Tam Sinh Tam Thế - Thập Lý Đào Hoa
Chương 21
Ngày mười lăm tháng tám chơi Tết trung thu, rượu hoa quế trong cung Quảng Hàn cất từ năm ngoái đã xuống men, Thường Nga lệnh cho Ngô Cương ngoài lúc chặt cây ra thì chọn ra mấy vò rượu, tặng mỗi cung thất một vò. Ta đem bình rượu ấm được tặng cho Tẩy Ngô cung, cùng Dạ Hoa uống cạn hai chén, coi như là tiễn biệt chàng xuống hạ giới. Vốn dĩ ta muốn ở bên cạnh chàng, chàng không chịu, bắt ta phải về Thanh Khâu chờ chàng.
Dạ Hoa không cho ta theo chàng, có lẽ sợ rằng khi ở trần gian, ta sẽ bảo vệ chàng mọi lúc mọi nơi, phá giới mà làm phép, sẽ bị phản phệ lại bản thân. Nhưng ta cảm thấy có thể để chàng chịu ít gian khổ, giày vò nhất, thì bị chính pháp thuật của mình phản phệ một đôi lần cũng chẳng sao, nên tính sẽ giả vờ về Thanh Khâu trước, để chàng an tâm, đợi sau khi chàng uống nước Vong Xuyên, đầu thai chuyển thế, rồi ta lại mặt dày đi tìm chàng.
Yêu một người là như thế đó, lúc nào cũng muốn người mình yêu được sống tốt, người mình yêu được sống tốt, thì bản thân cũng vui vẻ. Đây chính là điều kỳ diệu của tình yêu, cho dù chịu tội, chịu khổ, nếu như trong lòng đã có hình bóng một người, thì nỗi khổ sánh ngang trời đấy cũng chỉ là sự giày vò ngọt ngào mà thôi.
Ti Mệnh Tinh Quân lại chỉ cho ta nơi Dạ Hoa đầu thai.
Kiếp này của Dạ Hoa được đầu thai vào một nhà danh gia vọng tộc, đời đời đèn sách ở Giang Nam, thúc bá tổ phụ đều là làm quan cả.
Ti Mệnh vui vẻ hào hứng, tặc lưỡi than, nói xét theo kinh nghiệm nhiều năm viết số mệnh của hắn, đứa con sinh ra trong gia đình này hẳn sẽ nối nghiệp tổ tiên, nhờ ngòi bút có thể hô mưa gọi gió, khuynh đảo thiên hạ, mà xưa nay Dạ Hoa lại rất giỏi văn chương, được đầu sinh thế này vô cùng phù hợp.
Nhưng ta biết rằng phàm các thế gia đại tộc chốn phàm trần trọng nhất là thể thống, dạy dỗ con cháu cực kỳ nghiêm khắc, rất tẻ nhạt. Con cháu họ cũng rất nghiêm khắc, rất tẻ nhạt, không hề hoạt bát đáng yêu giống những đứa trẻ bình thường trong dân gian. Dạ Hoa vốn đã không hoạt bát cho lắm, ta không chỉ mong khi đầu thai chàng có thể hoạt bát hơn, mà còn lo rằng chàng sẽ cô đơn quạnh quẽ suốt thời niên thiếu trong gia đình danh gia này.
Gia tộc Dạ Hoa đầu thai là họ Liễu, đại thiếu gia phu nhân nhà họ hạ sinh chàng là cháu trưởng, đặt tên Liễu Ánh, tự là Chiếu Ca. Ta không thích cái tên này cho lắm, cảm thấy hơi văn vẻ, không hề phù hợp với một Dạ Hoa anh tuấn dũng mãnh chút nào.
Ta trở về Thanh Khâu thu dọn lấy năm bộ xiêm y, gói vào tay nải, rồi lại rót trà mát, nhấp cho ngọt họng, rồi tức tốc chạy đến rừng đào mười dặm của Chiết Nhan, muốn mặt dày đi xin lão ít đan dược.
Nhưng đi đến nửa đường thì nhìn thấy Chiết Nhan đang cưỡi mây bay tới, phía sau còn có tứ ca cưỡi Tất Phương.
Họ dừng lại trước mặt ta.
Hai mắt tứ ca sáng lấp lánh, nói: “Tiểu Ngũ, có lẽ hôm nay muội đã thỏa ước nguyện bao năm. Bọn ta vừa từ Tây Hải trở về, cả đêm qua Điệp Ung vật vã, sáng nay Chiết Nhan dùng truy hồn thuật đi vào hồn y, lại phát hiện hồn Mặc Uyên không còn ở trong nguyên thần của Điệp Ung. Bọn ta định đến động Viêm Hoa xem xem, Mặc Uyên đã ngủ suốt bảy vạn năm, hẳn đã chọn ngày lành là hôm nay để tỉnh dậy”.
Ta thẫn thờ, mãi sau mới sực tỉnh. Lúc tĩnh trí thì thấy cánh tay mình đang lay lay tứ ca, miệng lắp bắp: “Sư, sư phụ tỉnh rồi ư? Người đã tỉnh rồi ư?”.
Tứ ca gật đầu, lại nhíu mày nhắc: “Tay nải của muội rơi khỏi mây rồi kìa”.
Ta biết rằng chưa đầy ba tháng Mặc Uyên sẽ có thể tỉnh lại, bấm ngón tay tính, hôm nay cách ngày Điệp Ung uống viên đan dược đó còn chưa đầy hai tháng, thời gian ngắn như vậy mà người đã có thể tỉnh lại. Người tỉnh lại thật rồi sao?
Bảy vạn năm, trong bốn bể, giữa gầm trời, ta trốn tránh ở Thanh Khâu, tuy rằng không phải trải qua cảnh sinh linh lầm than trời đất đảo điên, nhưng cũng tận mắt chứng kiến đầm Thanh Khâu hạn hán chín trăm chín mươi chín lần, chứng kiến phủ nhà Chúc Âm trên núi Gia Hầu cứ trăm năm lại nhích qua bên động Hồ Ly của cha mẹ ta một trượng. Bảy vạn năm, nửa cuộc đời của ta. Ta dùng nửa đời mình để làm một việc duy nhất đó là ngóng trông sư phụ tỉnh lại. Hôm nay, cuối cùng người đã tỉnh lại rồi.
Chiết Nhan đứng bên cạnh cúi đầu thở dài: “Cũng không uổng công tiểu tử Dạ Hoa trút toàn bộ tu vi”.
Khóe mắt ta cay xè, ta gật gật đầu.
Tứ ca cười nói: “Chuyện của Dạ Hoa huynh đã nghe Chiết Nhan nói, hắn cũng thực si tình. Nhưng số muội cũng không may, vừa mới trả hết nợ Mặc Uyên, thì lại nợ Dạ Hoa, Mặc Uyên muội còn có thể trả người máu tim mình suốt bảy vạn năm, vậy tu vi bốn vạn năm của Dạ Hoa, muội định thế nào?”.
Ta xòe quạt che đôi mắt đang đỏ hoe, cay xè của mình, đáp: “Muội và Dạ Hoa cuối cùng vẫn sẽ kết thành vợ chồng, muội nghĩ rằng vợ chồng yêu thương lẫn nhau, ai nợ ai, thì không cần tính toán”.
Chiết Nhan đứng trên mây cười, nói: “Lúc này ngươi đã ngộ thấu suốt rồi”.
Tất Phương khẽ nói lời chúc mừng, ta cũng cảm ơn hắn một tiếng.
Chiết Nhan và tứ ca đi trước, ta chuyển mây theo sau. Việc của Dạ Hoa tạm hoãn lại, khi ta mới đến núi Côn Luân bái sư học nghệ, cư xử chẳng ra gì, hiếm khi thể hiện đạo hiếu của đệ tử với Mặc Uyên. Sau này hiểu chuyện rồi, lúc biết tận hiếu thì sư phụ đã nằm trong động Viêm Hoa.
Bây giờ Mặc Uyên đã tỉnh, đã cố nén niềm vui trong lòng, muốn ngay lập tức để sư phụ trông thấy, đệ tử nhỏ nhất đã trưởng thành rồi, lớn khôn rồi, biết thương yêu người khác rồi.
