“Một thế giới đang thay đổi là cái quái gì hả Alvah” Thay đổi thành cái gì? Thay đổi từ đâu? Ai đã khiến nó thay đổi?” Một phần khuôn mặt Alvah Scarret có vẻ hồi hộp, nhưng phần lớn là sốt ruột, khi ông nhìn vào bản in thử bài xã luận “Bổn phận làm mẹ trong một thế giới đang thay đổi” đang nằm trên bàn làm việc của Wynand. “Có quái gì ghê gớm đâu, Gail?” ông lầm bầm một cách thờ ơ. “Đó cũng làm điều tôi cần biết – cái quái gì đây?” Ông cầm bản in thử lên và đọc to: “Thế giới mà chúng ta biết đến đã biến mất và hết thời rồi, và chúng ta không cần phải tự huyễn hoặc bản thân về điều đó nữa. Chúng ta không thể quay ngược thời gian được mà phải hướng về phía trước. Các bà mẹ ngày nay cần phải làm gương bằng cách mở rộng tầm nhìn của họ. Họ phải nâng tình yêu không vị kỷ với con cái họ lên một tầm ới – đó là yêu thương con cái của tất cả mọi người chứ không chỉ riêng con của họ. Các bà mẹ phải yêu thương tất cả những đứa trẻ trong khu tập thể, khu phố, trong thành phố, trong quốc gia của họ, và trên toàn thế giới nữa – cũng hệt như là tình cảm dành cho những cô bé Mary hay cậu bé Johnny của riêng họ vậy.” Wynand nhăn mũi khó chịu. “Alvah?... Viết sến thì cũng được thôi, nhưng còn cái loại sến rẻ tiền này?” Alvah Scarret không dám nhìn thẳng vào Wynand. “Ông đang lạc nhịp so với thời đại rồi, Gail,” Scarret nói nhỏ, nhưng giọng nói có một nốt hăm dọa – như thể có cái gì kiềm chế giọng nói lại để thăm dò và biết cách đối phó trong tương lai. Alvah Scarret thấy ngạc nhiên khi Wynand không còn hứng thú tiếp tục cuộc nói chuyện. Ông gạch chéo qua bài xã luận, nhưng vết bút chì xanh rất nhẹ và mờ. Ông nói: “Bịa ra cái khác đi, Alvah.” Scarret đứng lên, nhặt tờ giấy rồi quay người và lặng lẽ rời khỏi phòng. Wynand nhìn theo một cách ngạc nhiên, phân vân pha chút chán ngán. Wynand đã nhận ra cái xu hướng mà tờ báo đang chuyển theo trong nhiều năm qua – nó chuyển đi một cách dần dần, tinh vi, không hề có sự chỉ đạo nào từ bản thân ông. Ông đã nhận ra những bản tin thời sự được “dàn xếp” một cách kín đáo, những lời gợi ý bóng gió nửa vời, những ám chỉ mơ hồ, những tính từ kỳ quặc được đặt ở những chỗ kỳ quặc; những đề tài được chú trọng và những kết luận chính trị được chèn vào khi không cần thiết. Nếu báo đăng một câu chuyện về xung đột giữa ông chủ và nhân viên thì ông chủ sẽ được mô tả như người có lỗi, bằng cách chỉ cần thay đổi một chút từ ngữ, mà không cần biết đến những sự kiện, con số nào khác. Nếu có một câu nhắc tới quá khứ, thì nó sẽ luôn luôn là “quá khứ đen tối của chúng ta” hoặc “quá khứ đã chết của chúng ta”. Nếu có một phát biểu liên quan đến động cơ cá nhân của một ai đó thì nó luôn luôn “động cơ đầy tràn sự ích kỷ” hoặc “bị xúi bẩy bởi lòng tham.” Một ô đố chữ hỏi từ tương ứng với giải thích “những kẻ đang tiệt chủng dần” sẽ cho đáp án là “những nhà tư bản.” Wynand đã nhún vai bỏ qua điều đó, với một vẻ bất cần. Ông nghĩ rằng nhân viên của mình là những người được đào tạo tử tế: nếu đây là ngôn ngữ đường phố đang thịnh hành ở thời buổi này thì họ buộc phải chọn nó một cách tự động. Nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Ông giữ nó không chen chân vào phần xã luận; và phần còn lại sẽ ổn cả. Nó chẳng khác gì một thứ mốt đang nổi lên được một ngày rồi sẽ biến mất – còn ông thì đã tồn tại được qua nhiều lần đổi mốt rồi. Ông không mảy may quan tâm đến chiến dịch “Chúng Tôi Không Đọc Wynand.” Ông bắt được một tờ truyền đơn trong toa-lét nam và ông đã dán nó vào kính trước chiếc xe Lincoln của ông, đồng thời thêm vào mấy từ “Chúng tôi cũng không đọc.” Ông giữ nó ở đấy đủ lâu để nó được tìm thấy và đăng trên một tờ báo trung dung. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã bị đánh trả, bị chửi rủa, bị lên án bởi những chủ báo nổi tiếng nhất, bởi những liên minh quyền lực tài chính khôn ngoan nhất. Ông không thể hiểu nổi những hoạt động của một kẻ cha căng chú kiết nào đó có tên Gus Webb. Ông biết là Ngọn cờ đang mất đi một phần sự ưa chuộng của nó. “Chỉ là một cơn hâm hấp tạm thời,” ông nhún vai bảo Scarret. Ông chỉ cần tổ chức một cuộc thi thơ châm biếm, hoặc cho ra một loạt thẻ giảm giá cho các đĩa hát than,[141] là báo sẽ lập tức bán chạy hơn và ông có thể quên mọi chuyện. Ông không thể tự ép mình hoàn toàn tập trung vào công việc. Chưa bao giờ ông cảm thấy muốn làm việc như lúc này. Ông vào phòng làm việc của mình mỗi buổi sáng với bao nhiêu háo hức. Nhưng chỉ sau một giờ, ông lại thấy mình đang chăm chú nhìn vào các mối nối giữa các tấm pa-nô trên tường và lẩm nhẩm một khúc hát ru nào đó. Đó không phải là sự buồn ngán, cũng không phải cảm giác thỏa mãn của một cái ngáp, mà giống như cảm giác muốn được ngáp nhưng lại cũng không thực sự buồn ngáp. Ông không thể nói rằng ông không thích công việc của mình, nhưng nó đã gần như trở nên tẻ nhạt. Nó không đủ để ông phải đưa ra một quyết định, không đủ để ông siết chặt nắm đấm lại; mà chỉ đủ để làm ông nhăn mũi. Ông mơ hồ nghĩ rằng nguyên nhân là ở cái xu hướng mới trong thị hiếu đọc của công chúng. Ông không tìm ra lý do tại sao ông lại không chạy theo thị hiếu đó và đùa bỡn nó như ông đã đùa bỡn với tất cả những trò hâm hấp thời thượng khác. Nhưng ông không thể. Ông không hề có một trăn trở đạo đức nào. Đó không phải là một thái độ ủng hộ mà một người chủ động tiếp nhận; cũng không phải là một sự phản đối mà người ta làm nhân danh những thứ có giá trị trong cuộc sống, nó chỉ là một cảm giác bứt rứt, một cái gì đó giống như cảm giác muốn được sạch sẽ: nó là cảm giác do dự mà người ta cảm thấy trước khi thò chân xuống bùn. Ông nghĩ: Cũng chả sao – nó sẽ không tồn tại lâu – Ta sẽ quay lại khi gió đổi chiều sang cái khác – Ta nghĩ là ta sẽ đứng ngoài vụ này. Ông không thể giải thích được tại sao lần gặp gỡ với Alvah Scarret vừa rồi đem lại cho ông một cảm giác khó chịu sâu sắc hơn bình thường. Ông nghĩ: thật buồn cười khi Alvah có thể chuyển sang viết những thể loại rác rưởi như thế. Nhưng còn một cái gì khác nữa; trong cái cử chỉ rời khỏi phòng của Alvah có cái gì đó như một quyết định cá nhân; nó gần như một tuyên bố rằng từ giờ ông ta không cần phải để ý đến quan điểm của sếp nữa. Ta phải đuổi việc Alvah, ông nghĩ – và sau đó ông tự cười