Thạch Kiếm

Chương 24 : Vị nghĩa vong thân

- Cậu Ngô ! - Gì thế chị ? - Cậu mệt rồi hả ? - Vâng, cũng không được khỏe. - Thảo nào trông thờ thẫn. Hai chân ta cũng mỏi nhừ, nhưng còn quãng nữa thì đến chùa Sơn Nhai. Gắng lên, chẳng lẽ tới đây không vào chùa lễ Phật, phải tội chết ! - A di đà Phật ! - Chùa này có xá lợi do vị cao tăng Tây vực mang đến cúng đã mấy trăm năm, lại trồng được cây bồ đề chiết từ gốc nguyên thủy lấy ở nơi đức Phật ngồi đắc đạo ... - Sao chị biết ? - Thì người ta nói thế, sao ta lại không biết ! Bà Hồ Điểu và cậu Ngô đến gần tam quan. Cảnh chùa u nhã, tiếng chim rừng văng vẳng gõ thân cây, mùi hương trầm phảng phất giục lòng người trút bỏ hết niềm tục lụy. Cạnh tam quan thấy cắm vô số bảng lớn nhỏ, chữ viết chi chít. - Họ viết gì trên bảng này thế chị ? - À, họ bảo lấy lá bồ đề trong chùa nấu nước uống thì khỏi bệnh nghiến răng. Cậu Ngô cười chế giễu: - Nhảm nhí ! - Này đừng báng bổ, đức Phật ngài linh thiêng lắm ! Bỗng bà quay lại, nhớn nhác như tìm ai: - Thằng Mãn Hà Chí đâu ? - Chắc nó đi sau. - Hay lại lạc rồi cũng nên ! Bà quay trở lại, thấy Mãn Hà Chí ngồi trên phiến đá thừ người chán nản. Đã mười ngày nay theo mẹ và cậu lang thang chùa này đền khác trong vùng Sumiyoshi, hắn mệt mỏi không hứng thú. Bản tính ham chơi, ưa chỗ đông người, bây giờ thiếu cái không khí ồn ào của trà đình tửu quán, hắn bực dọc. Đã nhiều lần Mãn Hà Chí nói với mẹ xin tách ra đi riêng tìm Thạch Đạt Lang thì mới hy vọng gặp nhưng bà Hồ Điểu không chịu. Bà nói: “Tết sắp đến nơi rồi. Sáu bảy năm nay, mày đã không ở nhà lễ gia tiên, năm nay mẹ con sum họp, biết đâu chẳng là lần chót. Nhờ Trời Phật, nếu còn được lâu dài nữa thì hay, bằng không thì cũng không ân hận ...”. Mãn Hà Chí biết không thể làm xiêu lòng mẹ được, đành thôi, nhưng nỗi buồn bực lộ hẳn ra nét mặt. Hắn nhất định sau Tết nguyên đán sẽ bỏ đi ngay, mặc bà muốn nói gì thì nói. - Mãn Hà Chí ! Có đi nhanh lên không ? Con trai gì mà yếu như sên ấy ! Nghe mẹ quở, Mãn Hà Chí càng bực thêm. Hắn đứng lên, lầu bầu: - Đi nhanh ! Đi nhanh ! Lúc nào cũng đi nhanh ! Nhanh để làm gì ? Chỉ la cà ở các chùa chiền, phí thì giờ ! - Mày nói gì ? Vào chốn tôn nghiêm, không biết kính Phật trọng tăng thì sa địa ngục đời đời không ngóc đầu lên được con ạ ! Ta không thấy mày lễ Phật bao giờ, rồi hối không kịp đấy ! - Thật là cái nợ ! - Mãn Hà Chí, mày nói ai là cái nợ ? Giọng bà tức giận, the thé. Mấy ngày đầu khi mẹ con gặp nhau, còn có đôi chút hòa khí, nhưng dần dần mối bất đồng ngày càng tăng. Bà Hồ Điểu lại