Suối Nguồn (The Fountainhead)
Chương 93
VII.
Chỉ khi người thợ sơn cuối cùng ra về, Peter Keating mới cảm nhận thấy sự cô độc và sự yếu ớt đến tê liệt của khuỷu tay mình. Anh đứng trong sảnh và nhìn lên trần nhà. Dưới lớp sơn thô, anh vẫn có thể nhìn thấy đường nét của một hình vuông, nơi cái cầu thang vừa bị tháo đi và cái lỗ hổng đã được người ta bịt lại. Văn phòng cũ của Guy Francon đã không còn. Hãng Keating & Dumont giờ đây chỉ còn lại một tầng.
Anh nghĩ đến cái cầu thang, nhớ lại lần đầu tiên anh đã đi trên những bậc thang trải nhung đỏ ấy, cầm một bản vẽ trên các đầu ngón tay. Anh nghĩ về vưn phòng Guy Francon với những ánh sáng lung linh tráng lệ. Anh nghĩ về bốn năm qua khi văn phòng đó thuộc về anh.
Trong những năm gần đây, anh đã biết điều gì đang xảy ra với công ty của anh. Anh đã biết rất rõ khi những người mặc đồng phục công nhân tháo dỡ chiếc cầu thang và vá cái lỗ hổng trên trần. Nhưng chính cái hình vuông dưới lớp sơn trắng ấy là cái làm cho anh ý thức rằng mọi việc đang thật sự xảy ra, và không thể thay đổi.
Anh đã phó mặc cái sự tụt dốc này, từ lâu rồi. Không phải tự anh lựa chọn để phó mặc mọi sự - như thế đã là một quyết định tích cực - đơn giản là nó cứ thế xảy ra và anh đã để mặc cho nó xảy ra. Mọi việc diễn ra rất giản đơn, hầu như không gây đau đớn gì, giống như sự uể oải cũng không gây ra cho người ta điều gì tồi tệ ngoài một giấc ngủ ngon. Nỗi đau âm ỉ đến từ cái ước muốn hiểu được tại sao điều đó lại xảy ra.
Cuộc triển lãm Hành trình của Những thế kỷ đã diễn ra, nhưng chỉ mình cuộc triển lãm ấy thì không thành vấn đề. Hành trình của Những thế kỷ đã khai mạc vào tháng Năm và đã thất bại. Thì đã sao nào, Keating nghĩ, tại sao lại không dùng một từ chính xác? Một thất bại. Một thất bại lớn. "Tên của dự án này đáng lẽ sẽ là cái tên phù hợp nhất," Ellsworth Toohey đã viết, "nếu chúng ta giả thiết rằng các thế kỷ đã vụt qua trên lưng ngựa."
Tất cả các bài viết khác về những giá trị kiến trúc của cuộc triển lãm này cũng tương tự như vậy.
Keating cay đắng nghĩ về việc anh và bảy kiến trúc sư khác đã làm việc tận tình như thế nào khi thiết kế những tòa nhà đó. Đúng là anh đã đẩy mình ra phía trước và nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận hơn, nhưng anh đã không làm thế trong những thứ liên quan đến thiết kế. Họ đã làm việc trong sự hòa thuận, thông qua các cuộc họp liên tiếp, mỗi người nhượng bộ những người kia trong một tinh thần tập thể thực sự, không một ai cố áp đặt những định kiến cá nhân hay những ý tưởng ích kỷ của riêng mình đối với những người khác. Thậm chí Ralston Ho be đã quên đi phong cách Phục hưng. Họ thiết kế các tòa nhà hiện đại, hiện đại hơn bất kỳ những gì từng có, hiện đại hơn những cửa sổ bày hàng của Trung tâm Thương mại Slottern. Anh không nghĩ rằng những tòa nhà ấy trông giống như "thuốc đánh răng phòi ra thành từng sợi khi có ai đó dẫm lên tuýp thuốc, hay những phiên bản được cách điệu hóa của trực tràng", như một nhà phê bình đã nói.
Nhưng công chúng dường như nghĩ vậy - nếu quả đúng là công chúng có suy nghĩ chung. Anh không biết chắc. Anh chỉ biết rằng người ta đã đổi vé vào cổng của Hành trình của Những thế kỷ lấy thẻ chơi trò Screeno ở các rạp hát, và rằng sự kiện gây náo động cũng là cứu cánh về tài chính cho cuộc triển lãm lại là màn nhảy múa trần truồng của một anh hề mang tên Juanita Fay với một con công.