bản thân mình, đồng thời cũng kinh hoàng nghĩ: đuổi việc Alvah Scarret ư? – việc đó cũng tương tự như là làm cho trái đất ngừng quay – hoặc – giống như cái việc không thể tưởng tượng được – giống như đóng cửa tờ Ngọn cờ lại. Có một mệnh lệnh đưa ra từ phòng làm việc của ông đến tất cả những phòng ban có liên quan: “Lăng-xê Howard Roark.” Roark và các công trình của anh lần lượt xuất hiện thường xuyên trong trang giải trí nghệ thuật, trong phần về nhà đất, trong các bài xã luận, và trong các cột bình luận. Không có nhiều dịp để một tờ báo có thể giới thiệu về một kiến trúc sư, và những tòa nhà cũng có ít giá trị tin tức, nhưng tờ Ngọn cờ đã thành công trong việc viện đủ mọi lý do khôn khéo để đưa tên của Roark lên mặt báo. Wynand hiệu đính từng từ một. Kết quả là sự xuất hiện những bài viết hay thực sự trên tờ Ngọn cờ. Không có những câu chuyện giật gân, không có những bức ảnh chụp Roark đang ăn sáng, không có những tin tức cá nhân mà người ta quan tâm, không cố gắng tâng bốc bán rẻ một người nào đó, chỉ là lòng biết ơn và sự tôn kính rất chừng mực đối với một nghệ sĩ lớn. Ông không hề nói với Roark, và Roark cũng chưa từng đề cập đến chuyện đó. Họ không nói chuyện về tờ Ngọn cờ. Trở về ngôi nhà mới của mình vào mỗi buổi tối, Wynand đều nhìn thấy một tờ Ngọn cờ nằm trên bàn trong phòng khách. Ông đã từng không cho phép bất cứ tờ Ngọn cờ nào trong nhà mình kể từ sau đám cưới. Nhưng bây giờ, ông mỉm cười khi ông nhìn thấy nó lần đầu tiên trong nhà, và im lặng. Rồi thì ông cũng nói về chuyện đó, vào một buổi tối. Ông lật các trang báo cho đến khi ông gặp một bài viết về các khu nghỉ mát mùa hè, mà phần lớn là để miêu tả Thung lũng Monadnock. Ông ngẩng đầu liếc nhìn về phía Dominique ở đầu bên kia căn phòng; cô đang ngồi trên sàn nhà, cạnh lò sưởi. Ông nói: “Cảm ơn em, em yêu quý.” “Vì cái gì, Gail?” “Vì em hiểu khi nào anh sẽ vui khi thấy tờ Ngọn cờ trong nhà của mình.” Ông đi về phía cô và ngồi xuống sàn nhà bên cạnh cô. Ông vòng tay ôm lấy bờ vai mỏng của cô và nói: “Hãy thử nghĩ về tất cả những chính trị gia, những ngôi sao điện ảnh, những đại công tước và những khôngẻ giết người mà tờ Ngọn cờ đã lăng-xê suốt những năm qua. Hãy nghĩ về những cuộc thánh chiến mà anh thực hiện cho những công ty bán dạo, cho những khu phố đèn đỏ và rau quả trồng trong nhà. Lần đầu tiên, Dominique, anh có thể nói những gì anh tin.” “Vâng, Gail.” “Tất cả những quyền lực này – anh đã muốn, đã đạt được mà chưa bao giờ sử dụng. Bây giờ bọn họ sẽ thấy anh có thể làm gì. Anh sẽ bắt họ phải công nhận tài năng của Roark. Anh sẽ đem đến cho Roark cái danh vọng mà Roark đáng nhận được. Công luận ư? Công luận chỉ là những gì anh đẻ ra.” “Anh nghĩ là Roark muốn cái này à?” “Có thể là không. Nhưng anh không quan tâm. Roark cần nó và sẽ có nó. Anh muốn Roark có được danh vọng đó. Với tư cách là một kiến trúc sư, Roark là một tài sản của công chúng. Anh ấy không thể bắt một tờ báo ngừng viết về mình nếu như nó muốn viết.” “Tất cả những bài về Roark có phải là do chính tay anh viết không?” “Hầu hết.” “Gail, lẽ ra anh đã có thể trở thành một