Tiểu Thập Thất đã sống rất vui vẻ.
Vì khi làm đệ tử của Mặc Uyên ta là một đệ tử nam, đang định biến lại thành bộ dạng của Tư Âm năm xưa, thì bị Chiết Nhan giơ tay cản lại, nói: “Với tu vi của Mặc Uyên, đã sớm nhận ra ngươi là nữ nhi, chỉ có điều muốn giữ thể diện cho cha mẹ ngươi nên mới không vạch trần, ngươi còn tưởng mình che mắt hắn được suốt hai vạn năm sao?”.
Ta gấp lại chiếc quạt, giả bộ cười cười: “Nói rất phải, pháp thuật của mẹ ta chỉ che được mắt mười sáu sư huynh, còn ta luôn hoài nghi rằng có thể che mắt sư phụ thì cũng hơi hoang đường”.
Ba người chúng ta men theo lưng chừng núi Phong Di, ta xuống mây trước tiên, nguyệt quế giữa núi tỏa hương thơm thanh mát thoang thoảng.
Len giữa hơi thu trong mát của tháng tám, ta đi thẳng một mạch đến động Viêm Hoa.
Giữa mây mù sương khói chờn vờn, cuối động, chính là chiếc giường băng mà Mặc Uyên đã ngủ bao năm.
Trong thời khắc quan trọng này, mắt ta lại hơi hoa lên, ta lấy tay dụi mắt một cái, nước hoen đầy tay.
Trên giường băng thấp thoáng một bóng người đang ngồi.
Ta tiến lên mấy bước.
Người ngồi trên giường băng đó, chính là, chính là sư phụ Mặc Uyên ngủ say bao năm của ta.
Người nghiêng đầu nhìn mấy đóa hoa dại cắm trong chiếc bình bên cạnh. Tư thế, thần thái đó, không hề khác biệt so với bảy vạn năm trước, khiến ta chực rơi lệ.
Bảy vạn năm trước, sư huynh đệ chúng ta luân phiên quét dọn phòng của Mặc Uyên, ta có thói quen cắm ít hoa theo mùa trong bình đặt trong phòng. Ngày ngày Mặc Uyên đều ngắm nghía, rồi cười khen ta như vậy.
Khi ấy, mỗi ngày nhận được nụ cười khen ngợi của người đối với ta, ta đều cảm thấy tự hào.
Ta làm người kinh động, người quay đầu lại, giơ tay chống má, mỉm cười nói: “Tiểu Thập Thất? Quả nhiên là Tiểu Thập Thất. Lại đây sư phụ xem xem, dạo này ngươi tiến bộ ra sao?”.
Ta bấm móng tay vào cổ tay, vừa thở gấp, trống ngực vừa đập thình thình trong lồng ngực, hai mắt ướt nhòe, run run bước tới, hắng giọng gọi một tiếng sư phụ, biết bao cảm xúc đan xen dâng trào, vừa thương cảm vừa vui mừng.
Người giơ tay đỡ ta, nói: “Sao lại sắp khóc thế này, à, bộ váy này đẹp lắm”.
Chiết Nhan rẽ đám mây mù bước tới, theo sau là tứ ca, cười nói: “Ngươi ngủ suốt bảy vạn năm, giờ đã tỉnh rồi”.
Trong động Viêm Hoa rất lạnh, ta hắt hơi mấy cái liền bị tứ ca kéo ra khỏi động. Chiết Chan và Mặc Uyên người trước kẻ sau ra khỏi động.
Năm xưa khi trên Côn Luân, mười sáu sư huynh phía trên ta, ngoài cửu sư huynh Lệnh Vũ là do Mặc Uyên nhặt về, mười lăm sư huynh còn lại đều là con cháu Thiên tộc. Bảy vạn năm trước, sau khi Mặc Uyên mất tích, nghe nói các sư huynh đã tìm ta mấy ngàn năm mà không có kết quả. Sau này từng người từng người bị gia đình gọi về, mỗi người thực hiện một sứ mệnh riêng.
Tứ ca từng âm thầm đến Côn Luân thăm dò một chuyến, sau đó ngậm ngùi nói, Côn Luân đông đúc ngày nào, giờ đây chỉ còn lại một mình Lệnh Vũ và vài tiểu đồng trông giữ, đáng buồn lắm thay.
Ta không biết nếu như Mặc Uyên hỏi ta về Côn Luân, ta sẽ phải trả lời ra sao.
Dọc đường đi về động Hồ Ly ta cứ thắc thỏm bồn chồn không nguôi.
Không ngờ chuyến đầu tiên người đi lại không phải là Côn Luân.
Người ngồi trong động Hồ Ly, Mê Cốc pha một ấm trà bưng lên, ta rót cho mỗi người một tách, nhân lúc ta rót trà, người hỏi Chiết Nhan: “Những năm tay ngủ say, ngươi có gặp một đứa trẻ, có dáng vẻ giống ta không?”.
Bình trà trong tay ta chao đảo, sơ ý rót quá nửa bình lên đầu gối tứ ca.
Tứ ca cắn răng cười với ta một cái, rồi âm thầm gạt nước trên đầu gối đi.
Bao nhiêu năm trong bốn bể tám cõi, ta chỉ gặp một người duy nhất giống hệt Mặc Uyên, ngươi đó chính là phu quân tương lai của ta – Dạ Hoa.
Dạ Hoa có khuôn mặt giống hệt Mặc Uyên, lúc đầu tuy ta có hơi lạ lùng, nhưng cũng chưa bao giờ nghĩ rằng bọn họ có quan hệ gì.
Ta cảm thấy có lẽ đàn ông hoàn mỹ đều có dáng vẻ như vậy, Dạ Hoa rất hoàn mỹ, đương nhiên sẽ có dáng dấp như vậy.
Nhưng nghe Mặc Uyên nói, hai người bọn họ không chỉ có quan hệ, mà lại còn có quan hệ rất mật thiết.
Ta dỏng hai tai lên lắng nghe, Chiết Nhan cười ha ha, mắt liếc ta một cái, nói: “Đương nhiên có một người như thế, tiểu đồ đệ của ngươi còn rất thân với hắn là đằng khác”.
Mặc Uyên nhìn qua phía ta, mặt ta liền đỏ bừng lên. Tình huống này hơi giống với một thiếu nữ tự đính ước với tình lang, chẳng may bị một em gái “môi mỏng” tố giác chuyện trăng gió với cha mẹ, cho nên ta cũng cảm thấy hơi ngượng ngùng.
Chiết Nhan lại liếc mắt nhìn ta ba, bốn lượt đầy ẩn ý. Ta cũng lườm lại lão, đành cố ra vẻ thong thả, nói: “Người mà sư phụ nói tới, hì hì, chính là phu quân tương lai của đồ đệ, hì hì, chính là thái tử bây giờ của Thiên tộc, hì hì hì…”.
Bàn tay cầm tách trà của Mặc Uyên khẽ khựng lại, cúi đầu hắng giọng, lát sau, người mới bình thản nói: “Mắt chọn nương tử của người này, haizz”. Ngẩng đầu lên, người lại hỏi: “Phu quân chưa cưới của ngươi tên gì? Sinh năm nào?”.
Ta thành thực bẩm báo.
Người bấm ngón tay nhẩm tính, lại bình thản nhấp ngụm trà: “Tiểu Thập Thất, đệ đệ song sinh với ta, đã bị ngươi bắt rồi”.
Ta choáng váng: “A?”.
Không chỉ ta mà cả Chiết Nhan và tứ ca cũng đều trợn mắt há mồm, bộ dạng như bị sét đánh trúng vậy.
Mặc Uyên xoay xoay chén trà, nói: “Chẳng trách các ngươi kinh ngạc, đến ta cũng chỉ được biết khi phụ thân lâm chung, năm xưa mẫu thân tuy chỉ sinh ra mình ta, nhưng ta vẫn còn có một đệ đệ song sinh”.
Mặc Uyên nói, chuyện này phải kể từ khi Mẫu thần hoài thai hai huynh đệ.
