Thâm Cung
Chương 32
Sức khỏe của Bạch Diệu Hoa dần dần bình phục.
Tuy nàng vẫn đang phải chịu phạt cấm túc nhưng đã dời đến ở trong cung của ta, ta lại là cung chủ nên vẫn có thể lui tới chăm sóc nàng. Theo quy chế thì Thường tại vị có thể có hai cung nữ, hai thái giám theo hầu. Chỉ vì khi trước Bạch Diệu Hoa thất thế, là một chủ tử không còn hy vọng nên không ai muốn cùng nàng chịu khổ, chỉ có một cung nữ hỗn xược do
Triệu Đức phi đưa đến mà thôi. Hoàng Hậu tỏ ý muốn để những người trước kia từng hầu hạ nàng quay lại nhưng Bạch Diệu Hoa từ chối. Ta cũng hiểu những kẻ này trước kia đã rũ bỏ nàng thì nàng cũng chẳng cầu bọn họ quay lại. Về điểm này, ta đồng ý với nàng ấy, những kẻ như thế không có gì tốt đẹp.
Hôm nay, nhân lúc Bạch Diệu Hoa gần như hoàn toàn hồi phục, Thượng Cung cục tuân lệnh Hoàng Hậu đưa đến mấy tiểu thái giám, cung nữ mới cho Bạch Diệu Hoa lựa chọn.
Bạch Diệu Hoa ngồi ngay ngắn trên sạp gỗ ngoài hiên Đông viện phơi nắng, ánh mắt lười nhác lướt qua những cung nhân đang xếp hàng ngay ngắn trước mặt, nói:
“Lâu nay ta gặp nhiều chuyện không may, bây giờ lựa chọn người cũng muốn lựa người nhiều phúc khí chút, coi như giảm bớt vận xui. Các ngươi ai còn đủ thân sinh phụ mẫu thì bước qua bên phải, ai phụ mẫu mất sớm chỉ còn huynh đệ tỷ muội thì bước sang bên trái.”
Đám cung nhân trước mặt nàng nghe xong liền khẩn trương bước qua bước lại một hồi, làm thành hai hàng riêng biệt, chỉ còn lại hai cung nữ tầm mười lăm mười sáu tuổi vẫn đứng trơ trơ chỗ cũ. Bạch Diệu Hoa thấy vậy liền hỏi:
“Hai người các ngươi cứ đứng đấy là thế nào?”
Hai cung nữ nọ cúi đầu, một trong hai người lí nhí đáp:
“Bẩm tiểu chủ, nô tỳ là cô nhi, từ nhỏ lưu lạc, không biết phụ mẫu là ai.”
Người còn lại cũng khẽ nói theo:
“Quê nô tỳ hai năm trước có ôn dịch, nô tỳ phúc mỏng, cả nhà đều chết sạch, chỉ còn lại mình nô tỳ.”
Bạch Diệu Hoa gật đầu, lại nhìn qua đám người này một chút rồi xua tay nói:
“Các ngươi đều về Thượng Cung cục trước đi. Ta đã chọn xong rồi. Lát nữa sẽ báo với Thượng Cung đại nhân lấy người sau”
Chờ đến khi bọn họ đi khuất, Bạch Diệu Hoa mới nghiêng đầu nhìn ta đang ngồi bên cạnh, hỏi:
“Tỷ tỷ thấy thế nào?”
Bạch Diệu Hoa từ khi tỉnh lại, không biết vì sao lại sửa cách xưng hô, gọi ta là tỷ tỷ, ta cũng tùy ý kêu nàng muội muội. Nãy giờ để nàng tự chọn lựa, ta chỉ ngồi yên một bên đóng vai vật trang trí, nghe nàng hỏi như thế, ta biết nàng đã chọn xong, chỉ cười:
“Nô tài tùy thân, đúng là nên chọn những người có phúc khí một chút.”
Bạch Diệu Hoa cũng tán thưởng:
“Tỷ tỷ cũng cho là thế? Như vậy… cứ chọn hai cung nữ ban nãy đi. Chỗ muội chẳng có việc gì, hai người đủ rồi.”
Ta lật lật danh sách trên tay, lơ đãng nói:
“Hai người ban nãy… là Tư Dao và Tư An, đều là cô nhi. Quả đúng là hai đứa trẻ nhiều phúc khí.”
