Tào Tặc
Chương 260
Hạ Hầu Chân ngẩng đầu mỉm cười với Tào Bằng.
Vừa thấy được nụ cười hiện lên trên gương mặt của Hạ Hầu Chân, nỗi lo lắng trong lòng Tào Bằng thoáng đã biến mất.
Hắn tin rằng nếu như thực sự có chuyện gì, Hạ Hầu Chân nhất định sẽ ngầm ra ám hiệu bảo hắn. Nếu Hạ Hầu Chân vui vẻ thế kia, chắc chắn không có chuyện gì lớn cả.
-Ty chức Tào Bằng khấu kiến tư không.
Tào Bằng tiến lên, cung kính hành lễ.
Thật ra, ở thời Đông Hán, tục lệ quỳ ba cái, khấu đầu chín cái vẫn còn chưa xuất hiện. Mọi người gặp nhau cũng có phần tùy tiện hơn. Mặc dù là trên triều nghị sự cũng không có chuyện xếp hàng nghiêm nghị như trong kịch truyền hình ở thời hậu thế. Hầu hết quần thần đều đứng thành nhóm ba, nhóm năm người, hơn nữa, còn có thể tùy ý đi lại, hoặc ngồi, hoặc đứng, vô cùng thoải mái.
Tào Bằng hành lễ trịnh trọng như vậy khiến Tào Tháo ngẩn người.
Y mỉm cười, nói:
-A Phúc, đây toàn người trong nhà, hà tất phải lễ tiết như thế, mau ngồi xuống đi.
Nhưng Tào Bằng hành lễ trịnh trọng xong, vẫn hơi hạ thấp người, ngồi xuống một bên.
-Ách, ta đã bảo ngươi rồi, A Phúc, không cần câu nệ như thế.
Tào Tháo cười ha ha, nhìn Tào Bằng, gương mặt đầy vẻ điềm đạm, nhẹ giọng nói chuyện.
-Cứ tự nhiên đi.
-Tử Đan ta không cần giới thiệu nữa. Chân nhi ngươi cũng biết rồi. Đây là con ta, tên là Phi, kém ngươi bốn tuổi, hiện mới mười hai. Cũng có thể nói các ngươi đồng lứa với nhau. Hôm nay, ta tìm ngươi đến cũng không có chuyện gì cả. Chủ yếu là muốn cảm tạ ngươi dọc đường đã hộ tống cho tổ mẫu chu toàn mà thôi.
Tào Phi?
Tào Bằng vô cùng kinh ngạc, nhìn người thanh niên kia, lại thấy Tào Phi cũng đang hiếu kỳ quan sát hắn.
Vóc dáng của Tào Phi không cao, nhưng cũng không thấp. Gã có một phong thái trầm ổn, bình tĩnh, không giống với những thiếu niên cùng tuổi bình thường.
Hai người vừa chạm mắt với nhau, Tào Phi liền mỉm cười.
Tào Bằng cũng cười một chút, chợt chạm mắt với Tào Chân.
Trong ánh mắt của Tào Chân lại có một chút xấu hổ. Y vội vã cúi đầu, không dám nhìn Tào Bằng.
Chuyện này khiến Tào Bằng không khỏi cảm thấy kỳ quái.
-A Phúc, ta từng nghe người ta nói khi ngươi còn ở Quảng Lăng từng sáng tác bài thơ "Lậu thất minh"?
-A, đó chẳng qua là do ty chức nhàn rỗi, chợt ngẫu hứng lên thôi.
