Tam Quốc Diễn Nghĩa

Chương 21 : Tào Tháo Uống Rượu Luận Anh Hùng Vân Trường Lừa Mưu Giết Xa Trụ

Nhắc lại, Ðổng Thừa và các bạn hỏi Mã Ðằng: - Ông muốn rủ thêm người nào? Ðằng trỏ tay vào quyển "Uyên hàng, lộ tự" (1), nói: - Hiện có quan Mục Dự Châu là Lưu Huyền Ðức ở đây. Sao ta không mời cùng mưu việc? Ðổng Thừa phân vân nói: - Người ấy tuy là Hoàng Thúc, nhưng hiện đang nhờ vả, giúp rập Tào Tháo, sao chịu làm việc này? Mã Ðằng nói: - Bữa hôm đi săn, giữa chốn vi trường, lúc Tào Tháo đón lấy lời chúc tụng, tôi thấy rõ Quan Vân Trường ở sau lưng Huyền Ðức đã giơ đao lên, toan chém Tháo, và Huyền Ðức đã đưa mắt ngăn lại. Ðó không phải Huyền Ðức không muốn giết Tháo, chỉ vì ngại nanh vuốt Tháo quá nhiều, e sức không nổi đấy thôi. Ông cứ thử mời xem. Tôi tin chắc Huyền Ðức phải hưởng ứng. Ngô Thạc nói: - Việc đó không nên vội quá. Hãy thong thả bàn lại xem. Bàn bạc xong, giải tán, ai về nhà nấy. Ðêm hôm sau, Ðổng Thừa ngầm đem tờ chiếu trong mình, đi trong đêm tối đen mịt, lần tới công quán Huyền Ðức tạm trú. Người canh cửa vào báo, Huyền Ðức ra đón mời vào các gác nhỏ an tọa. Quan, Trương đứng hầu bên cạnh. Huyền Ðức hỏi: - Quốc cựu đang đêm tới đây, ắt có việc gì? Thừa thổ lộ: - Ban ngày cưỡi ngựa tới thăm, sợ Tháo sinh nghi, nên phải gặp nhau lúc đêm tối này. Huyền Ðức sai lấy rượu ra mời. Thừa nói: - Hôm trước, giữa chỗ vòng săn, Vân Trường muốn giết Tháo. Tướng quân lại đưa mắt lắc đầu can ngăn, là thế nào? Huyền Ðức sợ hãi, vội hỏi chữa: - Ai bảo với ngài như thế? Thừa quả quyết nói: - Phải, mọi người đều không thấy, chỉ riêng tôi nhìn rõ mà thôi? Huyền Ðức không thể dấu diếm được nữa, bèn nói: - Quả thật xá đệ thấy Tháo tiếm lễ, vượt Vua, nên bất giác nổi giận như thế. Thừa lấy tay che mặt, khóc rằng: - Nếu thần tử triều đình ai cũng được như Vân Trường thì lo gì thiên hạ chẳng yên ổn. Huyền Ðức sợ chính Tháo sai Thừa đến dò thám mình, nên giả tảng nói: - Tào Thừa tướng trị nước giỏi như thế, sao ngài lại nói thiên hạ không yên? Thừa biến sắc mặt, đứng dậy trách rằng: - Thấy ông là vị Hoàng thúc nhà Hán, tôi mới moi gan phơi phổi để ông hay. Sao ông nỡ giả dối thế? Huyền Ðức biện bạch: - Sợ Quốc cựu có mưu lừa nên tôi thử lòng đó thôi. Thừa bèn rút tờ "Y đái chiếu" đưa cho xem. Huyền Ðức xem xong, lòng đau như xé, căm giận không nén nổi! Thừa lại đưa ra tờ "Nghĩa trạng". Huyền Ðức thấy đã có 6 người ký tên là: 1. Xa Kỵ Tướng Quân Ðổng Thừa 2. Công Bộ Thị Lang Vương Tử Phục 3. Trường Thủy Hiệu Úy Sùng Tập 4. Nghị Lang Ngô Thạc 5. Chiêu Tín Tướng Quân Ngô Tử Lan 6. Tây Lương Thái Thú Mã Ðằng Huyền Ðức bèn nói: - Ông đã mang chiếu đánh giặc, Bị này dám không đem sức khuyển mã ra giúp sao! Thừa tạ ơn và mời ký tên vào. Huyền Ðức bèn ghi thêm vào "Nghĩa trạng" mấy chữ: "Tả tướng quân Lưu Bị". Ký tên rồi, trao lại cho Thừa. Thừa nói: - Hãy thong thả để tìm thêm ba người nữa cho đủ "Thập nghĩa" mà trừ quốc tặc. Huyền