khắc nghiệt, không tối nào không bắt con quỳ nghe bà thuyết giáo làm Mãn Hà Chí bực dọc không để đâu cho hết. Nể mẹ, hắn không cãi nhưng sự bực bội dồn ép mãi đến lúc nào đó phải xì ra. May mà hắn còn biết trong uy quyền của bà, chỉ đáp lại bằng những lời chế nhạo hoặc những tiếng lầu bầu bất mãn. Cậu Ngô đứng bên, biết không tránh khỏi sự va chạm đưa đến cãi vã, nghĩ thầm: “Thật mẹ nào con nấy !”. Để xoa dịu sự bực bội của hai người, cậu cố gắng lái câu chuyện sang hướng khác: - Hình như chỗ ghềnh đá đằng kia có cái quán, ta ra đấy xem có gì uống cho ấm bụng chứ ! Nói xong, không đợi trả lời, cầm tay chị và cháu lôi đi. Không ai tỏ vẻ hoan nghênh nhưng cậu cũng kéo bằng được cả hai đến gần quán. Quán nhỏ. Hàng rào sậy thưa ngăn quán với khu vườn hoang gió đánh tơi tả. Cả ba tìm một bàn bên ngoài ngồi nhìn ra bãi. Mẹ con bà Hồ Điểu buồn thiu, chẳng ai nói với ai lời nào. Cậu Ngô chạy vào trong đem bình rượu sa-kê mới hâm nóng ra rót vào chén mời bà lão: - Chị uống một tí. Nó còn trẻ người non dạ, để rồi dạy dần dần mới được. Bà Hồ Điểu hừ một tiếng, quay phắt đi, buông sõng: - Không uống. Bị tẽn, cậu Ngô đưa rượu cho Mãn Hà Chí. Đương cơn bực bội, hắn cầm chén rượu uống liền, nốc một hơi cạn sạch, rồi lại tự tay rót thêm, vừa uống vừa mời cậu, Mãn Hà Chí có ý trêu tức bà lão. Khi hắn cầm bình định rót lần nữa, bà Hồ Điểu quay mặt lại giận dữ quát lớn: - Thôi ! Không phải lúc say sưa ! Chỗ này đâu phải chỗ vui chơi ! Còn cậu nữa, liệu hồn cậu ! Già đầu rồi thì phải biết điều hơn nó chứ ! Như đứa trẻ bị mắng, cậu Ngô khẽ dạ, bẽn lẽn đứng bên hàng rào nhìn ra biển. Thấy sắc mặt đỏ gay và dáng điệu bất cần của con trai, bà Hồ Điểu giận uất, dùng ngón tay chỉ mặt Mãn Hà Chí, mắng như tát nước. Bà không còn e dè gì nữa, bao nhiêu tiếng xấu xa đem ra đổ hết lên đầu hắn, không lưu ý gì đến chủ quán và số thực khách ngồi ở bàn trong, nhìn ra khó chịu. Mãn Hà Chí chỉ lặng thinh, lầm lì nhìn khay rượu. Chờ mẹ nói xong, hắn mới ngửng lên nhìn bà lão: - Vậy con là đồ bất hiếu, bạc bẽo, không có liêm sỉ gì phải không ? - Chứ còn gì nữa ! Cho đến bây giờ mày đã làm gì để rạng rỡ tổ tông, hoặc ít ra cũng tỏ ra là đứa con hiếu thảo ? Mày chỉ là đồ vô tích sự ! - Mẹ không hiểu ... - Sao ta lại không hiểu ! Biết con không ai bằng cha mẹ ! Ta xấu hổ đã sinh ra mày, làm nhục cả họ Hồ Điểu. - Bà thở dài ảo não - Càng nghĩ càng thêm xấu hổ ... - Nếu tôi vô dụng thì tôi theo bà làm gì nữa ! Tôi đi đây ! Mãn Hà Chí tức giận, dằn mạnh chén rượu xuống bàn, đứng lên đi thẳng. Bà lão giật