Tin một thiếu nữ tên Tấm lên làm vợ vua đã lan ra khắp chốn. Khắp thiên hạ, người ta đồn nhau những câu chuyện kì quái, dù chẳng ai muốn tin, nhưng người này kể cho người kia, xong cuối cùng cứ lan ra thành một tích lạ. Người ta đồn nhau rằng, hôm ấy trên lòng sông, dưới chân cầu, có một chiếc hài thêu tinh xảo nối trên mặt nước. Một số người bơi xuống vớt chiếc hài ấy. Nhưng đến gần chiếc hài bỗng nhiên bị kéo thụt xuống lòng nước, không thấy ngoi lên. Dân làng xung quanh cho rằng có yêu quái. Quây quanh hai bên bờ, mời thầy pháp đến, làm đủ mọi thứ phép nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra. Người càng lúc càng đông. Từ phía sau, khi đoàn xa giá chở nhà vua qua cầu, con voi ngự bỗng nhiên cắm ngà xuống đất kêu rống lên không chịu đi. Khi nhà vua và đoàn tùy tùng đi qua, người dân mới rẽ sang hai bên. Vua sai tùy tùng nhảy xuống nước, vớt chiếc giày. Dân làng nín thở, sợ người lính ấy sẽ bị kéo xuống nước sâu mà biến mất. Kì lạ thay, người tùy tùng ấy dễ như không, với lấy chiếc giày, trình lên nhà vua. Nhà vua cầm chiếc giày lên, nhìn xung quanh, những họa tiết hình xoắn ốc màu đỏ cuộn tròn, những đường vân như vảy cá, nổi lên rồi lại chìm xuống. Nhà vua như trong cơn mê, lẩm bẩm: "Người đi vừa chiếc giày này hẳn là một trang tuyệt sắc." Rồi bỗng dưng, vua truyền lệnh: Hễ ai đi vừa chiếc giầy, thì vua sẽ lấy làm vợ. Dân làng ồ lên ngạc nhiên. Dù sợ hãi vì chiếc giày, nhưng việc làm vợ vua vẫn là một món hời lớn. Các bà, các cô chen nhau đến chỗ thử giày. Nhưng cứ ai cầm giày lên định ướm vào chân, lại thấy trong tay mình không phải là chiếc giày, mà là một con cá bốn chân, có hàm răng nhọn hoắt đang nhe ra. Hễ chỉ cần cho chân đến gần, nó sẽ vồ lên mà ngoạm chặt. Thành thử, cứ ai đang định thử giày, thì lại kêu "ối" lên một tiếng, giật mình, ném chiếc giày ra xa. Dần dần, khắp dân trong làng, không ai dám thử nữa. Chiếc hài cứ chỏng chơ nằm trên mặt đất. Nhà vua có vẻ thất vọng, bỗng từ trong đám đông, xuất hiện một người con gái nhẹ nhàng bước đến. Người con gái đó dáng vẻ hiền dịu, làn da trắng, hai mắt trong veo, thân hình đầy đặn, dáng người yểu điệu như liễu yếu đào tơ. Nàng đi đến, chống một chân xuống và thử giày. Vừa như in. Nhà vua vui mừng, sai người gọi người con gái ấy đến, hỏi: "Nàng tên gì?" "Thưa bệ hạ. Thần thiếp tên Tấm." – giọng Tấm nhỏ nhẹ Nhà vua lấy tay nâng cằm của Tấm lên, ngắm nghía rồi nói: "Từ nay nàng sẽ là vợ ta." Rồi nhân gian đồn nhau câu chuyện như thế, có kẻ còn thêm mắm thêm muối. Rằng, sau khi nhà vua đưa Tấm đi, có bóng một con thuồng luồng mắt đỏ bơi dưới mặt nước. Rằng, Tấm thực chất là hồ li tinh sống ở trên núi, bày kế mê hoặc nhà vua, bởi người trong làng, chưa ai nhìn tấy Tấm trước đây cả. Mẹ Cám nghe được tin, lập tức quay về nhà. Cám ngồi trong nhà, co ro một góc, nhà cửa tan hoang, gạo và thóc vương vãi khắp nơi. Thấy mẹ về, Cám òa lên khóc. Ôm Cám vào lòng, thị lẩm bẩm: "Nhắm đến hoàng cung. Thì ra ngay từ đầu, ác linh đã có ý định phong ấn long mạch." Ngày hôm đó hai mẹ con Cám, im lặng dọn dẹp nhà cửa. Trong đầu mẹ Cám nghĩ đủ mọi cách để dừng tay ác linh. Nhưng hoàng cung canh phòng cẩn mật, cao thủ vô số, khả năng xâm nhập vào là quá nhỏ, không chừng phải đổ máu vô ích. Tối hôm đấy, mẹ Cám ngồi trong nhà, bói một quẻ, xem sao, xem mệnh. Nhìn kết quả lá số, thị im lặng một lúc lâu. Đoạn, thị gọi Cám ra mà bảo rằng: "Ý trời đã định, mệnh ta sắp cạn, sống chẳng còn được bao lâu nữa." "Việc phong ấn long mạch ngàn năm chẳng phải chuyện một sớm một chiều. Thời gian này, ta sẽ truyền lại cho con những gì ta biết để phòng thân. Sau đó, con hãy lên đường đi tìm các đạo sĩ trong giang hồ. Họ sẽ nghĩ ra cách để bảo vệ long mạch." "Thế nước đang lâm nguy. Chúng ta phải có bổn phận phải bảo vệ nước Đại Việt này." Mẹ Cám dặn thêm, từ giờ trở đi, không được rời chiếc yếm đang mặc. Cám nuốt nước mắt vào trong, gật đầu. Muốn tu tập cảnh giới đạo pháp đầu tiên, phải mất ít nhất một năm. Mẹ Cám rút ngắn giai đoạn, muốn đạt được những bước cơ bản, phải mất ít nhất sáu mươi ngày. Vậy mà, chưa tới bảy ngày sau, trong một buổi sáng tiết trời âm u, vạn vật ủ rũ không chút sinh khí. Trong lúc Cám đang tu tập ở sân, mẹ Cám trong nhà, lẩm nhẩm xóc bình, rơi một quẻ xuống đất. Thị cầm lên đọc, thấy hai chữ viết bằng mực đỏ: ĐẠI HUNG. Thị bắt đầu dịch quẻ, những tiếng đều đều: "Quẻ này Nhà tan cửa nát Quỷ khóc thần gào. ..." Cùng lúc đó, ngoài sân có động. "... Số đoản mệnh Bệnh tật, mất máu Tuyệt đối không được dùng." Lời mẹ vừa dứt, Cám ngẩng đầu lên. Chẳng biết tự bao giờ, Tấm đang đứng nhìn từ phía cổng, cười nhẹ: "Chào em. Chị về giỗ cha."