Ðức căn dặn rằng: - Phản nên từ từ. Chớ khinh xuất mà tiết lậu! Rồi bàn bạc mãi tới canh năm, Thừa mới cáo về. Về phần Huyền Ðức vẫn đề phòng việc Tháo có thể mưu hại, nên thường ra vườn sau trồng rau, tự tay xới đất tưới cây, làm kể giả ngây giả dại. Quan, Trương thấy thế, hỏi rằng: - Huynh trưởng sao không lưu tâm tới việc lớn thiên hạ, lại đi làm cái việc nhỏ mọn của kẻ tầm thường thế này? Huyền Ðức chỉ trả lời vắn tắt: - Việc này hai em không thể biết được. Quan, Trương không dám hỏi nữa. Rồi một ngày kia, Quan, Trương đều đi vắng, chỉ còn một mình Huyền Ðức ở nhà, đang tưới rau ngoài vườn, bỗng thấy Hứa Chử, Trương Liêu dẫn vài chục tên quân đi thẳng vào báo rằng: - Thừa Tướng sai chúng tôi mời Sứ quân đến ngay! Huyền Ðức trong lòng kinh hãi, vội hỏi: - Có việc gì mà khẩn cấp thế? Hứa Chử nói: - Không biết là việc gì. Chỉ thấy sai chúng tôi đến mời. Huyền Ðức đành phải theo hai tướng vào Phủ ra mắt Tháo. Vừa thấy mặt Huyền Ðức, Tháo đã cười, hỏi: - Hừm! Ông ở nhà lo toan "việc lớn" ghê nhỉ? Huyền Ðức nghe qua, mặt tái như gà cắt tiết! Nhưng Tháo đã nắm lấy tay dắt thẳng vào hậu viên, hỏi rằng: - Huyền Ðức học làm vườn có khó không? Bấy giờ Huyền Ðức mới hiểu ra, bèn ung dung đáp: - Vì chẳng có việc gì làm, nên bày trò tiêu khiển đấy ạ. Tháo trỏ tay lên những cây mai xanh tốt nói: - Vừa rồi, nhân ngắm rặng mai, thấy đầu cành quả xanh đâm mơn mởn, bỗng xúc cảm nhớ lại năm qua, khi đem quân đi đánh Trương Tú. Hôm ấy giữa đường hết nước uống, tướng sĩ đều khát cháy cổ, ta bỗng nghĩ ra một kế, bèn lấy roi ngựa trỏ bừa về phía trước mà nói lớn: "Kìa! Trước mặt chúng ta có rừng mai đầy quả đấy!" Quân sĩ nghe nói tới quả mai, đều thèm ứa nước miếng. Thế là ai nấy đỡ khát. Nay thấy mai tươi phô quả ngọt, không thể không thưởng thức. Nhân lại mới cất được ít rượu, nên mời Sứ quân tới tiểu đình cùng uống cho vui. Tâm thần Huyền Ðức đã yên định, bèn thong dong theo Tháo vào tiểu đình, thấy đã bày sẵn vò chén; những quả mai tươi mơn mởn đặt trong đĩa giữ mâm, bên cạnh là một vò rượu mới cất thơm tho. Hai người ngồi xuống, cùng nhau nâng chén khề khà thưởng thức. Rượu được nửa chừng, bỗng trên không mây kéo đen kịt, sắp đổ cơn mưa. Người đứng hầu dưới thềm trỏ tay lên không nói: - Có rồng lấy nước! Tháo cùng Huyền Ðức ra vịn lan can nhìn xem. Tháo hỏi: - Sứ quân có rõ phép biến hóa của rồng chăng? Huyền Ðức thưa: - Bẩm, chưa hiểu thế nào cả! Tháo đang sẵn hứng rượu, thao thao nói: - Con Rồng biến hóa có khi to, khi nhỏ, lúc bay cao, lúc ẩn kín. Khi vươn mình to lớn thì cuộn mây, phun mù. Khi thu hình nhỏ bé để tàng hình ẩn tích. Lên cao thì bay lượn khắp vũ trụ. Tạm ẩn thì chìm lặng dưới ba đào. Nay đang tiết xuân, rồng thừa thời mà biến hóa, cũng như con người gặp khi đắc chí, tung hoành. Con rồng trong loài vật cũng ví như người anh hùng trong đám người. Sứ quân từng lịch duyệt hồ hải, chơi khắp bốn phương, ắt rõ những