Sông Đông Êm Đềm
Chương 181
Chỉ trong một ngày, tất cả các đơn vị của quân phiến loạn và dân chạy nạn đã được đưa sang bờ bên trái sông Đông. Các đại đội kỵ binh của trung đoàn trấn Vosenskaia thuộc sư đoàn Một của Grigori Melekhov sang sau cùng.
Cho đến lúc hoàng hôn xuống, Grigori đã cùng mười hai đại đội kỵ binh tinh nhuệ ngăn chặn sức tấn công của sư đoàn Hồng quân Kubanskaia số 33. Khoảng năm giờ thì nhận được thông tri của Kudinov cho biết các đơn vị quân đội và dân chạy nạn đã được đưa sang sông. Mãi lúc đó chàng mới ra lệnh rút lui.
Theo kế hoạch đã thảo từ trước, từng đại đội quân phiến loạn thuộc vùng ven sông Đông phải sang sông rồi bố trí đại đội của thôn nào ngay trước mặt thôn ấy. Đến giữa trưa thì bộ tư lệnh bắt đầu nhận được báo cáo của các đại đội. Phần lớn các đại đội ấy đã bố trí xong dọc theo bờ bên trái trước mặt thôn của mình.
Ở các nơi có thừa những khoảng cách giữa các thôn, bộ tư lệnh đã điều tới đó những đại đội của dân Cô- dắc dải đồng cỏ ven sông. Các đại đội kỵ binh Krugilinskaia, Marxaevo, Xighinskaia, Karginskaia, các đại đội kỵ binh Latysepskaia, Likhovidovskaia, và Grachevskaia chiếm lĩnh các khoảng cách giữa Pegarevskaia, Vosenskaia, Lebirgiensky, Karanoiasky. Các đại đội còn lại thì rút về hậu phương, tới các thôn vùng bên kia sông Đông, Dubrovka, Cher, Gorokhovka, và theo ý kiến Xafonov, sẽ phải được tổ chức thành một đội dự bị mà bộ tư lệnh sẽ cần đến trong trường hợp quân địch chọc thủng mặt trận.
Mặt trận của quân phiến loạn kéo dài một trăm năm mươi véc- xta trên bờ bên trái sông Đông từ các thôn đầu phía tây của trân Kazanskaia tới Ust- Khop.
Sau khi sang sông, quân Cô- dắc chuẩn bị tiến hành chiến tranh trận địa: chúng vội vã đào ngay chiến hào, chặt và cưa những cây tiêu huyền, liễu, sồi để làm những hầm ẩn nấp và ổ súng máy. Tất cả những cái túi không đựng gì lấy được của dân chạy nạn đều được đổ đầy cát và xếp thoai thoải thành ụ phía trước một tuyến chiến hào kéo dài liên miên.
Trước khi trời tối, tất cả các nơi đều đã đào xong chiến hào. Hai đại đội pháo số 1 và số 3 của quân phiến loạn nguỵ trang trong những khoảng trồng thông bên ngoài trấn Vosenskaia. Chỉ còn có vẻn vẹn năm quả đạn cho tất cả tám khẩu pháo. Cả đạn súng trường cũng sắp cạn. Kudinov đã phái những tên liên lạc cưỡi ngựa tới các nơi phổ biến mệnh lệnh nghiêm cấm không được bắn nhau với địch.
Mệnh lệnh nầy dặn mỗi đại đại chọn ra một hay hai tên bắn giỏi nhất, phát cho mỗi tên một số đạn đủ dùng, để những tay thiện xạ đặc biệt đó tiêu diệt các xạ thủ súng, máy và chiến sĩ Hồng quân xuất hiện trên các phố của các thôn trên bờ bên phải. Những tên khác chỉ được phép nổ súng trong trường hợp Hồng quân tìm cách vượt sông.
Mãi đến lúc hoàng hôn, Grigori Melekhov mới đi kiểm tra xong các đơn vị thuộc sư đoàn của chàng bố trí rải rác dọc theo sông Đông. Sau đó chàng trở về Vosenskaia để nghỉ đêm.
Đã có lệnh cấm đốt lửa trên bãi cỏ hoang ven sông. Ngay trong trấn Vosenskaia cũng chẳng có đèn lửa gì cả. Khắp vùng bên kia sông Đông chìm trong một làn sương mù tím ngắt.
