Thạch Kiếm

Chương 34 : Đồng cỏ úa

Đại Tỉnh Môn là một đồng cỏ, trước kia dành cho hoàng cung dùng làm mục trường nuôi gia súc. Đồng rộng bao la nhưng không bằng phẳng, đồi nọ tiếp đồi kia trải dài đến tận chân núi. Đây đó vài khu rừng phong thưa, lẫn với nhiều gốc tùng cổ thụ điểm những nét xanh đen trên nền cỏ úa. Đường mòn ngang dọc khắp nơi, ngoằn ngoèo ẩn hiện giữa những hàng lau già xơ xác mà hoa lau muộn từ cuối thu năm ngoái vẫn còn bạc phau, nghiêng ngả. Vào thế kỷ trước, đồng này có một cái giếng lớn lộ thiên, nước luôn luôn trong và ngọt nên mới có tên là đồng Đại Tỉnh. Giếng sau bị cạn không hiểu vì lẽ gì, cỏ cũng kém xanh dần, thành ra đồng bị bỏ phế. Hoàng cung sai người mang gia súc đi chăn nơi khác, từ đấy đồng Đại Tỉnh trở thành hoang địa. Đồ đệ Hoa Sơn khoảng chừng hai chục người tụ tập dưới chân đồi từ sáng sớm, gần sơn đạo đi Nara. Sau vài ngày nắng dịu đầu năm, tiết trời bỗng trở lại lạnh. Gió đông bắc thổi nhiều, chúng ngồi sát vào nhau quây quần bên đống lửa, mặt ai nấy đăm chiêu tư lự. Về phía nam cổ thành, đỉnh núi Vân Sơn, tuyết phủ trắng phau, lấp lánh giữa những cành phong trơ trụi. Thỉnh thoảng một tiếng chim sớm lảnh lót vang lên nhưng rồi tắt phụt, thê lương như cánh đồng hoang phế. Chúng ngồi như vậy dường đã lâu lắm, chẳng ai nói vứoi ai câu gì. Bỗng Ưng Đằng lên tiếng phá tan bầu không khí yên lặng: - Mấy giờ rồi ? Bọn đàn em cùng ngửng lên nhìn trời, đồng thanh đáp: - Dễ đến cuối giờ thìn. - Sương tan gần hết rồi. Sao không thấy đại ca đâu nhỉ ? - Đại ca bảo cứ ngồi đây chờ. Chắc cũng sắp tới ! Một người nóng ruột, chạy ra phía sơn đạo, nhìn xuống dưới dốc. Đường đất đỏ vắng tanh, gió thổi rạp đầu những ngọn bông lau hiu quạnh. Bóng một con sóc đen vụt qua, lẩn vào bụi cây, êm và nhẹ như chiếc lá rụng. Ưng Đằng bồn chồn. Hắn sửa lại y phục, xắn cao tay áo, buộc cổ tay bằng hai sợi dây da cho gọn rồi nói: - Ta nóng ruột quá ! Giờ hẹn qua đã lâu ... - Huynh trưởng có nghĩ là đại ca ở phía gần giếng không ? Mình hẹn gặp nhau ở khu Đại Tỉnh Môn mà ! - Có thể lắm. Đứa nào chạy ra đó coi xem sao ! Nhưng chẳng ai động tĩnh, vì chẳng ai muốn một mình làm chuyện nguy hiểm ấy mà Ưng Đằng xem ra cũng không có chủ ý gì nhất định. Cả bọn vẫn ngồi lẳng lặng nhìn ngọn lửa lụi dần, khói đen cuồn cuộn bốc cao rồi tản theo chiều gió. Một đứa nói bâng quơ: - Không biết đại ca bảo đợi ở đây hay bên ấy ? - Ở đây ! Chắc chắn ở đây ! Xác nhận xong, Ưng Đằng đưa mắt nhìn thuộc hạ: - Thằng Đạt Lang đó bây giờ ở chỗ nào thì mình không biết, nhưng đại ca bảo mình đợi ở đây thì cứ đợi ở đây. Chúng ta không thể phân tán ra nhiều nơi được, nguy hiểm lắm. Vả cũng không nên đi tìm, giang hồ sẽ bảo mình ỷ chúng hiếp cô, còn gì là danh dự của bản phái ? Ngồi yên một lúc, hắn lại tiếp: - Mà thằng đó là cái gì mà mình phải quan tâm ? Chẳng qua chỉ là một tên nhà quê có chút sức mạnh. Dù nó có học mót được vài đường kiếm thì cũng khó mà địch