (2)
[Dành tặng Ah Mei, người đã giúp mình lên ý tưởng "phượng hoàng nhỏ máu"]
Trên môi Bạch Diệu Hoa hiện lên một nụ cười. Nàng buông bút, liêu xiêu bước xuống đài. Khi nàng đến trước mặt hoàng đế, nước mắt đã rơi đầy mặt.
- Khởi bẩm hoàng thượng, có kẻ giở trò vào màu vẽ và lụa in tranh của thần thiếp... Hoàng thượng nhất định phải đòi lại công bằng cho thần thiếp...
Nàng càng nói, nước mắt càng lã chã tuôn rơi. Dáng vẻ uất ức đáng thương nhường này, ngay cả lúc bị hại đến thập tử nhất sinh nàng cũng chưa từng bày ra, không ngờ hôm nay lại dùng đến.
Hoàng đế tặc lưỡi:
- Có gì đứng lên rồi nói.
Lý Thọ không đợi sai bảo đã mau chóng tiến đến đỡ Bạch Diệu Hoa:
- Bạch tiểu chủ chớ lo, hoàng thượng tất không để tiểu chủ bị oan ức.
Bạch Diệu Hoa sụt sùi cảm tạ hoàng đế, lau nước mắt sạch sẽ đâu đó rồi mới cất lời:
- Thần thiếp nghe nói trên đời có một loại cây gọi là Ỷ Mộc thảo, khi gặp nước chua như chanh hoặc giấm thì sẽ chuyển màu đỏ cam, đậm nhạt tùy theo độ đậm đặc của Ỷ Mộc thảo. Các phường dệt thường dùng cách này để nhuộm vải. Ban nãy Tử Đạt tiên sinh nói nghiên mực có mùi hơi chua, Phong tiệp dư cũng xác định lụa có vấn đề, nên thần thiếp liền nghĩ đến loài Ỷ Mộc thảo này.
Bạch Diệu Hoa nói đến đây, thần sắc đã tỉnh táo trở lại. Nỗi sợ hãi trong lòng ta cũng dần dần tan biến. Bạch Diệu Hoa hôm nay đã không còn là nữ tử ngây thơ chỉ biết đợi người ta kề đao vào cổ năm nào.
Bấy giờ, Triệu Lam Kiều vốn luôn im lặng chợt cười nói:
- Bạch muội muội nhắc tới, thần thiếp mới nhớ ra. Lúc nhỏ thần thiếp được mẫu thân dắt tới phường dệt Cẩm Hoan chơi, đã nhìn thấy thợ dệt nhuộm vải một lần. Rõ ràng là một âu nước trong suốt, thế mà người thợ kia chỉ cầm bát nước cốt chanh đổ vào, liền hóa thành một màu đỏ bắt mắt. Hóa ra là dùng Ỷ Mộc thảo.
Triệu Lam Kiều không ít lần hại bọn ta sống dở chết dở, chẳng ngờ lúc này lại chịu góp lời bênh vực. Ta nghi hoặc chăm chú nhìn nàng ta, chỉ thấy trên gương mặt xinh đẹp kia là một nụ cười rất đỗi vô tư.
Tử Đạt cũng đã bước xuống đài. Ông gật gù, ánh mắt xa xăm:
- Trên đời đúng là có chuyện như vậy. Nhớ năm ấy lão phu tuổi trẻ hàn vi, không có ngân lượng mà màu đỏ làm từ tô mộc rất mắc tiền. Lão phu vẫn thường đi tìm Ỷ Mộc thảo rồi xin chanh về tự pha màu vẽ tạm. Đã lâu không dùng tới cách này, không ngờ lại gặp ở đây.
Ánh mắt Tử Đạt dời về phía Bạch Diệu Hoa, chuyển thành vẻ ngưỡng mộ:
- Bạch tiểu nghi kiến thức sâu rộng, lão phu lấy làm nể phục. Bằng tuổi ngươi, lão phu vẫn còn chưa lĩnh hội được cái thần của thủy ấn họa... Thực là đáng tiếc...
Là tiếc một bức họa đẹp bị hoen ố, hay là tiếc một nữ tử tài hoa phải chôn chân nơi thâm cung quạnh quẽ?
Chẳng ai biết Tử Đạt tiếc nuối điều gì.
Người già thường thích cảm thán. Tử Đạt cảm thán thỏa rồi bèn vuốt râu cáo từ hoàng đế, không quên buông lại một câu:
- Hoàng thượng đã có một phi tử tài hoa như thế, ngày sau không cần tìm lão già này nữa rồi!
