Tay buông tay và tim thôi nhớ
Chương 7 : Người tình trẻ
Tôi có một cô bạn, trước nay đều yêu những cậu chàng nhỏ hơn vài tuổi. Ngoại hình cô ấy trẻ hơn so với tuổi thực, và những chàng trai kia cũng chẳng hề biết cô ấy bao nhiêu tuổi.
Tôi hỏi:
“Nếu chẳng may họ hỏi thì sao?”
Cô ấy nhún vai:
“Thông thường họ chẳng hỏi đâu, mà nếu có hỏi thì tớ cũng sẽ nói dối.”
“Thế nhưng, nếu một ngày nào đó cậu kết hôn với một người trong số họ, lúc đi đăng ký, anh ấy nhất định sẽ biết tuổi thật của cậu!”
“Lúc đó ấy à, anh ấy hối hận thì cũng đã muộn rồi!” Cô ấy bật cười.
Cô ấy còn nói với tôi rằng có một người bạn, lấy một tấm chồng nhỏ hơn mình tới 10 tuổi.
“Lúc cô ấy 40 tuổi, anh kia mới 30 thôi đấy!” Cô ấy vừa nói vừa lắc đầu.
Lần này, đến lượt tôi nói:
“Thế chẳng phải rất tốt sao?”
Nếu bạn yêu một người trẻ tuổi hơn mình, qua nhiều năm sau, bạn sẽ không phải nhìn thấy người tình của mình có viền mái tóc lui dần về phía sau, khóm tóc bắt đầu thưa thớt ngả bóng, đuôi mắt kéo dài vết chân chim, và thân thể bắt đầu nhăn nheo cỗi úa.
Người mà bạn nhìn thấy vẫn là một chàng trai trẻ tràn đầy sức vóc. Đàn ông cũng có tuổi xuân mà.
Có người từng nói: “Tuổi thanh xuân là một điếu thuốc.”
Một điếu thuốc, thoáng chốc đã lụi tàn.
Chúng ta đều biết theo đuổi tuổi xuân là một điều thật ngốc nghếch, cũng giống như theo đuổi một thứ cuối cùng sẽ tan thành mây khói. Vậy nhưng, tuổi xuân của người tình, thì luôn đủ để khích lệ chúng ta cố gắng lưu giữ tuổi xuân của chính mình.
Chìm đắm dưới đáy hồ tình yêu câm lặng
Một người bạn hỏi tôi rằng:
“Làm sao cậu biết được có ai đó đang yêu thầm mình?”
Tôi trả lời pha lẫn chút ngạc nhiên:
“Đã là yêu thầm, thì tớ làm sao biết được? Mà nếu biết được thì sao có thể gọi là yêu thầm?”
Huống hồ, xưa nay tôi không phải kiểu người thầm yêu trộm nhớ ai đó tới mức điên cuồng, đã vậy còn hay ảo tưởng rằng bản thân mình thật đáng yêu, chắc hẳn sẽ có người yêu thầm mình.
Đã từ rất lâu rồi, có người từng bảo với tôi rằng, một chàng trai nọ đang thầm yêu tôi. Đó là cậu bạn trai rất thân thiết của tôi, vậy là có một lần buôn chuyện trên điện thoại, tôi dò thử:
“Cậu có bao giờ thầm yêu một ai đó không?”
Chẳng dè cậu ấy trả lời luôn:
“Ồ… Trước nay tớ chẳng yêu thầm ai cả.”
Sau này tôi nghĩ, mình hỏi thẳng thừng như vậy, kể cả cậu ấy có thích mình đi chăng nữa, hẳn cũng sẽ chẳng thừa nhận, mà không khéo lại còn tưởng mình yêu thầm cậu ấy kia chứ.
Tôi không yêu thầm ai cả, vì vậy nghĩ rằng cũng chẳng có ai thầm thương trộm nhớ mình. Có người nói, tình yêu thầm kín thực sự rất vĩ đại, nhưng cũng có người lại nói, yêu thầm là vết đau, tựa như một món quà, vừa thê mỹ vừa lãng mạn. Nhưng, xin hãy tin tôi, giả như tình yêu thầm kín chẳng bao giờ đến ngày tu thành chính quả, đối phương không thể dành tình yêu cho bạn, vậy thì, yêu thầm xét cho cùng chỉ là một nỗi niềm chìm đắm, mãi mãi chẳng thể nổi lên.