mình nhìn theo, trong cơn thảng thốt, miệng lắp bắp nói không nên lời. Bà run run quơ chiếc gậy tre, nhưng rồi lại vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, quay đầu về phía em: - Cậu Ngô ! Cậu Ngô ! Cậu Ngô như không nghe gọi, vẫn chăm chú nhìn ra bãi. - Kệ nó ! Muốn đi đâu thì đi, không ai giữ ! Chẳng biết bà nói với ai, với cậu em hay với chính mình. Lát sau cậu Ngô mới lên tiếng, nhưng không phải để đáp lời chị: - Kỳ thật ! Người con gái đằng kia định làm gì mà kỳ quá ! Rồi không đợi trả lời, cậu hối hả nhảy qua hàng rào thấp, chạy vội ra bãi. - Cậu Ngô ! Cậu Ngô ! Đi đâu thế ? Thằng Mãn Hà Chí ... Chưa nói hết câu, bà đã lật đật đứng lên đuổi theo, chẳng may vấp phải đám rong ngã sấp mặt xuống đất. Chủ quán và một số thực khách chạy ra đỡ bà dậy, quần áo mặt mũi lem luốc những cát ướt. Bà gạt tay mọi người, phủi vội quần áo, mắt vẫn không rời bóng cậu Ngô trên bãi: - Điên à ! Chạy đi đâu thế ? Nó đi về phía này mà ! Mọi người nhìn theo đều lấy làm lạ. Cậu Ngô chạy thẳng ra biển. Ghềnh đá ngược ánh mặt trời đen sẫm che khuất bóng cậu, một lúc sau mới thấy cậu hiện ra thì nước đã lên đến đầu gối. Trước cậu chừng vài trượng, một thiếu nữ đương vùng vẫy, áo, tóc xõa trên mặt biển loang loáng dưới ánh nắng. Bà Hồ Điểu đến bờ nước, chạy tới chạy lui gọi em, giọng lạc đi trong gió lộng: - Cậu Ngô ! Cậu Ngô ! Người trong quán ùa ra theo cũng phụ họa, nhưng không ai dám bước xuống nước. Họ chỉ đứng bàn tán: - Chỗ này sát ghềnh đá, ở đây thì thế nhưng qua chút nữa là hố sâu, vô ý hụt chân nguy hiểm lắm ! Bỗng có tiếng kêu. Nhìn ra không thấy bóng ông già và thiếu nữ đâu nữa. - Chìm rồi ! Chết rồi, chìm rồi ! Bà Hồ Điểu lo sợ cuống cuồng. Không biết làm sao, bà giơ gậy đập mọi người làm họ chạy tán loạn. - Nhảy xuống cứu đi ! Chết rồi ! Ông ấy chết đuối rồi ! Bà mếu máo: - Các người bất nhân quá ! Thấy ông già sắp chết không cứu. Cậu Ngô ơi ! Cậu Ngô ơi ! Ai cứu em tôi ! Người ta vội vã đi gọi thuyền chài. Lặn ngụp hồi lâu mới vớt được cả hai lên. Thiếu nữ còn nắm chặt vạt áo cậu Ngô, nhưng cả hai mắt nhắm nghiền không thở nữa. Mọi người phụ vào gỡ ra và đặt nằm trên bãi cát. - Anh em mỗi người một tay. Phụ nữ giúp cô bé còn chúng tôi lo cứu ông già. Ngồi lên bụng nhấn mạnh cho nước ộc ra mới được ! Thiếu nữ mặc kimono trắng, mặt còn nguyên son phấn nên trông còn có chút sinh khí, nhưng cậu Ngô thì trái lại, mặt xám ngoẹt, những sợt tóc thưa thớt, bạc và ướt nhẹp dán lên trán và hai bên thái dương. Bình nhật cậu không đến nỗi gầy, sao bây giờ trông