Nhưng việc hội chợ này thất bại thì đã sao nào? Việc đó chẳng làm tổn hại gì tới các kiến trúc sư khác của hội đồng. Gordon L.Prescott đang phất lên hơn bao giờ hết. Không phải là vì cái hội chợ này - Keating nghĩ. Mọi việc đã bắt đầu từ trước đó rồi. Anh cũng không biết là khi nào.
Có thể có nhiều lời giải thích. Sự suy thoái đã ảnh hưởng tới tất cả bọn họ; một số công ty khác đã hồi phục trong một chừng mực nhất định, còn công ty Keating & Dumont thì không. Khi Guy Francon nghỉ hưu, công ty và cả sức hút của nó đối với khách hàng dường như dã bị mất đi một cái gì đó. Keating nhận ra rằng đó là nghệ thuật, kỹ năng và một thứ năng lượng nghề nghiệp không theo một lô-gíc nào của Guy Francon, thậm chí ngay cả khi thứ nghệ thuật ấy chỉ nằm ở sự duyên dáng trong giao thiệp và cái năng lượng ấy chỉ được dùng để giăng bẫy những nhà triệu phú do dự. Các khách hàng thường có những thay đổi đột ngột về thẩm mỹ khi làm việc với Guy Francon.
Anh không thể tìm ra một chìa khóa nào để giải đáp một cách hợp lý những phản ứng của khách hàng bây giờ. Chủ soái hiện tại trong ngành - dĩ nhiên chỉ ở quy mô khiêm tốn thôi, vì rằng chẳng còn có cái gì có quy mô lớn nữa - là Gordon L.Prescott, Chủ tịch Hội đồng các Nhà Xây dựng Mỹ; Gordon L.Prescott - người giảng bài về chủ nghĩa thực dụng của kiến trúc, về quy hoạch xã hội; Gordon L.Prescott - người gác chân lên bàn trong các phòng khách, người mặc quần chẽn đến dự các các bữa tiệc tối trang trọng và lớn tiếng chê bai món súp. Những người ở tầng thượng lưu nói rằng họ thích một kiến trúc sư cách tân. Hiệp hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ vẫn tồn tại với những giá trị cứng nhắc và đã bị thương tổn, nhưng mọi người nhắc đến nó bằng cái tên Nhà Dưỡng lão. Hội đồng các Nhà Xây dựng Mỹ thống trị ngành xây dựng và đang bàn luận về việc làm cho nó trở thành một hội kín, mặc dù chưa có ai tìm ra cách để đạt được điều đó. Bất kỳ khi nào tên của một kiến trúc sư xuất hiện trong cột báo của Ellsworth Toohey thì cái tên đó luôn luôn là Augustus Webb. Ở độ tuổi ba mươi chín, Keating nghe thấy mình bị nhắc đến như một người đã hết thời.
Anh đã từ bỏ những nỗ lực để tìm hiểu chuyện này. Anh lờ mờ hiểu rằng lời giải thích cho cái thay đổi đang nuốt chửng lấy thế giới này là một thứ mà anh không muốn biết. Khi còn trẻ, anh cảm thấy có chút co thường những công trình của Guy Francon hay Ralston Ho be, và việc tranh đua với họ hầu như chỉ là do sự hiếu chiến ngây thơ. Nhưng anh biết rằng Gordon L.Prescott và Gus Webb là hiện thân ột sự lừa gạt phi lý và xấu xa đến mức việc bỏ qua những bằng chứng chính anh đã tận mắt trông thấy nằm ngoài khả năng của anh. Anh từng tin rằng người ta tìm thấy sự vĩ đại ở Ho be và đã cảm thấy thỏa mãn một cách hợp lý trong việc vay mượn sự vĩ đại vay mượn của ông ta. Anh biết là không có ai nhìn rõ Prescott. Anh cảm thấy có cái gì đó đen tối và đểu cáng trong cách người ta nói về thiên tài của Prescott, như thể không phải họ đang tỏ lòng kính trọng Prescott mà đang khạc nhổ vào thiên tài đó. Lần đầu tiên, Keating không thể chạy theo công chúng bởi vì anh thấy quá rõ ràng rằng sự ưa chuộng của công chúng không còn là một sự công nhận tài năng, mà nó gần như trở thành một dấu hiệu của sự nhục nhã.