Chuyện Bạch Diệu Hoa bị hại đã rõ như ban ngày. Bây giờ chỉ còn việc tra cho ra kẻ chủ mưu. Thái hậu day trán, thở dài:
- Đám người này đúng là không để ai gia sống yên.
Hoàng hậu lo lắng châm lại chung trà khác cho bà:
- Lão Phật Gia đừng quá lo nghĩ, chuyện này để từ từ tra xét cũng không hề gì. Sức khỏe của người mới là quan trọng nhất.
Cái gì mà từ từ tra xét?
Vật chứng rõ ràng, hung thủ không chừng cũng đang ở đây. Bây giờ không tra, chẳng lẽ đợi đến khi dấu vết bị người khác xóa sạch mới tra sao? Hoàng hậu đúng thật là biết nói đùa. Lòng ta giận lắm nhưng không làm gì được. Cũng may, thái hậu đã phất tay, chẳng buồn nhận chung trà do hoàng hậu dâng lên. Bà ngẩng đầu nhìn bước tranh phượng hoàng nhuốm máu vẫn còn treo trên đài cao, cười nhạt:
- Quà mừng thọ hậu như vậy, ai gia cũng đã nhận rồi, sao có thể không đáp lễ? Tra, tra ngay bây giờ. Gọi Chúc Nhã tới đây. Hôm nay nếu không tra ra thủ phạm, ai gia sẽ không rời khỏi nơi này.
Ta thở phào nhẹ nhõm, nhưng trong lòng lại dâng lên một mối hoài nghi.
Màn biểu diễn của Bạch Diệu Hoa chia làm hai phần. Ban đầu màu vẽ rõ ràng là không có vấn đề, sau khi thượng đài lần thứ hai mới xảy ra chuyện. Trong hậu điện đã xảy ra việc gì?
Kẻ bày ra tấn kịch lớn nhường này, không chỉ biết Bạch Diệu Hoa sẽ vẽ thế nào, mà còn lường trước được phản ứng của thái hậu. Con người thái hậu thâm sâu khó dò, vui buồn không lộ. Để dự đoán được thái độ của bà thực không dễ dàng. Phượng hoàng nhỏ máu và Vị Tú hiên, suy cho cùng có liên hệ thế nào với thái hậu? Dương Ngọc Huệ nhắc đến oan hồn Đỗ thục dung là do nhất thời ngu ngốc lỡ lời, hay còn có kẻ nào thao túng? Mà kẻ này rốt cuộc nhắm vào ai? Bạch Diệu Hoa, ta, hay là ai khác?
Bao nhiêu ngờ vực như tơ vò rối rắm. Ta nghĩ không ra, cũng không muốn nghĩ ra. Thời khắc này, ta chỉ cầu mong Bạch Diệu Hoa có thể tai qua nạn khỏi.
Trải qua thời gian chừng một nén nhang, Thượng cung đại nhân Chúc Nhã đã có mặt phụng mệnh. Nữ quan theo hầu bà là Tạ Thu Dung. Chắc hẳn thái giám dẫn đường đã được kể sơ qua sự tình, vừa đến nơi hành lễ xong xuôi, cả hai liền bắt tay vào kiểm nghiệm tranh và màu vẽ của Bạch Diệu Hoa. Không hiểu sao khi nhìn thấy Tạ Thu Dung, trái tim như đang bị nướng trên lửa bỏng của ta đột nhiên dịu lại. Tranh thủ lúc mọi người đang chăm chú hướng về phía Chúc Thượng cung, nàng kín đáo ngoảnh nhìn ta, khẽ mỉm cười. Ta tựa hồ có thể nghe thấy giọng nói ấm áp của nàng văng vẳng bên tai: "Nguyệt nhi yên tâm."
Tạ Thu Dung ở đây rồi, ta còn gì mà phải bất an?
Chỉ cần có nàng, ta nhất định yên tâm.
Chúc Thượng cung và thái hậu tuổi tác ngang nhau, nhưng có lẽ công việc ở Thượng cung cục hao tâm tổn trí nên mái đầu của bà đã bạc trắng rồi. Trái ngược với vẻ ngoài già nua, Chúc Thượng cung làm việc rất nhanh nhẹn. Bà điều động cung nữ mang đến một chiếc khay cực lớn, bên trên căng vải thưa. Tự tay bà đổ từng chút màu vàng còn lại trong nghiên lên mặt lụa. Trong chớp mắt, bà đã tìm được vật chứng là một tép chanh rất nhỏ vương ở đáy nghiên. Về phần Tạ Thu Dung, sau khi xem xét kĩ lưỡng bức tranh, bèn lên tiếng xác thực lời của Bạch Diệu Hoa ban nãy. Tấm lụa này quả có vài chỗ đã bị tẩm nước Ỷ Mộc thảo.
