Triệu gia trang, anh hùng thấy việc lạ Thất tinh quán, La Hán bắt yêu ma Trên đường về nhà, đến một thôn trang, hai người gặp một ông già đánh đứa nhỏ dữ dội, đứa nhỏ chửi toáng lên, Lôi Minh nói với Trần Lượng: - Này lão tam, cái ông già này tuổi tác chừng ấy sao đối xử với thằng bé như vậy? Để ta đến hỏi thử xem! Lôi Minh đến gần, hỏi: - Cụ Ơi, thằng bé này là gì của cụ mà cụ đánh đập nó dữ vậy? - Hai vị muốn hỏi thằng bé này ư? Thật ra nó không là gì của tôi cả. Thật đáng giận! - Đã không là gì của cụ sao chừng ấy tuổi mà đi đánh đập trẻ nít như thế? Tôi nói cho hai vị rõ để hai vị cân nhắc. Tôi họ Triệu, kêu là Triệu Hiếu Thiện, chỗ của tôi ở là Triệu gia trang. Thằng bé này tên là Nhị ca, họ Trần. Mẹ nó làm dâu nhà họ Tôn, không có thân thuộc gì với tôi cả. Nhân vì mẹ con nó chạy lánh nạn đến thôn trang này. Tôi thấy tình cảnh mẹ con nó đáng thương, một người đàn bà trẻ tuổi nách theo một đứa con nhỏ lưu lạc xứ người, cả đến chỗ ở cũng không có. Trước cửa nhà tôi có ba gian trống, tôi cho mẹ con nó ở chẳng lấy tiền. Mẹ nó coi như an phận, ngày ngày đi may thuê cho một tài chủ ở trấn Thất Tinh để sống qua ngày, cứ sáng đi tối lại về. Vì gia đình tài chủ có đứa con nhỏ, mẹ nó sợ hai đứa bé đánh nhau nên không dắt nó theo. Ngày hôm qua mẹ nó trở vế nằm trên giường không nói câu nào rồi chết. Hôm nay tôi nghe nói chuyện này bèn nghĩ là đã chết rồi thì còn cách nào hơn là đi mua một cỗ quan tài đưa đi chôn vì rằng mẹ nó đang ở trong nhà của tôi. Ngờ đâu thằng bé này không cho đem chôn. Nó bảo mẹ nó không có bệnh, phải để mẹ nó ở lại làm bạn. hai vị nghĩ xem, cất căn nhà để cho một tử thi chiếm sao? Trên thế gian này có lý nào một người chết không đem chôn? Tôi muốn đem chôn mà thằng bé này mở miệng mắng chửi không cho đem chôn. Bị nó mắng, tôi tức giận mới đánh nó đấy. Lôi Minh nói: - Thằng bé này, mi thật là khờ quá! Mẹ mi đã chết thiệt rồi, đâu lẽ không đem chôn? Đứa bé nói: - Mẹ tôi không có bệnh, tôi không cho đem chôn. Tôi muốn để mẹ tôi lại làm bạn với tôi hà! - Thằng bé này có vẻ quậy ghê! Mi mau kêu người ta chôn mẹ mi cho rồi! Không hề chi, nếu mi không có ai coi sóc thì chúng ta sẽ dắt mi theo. Ta xem mi cũng chịu khó lắm! Triệu trưởng lão nói: - Hai vị hãy đem nó theo đi! Đứa bé nghe nói càng khóc càng quậy dữ. Triệu Hiếu Thiện nói: - Xin hỏi quý tính của hai vị? Lôi Minh, Trần Lượng đều nói tên họ mình. Triệu Hiếu Thiện nói: - Xin mời hai vị cùng tôi đến xem thử. Nó nói mẹ nó không có bệnh không chết. Chúng ta cùng đến xem mẹ nó chết hay chưa? Lôi Minh, Trần Lượng đi theo trưởng lão tiến về cửa Tây môn. Triệu Hiếu Thiện nói: - Tôi ở nhà cửa lớn phía Bắc đường này, hơi xéo về phía Nam đường là quảng trường viện của tôi. Lôi Minh, Trần Lượng nhìn thấy phía Nam con đường là một khoảng đất trống, có một căn nhà ba gian được xây kín bằng dậu rào thưa. Mọi người cùng tiến vào nhà, thấy kê sát tường Đông là một cái sạp, trên sạp có người thiếu phụ nằm, dĩ nhiên là chết rồi, bèn nói: - Con ơi, mẹ con đã chết thiệt rồi, rõ ràng không bị ai hại cả, con không đem chôn thì làm sao được? Đương nói tới đó thì bên ngoài có tiếng nói: - Ối chào, A Di Đà Phật! Thiện tai, thiện tai! Ngươi nói không dính vào chuyện tào lao, Hòa thượng ta đâu có lẽ không xen vào? Lôi Minh, Trần Lượng nghe nói đúng là tiếng của Tế Điên, lật đật chạy ra xem. Đúng là Tế Điên cùng hai vị Ban đầu Hà Lan