Anh vẫn tiếp tục làm việc theo quán tính. Anh không có đủ tiền trả cho những văn phòng rộng và không sử dụng hết một nửa số phòng, nhưng anh vẫn giữ chúng lại. Anh bỏ tiền túi của mình để trả cho khoản thâm hụt này. Anh phải tiếp tục. Anh đã mất một phần lớn tài sản của mình trong một vụ đầu cơ cổ phiếu thiếu thận trọng. Nhưng anh vẫn còn đủ để đảm bảo một cuộc sống tiện nghi từ nay đến cuối đời. Điều này không làm phiền anh. Tiền bạc đã không còn là mối quan tâm chính của anh. Chính tình trạng vô công rồi nghề là cái mà anh sợ hãi; nó là dấu chấm hỏi lờ mờ ở đằng xa - liệu có một lúc nào đó, người ta lấy đi cả những công việc hằng ngày của anh.
Anh đi bộ chậm rãi, hai cánh tay ép vào người, vai gồng lên như để chống lại sự lạnh giá thường trực. Anh đang tăng cân. Mặt anh phị ra. Anh cúi mặt xuống, và cái ngấn cằm thứ hai đè lên nút thắt cà-vạt. Trên gương mặt anh vẫn còn sót lại vẻ khôi ngô và nó làm anh trông còn tệ hơn; cứ như thể những đường nét của gương mặt anh được vẽ trên một tờ giấy thấm, cứ lan dần ra, nhòe đi. Những đốm tóc hoa râm trên hai thái dương của anh đậm hơn. Anh uống rượu thường xuyên mà không có hứng thú gì.
Anh đã đề nghị mẹ anh quay trở về sống cùng với anh. Bà đã quay về. Họ ngồi cùng nhau suốt các buổi tối dài trong phòng khách, không ai nói một lời, không phải vì bực bội nhau, mà để tìm kiếm sự an ủi từ phía người kia. Bà Keating không có một gợi ý hay trách mắng nào. Thay vào đó là sự âu yếm mang màu sắc hoang mang mới dành cho cậu con trai. Bà chuẩn bị bữa sáng cho anh mặc dù họ có người giúp việc. Bà chuẩn bị món bánh pancake[135] kiểu Pháp cho anh - đây là món mà anh đã rất thích khi anh lên chín tuổi và bị lên sởi. Nếu anh để ý tới những cố gắng của bà và có vài lời bày tỏ sự hài lòng, bà gật gật đầu, chớp mắt và quay đầu đi, tự hỏi tại sao điều đó lại làm bà hạnh phúc đến vậy, và nếu đúng là bà hạnh phúc thì tại sao mắt bà lại đầy lệ.
Sau một lúc yên lặng, bà có thể bất ngờ hỏi: "Mọi chuyện rồi sẽ ổn chứ, Petey? Có phải thế không con?" Anh không hỏi lại ý bà là gì, mà trả lời một cách trầm lặng: "Vâng, thưa mẹ, sẽ ổn thôi," và dành mọi khả năng cuối cùng của tình thương để cố làm cho giọng nói của mình nghe có vẻ thuyết phục.
Một lần bà hỏi: "Con hạnh phúc, phải không Petey? Có đúng không?" Anh nhìn bà và nhận ra rằng bà không cười nhạo anh. Mắt bà mở to và hoảng sợ. Và khi anh không thể trả lời, bà khóc: "Nhưng con phải hạnh phúc! Petey, con phải được hạnh phúc! Bằng không thì mẹ đã sống vì cái gì?" Anh muốn đứng dậy, ôm chầm lấy bà và nói rằng mọi chuyện đều ổn... rồi khi ấy anh nhớ tới những gì Guy Francon đã nói với anh trong ngày cưới của anh: "Tôi muốn cậu cảm thấy tự hào về tôi, Peter... Tôi muốn cảm thấy rằng điều đó có một ý nghĩa gì đó." Và anh không thể đứng dậy. Anh cảm thấy anh đang đối diện với một cái gì đó mà anh không hiểu nổi và không bao giờ được cho phép nó lẻn vào tâm trí anh. Anh quay mặt đi khỏi mẹ anh.
Một buổi tối, bà nói mà không rào đón trước: "Petey, mẹ nghĩ con nên cưới vợ. Mẹ nghĩ nếu con cưới vợ thì sẽ tốt hơn nhiều." Anh chẳng biết trả lời bà như thế nào. Và khi anh đang cố gắng tìm một chuyện gì đó vui vẻ để nói với bà, thì bà lại nói tiếp: "Petey, sao con không cưới Catherine Halsey nhỉ?" Anh cảm thấy sự tức giận dâng đầy trong mắt, cảm thấy sức ép trên hai mí mắt căng phồng khi anh quay người chầm chậm về phía bà. Rồi anh nhìn thấy cái dáng béo lùn của bà trước mặt anh, cứng đờ và yếu đuối, với một niềm kiêu hãnh tuyệt vọng, sẵn sàng đón nhận mọi cú đánh của anh, và sẵn sàng tha thứ trước cho anh - và anh nhận ra rằng đây là cử chỉ can đảm nhất mà bà từng có. Cơn giận tan đi, bởi vì anh nhận ra rằng nỗi đau của bà còn lớn hơn cú sốc của anh. Anh nhấc một tay lên và thả nó rơi xuống - để cử chỉ ấy giấu đi mọi thứ. Anh chỉ nói: "Mẹ ơi, đừng để..."
