Sông Đông Êm Đềm
Chương 183
Hai người sống hai ngày hai đêm như trong một giấc mộng, không phân biệt ngày hay đêm, cũng không biết chung quanh mình có gì xảy ra. Đôi khi Grigori tỉnh dậy sau một giấc ngủ ngắn ngủi và mê mệt, thấy Acxinhia nhìn mình chằm chằm trong căn phòng nhá nhem tối chăm chú như nghiên cứu điều gì. Nàng thường chống khuỷu tay, nằm tì má lên lòng bàn tay, nhìn chàng hầu như không chớp.
- Em nhìn gì thế? - Grigori hỏi.
- Em muốn nhìn cho đã con mắt… Chúng nó sẽ giết mất anh, trái tim em nó thấy trước như thế.
- Thôi được đã thấy trước như thế thì cứ nhìn đi, - Grigori mỉm cười.
Đến ngày thứ ba chàng ra phố lần dầu. Từ sáng Kudinov đã năm lần bảy lượt sai liên lạc đến mời chàng tới họp hội nghị. "Tôi không đến đâu. Mặc họ bàn với nhau, không có mặt tôi cũng được", - Grigori trả lời những tên liên lạc.
Prokho dắt về cho chàng một con ngựa mới, lấy được ở bộ tư lệnh, rồi đến đêm hắn lần tới khu vực của đại đội thôn Gromoc, khiêng về cái yên còn để đấy. Acxinhia thấy Grigori sửa soạn ra đi, bèn hoảng lên hỏi rằng:
- Anh đi đâu thế?
- Anh muốn tạt về thôn Tatarsky xem quân ta phòng thủ thôn xóm ra sao, nhân tiện hỏi xem gia đình ở đâu?
- Anh nhớ con à? - Acxinhia thấy lạnh, vội quàng chiếc khăn san lên hai cái vai xuôi ngăm ngăm - Cũng nhớ đấy.
- Anh không đi có được không?
- Không, phải đi mới được.
- Anh chớ có đi! - Acxinhia van chàng, mắt nàng bắt đầu sáng rực lên trong hai cái hố con mắt thâm quầng. - Như thế là anh quý gia đình hơn em à? Quý hơn có phải không? Cả ở đây lẫn ở đó đều không dứt ra được à? Thế thì anh đưa em về nhà anh đi. Đại khái em và Natalia sẽ có cách hoà hợp với nhau… Thôi được, anh cứ đi đi! Nhưng đừng vác mặt về đây với em nữa! Em sẽ không tiếp đâu. Em không muốn như thế nầy! Em không muốn…
Grigori lặng lẽ ra sân, lên ngựa.
° ° °
Đại đội bộ binh của thôn Tatarsky ngại không muốn đào chiến hào.
- Chúng nó lại nghĩ ra cái trò quỷ quái nầy, - Khristonhia nói với cái giọng ồm ồm của hắn. - Làm như chúng ta đang ở mặt trận đánh nhau với quân Đức không bằng? Anh em ạ, cứ đào cái loại chiến hào phổ thông, sâu đến đầu gối là được rồi. Đào bới tới hai ác- sin trong thứ đất rắn đanh nầy mà coi là một việc thông minh hay sao? Đến thuốn cũng chẳng chọc được xuống nữa là xẻng.
Tất cả những tên khác đều lắng nghe hắn, vì thế chúng chỉ đào những đoạn chiến hào nằm bắn trong chất đất rất xốp trên cái vách đứng bên hữu ngạn và làm thêm vài cái hầm trong rừng.
- Chà thế là chúng ta đã chuyển sang sống cuộc đời chuột đồng! - Anikey nói đùa, hắn vốn dĩ chẳng biết phiền muộn là gì. - Chúng ta sẽ chui rúc trong hang trong lỗ, sẽ đi kiếm cỏ mà ăn, nếu không các cậu sẽ chỉ thích chén bánh tráng với phó mát, thịt, mì sợi với cá chiến… Còn cỏ sông Đông thì các cậu không thích à?
Hồng quân cũng ít quấy nhiễu bọn lính thôn Tatarsky. Phía trước thôn không có những đại đội pháo. Từ bên kia, hoạ hoằn mới có khẩu súng máy lên tiếng, nã vài loạt đạn ngắn vào tên quan sát ló đầu ra ngoài chiến hào, rồi tất cả lặng đi rất lâu.
Các chiến hào của Hồng quân được đào ở trên núi. Trên đó năm thì mười hoạ cũng nghe thấy đì đẹt vài tiếng súng, nhưng các chiến sĩ Hồng quân chỉ tạt xuống thôn ban đêm, mà ở lại cũng không lâu.
