Tên Của Đóa Hồng
Chương 23
Khách chứng kiến một trận cãi vã giữa những người phàm tục,
Aymaro nói vài lời bóng gió,
Adso suy tư về sự thánh thiện và về phần của Ác quỉ.
Sau đó, William và Adso trở lại phòng thư tịch.
William nhìn thấy một điều thú vị đối thoại lần thứ ba về sự hợp lý của tiếng cười, nhưng cuối cùng vẫn không đến xem được nơi ông mong muốn
Trước khi leo lên phòng thư tịch, chúng tôi ghé lại nhà bếp để ăn lấy sức, vì từ khi thức dậy đến giờ chưa có miếng gì vào bụng. Tôi uống một bát sữa nóng và thấy tỉnh hẳn người ngay. Lò sưởi phía Nam cháy rừng rực như một lò rèn, trong khi bánh mì để ăn trong ngày đang được nướng trong lò bánh. Hai người chăn gia súc đang đặt xuống một con cừu vừa mới mổ. Trong đám các đầu bếp, tôi trông thấy Salvatore, lão nhe chiếc miệng sói ra cười với tôi. Lão lấy một miếng thịt gà còn sót lại trên bàn từ đêm trước và lặng lẽ chuyền tay cho hai người chăn gia súc. Họ giấu miếng thịt vào trong chiếc áo chẽn bằng da cừu và mỉm cười khoái chí. Nhưng bác đầu bếp chính đã để ý thấy và cự Salvatore. Bác nói:
- Quản hầm, Huynh phải trông nom tài sản của tu viện, không được phí phạm như thế.
Salvatore nói: - Họ là con của Chúa. Chúa Ki-tô đã nói, việc mình làm cho người nghèo là việc mình làm cho Chúa.
- Đồ Fraticello hôi thối, rắm của bọn Anh em nghèo khó. Mày không còn ở trong đám những tên thầy tu nghèo khó đầy chí rận của mày nữa đâu! Lòng từ thiện của Tu viện trưởng chỉ chăm lo miếng ăn cho các con chiên của Chúa thôi.
Mặt Salvatore đanh lại, rồi lão quay phắt người, giận điên lên – Ta không phải là một thầy tu nghèo khó! Ta là một tu sĩ dòng thánh Benedict. Đồ khốn kiếp! Đồ chết dịch!
- Hãy gọi con đĩ mày ngủ hồi hôm là chết dịch! Đồ heo nọc Bogomil phản giáo!
Salvatore tống mấy người chăn gia súc ra cửa. Khi đi đến gần chỗ chúng tôi đứng, lão nhìn chúng tôi một cách lo lắng rồi nói với thầy tôi: - Thưa Sư Huynh, xin Sư huynh hãy bảo vệ dòng tu, dù không phải là dòng của tôi, xin hãy bảo hắn rằng các tu sĩ dòng Francisco không phải là dị giáo! – Rồi lão thì thầm nói vào tai thầy tôi – Chúng nó láo toét! - Đoạn nhổ nước bọt xuống đất.
Người đầu bếp tiến đến và xô lão ra, đóng sầm cửa lại. Bác kính cẩn nói với thầy William:
- Tôi không nói xấu dòng tu của Sư Huynh, hay nói xấu những người thánh thiện thuộc dòng này. Tôi chỉ nói đến những thầy tu giả hiệu dòng Anh em nghèo khó và dòng Benedict, bọn chúng chẳng ra người, chẳng ra ngợm.
Thầy William hòa hoãn: - Tôi biết xuất xứ của Huynh ấy. Nhưng bây giờ Huynh ấy cũng là một tu sĩ như Huynh, do đó, Huynh nên đối xử với Huynh ấy bằng sự kính nể trong tình huynh đệ.
- Nhưng lão chỗ mũi vào việc của người khác chỉ vì lão được Sư Huynh quản hầm che chở, và tự cho mình cũng là Quản hầm. Lão sử dụng tu viện như thể là của riêng lão cả ngày lẫn đêm.
Thầy tôi hỏi: - Về đêm thì sao?
Bác đầu bếp ra hiệu như thể không muốn nói đến những việc phi đạo đức. Thầy William không hỏi thêm bác ta điều gì nữa, bèn uống hết sữa của mình.