được đại ca ... Tuy một số trong bụng không đồng ý vì đã chứng kiến trận đấu kiếm năm trước giữa Thạch Đạt Lang và môn đệ bản phái tại võ trường Hoa Sơn, nhưng lời nói của Ưng Đằng tựa như liều thuốc an thần, nếu không làm phấn khởi bọn đàn em thì nhất thời cũng giữ vững được tinh thần của chúng. Vẻ mặt đa số bây giờ trông tươi hơn. Chúng bàn tán xôn xao: - Ưng lão huynh nói phải lắm ... - Phải rồi ! Chúng ta nên nhớ trong cuộc tỷ võ này, đại ca sẽ cho thằng ấy một bài học để nó câm cái mõm chó má của nó lại, đừng huênh hoang khoác lác nữa. - Lần này võ lâm thế nào cũng có người theo dõi. Ta phải cẩn thận lắm mới được. Nếu không trực tiếp trợ giúp đại ca ta cũng nên đi theo để cổ võ ... - Đại ca đã căn dặn đợi ở đây. Dù sao cũng cứ chờ lệnh đã. Mặt trời lên cao. Giờ thìn qua từ lâu, sang đến giờ tỵ, rồi cuối tỵ mà Sĩ Khánh vẫn chưa đến. Thạch Đạt Lang cũng chẳng thấy tăm hơi đâu. Vẻ lo lắng hiện trên nét mặt của cả bọn. Dọc theo sơn đạo đi Nara, ở ven suối cũng như trong các lùm cây rải rác đã thấy lỗ nhố bóng người. Đấy là những kẻ hiếu kỳ nghe nói có cuộc tỷ võ thì đến coi cho biết. Tiếng bàn tán theo gió thoảng đưa đến tai bọn đồ chúng Hoa Sơn: - Thạch Đạt Lang đâu ? - Không biết ! Cả Sĩ Khánh hình như cũng không có mặt. - Lạ nhỉ ! Thế đám ngồi kia là những ai ? - Nếu không phải là phen bên này thì cánh bên kia. Đến để ủng hộ chứ gì ? - Lạ ! Tỷ kiếm gì mà đối thủ chả thấy đâu, chỉ thấy có người cổ võ. Ưng Đằng và thuộc hạ nghe những lời bàn tán tiếng còn tiếng mất không rõ ràng nhưng cũng đoán được ý chính. Hắn bực lắm, định bảo một tên đàn em ra đuổi bọn đó đi nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Dù sao, những điều họ nói ra đều là sự thật. Vả chăng, họ cũng khôn ngoan đứng ở phía xa, nấp sau bụi cây nói lén, mình đến dọa nạt chỉ tổ mua cười cho thiên hạ. Đám người hiếu kỳ mỗi lúc một đông thêm, thấp thoáng có cả bóng phụ nữ. Giang cũng là một trong số những kẻ hiếu kỳ đó. Nó đội nón nan rộng vành, chữ “giường cho thuê” viết trên đó nay đã nhạt màu, trông lờ mờ không rõ nét. Chân nó đi đôi hài xảo cũ, lưng đeo kiếm gỗ, dài như cái đòn gánh, bên hông lủng lẳng túi hành trang vải thô lớn trông thật tức cười, nhưng ra phết giang hồ lãng sĩ lắm. Giang len lỏi đi từ toán người này đến toán người khác, chú ý nhìn khắp mặt phụ nữ. “Quái nhỉ, cô Oa Tử đâu sao không thấy ? Cô cũng đã đọc bảng cáo yết rồi mà ! Hay là bà cụ già lại không cho đi !”. Hôm nay Giang ra đây, hy vọng thế nào cũng tìm được sư phụ. Nó không sợ sư phụ nó gặp nguy hiểm vì nó đã mấy lần chứng kiến tài năng của ông, khi ở cánh đồng Hannya cũng như khi giao đấu với ba đại hiệp nhà Trúc Mộ. Nó tin tưởng vào sức mạnh cũng như những chiêu kiếm thần tốc của thầy nó, những chiêu kiếm mà Giang ước mong một ngày nào rảnh rỗi, thầy nó sẽ truyền thụ lại cho nó. Điều làm Giang lo lắng nhất là sự không có mặt của Oa Tử. Nó không biết nàng đang gặp những trở ngại gì. Trong