Một hoặc hai lần trong tháng, vào dịp cuối tuần, anh biến mất khỏi thành phố. Không ai biết anh đi đâu. Bà Keating rất lo lắng, nhưng không thắc mắc gì. Bà nghi ngờ rằng anh có một người phụ nữ ở đâu đó - và hẳn không phải một người đàn bà đức hạnh, nếu không thì anh đã chăng yên lặng một cách rầu rĩ đến thế khi nói về chuyện này. Bà thấy mình thầm hy vọng rằng anh đã rơi vào lưới tình của một ả đàn bà hư hỏng, tồi tệ và tham lam nhất, người đủ khôn ngoan để buộc anh phải cưới cô ta.
Anh đi tới căn lều anh thuê trên những quả đồi của một ngôi làng ít người biết đến. Anh cất sơn, cọ vẽ, và vải vẽ trong căn lều này. Cả ngày anh ở trên đồi và vẽ. Anh không biết vì sao mà anh có thể nhớ được cái hoài bão đã bị chôn vùi từ thời trai trẻ ấy, cái hoài bão mà mẹ anh đã làm cạn kiệt và chuyển hướng nó sang kiến trúc. Anh không biết làm thế nào mà nó lại thôi thúc và làm anh không thể cưỡng lại được; chỉ biết anh đã tìm thấy căn lều và muốn tới đó.
Anh không thể nói rằng anh thích vẽ. Đây không phải là sự thỏa mãn hay sự khuây khỏa, mà là sự tự tra tấn; nhưng theo một cách nào đó, điều này cũng chẳng quan trọng. Anh ngồi trên một chiếc ghế đẩu, mặt ghế có căng vải bạt, trước giá vẽ, nhìn vào những mảng đồi trọc, nhìn vào những cánh rừng và bầu trời phía trên. Anh muốn bày tỏ một nỗi đau thầm kín, một cảm giác dịu dàng khiêm nhường và không thể kìm nén với cảnh vật của thế giới xung quanh - và một cái gì đó nén chặt, tê liệt - đó là cách duy nhất để diễn tả trạng thái của anh. Anh tiếp tục vẽ. Anh gắng sức. Anh nhìn vào các bức vẽ và biết rằng những nét vẽ thô ráp trẻ con ấy chẳng nắm bắt được một điều gì cả. Nhưng cũng chẳng sao. Không có ai nhìn những bức vẽ đó. Anh cất chúng cẩn thận trong góc của căn lều và khóa cửa lại trước khi quay về thành phố. Khi ngồi một mình trước khung vẽ, anh không cảm thấy vui thích, không kiêu hãnh, không lối thoát, chỉ có một cảm giác bình yên.
Anh cố không nghĩ về Ellsworth Toohey. Một bản năng lờ mờ mách bảo anh rằng anh có thể giữ được một sự yên ổn mong manh cho tâm hồn chừng nào anh không động chạm gì tới chủ đề đó. Chỉ có một cách giải thích thái độ mới của Toohey với anh - và anh không muốn nghĩ đến nó.
Toohey đã bỏ rơi anh. Cứ mỗi năm, khoảng cách giữa các cuộc gặp của họ tăng dần. Anh chấp nhận điều đó và tự nói với mình rằng đó là do Toohey bận rộn. Sự yên lặng của Toohey trước công chúng về anh đúng là một trở ngại. Anh tự nhủ rằng Toohey đối với Hành trình của Những thế kỷ như một cú nốc-ao. Anh tự nhủ rằng công trình của anh đáng bị như vậy. Anh chấp nhận bất kỳ lời buộc tội nào. Anh có thể hoài nghi chính mình, chứ không thể hoài nghi Ellsworth Toohey.