Sáng sớm hôm sau, có những đội trinh sát đầu tiên của Hồng quân sớm xuất hiện trên ngọn gò ở Bát ki. Chẳng mấy chốc đã thấy họ thấp thoáng trên tất cả các nấm kurgan ở bờ bên phải từ trấn Ust- Khopeskaia đến trấn Kazanskaia. Mặt trận của Hồng quân đổ ào ào đến sông Đông như một dòng phun thạch có sức mạnh khủng khiếp. Sau đó các nhóm trinh sát lẩn đi và cho đến giữa trưa, các ngọn gò cứ chết lặng dưới một bầu không khí lặng tờ nặng nề của nơi sa mạc.
Gió xoáy lên những cột bụi trắng trắng trên con đường của các vị Ghet- man. Khói của những đám cháy vẫn còn bốc lên ở phía nam như một màn sương đen tía. Những đám mây đen bị gió thổi tản ra đã tụ lại. Cái bóng của một đám mây như vươn cánh trên ngọn gò.
Một tia chớp loằng nhoằng chữ chi hiện lên mờ nhạt dưới ánh sáng ban ngày. Trong nháy mắt, nó ngoằn ngoèo viền một dải bạc quanh một đám mây màu xanh rồi loáng lên lao thẳng xuống như một nhát giáo, đánh thốc vào bộ ngực căng phồng của nấm Kurgan xưa kia dùng làm vọng tiêu. Tiếng sét như xé toạc đám mây lơ lửng trên không: mưa toé ra từ giữa bụng đám mây. Gió tạt chếch qua làn mưa, mang những đợt sóng trắng dập dờn nhảy múa tới những sườn đá phấn của những nhánh núi mọc nhô ra sông, xuống những bông hướng dương đang héo hon vì oi bức, những cây lúa rũ đầu xuống đất. Lá cây còn non bị bụi xám xịt bám vào nom già hẳn đi đã được nước mưa rửa cho mới lại. Những nhánh lộc đầu xuân mọng nước óng a óng ánh, những cây hướng dương đã ngẩng cao đầu với những bộ mặt vàng hoe. Các vườn rau nồng nặc cái mùi mật ong của bí ngô đang ra hoa. Mảnh đất được uống đã khát bốc hơi ngùn ngụt mãi không thôi.
Sau giữa trưa lại thấy trinh sát Hồng quân xuất hiện trên những nấm Kurgan đắp làm vọng tiêu, nằm liên tiếp thành một chuỗi rải rác theo đường sống của những gò núi ven sông Đông kéo dài tới biển Azov.
Đứng trên các nấm Kurgan nầy có thể nhìn xa hàng chục véc- xta trên khoảng bình nguyên gợn lên vàng vàng với những cái hồ hiện ra như những hòn đảo xanh mướt. Các nhóm trinh sát của Hồng quân bắt đầu toả tới các thôn một cách thận trọng. Bộ binh đỏ ùa từ trên gò xuống theo đội hình chiến đấu. Các đại đội pháo dừng lại sau các nấm Kurgan. Xưa kia tiêu binh của dân Polovet và dân Brodnik 1 thiện chiến đã cảnh giới trên các nấm Kurgan nầy để khỏi bị kẻ địch đến đánh bất ngờ.
Một đại đội pháo bố trí trên núi Bologorskaia bắt đầu bắn phá Vosenskaia. Trái lựu pháo đầu tiên nổ trên quảng trường, rồi sau đó toàn thị trấn chìm dưới những đám khói xám của đạn trái phá và những cái mũ màu trắng sữa tan dần trước gió của đạn ghém. Rồi lại thêm ba đại đội pháo nữa bắt đầu bắn phá Vosenskaia và các chiến hào của quân Cô- dắc ven sông Đông.
Ở thôn Bolsoi Gromoc súng máy bắt đầu lên tiếng một cách hung hãn. Hai khẩu "Hotkit" bắn từng loạt ngắn, còn một khẩu "Marxim" thì với cái giọng nam trung của nó, cứ nhằm các tổ bộ binh của quân phiến loạn chạy đi chạy lại bên kia sông mà tuôn đạn thép liên miên. Những xe vận tải nối đuôi nhau leo lên gò. Hồng quân đào chiến hào trên những sườn núi mọc đầy mận gai. Những chiếc xe hai bánh, bốn bánh chạy lọc xọc trên con đường của các vị Ghet- man, mỗi chiếc đều kéo lê phía sau một làn bụi bốc lên cuồn cuộn như một vạt váy dài.
