Tên Của Đóa Hồng
Chương 13
Cuộc mạn đàm uyên bác giữa William và dược thảo sư Severinus
Chúng tôi xuống đến gian giữa Giáo đường và theo lối cổng vào ban nãy đi ra ngoài. Đầu tôi vẫn còn vang vọng tất cả những câu nói của Ubertino.
- Người ấy… thật kỳ quặc, - tôi rụt rè nói với thầy William.
- Ông ấy là, hay đã từng là, một người vĩ đại trên nhiều phương diện. Nhưng chỉ vì nguyên do đó mà ông trở nên kỳ quặc. Chỉ có kẻ bần tiện mới bình thường. Ubertino có thể trở thành một trong những tên lạc đạo mà ông đã đưa lên giàn hoả, hay một Giáo chủ trong Giáo hội La Mã. Ông đến rất gần cả hai thái cực suy đồi đó. Khi ta nói chuyện với Ubertino, ta có ấn tượng rằng địa ngục là thiên đường nhìn từ một phía khác.
Tôi không nắm kịp ý thầy, bèn hỏi - Từ phía nào ạ?
- À, đúng thế, - thầy William nhận thức sự kiện – Đây là việc nhận biết xem có nhiều phía hay không, hoặc phải chăng chỉ có một khối toàn vẹn. Nhưng chớ để ý ta, và đừng nhìn cánh cửa nữa - Thầy nói và gõ nhẹ lên gáy tôi, khi tôi quay lại nhìn những hình tượng tạc mà tôi đã trông thấy lúc mới vào – Hôm nay chúng đã làm con đủ khiếp hãi rồi.
Khi tôi ngoái nhìn cổng vào, tôi trông thấy trước mặt một tu sĩ khác. Có lẽ trạc tuổi thầy William. Ông cười và niềm nở chào thầy trò tôi. Ông tự giới thiệu là Severinus, dược thảo sư, phụ trách nhà tắm, bệnh xá, vườn tược, và sẽ nhận mệnh lệnh của chúng tôi, nếu chúng tôi muốn tìm hiểu đường đi trong tu viện.
Thầy William cảm ơn và bảo rằng khi mới đến tu viện, thầy đã chú ý đến khu vườn xinh đẹp không chỉ trồng các loại rau ăn được, mà còn có các loại thảo dược nữa.
- Hạ sang, Xuân về, với đủ các chủng loại cây, mỗi loài rộ đua sắc, khu vườn ca vang lời xưng tụng Thượng đế - Severinus nói, hơi nuối tiếc – nhưng ngay trong tiết Đông này, đôi mắt của dược thảo sư vẫn nhìn xuyên qua các cành cây khô, nhận ra các loại cây sắp mọc, và có thể bảo Huynh rằng khu vườn này phong phú hơn bất kỳ vườn dược thảo nào, nhiều màu sắc hơn, đẹp như các minh hoạ trên các cột đá. Ngoài ra, những loài dược thảo quý cũng mọc trong mùa Đông, và tôi giữ các thứ thuốc hái được khác để sẵn trong các nồi ở phòng thí nghiệm. Cứ như thế, tôi dùng rễ cây me chua đất để chữa bệnh viêm xuất huyết, nước sắc rễ cây althea làm băng dán các bệnh ngoài da, đá mài chữa chàm, chặt và nghiền thân rễ cây rắn thành thuốc trị tiêu chảy và một số bệnh phụ khoa. Tiêu cũng là một loại thuốc tiêu hoá khác…
- Làm thế nào Huynh có nhiều dược thảo phong phú thích hợp với các loại khí hậu khác nhau?
- Một mặt, nhờ Thượng đế xếp bình nguyên của chúng tôi vào giữa vùng đồng cỏ phía Nam trông ra biển đón gió ấm, phía Bắc trông lên núi cao, hướng về rừng. Mặt khác, nhờ nghệ thuật, tôi đã học lõm bõm được theo ý các thầy tôi. Một số cây thậm chí vẫn mọc trái mùa được. Nếu Huynh để ý chăm sóc đến địa hình quanh chúng, tưới nước vun phân và theo dõi sự tăng trưởng.