hom hem quá ! Bà Hồ Điểu không cầm được xúc động, khóc òa lên. - Yên nào bà già ! Làm người ta rối trí ! Những kẻ hiếu kỳ bu quanh thì thầm: - Tự tử hả ? Tự tử vì tình hả ? - Bậy nào ! - Có người cười đáp - Ông già cứu cô bé đấy chứ ! - Thiếu nữ này trông quen quen. Có phải cô bé nhặt vỏ ốc không ? - Hình như thế ! Cô ta trọ Ở trong xóm ! Từ đằng xa, bốn năm người chạy lại. Hoa Sơn Sĩ Khánh gạt đám đông len lỏi đến gần nạn nhân. Nhìn cô bé nằm thiêm thiếp trên cát, mặt hắn tái đi. Hắn kêu khẽ: - A Kế Mỹ ! Một người hỏi: - Đại hiệp quen cô này hả ? Sĩ Khánh không đáp chỉ đứng trừng trừng nhìn thiếu nữ. Người ta đập lưng móc miệng cô, nước và rãi rớt ộc ra ướt cả một khoảng cát. A Kế Mỹ thở mạnh rồi cựa quậy chân tay. Mọi người reo lên vui mừng: - Sống rồi ! Cô bé sống rồi ! Họ tiếp tục hà hơi, vỗ lưng, lau mặt cho A Kế Mỹ. Sĩ Khánh lùi ra ngoài, ghé tai môn hạ nói nhỏ. Một lúc sau, cáng được mang đến, người ta vực cô bé lên đưa vào trong xóm. Cậu Ngô vẫn nằm bằn bặt trên cát. Mọi người xúm vào làm đủ cách, cậu vẫn không tỉnh. Mắt nhắm nghiền, chân tay lạnh ngắt, da mặt mỗi lúc càng trắng bệch. Vài người lắc đầu: - Ông già khéo hỏng mất ! Quả thật, thần chết đang rình rập đâu đây và có lẽ đã điểm cậu Ngô rồi ! Xấp xỉ lục tuần, cậu đã già, trước khi nhảy xuống nước cứu cô bé, cậu lại còn uống vài chén rượu thì làm sao mà đủ sức chống lại cái lạnh của nước biển về mùa đông ? Bà Hồ Điểu ngồi bên em, miệng rên khe khẽ. Thấy không kết quả, số người cứu chữa lần lượt đứng lên dần: - Hỏng rồi ! Trễ quá, không sao cứu được nữa ! Bà Hồ Điểu khóc rống lên, gọi tên em rồi quay ra hằn học với mọi người xung quanh: - Hỏng là thế nào ? Hai người cùng mang lên một lúc, một người sống một người chết là sao ? Tại ... tại các ngươi không hết sức ! Bà vừa gạt nước mắt vừa ôm lấy cậu Ngô, kéo tay bóp chân, giật tóc mai, không còn cách gì bà biết mà không làm. Lại lật đật mở bọc ra lấy lọ thuốc nhỏ, đổ vài viên vào mồm em. Nhưng cậu Ngô vẫn nằm trơ ra đó. Cậu đã ra người thiên cổ. Ai ai trông thấy cũng ngậm ngùi. Có kẻ quay đi chùi vội nước mắt. Trời đã về chiều. Ngoài biển xa, phía chân trời, chỉ còn vài vệt sáng hồng báo hiệu một ngày sắp tắt. Những kẻ hiếu kỳ bỏ đi gần hết. Vài người ở lại nhặt cành khô nhóm đống lửa nhỏ bên cạnh bà lão. Trong cái yên lặng của buổi chiều quý đông nơi đất khách, bà Hồ Điểu ngồi ôm xác em, tiếng bà nức nở hòa với tiếng sóng rì rào thành một điệu nhạc bi ai tiễn đưa người anh hùng bất hạnh. A Kế Mỹ nằm trong phòng thiêm thiếp, thỉnh thoảng lại giật tay chân, miệng kêu ú ớ. Sĩ Khánh ngồi bên trầm ngâm yên lặng. Nhìn cổ tay yếu ớt của cô bé có những đường gân xanh nổi rõ dưới làn da trắng bệch, hắn cảm thương vô hạn. Cầm tay nghe mạch, mạch nhẹ như tơ, Sĩ Khánh khẽ lắc đầu: “Mạch yếu quá !”