Tào Tháo mỉm cười:
-Đã nói rồi, đây là gia yến, ngươi không cần câu nệ. Không cần tự xưng là ty chức nữa. Chưa kể, ngươi cũng coi như là hàng con cháu trong nhà của ta. Cứ thoải mái đi một chút. Ta vốn muốn mời Tuyển Thạch đến, nhưng hiện y đang ở Huỳnh Dương đốc thúc việc tạo binh giới, nhất thời không thể phân thân được. Đêm qua mưa, giờ thìn ta đi tản bộ trong vườn, chợt thấy cây mai xanh mướt, bỗng nhớ tới năm ngoái giao tranh với Trương Tú, trên đường thiếu nước, các tướng sĩ đều khát. Ta mới nảy sinh ra một kế, liền chỉ về phía trước nói: Trước mặt có rừng mai. Quân sĩ vừa nghe vậy liền hăng hái, quên cả cơn khát. Nay nhìn thấy cây mai này, không thể không ngắm nhìn. Ta giờ bình an vô sự, có được mấy người con cháu thế này, uống rượu ngắm mai cũng là chuyện vui.
Tào Tháo nói một hồi, mơ hồ như đã thừa nhận Tào Cấp là người trong tộc của y.
Chỉ là chuyện này vẫn còn phải chờ Tào Cấp trở về, mới có thể chứng thực được.
Tào Chân và Tào Phi vội vã đứng dậy:
-Tạ ơn phụ thân (thúc phụ) ưu ái.
Chỉ có Tào Bằng là không có phản ứng gì.
Hắn ngơ ngác ngồi bên bàn, đầu óc rối bời.
Ngồi ngắm mai uống rượu luận anh hùng?
Thế nào lại thành chuyện này?
Ngắm mai uống rượu luận anh hùng, chuyện này khiến Tào Bằng nhớ lại chuyện Tam Quốc diễn nghĩa hắn từng đọc ở thế kỷ hai mươi mốt. Ở thời hậu thế, có thể nói ngay cả phụ nữ và trẻ em đều biết chuyện này. Nhưng người ngắm mai, uống rượu, luận anh hùng là Tào Tháo và Lưu Bị. Thế nhưng hiện tại, Lưu Bị không ngồi ở đây, ngược lại lại đổi thành hắn và Tào Chân và Tào Phi ư?
Lưu Bị đâu mất rồi?
-A Phúc, A Phúc?
-A, Tư không…
-Ừ?
Tào Tháo đáp một tiếng, mặt trầm xuống.
Hạ Hầu Chân quay qua Tào Bằng, nháy mắt một cái. Hắn tức thì tỉnh ngộ, vội sửa lại:
-Thúc phụ!
Tào Tháo nở nụ cười:
-Ta nghe tổ mẫu nói ngươi là hậu duệ của Cộng Hầu, thế tôn bốn đời của Bình Dương hầu. Chưa kể, ngươi cũng được coi như con cháu trong tộc của ta. Năm xưa, Bình Dương hầu Tông Nhân từng bị thái tử liên lụy, khiến Tào thị chịu nạn theo. Cộng hầu phải vất vả lưu lại, rồi định cư ở Tiếu huyện, còn một chi của tổ tiên ngươi lại lưu lạc đến Nam Dương. Ta từng sai người điều tra gia phả của ngươi, tổ tiên của ngươi Tào gia của ngươi quả thực là như thế. A Phúc, ta nói rồi, hôm nay là gia yến, đừng câu nệ quá.
-Điệt nhi hiểu rõ.
Tào Phi chợt nói:
-"Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh/ Thủy bất tại thâm hữu long tắc linh/ Tư thị lậu thất, duy ngô đức hinh". Hữu Học ca ca, ta nghe tiên sinh Văn Hưu Nhược nói tài thơ văn của huynh song tuyệt. Hôm nay nhân có người và cảnh sắc trong hoa viên thế này, lại có ca vũ đẹp không sao tả xiết, sao huynh không làm một bài thơ?
Tào Phi là người khởi xướng văn phong của Kiến An sau này.
Ba cha con Tào Tháo tài văn chương đều phi thường. Tào Tháo thì khỏi cần phải nói. Danh tiếng của Tào Thực lại càng nổi bật hơn, ngay đến Tào Phi cũng là người có tài văn xuất chúng.