- Nhưng Huynh cũng trồng các loại cây chỉ để ăn cho bổ phải không? - tôi hỏi.
- Chà, chú ngựa non của tôi, không có loại cây nào ăn bổ mà không giúp chữa bệnh tốt cả, với điều kiện phải biết dùng đúng liều lượng. Chỉ khi dùng quá liều mới gây bệnh. Hãy xét loại bí. Bản chất nó mát, nhiều nước và giải nhiệt, nhưng nếu chú ăn bí thối thì sẽ bị tiêu chảy và phải cột ruột bằng một miếng keo làm bằng nước muối và mù tạc. Thế còn hành tây? Nóng và nhiều nước, nếu dùng lượng nhỏ, chúng sẽ giúp cường dương, nhưng dùng liều cao sẽ khiến nặng đầu, phải chữa bằng sữa và giấm – Ông ranh mãnh nói thêm. – Đó là lý do tại sao một tu sĩ trẻ phải ăn in ít hành thôi. Thay vào đó nên ăn tỏi. Tỏi nóng và khô, chống ngộ độc. Nhưng đừng lạm dụng ăn nhiều quá, vì nó khiến óc mất tính khôi hài. Ngược lại, đậu ăn lợi tiểu và sinh mỡ, là hai điều rất tốt: nhưng chúng gây ác mộng. Tuy nhiên, vẫn ít hại hơn các loại cây khác. Cũng có vài loại thực sự khơi dậy những ảo giác tội lỗi.
- Loại nào? – tôi vồn vã hỏi.
- Ái dà, chú tu sinh của chúng ta muốn biết nhiều quá. Có những điều chỉ duy nhất dược thảo sư được biết mà thôi; nếu không bất kỳ kẻ vô tâm nào cũng có thể đi đây đó để tạo ra ảo giác, nói cách khác, họ có thể khoác lác về những cây thuốc.
- Nhưng Huynh chỉ cần một nhúm tầm ma - Thầy William nói – hay cây Olieribus là khỏi thấy ảo giác. Hy vọng Huynh có một ít cây thuốc quý này.
Severinus liếc trộm thầy William – Huynh cũng quan tâm đến ngành dược thảo à?
- Qua loa thôi, - thầy William khiêm tốn trả lời - Từ khi tôi tình cờ đọc quyển “Thao trường rèn luyện sức khoẻ ” [1] của Ububchasym de Baldach… Tôi không biết ở đây có bản đó không?
- Một trong những tác phẩm đẹp nhất. Có rất nhiều minh hoạ chi tiết.
- Lạy Chúa. Và còn quyển “Sức mạnh của cỏ cây ” [2] của Platearius?
- Quyển đó cũng có nữa. Và quyển “Về cây ” [3] và quyển “Về rau cỏ ” [4] của Aristotle đã được dịch bởi Alfred de Sareshel.
- Tôi cũng được biết Aristotle không thực sự viết công trình đó, - thầy William nhận xét - Người ta còn khám phá rằng ông không phải là tác giả quyển “Nguyên nhân ” [5] nữa.
- Dầu sao chăng nữa, đó quả là quyển sách vĩ đại, - Severinus nhận định, và thầy tôi nhất trí ngay không hỏi thêm xem dược thảo sư đang nói đến quyển “Về rau cỏ ” hay quyển “Nguyên nhân ”. Cả hai quyển sách đó tôi đều không biết, nhưng theo cuộc đối thoại trên, tôi đoán rằng chúng hẳn độc đáo lắm.
- Tôi rất vui mừng, - Severinus kết luận - được nói chuyện trực tiếp với Huynh về dược thảo.
- Tôi lại còn vui hơn Huynh nữa, nhưng phải chăng chúng ta đang vi phạm luật giữ bí mật do dòng tu của Huynh đặt ra?
