Thạch Kiếm
Chương 41 : Cây đàn vỡ
Nước sôi vừa đúng độ, đồ dùng pha trà sẵn sàng để bên, Yến Nương thoăn thoắt đổ bột trà vào bát, châm nước sôi, đánh cho trà ngầu bọt. Những cử chỉ ấy nhanh nhẹn, tự nhiên và nếu chú ý hình như có một chút gì nồng ấm trong khóe mắt và nụ cười của Yến Nương mỗi khi nàng bưng trà đến cho khách. Đôi má lúm đồng tiền càng tăng vẻ quyến rũ khiến Bạch Phát thi sĩ, nhà thơ đa tình, cứ ngây người ra ngắm.
Lửa bắt đầu lụi. Yến Nương bỏ thêm củi vào lò. Tiếng than nố lách tách, khói trắng bốc cao, tỏa mùi thơm nhè nhẹ. Ngửi mùi thơm khác lạ, Lưu tướng công hỏi:
- Nàng đun củi gì thế ? Mùi này không phải mùi củi thông.
- Dạ không phải. Đấy là gỗ mẫu đơn.
Mọi người ngạc nhiên vì mẫu đơn mọc thành bụi, làm gì có gỗ mà dùng làm củi sưởi. Nhưng Yến Nương đã cầm một khúc đưa Lưu Cát xem. Khúc gỗ nhỏ, thớ vặn vẹo, khô đanh, rất nhiều mắt, cành cụt chĩa ra tua tủa.
- Những gốc này tiện nữ cho đào ở vườn ngoài, đem phơi để dành làm củi sưởi.
Tuy không nhiều nhưng cũng đủ dùng. Khu vườn quý tôn khách đi qua lúc nãy trồng toàn mẫu đơn có đến hàng trăm năm nay, nhiều cây đã cỗi nên không ra hoa to nữa. Tiện nữ lựa những cây nào tốt và thuộc giống quý mới để lại.
Thạch Đạt Lang thấy hay hay, tò mò hỏi:
- Theo ý cô nương, thế nào mới là giống mẫu đơn quý ?
- Mẫu đơn là hoa vương, hoa nào cũng đẹp. Nhưng theo thiển ý, giống hoa tốt phải to, nhiều cánh và thuần sắc, như vậy mới xứng đáng là phú quý chi hoa. Tỷ như những khóm trồng ở ngoài kia có tên Đại Hồng Phấn và Mỹ
Nhân Kiểm là những thứ đặc biệt lắm. Đại Hồng Phấn hoa to, đỏ, mịn như nhung và Mỹ Nhân Kiểm trắng như tuyết không có một tạp sắc nào.
- Cô nương rành về mẫu đơn lắm nhỉ.
- Đại hiệp quá khen. Những điều nhỏ nhặt ấy, tiểu nữ đều đọc ở trong sách.
Rồi đăm đăm nhìn Thạch Đạt Lang, nàng nói:
- Mẫu đơn là hoa vương. Cho nên sau khi chết, gốc nó vẫn giữ được tính chất khác thường. Cũng như có những người giá trị của họ không thể lẫn với những người tầm thường được. - Và mơ màng như để nói với chính mình - Trên đời này, mấy ai được như hoa mẫu đơn kia, khi cánh đã héo rồi danh thơm còn lưu mãi.
Lời Yến Nương gieo mối cảm hoài sâu xa trong lòng khách. Mọi người ngồi im không nói. Lát sau Đại Quán mới lên tiếng:
- Trong cuộc nhân sinh ngắn ngủi này, con người chúng ta chỉ nở hoa vào lúc thanh xuân thật, nhưng sinh tử vốn hư không, có lìa bỏ được ý niệm phân biệt sinh tử mới gọi được là giải thoát.
Yến Nương với tư cách chủ nhân, yêu cầu quan khách lưu chút kỷ niệm. Lưu Cát tướng công bèn bảo Cổ Huy Đạo:
- Chủ nhân đã yêu cầu, xin nhường tiên sinh khai bút.
Con hầu mang giấy mực ra, trải thêm tấm thảm lên sàn. Cổ tiên sinh cầm bút, trầm ngâm giây lát rồi chấm vào nghiên mực, tay đưa thoăn thoắt trên tờ giấy lụa vân.
Nét bút tung hoành, chẳng mấy chốc đã thấy hiện ra một cành mẫu đơn trông sinh động như thật. Nhìn hoa, Đại Quán cao hứng, viết ngay một bài cảm đề theo thể thơ hài cú:
Vướng mắc gì trong vòng hệ lụy ?