Y vừa mở miệng muốn nghe thơ, Tào Tháo liền hứng thú ngay.
-Đúng vậy, A Phúc, sao không làm một bài thơ đi?
-Chuyện này…
Tào Bằng gãi gãi đầu, có chút nhức đầu.
Đây chính là ứng cảnh làm thơ, Tào Bằng không thể trộm một bài thơ để lừa dối qua loa cho được.
Hắn nhắm mắt lại, một lát sau đứng dậy, bước đi bước lại trong đình vài bước, chợt mở mắt:
-
Nhân nhân tận thuyết Lạc Dương hảo
Du nhân chỉ hợp Lạc Dương lão,
Xuân thủy bích ư thiên,
Họa thuyền thính vũ miên.
Lư biên nhân tự nguyệt,
Hạo oản ngưng sương tuyết.
Vị lão mạc hoàn hương,
Hoàng hương tu đoạn trường.
*Dịch nghĩa:
Người người ca tụng Lạc Dương,
Du nhân chỉ muốn mãi làm du nhân.
Trời còn kém nước xuân xanh biếc.
Trên thuyền đêm nghe tiếng mưa gần.
Bên sông người tựa trăng ngân,
Cổ tay rót rượu, trắng ngần hơn sương.
Chưa già xin chớ hoàn hương,
Hoàn hương là ắt đoạn trường ai ơi!
Sau đó, Tào Bằng liền ngồi xuống.
Tào Phi ngạc nhiên, nhìn Tào Bằng, một lát sau, nói:
-Xuân thủy bích ư thiên, họa thuyền thính vũ miên. Hay thì có hay nhưng dường như không hợp với cảnh lắm a.
Thế nhưng, Tào Tháo thở dài một tiếng, vỗ tay nói:
-Tâm ý của A Phúc, ta đã hiểu rõ rồi. Chuyện tổ tông không phải là chuyện thường. Sau khi phụ thân ngươi trở về sẽ bàn bạc kỹ hơn. Nhưng A Phúc, ngươi đừng lo lắng, ta nhất định sẽ nhớ rõ.
Bài thơ Bồ Tát man này vốn là do đại thi nhân Vi Trang đời Đường sáng tác.
Tào Bằng đem chữ "Giang Nam" trong bài thơ sửa thành "Lạc Dương". Trong những năm thời Đông Hán, Lạc Dương là đế đô, nhưng hiện nay, Lạc Dương đã hoang tàn, Hứa Đô trở thành đế đô. Nói đến Lạc Dương là muốn nhắc đến đế đô.
Người người đều nói đế đô tốt, mọi người đều muốn ở đế đô.
Nước xuân xanh biếc, nữ tử bên lư xinh đẹp, rạng ngời, vừa vặn ứng với việc miêu tả Hạ Hầu Chân lúc này. Hạ Hầu Chân vô thức chợt giơ ống tay áo lên, che gương mặt đỏ bừng.
Chưa đến khi già thì không nên trở về cố hương. Trở về cố hương rồi lại nhớ đến đế đô.
Hai câu thơ này thật ra có ý tả ngược. Trong lòng Tào Tháo lại cho rằng ý Tào Bằng muốn nói là hắn muốn nhận tổ tông nhưng lại không tránh khỏi lo nghĩ, sầu khổ.
Đối với Tào Phi mà nói, y chẳng qua là tuổi trẻ, chưa từng trải qua chuyện sầu lo, không khỏi có chút khó hiểu.
Nhưng Tào Tháo lại có thể hiểu được.
Tào Bằng cười cười, khẽ cúi thấp người trước bàn dài, xem như đã trả lời.
-Chân, châm rượu cho A Phúc.
Hạ Hầu Chân dạ một tiếng, châm thêm chút rượu cho Tào Bằng.
Tào Bằng nói một tiếng tạ ơn, nâng chén thưởng rượu.
-A Phúc, Lưu Bị chạy rồi!