Chúng ta cho rằng bản thân thầm yêu day dứt một người, nhưng kỳ thực, thứ mà chúng ta đang yêu, chỉ là một dáng hình đã được tô hoa điểm phấn ngàn vạn lần trong trí tưởng tượng. Càng không với tới, ta càng yêu. Càng không với tới, ta càng đau lòng thắt ruột. Để rồi một mai, nỗi niềm mãi chẳng thể nổi lên đó, đành lắng chìm xuống đáy hồ của tình yêu câm lặng, hóa thân thành một màn rêu hoang tối.
Người đàn ông ngồi trên thuyền
Một cô bạn tính tình phóng khoáng từng kể với tôi rằng, ngay từ khi còn rất nhỏ, cô ấy đã cảm thấy rằng khi yêu một người, ta không nhất thiết phải có được người ấy.
Buổi tối hôm đó, tôi và cô ấy ngồi nhấm nháp những món Ý, tôi hỏi:
“Vậy cậu có làm được điều đó không?”
Cô ấy trả lời:
“Trước kia thì không, bởi vậy lúc nào tớ cũng thấy buồn chán, giờ đây lớn tuổi hơn một chút, cũng vắt qua vai vài mối tình, tớ bắt đầu cảm thấy mình có thể làm được.”
Và thực sự cô ấy đã làm được. Cô ấy yêu một chàng trai, có con mà không kết hôn, chỉ nuôi con một mình.
Cô ấy thực hiện những suy nghĩ mà bản thân tin tưởng từ thuở bé, không sở hữu người khác, và cũng không để người khác sở hữu mình. Cô ấy nói, chúng ta và những người mà chúng ta yêu thương đều nên có một khoảng trời riêng, khi nào muốn gặp, một trong hai người chèo thuyền đi tìm người kia là được rồi.
Tôi cười nói:
“Vậy thì chí ít, cậu phải tìm một anh chàng chịu chèo thuyền đến thăm cậu chứ nhỉ!”
Dù tôn sùng kiểu tình yêu như thế nào, thực ra đều không quan trọng. Vậy nhưng xét cho cùng, con người cũng chẳng thể yêu đương với chính mình. Sartre[2] tìm thấy Beauvoir[3] của anh ấy, John Lennon[4]cũng tìm thấy Yoko Ono[5] của mình. Khi sống không mang đến, và khi chết cũng chẳng mang đi, đạo lý này liệu ai mà không biết? Nhưng làm được hay không lại là chuyện khác.
[2]. Jean-Paul Charles Aymard Sartre: (1905 - 1980) là nhà triết học hiện sinh, nhà soạn kịch, nhà biên kịch, tiểu thuyết gia và là nhà hoạt động chính trị người Pháp.
[3]. Simone de Beauvoir: (1908 - 1986) là một nhà văn và nhà triết học người Pháp. Sau này trở thành bạn tri âm của Sartre.
[4]. John Winston Ono Lennon: (1940 - 1980) là nhạc sỹ, ca sỹ người Anh, là người sáng lập và thủ lĩnh của ban nhạc huyền thoại The Beatles - một trong những ban nhạc thành công và được ngưỡng mộ nhất lịch sử âm nhạc thế giới.
[5]. Ono Yōko: (sinh năm 1933) là một nghệ sĩ người Mỹ gốc Nhật, nhạc sỹ, tác giả và nhà hoạt động hòa bình, cũng được biết đến với cuộc hôn nhân với John Lennon.
Không để người kia có được mình có lẽ sẽ dễ dàng hơn đôi chút, nhưng không có được người kia lại không dễ dàng như tưởng tượng. Trừ phi, con người không bao giờ cô đơn, không bao giờ quạnh vắng, không biết sợ đánh mất, cũng vĩnh viễn không bao giờ già đi.
Một khi già rồi, liệu có thể chèo thuyền được chăng?
Truyện khác cùng thể loại
15 chương
66 chương
10 chương
20 chương
65 chương