Nghe nói năm đó, tứ cực đổ, cửu châu lở. Mẫu Thần vì vá bốn cột chống trời, nên đã bị động thai, khi sinh chỉ có thể giữ được đứa lớn, không thể giữ đứa nhỏ, Phụ Thần cảm thấy có lỗi với con trai nhỏ, đành cố lưu lại hồn phách đáng nhẽ đã tiêu tan vào vũ trụ của nó, nuôi trong nguyên thần mình của mình, muốn xem xem có thiên số và cơ duyên, để có thể tạo một tiên thai cho đứa con trai nhỏ, để nó có thể sống lại. Phụ Thần đã dành một nửa pháp lực để tạo ra một tiên thai, nhưng dù làm cách nào vẫn không thể gọi hồn phách của đứa con nhỏ tỉnh lại được. Phụ Thần bèn biến tiên thai đó thành một quả trứng chim vàng sáng lấp lánh, giấu trong núi sau núi Côn Luân, định đợi hồn phách đứa con trai nhỏ tỉnh lại sẽ dùng.
Nhưng thiên mệnh như thế, chẳng đợi được hồn phách đứa con trai nhỏ tỉnh lại, Mẫu Thần Phụ Thần đã cùng nhau về nơi hỗn độn.
Trước khi lâm chung, Phụ Thần có kể chuyện này cho Mặc Uyên nghe, rồi tách hồn phách của đứa con trai nhỏ trong nguyên thần ra, gửi gắm cho Mặc Uyên. Mặc Uyên nhận hồn phách của đệ đệ mình, cũng như Phụ Thần, đem nuôi dưỡng trong nguyên thần của mình. Bãi bể biến nương dâu bao bận, người em song sinh được nuôi trong nguyên thần của Mặc Uyên vẫn chưa hề tỉnh lại.
Mặc Uyên nói: “Có lẽ khi ta dùng nguyên thần tế chuông Đông Hoàng, nó đã tỉnh lại. Bây giờ ta mới có thể trở lại, hẳn lúc ta hồn tan phách tan, nó đã tốn công thu nhặt từng mảnh hồn phách tan tác của ta lại. Ta còn láng máng nhớ, có một đứa trẻ ngồi bên cạnh cơ thể ta vá từng mảnh hồn của ta, vá suốt bảy, tám nghìn năm, vá được một nửa thì bị một đạo kim quang chiếu rọi vào trong động phủ của ta cuốn mất đi. Sau khi nó đi, ta đã có thể tự mình vá hồn, nhưng rất khó khăn, tốc độ cũng hết sức chậm chạp. Giờ nghe các ngươi kể, nó đã là thái tử của Thiên tộc, có lẽ khi ấy vị phu nhân nào đó trên trời dạo chơi Côn Luân, nuốt phải quả trứng mà Phụ Thần chôn năm nào, tiên thai đã cắm rễ trong bụng vị phu nhân đó, mới cuốn nó đi”.
Chiết Nhan cười ha ha, nói: “Chẳng trách ta nghe nói, khi Dạ Hoa chào đời, có bảy mươi hai con chim ngũ sắc bắc cầu suốt tám mươi mốt ngày, ráng đỏ phương đông chiếu rạng suốt ba năm, hóa ra hắn là đệ đệ song sinh của ngươi”.
Khi nãy nghe được tin này ta đã choáng váng sững sờ, thật không ngờ có một ngày lại có thể với cao có quan hệ thân thiết như thế với Mặc Uyên. Bây giờ nghe người kể ngọn nguồn, sau khi bàng hoàng, ta lại cảm thấy cực kỳ trấn tĩnh, thậm chí cảm thấy dáng vẻ của Dạ Hoa như vậy, quả đúng là đệ đệ song sinh của Mặc Uyên.
Trong sử sách trên Cửu Trùng Thiên rõ ràng còn ghi chép, Phụ Thần chỉ có một con trai là Mặc Uyên. Có thể thấy các thần quan chép sử này đều là không đáng tin, tin vào sử sách đó, thì chẳng thà tin vào những câu chuyện mà Ti Mệnh nhàn rỗi thêu dệt nên còn hơn.
Mặc Uyên muốn đi thăm Dạ Hoa, nhưng người vừa mới tỉnh lại, muốn khôi phục như ngày xưa còn phải đóng cửa tu luyện mấy năm. Ta lo lắng cơ thể người chưa được linh hoạt, nếu cứ khăng khăng đi xuống trần gian thì e rằng sẽ bất lợi cho việc tu luyện, nên đành kiếm một cái cớ để lấp liếm, hẹn rằng khi nào người tu luyện xong, sẽ dẫn Dạ Hoa đến gặp người.
Động Viêm Hoa tuy rằng linh khí hội tụ, nhưng quá lạnh lẽo, không thích hợp để Mặc Uyên tu luyện. Người một lòng muốn về động phủ sau núi Côn Luân đóng cửa tu luyện như năm nào, tuy ta không muốn để người thấy cảnh tiêu điều của Côn Luân ngày nay mà đau lòng, nhưng giấy sao gói được lửa, cuối cùng thì người vẫn phải đau lòng mà thôi. Nghĩ rằng đau muộn chẳng bằng đau sớm, sau hai tuần trà, ta cùng Mặc Uyên trở về Côn Luân. Chiết Nhan và tứ ca nhàn tản rỗi rãi, cũng đi theo, còn Tất Phương cũng đi theo nốt.
Năm người chúng ta cưỡi ba đám mây bay về Côn Luân, tứ ca từng nói Côn Luân giờ đây tiêu điều hiu quạnh vô cùng.
Ta cũng thở dài một tiếng.
Từ cửa núi đi xuống có rất nhiều tiển thần tiên, hoặc đứng hoặc quỳ hoặc ngồi, khí xanh khí tím trộn lại, mây mù bốc lên lưng chừng núi, tiên khí cuồn cuộn dâng cao, ai cũng có thể nhận ra đây là một ngọn núi tiên.
Trong hai vạn năm ta học nghệ ở đây, Côn Luân luôn vắng vẻ, chỉ không quá bảy vạn năm, sao lại nhộn nhịp thế này?
Tất Phương chở tứ ca, co móng vuốt đậu xuống, rồi lại khều một tiểu thần tiên trông có vẻ thực thà hỏi thăm.
Tiểu thần tiên chớp chớp mắt, trả lời: “Ta cũng không biết, ta đi công chuyện ngang đây, nghe nói có một đạo long khí quấn quanh vách núi đã ba bốn ngày, rất nhiều tiên hữu đều đến đây xem, ta cũng tiện đường đến xem. Chuyến này quả không uổng công, long khí này, chậc chậc chậc, không phải long khí bình thường, tuyệt đẹp, ta ngồi đây ngắm đã hai ngày rồi. Ngươi thả con chim này đi bắt sâu, lát nữa chúng ta cùng xem, đảm bảo khiến ngươi đã mắt, bên ta còn một chỗ, đây, chúng ta ngồi đây xem…”.
Tứ ca cảm ơn rồi từ chối ý tốt của tiểu thần tiên đó, im lặng quay về, hắng giọng nói: “Không có gì, bọn họ ngưỡng mộ phong thái của Côn Luân, nên đến chiêm bái”.
Chiết Nhan rũ rũ tay áo, ho một tiếng, nụ cười phảng phất, nói với Mặc Uyên: “Côn Luân vốn là một tòa núi tiên mọc ra từ long cốt(42). Có lẽ nó cảm nhận được ngươi sắp quay về, nên phấn chấn tới mức xuất ra long khí để đón tiếp, thế nên đã thu hút được một số tiểu tiên thiếu hiểu biết xung quanh”.
Mặc Uyên nhếch môi cười.
Để tránh quấy rầy đám tiểu thần tiên ở lưng chừng núi, năm người chúng ta đều ẩn thân đi vào trong. Nhờ cửu sư huynh giữ nguyên nếp cũ, phép khóa ở cửa núi vẫn như xưa, không hề sửa đổi.
Ta ngỡ rằng hôm nay sẽ chỉ có thể gặp mỗi Lệnh Vũ, nào ngờ vừa bước vào, cảnh tượng trước mặt làm ta giật nảy cả mình. Mười sáu sư huynh của ta, đều mặc đạo bào như khi còn làm đệ tử của Côn Luân, tóc búi kiểu đạo sĩ, đứng thành hai hàng bên cạnh con đường đá.