Ở trong hậu cung này, những kẻ côi cút như vậy so ra lại có nhiều phúc khí hơn kẻ khác.
Bạch Diệu Hoa khẽ cười:
“Cũng là nhờ Hoàng Hậu nương nương.”
Ta đặt danh sách xuống, vỗ nhẹ lên vai Bạch Diệu Hoa:
“Hoàng Hậu nương nương luôn chiếu cố muội. Muội đừng cứ cố chấp như vậy.”
Cố chấp muốn ăn thua đủ với Hoàng Hậu chẳng phải điều gì tốt. Ngay cả Thục phi và Đức phi còn bị Hoàng Hậu làm cho điêu đứng, một phi tần thất sủng lấy cái gì để đối đầu với Hoàng Hậu?
Bạch Diệu Hoa vẫn cười cười:
“Muội dĩ nhiên biết. Trước nay muội luôn hưởng phúc của Hoàng Hậu nương nương… Có điều phần phúc này… nếu không có tỷ tỷ, muội đã chẳng còn được ngồi đây mà hưởng nữa.”
“Diệu Hoa…”
Ta ái ngại nhìn Bạch Diệu Hoa. Nét cười trên mặt nàng chợt trầm xuống.
“Không phải sao? Nếu hôm đó không có tỷ tỷ dẫn đường bây giờ đã chẳng còn Diệu Hoa nữa, lấy đâu ra người ngồi đây hưởng phúc của Hoàng Hậu nương nương ban xuống.”
Từ lúc Bạch Diệu Hoa tỉnh lại đến nay đã mấy hôm thì đây là lần đầu tiên nàng trực tiếp đề cập đến chuyện này.
Bạch Diệu Hoa thấy ta yên lặng lắng nghe, bèn cúi đầu nói tiếp:
“Ngày đó sau khi tỷ tỷ trở về, Mai Quyên liền mang cho muội một chén canh gà. Muội thường ngày cháo loãng còn khó có, nói chi tới canh gà, liền biết
Mai Quyên có vấn đề. Muội vui vẻ bưng lên vờ uống nhưng không hề chạm môi vào. Mai Quyên thấy muội đã chịu uống canh bèn bỏ đi. Thời gian nàng ta ở Vị Tú hiên mỗi ngày không bao nhiêu, rảnh ra liền trốn đi chơi.
Đợi nàng ta đi rồi muội mới lấy trâm bạc ra thử, quả nhiên trâm bạc hóa đen. Muội bèn đổ chén canh ấy đi.”
Nghe Bạch Thường tại nói, ta cảm thấy chuyện cũng gần như ta dự tính, bèn đáp:
“Bởi vì ta tay không đến chỗ muội, cho nên nếu họ muốn đổ tội cho ta thì nhất định phải hạ độc thủ với muội ngay. Như vậy mới có thể vu oan ta tự tay hạ độc muội.”
Nếu ta thực sự mang đồ đến tặng, Mai Quyên có thể phải một thời gian sau mới ra tay vì Bạch Diệu Hoa sẽ không dùng đến đồ của ta ngay. So với việc không biết khi nào bọn họ mới ra tay, chi bằng ta cứ mặt dày tay không đi đến, ép bọn họ phải ra tay ngay vậy mới dễ đề phòng.
Bạch Diệu Hoa cười, gật đầu:
“Sau đó, muội đem độc dược tỷ đưa tẩm vào khăn tay của Triệu Đức phi đang cất kỹ vào tủ, rồi mới tẩm lên chiếc khăn thường mang bên người. Cuối cùng uống trước hai viên thuốc giải độc rồi mới tự bôi độc lên mặt mũi mình, tự mình trúng độc.”
Mai Quyên trở về, nhìn thấy Bạch Diệu Hoa không khỏe liền cho rằng Hạc Đỉnh Hồng phát tác. Để chắc chắn đoạt được mạng
Bạch Diệu Hoa, Mai Quyên vờ tưởng nàng bệnh cũ tái phát, chỉ đỡ đi nghỉ, rất lâu sau mới báo thái y và Hoàng Hậu. Nếu không phải nhờ hai viên thuốc kia kiềm bớt độc chất lại, bảo vệ phủ tạng, Bạch Diệu Hoa khó mà toàn mạng.