Lòng hiếu kỳ của tôi ngày càng tăng: Cuộc gặp gỡ Ubetino, những lời thầm thì về quá khứ của Salvatore và Huynh quản hầm, những lời nhắc nhở về dòng Fraticelli và những tu sĩ dị giáo Anh em nghèo khó mà tôi nghe quá nhiều trong mấy ngày vừa qua. Thầy tôi miễn cưỡng không muốn nói tôi nghe về Fra Dolcino… Một loạt hình ảnh lại hiện ra trong tâm trí tôi. Thí dụ, trong cuộc hành trình của chúng tôi, chúng tôi đã bắt gặp ít nhất hai lần các đám người tự dùng roi hành xác. Lần đầu, dân địa phương chiêm ngưỡng họ như những vị thánh; lần khác, dân chúng thầm thì bảo đó là những kẻ dị giáo. Nhưng họ vẫn chỉ là cùng những con người đó. Đám người đi hàng hai qua các con đường trong thành phố, chỉ có chỗ kín được che đậy, vì họ đã vượt qua các cảm giác xấu hổ. Mỗi người mang trong tay một ngọn roi da tự quất lên vai mình cho đến khi rướm máu, mặt họ ràn rụa nước mắt như thể chính mắt họ trông thấy niềm đam mê của sự cứu rỗi. Bằng một khúc ca đau khổ thê lương, họ van cầu Chúa khoan dung và Đức Mẹ can thiệp. Không chỉ ban ngày mà cả ban đêm, giữa mùa đông rét buốt, với những ngọn nến cháy sáng, họ đi thành từng đám đông, từ nhà này sang nhà khác, phủ phục trước các bàn thờ, dẫn đầu bởi các linh mục cầm nến và cờ. Họ không chỉ là những người đàn ông, đàn bà thường dân mà còn có cả các mệnh phụ và thương gia… Người ta chứng kiến những tấn tuồng ăn năn vĩ đại: những kẻ trộm cắp trả lại của lấy được, những kẻ khác thú nhận các tội ác đã phạm… Nhưng thầy William lạnh lùng nhìn họ và bảo tôi, đây không phải là sự ăn năn chân thực. Lúc đó, thầy nói như thầy vừa bảo tôi sáng hôm nay. Thời đại của sự sám hối cao quý đã cáo chung. Và đây là những cách các nhà thuyết giảng tổ chức các đám đông kính đạo, chính là để họ khỏi sa vào khát vọng ăn năn – mà trong trường hợp này – quả thực là phản giáo và đe dọa tất cả. Nhưng tôi không thể hiểu được sự khác biệt giữa hai cách ăn năn thật và giả. Dường như sự khác biệt không nằm trong hành động của cách này hay cách kia, mà trong thái độ của Giáo hội khi phán xét chúng.
Khi tôi đang miên man suy nghĩ và thầy William đang cạn bát sữa, thì bỗng nghe có tiếng ai chào hỏi chúng tôi. Đó là Aymaro xứ Alessandria, người chúng tôi đã gặp trong phòng thư tịch. Huynh ấy có diện mạo khiến tôi chú ý, vẻ mặt khinh khỉnh như thể Huynh không bao giờ hòa nhập vào cảnh phù phiếm của loài người, và lâu nay vẫn xem thường cái bi hài của cõi đời này.
- Chà, Huynh William, Huynh đã quen với cái động của những người điên này chưa?
Thầy William dè dặt nói: - Tôi cho đây là nơi của những người đáng kinh trong việc tu hành và học hỏi.
- Trước đây là thế. Thời mà Tu viện trưởng ra Tu viện trưởng và quản thư viện ra quản thư viện. Còn bây giờ, như Huynh đã thấy trên kia – Aymoro hất hàm về phía lầu trên, - cái tên người Đức dở sống dở chết, có mắt như mù, mê mẩn nghe lời tên Tây Ban Nha mù, cơ hồ như là tên Phản giáo sẽ đến đây mỗi buổi sáng. Chúng cạo giấy sột soạt, nhưng ít hoàn thành sách mới… Chúng tôi ở tít trên này, còn họ thì giở trò dưới phố. Đã có thời các tu viện của chúng tôi thống trị thế giới. Còn tình huống ngày nay thì như Huynh thấy đấy: Hoàng đế lợi dụng chúng tôi, phái thân hữu của người tới đây để gặp kẻ thù, nhưng nếu Người muốn nắm việc nước này thì lại ở trong thành. Chúng tôi nhọc nhằn gom thóc lúa, nuôi gia cầm, còn ở dưới kia, họ đổi hàng cây lụa, lấy từng mảnh vải, đổi từng mảnh vải lấy bao gia vị, và buôn gia vị để làm giàu. Chúng tôi bảo quản của cải của mình, còn dưới kia của cải của họ cứ chồng chất mãi lên. Cả sách nữa. Sách của họ cũng đẹp hơn sách của chúng tôi.
- Đời này chắc chắn có nhiều chuyện lạ. Nhưng tại sao Huynh nghĩ rằng lỗi là do ở Tu viện trưởng?