- Luật đó đã được áp dụng nhiều thế kỷ nay, theo yêu cầu của các cộng đồng khác nhau. Luật qui định được phép nghe giảng nhưng không được nghiên cứu. Tuy nhiên, Huynh biết dòng tu của chúng tôi đã tăng cường nghiên cứu việc đạo và đời như thế nào. Luật này cũng qui định thiết lập một tịnh xá tập thể, nhưng thỉnh thoảng các tu sĩ, cũng như chúng tôi, được quyền tĩnh tâm ban đêm, do đó phải dành cho từng người một phòng riêng. Luật rất khắt khe về việc giữ bí mật, vì trong số chúng tôi ở đây, không chỉ những tu sĩ làm việc chân tay, mà cả những người trí thức, cũng không được phép trò chuyện với các anh em khác. Nhưng chức danh đầu tiên và tối cao của tu viện chính là cộng đồng của các học giả. Và việc trau dồi các kho tàng trí thức tích luỹ được thường rất hữu ích cho các tu sĩ. Tất cả các cuộc trò chuyện về học vấn đều được xem là hợp lệ và có lợi, với điều kiện không được nói chuyện trong phòng ăn hay trong các giờ thánh lễ.
- Huynh có thường nói chuyện với Adelmo không? - thầy William đột nhiên hỏi.
Severinus không lộ vẻ ngạc nhiên – Tôi biết Cha Bề trên đã nói chuyện với Huynh. Không, tôi hiếm khi nói chuyện với Huynh đó. Huynh ấy chăm chú vào việc minh hoạ. Thế nhưng tôi cũng có dịp nghe Huynh ấy nói chuyện với các tu sĩ khác, chẳng hạn như Venantius hay Jorge về chuyên môn của mình. Ngoài ra, ban ngày tôi không làm việc ở phòng thư tịch mà ở phòng thí nghiệm của tôi – Ông hất hàm về phía bệnh xá.
- Tôi hiểu rồi, như thế Huynh không biết rõ Adelmo có bị ảo giác hay không?
- Ảo giác à?
- Giống như các loại ảo giác do dược thảo mà Huynh nói gây ra ấy mà.
Severinus sượng cứng người lại – Tôi đã nói với Huynh rằng tôi cất giữ tất cả các cây độc hại hết sức cẩn thận mà.
- Tôi không định ám chỉ điều đó, - thầy William vội vã biện bạch. - Tôi đang nói đến các ảo giác một cách tổng quát.
- Tôi không hiểu Huynh – Severinus nhấn mạnh.
- Tôi đang nghĩ đến khả năng một tu sĩ ban đêm lang thang trong Đại dinh, nơi mà Cha Bề trên đã từng công nhận những điều kinh khủng có thể xảy ra… cho những ai dám đột nhập vào giờ cấm… À, như tôi nói, tôi đang suy nghĩ đến khả năng Huynh ấy bị các ảo giác ma quỷ ám nhập, xúi giục đi đến vách núi đá đó.
- Tôi đã thưa với Huynh: tôi chỉ đến phòng thư tịch khi cần đọc sách, nhưng thường thì tôi có tập mẫu cây cất trong bệnh xá. Như đã nói, Adelmo rất gần gũi với Jorge, Venantius và … dĩ nhiên là với Berengar.
Ngay cả tôi cũng cảm nhận được vẻ ngập ngừng trong giọng nói của Severinus. Điều đó cũng không thoát được mắt thầy tôi.
- Berengar ư? Và tại sao lại “dĩ nhiên”?
- Berengar là phụ tá quản thư viện. Họ cùng trang lứa, đã cùng là tu sinh với nhau, họ có nhiều điều để chuyện trò với nhau cũng là việc bình thường. Đó là điều tôi muốn nói.
- À, đó là điều Huynh muốn nói - thầy William lặp lại. Tôi ngạc nhiên thấy thầy không theo đuổi đề tài này nữa mà khéo léo chuyển sang chuyện khác – Có lẽ đã đến lúc chúng ta đi thăm Đại dinh. Huynh có vui lòng dẫn đường chúng tôi không?
- Rất vui lòng, - Severinus nói, lòng mừng rỡ được thoát câu chuyện. Ông dẫn chúng tôi đi dọc theo khu vườn đến cửa Tây của Đại dinh.