Tuy ta đã cho Bạch Diệu Hoa thuốc kiềm độc trước, nhưng lòng vẫn luôn bất an. Cổ độc này vốn là của Y Tiên để lại, ắt chẳng phải thứ tầm thường. Ta vẫn luôn lo sợ thuốc kiềm độc không phát huy được tác dụng, hoặc thái y không đủ năng lực, cũng sợ thể lực Bạch
Diệu Hoa yếu ớt không cầm cự nổi. Thẳng thắn mà nói, cho dù Bạch Diệu
Hoa chết, kế hoạch của ta vẫn thành công, ta vẫn sẽ an toàn thoát thân, vốn không cần lo lắng.
Lý trí ta tự nhủ như vậy, nhưng lòng cứ hỗn loạn không yên. Sợi dây thòng lọng này do chính tay ta quàng vào cổ
Bạch Diệu Hoa, nếu nàng vì vậy mà vong mạng, ta thật sự không biết sẽ phải đối diện với bản thân thế nào. Mùi máu tanh trên tay ta chưa bao giờ phai nhạt, nỗi ám ảnh tanh tưởi ấy chưa bao giờ rời khỏi tâm hồn ta, luôn chực chờ muốn nuốt chửng ta. Sống trong hậu cung đen tối quá lâu, ta luôn biết sẽ không có giải pháp nào trọn vẹn đôi đường, cũng như sẽ không có âm mưu nào tất cả mọi người đều có thể toàn mạng mà thoát ra.
Ngươi sống ta chết – đây chính là nguyên tắc cơ bản nhất trong hậu cung. Một khi phải đứng trước lựa chọn giữa bản thân và người khác, cuối cùng ta vẫn sẽ ích kỷ mà chọn bảo toàn mình.
Có những lời an ủi của
Tạ Thu Dung, lòng ta nhẹ nhõm hơn nhưng vẫn không cách nào hoàn toàn quên đi được hình ảnh Điểm Cúc nằm dưới đất như một con rối đứt dây, vầng trán nứt toác như có thể nhìn thấy tận xương, máu tươi từ nơi đó trào ra, chảy loang lổ. Ta vẫn nhớ đôi mắt ấy, đến phút cuối vẫn mở to,
ầng ậng nước.
Điểm Cúc chết không nhắm mắt.
Ta nén tiếng thở dài, nhìn lại Bạch Diệu Hoa đang mỉm cười dịu dàng ngồi bên cạnh, gánh nặng trong lòng dường như nhẹ đi. Chí ít, Bạch Diệu Hoa vẫn khỏe mạnh ngồi ở đây.
Chí ít, ta vẫn có thể bảo toàn được một người.
Đến tận lúc này, ta mới hiểu vì sao mình lại tha thiết muốn cứu Bạch Diệu Hoa như thế.
Ta… chẳng qua chỉ là muốn cứu lấy lương tâm đang dần dần bị bóp nát của mình.
Bạch Diệu Hoa thấy ta im lặng hồi lâu, liền cười hỏi:
“Tỷ tỷ sao lại ngẩn ra như thế?”
Ta hơi giật mình, khẽ lắc đầu, lại chợt nghĩ đến một điểm còn băn khoăn trong lòng, liền hỏi nàng:
“Lúc đó muội làm sao có thể tẩm độc vào số khăn tay trong hộp mà vẫn giữ cho chúng khô ráo như vậy?”
Bạch Diệu Hoa bật cười:
“Thì ra tỷ đang nghĩ chuyện này sao? Cũng chẳng có gì lợi hại cả. Trước đó muội bất cẩn té ngã trật chân nhưng không mời được thái y, Mai Quyên đi một hồi mang về cho muội một vò rượu trắng, bảo xoa bóp một lúc sẽ khỏi. Muội dùng không bao nhiêu cho nên đến hôm đó vẫn còn.”
Cuối cùng ta đã hiểu, thì ra lại đơn giản như vậy. Rượu bay hơi rất nhanh, pha chút rượu vào trong độc sẽ đẩy nhanh thời gian bay hơi của độc lên nhiều lần. Dùng cách này để tẩm độc, chỉ cần hong khăn trước gió một chút khăn sẽ khô ráo không còn dấu vết. Hộp đựng khăn tay làm bằng gỗ trầm thơm, bỏ vào trong hộp đó, mùi rượu còn sót lại sẽ bị át đi.