Tào Chân vẫn trầm mặc, ít nói, chợt mở miệng.
Tào Bằng chưa kịp nuốt trôi ngụm rượu xuống, đã bị một câu nói này của Tào Chân làm hắn ho sặc sụa.
-Tử Đan ca ca, sao huynh không chờ chút nữa hãy nói?
Hạ hầu Chân nhịn không được khinh khỉnh nhìn Tào Chân, khiến y chỉ biết cười khổ, không biết nên trả lời thế nào.
-Lưu Bị chạy rồi ư? Từ bao giờ?
Tào Chân nói:
-Ngay ngày hôm trước, gã nói là đi săn, chính vì thế tất cả mọi người đều không chú ý. Thật không ngờ sau đó gã lại dẫn người rời khỏi Hứa Đô, chạy thẳng về Nam Hạ. Thúc phụ vừa nhận được tin liền lập tức sai người đuổi theo. Nhưng ở Quân Độ, lại gặp Quan Vũ và Trương Phi phục kích, Lưu Bị và gia quyến của gã vừa gặp nhau liền chạy trốn luôn. Có người nói, gã mang người chạy về Thanh Châu, chắc là tìm Viên Thiệu dựa dẫm.
Nói xong, Tào Chân hít sâu một hơi, đứng lên, vái Tào bằng sát đất.
-Trước đây, A Phúc ngươi từng nhắc nhở ta, bảo ta lưu ý Lưu Bị. Ta còn tưởng rằng ngươi vì ân oán với Lưu Huyền Đức trước đó cho nên mới nói những lời như thế. Nhưng nay xem ra ngươi nói không hề sai. Người này quả thật có thể ẩn nhẫn, che giấu bản thân. Ta bị cái mã ngoài của gã lừa dối, còn hiểu lầm ngươi. A Phúc, ta xin lỗi.
Tào Phi ngồi một bên, hiếu kỳ nhìn Tào Bằng.
Tào Bằng vội vã đứng dậy, hoàn lễ:
-Đại ca, nói gì thì nói, ngày đó cũng là thái độ của ta không tốt, thế cho nên… Lưu Bị cũng là kẻ có dã tâm kiêu hùng. Ngươi chưa từng giao chiến với gã, đương nhiên không biết được. Có bị gã lừa dối cũng không phải chuyện lạ, nhưng ta cũng có phần tùy tiện quá.
Tào Tháo ngồi một bên, yên lặng không nói gì.
Chợt, y khoát tay ngăn lại, ý bảo đoàn ca múa bên ngoài đình lui ra.
-Tử Đan, A Phúc nói không sai, chuyện này không trách ngươi được. Ngay đến ta cũng suýt nữa bị Lưu Bị làm cho mê muội. Chỉ là, Lưu Bị ra đi quá vội vàng, thế nên ta mới không kịp phản ứng. A Phúc, theo ngươi, Lưu Huyền Đức vì sao phải đi?
Tào Bằng ngồi xuống, chợt bừng tỉnh: Chẳng trách vì sao Lưu Bị lại chạy!
Nhưng đối với chuyện Lưu Bị vì sao bất ngờ bỏ chạy, hắn cũng không nghĩ ra nguyên do là gì. Hắn nhớ mang máng rằng Lưu Bị ở nhà chăm rau, làm vườn, rồi ngắm mai uống rượu luận anh hùng. Tiếp sau đó, Lưu Bị hoàn toàn xóa tan sự nghi ngờ trong lòng Tào Tháo, rồi mượn cớ ngăn chặn Viên Thuật, lại chiếm Hạ Giao.
Nhưng chưa được bao lâu, Lưu Bị bị Tào Tháo đánh đuổi tới Nhữ Nam.
Thế nhưng hiện tại, vì sao gã phải bỏ chạy?
Nghe thấy câu hỏi của Tào Tháo, Tào Bằng cũng không biết nên trả lời như thế nào.