- Đối diện với khu vườn là cánh cửa dẫn vào nhà bếp, nhưng nhà bếp chiếm phân nửa tầng trệt, mặt Tây; nửa mặt kia là nhà ăn. Ở cổng phía Nam mà Huynh có thể vào từ phía sau, chỗ dành cho ca đoàn trong giáo đường, còn có hai cánh cửa khác dẫn vào nhà bếp và phòng ăn. Nhưng ta có thể vào lối này, và từ nhà bếp, ta có thể sang tiếp nhà ăn.
Khi bước vào nhà bếp rộng bao la, tôi mới nhận thức được toàn bộ chiều cao của toà Đại dinh nằm trong khuôn viên khối bát giác. Về sau, tôi mới hiểu rằng, đó là một loại giếng khổng lồ không có lối vào, trên mỗi tầng mở ra những cửa sổ rộng, như các cửa sổ ở mặt ngoài. Nhà bếp là một sảnh đường rộng mênh mông ngập ngụa khói. Nhiều tôi tớ đang bận rộn sửa soạn thức ăn cho bữa tối. Trên một chiếc bàn lớn, hai người đang làm một cái bánh bằng đậu, lúa mạch, yến mạch, mạch đen, củ cải xắt nhỏ, cải đường, cải xoong, và cà rốt. Gần đó, một đầu bếp khác vừa ngâm xong vài con cá vào một dung dịch tổng hợp rượu vang và nước, rồi rưới lên chúng một loại nước sốt có lá sô thơm, rau mùi tây, húng tây, tỏi, tiêu và muối. Bên dưới ngọn tháp phía Tây có một cái lò khổng lồ dùng để nướng bánh mỳ đang rực đỏ. Trong ngọn tháp phía Nam có một lò sưởi thật lớn, trong đó người ta đang đun những cái nồi lớn sùng sục và trở các xiên thịt nướng. Những người chăn lợn vừa bước vào qua cánh cửa mở ra khu chuồng lợn sau giáo đường, mang theo thịt heo vừa mổ. Chúng tôi ra ngoài cũng bằng cửa đó để bước vào khuôn sân ở rìa phía Đông của bình nguyên, sát bức tường, nơi có nhiều dãy chuồng. Severinus giải thích cho tôi biết dãy đầu là chuồng lợn, rồi tới chuồng ngựa, chuồng bò, chuồng gà và sân có mái để nuôi cừu. Phía ngoài chuồng lợn, các người chăn lợn đang khuấy một vại lớn đựng huyết lợn, vừa mới mổ để huyết khỏi đông lại. Nếu khéo khuấy, huyết sẽ lỏng trong vài ngày nữa, nhờ thời tiết lạnh, và họ sẽ dùng nó làm tiết canh. Lúc quay vào Đại dinh và khi đi ngang qua nhà ăn, trên đường đến ngọn tháp phía Đông, chúng tôi liếc nhanh vào phía trong. Nhà ăn trải dài giữa hai ngọn tháp, trong ngọn tháp phía Bắc có một lò sưởi, ngọn tháp kia có một cầu thang xoắn ốc dẫn lên phòng thư tịch trên lầu. Các tu sĩ dùng cầu thang này để lên làm việc mỗi ngày hoặc họ có thể dùng hai cầu thang khác, tuy không tiện lợi bằng, nhưng rất ấm áp vì được xây theo hình trôn ốc bên trong lò sưởi này và trong lò bánh của nhà bếp. Thầy William hỏi xem chúng tôi có thể gặp ai ở phòng thư tịch không, vì hôm đó là Chủ nhật. Severinus mỉm cười đáp rằng, đối với tu sĩ dòng Benedict, công việc chính là cầu nguyện. Vào chủ nhật, giờ đọc kinh kéo dài hơn, nhưng các tu sĩ được giao công việc về sách vở vẫn làm việc vài giờ ở trên đó. Thường họ dành thời giờ để trao đổi với nhau các nhận định, lời khuyên và tư tưởng uyên bác, bổ ích trong Thánh kinh.
Chú thích
[1] "Theatrum Sanitatis "
[2] "De virtutibus herberum "
[3] "De plantis "
[4] "De vegetalibus "
[5] "De causis "
**** ***** *****
Truyện khác cùng thể loại
22 chương
32 chương