Sự lạnh bạc của người đời, trớ trêu thay, cuối cùng lại cứu chúng ta một mạng.
Ta thở dài, siết tay Bạch Diệu Hoa:
“Muội chịu khổ rồi.”
Bạch Diệu Hoa cười chua chát:
“Đã liều như vậy mà vẫn không làm gì được Đức phi.”
Ta an ủi nàng:
“Lần này Đức phi cũng đã được một bài học. Chí ít là đưa được muội về đây, từ nay chúng ta tỷ muội chiếu cố lẫn nhau, cũng là việc tốt. Hoàng Hậu… tỷ ấy đã nói, đợi muội chịu phạt đủ một năm, tỷ ấy sẽ giúp muội thăng lên vài vị, lúc đó sẽ tốt hơn nhiều…”
Bạch Diệu Hoa mỉm cười, lơ đãng nắm lấy tay ta, nói một câu không mấy liên quan:
“Muội chỉ có một người tỷ tỷ mà thôi.”
***
Không có Thục phi và Đức phi diễu võ dương oai, Thái Hậu cũng không xuất hiện, chuỗi ngày này ở hậu cung có thể coi là bình yên hiếm thấy. Tâm tình của Hoàng Đế không tệ, từ đó đến nay vẫn chưa hạ lệnh giết thêm người nào, lại còn ban thưởng xuống không ít. Cẩm Tước cung của ta không làm gì mà cũng được thưởng một hộp trang sức. Ta nhìn chiếc hộp chứa đầy trang sức lấp lánh, cảm thấy quá chói mắt, tiện tay lựa ra một chiếc nhẫn bạc. Chiếc nhẫn mỏng mảnh giản dị, điểm đáng chú ý duy nhất là mặt nhẫn làm bằng hồng ngọc trong suốt, khắc hình một đóa hoa hồng nở rộ.
Cánh hoa ngọc tinh xảo đến mức làm cho người ta có cảm giác nó đang thực sự lay động. Chiếc nhẫn đeo vừa vặn vào ngón áp út của ta, trông không quá xa xỉ mà lại đủ trang nhã.
Nói là ban cho Cẩm Tước cung, như vậy Bạch Diệu Hoa cũng nên có phần. Ta chỉ lấy một chiếc nhẫn này đeo lên tay, còn cả hộp đều đưa cho Ngọc Nga mang tới Đông viện cho Bạch
Diệu Hoa.
“Bạch tiểu chủ ngoài việc tạ thánh ân và đa tạ chủ nhân ra thì một chút cũng không nhìn đến hộp trang sức, giao cho Tư Dao đem đi cất. Vẻ mặt bình thường, không có biểu cảm gì.”
Ngọc Nga cẩn thận bẩm báo lại.
Ta gật đầu, thầm nghĩ Bạch Diệu Hoa là đích nữ nhà quyền quý, mấy thứ vàng bạc này e rằng nhìn đã quen mắt rồi, sao có thể vì một hộp trang sức mà vui vẻ.
Ngọc Nga thấy ta không ý kiến gì, bèn cười cười chuyển đề tài:
“Mấy hôm nay Hạ Lê cung thật nhộn nhịp. Đức phi quả vâng lời Hoàng Hậu nương nương, tận lực chỉnh đốn cung nhân, tất cả những người có liên quan đến Điểm Cúc đều bị trừ bỏ. Thậm chí, có mấy cung nữ xui xẻo chỉ là từng trò chuyện với Điểm Cúc mấy câu cũng không thoát được. Tất cả đều bị đưa trả về Thượng Cung cục, e rằng kết cục sau này cũng không có gì tốt đẹp.”
Ta ngáp dài một cái:
“Đức phi làm gì cũng tận lực cả.”
Ngọc Nga bước đến xoa bóp vai cho ta, vừa nói:
“Nghe Ngọc Thủy nói, Đức phi giận đến mức muốn phát điên… Đêm hôm đó trở về liền giống như Thục phi, đập phá làm loạn. Ngay cả Quỳnh Thục nghi thường ngày thân cận cũng phải sợ hãi đóng chặt cửa, tối ngày ở trong phòng không dám ló mặt ra ngoài, sợ chọc trúng Đức phi.”