. Trong thâm tâm, hắn tự trách mình đã tàn bạo và ngu xuẩn. - A Kế Mỹ ! Tha thứ cho ta ... Tình ta mãnh liệt làm nàng sợ hãi. Nhưng đàn ông nào cũng như thế ... Hắn lẩm bẩm nói một mình, không biết để tự bào chữa hay để cho A Kế Mỹ nghe, song lúc bấy giờ hắn thật là thành thực. Mới hay lòng người phức tạp; sáng còn như dã thú, chiều nặng những tình trắc ẩn. Trời tối đã lâu. Ngọn đèn nhỏ tỏa ánh lờ mờ qua chiếc chụp giấy, vân giấy màu ngà nổi lăn tăn như mây vần trên nền trời sáng. Trong phòng yên lặng, cửa sổ khép kín không để lọt tiếng động bên ngoài. A Kế Mỹ khẽ cựa mình kêu lên thảng thốt: - Bỏ ra, bỏ tôi ra ! Sĩ Khánh lay vai cô bé: - A Kế Mỹ ! Đừng sợ ! Đừng sợ ! Hãy tỉnh dậy ! Có tiếng thở dài. A Kế Mỹ mở mắt lờ đờ nhìn lên trần, không ý thức chuyện gì xảy ra chung quanh, thều thào hỏi: - Hôm nay là mấy rồi ! - Cái gì ? Nàng nói gì ? - Hôm nay ngày mấy ? Còn bao lâu nữa thì hết năm ? - Mười ngày nữa. Cứ yên tâm tĩnh dưỡng, khỏe rồi ta sẽ đưa nàng về Kyoto ... A Kế Mỹ mệt nhọc quay đầu lại nhìn. Dưới ánh đèn mờ, hình như vừa nhận diện được kẻ vừa nói, nàng kêu lên một tiếng kinh hoàng, ngất đi bất tỉnh. Sĩ Khánh loay hoay đắp khăn ướt lên vầng trán nóng bỏng của cô bé. Hắn tránh không gọi tên, sợ làm nàng kinh hãi, chỉ cặm cụi làm. Thay khăn mấy lượt, mới thấy A Kế Mỹ hơi tỉnh. Trong cơn mê, cô bé gọi tên Thạch Điền Đạt Lang và lẩm bẩm những tiếng gì hình như là “Đại kiều đường Gojo ...”. Sĩ Khánh nghe không rõ nhưng cái tên Thạch Điền Đạt Lang làm hắn chú ý. Thạch Đạt Lang ... Thạch Đạt Lang ... Không biết có phải là tên lãng tử trẻ tuổi đã từng đến làm náo loạn võ đường Hoa Sơn của hắn dạo nào ? Sĩ Khánh nhìn môi cô bé, chờ đợi. Nhưng A Kế Mỹ không nói thêm lời nào nữa. Nàng đã thiếp đi rồi ! Ngoài song, bóng cây lay động. Tiếng ngựa hí từ xa vẳng đến. Sĩ Khánh lắng tai nghe: tiếng chân người bước vội và tiếng con hầu vọng vào: - Đây ! Đại hiệp ở trong này ! Sĩ Khánh vội bỏ sang phòng bên, quàng tay ra sau khép cửa. Một môn đệ Hoa Sơn, trang phục theo lối lữ hành, nón nan, vai áo trắng bụi đường hối hả tiến vào. Thấy Sĩ Khánh, hắn vội vàng thi lễ. - Chuyện gì thế ? - Mời đại ca về ngay cho. - Nhưng chuyện gì mời được chứ ? Ở phòng bên, thình lình tiếng thét của A Kế Mỹ vọng sang, rõ mồn một: - Bỏ ta ra ! Ta