- Vì ông đã giao phó thư viện cho những tên ngoại bang và điều khiển tu viện như một thành trì dựng lên để bảo vệ thư viện. Một tu viện của dòng Benedict tại địa phương của nước Ý phải là một nơi mà người Ý quyết định các vấn đề của họ. Thời này dân Ý làm gì đây, khi họ thậm chí không còn một Giáo hoàng nữa? Họ đổi chác, sản xuất, và còn giàu hơn vua Pháp. Thế thì hãy để chúng tôi làm như vậy, vì chúng tôi biết cách làm sách đẹp, chúng tôi cần làm sách cho các trường đại học và quan tâm đến những vấn đề đang xảy ra trong thung lũng – tôi không quan tâm đến Hoàng đế, mà quan tâm đến việc những người dân Bologne và Florence đang làm gì. Từ đây, chúng tôi có thể kiểm soát lộ trình của những người hành hương và thương nhân ngược xuôi từ Ý đến Provence. Chúng tôi phải mở cửa thư viện đón nhận các tác phẩm văn học dân gian và những ai không còn viết được tiếng Latinh cũng có thể đến đấy. Nhưng chúng tôi lại bị chi phối bởi một nhóm ngoại bang tiếp tục cai quản thư viện như thể Cha Odo xứ Cluny còn làm Tu viện trưởng…
- Nhưng Tu viện trưởng của các Huynh là người Ý mà.
Aymaro vẫn khinh khỉnh nói – Tu viện trưởng ở đây chẳng đáng kể. Một kệ sách bị mối mọt gặm nhấm đã thế chỗ cho bộ óc của ông. Ông đã để bọn tu sĩ Anh em nghèo khó tràn chiếm tu viện để chọc tức Giáo hoàng… Thưa Huynh, ý tôi muốn nói đến bọn tu sĩ nghèo khó phản giáo, những tên đã chối bỏ dòng tu linh thiêng nhất của Huynh… và để làm vừa lòng Hoàng đế, Tu viện trưởng mời các tu sĩ từ tất cả các chủng viện phía Bắc, như thể trong xứ tôi không có những nhà sao chép giỏi, những người biết tiếng Hy Lạp và Ả rập, như thể trong xứ Florence hay Pisa không có con cái của những thương nhân giàu có và hào phóng sẽ hân hoan nhập dòng, nếu dòng tạo điều kiện nâng cao uy tín và quyền lực cho cha ông họ. Nhưng ở đây, người ta chỉ thấy sự dễ dãi khi thâu nhận vào dòng lúc người Đức được phép… Lạy Chúa, hãy cắt lưỡi con, vì con sắp sửa nói những điều xằng bậy!
- Những điều xằng bậy có xảy ra trong tu viện này không? – thầy William lơ đãng hỏi, rót cho mình thêm ít sữa nữa.
- Tu sĩ cũng là người thôi, nhưng ở đây họ còn kém nhân tính hơn những nơi khác. Xin nhớ giùm: tôi không nói những điều tôi nói nhé.
- Thú vị lắm, đây có phải là ý kiến riêng của Huynh không, hay có nhiều vị khác cũng nghĩ như Huynh?
- Nhiều, nhiều lắm. Nhiều người đang thương tiếc Adelmo xấu số, nhưng nếu là một kẻ khác, kẻ vẫn đi lại trong Thư viện ngoài phận sự của mình, thì họ chẳng tiếc thương như thế đâu.
- Huynh định ám chỉ gì?
- Tôi đã nói quá nhiều. Như Huynh hẳn đã nhận thấy, ở đây chúng tôi nói nhiều quá. Một mặt, ở đây không ai tôn trọng sự yên lặng nữa. Mặt khác, sự yên lặng lại được tôn trọng quá. Ở đây, thay vì nói hoặc câm lặng, chúng tôi cần hành động. Trong thời đại hoàng kim của dòng tu chúng tôi, nếu Tu viện trưởng không ra Tu viện trưởng, một ly rượu độc sẽ dọn đường cho người kế vị. Sư huynh William, tôi đã nói những điều này với Huynh, hiển nhiên không phải vì lẻo mép về Tu viện trưởng hay những Huynh khác. Xin Chúa phù hộ con, tôi không có thói ngồi lê đôi mách. Tôi sẽ bực mình nếu Tu viện trưởng yêu cầu Huynh điều tra tôi hay những người khác, như Pacificus hay Peter xứ Sant Albano. Chúng tôi không có quyền có ý kiến về việc của thư viện. Nhưng chúng tôi mong muốn được nói đôi điều. Do đó, Huynh hãy vạch trần ổ rắn độc này đi, chính Huynh đã thiêu rất nhiều tên phản giáo mà.
Thầy William đốp lại: - Tôi chưa bao giờ thiêu ai cả.
- Đó chỉ là một lối nói bóng gió – Aymaro cười toe toét thú nhận – Chúc Huynh đi săn thành công, nhưng ban đêm cẩn thận nhé.