Cây trong viện vẫn là cây Bà La Song mà mấy vị Phật Đà từ Tây Thiên đến uống trà mang tới. Mười sáu sư huynh của ta đứng trang nghiêm dưới bóng Bà La Song, dường như đã đứng đó suốt bảy vạn năm.
Đại sư huynh mắt đỏ hoe trước tiên, quỳ “phịch” một tiếng xuống đất, giọng run run: “Mấy hôm trước Cửu sư đệ đưa tin tới, nói long khí ở Côn Luân bốc lên, có lúc còn có tiếng rồng gầm, không biết là điềm gì, sư huynh đệ chúng con về ngay trong đêm, tuy từng nghĩ là điềm lành sư phụ sẽ quay về nhưng cũng không dám tin. Hôm nay ở trong điện cảm thấy khí trạch của người quẩn quanh bên ngoài, chúng con vội vã chạy ra nhưng vẫn không kịp ra ngoài cửa núi đích thân đón người, sư phụ, người đi đã bảy vạn năm, giờ mới quay về”. Dứt lời, đã khóc không thành tiếng. Khuôn mặt huynh ấy đã không còn là gương mặt thuở niên thiếu, tuổi tác đã cao hơn nhiều, khóc như thế này, thực khiến người ta nghẹn lòng. Mười lăm sư huynh còn lại đều nhất loạt quỳ xuống nức nở. Mười sáu sư huynh đều khóc không thành tiếng.
Mặc Uyên cúi nhìn, nói: “Đã để các con phải chờ lâu rồi, đứng dậy cả đi, vào trong nhà rồi nói”.
Câu chuyện bắt đầu là các sư huynh khóc lóc một trận, khóc xong bèn kể năm đó không cẩn thận đã để lạc mất Tư Âm Thần Quân, tức thượng thần bất tài là ta.
Nhắc đến ta, đại sư huynh bi phẫn khôn cùng. Năm đó vốn là ta bỏ thuốc bọn họ, rồi trộm tiên thể của Mặc Uyên rời khỏi Côn Luân ngay trong đêm. Sai lầm này của ta huynh ấy quyết không nhắc tới, chỉ luôn miệng nói đã không chăm sóc ta, để lạc ta, là lỗi của huynh ấy. Mấy năm nay huynh ấy không ngừng tìm kiếm ta, nhưng bặt vô âm tín, có lẽ ta đã lành ít dữ nhiều. Huynh ấy thân là đại sư huynh mà không làm tròn bổn phận, đến tiểu sư đệ cũng không bảo vệ nổi, xin sư phụ xử phạt thật nặng.
Ta đứng bên cạnh tứ ca, nghe huynh ấy nói như vậy, viền mắt đỏ hoe, vội vàng trình bày: “Ta không phải lành ít dữ nhiều, ta đang đứng sờ sờ trước mặt huynh, chẳng qua ta chỉ thay đổi xiêm y, ta là Tư Âm đây”.
Các sư huynh ngẩn người, đại sư huynh loạng choạng ngã xuống đất, một lúc sau, mới lồm cồm bò dậy ôm lấy ta, lau nước mắt, chua chát nói: “Cửu sư đệ nói trong lòng ai cũng có một giấc mộng đoạn tụ, năm đó nhị hoàng tử Quỷ tộc đến cướp đệ, ta đã đánh cho hắn đứt giấc mộng này, nhưng lại không kịp thời cắt đứt giấc mộng của đệ, Thập Thất đáng thương biết bao, bây giờ đệ đã thành đoạn tụ, còn lại là đoạn tụ thích mặc quần áo con gái…”.
Tứ ca không nhịn được cười sằng sặc.
Ta cố gắng ngăn dòng lệ, đau buồn nói: “Đại sư huynh, khuôn mặt này của ta, huynh xem lại có phải là nam giả nữ không?”.
Thập sư huynh kéo đại sư huynh ra, ngượng ngùng nói: “Trước đây đệ không chịu tắm chung với bọn ta, hóa ra là vì thế, hóa ra Thập Thất đệ lại là con gái”.
Tứ ca ta kéo dài giọng: “Nàng là một nữ nhi xinh đẹp…”.
Ta đá cho huynh ấy một cái.
Đại sư huynh trước đây không như vậy, quả nhiên tuổi cao sẽ dễ dàng trở nên đa sầu đa cảm.
Sau chuyện của ta, là kể đến chuyện các sư huynh trong bảy vạn năm nay đã tự mình gây dựng sự nghiệp hiển hách.
Mười sáu sư huynh này của ta, thuở thiếu thời cũng chẳng ra sao, ta theo bọn họ, tuy không trèo cây hái táo, xuống sông bắt cá nữa, nhưng lại học được thói đá gà, đuổi chó, chọi dế, học được thói cưỡi ngựa xem hoa, uống rượu xem cung xuân đồ, chuyện nào cũng thành thạo, giấu sư phụ xuống trần gian làm bậy, còn tự cho mình là phong lưu ngàn năm khó gặp.
Ngày nay ta ra nông nỗi này, không thể không kể đến công lao của mười sáu sư huynh. Nhưng mười sáu sư huynh khiến ta ra nông nỗi này, ai cũng thành tài. Khi ông trời an bài số phận cho chúng ta, hẳn ông ấy đang ngủ gật.
Nhưng cơn ngủ gật của ông trời lại khiến ta rất hởi lòng hởi dạ, hẳn sư phụ người cũng rất hởi lòng hởi dạ.
Sau khi hởi lòng hởi dạ, tai lắng nghe những chiến công hiển hách của các sư huynh, lại nghĩ đến lúc các huynh ấy lập công lao ta đang làm những gì, so sánh với nhau, một cảm giác buồn bã cứ thế dâng trào.
Tứ ca ngồi bên cạnh tay cầm bút ngồi chép lia lịa, thỉnh thoảng còn vỗ tay hô to: “Ly kỳ, thật ly kỳ”. Ngoài cảm xúc buồn bã ra là cảm giác mất mặt, xấu hổ.
Thập sư huynh an ủi ta: “Muội là con gái, con gái thì chẳng cần lập công lao làm gì, đám muội muội của ta cả ngày chỉ nghĩ đến chuyện gả cho một nhà chồng tốt, Thập Thất, muội chỉ cần gả cho một nhà chồng tốt là hạnh phúc rồi”.
Thập lục sư huynh cười hì hì nói: “Thập Thất đã ngần này tuổi, không cần nói đến nhà chồng nữa, e rằng con cũng có mấy đứa rồi. À, đúng rồi, hôm nào cho các sư huynh gặp phu quân của muội đi. Dung mạo, tính cách muội như vậy, không biết được gả cho vị phu quân như thế nào”.
Những lời của huynh ấy từng câu từng chữ giẫm vào vết đau của ta, ta lau mồ hồi trán, ngượng ngập cười khan nói: “Nói hay lắm, nói hay lắm, tháng sau nữa là lễ thành hôn của muội, lúc đó mời các huynh đến uống rượu”.
Mặc Uyên từ nãy tới giờ ngồi bên lắng nghe, khi ta thốt ra hai tiếng “uống rượu”, chén trà trong tay người nghiêng một cái, rớt một nửa ra ngoài, ta vội chạy đến thu dọn. Chiết Nhan ho hai cái.
Cửu sư huynh Lệnh Vũ quản lý Côn Luân đâu ra đó, tứ ca tròn một tháng không về động Hồ Ly, bụi trong phòng huynh ấy cũng tích dày nửa thước. Đã bảy vạn năm ta chưa lên Côn Luân, căn phòng ta ở khi còn làm đệ tử vẫn sạch sẽ tinh tươm. Ta hôi rình mồ hôi, nằm trên giường, rồi lại trở mình một cái.
Người ở phòng bên cạnh là Thập lục sư huynh Tử Lan. Ta nghe thấy huynh ấy gõ gõ lên tường, hỏi: “Thập Thất, muội ngủ chưa?”.