Hoả lực pháo binh nổ ầm ầm khắp mặt trận. Từ các ngọn núi ven sông khống chế được toàn khu vực, các đại đội pháo của Hồng quân bắn phá vùng bên kia sông Đông đến tối mịt. Cánh đồng cỏ hoang ven sông với những chiến hào đào nhằng nhịt của quân phiến loạn cứ câm tiếng trên suốt một dải từ Kazanskaia đến Ust- Khopeskaia. Những tên giữ ngựa dắt ngựa vào ẩn trong những khu rừng vùng thấp kín đáo và rất rậm rạp, mọc đầy lau sậy, hương bồ và sa thảo. Ở đấy ngựa không bị muỗi mòng quấy nhiễu, mà không khí thì mát rượi trong những khoảng rừng rậm đầy hốt bố dại. Những cây liễu trắng cao ngất và các thứ cây khác có thể đảm bảo che được con mắt của các quan trắc viên Hồng quân.
Không thấy bóng vía một người nào trên bãi chăn nuôi xanh rờn. Năm thì mười hoạ mới thấp thoáng những người dân chạy nạn hốt hoảng cúi gập lưng, cố rời thật xa bờ sông Đông. Một khẩu súng máy của Hồng quân tằng tằng nã theo họ vài tràng, tiếng đạn ríu dài làm họ mất hết hồn vía, xô họ nằm dúi xuống đất. Họ nằm lại trong đám cỏ rậm mãi đến hoàng hôn rồi mới chạy tế lên trốn vào rừng, chạy không ngoái đầu lại, chỉ mong sao mau chóng tới được vùng ao đầm đang hồ hởi mời đón với những đám xích dương và bạch dương hết sức rậm rạp.
Thị trấn Vosenskaia bị pháo binh bắn phá dữ dội hai ngày liền. Dân chúng không ló đầu ra khỏi các hầm nhà. Các phố frong trấn bị đạn pháo bắn nát chỉ sống lại ban đêm.
Trong bộ tư lệnh thấy nêu lên những giả thiết cho rằng quân địch bắn phá dữ dội như thế nầy không nhằm mục đích nào khác ngoài việc chuẩn bị tấn công, chuẩn bị vượt sông. Có những ý lo Hồng quân sẽ bắt đầu vượt sông ngay trước mặt Vosenskaia, với mục đích chiếm lĩnh thị trấn, thọc mũi dùi vào tuyến phòng thủ kéo dài trên bờ bên phải, cắt hẳn mặt trận làm hai, rồi sau đó mới dùng chiến thuật tấn công bên sườn từ Calat và Ust- Medvediskaia để giáng đòn tiêu diệt hoàn toàn.
Theo lệnh của Kudinov, ở Vosenskaia đã tập trung tới bờ sông hơn hai chục khẩu súng máy với một số băng đạn đủ dùng. Những tên chỉ huy các đại đội pháo đã nhận được lệnh chỉ bắn những phát đạn còn lại trong trường hợp Hồng quân tìm cách vượt sông. Cái phà và tất cả thuyền bè được kéo về chỗ vũng sông ở phía trên Vosenskaia và một bộ phận rất mạnh được phân công canh giữ.
Đối với Grigori Melekhov, những điều lo lắng của bọn sĩ quan tham mưu có vẻ không có cơ sở. Trong cuộc hội nghị ngày hai mươi tư tháng Năm, chàng đã chế giễu những điều ức đoán của Ilia Xafonov cùng những tên chia sẻ ý kiến của hắn.
- Chúng nó sẽ dùng cái gì để vượt sông trước mặt Vosenskaia? - Chàng hỏi. - Mà chẳng nhẽ ở đấy có địa hình để có thể vượt sông hay sao? Các anh thử nhìn xem: ở phía bên nầy, bờ sông trơ thân cứ như một cái mặt trống, thêm con bơn toàn cát phẳng, ngay ven sông không một đám cây, bụi cỏ. Vậy có thằng ngu xuẩn nào lại rúc đầu vào địa điểm nầy để vượt sông? Chỉ có một mình Ilia Xafonov với tất cả các khả năng của cậu ấy mới có thể mò vào cái tử địa nầy mà thôi… Trên một bờ sông trần trùi trụi như thế nầy thì sẽ bị súng máy quét bay không còn một thằng nào sống sót! Mà Kudinov ạ, anh đừng tưởng bọn chỉ huy Hồng quân chúng nó đần độn hơn anh và tôi. Trong số chúng nó có những thằng thông minh hơn chúng ta nhiều đấy? Chúng nó sẽ không tấn công chính diện vào Vosenskaia đâu, vì thế chúng ta không nên chờ đón chúng nó tấn công ở đây, mà ở một khoảng nào nông, có thể lội qua trên lòng sông toàn cát, hoặc ở chỗ kín đáo, có địa hình, có rừng rậm. Phải theo dõi thật cẩn thận các nơi nguy hiểm ấy, nhất là ban đêm. Cần phải báo trước cho anh em Cô- dắc biết để họ khỏi bị hố, khỏi bị chúng nó đánh bất ngờ. Cần phải điều sẵn lực lượng dự bị đến các nơi nguy hiểm, để còn có gì mà đem ra dùng trong trường hợp nguy cấp.