ai là anh hùng thời nay? Xin nói cho biết? Huyền Ðức thong thả nói: - Bị này mắt thịt, làm sao nhận biết anh hùng? Tháo nói: - Thôi! Xin đừng quá khiêm như thế! Huyền Ðức nói: - Bị vô tài thiển học, từ lâu sống trong tăm tối, nay nhờ ơn Thừa Tướng, Bị được vào triều làm quan. Quả thật chẳng biết những ai là anh hùng trong thiên hạ... Tháo gặng hỏi: - Dù không biết mặt đi nữa, cũng có nghe tiếng chứ? Bấy giờ, Huyền Ðức mới làm bộ suy nghĩ, rồi kể ra: - Kìa như Viên Thuật ở Hoài Nam, binh nhiều lương đủ, chiếm cứ một phương, có thể gọi là anh hùng? Tháo cười nói: - Hắn chỉ là bộ xương khô trong mả! Sớm tối rồi ta bắt sống à xem! Huyền Ðức lại nói: - Thế thì Viên Thiệu ở Hà Bắc kia, nhà bốn đời làm đến Tam công, quan lại tay chân, cùng môn hạ đầy dẫy khắp nơi, nay chiếm Ký châu như hổ cứ nhất phương, văn quan võ tướng rất nhiều, có thể gọi là anh hùng? Tháo lại cười nữa: - Viên Thiệu mặt béo mà gan non, háo mưu mà vô đoán, gánh việc lớn thì tiếc thân, thấy lợi nhỏ lại quên mệnh, không phải là anh hùng! Huyền Ðức lại suy nghĩ giây lát rồi nói: - Có người kia nổi tiếng là một trong "Tám tay tài tuấn", uy trấn chín châu: đó là Lưu Cảnh Thăng, có thể gọi là anh hùng? Tháo lắc đầu: - Lưu Biểu chỉ có hư danh, không có thực tài. Ðâu phải là anh hùng! Huyền Ðức nói: - Thế thì có người này đang độ huyết khí hăng hái, trí dũng kiêm toàn, hiện làm lãnh tụ toàn cõi Giang Ðông: như Tôn Bá Phù đã đáng mặt anh hùng vậy. Tháo vẫn chưa chịu: - Tôn Sách nhờ tiếng của cha mà được thế. Chưa phải là anh hùng! Huyền Ðức nói: - Thế thì Lưu Quý Ngọc ở Ích châu có thể gọi là anh hùng chăng? Tháo nói: - Lưu Chương tuy là giòng Tôn Thất, nhưng chỉ làm con chó giữ nhà mà thôi! Anh hùng gì? Huyền Ðức nói: - Vậy còn những người như Trương Tú, Trương Lỗ, Hàn Toại... thì thế nào? Tháo vỗ tay cười ha hả: - Chao ôi! Cái lũ tiểu nhân lúc nhúc ấy, đếm xỉa đến làm gì! Huyền Ðức kết thúc: - Vậy thì ngoài những người vừa kể, Bị chẳng biết có ai nữa. Tháo dõng dạc nói: - Người anh hùng ấy à? Phải là người nuôi chí lớn trong tim óc, lại phải có mưu cao kế giỏi, có tài bao tàng cả máy vũ trụ trong lòng, có chí nuối trời mửa đất, ấy mới đáng mặt anh hùng chứ? Huyền Ðức hỏi: - Ai là người được như thế? Tháo chẳng úp mở gì nữa, trỏ tay sang Huyền Ðức, rồi lại trỏ về ngực mình mà nói thẳng ra rằng: - Anh hùng trong thiên hạ ngày nay, chỉ có Sứ quân với... Tháo này thôi! Huyền Ðức nghe qua, giật nẩy mình lên! Ðôi đũa cầm trên tay bất giác rơi xuống đất! May thay, lúc ấy trời sắp đổ mưa, vừa vặn có tiếng sấm nổ ran!... Huyền Ðức mới từ từ cúi xuống, vừa lượm đôi đũa vừa nói rằng: - Oai trời to thật! Vừa nghe một tiếng, đã đến nỗi này... Tháo cười hỏi: - Trượng phu mà cũng sợ sấm à? Huyền Ðức nghiêm trang nói: - Ðến Thánh nhân xưa kia, nghe sấm rền gió thét cũng còn biến sắc mặt nữa là tôi! Thế là Huyền Ðức kịp thời thác ra chuyện "sợ sấm" mà che đậy được cái sợ thực