Grigori về tới bãi cỏ hoang ven sông trước mặt thôn nhà lúc hoàng hôn sắp xuống.
Ở đây tất cả đối với chàng đều quen thuộc, mỗi cái cây nhỏ đều gợi lại một hồi ức… Con đường chạy qua cánh đồng Cô Gái. Trên cánh đồng nầy, hàng năm cứ đến ngày Pêtơrốp 1 bọn Cô- dắc lại ra uống vodka sau khi chia nhau cánh đồng cỏ. Khu rừng Aliuskin mọc đâm ra bãi cỏ hoang như một mũi đất đâm ra biển. Ngày xưa, hồi cánh rừng nầy còn chưa có tên, ở đấy có bầy sói ăn thịt con bò cái của anh chàng Aleksey nào đó, là người thôn Tatarsky. Anh chàng Aleksey nầy đã qua đời, những điều người ta nhớ được về anh ta đã phai nhoà như những hàng chữ trên tấm bia muộn, ngay đến họ của anh ta là gì, hàng xóm láng giềng cùng bà con đồng hương cũng không còn nhớ nữa, song cánh rừng mang tên anh ta vẫn còn sống, vẫn cứ vươn lén trời những cái tán xanh sẫm của những cây sồi và bách tán. Dân thôn Tatarsky tới chặt cây về làm đồ dùng trong công việc làm ăn hàng ngày, nhưng đến mùa xuân, từ những gốc cây vạm vỡ lại nhú lên những chồi non đầy sức sống, một hai năm sau lớn lên lúc nào không biết, rồi sang mùa hè, cánh rừng Aliuskin lại vươn lên những cái cành xanh mướt như đá khổng tước, và mùa thu lại khoác cho nó một bộ giáp trụ bằng vàng ròng với những lớp lá sồi bị sương muối ban mai đốt cháy rực.
Mùa hè, những bụi hắc mai tua tủa những gai lại mọc đầy mặt đất ẩm ướt trong rừng Aliuskin. Những con phật pháp tăng và những con ác là lông lá diêm dúa làm tổ trên ngọn những cây bách tán cổ kính.
Mùa thu, khi không khí nặng mùi quả sồi và lá sồi rụng, hắc hắc nhưng rất sảng khoái, lại có những con dẽ giun di cư qua ở lại trong rừng một thời gian ngắn. Nhưng đến mùa đông thì chỉ có những vết chân cáo tròn tròn rắc những chuỗi ngọc trai trên khắp tấm thảm tuyết trắng ioá. Hồi còn niên thiếu, Grigori đã nhiều lần đi đánh bẫy cáo trong cánh rừng Aliuskin.
Chàng cho ngựa đi dưới những cành cây in bóng mát rượi, trên con đường cũ đầy những vết bánh xe. Chàng qua cánh đồng Cô gái, lần đến vách núi Đen, và những hồi ức cứ bốc lên đầu chàng như men rượu. Gần chỗ ba cây tiêu huyền, hồi còn nhỏ, đã có lần chàng đuổi theo một lứa vịt trời chưa biết bay trên cái đầm nhỏ và bắt cá hanh từ sáng đến tối ở hồ Tròn… Ngay gần đấy có một cây tuyết cầu nhỏ nom như một cái lều trại. Cái cây già cỗi, mọc đơn độc, tách rời hẳn ra.
Đứng trong sân gia súc của nhà Melekhov cũng có thể trộng thấy nó, và mùa thu nào Grigori cũng thường ra thềm nhà ngắm cây tuyết cầu nhìn từ xa cứ như bọc trong những cái lưỡi đỏ lòm của một đám lửa Mồ ma Petro rất thích ăn bánh rán làm với thứ hoa tuyết cầu đắng đắng chát chát nầy…
Grigori âu sầu lặng lẽ nhìn quanh những chỗ thân thuộc từ thời thơ ấu Con ngựa vừa đi vừa lười nhác vẫy đuôi xua những con muỗi nhắt và muỗi nâu rất hung hãn bay nhung nhúc trong không khí. Cỏ nga quan và thê mục thảo xanh rờn nhẹ nhàng cúi rạp đầu trước gió. Bãi cỏ nằm dưới một lớp sóng lăn tăn xanh rờn.
Grigori cho ngựa đi tới dãy chiến hào của bộ binh thôn Tatarsky rồi bảo chúng đi gọi bố. Khristonhia đứng ở một chỗ rất xa đầu cánh bên trái gầm lên:
- Ông Prokofievich? Lại nhanh lên, Grigori đến đấy!