- Anh bảo chúng nó sẽ không tấn công vào Vosenskaia à? Thế tại sao chúng nó lại đem pháo tới giã giò lên thị trấn đến khuya mới thôi? - Gã tham mưu phó của Xafonov hỏi.
- Chuyện ấy thì anh sang bên chúng nó mà hỏi. Nhưng có phải chúng nó chỉ bắn riêng vào Vosenskaia thôi đâu? Chúng nó nã cả vào Kazanskaia, cả vào Erinsky, các anh xem đấy, ngay đến núi Xemenovska cũng bị chúng nó xới lên. Còn thiếu chỗ nào mà chúng nó không đem pháo nã loạn vào? Có lẽ cũng vì chúng nó có nhiều đạn pháo hơn bên ta một chút. Mẹ cái pháo binh của chúng ta chứ… Vẻn vẹn năm quả đạn, mà vỏ đạn lại tiện bằng gỗ sồi.
Kudinov cười khà khà:
- Hay, phát nầy nã trúng đấy!
- Bây giờ không phải là lúc phê phán nhau! - Tên đại đội trưởng đại đội pháo số 3 có mặt trong cuộc họp phát khùng. - Bây giờ phải bàn vào việc đi.
- Cậu thử nói xem, có ai ngáng mồm ngáng miệng cấm cậu nói không? - Kudinov cau mày nghịch nghịch cái dây lưng. - Cái bọn quỷ dữ các cậu đã được dặn bao nhiêu lần: "Đạn thì chớ có đem dùng phí phạm vô ích, phải dành cho những trường hợp quan trọng?". Nhưng các cậu nào có chịu nghe, vớ được cái gì cũng bắn, xe bò xe ngựa cũng bắn. Bây giờ đến bước như thế nầy thì chẳng có cái gì mà bắn nữa. Bị phê bình còn bực bội nỗi gì? Melekhov cười cái pháo binh gỗ sồi của các cậu thì cũng đúng đấy. Cái kiểu làm ăn của các cậu bị người ta chê cười không oan đâu!
Kudinov đứng về phía Grigori, hắn kiên quyết ủng hộ kiến nghị của chàng về việc tăng cường phòng thủ ở các nơi vượt sông thuận lợi nhất và tập trung các đơn vị dự bị vào ngay sát các khu vực bị uy hiếp. Hắn lại quyết định rút bớt một số súng máy ở ngay Vosenskaia, chuyển cho các đại đội Bologorskaia, Merkulovskaia và Gromkovskaia. Quân địch có nhiều khả năng vượt sông nhất ở khu vực của các đại đội nầy.
Hôm sau đã có ngay những sự việc chứng thực giả thiết của Grigori nói rằng Hồng quân sẽ không tìm cách vượt sông ở trước mặt Vosenskaia, mà sẽ chọn một địa điểm thuận lợi hơn. Sáng hôm ấy tên đại đội trưởng đại đội thôn Gromoc báo cáo rằng Hồng quân đang chuẩn bị vượt sông. Suốt đêm từ bên kia sông Đông vẳng sang tiếng người xôn xao, tiếng búa đập, tiếng bánh xe rít. Vô số những chiếc xe tải chở ván gỗ không biết từ đâu tới thôn Gromoc, gỗ được hạ ngay trên xe xuống và lập tức nghe thấy những tiếng cưa xoèn xoẹt tiếng rìu, tiếng búa chan chát. Căn cứ vào tất cả hiện tượng ấy thì có thể đoán rằng Hồng quân đang sắp sửa dựng một cái gì đó.