Hai vai được xoa bóp thoải mái, ta hài lòng thả lỏng thân thể, cười đáp:
“Đức phi làm thế nào giống Thục phi được? Thục phi đập toàn cống phẩm Tùy
Khâu, Đức phi lại chỉ đập một đống đồ sứ thông thường.”
Ngọc Nga ngẩn ra:
“Ý chủ nhân là…?”
“Làm hỏng cống phẩm là tội mất đầu, trong khi chỗ đồ sứ kia cung nào cũng có, hỏng rồi thì bảo Thượng Cung cục mang đến cái khác là được, giống nhau thế nào được?”
Bây giờ các nàng đắc sủng, muốn đập cái gì thì đập cái đó, Hoàng Đế sẽ chẳng so đo. Nhưng ngày tháng qua đi, khi sủng ái chẳng còn như trước thì những việc dung túng khi xưa sẽ trở thành vết nhơ không thể nào gột rửa.
“Đức phi… ngay cả lúc nổi giận cũng suy nghĩ chu toàn như vậy.” Ngọc Nga cười khổ.
Ta cũng thở dài:
“Cũng là trái đào ăn dở, nhưng khi thì là tận trung, khi thì là bất kính. Đức phi tất hiểu rõ đạo lý này.” (1)
Ngọc Nga cúi đầu suy nghĩ. Đương lúc ta còn đang thắc mắc nàng có hiểu hay không, thì Ngọc Nga lại nói sang chuyện khác:
“Hôm nay là sinh thần Tĩnh Tần, chủ nhân có biết Hoàng Thượng ban thưởng nàng ấy cái gì không?”
Ta bật cười, búng vào trán Ngọc Nga một cái:
“Còn đánh đố ta? Dĩ nhiên là thăng vị rồi.”
Ngọc Nga xoa trán, ngạc nhiên hỏi:
“Sao chủ nhân biết?”
Ta nhếch khóe miệng, lười biếng ngả người nằm ra sạp:
“Lần trước Tĩnh Tâm Lan có công ngăn cản Lão Phật gia ăn đồ mặn, thêm nữa là Hoàng Thượng gần đây luôn ưa thích nàng ấy.”
Ngọc Nga nhanh nhẹn lấy gối mềm kê cho ta nằm, nói liến thoắng:
“Chủ nhân nói phải. Sáng sớm hôm nay, Hoàng Thượng đã khẩu dụ gia phong Tĩnh Tần lên hàng Tu dung, cuối năm nay sẽ chính thức làm lễ sắc phong.
Hoàng Hậu cũng ban thưởng xuống rất nhiều.”
“Ồ, nếu vậy ngươi cũng nên sửa cách xưng hô đi thôi. Hoàng Thượng đã mở kim khẩu, trước sau gì nàng ấy cũng là Tĩnh Tu dung.”
“Vâng ạ.”
Không ngoài dự đoán, Tĩnh Tâm Lan đã thăng đến hàng chính tam phẩm. Có điều bây giờ mới là hạ chí (2), nàng ta có thể chờ đến đại điển sắc phong vào cuối năm hay không, còn phải chờ xem phúc khí của nàng ta đến đâu.
“Nô tỳ thật không hiểu, Hoàng Hậu nương nương sao lại để Tĩnh Tu dung thăng vị thuận lợi như thế? Sau này chẳng phải sẽ gây phiền phức cho chúng ta sao?”
Ngọc Nga phe phẩy quạt giấy xua bớt cái nóng mùa hạ cho ta dễ ngủ, trầm ngâm nói.
Ta vùi đầu vào gối bông mềm mại, sau lưng lại có Ngọc Nga quạt mát, mi mắt nặng dần, chỉ kịp mơ màng nói một câu “Cây cao gió cả” liền chìm vào mộng đẹp.
Được ngủ ngày là một trong những lợi ích nhỏ của việc làm phi tử.