nhà báo vĩ đại.” Chiến dịch lăng-xê Roark đã đem lại kết quả, không phải là thứ Wynand mong đợi. Công chúng vẫn dửng dưng. Tuy nhiên trong giới trí thức, văn nghệ sĩ và đồng nghiệp, mọi người lại cười nhạo Roark. Wynand đã được nghe những lời bình phẩm như sau: “Roark ư? À phải, một con vẹt của Wynand.” “Cục cưng của tờ Ngọn cờ.” “Thiên tài của báo chí lá cải.” “Tờ Ngọn cờ bây giờ lại đi rao bán nghệ thuật cơ đấy – hoặc là gửi hai vé lô xem kịch hoặc là gửi một bản sao vở kịch.” “Anh không biết thật sao? Đó chính là những gì tôi luôn nghĩ về Roark – một tài năng rất hợp với những tờ báo của Wynand.” “Để rồi xem.” Wynand nói đầy vẻ khinh thường – và lại tiếp tục chiến dịch của riêng mình. Ông để Roark thiết kế tất cả những công trình quan trọng mà ông có thể gây sức ép với chủ của chúng. Kể từ mùa xuân, ông đã đem lại cho Roark hợp đồng thiết kế một câu lạc bộ thuyền buồm trên sông Hudson, một tòa nhà công sở, và hai biệt thự tư nhân. “Tôi sẽ đem về cho anh nhiều đến mức anh không kịp làm,” ông nói. “Tôi sẽ giúp trả lại cho anh tất cả những năm tháng mà họ bắt anh phải lãng phí.” Một buổi tối Austen Heller nói với Roark: “Có thể tôi quá tự phụ, nhưng tôi nghĩ là anh cần một lời khuyên, Howard ạ. Phải, tất nhiên là tôi muốn nói đến mối quan hệ ngớ ngẩn của anh với Gail Wynand. Anh và ông ta, với tư cách là hai người bạn thân thiết, đã làm đảo lộn hết những khái niệm duy lý mà tôi đã từng có. Suy cho cùng, loài người có những đẳng cấp khác nhau - ồ không, không phải là tôi đang nói giọng của Toohey đâu nhé – nhưng chắc chắn là cũng phải có những đường ranh giới không thể vượt qua giữa người và người chứ. ” “Vâng, đúng là có. Nhưng chưa ai phát biểu đúng về chỗ mà người ta phải kẻ ranh giới đó.” “Được thôi, tình bạn là chuyện của riêng anh. Nhưng có một việc cần phải ngừng ngay lập tức – và anh phải nghe tôi, chỉ có một lần này thôi.” “Tôi đang nghe đây.” “Tôi nghĩ chuyện ông ta đổ lên đầu anh những hợp đồng béo bở kia cũng không sao cả. Tôi chắc chắn rằng ông ta sẽ được đền bù bởi những việc làm đó. Ông ta sẽ vứt bớt được một vài gánh nặng trên vai khi ông ta xuống địa ngục. Nhưng ông ta cần phải ngừng ngay cái việc tâng bốc anh một cách công khai trên tờ Ngọn cờ. Anh phải bắt ông ta dừng lại. Anh không biêt là việc nhận được ủng hộ từ tờ Ngọn cờ đủ làm ột người mất hết uy tín sao?” Roark im lặng. “Đứng về nghề nghiệp, điều đó sẽ làm ảnh hưởng xấu đến anh, Howard.” “Tôi biết điều đó.” “Anh sẽ bắt ông ấy ngừng lại chứ?” “Không.” “Nhưng vì cái quái gì chứ?” “Tôi nói là tôi sẽ lắng nghe, Austen. Nhưng tôi không nói là tôi sẽ nói chuyện với ông ấy.” Một lần vào cuối buổi chiều mùa thu. Wynand đến phòng làm việc của Roark như mọi lần, và khi họ cùng nhau rời tòa nhà, ông nói: “Tối nay trời đẹp; hãy đi dạo một lát đi Howard. Có một miếng đấy tôi muốn cho anh xem.” Ông dẫn đường đi đến Hell’s Kitchen. Họ vòng qua một miếng đất hình chữ nhật – chiều rộng của nó chiếm hai khu phố giữa đại lộ số 9 và số 11, chiều dài kéo năm khu phố từ bắc xuống nam.