Y đái chiếu, chắc chắn là Y đái chiếu. Chuyện này đã phát sinh nhưng không biết vì lý do gì lại khiến Lưu Bị rời khỏi Hứa Đô sớm như vậy.
-Thúc phụ, núi Trung Dương có một câu ngạn ngữ cổ: không làm chuyện dối trá, không sợ quỷ đến nhà. Lưu Bị bất ngờ bỏ chạy khỏi Hứa Đô, ắt là đã làm chuyện gì dối trá. Hơn nữa, hậu quả của chuyện này rất nghiêm trọng, gã vì sợ thúc phụ biết được, nên mới…
Nói được phân nửa, Tào Bằng ngậm miệng lại.
Tào Tháo nheo nheo mắt, chợt trầm giọng quát lớn:
-Người đâu!
Chỉ thấy một viên tướng vội vã đi tới bên ngoài đình, quỳ một gối xuống đất.
-Mật lệnh cho Công Đạt, điều tra rõ ràng trong khoảng thời gian khi Lưu Huyền Đức còn ở tại Hứa Đô này đã nhiều lần qua lại với người nào, từng tiếp xúc với người nào.
-Tuân lệnh!
Viên tướng vội đứng dậy, nhanh chóng rời đi.
Lúc này, chợt nhiên mây đen ùn ùn kéo đến, mưa rào trút xuống.
-Cha, mau nhìn!
Tào Phi chợt chỉ một dải mây hình rồng từ phía xa xa trên trời, Tào Tháo, Tào Bằng và Tào Chân cùng đứng lên, dựa vào lan can mà xem.
-Tử Đan, Hữu Học, có biết sự biến hóa của rồng không?
Tới, tới, tới rồi…
Tào Bằng thầm nghĩ trong lòng, nhưng lại buột miệng nói:
-Không rõ lắm ạ.
Tào Tháo cười:
-Rồng có thể biến hóa vô cùng, có thể bay lên, lại có thể ẩn mình. Lúc thì bay lên mây, giấu trong đất, có khi lại ẩn thân; lúc thì bay vút lên vũ trụ, có khi lại ẩn mình trong sóng lớn. Hiện giờ đang là mùa xuân, long thừa biến hóa là do người được thỏa chí mà ngang dọc tứ hải. Rồng có thể sánh với anh hùng. A đại, Tử Đan, A Phúc, vậy ta hỏi các ngươi, luận về đương thời, ai có thể xứng làm anh hùng?
Tào Bằng vừa nghe thấy không khỏi tức cười.
Vấn đề này gần như hoàn toàn tương tự với sự tích ngắm mai uống rượu luận anh hùng trong Tam Quốc diễn nghĩa.
Khi Tào Tháo nói về rồng, khí phách này khiến người khác phải cảm phục. Nhưng cùng vấn đề như vậy, Lưu Bị có thể trả lời như thế, còn hắn nên trả lời thế nào đây?
Tào Bằng trầm ngâm chốc lát, nhẹ giọng nói:
-Bằng cho rằng anh hùng đương thời duy chỉ có tư không!
Hạ Hầu Chân khẽ che miệng, nghiêng người, cố nén không cười.
Tào Phi kinh ngạc, nhìn Tào Bằng thầm nghĩ: "Chuyện như thế mà người này lại có thể nói trơn tru ra như vậy, quả là lợi hại mà!"
Tào Chân nhìn Tào Bằng, có phần căm tức.
Nói câu trơ trẽn thế mà ngươi cũng nói được?
Tào Bằng mỉm cười, dùng ánh mắt trả lời: "Có giỏi thì ngươi phản bác thử xem?"
Tào Chân bại hoàn toàn.
Tào Tháo cười ha ha, dĩ nhiên là đồng ý với câu nói của Tào Bằng.
Y sẽ không thèm giả bộ, bằng không ban nãy đã không bảo mấy người con cháu bình luận về anh hùng đương thời. Chính vì thế, kẻ gian hùng thời loạn thế liền cười to.