- Nước chiết từ rễ Ỷ Mộc thảo trong suốt, không mùi, nhìn bằng mắt thường rất khó phát hiện. Ỷ Mộc thảo có tính chất đặc biệt, hễ gặp nước chanh thì hóa đỏ, gặp vôi bột thì hóa xanh.
Tạ Thu Dung vừa giải thích, vừa lấy bút khoanh thêm một số chỗ vải có vấn đề. Kế đến, nàng sai cung nữ mang vôi bột và nước cốt chanh đến thử. Những việc xảy ra sau đó đúng hệt những lời nàng nói. Vì nước chanh nguyên chất, không bị pha lẫn với màu vẽ nên khi nhỏ vào chỗ vải bị tẩm Ỷ Mộc thảo, trên mặt vải lập tức xuất hiện một đốm đỏ tươi như máu. Chỗ rắc vôi bột chậm rãi chuyển màu xanh lam, còn chỗ chỉ nhỏ nước lã thì không có phản ứng gì.
Chúc Thượng cung đứng bên cạnh gật đầu tán thưởng, rõ là rất vừa ý Tạ Thu Dung. Khi nàng làm xong, bà bèn bổ sung thêm:
- Ngoài Ỷ Mộc thảo ra, hoa dâm bụt cũng có thể cho ra phản ứng này. Nhưng nước hoa dâm bụt màu tím, không thể tẩm vào vải mà không để lại dấu vết như vậy. Tấm lụa này chắc chắn đã bị tẩm Ỷ Mộc thảo từ trước.
Phượng hoàng nhỏ máu, chung quy cũng chỉ là trò giả thần giả quỷ mà thôi.
Thái hậu lặng nhìn bức tranh đã loang lổ trước mặt, suy nghĩ một chút rồi hỏi Chúc Thượng cung:
- Chẳng hay chuẩn bị một tấm lụa như vậy có khó hay không?
Chúc Thượng cung chắp tay kính cẩn thưa:
- Bẩm Lão Phật Gia, thực ra cũng không có gì quá khó khăn. Ỷ Mộc thảo là loại nguyên liệu phổ biến, có thể mua ở bất cứ phường dệt hay gánh xiếc nào. Chỉ cần xác định trước vị trí, sau đó dùng bút lông dấp nước Ỷ Mộc thảo này vẽ hình tròn lên mặt vải, lặp lại vài lần cho thấm kĩ. Cuối cùng, mang lụa phơi ở chỗ thoáng gió. Hơi nước sẽ tự bay đi, còn Ỷ Mộc thảo thì ngấm chặt vào sợi vải. Sợi vải bị tẩm Ỷ Mộc thảo có thể hơi xơ cứng, nhưng chỉ cần dùng dầu thơm làm mềm vải thoa nhẹ một lớp bên trên là sẽ giải quyết được ngay. Người thường nhìn vào, nếu không thật chú tâm thì khó lòng phát hiện ra được.
Thái hậu mỉm cười, bàn tay nhè nhẹ lần chuỗi bồ đề, hỏi tiếp:
- Cần tối thiểu bao lâu?
Chúc Thượng cung nghĩ ngợi giây lát:
- Có lẽ để vải khô hẳn thì phải mất vài canh giờ.
Thái hậu gật đầu, cho Chúc Thượng cung và Tạ Thu Dung lui sang một bên.
Triệu Lam Kiều rất biết chọn thời điểm để lên tiếng. Nàng ta cười cười, giả như vô tình hỏi:
- Ban nãy hình như thần thiếp nghe Phong tiệp dư nói, lụa này xin ở Triêu Lan cung, có phải không?
Hoàng hậu liếc nhìn Triệu Lam Kiều, lãnh đạm đáp:
- Lụa đúng là do Phong tiệp dư đến xin, vì chỗ nàng ấy không còn lụa trắng. Nhưng trước khi mang về Phong tiệp dư cũng đã kiểm tra, không có vấn đề gì mới rời khỏi Triêu Lan cung. Đức phi nói vậy là có ý gì?
Triệu Lam Kiều chẳng buồn đáp lại. Nàng ta gọi đích danh Phong Thể Minh mà hỏi:
- Phong muội muội, trước khi mang lụa đi, muội muội có kiểm tra cẩn thận không?
Phong Thể Minh hơi giật mình, nàng ngập ngừng nói:
- Lụa để trong rương rỗ... Thể Minh có mở ra xem, nhưng không trực tiếp cầm lên... Thể Minh không chắc...