của mình. Tháo thì cho rằng Huyền Ðức còn tầm thường, từ đó không nghi ngờ nữa. Người sau có thơ khen Huyền Ðức rằng: Gượng vào hang cọp tạm nương thân, Lộ mặt anh hùng, đũa rớt lăn! Vội vã bầy ra trò sợ sấm, Tùy cơ ứng biến lẹ như thần. Cơn mưa vừa dứt, bỗng thấy hai người xông xáo vào hậu viên, tay cầm bảo kiếm lăm lăm, chạy sồng sọc thẳng tại tiểu đình. Tả hữu không sao cản nổi. Tháo nhìn ra mới biến là Quan Vân Trường và Trương Phi. Nguyên lai, hôm ấy, Quan, Trương ra ngoài thành săn bắn. Khi trở về nghe tin Huyền Ðức bị Hứa Chử, Trương Liêu mời đi rồi, thì cứ một mạch chạy thẳng vào Tướng phủ, lại nghe nói Huyền Ðức đang ở hậu viên, sợ xẩy ra chuyện gì chăng, nên xung đột bất kể mà vào kỳ được. Bấy giờ thấy rõ Huyền Ðức đang ngồi đối ẩm với Tháo, hai ông mới yên tâm, bèn chống gươm đứng lại. Tháo hỏi: - Hai người đến đây làm gì? Vân Trường thưa: - Bẩm, nghe Thừa tướng cùng gia huynh uống rượu, nên chúng tôi tới xin múa kiếm cho tiệc thêm vui. Tháo cười nói: - Ðây đâu phải tiệc Hồng môn mà cần đến Hạng Trang, Hạng Bá? (2) Huyền Ðức cũng cười. Tháo bèn gọi quân hầu: - Hãy lấy rượu cho hai "Phàn Khoái" uống, để hú vía! Quan, Trương bái tạ. Chốc lát tiệc tan, Huyền Ðức cái biệt trở về. Vân Trường nói: - Huynh trưởng làm hai em sợ hết hồn! Huyền Ðức đem chuyện đánh rơi đũa thuật lại cho hai em nghe. Quan, Trương cùng hỏi: - Như vậy là ý thế nào? Huyền Ðức nói: - Ta sở dĩ học việc làm vườn, là muốn cho Tháo coi thường anh không có chí lớn. Không ngờ Tháo lại nhận anh làm anh hùng, nên anh giật mình đến nỗi đánh rơi đũa. Anh sợ Tháo sinh nghi, vội mượn chuyện "sợ sấm" để che đậy... Quan, Trương cùng bái phục: - Huynh trưởng thật là cao kiến! Hôm sau, Tháo lại mời Huyền Ðức vào uống rượu nữa. Ðang uống bỗng có tin báo: - Mãn Sủng đi thám thính Viên Thiệu đã trở về. Tháo cho gọi ngay vào hỏi. Mãn Sủng nói: - Công Tôn Toản đã bị Viên Thiệu diệt rồi! Huyền Ðức giật mình, vội hỏi: - Ðầu đuôi ra sao? Mong ông kể cho nghe? Sủng thuật lại rằng: - Toản đánh nhau với Thiệu, gặp bất lợi, mới đắp lũy cao bao quanh thành hình trôn ốc. Bên trên thì xây lầu ười trượng, gọi là lầu Dịch kinh, trữ 30 vạn hộc gạo, làm kế cố giữ lâu dài. Quân sĩ kéo ra kéo vào bất thần. Nếu xảy có toán nào bị quân Thiệu vây, các tướng xin ra cứu thì Toản gạt đi mà rằng: "Nếu cứ cứu như thế, thì sau này mỗi khi ra trận, kẻ nào cũng trông đợi được cứu, không ai chịu tử chiến nữa." Nói rồi cứ bỏ mặc. Vì thế, mỗi khi quân Thiệu đến đánh, quân Toản đầu hàng rất nhiều. Toản cô thế, mới sai người mang thư về đây cầu cứu với Thừa tướng. Không ngờ giữa đường sứ giả bị quân Thiệu bắt được. Toản lại đưa thư qua Trương Yên, ngầm hẹn đốt lửa làm hiệu, trong đánh ra, ngoài đánh vào. Nhưng người đưa thư cũng bị Viên Thiệu bắt nốt. Thiệu bèn nhân kế trong thư, đốt lửa ngoài thành lừa dụ Toản. Toản kéo quân ra đánh thì bị phục binh bốn mặt bổ vây. Quân hao tổn mất quá