Cái gì có thể làm, Tào Tháo tuyệt sẽ không giả vờ mà chùn bước.
Cái gì không nên làm, y cũng sẽ gắng sức mà làm.
Thời hậu thế, người ta thường bảo Tào Tháo là gian hùng. Nhưng Tào Bằng lại nghĩ Tào Tháo không phải là kẻ gian. Chí ít, cả đời Tào Tháo có quyền khuynh đảo cả vua và dân, nhưng từ đầu đến cuối chưa từng cướp lấy Hán thất. Trong sử sách có ghi lại rằng, bình sinh tâm nguyện của Tào Tháo vốn chỉ có là sau khi chết, được ghi trên bia mộ mấy chữ "Cố chinh tây tướng quân Tào Hầu". Chính vì thế, Tào Bằng vẫn cho rằng, Tào Tháo đúng là anh hùng thực sự.
Có lẽ nói là chân nhân chăng?
Tào Bằng tuy có nịnh nọt thật, nhưng là từ đáy lòng hắn.
Đồng thời, hắn cũng không nghĩ đến chuyện nói ra tên Lưu Bị hay các lộ chư hầu khác.
Tào Tháo cười rồi, mới hứng thú nhìn Tào Bằng:
-Sao Hữu Học không nói đến người khác?
-Người nào có thể đây? Người nào xứng được với hai chữ "anh hùng"?
Tào Tháo xoay người lại, ngồi xuống:
-Viên Thuật ở Hoài Nam thì sao?
-Chỉ là bộ xương khô mà thôi.
-Vậy Viên Thiệu ở Hà Bắc có tứ thế tam công, môn đa cố lại, hùng cứ Ký Châu, bộ hạ cũng có mấy người tài giỏi. Vì sao lại không xứng với hai chữ "anh hùng"?
Tào Bằng nói:
-Viên Bản Sơ gan bé, hay do dự, chỉ có mưu gian, không quyết đoán. Lo việc đại sự mà chỉ biết đến thân, thấy lợi mà mất mạng. Ta từng nghe gia huynh nói Viên Bản Sơ sớm muộn gì cũng bị chủ công phá. Người như vậy nếu gọi là anh hùng chẳng phải làm bẩn hai chữ anh hùng sao? Không xứng, không xứng.
Tào Tháo trầm tư.
Thật ra, Tào Tháo thấy những gì Tào Bằng nói cũng không phải không có lý.
Viên Thiệu hiện nay đã bình định được Công Tôn Toản, sớm muộn gì cũng đánh một trận với Tào Tháo. Tình thế đã không thể xoay chuyển nữa.
Gã hùng cứ Ký Châu, thuế ruộng lại mạnh, chiến tướng dưới trướng có quá nghìn, mưu sĩ nhiều như mây. Nói thật ra, cho dù là hiện tại, Tào Tháo vẫn có chút e ngại.
Dù sao Viên Thiệu không phải là người Viên Thuật có thể sánh bằng.
Tào Bằng nói một hồi đã chạm đúng mối suy tư trong lòng Tào Tháo.
Cũng khiến cho quyết tâm đánh một trận với Viên Thiệu của Tào Tháo tăng lên.
Tào Chân chợt hỏi:
-Lưu Cảnh Thăng ở Kinh Châu là một trong bát tuấn, uy chấn cả cửu châu thì sao?
Tào Bằng gãi gãi đầu, cười nhạt:
-Lưu Cảnh Thăng chỉ là chó trông nhà, không đáng nói đến. Nếu hắn vong mạng, tất thúc phụ sẽ có được Kinh Châu.
Tào Tháo ngẩn ra, bỗng dưng cười phá lên.
-Chỉ là chó trông nhà…A Phúc, nếu Lưu Cảnh Thăng mà nghe ngươi nói thế chắc chắn sẽ nổi trận lôi đình. Không biết chừng hắn còn tìm ngươi gây chuyện đấy.