Thế nhưng, có lẽ số ta rất xui xẻo, ngay cả một lợi ích nhỏ như vậy cũng không thể hưởng cho trọn vẹn. Vừa mới mơ màng ngủ được một lát đã thấy vai mình bị lay mạnh, ta nhăn mày, lồm cồm bò dậy, liền thấy Ngọc Nga hớt hải gọi:
“Chủ nhân, Lý công công truyền tin, Hoàng Thượng triệu kiến người.”
Ngọc Nga vừa dứt lời liền nghe thấy tiếng Lý Thọ từ ngoài cửa the thé vọng vào:
“Nương nương, xin chuẩn bị nhanh một chút, Hoàng Thượng đang đợi.”
Ta dụi dụi mắt, khẽ hỏi Ngọc Nga:
“Bây giờ là giờ nào? Sao Hoàng Thượng lại triệu kiến gấp như vậy…”
Ngọc Nga nhìn đồng hồ cát, lại nhìn ra ngoài trời, lo lắng đáp:
“Vẫn đang là giờ Thìn ạ.”
Nói xong nàng ta lại hạ giọng thật thấp, như sợ Lý Thọ nghe được:
“Chủ nhân, giờ này hằng ngày là lúc Hoàng Thượng nghị luận cùng các vị đại nhân ở ngự thư phòng. Theo lý mà nói… Hoàng Thượng không thể triệu kiến người vào lúc này được.”
Hiểu được lo lắng trong lòng Ngọc Nga, ta hướng ra phía cửa phòng, thử thăm dò:
“Lý công công, xin hỏi Hoàng Thượng vì lẽ gì mà triệu kiến bản cung gấp gáp như thế?”
Lý Thọ ở bên ngoài, không những không trả lời mà còn hối thúc thêm:
“Nô tài nào dám trộm đoán thánh ý… Xin nương nương nhanh chóng chuẩn bị, để chậm trễ… Hoàng Thượng trách tội xuống, nô tài gánh không nổi đâu ạ…”
Giọng Lý Thọ vô cùng gấp gáp, có vài phần giống với lần Hoàng Đế triệu ta đến Noãn các ba ngày. Nhưng lần này… giờ giấc không đúng. Nhất định có điều khuất tất.
Ngọc Nga hoảng hốt cầm chặt tay ta:
“Chủ nhân, chuyện này… thật sự kì quái! Phải làm sao đây?”
Ta thở hắt ra:
“Còn làm sao được? Lý Thọ đã tự mình đến mời, ta không thể không đi. Thôi, mau giúp ta thay y phục. Nếu thực sự là Hoàng Thượng triệu kiến thì không thể chậm trễ được.”
***
Trưa tháng sáu nắng chói chang.
Ta và Lý Thọ đi vội đến mức không kịp mang ô. Đoạn đường từ Cẩm Tước cung đến Cát Tường điện ngồi kiệu thì còn không sao, khi tới cổng Cát Tường điện rồi, phải đi bộ vào mới thấy thế nào là nắng cháy da cháy thịt.
Cũng vì Hoàng Đế tính cách thất thường, chỉ có cung nữ và thái giám ngự tiền mới được ra vào nên ta đành để Ngọc Nga đứng đợi trước cổng Cát
Tường điện, còn mình đi theo Lý Thọ. Giờ nhìn thấy trời nắng như thế, lại nghĩ đến Ngọc Nga phải đứng giang nắng chờ đợi, lòng không khỏi xót xa.
Bước thấp bước cao theo sau Lý Thọ trên con đường nhỏ nối liền từ cửa hông, nhìn ánh nắng phản chiếu rực rỡ trên toàn cung điện mái ngói lưu ly phía trước, lòng ta càng thêm bất an.
Lúc này ta lại chẳng thể đoán được điều gì.
Lý Thọ là tâm phúc của Hoàng Đế, về độ tín nhiệm thì chỉ sau lão tổng quản Tô Trường Tín mà thôi. Ta không dám nghĩ hắn giả truyền thánh ý. Nhưng mà đột ngột triệu kiến gấp rút vào lúc này quả thực rất đáng nghi.
Nỗi bất an trong lòng càng lúc càng dâng cao, cao đến nỗi ta không thể nhịn nổi nữa. Mắt nhìn thấy Lý Thọ đang đi phăng phăng về hướng ngự thư phòng, ta liền dừng bước:
“Lý công công, có phải bản cung nên đến Noãn các đợi Hoàng Thượng không?”