nửa, Toản phải rút vào thành cố thủ. Sau đó, Thiệu ngầm sai quân đào đường hầm... dần dần vào thẳng bên dưới lầu Toản ở rồi chui lên phóng hỏa. Toản không còn đường chạy, liền đem vợ con ra giết trước, rồi treo cổ tự tử. Thây cả nhà bị lửa cháy thành than. Hiện Thiệu đã thu hết quân của Toản, thanh thế rất lớn. Em Thiệu là Viên Thuật ở Hoài Nam kiêu xa quá độ, không thương quân dân, bị họ làm phản rất nhiều. Thuật đã phải sai người qua nói với Thiệu, xin nhường lại Ðế hiệu. Thiệu đòi lấy ấn ngọc, Thuật đã hứa tự mình mang tới nộp. Hiện Thuật đã rời Hoài Nam để qua Hà bắc. Nếu hai anh em y hiệp sức thì ta khó mà trừ được. Xin Thừa tướng tính gấp đi mới xong. Nghe tin Công Tôn Toản đã chết, Huyền Ðức nhớ tới công ơn tiến cử mình ngày trước, lòng bồi hồi thương cảm. Lại không biết Triệu Tử Long ra sao, lưu lạc về đâu, lòng càng áy náy không yên, nhân nghĩ thầm rằng: - Nay mình không thừa cơ hội, tìm kế thoát thân, thì biết đợi tới bao giờ? Bèn đứng dậy nói với Tháo: - Viên Thuật nếu chạy sang với Thiệu, ắt phải qua lối Từ châu. Xin cho Bị một đạo binh kéo đi triệt đường, có thể bắt được Thuật! Tháo cười nói: - Ðược rồi. Ngày mai tôi sẽ tâu Thiên tử, cho ông khởi binh. Hôm sau, Huyền Ðức vào chầu Vua. Tháo sai Huyền Ðức tổng đốc 5 vạn binh mã kéo đi đánh Viên Thuật. Tháo lại sai hai tướng Chu Linh, Lộ Chiêu cùng đi. Huyền Ðức bái biệt Vua. Hiến Ðế ứa lệ tiễn đưa. Huyền Ðức vội vã về nhà trọ, suốt đêm sửa soạn quân khí yên cương, đeo ấn Tướng quân, thôi thúc tướng sĩ lên đường gấp rút. Ðổng Thừa giục ngựa theo ra ngoài trường đình mười dặm tiễn đưa. Huyền Ðức dặn Thừa: - Xin Quốc cựu yên tâm. Tôi đi chuyến này thế nào cũng báo được ân mệnh. Thừa nói: - Ông nên lưu tâm. Chớ phụ lòng Thiên tử. Hai người chia tay. Quan, Trương ngồi trên ngựa hỏi anh: - Huynh trưởng xuất chinh lần này, sao có vẻ vội vàng thế? Huyền Ðức nói: - Ta đang như chim trong lồng, như cá trong lưới. Ta đi chuyến này cũng như cá ra biển cả, chim lượn trời xanh, không còn bị ràng buộc gì nữa! Rồi sai Quan, Trương thúc giục Chu Linh, Lộ Chiêu kéo quân đi gấp. Bấy giờ Trình Dục và Quách Gia đi kiểm giảo tiền lương trở về Hứa Ðô, nghe tin Tháo đã sai Huyền Ðức tiến binh ra Từ châu, thì vội vã vào can rằng: - Thừa tướng sai Lưu Bị kéo quân đi làm gì thế? Tháo nói: - Sai đi chặn đường Viên Thuật. Trình Dục nói: - Hồi Bị còn làm Dự châu Mục, chúng tôi xin giết đi, Thừa tướng đã không nghe. Nay lại giao cho binh mã, chính là thả rồng ra biển, thả hổ về rừng rồi! Sau này muốn trị, còn làm sao được nữa? Quách Gia cũng nói: - Thừa tướng dù không muốn giết Bị, cũng không nên sai đi như thế. Cổ nhân có câu: "Một ngày thả kẻ địch, để mối lo muôn đời". Xin Thừa tướng xét lại. Tháo nghe lời, bèn sai Hứa Chử đem năm trăm quân khinh kỵ đuổi theo, gọi Huyền Ðức trở lại. Hứa Chử lập tức kéo quân đi. Huyền Ðức đang tiến quân, bỗng thấy phía sau bụi bay mù mịt, bèn bảo