Cánh hoa kia tuy đẹp Nhưng rồi cũng tàn phai.
Bạch Phát lão nhân thì chọn thể thơ tứ tuyết:
Hoa tươi không nỡ hái Hoa rụng lòng bâng khuâng Vườn khuya bông tuyết trải Hạt bụi vào hư không.
Đọc thơ, Yến Nương mắt rướm lệ. Riêng Thạch Đạt Lang mừng thầm, vì chẳng ai bảo hắn đề thơ lưu niệm.
Bức tranh được treo lên, Yến Nương cúi đầu tạ khách. Bỗng có người lên tiếng:
- Chủ nhân nổi tiếng danh cầm, sẵn có đàn tỳ, sao không dạo nghe một bản ?
Vâng lời, Yến Nương đến bên vách nâng đàn, rồi không đợi giục, kéo bồ đoàn ngồi giữa phòng, vặn giây so phím, lựa một khúc hợp với tâm sự.
Mới đầu còn gẩy vài tiếng, tuy chưa thành khúc điệu mà đã tỏ ra lão luyện.
Tiếng đàn từ dây này sang dây khác vang lên, lúc khoan lúc nhặt, bộc lộ niềm u uẩn. Tiếng nào cũng mang nặng nỗi bất đắc chí thuở bình sinh, nghe ra nghẹn ngào thương cảm.
Lửu lụi dần, gian phòng tối hơn, chẳng ai để ý. Cử tọa dường như bị thôi miên bởi sức cám dỗ của tiếng đàn bi thiết. Mãi đến khi kết thúc, năm ngón tay nàng phả cả vào bốn dây, nghe đánh “toang”, tưởng như không chịu nổi những u uất, cây đàn muốn vỡ tung, mọi người mới giật mình sực tỉnh.
Yến Nương để đàn lại chỗ cũ, khiêm nhượng:
- Tiện nữ còn phải học nhiều, xin quý tôn khách lượng thứ.
Tân khách cúi đầu không đáp. Nói gì cũng bằng thừa sau những tiếng đàn như thế.
Yến Nương gọi người nhà mang thêm củi, gây lửa lớn hơn.
Câu chuyện đổi sang nghệ thuật pha trà và uống trà của một vài sắc dân miền bắc hải đảo. Dịp này Cổ Huy Đạo và Đại Quán chứng tỏ các vị quả là những bậc hiểu biết uyên bác về nghệ thuật dùng trà.
Trời đã khuya, có lẽ cuối giờ sửu, mọi người từ tạ ra về. Yến Nương đứng bên cửa cảm ơn quan khách, cúi chào từng người trong khi khách lần lượt buộc giày cỏ bước xuống thềm.
Thạch Đạt Lang cũng ngỏ lời từ biệt, nhưng Yến Nương giữ lại. Nàng kéo áo hắn nói nhỏ:
- Hãy khoan ! Đại hiệp ở lại đây đêm nay. Bất cứ vì lý do gì thiếp cũng không để chàng về được.
Đạt Lang thẹn, mặt đỏ như gấc. Hắn vờ không nghe, cứ xăm xăm bước.
- Kim Phong tiên sinh ! Tiện nữ giữ Thạch đại hiệp ở lại tối nay, được không ?
Thạch Đạt Lang bối rối, gạt tay thiếu phụ ra:
- Cô nương tha lỗi, tại hạ phải về.
Nhưng Cổ Huy Đạo bước đến bên, đẩy nhẹ hắn vào phòng và ghé tai nói nhỏ:
- Tráng sĩ, sao lại thế ? Ở lại đi, lúc nào về cũng được.
Thạch Đạt Lang tưởng mọi người đồng lõa với nhau giữ hắn ở lại để trêu cợt vì thấy hắn quê mùa. Nhưng nhìn nét mặt nghiêm trang của Cổ Huy Đạo và Yến Nương, hắn thấy là không phải thế. Đại Quán lầm lì chẳng nói câu nào, trong khi Hải Chính Hành và Lưu Cát cười lớn:
- Đạt Lang ! Ngươi là người có diễm phúc nhất Kyoto này đấy !
Bỗng một ả thị tỳ đạp tuyết hớt hải chạy đến bên Yến Nương nói nhỏ mấy câu.
Nghe xong, nàng nghiêm sắc mặt:
- Tiện nữ đoán quả không sai. Mấy đường hẻm sau nhà bị vây kín rồi, chỉ có cổng chính là còn ra vào được, nhưng bị canh chừng. Ngoài đường nhiều kẻ đeo kiếm đứng tụm năm túm ba dòm ngó. Qúy khách phải cẩn thận, tiện nữ đã cho gọi phu cáng đến đón quý vị Ở ngoài. Riêng Thạch đại hiệp thì không thể nào dời đây được, nhất định phải ở lại.