trí tưởng tượng ngây thơ và phong phú của nó, Giang hình dung ra Oa Tử bị yếu đau không ai săn sóc. Bà già kia tuy nói là mẹ nhưng không làm nó yên tâm. Không hiểu sao Giang linh cảm bà tìm cách lừa dối và ly gián cô cháu nó. Thâm tâm, Giang coi bà già kia nhưng một con mẹ phù thủy nham hiểm hiện ra để bắt cô Oa Tử đi, như trong các chuyện thần tiên nó đã thường được nghe kể, những bà lão mũi khoằm răng vổ bắt các thiếu nữ xinh đẹp đem đi giết chết. Nghĩ đến Oa Tử bị giết chết, Giang sợ hãi quá chừng. Nó kêu lên một tiếng nhỏ rồi tự trấn an: “Chắc không có chuyện ấy đâu !”. Nhưng rồi nó vẫn lầm bầm nguyền rủa bà già độc ác. Mãi suy nghĩ không để ý, Giang đâm sầm vào một thanh niên cao lớn. Nó giật mình, lí nhí một lời xin lỗi. Thanh niên kia nhìn nó từ đầu đến chân, nói: - Hà ! Bé con ! Mấy hôm nay sao ta không thấy mày ở đầu cầu đường Gojo ? Giang ngạc nhiên, trố mắt: - Tráng sĩ là ai, sao gặp cháu ở đó ? Nhưng nói xong, nó đã sực nhớ ra ngay người vừa gọi nó: - À, phải rồi. Tại hôm nay tráng sĩ không mặc áo đỏ nên cháu không nhận ra ! Thanh niên mỉm cười: - Ờ ! Hôm đó ta gặp mày đi với một thiếu nữ kia mà. Thiếu nữ đâu rồi ? - Đấy là cô Oa Tử. - Thiếu nữ đó tên Oa Tử à ? - Dạ phải. - Có bà con gì với Thạch Đạt Lang không ? Nghe hỏi, Giang bực mình, đáp lơ lửng: - Dạ, dạ ... - Dạ dạ cái gì ? Nàng là em họ Thạch Đạt Lang phải không ? - Dạ không. - Em gái ? - Cũng không phải. - Vậy bà con ra sao ? - Cô Oa Tử yêu Thạch Đạt Lang. - Vậy là ý trung nhân hả ? - Cháu không biết. Thạch tiên sinh là sư phụ cháu. Lần đầu tiên Giang gọi Thạch Đạt Lang bằng tiên sinh vì cô Oa Tử đã dạy nó phải trọng thầy. Nó vênh mặt nhìn gã thanh niên. Gã nhìn lại nó, quắc mắt: - Thảo nào mày ra đây. Sư phụ mày đâu, sao không thấy. Mọi người đang chờ. Giang tức giận thật sự: - Sao tráng sĩ hỏi vậy ? Cháu không biết, cháu không cùng đi với sư phụ. Chợt một bọn ba người chạy đến, dẫn đầu là Ưng Đằng. Nhìn gã thanh niên, hắn reo lên: - Cát Xuyên đại hiệp ! Chà ! Bữa nay mới thấy đại hiệp đấy ! - Ưng lão huynh ! Tại hạ cũng vừa tới. Ưng Đằng mừng rỡ dắt tay thanh niên đến bên đống lửa. Đồ đệ Hoa Sơn đứng cả dậy thi lễ. Thấy mọi người vây chung quanh một trang thanh niên dáng cao lớn, đeo trường kiếm, khách bàng quan truyền miệng nhau ra vẻ hiểu biết: - Chắc là Thạch Đạt Lang. Trông người khí phách đấy chứ ! - Chắc không ? - Thì còn ai vào đấy nữa ? - Ờ, dáng dấp hiên ngang thế kia. Phải cái y phục hơi diêm dúa ! - Không ! Không phải Thạch Đạt Lang đâu. Giang vội cải chính. Thạch Đạt Lang gì mà ăn mặc như kép tuồng vậy. Mọi người cười ồ, chưa rõ thằng bé này là con cái nhà ai thì Giang đã phưỡn ngực đáp: - Ta là học trò của Thạch tiên sinh ! Đám đông xúm lại hỏi han, Giang hãnh diện tả hình dáng sư phụ, nhưng đến khi bị hỏi sư phụ đâu, sao không đến, nó lúng túng chẳng biết trả lời làm sao. Mọi người bán tín bán nghi, nghểnh cổ nhìn. Có kẻ kiên nhẫn chờ, có kẻ chán nản bỏ về không quan tâm đến vụ tỷ thí nữa. Cát Xuyên Mộc đến ngồi bên Ưng Đằng. Từ sau ngày nguyên đán, hắn không còn lui tới võ đường Hoa Sơn, mà Sĩ Khánh thì buồn bực có ý giận ông khách kém nhã nhặn và vô tâm nên cũng chẳng sai người đi tìm. Phần Cát Xuyên Mộc, hắn chẳng chú ý đến cuộc tranh chấp nữa, vì kể từ khi gặp Thạch Đạt Lang dưới chân cầu đường Gojo, đối phó với tia mắt đầy hung quang và quyết liệt của gã, Cát Xuyên Mộc đã biết kết quả ra sao rồi. Nhìn bọn đồ đệ Hoa Sơn, kể cả những tay trụ cột trong phái như Ưng Đằng chẳng hạn, ngồi ỳ ra bên đống lửa chờ lệnh, Cát Xuyên Mộc đem lòng thương hại. Hắn đã định chẳng nói ra nhưng không dằn được bất nhẫn: - Thạch Đạt Lang không đến, thật là phúc cho Hoa Sơn lắm. Các vị còn ngồi đây làm gì. Sao chẳng chia nhau ra đi đón đại ca các vị dẫn về võ đường thôi, kẻo mà mất mạng sớm ! Mọi người ồ lên một tiếng. Có người giận quá định cất tiếng thóa mạ thì Cát Xuyên Mộc đã chặn ngang: - Tại hạ nói như vậy cũng chỉ có ý mưu cầu an lạc cho chưởng môn quý phái chứ chẳng có hậu ý gì khác. Trong cuộc giao đấu này, Sĩ Khánh không thủ thắng được. Nếu y không bị Thạch Đạt Lang giết thì cũng mang thương tật suốt đời. Ưng Đằng đứng phắt dậy, tay để vào đốc kiếm, trừng mắt hét lớn: - Thằng con nít này, sao dám buông những lời ngông cuồng quá sức, không coi ai ra gì cả ? Cát Xuyên Mộc cười khẩy: - Tại hạ biết những lời nói thẳng của tại hạ sẽ làm quý vị mếch lòng. Trung ngôn nghịch nhĩ. Nếu quả thật các vị không ưa, tại hạ xin rút lại lời nói ấy vậy ! Có điều, tại hạ cũng xin kiếu, không thể tiếp tay các vị được ! - Ai nhờ ngươi tiếp tay ? - Thì Hoa Sơn Sĩ Khánh và cả các vị nữa. Các vị đã mặc nhiên có thái độ ấy ! - Láo ! - Vậy nếu không thì tại sao các vị lại đãi ngộ tại hạ như đã làm trong mấy tuần nay? - Đó chỉ là vì lòng hiếu khách. Chúng ta muốn xử tốt với ngươi. Thế thôi ! - Ha ha ! Nếu chỉ có thế thì tại hạ cám ơn ! Nhưng này, tại hạ cảnh cáo: nếu các vị bỏ ngoài tai lời tiên đoán của tại hạ, các vị sẽ hối không kịp. Thạch Đạt Lang không phải con người tầm thường. Y rất nguy hiểm. Nguy hiểm không những cho chưởng môn các vị mà còn cho cả phái Hoa Sơn nữa. Tại hạ đã có dịp nhìn đôi mắt y, quyết liệt vô cùng mà cũng tàn nhẫn vô cùng ... - Thôi ! Đủ rồi ! Giờ này không phải lúc để ngươi nói những lời làm nhụt nhuệ khí bọn ta ! Nhưng Cát Xuyên Mộc làm như không nghe tiếng. Hay hắn chẳng coi những lời ấy vào đâu. Hắn tiếp, còn cay độc hơn nữa: - Những kẻ trong cảnh suy tàn thường không chịu nhận lời nói thẳng. Và chế giễu: - Tấm cáo thị các vị cho cắm dưới chân cầu là bảng cáo phó của phái Hoa Sơn ! Thật đáng buồn tại hạ phải chứng kiến cảnh trụy lạc của một môn phái vẫn được coi là có nhiều hảo thủ. Ưng Đằng nhổ bọt vào Cát Xuyên Mộc và soạt một tiếng, đã rút kiếm ra khỏi vỏ. Đồ chúng Hoa Sơn cũng nhất tề đứng dậy, đao kiếm cầm tay, mặt đằng đằng sát khí. Nhưng như cắt, Cát Xuyên Mộc phóng cước đá đống lửa bắn