Quan, Trương rằng: - Ðây ắt là quân Tào đuổi theo! Liền cho hạ dinh trại, sai Quan, Trường cầm binh khí đứng chờ sẵn hai bên. Hứa Chử đến nơi, thấy binh giáp nghiêm chỉnh, bèn xuống ngựa vào dinh ra mắt Huyền Ðức. Huyền Ðức hỏi: - Ông đến đây làm gì? Chử nói: - Vâng lệnh Thừa Tướng, mời Tướng quân trở về, có việc cần thương nghị. Huyền Ðức nghiêm nghị nói: - Tướng ở bên ngoài, có khi mệnh Vua cũng không theo. Hơn nữa, ta đã vào chầu Thiên tử, lại có quân mệnh của Thừa tướng rồi, không còn phải bàn gì nữa. Ông hãy mau trở về, bẩm lại với Thừa tướng dùm ta như thế. Hứa Chử nghĩ thầm: - Từ trước, Thừa tướng vẫn chơi thân với y lắm. Nay Thừa tướng cũng không hề bảo ta đến đây để đánh nhau... Chi bằng cứ trở về bẩm lại như thế, xem ý Thừa tướng sao đã. Nghĩ vậy, Chử bèn từ biệt, kéo quân về ra mắt Tháo, thuật lại những lời Huyền Ðức đã nói. Tháo do dự chưa quyết định ra sao, thì Trình Dục, Quách Gia cùng nói: - Lưu Bị không chịu hồi binh, đủ biết lòng sinh biến rồi đấy. Nhưng Tháo gạt đi mà rằng: - Ta đã sai Chu Linh, Lộ Chiêu đi kèm, như vậy y vị tất đã dám có lòng kia khác. Huống chi chính ta sai đi, còn hối tiếc thắc mắc làm gì? Bèn không tính chuyện đuổi theo Huyền Ðức nữa. Người sau có thơ luận Huyền Ðức rằng: Giục ngựa xua quân, vội ruổi rong, Chiếu vua cài áo, khắc ghi lòng. Hùm tung cũi sắt, về non hiểm, Rồng vượt ao tù tới biển Ðông. Bấy giờ Mã Ðằng thấy Huyền Ðức đã đi khỏi, lại nghe tin biên cảnh cấp báo, cũng vội lên đường về Tây Lương. Huyền Ðức đem quân tới Từ châu. Thứ sử Xa Trụ ra đón. Yến tiệc xong, bọn Tôn Càn, My Trúc cùng đến ra mắt. Huyền Ðức về phủ thăm gia đình. Một mặt sai người đi thám thính xem Viên Thuật ở đâu? Thám tử về báo rằng: - Viên Thuật xa xỉ thái quá, bọn Lôi Bạc, Trần Lan phải bỏ Thuật kéo quân ra Tung sơn rồi. Thanh thế đã mất, Thuật viết thư xin nhường Ðế hiệu cho Viên Thiệu. Thiệu ra lệnh triệu Thuật đến. Thuật thu thập quân mã với những đồ ngự dụng trong cung cấm ra đi, hiện đã gần tới địa phận Từ châu. Huyền Ðức nghe tin Thuật sắp đến, bèn dẫn Quan, Trương cùng Chu Linh, Lộ Chiêu vại 5 vạn quân kéo đi chặn đánh. Ði chưa bao lâu đã gặp ngay Kỷ Linh. Trương Phi chẳng nói nửa lời, vung xà mâu tới đánh liền. Ðánh chưa hết 10 hiệp, Phi đã thét lên một tiếng như sấm, đâm Linh chết lăn xuống chân ngựa. Quân Linh thua chạy tơi bời. Rồi Viên Thuật tự dẫn quân tới. Huyền Ðức chia binh ba đường: Chu Linh, Lộ Chiêu đi bên tả, Quan, Trương đi bên hữu, Huyền Ðức lĩnh quân đi giữa. Thấy mặt Viên Thuật, Huyền Ðức dừng ngựa dưới cờ mắng lớn: - Tên phản tặc bất đạo kia! Nay ta vâng chiếu tới đánh mày, mày hãy khoanh tay chịu hàng ngay đi, mới mong khỏi tội chết! Viên Thuật mắng lại: - Thằng dệt chiếu, đóng dép sao dám khinh ta? Rồi phất cờ vẫy quân đánh sang. Huyền Ðức tạm lui trung quân, dử địch tràn sang, để cho hai đạo hai bên đánh kẹp lại, chém giết quân Thuật một trận khủng khiếp, thây nằm đầy