Ta hừ mũi, để tỏ ý chưa ngủ. Nhưng âm thanh này cũng chỉ như muỗi kêu vo ve, có lẽ huynh ấy không nghe thấy, nên lại thưa: “Chưa ngủ”.
Huynh ấy ngưng bặt một lát, rồi âm thanh lại vẳng qua tường: “Bảy vạn năm nay, vì sư phụ, muội đã khổ nhiều rồi”.
Trong ấn tượng của ta, Thập lục sư huynh này rất thích chọc ghẹo ta, làm những việc ngược với ta, ta nói đông, huynh ấy sẽ chỉ tây, ta nói thứ này tốt, huynh ấy sẽ chê thứ đó không đáng một đồng. Bây giờ huynh ấy nói câu này, không khỏi nghi ngờ, rốt cuộc huynh ấy có phải là Thập lục sư huynh không, bèn cao giọng hỏi: “Huynh là Tử Lan à?”. Huynh ấy im lặng một lát, hừ một tiếng: “Bảo sao ngần này tuổi muội vẫn không lấy được chồng”.
Huynh ấy đúng là Tử Lan.
Ta cười ha ha, không thèm so đo với huynh ấy, nằm trên giường trở mình.
Ta sống đến ngần này tuổi, tuy đã trải qua biết bao chuyện phải nuối tiếc, nhưng giờ đây, trên chiếc giường mỏng manh ở núi Côn Luân này, ta lại cảm thấy những chuyện phải nuối tiếc trong quá khứ thực ra không đáng để nuối tiếc. Ánh trăng dìu dịu lọt vào trong phòng, phong cảnh bên ngoài ô cửa sổ kia không có gì đặc biệt cả.
Nhị ca thường dùng lý luận “tri túc thường lạc”(43) để tôi luyện tính cách của ta. Nhưng ta chưa bao giờ biết thế nào là “biết đủ”, cảm thấy “biết đủ” không giống như hay quên có thể vui, ngày tháng trôi qua hồ đồ, điên đảo. Giờ đây ta đã hiểu ra, hay quên chẳng qua chỉ là tự lừa dối bản thân để mong sống yên vui, “biết đủ” lại có thể khiến người ta thực sự thoải mái. Thực sự thoải mái rồi, sự yên vui này mới là sự yên vui vĩnh hằng. Hiểu thấu điều này, trong phút chốc, ta cảm thấy mình quá hạnh phúc, chỉ mong mau mau được nói cho Dạ Hoa nghe. Nhưng có lẽ lúc này Dạ Hoa có nghe cũng không hiểu những gì ta nói. Giây phút này, có lẽ chàng đã tròn một tuổi. Haizz, không biết khi tròn một tuổi chàng trông như thế nào, đôi mắt ấy có lạnh lẽo như hồ nước giống chàng bây giờ hay không? Chiếc mũi ấy có cao giống chàng bây giờ hay không? Haizz, không biết chàng có giống cục bột nhỏ hay không.
Ta đã nghĩ rất nhiều, rồi dần dần chìm vào giấc ngủ.
Không hiểu sao việc Mặc Uyên quay trở lại bị đồn ra ngoài, sáng sớm hôm sau, những loài bay trên trời, bò dưới đất, phàm là có chút linh căn, đều có thể biết được thượng thần cai quản âm nhạc và chiến tranh đã quay về.
Theo như tin đồn thì, Mặc Uyên đầu đội mũ vàng tía, thân mặc áo giáp Huyền Tinh, chân đi giày Tạo Giác, tay cầm kiếm Hiên Viên, trong lòng còn ôm một tiểu nương tử yểu điệu thướt tha, vào giờ Mùi ba khắc ngày mười sáu tháng tám, người uy phong lẫm liệt đậu xuống núi Côn Luân. Lúc Mặc Uyên đậu xuống núi Côn Luân, dãy núi dài men theo Côn Luân đều rúng động ba lần, chim muông muôn thú đều ngửa cổ lên trời kêu dài, cá, rồng dưới nước đều nổi lên vui mừng kinh ngạc rơi lệ.
Tin đồn này quá phi lý, mười bảy sư huynh đệ chúng ta nghe thấy mà chực khóc ròng.
Mũ vàng tía, giáp Huyền Tinh, hài Tạo Giác, kiếm Hiên Viên thì đúng là trang phục xưa nay khi Mặc Uyên xuất chinh, bảy vạn năm nay vẫn luôn đặt ở chính điện ở Côn Luân, để cho các đệ tử chúng ta chiêm ngưỡng. Còn tiểu nương tử yểu điệu thướt tha, ta và tứ ca suy nghĩ rất lâu, mới hiểu ra có lẽ là chỉ thượng thần bất tài là ta.
Những tin đồn quái ác này ai ai cũng biết, cho nên họ đều lũ lượt hết tốp này đến tốp khác đến bái kiến.
Mặc Uyên định ngày thứ hai sau khi về Côn Luân sẽ đóng cửa tu luyện, nhưng vì vậy nên phải dời lại mấy ngày.
Đám tiểu thần tiên đến bái kiến không có gì đặc biệt, có người được đại sư huynh, nhị sư huynh dẫn đến trước mặt Mặc Uyên nói một, đôi câu; có người chỉ ngồi ở tiền sảnh uống trà, nghỉ ngơi rồi ra về. Chỉ có người thanh niên đến vào trưa ngày thứ ba mới có chút bất thường.
Người thanh niên này toàn thân vận áo bào trắng, thanh tú tao nhã, nét mặt cũng hết sức hiền hậu. Lúc Mặc Uyên gặp y, nét mặt lạnh lùng cũng hơi sững lại. Người thanh niên vận bào trắng cẩn thận quan sát Mặc Uyên, nhưng không hành lễ, chỉ nhíu mày, nói: “Đã lâu không gặp thượng thần, tinh thần thượng thần vẫn như xưa. Trọng Doãn lần này đến Côn Luân, chỉ vì đêm qua tỷ tỷ báo mộng cho ta, nhờ ta gửi một câu đến thượng thần, tỷ tỷ ta”, y cười cười, nói, “tỷ ấy nói tỷ ấy chỉ có một mình, cô đơn biết bao”.
Ta vẫy một tiểu đồng hầu hạ bên Thập sư huynh lại, sai nó đi rót thêm trà cho Trọng Doãn áo trắng kia.
Mặc Uyên không nói gì, chỉ chống má lạnh nhạt dựa vào tay vịn của ghế ngồi.
Chiết Nhan liếc Mặc Uyên một cái, rồi lại cười hòa nhã với Trọng Doãn: “Tiểu đệ Trọng Doãn, phải chăng ngươi đang nói đùa, tỷ tỷ ngươi đã tan thành tro bụi mười mấy vạn năm rồi, sao có thể báo mộng cho ngươi được?”.
Trọng Doãn cũng nhã nhặn nheo mắt đáp lời: “Thượng thần Chiết Nhan quả thực đã trách nhầm Trọng Doãn rồi, Trọng Doãn đúng là tới để chuyển lời của tỷ tỷ, không hề có ý gì khác. Ta cũng chẳng muốn nhọc sức, chỉ là trong giấc mộng tỷ tỷ quá đáng thương, không đành lòng nên hôm nay mới phải lên Côn Luân. Thượng thần Chiết Nhan nói tỷ tỷ của Trọng Doãn đã tan thành tro bụi, nên không thể báo mộng cho Trọng Doãn. Nhưng thượng thần Mặc Uyên chẳng phải khi xưa cũng nói là tan thành tro bụi, đến giờ lại có thể quay về, tỷ tỷ ta tuy tan thành tro bụi, nhưng hồn chẳng biết ở tận nơi đâu, báo mộng cho ta, thì có gì là không thể chứ?”.
Dứt lời y cúi người hành lễ, rồi đi ra khỏi chính điện.
Đến khi Trọng Doãn ra khỏi chính điện, Chiết Nhan mới đọc một câu kinh Phật.
Mặc Uyên không nói câu gì từ khi ngồi xuống, giờ đi về phía hậu viện. Ta nhấc chân lên định chạy theo xem xem, liền bị Chiết Nhan chặn lại.