tung, xoay mình một vòng. Người ta chỉ thấy tấm thanh bào của hắn rung động, lưỡi kiếm dài như cây sào phơi đã lăm lăm trong tay, ngân quang lấp lánh và lưng hắn đã dựa vào gốc cổ thụ gần đó. Cát Xuyên Mộc cười gằn. Hiển nhiên nếu bọn Hoa Sơn cùng xông lại công kích thì hắn đã sẵn sàng. Nhìn cục diện đột nhiên biến chuyển, người tinh ý biết ngay gã thanh niên tuy trẻ người mà mánh lới thâm độc. Hắn đã dùng những lời khiêu khích để, trước mặt bọn đồ đệ Hoa Sơn và bao nhiêu khách bàng quan gần đó, có cơ hội chứng tỏ tài năng. Nếu cần, hắn sẽ ra tay tàn sát hầu làm lu mờ và áp đảo cả phái Hoa Sơn lẫn Thạch Đạt Lang. Thật là một hành động cao ngạo và liều lĩnh, nhưng là một sự liều lĩnh có tính toán. Cát Xuyên Mộc chậm rãi đưa tay kiếm lên ngang mặt, mũi kiếm trỏ thẳng về đằng trước. Giữa lúc ấy, tiếng một thiếu nữ vang lên lanh lảnh từ phía sơn đạo: - Cát Xuyên Mộc ! Mặt gã thanh niên vẫn lạnh như tiền. Gã chăm chú nhìn bọn Hoa Sơn, không bỏ sót một cử chỉ. Ưng Đằng đứng trước mặt hắn, hai tay nắm chuôi kiếm, lưỡi kiếm chênh chếch chúc xuống, mũi kiếm chĩa vào hông địch thủ. Thế kiếm thật vững vàng, thủ không sơ hở mà lúc công chỉ cần xoay nhẹ cườm tay, mũi kiếm đã sát bên sườn, làm địch thủ lúng túng. Tiếc thay, thế kiếm không thi triển được, vì đột nhiên hàng ngũ Hoa Sơn rối loạn. Một môn sinh vừa chạy tới vừa kêu thảng thốt: - Các vị hãy dừng tay ! Ưng lão huynh ! Mau đi cứu đại ca. Nguy lắm. Mọi người quay cả lại. Môn sinh này tên Tạ Minh Chí, là võ sinh mới nhập môn được Sĩ Khánh cho theo hầu để sai vặt. Tạ Minh Chí vừa chạy đến trước mặt Ưng Đằng đã phục xuống. Gã thở hổn hển: - Ưng lão huynh ! Đại ca nguy rồi ! - Làm sao ? Chuyện gì ? Đại ca bây giờ ở đâu ? Đứng trước cảnh bối rối của nội bộ Hoa Sơn, Cát Xuyên Mộc không nói và cũng không có hành động gì. Hắn thong thả tra kiếm vào vỏ rồi lui ra xa chừng và i trượng đến gặp thiếu nữ vừa gọi tên hắn: - A Kế Mỹ ! Nàng đến đây làm gì ? Thiếu nữ chẳng những không đáp còn hỏi ngược lại: - Thạch Đạt Lang đâu ? Cát Xuyên Mộc trừng mắt: - A Kế Mỹ, ta đã bảo nàng không được đến đây, sao còn đến ? - Ngươi là gì của ta mà có quyền cấm ? - Câm mồm ! Về ngay nhà trọ đường Quan Ngoại chờ ta ở đấy ! - Không về ! Ta muốn gặp Thạch Đạt Lang, ngươi đừng tìm cách ngăn cản, vô ích! Cát Xuyên Mộc khó chịu. Càng bảo, A Kế Mỹ càng bướng mà người hiếu kỳ, thấy to tiếng xúm lại mỗi lúc một đông. Hắn đấu dịu: - Thôi được. Tùy nàng muốn làm gì thì làm. Để ta đến nghe tin tức Sĩ Khánh xem sao. Đồ chúng Hoa Sơn với Ưng Đằng quây xung quanh Tạ Minh Chí mới nghe được vài câu đã mặt cắt không còn hột máu, rầm rập kéo nhau chạy về hướng bắc như đàn mãnh thú trốn lửa cháy rừng. Cát Xuyên Mộc cũng đi theo. Hắn đoán sơ sơ chắc Sĩ Khánh trúng thương nặng, nhưng không hiểu Thạch Đạt Lang thế nào. Dù sao, Sĩ Khánh cũng là chưởng môn nhân một phái, tất phải thi triển một vài chiêu kiếm. Hai cọp đánh nhau, cọp này thương tích