Yến Nương phong cách đa tình rất mực, ngón đàn điêu luyện gây xúc động lòng người, thế mà khi hữu sự, nàng lại tỏ ra can đảm vô cùng, bình tĩnh cắt công việc đâu ra đấy, chẳng kém gì nam nhi. Thấy vết máu trên tay
áo Thạch Đạt Lang, nàng có ý nghi, áy náy lo cho hắn nên đã phái người đi dò xét.
Yến Nương kéo Thạch Đạt Lang vào nhà trong, khép cửa lại:
- Thạch đại hiệp ? Bây giờ đã biết chuyện gì xảy ra ở ngoài rồi, chàng còn muốn đi không ?
- Tại hạ phải đi.
Yến Nương nghiêm mặt:
- Để làm gì ? Để chứng tỏ chàng không sợ họ phải không ?
Đạt Lang lặng thinh. Yến Nương tiếp:
- Nếu đại hiệp sợ bị chê là hèn nhát thì sáng mai ra gặp họ cũng chẳng muộn. Bây giờ họ đang phục kích, lại có số đông. Mãnh hổ nan địch quần hồ, nếu để chàng rơi vào bẫy của họ rồi mất mạng thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ và uổng chí bình sinh.
- Xin cảm ơn cô nương đã cho nghe những lời xác đáng. Nhưng còn danh dự … - Tiện nữ biết. Tiện nữ không khuyên đại hiệp trốn chạy, chỉ lưu tâm suy xét. Một cuộc xô xát xảy ra ở nơi này sẽ làm bao người vô tội chết oan. Lòng nhân có cho phép chàng làm như thế không ? Xin nghĩ kỹ, đừng vọng động ?
Thạch Đạt Lang cho là phải. Hắn xếp bằng trên chiếc bồ đoàn đặt ở góc phòng.
Nàng Yến ngồi bên lò sưởi, gọi:
- Thạch đại hiệp ! Đến đấy sưởi cho ấm, chỗ ấy lạnh lắm !
Nhưng hắn chối từ:
- Cô nương đi nghỉ, đừng quan tâm đến tại hạ. Khi nào trời sáng, tại hạ sẽ đi.
Mời mọc mãi, Thạch Đạt Lang vẫn chỉ cảm ơn, ngồi im như tượng. Thế nhưng sự vụng về của hắn không làm Yến Nương giận. Trái lại nàng thấy hắn có một vẻ gì khác thường, rất quyến rũ.
Yến Nương hơn Thạch Đạt Lang chừng năm tuổi. Cảm tình nàng đối với hắn như của một người chị mà cũng như của một người tình. Lẫn lộn, khiến nàng háo hức, say mê.
Có người nói nếu coi đàn ông chỉ như con bò vắt sữa lấy lợi, thì hãy làm nghề ca kỹ. Đối với Yến Nương, điều này không đúng, vì nàng, tuy đã được huấn luyện để trở thành một danh kỹ tài sắc vẹn toàn, tiểu nữ vẫn không để mất đi bản chất dễ cảm, dễ rung động của lòng mình. Nàng vẫn còn biết yêu, biết cảm.
Nhìn gã thanh niên ngồi kia, dáng cứng đơ, tuy là một kiếm sĩ đã xông pha nhiều trận, nhưng hãy còn ngây dại trong tình trường, từ chối mọi lời mời mọc, không dám đến cả nhìn mình nữa, như sợ ánh mắt mình mê hoặc, nàng cảm thấy xót thương và tự nhiên trong lòng dâng lên một niềm mến yêu dào dạt, như một trinh nữ lần đầu gặp người tình lý tưởng.
Tuyết ở mái hiên đổ xuống nghe như có ai nhảy vào vườn. Thạch Đạt Lang rướn mình, nghe ngóng. Mỗi lần có tiếng động như thế, thần kinh hắn lại căng thẳng, các chân tóc dựng đứng. Yến Nương rùng mình. Lúc gần sáng là lúc lạnh nhất trong đêm, nhưng không phải nàng rùng mình vì lạnh mà vì nhìn gã thanh niên kia tinh thần căng thẳng quá độ, nét mặt khẩn trương đến thành dữ dội.
Ấm nước sôi phì phì trên bếp. Tiếng nước reo quen thuộc khiến nàng cảm thấy bớt trống trải. Yến Nương pha trà và gọi:
- Sắp sáng rồi. Đại hiệp lại uống trà, ngồi gần lửa cho ấm.