Nhị sư huynh trưng bộ mặt khổ sở sán lại: “Sư phụ đi như thế, nếu có tiên hữu tới thăm hỏi, thì phải làm thế nào?”.
Chiết Nhan buồn rầu ngẩng lên nhìn trời cao, nói: “Dẫn họ đến tiền sảnh uống trà đi, uống đủ rồi thì tiễn về. À, mà trà còn đủ dùng không?”.
Ta nhẩm tính, gật đầu, nói: “Còn đủ, còn đủ”.
Ta luôn cảm thấy sư phụ ta Mặc Uyên, là một người rất có lai lịch. Tất cả đều có trước có sau, sư phụ quả nhiên là người có lai lịch. Nhưng nghe lời lẽ của Trọng Doãn áo trắng kia, thì dường như là một lai lịch đầy mưa máu gió tanh. Ta hơi lo lắng. Thân làm đệ tử nên tận hiếu, ta định bụng khi chiêu đãi xong đám tiểu thần tiên ở tiền sảnh sẽ đến phòng của Mặc Uyên để an ủi người.
Đêm đến, khi ta đẩy cửa phòng của Mặc Uyên, người đang ngồi trầm tư trước cây cổ cầm, ánh đèn vàng vọt hắt lên khuôn mặt, lộ rõ thần sắc đau thương của người. Ta đứng trước cửa sững sờ, ánh mắt người đang nhìn cây cổ cầm dần dần ngước lên, cười nhạt nói: “Đứng ở cửa làm gì, vào đi”.
Ta lặng lẽ bước vào, định bụng đến an ủi người, nhưng câm nín hồi lâu, mà chẳng thốt lên được câu nào. Chuyện của người thực ra ta cũng không rõ, nhưng nghe người thanh niên áo trắng đó nói, thì chắc chắn là một mối bi tình trăng gió. Nếu như là một mối bi tình trăng gió, thông thường nên lấy câu gì mào đầu đây?
Ta suy nghĩ rất lung, bên tai bỗng vang lên tiếng đàn rời rạc. Tay phải Mặc Uyên lướt trên phím đàn, tùy ý gảy mấy nốt, nói: “Cái tật lúc nào cũng lơ đễnh của ngươi vẫn giống như mấy vạn năm trước”.
Ta chun mũi cười cười, rồi đến cạnh người, ra vẻ thân thiết khuyên nhủ: “Sư phụ, người chết không thể hồi sinh, có lẽ Trọng Doãn quá nhớ tỷ tỷ mình, người chớ nên canh cánh trong lòng”.
Người sững lại, cúi đầu lại tùy ý gảy hai nốt đàn, rồi lạnh lùng nói: “Đêm nay ngươi qua đây là vì chuyện này ư?”.
Ta gật đầu.
Tiếng đàn hỗn loạn bỗng ngưng bặt.
Người ngẩng đầu nhìn, nhìn ta rất lâu, lại hỏi một câu chẳng liên quan: “Ngươi đối với hắn, là thật lòng ư?”.
Mất một lúc lâu ta mới hiểu “hắn” ở đây là Dạ Hoa, trong lòng tuy cảm thấy hơi ngượng khi nói chuyện này trước mặt bề trên, nhưng xấu hổ không phải là phong cách của ta, bèn sờ mũi thành thật nói: “Thật lòng. Vô cùng thật lòng”.
Người ngoảnh mặt đi, nhìn ra ngoài khung cửa rất lâu, nói: “Vậy thì tốt, ta cũng an tâm”. Đêm nay thần sắc của người hơi cổ quái, lẽ nào, lẽ nào lo lắng ta làm con gái thì không ra gì, cho nên không gả được chồng sao? Ta hiểu ra điều này, cười hì hì an ủi người: “Sư phụ không cần lo lắng, Dạ Hoa chàng rất tốt, chúng con tâm đầu ý hợp, con đối với chàng thật lòng, chàng đối với con cũng vậy”.
Người không quay đầu lại, chỉ lạnh lùng nói: “Đêm khuya rồi, ngươi về phòng nghỉ đi”. Từ đó về sau, Mặc Uyên hiếm hoi mới đến chính điện. Đêm đó ta đến để an ủi người, nhưng sau khi ra khỏi phòng của người mới phát hiện là chưa hề an ủi gì, ta thấy hơi xấu hổ. Có lẽ chuyện này vẫn nên tự mình bỏ đi mới được, người ngoài rốt cuộc vẫn không thể giúp được.
Cứ tưởng không gặp được Mặc Uyên đã làm nhiệt tình muốn thăm hỏi của đám tiểu thần tiên mấy hôm trước nhạt bớt, chẳng ngờ tinh thần của họ vẫn hừng hực như cũ. Đến ngày cuối cùng, thời gian họ ngồi uống trà ngày càng lâu, lượng trà uống cũng ngày càng nhiều. Tứ ca đoán rằng đây chính là một cơn gió độc mang tên ganh đua. Ví dụ như lúc ta còn nhỏ thường so bì xem ai có thể hái được nhiều đào hơn, uống được nhiều rượu hơn ở chỗ Chiết Nhan. Cho nên đã vội vã dán một trang cáo thị, thông báo cho các thần tiên đến Côn Luân thăm hỏi, mỗi người chỉ có thể nhận một chén trà để uống, lại không được thêm nước. Nhưng cho dù như vậy, người đến vẫn nườm nượp.
Ta ngồi ở tiền sảnh đóng giả người pha trà mười hai ngày, đêm ngày thứ mười hai cuối cùng đã không chịu nổi, lôi tứ ca đến dưới gốc táo trong trung đình, cầu xin huynh ấy giúp ta trông chừng thời gian khoảng bảy, tám nén nhang, để ta xuống trần gian một chuyến xem xem Dạ Hoa ra sao.
Táo ngọt ở cây táo đã kết quả to bằng ngón tay, vỏ quả màu xanh, vẫn chưa ăn được. Tứ ca hái hai quả, cầm trong tay, nói: “Muội lén lút như vậy không phải sợ bị các sư huynh biết được, cười muội là nữ nhi tình trường chứ?”.
Huynh ấy cũng có lúc nhìn nhầm.
Ta thế này chẳng có liên quan gì tới các sư huynh, có điều lo lắng Mặc Uyên biết được đệ đệ song sinh của người bị xuống trần gian lịch kiếp, buộc phải đi xem sao, trần thế ô trọc, không tốt cho việc hồi phục tiên thể của người. Tứ ca nghĩ như vậy, có lẽ huynh ấy cảm thấy nữ nhi đều mặt mỏng cả, cho dù ta đã cao tuổi, nhưng cũng không phải là ngoại lệ. Nào hay da mặt ta còn dày hơn huynh ấy tưởng rất nhiều, đã phụ sự tin tưởng của huynh ấy, ta cũng cảm thấy hơi xấu hổ.
Tứ ca xòe ra ba ngón tay, nói: “Nếu như đồng ý trông khoảng bảy, tám nén nhang, đêm nay huynh khỏi phải ngủ nữa, nên nhiều nhất cũng chỉ trông giúp muội khoảng một nén nhang. Dạ Hoa chẳng qua xuống trần gian lịch kiếp, chứ có gì to tát đâu, mà muội cũng phải đi theo để xem, muội bám hắn cũng chặt thật đấy”.
Ta im thin thít, tai đỏ bừng bừng. Hôm nay nhờ vả không chọn đúng lúc, ta quên béng rằng buổi chiều huynh ấy vừa cãi cọ với Chiết Nhan ở hành lang. Nhưng thời gian một nén nhang cũng khiến ta thỏa nguyện rồi, thế nên sấn bước ra ngoài núi.
Huynh ấy vứt hai quả táo trong tay xuống hồ sen, khẽ buông một câu: “Nếu quá một nén nhang mà không quay về, đừng trách huynh đích thân xuống nhắc muội đấy”. Có thể thấy hôm nay tứ ca giận Chiết Nhan ghê gớm.