nặng thì cọp kia cũng chẳng vẹn toàn. Cứ đến xem sao, tùy cơ ứng biến, nếu diệt được cả hai thì càng tốt. Nghĩ đến đây, Cát Xuyên Mộc khoan khoái, cười thầm trong bụng. Ưng Đằng và bọn thuộc hạ chạy chừng một quãng khá xa đến ven bờ giếng cạn. Cỏ cháy vàng loang lổ bao quanh, loạn thạch đủ cỡ đủ màu, ngổn ngang xếp thành vô số hình cổ quái. Tới chân một đồng đất nổi lên như cái gò, cỏ gianh cao tới vai, Tạ Minh Chí vạch cỏ cúi xuống gọi: - Đại ca ! Đồ đệ Hoa Sơn kẻ trước người sau cũng vừa tới. Nhìn Sĩ Khánh nằm dài thiêm thiếp, mặt gục trên đám cỏ khô, chúng vừa kinh ngạc vừa đau lòng. Sĩ Khánh mặc kimono hoa xanh, tay áo xắn cao buộc bằng hai sợi dây da màu nâu thẫm, đầu quấn giải lụa trắng viết hai chữ “Hoa Sơn”. Hắn như bất tỉnh, không còn cử động gì, hơi thở thoi thóp. Trên đầu cũng như ngực áo không có vết máu, nhưng sắc mặt Sĩ Khánh trắng bệch, môi tái nhợt mang vẻ đau đớn vô hạn. - Còn thở mà ! Một người để tay lên mũi Sĩ Khánh, hơi thở nhẹ như tơ, không đủ làm rung động sợi chỉ mảnh. - Còn, nhưng yếu lắm. - Đỡ đại ca ngồi dậy ! Tạ Minh Chí quỳ xuống cùng với một tên đồ đệ nhấc tay Sĩ Khánh lên định quàng vào vai mình thì Sĩ Khánh choàng mở mắt. Mắt hắn lạc thần, da mặt co rúm lại, mồ hôi ra lấm tấm trên trán. - Ôi chao, đau ! Hắn chừng muốn kêu to, nhưng người ngoài nghe tiếng hắn như tiếng dế. Đôi con ngươi lờ đờ nhìn phía trước. Hai giọt nước mắt hiện ra lăn dài trên má. Sĩ Khánh rướn người lên, đầu ngoẹo sang bên rồi im lặng, bất động. Hắn đã hôn mê mất rồi ! - Phải kiếm cái gì làm cáng khiêng đại ca về. Ngươi chạy đi mời y sư ngay, nói đại ca bị nội thương nguy kịch lắm. Ưng Đằng vừa ra lệnh vừa cởi áo đắp lên mình người chưởng môn thất thế. Đồ chúng hối hả chạy đi chặt cành cây, Ưng Đằng cạy miệng Sĩ Khánh bỏ vào mấy viên chỉ thống đơn rồi quỳ bên cạnh nghe động tĩnh. Một lúc sau, sắc mặt Sĩ Khánh đã bớt nhợt nhạt, bắp thịt bên mép giật liên hồi. Ưng Đằng thở dài như vừa trút được gánh lặng: - Đại ca ! Đại ca có nhận ra đệ không ? Sĩ Khánh từ từ mở mắt. Hắn khẽ chớp hai hàng mi như nhận biết người vừa gọi rồi nhắm mắt lại. Cáng được mang đến, làm bằng hai cành phong xỏ vào tay chiếc kimono bằng vải dày của một tên đệ tử. Mọi người xúm lại nhấc Sĩ Khánh để lên cáng, cánh tay phải hắn lủng lẳng tựa một vật thừa sắp rời khỏi thân thể. Sĩ Khánh cau mặt nghiến răng không kêu la nhưng ai cũng thấy rõ hắn đang cố vật lộn với sự đau đớn. Mồ hôi ở chân tóc và trên mép chảy rỏ giọt, Ưng Đằng phải dùng khăn thấm bớt. Nhiều người quay mặt đi không dám nhìn cảnh ấy, vì nó thương tâm quá và sợ xúc phạm đến vị chủ soái họ hằng kính trọng. Bốn người khiêng chiếc cáng bước đi, theo sau là đồ chúng Hoa Sơn lặng lẽ và buồn thảm như một đám tang. Nhờ mấy viên thuốc, Sĩ Khánh đã tỉnh đôi chút. Hắn rên khe khẽ: - Đau quá ! Trời ơi đau quá ! Đứa nào chặt tay này đi cho ta ! Đau quá. Phu cáng đi nhanh hơn. Đường đất đỏ gập ghềnh. Sĩ Khánh càng nhăn mặt: - Chặt tay này đi ! Trời ơi ! Ta bảo đứa nào chặt tay này đi hộ ta nếu không ta chết mất ! Một đệ tử chạy trở lại nói với Ưng Đằng: - Ưng lão huynh ! Đại ca đau quá không chịu nổi, bảo phải chặt tay đi. Bây giờ làm thế nào ? - Đồ ngu. Đại ca đau nhưng không chết. Nếu chặt tay mà không có thuốc rịt thì máu chảy ra hết, đại ca sẽ chết ngay. Thôi đi đi, đừng có nhiễu sự. Tốt hơn là ngươi ba chân bốn cẳng chạy về võ đường bảo y sinh đem thuốc cầm máu đến đây lập tức để rồi ta liệu ! Thấy có người lố nhố trong những bụi cây đằng xa, Ưng Đằng bực tức bảo: - Gọi anh em đuổi những tên kia đi. Đừng để đại ca làm trò cười cho chúng ! Bọn đồ đệ chạy đi rồi, Ưng Đằng vẫy Tạ Minh Chí lại. Gã đồ tử họ Tạ tưởng huynh trưởng mình quở phạt, len lén đến bên dập đầu xin lỗi. - Ngươi đi với đại ca từ sáng sớm phải không ? - Dạ. - Đại ca gặp Thạch Đạt Lang ở đâu ? - Dạ, vừa tới chân gò thì Thạch Đạt Lang xuất hiện. - Thạch Đạt Lang đi một mình hay với nhiều người khác ? - Dạ, hắn đi một mình. - Chuyện xảy ra thế nào, kể lại ta nghe ! Đại ca biết chúng ta chờ ở gần sơn đạo mà ! Thấy Ưng Đằng ôn tồn, Tạ Minh Chí bớt lo. - Trước khi đến đồng Đại Tỉnh, đại ca có nói nếu vạn nhất đại ca bị bại về tay họ Thạch thì phải đem xác đại ca đến chỗ các huynh trưởng chờ ở đồng bên cạnh. Đại ca không muốn đệ cho ai biết trước khi cục diện ngã ngũ. Đại ca nói có những lúc người lãnh tụ phải biết nhận trách nhiệm và không muốn cho võ lâm chê cười mình đã dùng những hành động nhơ nhuốc và hèn hạ để thủ thắng. Đại ca có vẻ buồn nhưng rất dũng cảm và tự tin. - Rồi sao nữa ? - Lúc Thạch Đạt Lang đột xuất, hắn hơi mỉm cười. Đệ tử trông rõ lắm tuy lúc bấy giờ sương chưa tan hẳn. Hai bên cúi chào nhau, không ai nói một lời. Bỗng có tiếng thét, thanh kiếm của đại ca bắn tung lên, đại ca ngã chúi xuống cỏ, còn Thạch Đạt Lang nhảy lùi lại, đứng trên một phiến đá trong đám loạn thạch, tóc dựng đứng. - Sao lúc bấy giờ ngươi không nhảy vào đỡ đại ca ? - Dạ, vì nhanh quá. Vụt một cái, không đầy nháy mắt. Sau đó, tên kia nhìn đệ tử, mắt hắn đỏ như rực lửa, đệ tử sợ quá. Quay lại, không thấy hắn đâu nữa ! Tạ Minh Chí kể xong như trút được gánh nặng. Ưng Đằng mắt đăm đăm nhìn về phía xa, vẻ tư lự. Chòm râu lão lốm đốm bạc, gió thổi dạt quấn cả vào mang tai. Cát Xuyên Mộc đứng bên A Kế Mỹ dưới gốc thông già, nhìn bọn đệ tử Hoa Sơn khiêng chủ soái đi qua. Một niềm trắc ẩn hiển lên thay cho nụ cười khinh mạn trên môi hắn, nhưng nghe tiếng rên rỉ của Sĩ Khánh, hắn cau mặt. Hắn bước đến bên cáng. Đồ đệ Hoa Sơn khựng lại thủ thế. Cát Xuyên Mộc tới gần khẽ gọi: - Hoa Sơn đại huynh ! Sĩ Khánh nhọc mệt hé mắt. Nhìn thấy Cát Xuyên Mộc, hắn nở nụ cười héo hắt: - Trễ mất rồi ! Cát Xuyên Mộc trông bàn tay phải xám ngoẹt của chưởng môn nhân phái Hoa Sơn, lắc đầu: - Gẫy xương bả vai. Thế là cánh tay này bị phế bỏ ...