Grigori xuống ngựa, thấy Anikey chạy đến bèn trao dây cương cho hắn, và từ xa chàng đã nhìn thấy ông bố vội vã khập khiễng đi tới.
- Thế nào, có khoẻ không, thủ trưởng?
- Chào cha.
- Mày mới tới đấy à?
- Chật vật lắm mới thu xếp xong để đi được! Thế nào, ở nhà thế nào? Mẹ và Natalia đâu?
Ông Panteley Prokofievich khoát tay, cau mày. Một giọt nước mắt lăn tăn trên cái má đen xạm của ông.
- Thế nào, có chuyện gì thế? Ở nhà xảy ra việc gì thế? Grigori lo lắng hỏi giật giọng.
- Không sang sông được!
- Sao lại thế?
- Con Natalia bị liệt giường hai ngày liền. Đúng là bị thương hàn. Thế là bà già không muốn bỏ nó lại. Nhưng con ạ, mày đừng sợ, ở nhà mọi chuyện đã ổn cả rồi.
- Thế còn hai đứa nhỏ? Thằng Misátca? Con Poliuska?
- Cũng ở đấy cả. Nhưng con Dunhiaska sang sông rồi. Nó sợ không dám ở lại… Cái chuyện con gái con đứa, mày có hiểu không? Hiện nay nó đi Volokhov cùng với vợ thằng Anikey. Tao có về qua nhà hai lần. Giữa đêm khẽ bơi thuyền qua sông rồi tạt vào nhà một cái. Con Natalia yếu lắm, nhưng hai đứa bé vẫn khá, thật ơn Chúa… Con Natalia mê man bất tỉnh, người nóng như lửa, môi nứt chảy máu ra.
- Thế sao cha không đưa cả sang đây? - Grigori tức giận quát lên.
Ông già cũng phát khùng, giọng nói run run đầy vẻ bực bộỉ và trách móc:
- Còn mày thì làm gì hử? Mày không thở về sớm để đưa mẹ mày và vợ con mày sang sông hay sao?
- Tôi còn có sư đoàn? Tôi còn phải chỉ huy sư đoàn vượt sông? - Grigori cãi lại giọng nóng nảy.
- Chúng tao đã nghe nói mày làm những việc gì ở Vosenskaia rồi… Hay là mày không còn thiết gì với gia đình nữa? Chao ôi, Grigori ạ! Nếu mày không nghĩ tới con người nữa thì cũng phải nghĩ tới Chúa chứ… Tao qua sông không phải ở chỗ nầy, nếu không chẳng nhẽ tao lại không đưa cả đi hay sao? Trước kia trung đội tao ở Elan, về tới đây thì bọn Đỏ đã chiếm mất thôn rồi.
- Chuyện tôi ở Vosenskaia ấy à? Việc ấy không can gì đến cha… Mà cha hãy… - Giọng Grigori khàn khàn, trầm hẳn xuống.
- Nhưng cũng chẳng hề chi đến tao! - Ông già hoảng sợ, bực mình đưa mắt nhìn bọn Cô- dắc đang xúm đông gần đấy. - Tao không nói chuyện đó… Còn mày thì khẽ mồm chứ, kẻo chúng nó nghe thấy kia kìa… - Nói đến đây ông chuyển sang thầm thì. - Bản thân mày cũng chẳng còn bé bỏng gì nữa, tự mày đã phải biết rồi. Còn chuyện gia đình thì không cần phải lo lắng lắm. Con Natalia, ơn Chúa, đã có đỡ mà bọn Đỏ cũng không hà hiếp gì nó. Kể ra chúng nó cũng có giết mất con dê một tuổi, nhưng chuyện ấy không có gi đáng kể. Bụng dạ chúng nó cũng không tốt, không làm lung tung.: Chúng nó lấy mất chừng bốn mươi mera thóc. Chà, nhưng trong chiến tranh thì tránh sao được những sự mất mát!
- Bây giờ cũng có thể đưa nhà ta sang được chứ?
- Theo ý tao thì chẳng đưa sang làm gì. Con bé nó đang ốm như thế thì đưa đi đâu? Mà làm việc ấy thì mạo hiểm. Nhà ta ở bên ấy thì cũng chẳng sao. Có bà lão trông nom việc nhà, thành thử tao cũng yên tâm hơn, nếu trong thôn không có những đám cháy như thế.
- Đứa nào đốt?