nội, máu chảy thành ngòi. Quân tàn bại bỏ trốn đi vô số. Thuật lại bị Lôi Bạc, Trần Lan từ trong núi đổ ra cướp hết lương thảo tiền bạc, đang muốn trở về Hoài Nam thì bọn giặc cướp lới tới đánh tập hậu ột trận nữa, đành phải đóng lại Giang Ðình, kiểm điểm thấy chỉ còn hơn một ngàn quân, mà đều là những người già yếu. Bấy giờ đang tiết trời đang nóng nực, lương thực hết cả, chỉ còn độ 30 hộc gạo mạch, đem phân phát cho quân sĩ. Người nhà Thuật phải nhịn ăn. Nhiều kẻ đói lả mà chết. Thuật đói bụng, toan ăn cơm, nhưng vì quen miệng những cao lương mỹ vị, nên cơm gạo xấu không thể nào nuốt được, mới gọi nhà bếp lấy mật để nhắp cho đỡ khát. Nhà bếp nói: - Chỉ có... máu, chứ làm gì có mật? Nghe lời nói cay chua, Thuật đang ngồi trên giường, kêu rống lên một tiếng, ngã quay xuống đất, thổ ra đến một đấu máu rồi chết! Bấy giờ là năm Kiến An thứ 6, tháng tư. Người sau có thơ rằng: Hán mạt binh đao nổi bốn phương, Ngu như Viên Thuật dám xưng cuồng. Nối nhà, chẳng giữ lẽ Công Tướng, Cướp nước, xây liều nghiệp Ðế Vương. Giải thích... sấm truyền, xưng ứng vận, Tin mê ấn ngọc, cứ khoa trương. Quân tan, lương hết, đòi chi mật, Thổ huyết nằm co, rõ... chết đường! Thuật chết rồi, cháu là Viên Dận đem linh cữu cùng vợ con Thuật chạy về Lư Giang, nhưng bị Từ Cầu đón đường giết hết cả nhà. Cầu cướp lấy ấn ngọc, đưa về Hứa Ðô, dâng Tào Tháo. Tháo mừng lắm, phong cho Cầu làm Thái Thú Cao lăng. Thế là "Truyền quốc ngọc tỉ" về tay Tháo. Huyền Ðức nghe tin Viên Thuật đã chết, bèn viết biểu tâu về triều đình. Lại viết thư trình với Tháo, sai Chu Linh, Lộ Chiêu mang về Hứa Ðô, nhưng lưu số binh mã của hai tướng lại, để giữ Từ châu. Một mặt thân ra ngoài thành, đi chiêu dụ những nhân dân thất tán trở về an cư lạc nghiệp. Chu Linh, Lộ Chiêu về Hứa đô ra mắt Tháo, nói rõ Huyền Ðức giữ hết binh mã ở lại. Tháo nổi giận, toan chém hai người. Tuân Húc can rằng: - Quyền ở Lưu Bị. Hai tướng không thể làm gì được! Tháo mới tha cho hai tướng. Húc lại bày kế: - Thừa tướng nên viết thư riêng gởi cho Xa Trụ, dặn lừa bịp mà trừ đi. Tháo y kế, ngầm sai người qua Từ châu gặp Xa Trụ, truyền quân chỉ. Trụ mời Trần Ðăng tới mật bàn việc giết Huyền Ðức, Ðăng nói: - Việc này dễ lắm. Hiện Lưu Bị đang ra ngoài thành an dân, chỉ mấy ngày nữa y trở về. Tướng quân cứ cho quân sĩ phục bên thành, gần hai bên cửa, rồi giả tảng ra đón tiếp. Ðợi khi tới gần, cứ chém ột đao. Tôi đứng trên mặt thành sẽ sai bắn xuống đám hậu quân của y. Thế là xong việc lớn. Xa Trụ nghe lời, sửa soạn. Trần Ðăng về nhà kể rõ đầu đuôi cho cha nghe. Trần Khuê bắt Ðăng phải đi báo trước cho Huyền Ðức biết. Ðăng vâng lời cha, phi ngựa đi báo. Ra khỏi thành được một quãng thì gặp Quan, Trương. Ðăng liền báo rõ tình hình như thế... Số là Huyền Ðức đã trở về, nhưng còn đi sau. Quan, Trương về trước. Trương Phi nghe rõ âm mưu, hăm hở đòi đánh thành ngày. Vân Trường cản lại: - Không được! Nó phục binh