- Cảm ơn cô nương.
Thạch Đạt Lang đáp nhưng vẫn không nhúc nhích.
Chén trà nguội dần. Yến Nương chẳng muốn khẩn khoản mời nữa làm phiền người bạn trẻ. Tuy nhiên nàng khó chịu. Đổ chén trà nguội vào bình đựng nước cặn, nàng tự nhủ:
”Thật phí ! Thừa trà cho tên thô lỗ này uống. Chẳng biết một chút lịch thiệp gì !”.
Thế nhưng nhìn hắn nàng lại thương.
- Thạch đại hiệp !
- ... ?
- Sao đại hiệp có thái độ như thế ?
- Tại hạ không muốn trễ nải sự đề phòng.
- Đề phòng cái gì ?
- Kẻ thù ! Dĩ nhiên ! Cô nương đã biết rồi !
- Đại hiệp lầm ! Nếu cứ tiếp tục thế này thì khi kẻ thù đến, chàng sẽ kiệt sức, không còn đủ tỉnh táo mà đối phó. Thiếp không biết gì về kiếm đạo, nhưng nhìn đại hiệp, thấy không thắng được. Chàng sẽ chết trong đám loạn đao mà thôi. Thật đáng buồn và đáng tiếc !
Lời nói của Yến Nương có lẽ chỉ do lòng lân ái, thương xót, nhưng làm Thạch Đạt Lang bối rối. Hắn dời chỗ ngồi đến bên bếp lửa.
- Cô nương chê tại hạ còn non nớt ?
- Thiếp làm phật ý đại hiệp chăng ?
- Không. Nhưng tại hạ muốn được nghe những lời giải thích rõ hơn.
Sau trận đấu vừa rồi ở hậu viên Kim Các Tự, Thạch Đạt Lang ý thức rõ rệt mối nguy ghê gớm đương bao vây hắn. Kẻ thù bây giờ là toàn thể phái Hoa Sơn rình rập, chỉ chờ cơ hội thuận tiện là ra tay bất cần luật lệ.
Thạch Đạt Lang muốn bỏ đi, mai danh ẩn tích một thời gian nhưng nghĩ thế hèn quá lại thôi. Hắn phải trở lại cáo biệt những người đã cư xử rất tốt với hắn như mẹ con Cổ lão mẫu. Ngẫu nhiên làm sao lại gặp Yến Nương.
Nàng ngụ ý chê hắn chưa đủ trưởng thành. Có lẽ đúng. Hắn muốn hỏi cho ra lẽ.
- Xin cô nương cho biết tôn ý.
Yến Nương không trả lời. Thạch Đạt Lang cau mặt tiếp:
- Hay cô nương đùa, chế giễu tại hạ ?
Nụ cười vừa nở trên môi vội tắt ngay, Yến Nương lắc đầu:
- Tiện nữ đâu dám thế. Đối với một kiếm sĩ, trước vấn đề sinh tử như vậy, tiện nữ đâu dám đùa cợt.
- Vậy ý cô nương ra sao, đừng để tại hạ nóng ruột hơn nữa.
- Đại hiệp muốn nghe đàn chăng ? Tiện nữ xin gẩy một bản tặng đại hiệp.
- ... ?
- Mà thôi ! Trong hoàn cảnh thế này, đại hiệp còn lòng dạ nào nghe đàn nữa, phải không ?
Không hiểu ý tứ Yến Nương ra sao, Thạch Đạt Lang đấu dịu:
- Sao không nghe ? Thì cô nương cứ đàn đi, ít ra tiếng đàn của cô nương cũng làm tại hạ thư thái.
Vâng lời, Yến Nương dạo một bản hành khúc.
Đàn xong, nàng nói:
- Có bao giờ đại hiệp tự hỏi một cây đàn chỉ có bốn dây như thế này mà có thể diễn tả được mọi vi tế của âm thanh không ?
- Không. Tại hạ không rõ.
- Cây đàn cũng như con người đấy, đại hiệp ! Nhưng trước khi giải thích, để tiện nữ đọc một đoạn trong bài Tỳ Bà Hành của Bach Cư Dị tả tiếng đàn, chắc đại hiệp biết:
Ngón buông bắt khoan khoan dìu dặt Trước nghê thường sau thoắt lục yêu
Dây to dường đổ mưa rào Nỉ non dây nhỏ như trò chuyện riêng Tiếng cao thấp lựa chen lần gẩy Mâm ngọc đâu bỗng nẩy hạt châu Trong hoa, oanh ríu rít nhau Suối tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh Nước suối lạnh, dây mành ngừng đứt Ngừng đứt nên phút bặt tiếng tơ Ôm sầu mang giận ngẩn ngơ Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay Bình bạc vỡ tuôn đầy dòng nước Ngựa sắt giong xô xát tiếng đao Cung đàn lựa khúc thanh tao, Tiếng buông xé lụa lựa vào bốn dây ...