Phong Thể Minh là người ngay thẳng, tuy hiện giờ hành sự đã thận trọng hơn xưa, nhưng xét cho cùng vẫn là non nớt. Đối với nàng, kiểm tra tức là chỉ nhìn xem trong rương có vải chưa. Nàng đâu hề nghĩ tới việc vải có vấn đề gì hay không. Lúc này, trải qua một trận sóng gió, Phong Thể Minh không thể khẳng định lụa ở Triêu Lan cung có vấn đề hay không. Mà bản thân ta lại càng không thể nói chắc điều gì.
Hoàng hậu bị Triệu Lam Kiều phớt lờ, lòng giận mà mặt vẫn điềm nhiên như không:
- Chúc Thượng cung nói, chuẩn bị một tấm lụa như vậy chỉ mất vài canh giờ. Ai đảm bảo không phải người ở Cẩm Tước cung ra tay sau khi Phong tiệp dư mang lụa về?
Phong Thể Minh đang băn khoăn nghĩ ngợi lại nghe hoàng hậu đùn đẩy, lập tức lắc đầu, nói chắc như đinh đóng cột:
- Không thể nào. Sau khi mang lụa đến cho Bạch tiểu nghi, Thể Minh đã ở lại trò chuyện với nàng ấy đến tận sẩm tối. Khi sắp đến giờ cử hành thọ yến, Thể Minh mới trở về chuẩn bị. Phòng nghỉ của Bạch tiểu nghi không lấy gì làm rộng rãi, lụa để trong phòng, Thể Minh và Bạch tiểu nghi đều ngồi ở đó. Kẻ nào có thể vào giở trò được?
Chuyện kể đến đây, ai ai cũng hiểu.
Mọi ánh nhìn, không hẹn mà cùng hướng về hoàng hậu.
____________
Giải thích cơ sở khoa học của hiện tượng "Phượng hoàng nhỏ máu":
Hiện tượng này dựa trên thí nghiệm dùng dung dịch quỳ để đo độ pH của các chất hữu cơ. Ỷ mộc thảo thực chất là địa y (có nhiều giống địa y được sử dụng để sản xuất giấy quỳ, trong đó có một số giống bản địa châu Á). Dung dịch quỳ bao gồm dung môi hòa tan và nước chiết xuất từ rễ địa y, trong suốt không mùi. Tính chất của quỳ là hóa đỏ khi gặp axit (nước cốt chanh), hóa xanh khi gặp ba-zơ (vôi), không đổi màu khi gặp chất trung hòa (nước hoặc bột màu tự nhiên). Chi tiết dùng nước ỷ mộc thảo vẽ lên mặt lụa được xây dựng dựa trên phương pháp tự chế giấy quỳ: người ta cho giấy đi qua nước quỳ rồi đem phơi khô, dung dịch địa y bám lại trên giấy có tính năng như chất chỉ thị màu.
Thành phần hóa học của dụng cụ Bạch Diệu Hoa sử dụng để vẽ như sau:
1. Nước vẽ
Nước pha quan hoa đậu giao. Đây là một loại keo chiết xuất từ hạt cây guar ở Trung Á, tan tốt trong nước, bền vững ở độ pH 5 -7 => hoạt động hiệu quả trong môi trường nước, không thay đổi tính chất vật lý khi tiếp xúc với màu vẽ.
2. Màu vẽ
- Nước: trung hòa
- Màu đen: than xoan hoặc than lá tre (đốt gỗ xoan đào hoặc lá tre để lấy than) => thành phần chủ yếu là carbon
- Màu lam: dùng khế chua xát vào đồ đồng rồi cạo lấy gỉ đồng (khế chua chứa axit hữu cơ kết hợp với đồng thành dung dịch muối đồng trung hòa)
- Màu lục: lá cây mít, bưởi, cam... => thành phần chính là diệp lục
- Màu vàng: hoa hòe (chứa 6-30% rutin) / quả dành dành (chứa glucoside)
- Màu đỏ: gỗ vang (tô mộc) => chứa brazilin tạo màu đỏ và một số chất khác
- Màu trắng: vỏ điệp => thành phần chính là chitin
=> các loại bột màu này đều có thành phần hữu cơ, không đổi màu khi gặp nước quỳ. Vì vậy, khi Bạch Diệu Hoa vẽ lần đầu, khi các loại màu này gặp phải những chỗ vải bị tẩm nước Ỷ Mộc thảo mới không xảy ra vấn đề.
Truyện khác cùng thể loại
16 chương
123 chương
43 chương
389 chương