“Hoàng Thượng truyền nương nương đến Ngự Thư phòng, nương nương vẫn nên đến đó thì hơn.”
Lý Thọ chỉ quay đầu nói với ta một câu như vậy, rồi lại hớt hải đi như bay. Hắn đã nói thế, ta đành cắn răng dợm bước đuổi theo, lòng nghĩ nơi đây dù sao cũng là Cát Tường điện, Lý Thọ sẽ không giả truyền thánh chỉ, cũng không làm gì ta được.
Mãi đến khi tới trước cửa Ngự Thư phòng, ta mới biết mình đã lầm to.
Lầm to rồi!
Ngự Thư phòng có đến hơn mười người mặc quan phục khác nhau, kẻ đứng người quỳ nhấp nhô, còn Hoàng Đế thì đang đứng trước thư án, một tay chống hông, một tay trỏ vào mặt một vị lão thần râu tóc bạc trắng đang quỳ bên dưới. Nhìn bộ dạng mắng người đến nỗi đỏ mặt tía tai, sát khí đằng đằng của Hoàng Đế, có lẽ vị lão thần kia sẽ không giữ nổi đầu.
Tuy ta không biết chuyện tày trời gì đang diễn ra ở trong đó, nhưng có một điều hoàn toàn chắc chắn: Hoàng Đế không thể triệu kiến ta trong tình cảnh như vậy!
Lý Thọ thực sự dám giả truyền thánh ý!
Ta cắn răng, quay đầu nhìn trừng trừng Lý Thọ, thấp giọng nói:
“Lý công công, giả truyền thánh ý là tội chém đầu!”
Mặt Lý Thọ hiện lên vẻ khó xử. Ta không dư thời gian để nghe hắn biện giải, lập tức xoay người bỏ đi. Trong đầu ta lúc này chỉ có một ý nghĩ là phải rời khỏi đây càng nhanh càng tốt. Mặc kệ đầu của Lý Thọ, ta cứ phải chạy để giữ đầu của mình cái đã.
Không ngờ Lý Thọ lại dám túm lấy tay áo ta:
“Nương nương… xin nghe nô tài giải thích…”
Ta giật mình, rút tay áo ra khỏi tay Lý Thọ, trừng mắt nhìn hắn:
“Lý công công! Ta với công công không thù không oán, công công vì sao lại muốn lấy mạng ta?”
Lý Thọ lắc đầu, hốt hoảng nói:
“Nô tài nào có ý đó! Hôm nay nô tài to gan giả truyền thánh ý cũng là việc bất đắc dĩ… chỉ là để mời nương nương di giá, không thể làm khác…”
Lý Thọ càng nói càng hoảng, vòng vo mãi vẫn chưa nói ra chuyện gì. Ta đã sợ đến run người, không chịu được nữa, đang định túm váy bỏ chạy thì nghe một giọng nói từ sau lưng truyền đến:
“Hòa phi nương nương, xin nghe lão nô nói một lời!”
________________
(1) Lấy ý từ điển tích về Di Tử Hà và vua nước Vệ:
Trước, vua nước Vệ rất yêu Di Tử Hà. Cái phép nước Vệ, ai đi trộm xe của vua, thì phải tội chặt chân. Mẹ Di Tử Hà đau nặng. Đêm khuya có người đến gọi, Di Tử Hà vội vàng lấy xe vua ra đi. Vua nghe thấy, khen rằng: “Có hiếu thật! Vì hết lòng với mẹ, mà quên cả tội chặt chân.”
Lại một hôm, Di Tử Hà, theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào thấy ngọt còn một nửa, đưa cho Vua ăn. Vua nói:” Yêu ta thật! Của đang ngon miệng mà biết để nhường ta.”
Về sau, vua không có lòng yêu Di Tử Hà như trước nữa. Một hôm phạm lỗi, vua giận nói rằng: “Di Tử Hà trước dám thiện tiện lấy xe của ta đi. Lại một bận dám cho ta ăn quả đào thừa.
Thực mang tội với ta đã lâu ngày.”
Nói xong bắt đem trị tội.
(2) Hạ chí: 21 – 22/6
Truyện khác cùng thể loại
12 chương
275 chương
16 chương
93 chương
40 chương