Đầu tiên bọn Cô- dắc giả thiết rằng Hồng quân định làm một cái cầu phao. Ban đêm đã có hai tay to gan lên quá trên chỗ có tiếng thợ mộc làm việc nửa vec- xta, chúng cởi quần áo, lấy lá cây nguỵ trang trên đầu rồi lặng lẽ bơi xuôi theo dòng nước. Hai tên mò tới sát bờ sông, nghe thấy ngay gần đấy tiếng nói chuyện của những chiến sĩ Hồng quân thuộc vọng tiêu súng máy bố trí trong đám liễu. Từ trong thôn đưa ra rành rọt tiếng người nói và tiếng rìu chan chát, nhưng chúng chẳng nhìn thấy gì trên mặt nước. Hồng quân đích xác đang làm một cái gì đó, nhưng dứt khoát không phải là làm cầu.
Tên đại đội trưởng đại đội Gromoc tăng cường theo dõi bên bờ có địch. Đến lúc trời rạng, mấy tên quan sát không rời mắt khỏi ống nhòm, nhìn mãi mà chẳng thấy có gì cả. Nhưng chẳng mấy chốc, một tên được coi là thiện xạ nhất trung đoàn ngay từ trong cuộc chiến tranh với Đức, nhìn qua cái tranh tối tranh sáng trước lúc bình minh, đã thấy một chiến sĩ Hồng quân dắt hai con ngựa đóng sẵn yên cương xuống sông Đông.
- Có một thằng Đỏ đang đi xuống nước, - Gã Cô- dắc rỉ tai bạn nó rồi hạ ống nhòm xuống.
Hai con ngựa lội nước tới đầu gối, bắt đầu uống nước.
Gã Cô- dắc lồng cái dây da nới dài khẩu súng trường vào khuỷu tay trái, nâng khung ngắm lên rồi nhằm rất lâu, rất cẩn thận…
Phát súng nổ, một con ngựa từ từ lăn nghiêng ra, còn con kia chạy tế lên dốc. Người chiến sĩ Hồng quân cúi xuống để tháo lấy cái yên trên xác con ngựa bị bắn chết. Gã Cô- dắc nổ phát súng thứ hai, khẽ mỉm cười: người chiến sĩ Hồng quân đứng phắt dậy, định chạy từ dưới sông lên, nhưng bất thần lại ngã vật xuống. Anh ngã sấp mặt xuống để không bao giờ đứng dậy nữa…
Grigori vừa nhận được báo cáo về việc Hồng quân chuẩn bị vượt sông, đã thắng ngựa để tới ngay khu vực của đại đội thôn Gromoc.
Ra khỏi thị trấn, chàng cho con ngựa lội qua một cái hồ vừa hẹp vừa nông kéo dài tới cuối trấn, vốn là một nhánh, đã bị ngắt khỏi sông Đông, rồi cho ngựa phi qua rừng.
Con đường chạy ngang một bãi cỏ, nhưng vượt qua bãi cỏ thì rất nguy hiềm, vì thế Grigori chọn một đường vòng hơi dài: chàng qua rừng tới cuối hồ Ratxokhov, men theo những đống đất mấp mô và những đám liễu trắng đến nỗi chỗ lội Canmứtki (đây là một cái ngòi mọc đầy súng, cần dại và lau sậy nối liền một bãi lầy trên đồng cỏ với hồ Postoilicha). Ngay sau khi qua được chỗ lội Canmứtsky, chàng ghìm cương ngựa cho nó nghỉ ngơi vài phút.
Từ đấy ra tới sông Đông theo đường thẳng là chừng hai vec- xta. Vượt qua bãi cỏ để ra tới các chiến hào thì có nghĩa là phơi mình trước đạn địch. Cũng có thể chờ đến tối, trời nhá nhem rồi mới vượt qua bãi cỏ bằng phẳng, nhưng Grigori có cái tính không thích chờ đợi chàng thường nói: "Trên đời nầy không gì tồi tệ bằng chờ đợi và theo đuổi", vì thế chàng quyết định lập tức đi ngay. "Cứ thúc hết sức cho con ngựa phóng bạt mạng, có lẽ chúng nó sẽ không bắn trúng được đâu!" - chàng vừa nghĩ thầm vừa mò ra khỏi những bụi cây.