Đại huynh chẳng nên nằm, máu dồn lên óc không tốt. - Ối chao ! Đau ! Giá ai cắt cánh tay này hộ ta ... - Trước sau gì thì cánh tay này cũng phải bỏ. Nếu tâm phế không bị chấn động tất còn cứu vãn được. Đại huynh còn cánh tay trái, thiết nghĩ nên bảo tồn lấy tính mệnh và giữ vững hào khí. Khi bình phục sẽ tìm cách rửa hận. Sĩ Khánh chớp chớp mắt, ra vẻ đồng ý. - Bây giờ đừng để tâm đến nỗi đau vật chất nữa ... Sĩ Khánh cau mặt: - Túc hạ ...túc hạ ...không ở địa vị ta ... - Tại hạ biết lắm chứ. Nhưng phải khắc phục. Quan trọng là nỗi đau tinh thần. Đại huynh phải nghĩ đến danh dự và lòng kỳ vọng của môn phái, của cha ông. Có thể nào đại huynh cứ nằm thế này cho môn đệ khiêng về Kyoto, dưới mắt khinh rẻ và chế giễu của mọi người được à ? Sĩ Khánh quay hẳn đầu sang nhìn Cát Xuyên Mộc. Ánh kiêu ngạo lóe lên trong khóe mắt nhưng tắt ngay. Hắn rên rỉ. - Nếu cần, tại hạ xin giúp ... Tiếng Sĩ Khánh thều thào: - Phải rồi ! Các người để ta xuống. Túc hạ đỡ ta ... Cát Xuyên Mộc giơ tay dìu Sĩ Khánh. Hắn rú lên: - Trời ơi ! Đau ! Chết mất. Cho ta mượn lưỡi kiếm. Ưng Đằng đâu, chặt cái tay vô dụng này đi ! Nhưng Cát Xuyên Mộc đã rút cây chủy thủ trong áo: - Nếu đại huynh không ngại ... - Ờ ! Túc hạ giúp ta ... Xoẹt ! Cánh tay Sĩ Khánh đứt lìa đến tận bả vai. Máu tuôn xối xả. Hắn gục xuống ngất đi. Vừa hay hai khoái mã mang thuốc phong tới như bay. Đồ chúng xúm quanh rịt thuốc rồi lấy vải buộc chặt vết thương. Sĩ Khánh tỉnh lại, muốn một mình trở về võ sảnh đường Tân Hổ, nhưng mới đi được vài bước đã quỵ xuống. Đồ đệ vực hắn lên ngựa, cắt y sinh ngồi giữ. Hắn cũng chẳng con hơi sức đâu mà phản kháng nữa. Cát Xuyên Mộc trở lại bên gốc thông, đến bên A Kế Mỹ: - Nàng nhìn rõ không ? Chắc nàng vui lòng lắm ! A Kế Mỹ mặt tái xanh, nghẹn họng không nói nên lời. Nàng thấy hắn tàn ác và bất nhân. Chưa kịp phản ứng, Cát Xuyên Mộc đã tiếp: - Nàng vẫn nói nếu trả thù được y, sẽ sung sướng lắm. Bây giờ y như thế, nàng đã toại nguyện chưa ? A Kế Mỹ nhướng mắt nhìn Cát Xuyên Mộc. Không hiểu sao, lúc này nàng thấy ghê tởm hắn. Xem ra, tâm địa hắn còn đáng khinh và đáng sợ hơn Sĩ Khánh nữa. Sĩ Khánh đã làm hại đời nàng, nhưng không đến nỗi là một con người độc ác. Tên Cát Xuyên Mộc này, dưới cái lớp vỏ trẻ trung dễ thương, thật là giống ngạ quỷ nham hiểm. Hắn không phạm những điều lầm lỗi mà thế nhân thường phạm, không gian dối, không ăn cắp, không tà dâm, nhưng là một con quỷ gian ác có những ý nghĩ lệch lạc, thấy người khác đau khổ thì thích thú, khoái chí. Hắn còn nguy hiểm hơn những kẻ tội lỗi thường tình nhiều. A Kế Mỹ muốn chạy trốn, thoát khỏi sự kềm tỏa của giống ác quỷ này nhưng không đủ can đảm. Cát Xuyên Mộc kéo tay nàng, nàng líu ríu theo sau. Con hoàng hầu trên vai Cát Xuyên Mộc quay lại nhe răng kêu khèng khẹc chế giễu. Nàng muốn mắng nó nhưng không thể. A Kế Mỹ có cảm tưởng nàng và con khỉ kia cùng chung số phận. Nàng ghét Sĩ Khánh và Cát Xuyên Mộc nhưng hai người đó sao cứ thu hút nàng như ngọn lửa thu hút những con thiêu thân đến gần để đốt chết.