không ưng ! Đừng ... Tiếng thét pha lẫn sợ hãi làm gã đồ đệ Hoa Sơn đang mãi tìm thư trong bọc phải khựng lại, ngẩng đầu nhìn Sĩ Khánh. - Không can gì ! Kẻ đó sốt, thỉnh thoảng nói sảng ... Đâu ? Thư của ai ? Đưa ta coi ! - Dạ, của Thạch Điền Đạt Lang. Sĩ Khánh sửng sốt. Hắn vừa nghe tên đó từ miệng A Kế Mỹ thốt ra, bây giờ lại nhận được thư, chẳng biết là điều gì, lành hay dữ. Một cảm giác lo sợ bâng quơ làm hắn ớn lạnh. Sĩ Khánh cầm thư, lật đật đến bên chiếc bàn thấp, cạy niêm và ghé sát vào ánh sáng ngọn bạch lạp. Lời thư rõ ràng, không uẩn khúc: “Trong thư trước, tại hạ đã hứa ngày trọng xuân sắp tới sẽ có mặt ở kinh thành. Xin quý phái cho biết nơi và giờ hội ngộ. Tại hạ không sở trường đặc biệt về loại vũ khí nào nên để tùy quý phái ấn định. Xin quý phái cho yết ngày giờ và địa điểm lên bảng cáo thị Ở chân Đại kiều đường Gojo trước tiết nguyên tiêu, tại hạ rất hân hạnh. Hy vọng trong thời gian qua, quý kiếm pháp đã đạt mức trác tuyệt. Về phần tại hạ cũng có tiến bộ đôi chút, không dám để phụ lòng quý phái. Thư bất tận ngôn, Thạch Điền Đạt Lang kính bái “ Vẫn cái giọng tuy lễ độ nhưng rất cao ngạo trong thư trước. Sĩ Khánh xem xong, tái mặt. Hắn thừ người suy nghĩ. Trác tuyệt cái gì ? Cả năm nay có luyện tập gì đâu mà trác với tuyệt ? Không những chỉ riêng hắn mà thôi, các môn đệ khác, nhưng tay được coi như trụ cột của môn phái, Hồ Định, Ưng Đằng ... cũng thế. Bây giờ không phải là lúc đắm mình trong hoan lạc. Phải hành động và cấp kỳ đặt ngay kế hoạch. Càng nghĩ Sĩ Khánh càng thấy nguy cấp. Từ nay đến tiết nguyên tiêu chẳng còn bao lâu nữa, nếu hắn không trở về Kyoto ngay để thảo luận cùng anh em trong phái thì không kịp. Thấy tên đồ đệ vẫn còn đứng xớ rớ ở góc phòng chờ lệnh, Sĩ Khánh giận dữ: - Ra ngoài chờ ta. Gọi chủ quán đến đây. Lập tức ! Đồ đệ ra khỏi. Sĩ Khánh giở cuốn thư đọc lại. Những lời ngạo mạn ngụ ý châm chọc của Thạch Điền Đạt Lang khiến hắn giận run. Ngày hôm nay đối với hắn quả là một ngày buồn tủi, đáng giận. Chuyện A Kế Mỹ xúc phạm lòng tự ái của hắn chưa nguôi, nay lại Thạch Đạt Lang thách thức. Không do dự, Sĩ Khánh quyết ý trở về Kyoto, quay lưng lại nơi sầu thảm này, nơi không để lại một kỷ niệm gì vui tươi trong lòng hắn. Chủ quán bước vào, Sĩ Khánh căn dặn săn sóc A Kế Mỹ chu đáo. Hắn mở tủ lấy một số tiền trao cho chủ quán và gọi đồ đệ: - Thu xếp hành trang và để ngựa ta cưỡi, ngươi về sau. Cả đêm hôm ấy Sĩ Khánh không chợp mắt. Vừa tinh sương, hắn đã lên ngựa bỏ đi như chạy trốn, mặc cho tên đồ đệ theo sau, đến đâu hay đó.