[142] Roark nhìn thấy một khu chung cư tan hoang, bụi bặm, những mảng tường gạch đỏ xập xệ, những lối đi ngoằn ngoèo, những tấm bảng mục rữa, những sợi tua rách nát của quần áo lót treo trên ống thông khí. Chúng không phải là dấu hiệu của sự sống mà là bằng chứng cho sự mục nát, phân hủy đang lan rộng. “Ông sở hữu chỗ này?” Roark hỏi. “Toàn bộ.” “Cho tôi xem để làm gì? Ông không biết là bắt một kiến trúc sư nhìn vào một cảnh như thế này còn tồi tệ hơn là việc cho anh ta xem một cánh đồng toàn những xác chết chưa được chôn cất.” Wynand chỉ vào một quán ăn có mặt tiền sơn trắng ở bên kia đường rồi nói. “Chúng ta hãy vào đó.” Họ ngồi cạnh cửa sổ, tại một bàn bằng kim loại. Wynand gọi cà phê. Trông ông lịch lãm như đang ở nhà hoặc ở trong những nhà hàng sang trọng nhất thành phố vậy; sự lịch lãm của ông có một vẻ kỳ lạ ở chỗ này – nó không hạ nhục quán ăn mà dường như thay đổi không khí của quán, như thể sự xuất hiện của một vị vua, một người chẳng bao giờ thay đổi thói quen của mình, mà biến bất cứ ngôi nhà nào ông đặt chân vào trở thành cung điện. Wynand vươn người về phía trước, hai khuỷu tay chống lên mặt bàn, ông nhìn Roark qua làn khói cà phê, mắt nheo lại, cười cười. Ông chỉ về phía bên kia phố. Đó là miếng đất đầu tiên tôi mua, Howard. Lâu lắm rồi. Tôi chưa bao giờ động đến nó kể từ đó.” “Ông để dành nó cho ai?” “Anh.” Roark nâng cốc cà phê màu trắng lên môi, ánh mắt anh đối diện ánh mắt Wynand; mắt anh hơi nheo lại và hơi chế giễu. Anh biết là Wynand muốn những câu hỏi háo hức, nhưng thay vào đó anh lại ngồi im và kiên nhẫn chờ đợi. “Anh đúng là đồ vô lại cứng đầu,” Wynand bật cười đầu hàng. “Được rồi, nghe đây. Đây là nơi tôi đã sinh ra. Khi tôi có thể nghĩ đến chuyện mua bất động sản thì việc đầu tiên là tôi mua khu đất này. Từng nhà một. Rồi từng khu phố một. Cũng mất khá nhiều thời gian. Tôi đã có thể mua những khu đất hời hơn và kiếm được tiền nhanh chóng, như là sau này, nhưng tôi đã đợi cho đến khi tôi có được chỗ này đã. Ngay cả khi tôi biết là tôi có thể sẽ không dùng tới nó trong nhiều năm. Anh thấy đấy, tôi đã quyết định rằng một ngày nào đó đây sẽ là nơi mọc tên tòa nhà mang tên Wynand… Xong rồi, giờ thì cứ ngồi yên đến bao giờ cũng được – tôi vừa mới nhìn thấy vẻ mặt của anh rồi.” “Ôi, Gail…” “Chuyện gì thế? Anh muốn làm việc đó à? Rất muốn phải không?” “Tôi nghĩ là tôi hầu như sẵn sàng đổi cả mạng sống của tôi lấy việc đó – có điều như thế thì tôi không thể xây được. Đó có phải là những gì mà ông đã muốn nghe, Gail?” “Đại loại là như vậy. Tôi sẽ không yêu cầu mạng sống của anh. Nhưng được nhìn thấy anh bị sốc dù chỉ một lần như thế này cũng đáng. Cảm ơn anh đã sốc. Điều đó có nghĩ là anh hiểu tòa nhà Wynand hiện thân cho cái gì. Tòa nhà cao nhất thành phố. Và vĩ đại nhất thành phố.” “Tôi biết đó là điều ông muốn.” “Bây giờ thì tôi chưa xây. Nhưng tôi đã đợi nó trong suốt chừng ấy năm. Và bây giờ anh cũng sẽ đợi cùng với tôi. Anh có biết là tôi rất thích được hành hạ anh, theo một cách nào đó? Anh có biết là tôi luôn muốn như vậy không?” “Tôi biết.” “Tôi đưa anh đến đây chỉ để nói với anh rằng tòa nhà sẽ là của anh khi tôi cho xây nó. Tôi đã đợi, bởi vì tôi