Khánh và Đào Vạn Xuân từ ngoài đi vào. Lôi Minh, Trần Lượng nói: - Này, Triệu trưởng lão, có Tế Công ở chùa Linh Ẩn đến rồi đó! Triệu Hiếu Thiện cũng nghe đồn, biết Tế Công là một người tiếng tăm to lớn nên lật đật mời vào. Lôi Minh, Trần Lượng hỏi: - Sư phó từ đâu đến đây? Ta đã dặn hai con đừng xía vào chuyện tào lao mà hai con không nghe! Vừa rồi ta ra khỏi tiệm, định đi Đái gia bảo mà bắt rùng mình, biết rằng hai con sắp mang họa, đâu lẽ không đuổi theo? Nếu không đuổi theo chắc hai con bị họa lớn lắm đấy! - Thưa sư phó, tai họa gì lớn dữ vậy? - Tai họa gì à? Ta hỏi con về việc người thiếu phụ này là thế nào? Lôi Minh nói: - Triệu lão trượng, ông nói việc đó cho Thánh tăng nghe đi! Triệu lão trượng bèn đem mọi việc nói lại cho Tế Điên nghe và nói thêm: - Cô ấy chết mà thằng bé này không cho chôn. Tế Điên hỏi: - Đó là người chết sao? Triệu Hiếu Thiện nói: - Làm sao lại không phải? - Ông lại xem thử! Nói rồi Tế Điên lấy tay chỉ tử thi, miệng niệm: "Án ma ni bát mê hồng, Án sắc lịnh hích!". Lôi Minh, Trần Lượng, Triệu lão trượng bước tới xem, Tế Điên xóa phép mờ mắt đi. Mọi người nhìn thấy nằm trên giường không phải là người thiệt mà là người giấy, thì không khỏi ngạc nhiên. Tại sao lại thế? Nguyên phía Bắc thôn này có một cái miếu tên là Thất Tinh miếu. Trong miếu có một lão đạo sĩ tên là Ngô Pháp Thông, trác hiệu Quảng pháp chân nhân, cũng là đệ tử ký danh của Xích phát linh quang Thiệu Hoa Phong. Bình thường lão đạo sĩ này không việc ác nào không dám làm, trong miếu có vách đôi, ông ta mua ở xóm yên hoa hai người phụ nữ giấu trong vách đôi đó để suốt ngày hưởng lạc. Ngô Pháp Thông kiếm đâu được bộ tà thư nên ông ta cũng luyện được một số tà thuật. Lão đạo sĩ đứng trong miếu nhìn ra thấy Tôn thị sáng đi lên trấn Thất Tinh làm việc, chiếu tối lại trở về, ngày nào cũng đi ngang trước miếu ông tạ Lão đạo sĩ nhìn thấy Tôn thị quả là nhan sắc đẹp đẽ, tuy ăn mặc bình thường nhưng vóc dáng hơn người, đáng gọi là: mày cong như lá liễu, môi đỏ tựa anh đào, mắt hạnh gợi tình, má lúm đồng tiền xinh xắn. lão đạo ta vốn là ma vương trong loài hoa, quỷ đói trong đám sắc, ngày kia thấy Tôn thị đi qua trước miếu, mới hỏi thăm người ta rằng người con gái ấy là con dâu nhà ai vậy? Có người nói: - Đạo gia không biết à? Nàng ấy nguyên là dân tị nạn đến Triệu gia trang, ở các nhà trong của Triệu Hiếu Thiện đấy. Mỗi ngày nàng ta đều lên nhà họ Lý ở trấn thất Tinh may vá sống qua ngày. Lão đạo sĩ nghe xong bèn nghĩ: "Nếu ta dùng phép thuật bắt nàng này vào trong miếu thì được rồi. Mất người đàn bà này rồi ắt có người đi tìm, ta làm sao dấu kín chuyện này được khỏi sanh chuyện thị phỉ". Lão đạo bèn lấy giấy dán một hình người, giống hệt như người sống, rồi thúc bùa vào đó có thể làm người giả ấy đi được. Hôm đó lão đạo đứng chờ ở cổng miếu thấy Tôn thị đi qua bèn niệm chú: Sắc lịnh hích". Tôn thị bắt rùng mình, đôi mắt trợn ngược, tự động đi thẳng vào miếu. Lão đạo sĩ nhốt Tôn thị vào phòng hao lớp vách, bảo bốn kỷ nữ theo dụ dỗ, một mặt dán bùa vào hình nộm, dùng chú thúc vào khiến hình nộm về nhà nằm xuống, dùng nghiệm pháp mà mắt mọi người thấy như là thật. Lão đạo sĩ ở trong miếu đốt một cây tín hương, nếu người ta chôn hình nộm thì ông ta cũng biết, nếu có người phá pháp thuật, tín hương tắt đi ông ta cũng biết. Hôm nay Tế Điên phá mất pháp thuật làm cho Lôi Minh, Trần Lượng và Triệu Hiếu Thiện