Tào Bằng cũng cười:
-Tốt, cứ để hắn tới đi.
-Ách.
Tào Tháo cười khanh khách.
Nếu đã là chó trông nhà thì làm sao có thể rời khỏi nhà đây? Nếu Lưu Cảnh Thăng đã có lá gan này thì hà tất hôm nay còn phải co đầu rút cổ ở Kinh Tương? Phải biết rằng khi xưa lúc thảo phạt Đổng Trác, Lưu Biểu đã đứng vững vàng ở Kinh Châu. Lúc đó, Tào Tháo thậm chí còn chưa có một chỗ dung thân. Thế còn hiện tại thì sao? Tào Tháo hùng bá Duyện châu và Dự châu, trấn thủ Quan Trung, bình định Từ Châu, chiếm cứ hơn phân nửa Thanh Châu. Lưu Biểu vẫn chỉ như trước, giữ độc Kinh Châu mà thôi.
Chó giữ nhà quả là hình ảnh xác đáng a!
Gương mặt Tào Tháo lộ vẻ châm biếm.
Tào Chân nghĩ một chút, chợt hỏi:
-Còn một người huyết khí cường thịnh, đứng đầu Giang Đông, Tôn Sách thì sao?
Tào Bằng vuốt chóp mũi:
-Tôn Bá Phù dũng mãnh, có ba quân nhưng cương quá lại dễ phá, tất chết không tử tế được. Là một hào kiệt nhưng không phải là anh hùng.
-Vậy thế nào mới là anh hùng?
-Người là anh hùng phải có ý chí lớn, có cơ mưu, phải đoán được thiên cơ ẩn chứa trong vũ trụ, có thể nhập vào xuất ra khí thế của đất trời này. Ta xem đương thời ngoài tư không ra không có người thứ hai.
Nghe được câu nói này, Tào Tháo vốn cần phải thoải mái.
Thế nhưng y lại không tươi cười, mà trầm mặc không nói gì. Lúc này, mưa to rất to, sấm chợt nổ rền vang. Một tia sét chợt xé tan trời cao, chiếu cả khu vườn sáng nhòa…
-Lưu Huyền Đức thì thế nào?
-A?
Tào Tháo ngẩng đầu, nhẹ giọng nói:
-A Phúc, ngươi cho Lưu Bị có thể là anh hùng không?
Tào Bằng không khỏi trầm mặc!
-Lưu Bị như con chó chết chủ, chỉ cần một nhúm tinh binh là có thể tiêu diệt được. Phụ thân, cần gì phải canh cánh suy nghĩ về Lưu Bị như vậy?
Tào Phi mở miệng nói, thế nhưng Tào Tháo không hề để ý tới.
Một lúc lâu sau, Tào Bằng nhẹ giọng nói:
-Nếu không giết Lưu Bị, người này tất thành đại họa.
-Ngươi nói thử xem.
-Mặc dù hiện hắn như con chó chết chủ, nhưng ý chí vẫn còn. Mặc dù trăm trận trăm bại nhưng không hề nản lòng, đủ biết bản tính cứng cỏi. Khi ta còn nhỏ, vị phương sĩ dạy chữ cho ta từng nói: Kim lân khởi thị trì trung vật, nhất ngộ phong vân tiện hóa long (Cá vàng là vật trong hồ, gặp được phong vân ắt hóa rồng). Lưu Bị hôm nay nhìn thì tưởng phù du trong hồ, nhìn thì yếu, thật ra không phải. Nếu gặp được phong vân, rất có thể gã sẽ hóa rồng mà bay lên. Tốt nhất trước khi gã gặp được phong vân, thúc phụ nên diệt trừ đi.
-Cá vàng là vật trong hồ, gặp được phong vân ắt hóa rồng!
Tào Tháo đứng dậy, chắp tay tựa vào lan can.
Truyện khác cùng thể loại
1033 chương
52 chương
75 chương
466 chương
408 chương