đã nghĩ rằng tôi chưa sẵn sàng. Kể từ khi tôi gặp anh, tôi biết là tôi đã sẵn sàng – và ý tôi là vì anh là kiến trúc sư. Nhưng chúng ta sẽ phải đợi thêm một chút nữa, chỉ khoảng một hoặc hai năm, để ọi thứ hồi phục khỏi khủng hoảng. Bây giờ không phải là lúc để xây dựng. Tất nhiên là tất cả mọi người đều nói rằng thời đại của những tòa nhà chọc trời đã qua. Rằng như thế là lỗi thời, lạc hậu. Tôi không quan tâm đến việc đó. Tôi sẽ làm cho tòa nhà này tự nó trở nên có giá trị. Tập đoàn Wynand có văn phòng rải rác khắp nơi trong thành phố. Tôi muốn tất cả chuyển về tập trung ở một tòa nhà. Và tôi có ảnh hưởng đủ lớn đối với những nhân vật quan trọng để có thể ép họ thuê hết phần trống còn lại của tòa nhà. Có lẽ nó sẽ là tòa nhà chọc trời cuối cùng được xây ở New York. Như thế càng tốt. Tòa nhà cuối cùng và vĩ đại nhất.” Roark ngồi nhìn sang bên kia đường. Mắt anh hướng vào những đống đổ nát loang lổ. “Chúng sẽ được kéo sập, Howard. Tất cả. San phẳng hết. Cái nơi mà tôi đã không phải là ông chủ. Nó sẽ được thay thế bằng công viêc và tòa nhà Wynand… Tất cả những tòa nhà đẹp nhất của New York đều lãng phí bởi vì người ta không nhìn được chúng, chúng che khuất lẫn nhau. Nhưng mọi người sẽ nhìn thấy tòa nhà của tôi. Nó sẽ cải tạo toàn bộ khu vực xung quanh. Những người khác sẽ phải chạy theo. Không phải vì vị trí thích hợp, họ chắc sẽ nói như vậy? Nhưng ai là người tạo ra những vị trí thích hợp? Rồi họ sẽ biết. Nơi đây có thể sẽ trở thành trung tâm mới của thành phố - khi cả thành phố này sống lại một lần nữa. Tôi đã có kế hoạch này khi mà tờ Ngọn cờ chỉ là một tờ báo lá cải hạng bét. Tôi đã không tính sai, phải không? Tôi biết tôi sẽ trở thành ai… Nó sẽ là một đài tưởng niệm cho tôi, Howard. Anh còn nhớ những gì anh nói trong lần đầu tiên anh bước vào phòng làm việc của tôi? Tuyên ngôn của đời tôi. Có những điều trong quá khứ mà tôi không thích. Nhưng tất cả những gì mà tôi đã tự hào thì sẽ còn tồn tại mãi. Khi mà tôi từ giã cuộc đời này thì tòa nhà đó sẽ có tên là Gail Wynand… Tôi đã biết là tôi có thể tìm được đúng kiến trúc sư cho nó khi thời điểm xây dựng nó đến. Tôi cũng đã không biết rằng anh ta không chỉ đơn thuần là một kiến trúc sư tầm thường nào đó mà tôi thuê, mà còn hơn thế nữa. Tôi rất mừng là mọi việc đã xảy ra như thế này. Nó như là một phần thưởng. Như thể là tôi đã được tha thứ.Thành tựu cuối cùng và lớn nhất của tôi cũng sẽ là tác phẩm lớn nhất của anh. Nó không những là đài tưởng niệm của tôi mà còn là món quà tốt nhất mà tôi có thể đem tặng người đàn ông có ý nghĩa lớn nhất với tôi trên quả đất này. Đừng có nhăn mặt, anh biết là anh có ý nghĩa như thế nào đối với tôi. Hãy nhìn vào quang cảnh kinh hoàng ở bên kia phố. Tôi muốn ngồi đây và quan sát anh ngắm nhìn chúng. Đó sẽ là những gì mà chúng ta sẽ phá hủy – tôi và anh. Đó sẽ là nơi nó sẽ mọc lên – tòa nhà Wynand do Howard Roark thiết kế. Tôi đã đợi điều này kể từ ngày tôi được sinh ra trên đời này. Anh cũng vậy, anh đã đợi chờ cơ hội lớn nhất của đời anh từ lúc anh sinh ra. Và nó đây, Howard, ở bên kia phố. Cơ hội của anh – do tôi đem tặng.”