nhìn thấy là hình nộm. Triệu Hiếu Thiện hỏi: - Việc này phải làm sao đây? Tế Điên nói: - Ông không cần phải hỏi. Lát nữa ông xem, sẽ có người đến cho coi! Lôi Minh, Trần Lượng hỏi: - Thưa sư phó, đây là duyên cớ gì mà sư phó chịu nhúng tay vào như thế? - Ta đã đến, đâu lẽ không nhúng tay? Nếu ta không nhúng tay thì mất đi một nhân mạng hay sao? Hòa thượng ta diệt người ác tức là thiện niệm. Chúng ta hãy chờ xem! Triệu Hiếu Thiện nói: - Xin mời Thánh tăng đến nhà tôi. - Cũng được! Tế Điên đáp. Cả Lôi Minh, Trần Lượng cũng đến nhà Triệu Hiếu Thiện. Ngôi nhà này năm gian, day hướng Nam là phòng khách, trong nhà bài trí rất u nhã. Mọi người ngồi xuống xong, thủ hạ dâng trà. Triệu Hiếu Thiện hỏi Tế Điên: - Thánh tăng dùng chay hay mặn? Đã đến nhà tôi thì không cần phải khách sáo. Ở đây chay mặn đều có sẵn. - Hòa thượng ta chay mặn đều dùng cả. Triệu Hiếu Thiện lập tức kêu gia nhân chuẩn bị cơm rượu. Trong nhà mọi thứ đều có sẵn, trong giây lát gia nhân lau dọn bàn ghế dọn cơm rượu lên. Mọi người ngồi vào bàn ăn uống vui vẻ. Ăn uống cho đến sau canh một, bỗng nhiên cát bay đá chạy, tiếng như bò rống khiến người kinh hồn, lông tóc dựng ngược, gió giông làm đèn đuốc trong nhà tắt ngấm. Tế Điên nói: - Tới rồi đó! Mọi người sợ mất cả hồn vía. Khi Tế Điên phá tan phép mà mắt, lão đạo sĩ trong miếu biết ngay, nổi giận nói: Tên nào quả thật lớn gan dám phá pháp thuật làm hư việc lớn của ta! Ta đâu có để cho nó yên! Ngô Pháp Thông ở trong miếu đã luyện thành "Bách cốt thần ma". Ngày thường ông ta đến gò mả hoang lượm xương không củ người. Việc đó không phải dễ dàng gì, lượm tới lượm lui, năm này tháng nọ mới đủ số. Cũng có xương sọ, xương tay, xương dùi đủ thứ. Tất cả gom lại một chỗ, rồi dùng máu ở chót lưỡi và đầu ngón tay giữa nhỏ vào, mượn khí âm dương, mưa thắm móc nhuần và thọ lấy tinh hoa của trời đất. Lão đạo lại dùng bùa chú thúc vào để luyện thành Bách cốt thần mạ Nơi đại điện có một cỗ quan tài trống, lão giấu các bộ xương khô trong đó. Khi dùng cứ thúc bùa chú vào, đưa bảo kiếm cho nó sai nó ra đi, nếu không giết được người thì không quay về. Cái thứ này chuyên hại người, trước kia ở Tiểu Nguyệt Đồn kêu ồ ồ ào ào chính là loại Bách cốt thần ma này. Hôm nay lão đạo sĩ Ngô Pháp Thông biết phá mất phép mà mắt thấy giả thành thiệt, ông ta tức giận, đến tối lại trăng sao đầy trời mới ở viện chuẩn bị nhang đèn vàng mã, ngũ cốc lương thực, giất vàng châu sa nghiên bút mới, nước vô căn, rau thơm. Lão đạo sĩ mặc áo ngũ sắc, bỏ tóc xõa, tay cầm báu kiếm, vẽ ba đạo bùa, một khi niệm chú thúc bách cốt thần ma nổi dậy, rồi đưa nó một thanh kiếm. Thứ Bách cốt này mang theo một trận âm phong thẳng đến nhà Triệu Hiếu Thiện. Lôi Minh, Trần Lượng và mọi người nhìn ra chỉ thấy một làn gió xoáy, trong gió có một cột trắng cao hơn một trượng, xem không rõ vật gì. Tế Điên nói: - Đến đó hả? Đồ nghiệt súc! Nói rồi lấy ngay chiếc mũ ném lên không, linh quang muôn đạo túa ra, đè Bách cốt thần ma xuống đất. Tế Điên nói: - Các ngươi hãy xem đi! Mọi người nhìn kỹ, thì thấy đó là những đốt xương khộ Tế Điên bảo: - Triệu Hiếu Thiện, ông kêu người đốt nó đi. Lập tức đem củi đốt lên, trong xương có dấu máu, có mùi tanh bay ra. Triệu Hiếu Thiện hỏi: - Bây giờ phải làm sao? - Hãy đi theo ta! Tế Điên nói: Lôi Minh, Trần Lượng cùng đi theo Tế Điên đến Thất Tinh quán bắt lão đạo sĩ Ngô Pháp Thông, giải cứu nạn phụ.