Trên núi Côn Luân dải ngân hà lấp lánh ánh sao, đêm sâu thăm thẳm, còn ở phàm trần lại là ban ngày, trời xanh ngăn ngắt. Ta đậu xuống bên ngoài một phòng học, rồi ẩn thân, nghe thấy tiếng đọc sách vẳng lại: “Thúc Hướng gặp Hàn Tuyên Tử, Huyên Tử lo nghèo, Thúc Hướng chúc mừng”(44).
Ta nhìn về phía nơi phát ra tiếng đọc, ánh mắt chạm phải một đứa bé mặt mũi khôi ngô ngồi cuối lớp. Gương mặt đứa trẻ này tuy có thể coi là xuất chúng ở phàm trần, nhưng vẫn hơi non nớt, có lẽ khi lớn lên chưa chắc đã bằng gương mặt của Dạ Hoa, nhưng thần sắc lạnh lùng thì giống hệt Dạ Hoa.
Tiếng đọc dứt, thầy giáo liếc cuốn sách giáo khoa trong tay, nói: “Liễu Ánh, con hãy đứng dậy giải thích cho các bạn nghe đi”. Đứa trẻ lạnh lùng thưa vâng đứng dậy. Lòng ta run run, ánh mắt của bản thượng thần thật tinh tường, đứa trẻ này quả nhiên là Dạ Hoa đầu thai. Ta liền hiểu ra, cho dù chàng chuyển thành dáng vẻ gì ta vẫn nhận ra chàng.
Chàng giải thích rành rọt, cặn kẽ từng điều, thầy giáo vuốt chòm râu dê nghe rất chăm chú, nét mặt khoan khoái, khiến ta nhớ đến sự hãnh diện của Thập lục sư huynh Tử Lan ở lớp học năm nào.
Đây thực sự là một chuyện đau lòng, mất mặt. Năm đó, bản thượng thần còn ngây ngô, bị các sư huynh dẫn dắt thành ra không tiến bộ đã quen, khi lên lớp Mặc Uyên giảng bài, ta cảm thấy thật tẻ nhạt, thường cùng Thập ngũ sư huynh chuyền giấy nói chuyện riêng, coi đó là thú vui. Nhưng chúng ta đạo hạnh nông, học nghệ không tinh, mười lần thì chín lần bị Mặc Uyên bắt. Phương pháp trách tội của Mặc Uyên mãi mãi không thay đổi, hễ bị bắt được là phải đọc thuộc một đoạn Phật lý dài lê thê, hết sức khô khan trước mặt các sư huynh. Đáng thương thay râu ria của những đoạn Phật lý mà sư phụ chỉ định ta đều không biết gì hết, càng chớ nói đến chuyện đọc thuộc nó. Ta dùng dằng, dùng dằng mãi, ngắc nga ngắc ngứ, Thập lục sư huynh mãi đến lúc này được gọi dậy, đọc trôi chảy đoạn Phật lý đó trước mặt ta, rảnh rỗi còn có thể giải thích qua loa một lượt ý nghĩa của đoạn vừa đọc. Thế nên, phàm là những người có tri thức, đều có thể lập tức vừa nhìn đã nhận ra ta là đệ tử không tiến bộ.
Thập ngũ sư huynh và ta “đồng bệnh tương lân”, chúng ta cảm thấy Tử Lan kia quá thông minh, thực đáng ghét, bèn chỉ trời chỉ đất mà thề, đời này sẽ không chơi bời với loại người thông minh, còn viết một lá thư, điểm chỉ lên đó, chôn dưới gốc cây táo trong trung đình ở Côn Luân, để làm chứng.
Nhưng bây giờ, dáng vẻ thông minh đĩnh đạc của Dạ Hoa trong lớp học, ta lại thấy sao mà đáng yêu.
Ta ẩn mình bên ngoài cửa sổ lớp học, đợi đến khi họ tan trường.
Hai tiểu thư đồng giúp Dạ Hoa thu dọn bàn học, rồi cõng chàng ra khỏi cửa. Ta cũng bám gót theo sau, không biết làm thế nào mới có thể hiện hình một cách tự nhiên rồi đến trước mặt chàng chào hỏi. Ta suy nghĩ, đắn đo, chần chừ. Sau lưng vang lên tiếng “vèo vèo”, ta vừa phất tay áo theo phản xạ, hai viên đá nhỏ bay vút tới lập tức bị đổi hướng, đập “bộp” lên thân cây liễu già ven đường.
Tiếng động khiến Dạ Hoa quay đầu, ba, bốn đứa trẻ kêu ầm lên rồi bỏ chạy, vừa chạy vừa hát bài đồng dao. Bài đồng dao này tổng cộng có bảy câu, rằng: “Gạo cũng quý, dầu cũng quý, nhà họ Liễu sinh ra đứa tàn phế. Kiếp trước tạo nghiệt, kiếp này đền, đạo trời luân hồi chẳng thương lượng. Cho dù thần đồng biết nhiều chữ, một kẻ tàn phế biết làm chi?”. Đầu ta “ầm” một tiếng, ngẩng đầu nhìn cánh tay phải của Dạ Hoa.
Thiên Quân, con bà ông chứ. Dạ Hoa là cháu ruột ông, sao ông lại độc ác thế, đầu thai rồi cũng không chịu cho chàng một cơ thể bình thường, ống tay áo bên phải của Dạ Hoa rõ ràng, rõ ràng là trống không mà!
Hai đứa thư đồng cõng Dạ Hoa một lòng bảo vệ chủ, định đuổi theo mấy con thỏ đế thì bị ngăn lại. Mấy con thỏ đế đó ta nhìn rất quen, chợt nhớ ra là bạn học của Dạ Hoa. Là người từng trải, ta thừa hiểu suy nghĩ của chúng, chắc chắn là học hành chẳng ra sao, thấy Dạ Hoa tài hoa hơn người, nên sinh lòng ghen ghét. Nhưng ghen ghét thì cứ ghen ghét, im lặng ở bên cạnh không thèm đếm xỉa là được rồi, còn bịa ra bài đồng dao độc ác kia thực quá đáng. Hừ, lũ thỏ đế chậm tiến bộ như thế, sau này nếm khổ, mới biết rằng những việc làm năm xưa mới hồ đồ làm sao.
Cánh tay trái Dạ Hoa phẩy phẩy ống tay phải trống phơ phất, hơi cau mày, không nói gì mà quay người tiếp tục đi về phía trước. Ta rất đau lòng nhưng không thể lập tức hiện hình, để tránh dọa mấy người bọn họ, đành nuốt nỗi chua xót vào trong lòng.
Từ lúc hoàng hôn đến khi đêm xuống, ta không tìm được thời cơ thích hợp để hiện thân trước mặt Dạ Hoa. Hai đứa thư đồng lúc nào cũng bám sát lấy chàng, khiến ta phát bực. Cuối giờ Tuất, Dạ Hoa mới leo lên giường, hai đứa thư đồng cởi áo hầu chàng đi ngủ, sau khi tắt đèn khoảng nửa tuần trà, cuối cùng đã ngáy khò khò.
Ta thở phào một hơi, giải chú ẩn thân, ngồi bên giường Dạ Hoa, mượn ánh trăng sáng bên ngoài khung cửa, đến gần ngắm chàng thật kỹ, lại đưa tay lay lay chàng tỉnh qua lần chăn. Dạ Hoa “ừm” một tiếng, nửa ngồi nửa mơ màng nói: “Chuyện gì thế?”, đến khi nhìn rõ người ngồi trước mặt chàng không phải là thư đồng mà là ta thì sững sờ. Chàng cứ đờ đẫn nhìn ta, mãi sau, nhắm mắt rồi lại nằm xuống giường, miệng còn lầm rầm: “Hóa ra là nằm mơ”.
Ta run rẩy trong lòng, cuống quýt lay chàng dậy, trước khi chàng cất tiếng đã hỏi trước: “Chàng nhận ra ta không?”. Ta biết chắc chàng không nhận ra, ban nãy chỉ là câu nói thốt ra khi bị đánh thức thôi, nhưng lòng vẫn ôm một tia hy vọng, vẫn bướng bỉnh mở miệng hỏi.
Quả nhiên chàng trả lời: “Không nhớ”. Mày hơi nhíu lại, có lẽ đã tỉnh ngủ, ngập ngừng hồi lâu, nói: “Không phải ta nằm mơ sao?”.