Xem thế, cây đàn nhỏ bé này có thể phát ra không biết bao nhiêu là âm giai, từ những tiếng nhỏ như tơ, cao tựa hạt châu nẩy trên mâm bạc và trầm tựa như mưa rào đổ, nhất nhất đều được cả. Tại sao vậy ? Nhờ cái gì mà cây đàn có thể rung động đáp ứng mọi sự sai khiến của người gẩy ?
Ngay từ nhỏ, lúc đang học, thiếp đã thắc mắc phá một cây đàn ra xem. Mãi sau mới biết được cái bí mật ấy nằm trong lòng đàn. Nó chính là cái tâm của cây đàn.
Nếu đại hiệp coi kỹ, sẽ hiểu tại sao nhờ nó mà cây đàn rung động, gây ra những âm hưởng vô cùng tinh tế, vi diệu, và cũng nhờ nó mà mỗi cây đàn có một âm sắc riêng, không cây đàn nào giống cây đàn nào.
Yến Nương đặt cây tỳ bà lên kỷ, cầm dao nhọn đâm mạnh một nhát, trước sự sững sờ của Thạch Đạt Lang. Hắn không ngờ và cũng không cản kịp. Thạch
Đạt Lang cảm thấy như đau nhói ở tim và như có máu từ trong lòng đàn rỉ ra. Hắn giữ một tiếng kêu.
Bàn tay nhanh nhẹn, quyết liệt của Yến Nương giơ lên đâm xuống ba lần. Cây đàn vỡ toang.
Nàng cầm cây đàn vỡ giơ lên cho Thạch Đạt Lang xem. Hắn nhìn mặt Yến
Nương, nhìn mảnh đàn vỡ và nhìn những ngón tay trắng muốt còn nắm con dao nhọn, tự hỏi người đứng trước mặt hắn là nàng danh kỹ đất thần kinh có ngón đàn tuyệt diệu hắn vừa được nghe hay chỉ là một thiếu phụ mà bản chất tàn ác đã được phô diễn trong hành động hắn vừa chứng kiến.
Yến Nương chỉ tay vào mảng gỗ trong lòng đàn và nói:
- Miếng gỗ cong này chính là cái tâm của cây đàn. Nếu nó cứng và thẳng, tiếng đàn sẽ cứng ngắc, buồn tẻ. Phải gọt nó cong, nhưng như thế cũng chưa đủ. Lúc dán vào lòng đàn, hai đầu nó phải để lơi cho tự do rung động thì mới tạo nên được sự phong phú trong âm thanh.
Tâm trí con người cũng thế, phải mềm dẻo thích nghi. Sau mỗi khi căng thẳng, hãy để cho lòng thoải mái. Cứng quá thì gãy.
Mắt Thạch Đạt Lang không rời khỏi cây đàn. Môi hắn mím chặt. Yến Nương lại tiếp:
- Điều tiện nữ vừa nói, ai chơi đàn cũng biết. Vì thế, búng tay một cái, thiếp có thể vận dụng cả bốn dây, phát ra tiếng gió rít, mưa gầm hay sét nổ, nhờ đặc tính quân bình hòa hợp của miếng gỗ trong lòng đàn. Tối nay, khi nhìn đại hiệp lần đầu tiên, tiện nữ không thấy một chút gì gọi là mềm dẻo thoải mái. Chỉ thấy sự ngay đơ, cứng ngắc làm cho tiện nữ lo sợ. Xin đại hiệp tha lỗi cho, tiện nữ không bao giờ có ý đùa cợt hay chế giễu đại hiệp, đại hiệp có hiểu cho không ?
Một tiếng gà gáy xa xa. Về phương đông, trời đã rạng hoa lê. Thạch Đạt
Lang ngồi đăm chiêu nhìn cây đàn vỡ, những mảnh gỗ vụn rải rác trên mặt kỷ và sàn nhà. Hắn không nghe tiếng gà và cũng không ngờ trời đã sáng.
Truyện khác cùng thể loại
163 chương
14 chương
50 chương
25 chương
4883 chương
768 chương
14 chương
46 chương
29 chương