Các nhà cửa quanh bãi họp đều cháy sạch. Phần lớn là nhà của bọn lái buôn. Nhà Korsunov thông gia của nhà ta bị đốt không còn chút gì. Bà thông gia Lukinhitna hiện giờ ở Andronov, còn cụ Grisaka thì vẫn ở lại coi nhà. Mẹ mày kể rằng cụ Grisaka bảo: "Tôi sẽ không rời khỏi sân nhà tôi đi đâu cả. Cái bọn phản Chúa ấy chúng nó sợ dấu phép không dám lại gần tôi đâu". Cuối cùng đầu óc ông cụ đã hoàn toàn lẫn cẫn mất rồi. Nhưng rõ ràng là bọn Đỏ khốn kiếp ấy chúng nó cũng chẳng sợ gì cây thánh giá của ông cụ, nhà trên nhà dưới đều làm mồi cho lửa, còn về ông cụ thì chưa có phong thanh gì cả… Nhưng kể ra ông cụ cũng đã đến lúc về chầu Chúa rồi. Cụ đã đóng sẵn cho mình chiếc quan tài hai mươi năm nay, nhưng vẫn cứ sống… Còn thằng đốt thôn chính là thằng bạn thổ tả của mày đấy, cái thằng chết tử chết tiệt!
- Đứa nào thế?
- Thằng Miska Kosevoi, nó thật đáng nguyền rủa ba lần.
- Đúng nó ư?
- Đảng nó đấy, có Chúa chứng giám! Nó có đến nhà ta, dò hỏi về mày và bảo mẹ mày thế nầy: "Hễ chúng tôi sang đến bờ bên kia là sẽ treo cổ ngay thằng Grigori nhà bà lên trước tiên. Sẽ treo nó lên cây sồi nào cao nhất". Nó lại bảo: "Tôi sẽ không chém nó cho bẩn gươm". Còn tao thì nó hỏi về tao xong bèn phát khùng nhe răng nhe lợi ra. Nó hỏi: "Còn lão thọt ấy, quỷ dữ đã đem lão đi đâu rồi?" Nó lại bảo: "Cứ ngồi rú trên lò, ở nhà có hơn không? Nhưng nếu tôi tóm cổ được lão thì sẽ không giết lão ngay, mà sẽ dùng roi quật cho đến lúc hồn lão lìa khỏi xác mới thôi!" Mày xem nó đã trở thành một con quỷ dữ như thế rồi đấy? Nó đã đi khắp thôn, phóng hoả đốt nhà của bọn lái buôn và cố đạo rồi nói: "Tao sẽ đốt trụi trấn Vosenskaia để trả thù cho Kotliarov và Stokman?" Mày bảo nó nói thật hay bỡn đấy?
Grigori chuyện trò thêm với bố nửa giờ nữa rồi ra lấy ngựa. Trong khi nói chuyện, ông già không đả động thêm một câu nào về Acxinhia, nhưng Grigori vẫn canh cánh không yên tâm: "Cha mà đã biết thì tất nhiên mọi người cũng biết hết. Còn đứa nào có thể bép xép được nữa? Ngoài Prokho ra, có ai thấy Acxinhia đang ở với mình đâu? Chẳng nhẽ cả Stepan cũng biết rồi hay sao?" Chàng thậm chí nghiến răng ken két vì xấu hổ, vì bực bội với chính mình…
Chàng cũng chuyện trò qua loa với bọn Cô- dắc. Anikey cứ luôn miệng pha trò. Hắn xin chàng gửi cho vài thùng rượu nặng.
- Chỉ cần được một thùng vodka là ngay đến đạn chúng tôi cũng không cần nữa! - Hắn vừa nói vừa nháy mắt cười khà khà và bật móng tay một cách đầy ý nghĩa vào cái cổ áo sơ- mi bẩn thỉu.
Grigori đem hết số thuốc lá mang theo ra thết Khristonhia và tất cả các anh em khác cùng thôn. Mãi đến lúc sắp sửa lên ngựa ra đi, chàng mới trông thấy Stepan Astakhov. Stepan bước tới, chào hỏi một cách từ tốn, nhưng không chìa tay cho chàng.
Từ ngày cuộc nổi loạn bùng nổ đến nay, đây là lần đầu tiên Grigori gặp Stepan. Chàng nhìn anh ta vẻ thăm dò và lo lẳng:
"Không biết nó có biết hay không?" Nhưng khuôn mặt xương xương rất đẹp trai của Stepan vẫn bình thản, thậm chí còn vui vẻ, vì thế Grigori thở dài nhẹ nhõm: "Không, nó chưa biết đâu!"
--- ------ ------ ------ -------
1 Lễ Petrov vào ngày 21 tháng Sáu theo lịch cũ của Nga (ND).
Truyện khác cùng thể loại
20 chương
53 chương
53 chương
54 chương
1400 chương
15 chương