- Ban ngày tại sao không?
- Vì ở đây ban ngày, phần xác được nuôi dưỡng nhờ cây lành, còn ban đêm thì phần hồn trở nên sa đọa bởi lá độc. Chớ tin rằng bàn tay ai đó đã đẩy Adelmo xuống vực thẳm, hay ném Venantius vào máu. Ở đây có người không muốn các tu sĩ tự định đoạt việc đi đâu, làm gì, và đọc sách báo nào. Tất cả ma lực, quyền lực phù thủy, bọn đầu trâu mặt ngựa, đều được sử dụng để lung lạc tâm trí kẻ hiếu kỳ…
- Huynh đang nói đến dược thảo sư à?
- Severinus là một người tốt. Dĩ nhiên Huynh ấy cũng là người Đức như Malachi vậy…- và một lần nữa để chứng tỏ mình không bép xép, Aymaro bỏ đi làm việc.
Tôi hỏi: - Huynh ấy muốn bảo chúng ta điều gì?
- Mọi điều, nhưng không có điều gì cả. Tu viện luôn luôn là nơi các tu sĩ chống đối lẫn nhau để nắm quyền cai quản cộng đồng. Ở Melk cũng thế. Nhưng có lẽ vì còn là một tu sinh nên con không nhận thấy điều đó. Nhưng tại xứ con, nắm được quyền cai quản một tu viện có nghĩa là chiếm được địa vị, nhờ đó người ta có thể giao thiệp trực tiếp với Hoàng đế. Ngược lại, trong xứ này, tình huống khác; Hoàng đế thì ở xa, ngay cả khi Người vi hành xuống La Mã. Không có Tòa án, thậm chí ngày nay cũng không có tòa án của Đức Giáo Hoàng. Chỉ có những thành phố tự trị, như con thấy đấy.
- Dĩ nhiên rồi, và con khâm phục các thành phố. Một thành phố Ý có cái gì khác biệt với thành phố ở quê hương con. Nó không chỉ là một nơi sinh sống, mà còn nơi để quyết định; dân chúng lúc nào cũng ở ngoài quảng trường, thị trưởng còn quan trọng hơn nhà vua hay Giáo hoàng. Các thành phố cũng giống như … các vương quốc…
- Và các vị vua là những thương nhân, có vũ khí là tiền. Ở Ý, tiền có một chức năng khác với tiền ở nước con và nước thầy. Tuy tiền luân lưu khắp nơi, nhưng phần lớn cuộc sống ở nơi khác vẫn bị chi phối bởi sự đổi chác hàng hóa, gà vịt, đấu lúa, liềm hái, cỗ xe, và tiền chỉ phục vụ việc mua những hàng hóa này. Ngược lại, trong một thành phố Ý, con hẳn nhận thấy rằng hàng hóa phục vụ việc gom tiền. Ngay cả các linh mục, giám mục và các dòng tu cũng xem tiền là quan trọng. Thế nên hiển nhiên là sự nổi loạn chống lại quyền lực dùng chiêu bài kêu gọi kẻ nghèo khó. Những người chống lại quyền lực là những kẻ đã phủ nhận mình có tiền, do đó mỗi lời kêu gọi kẻ nghèo khó dấy lên sự căng thẳng và tranh luận trầm trọng, và toàn thành phố, từ giám mục cho đến thị trưởng, xem người thuyết giảng quá nhiều về cái nghèo là kẻ thù riêng của mình. Các phán quan ngửi thấy mùi tanh của ác quỉ nơi có kẻ đã phản ứng lại mùi hôi tanh của đống phân quỉ. Bây giờ con cũng có thể hiểu Aymaro đang nghĩ gì. Một tu viện dòng Benedict, trong thời hoàng kim của dòng này, là nơi những người chăn chiên nắm được đàn chiên ngoan đạo. Aymaro muốn quay về truyền thống đó. Thế nhưng cuộc đời của đàn chiên đã thay đổi, và tu viện chỉ có thể quay trở lại truyền thống đó nếu nó chấp nhận những đường lối mới của đàn chiên mà tự nó đã trở nên khác hẳn. Do ngày nay đàn chiên ở đây bị áp bức, không phải bằng vũ khí hoặc lễ nghi hào nhoáng, mà bằng sự chi phối của đồng tiền, nên Aymaro mong muốn toàn thể cơ chế của tu viện, và cả thư viện nữa, trở thành một xưởng chế tạo, một nhà máy làm ra tiền.
- Thế điều này có liên quan gì đến các án mạng?
- Thầy chưa biết. Bây giờ thầy muốn đi lên lầu. Đi thôi.
Truyện khác cùng thể loại
32 chương
47 chương
37 chương
38 chương
47 chương