Neil Dumont là người buộc anh nhớ tới Toohey. Neil nói một cách nóng nảy về tình hình thế giới, về sự hối tiếc những chuyện đã qua, về việc thay đổi là một quy luật của sự tồn tại, về sự thích nghi, và về tầm quan trọng của việc phải nhảy trở lại vào trong cuộc đua. Keating rút ra được từ bài phát biểu dài và lẫn lộn ấy rằng cái kiểu kinh doanh như họ biết đã kết thúc, rằng cho dù họ có thích hay không thì chính phủ cũng sẽ bắt đầu kiểm soát, rằng ngành xây dựng đang chết dần và chính phủ sẽ sớm trở thành nhà thầu duy nhất, và họ nên nhập cuộc bây giờ - nếu như họ vẫn còn có thể nhập cuộc.[136] "Hãy nhìn Gordon Prescott kìa," Neil Dumont nói, "ông ta chiếm được hợp đồng độc quyền với các dự án xây dựng chung cư và các bưu điện. Hãy nhìn Gus Webb đang lên như diều nữa."
Keating không trả lời. Neil Dumont ném vào anh những suy nghĩ của chính anh mà anh không muốn thú nhận. Anh đã biết rằng rồi anh sẽ sớm phải đối diện với điều này, và anh đã cố gắng trì hoãn thời khắc này.
Anh không muốn nghĩ về Dự án chung cư Cortlandt.
Dự án chung cư Cortlandt là một dự án nhà của chính phủ. Nó sẽ được xây dựng ở Astoria, bên bờ sông Đông. Kế hoạch này là một thử nghiệm khổng lồ ô hình nhà rẻ tiền và sẽ được nhân rộng ra cả nước, cả thế giới. Keating đã nghe giới kiến trúc sư bàn luận về dự án này suốt cả năm nay. Ngân sách đã được duyệt, vị trí xây dựng đã được lựa chọn, nhưng kiến trúc sư thì chưa. Keating không muốn thừa nhận với chính mình rằng anh rất muốn có được dự án Cortlandt, và cơ hội của anh để làm được điều đó thì rất nhỏ.
"Nghe này, Peter, chúng ta hãy nói trắng ra nhé," Neil Dumont nói. "Chúng ta đang trượt dốc và anh biết điều đó. Phải, chúng ta sẽ cầm cự được thêm một hay hai năm nữa bằng cách ăn bám vào danh tiếng của anh. Và sau đó thì sao? Đây không phải là lỗi của chúng ta. Chỉ là bởi vì các doanh nghiệp tư nhân đang chết dần chết mòn. Đây là một tiến trình lịch sử. Cơn sóng của tương lai. Vậy nên chúng ta cần nắm lấy ván lướt sóng ngay khi có thể. Có một tấm ván tốt, đủ chắc chắn đang chờ ai đủ khôn ngoan để mà nắm lấy. Đó là dự án chung cư Cortlandt."
Giờ thì anh đã nghe thấy điều đó nói ra bằng lời. Keating tự hỏi sao cái tên ấy nghe như một tiếng chuông bị nghẹt, như thể cái tên ấy đã mở ra và khép lại ột chuỗi các sự kiện tiếp theo mà anh sẽ không thể dừng được.
"Ý anh là gì hả Neil?"
"Dự án chung cư Cortlandt. Ellsworth Toohey. Bây giờ anh biết tôi muốn nói gì rồi đấy."
"Neil, tôi..."
"Có chuyện gì với anh vậy Peter? Nghe này, mọi người đang cười về chuyện ấy đấy. Họ bảo nếu họ là cục cưng của Toohey như anh thì họ sẽ dành được Dự án chung cư Cortlandt nhanh như thế này này" - anh ta bật những ngón tay được cắt tỉa cẩn thận của mình đánh tách một cái - "thế đấy, không một ai có thể hiểu anh còn chờ đợi gì nữa. Anh biết ông bạn Ellsworth của anh là người điều khiển cái dự án này mà."
"Không phải vậy đâu. Không phải ông ấy. Ông ấy chẳng có vị trí chính thức nào. Ông ấy chưa bao giờ có bất kỳ vị trí chính thức nào cả."
"Anh đang đùa với ai thế? Hầu hết những gã trai quan trọng trong tất cả các văn phòng kiến trúc đều là người của ông ta. Quỷ tha ma bắt nếu tôi biết được ông ta đã làm thế nào để nhét họ vào những chỗ đó, nhưng ông đã làm được. Có chuyện gì vậy hả, Peter? Anh sợ cầu xin ân huệ từ Ellsworth Toohey à?"
Thế đấy, Keating nghĩ; giờ thì không có đường lui nữa rồi. Anh không thể thừa nhận với chính mình rằng anh sợ phải cầu xin Ellsworth Toohey.
"Không," anh nói với giọng thẫn thờ. "Tôi không sợ gì cả, Neil. Tôi sẽ... Được thôi, Neil. Tôi sẽ nói chuyện với Ellsworth."
Truyện khác cùng thể loại
17 chương
18 chương
12 chương
30 chương