ở cửa thành rình ta, nếu đến ắt mắc mưu. Ta có kế này, có thể giết Xa Trụ. Ðêm nay, thừa lúc tối trời, ta giả làm quân Tào mới kéo đến Từ châu, lừa Xa Trụ ra đón mà đánh úp, giết ngay đi là xong. Trương Phi y kế làm ngay. Nguyên số quân bộ hạ của Quan, Trương lúc bấy giờ vốn sẵn cờ hiệu của Tào Tháo. Áo giáp cũng một kiểu ấy. Vào canh ba đêm đó, kéo tới gần thành, kêu mở cửa. Quân trên thành hỏi: - Quân mã của ai? Dưới thành trả lời: - Ðây là binh mã của Trương Văn Viễn được Tào Thừa tướng sai tới. Quân báo cho Xa Trụ. Trụ vội mời Trần Ðăng tới bàn rằng: - Không ra đón thì sợ Thừa tướng nghi. Ra đón lại sợ bị lừa. Biết làm sao? Nói rồi, Trụ lên mặt thành đáp rằng: - Ðêm tối quá, không rõ thực hư thế nào. Hãy tạm đóng bên ngoài, đợi sáng mai sẽ hội kiến! Dưới thành kêu: - Quân có việc cơ mật. Nếu để chậm sợ Lưu Bị biết. Mở cửa mau! Xa Trụ còn dùng dằng chưa quyết. Nhưng ngoài thành một hai kêu cửa gấp quá, Trụ bèn mặc áo giáp lên ngựa, dẫn một ngàn quân, mở cửa thành kéo ra. Ra khỏi cầu treo, gọi lớn: - Văn Viễn ở đâu? Nhưng ánh lửa sáng rực lên, chẳng thấy Trương Liêu đâu, mà chỉ thấy một tướng mặt đỏ râu dài, múa đao giục ngựa sấn tới quát mắng: - Ðồ thất phu kia! Sao dám bầy gian kế hại huynh trưởng ta? Xa Trụ kinh hồn bạt vía, gượng đánh với Vân Trường chưa được vài hiệp đã quay ngựa chạy về thành. Nhưng chạy tới đầu cầu treo lại bị Trần Ðăng sai quân bắn loạn tên xuống như mưa. Xa Trụ đành vòng quanh thành mà chạy. Vân Trường đuổi sát tới, vung ngang một đao, chém Trụ chết lăn, rồi cắt lấy thủ cấp, giơ cao lên gọi quân trên thành rằng: - Xa Trụ là đứa phản tặc, ta đã giết rồi. Ngoài ra, ai nấy đều vô tội. Hãy hàng đi cho khỏi chết! Quân sĩ đều trở giáo xin hàng. Náo động chỉ chốc lát, rồi quân dân yên ổn ngay. Vân Trường đem đầu Xa Trụ đi đón Huyền Ðức, kể rõ việc Xa Trụ mưu hại nên phải chém đầu. Huyền Ðức kinh hãi mà rằng: - Nếu Tào Tháo kéo đến thì làm thế nào? Vân Trường nói: - Em với Dực Ðức sẽ nghênh chiến! Huyền Ðức ân hận mãi, rồi vào thành Từ châu. Phụ lão cùng trăm họ đứng hai bên đường đón tiếp. Huyền Ðức về phủ tìm Trương Phi, thì thấy Phi đã đem cả nhà Xa Trụ ra giết hết! Huyền Ðức than rằng: - Giết mất người tâm phúc của Tháo, đời nào hắn chịu bỏ qua? Nhưng Trần Ðăng nói: - Sứ quân khỏi lo. Tôi có một kế đẩy lui quân Tào... Ðó chính là: Thân cô, đã thoát xa hang cọp, Mẹo giỏi rồi đây tắt khói lang. Chú thích: Chim Uyên, chim Lộc đi có hàng, đứng có lối, giống như bá quan trong triều Xưa Sở Bá Vương Hạng Vũ có mời Hán Vương Lưu Bang tới Hồng Môn dự tiệc. Tiệc nửa chừng, Phạm Tăng bảo nhỏ Hạng Trang rút kiếm ra trước xin múa "làm vui", để rồi thừa lúc bất ngờ chém chết Hán Vương. Nhưntg Hạng Bá biết ý, muốn che chở cho Hán Vương, cũng bước ra múa đôi với Trang, rồi gạt Trang ra một bên, che đỡ không cho hại Hán Vương. Sau đó, Phàn Khoái biết tin, chạy thẳng đến tiệc Hồng Môn, cứu nguy cho Hán Vương.