Ta móc một viên dạ minh châu to bằng trứng bồ câu từ trong tay áo ra, tốt xấu gì cũng tỏa chút ánh sáng, kéo tay chàng chạm lên mặt ta, cười nói: “Chàng cảm thấy đang trong mộng sao?”.
Khuôn mặt chàng liền từ từ ửng đỏ.
Ta nhích lại ngồi gần chàng hơn một chút, chàng lùi lại phía sau, mặt lại đỏ lựng lên. Ta chưa từng gặp một Dạ Hoa như thế này, cảm thấy thật mới mẻ, lại ngồi xuống trước mặt chàng, chàng dứt khoát lùi vào góc tường, rõ ràng gương mặt trắng trẻo đã đỏ bừng bừng, vậy mà còn ra vẻ lạnh lùng, điềm tĩnh, nói: “Nàng là ai? Sao lại vào phòng ta?”.
Ta nhớ đến một vở kịch nổi tiếng mình đã từng xem, kể về một con cá tầm tinh màu trắng tên là Bạch Thu Luyện yêu một chàng công tử thiếu niên tên là Mộ Thiềm Cung, tương tư thành bệnh, cho nên đêm đêm gặp gỡ, là một câu chuyện rất hay. Dạ Hoa thế này khiến ta nảy ý muốn trêu chọc, bèn làm bộ ưu sầu nói: “Thiếp vốn là một tiểu tiên ở Thanh Khâu, mấy hôm trước xuống trần du ngoạn, hâm mộ phong thái của lang quân, đem lòng tưởng nhớ lang quân, vì chàng mà võ vàng tiều tụy, thế nên mới đến cùng chàng ân ái một đêm”, lại còn giả vờ xấu hổ nhìn chàng một cái. Lời này tuy rằng khiến toàn thân ta nổi da gà, nhưng nhìn ánh mắt chàng, ta tự thấy mình diễn rất tốt.
Chàng ngẩn người, lát sau mặt đỏ tía tai, che ống tay áo ho hai tiếng: “Nhưng, nhưng chỉ mới mười một tuổi”. … Thời gian một nén nhang trôi qua thật nhanh, Dạ Hoa lúc đầu thai thú vị hơn chàng lúc bình thường rất nhiều. Xem ra nhà họ Liễu ở phàm trần dạy con cái còn bài bản hơn lão Thiên Quân cô độc trên Cửu Trùng Thiên. Ta cũng hơi yên tâm.
Ta chưa nới với chàng về nhân duyên kiếp trước, chàng cũng tin rằng ta chỉ là một tiểu tiên vô tình say mê phong thái của chàng, mà đem lòng yêu nhớ, chỉ có điều luôn băn khoăn mình mới mười một tuổi mà thôi, sao lại có thể làm cho một nữ thần đã qua tuổi hoa niên mê mẩn được, huống hồ mình lại còn tàn phế một tay.
Cho nên quá trình khuyên nhủ chàng vô cùng vất vả.
Ta mong chàng có thể reo hò như những đứa trẻ bình thường khác, nhưng kiếp này chàng lại là một thần đồng, tương lai sẽ là một tài tử. Bọn tài tử xưa nay càng khó thuyết phục, lay động hơn người thường, cho nên ta chỉ có thể chỉ trời chỉ đất làm chứng, thi thoảng còn diễn ánh mắt yếu đuối, buồn thảm, thút thít đôi tiếng, cuối cùng cũng khiến chàng tin ta.
Trước lúc đi, chúng ta trao tín vật cho nhau, ta trao cho chàng chuỗi ngọc mà lúc ta xuống trần giúp Nguyên Trinh độ kiếp chàng đã trao cho ta. Chuỗi ngọc này có thể bảo vệ chàng bình an, ta không thể ở bên chàng, chàng đeo chuỗi ngọc này cũng có thể khiến ta an tâm hơn. Chàng lấy miếng ngọc bội đeo trên cổ xuống, đeo lên cổ ta. Ta ghé sát tai chàng, không quên dặn dò chuyện quan trọng: “Chàng không được cưới người con gái khác, đợi rảnh rỗi thiếp sẽ đến thăm chàng nhiều hơn, đợi khi chàng lớn, thiếp sẽ lấy chàng”. Chàng đỏ mặt, bình tĩnh gật đầu đồng ý.
Ta nói rảnh rỗi sẽ đến thăm Dạ Hoa nhiều hơn. Nhưng sau khi về tới Côn Luân, lại chẳng hề được rảnh rỗi.
Mặc Uyên cuối cùng đã định được ngày đóng cửa tu luyện, sau bảy ngày nữa. Chiết Nhan cần luyện ít đan dược cho Mặc Uyên, để khi người đóng cửa tu luyện có thể mang vào trong động phối hợp trị liệu, chọn ta đi giúp lão một tay. Cả ngày ta quẩn quanh trong phòng thuốc hoặc phòng luyện đan, đến thời gian nghỉ ngơi uống trà cũng không có. Đến chiều ngày mùng hai tháng chín, đem một bình ngọc đựng đầy đan dược mới luyện thành trao cho Mặc Uyên, để người mang vào động. Trước khi vào động, thần sắc người bơ phờ mệt mỏi, không nói gì với các sư huynh, chỉ hỏi ta một câu: “Dạ Hoa đối với ngươi tốt chứ?”. Ta thành thật đáp, người gật gật đầu rồi đi vào trong động.
Sau khi Mặc Uyên đóng cửa tu luyện thì không còn thần tiên nào đến. Ta nhẩm số trà trên núi cũng sắp uống hết rồi.
Mười lăm sư huynh từng người cáo từ trở về làm việc của mình, chỉ để lại tiểu đồng của mình giúp đỡ Cửu sư huynh lo liệu. Ta cũng theo Chiết Nhan và tứ ca cáo từ xuống núi.
Sau khi xuống núi, ta bay thẳng đến trần gian.
Tính ra Dạ Họa năm nay đã mười tám, mười chín tuổi, với người phàm trần đây là tuổi tài hoa phong nhã đương nở rộ, không biết tiểu Dạ Hoa mười một tuổi nay đã như thế nào.
Ta ôm ấp trái tim đầy kích động, nhẹ nhàng đậu xuống trước nhà họ Liễu.
Nhưng lục tung cả nhà họ Liễu lên cũng không tìm thấy Dạ Hoa. Trái tim kích động này đã bị giội một gáo nước, buốt thấu tim.
Ta thất vọng ra khỏi nhà họ Liễu, tìm một nơi yên tĩnh hiện hình, ngẫm nghĩ, rồi lại đến tìm một nô tỳ trước phủ nhà họ Liễu hỏi han, hỏi thì mới biết Dạ Hoa mấy năm trước đã vinh danh bảng vàng, đang làm quan dưới chân thiên tử trần gian.
Nô bộc nhà họ Liễu ngẩng lên nhìn trời xanh thăm thẳm, mắt không giấu nổi vẻ tự hào: “Đại thiếu gia nhà tôi là thần đồng trăm năm mới có, kỳ tài, quả là kỳ tài, mười hai tuổi đã vào nhà Thái học, năm năm trước hoàng đế mở ân khoa, thiếu gia thi lấy lệ cũng đã đỗ Trạng nguyên, từ chức Biên tu trong Hàn lâm viện đã rộng đường công danh, nay đã làm Thượng thư bộ Hộ, kỳ tài, quả là kỳ tài”.
Ta chẳng hề hứng thú với việc Dạ Hoa làm chức quan gì, nhưng biết được nơi chàng ở thì rất vui mừng, bèn xốc lại tinh thần, niệm chú gọi mây xanh, đến cung điện của thiên tử chỗ chàng.
Chú thích:
42. Long cốt: xương rồng.
43. Tri túc thường lạc: Tự thấy đủ sẽ thường thấy vui (ND).
44. Nguyên văn: Thúc Hướng kiến Hàn Tuyên Tử, Tuyên Tử ưu bần, Thúc Hướng hạ chi. Trích trong “Tả truyện” (ND).
Truyện khác cùng thể loại
232 chương
97 chương
3701 chương
501 chương
35 chương