Chàng chọn một dải liễu mọc nhô ra khỏi khu rừng ven sông như một nhánh núi rồi giơ roi. Ăn một roi cháy mông, lại nghe thấy tiếng quát man rợ, con ngựa run bắn lên, cụ sát hai tai vào nhau, phi lên vùn vụt mỗi lúc một nhanh và lao thẳng về phía sông Đông. Grigori chưa kịp vượt qua năm chục xa- gien thì trên một ngọn đồi bên hữu ngạn đã có một khẩu súng máy bắn tằng tằng những tràng dài từ phía trước mặt. "Chíu! Chíu… Chíu… Chíu… Chíu!" - Những viên đạn rít như tiếng chuột đồng. "Cao quá đấy, chú nó ơi!" - Grigori nghĩ thầm và kẹp chặt sườn ngựa, rồi thả lỏng dây cương, áp sát má xuống sát đám bờm ngựa bay tán loạn dưới làn gió thổi ngược. Và như đoán ra ý chàng, người xạ thủ súng máy Hồng quân nằm sau cái lá chắn sơn xanh của khẩu trọng liên ở một chỗ nào đó trên ngọn gò trăng trắng, chuyển sang nhằm hắn đón đầu. Hoả lực của khẩu súng máy tuôn ra như một luồng nước, sà xuống thấp hơn lúc nãy và kêu chíu chíu ngay trước chân ngựa một cách khoái trá. Những viên đạn nóng bỏng trong khi bay rít lên như những con rắn, xuyên xuống chất đất ẩm còn chưa khô sau khi nước lũ rút đi, làm bùn nóng phụt lên tứ tung… "Tặc! Chíu… Tặc! Tặc!". Rồi làn đạn bay qua đầu và bên cạnh thân ngựa: "Chiu- u- u! Chi- iu- út! Chiu- u- u!".
Grigori hơi rướn người trên bàn đạp và gần như nằm rạp xuống cái cổ ngựa vươn thẳng. Rặng liễu xanh rờn lao vùn vụt từ trước mặt tới với một tốc độ khủng khiếp. Khi chàng đã vượt được nửa chặng đường khẩu pháo trên ngọn gò Semenovsky bắt đầu nhả đạn. Tiếng thép rít của quả đạn làm không khí rung lên. Phát đạn nổ quá gần nên Grigori ngồi trên yên lảo đảo. Tiếng những mảnh đạn rú rít rên siết còn chưa lắng trong tai chàng, lau sậy gần đấy còn chưa kịp ngỏng lên sau khi hơi nổ ồn ào như bão dúi gục xuống, thì từ trên gò lại vẳng tới tiếng nổ khác của khẩu pháo và tiếng rú của quả đạn bay tới mỗi lúc một gần lại đè xuống Grigori, bắt chàng phải rạp người xuống cái yên ngựa.
Chàng có cảm tưởng như tiếng rít nặng nề, căng thẳng đến cực độ ấy nổ bùng ra trong một phần trăm giây nào đó, và trong một phần trăm giây ấy, một đám mây đen ngòm bốc vụt lên dựng đứng trước mặt chàng, mặt đất rung chuyển dưới đòn phá hoại khủng khiếp hai chân trước của con ngựa tựa như sụt xuống một cái hố.
Grigori vừa ngã xuống đã tỉnh lại ngay. Chàng bị quật xuống đất mạnh quá, đến nỗi hai đầu gối của chiếc quần dạ màu cứt ngựa bục ra, hai đoạn dây bên dưới ống quần cũng đứt. Làn sóng nổ bật ra mạnh quá, ném bổng chàng bay xa con ngựa, làm chàng rơi xuống đất rồi còn tượt trên mặt cỏ hàng mấy xa- gien, lòng bàn tay và một bên má sát xuống đất rát như bỏng.
Sau cái ngã choáng váng đầu óc, Grigori đứng dậy. Những mảnh đất vừa to vừa nhỏ, những bụi cỏ bật rễ rơi ào ào từ trên cao xuống như một trận mưa đen ngòm… Con ngựa nằm cách hố hình miệng phễu hai mươi bước. Đầu nó không động đậy gì nữa, nhưng hai chân sau bê bết những đất, cặp mông đầm đìa mồ hôi và chỗ xương đuôi thoai thoải vẫn còn khẽ giật như chuột rút.
Khẩu súng máy ở bờ bên kia sông Đông đã thôi bắn. Không khí lặng đi chừng năm phút. Vài con chim bói cá lông xanh biếc cất tiếng kêu trên đám ao đầm. Grigori đi tới gần con ngựa, đầu óc chàng choáng váng, hai chân run lẩy bẩy, nặng ra một cách khủng khiếp Chàng có cái cảm giác thường thấy những lúc phải đứng dậy để cất bước đi sau khi ngồi trên yên rất lâu, rất gò bó, khi sự thay đổi cách tuần hoàn của máu làm cho hai chân trở nên tê dại như chân người khác, mỗi bước đi làm toàn thân chấn động…
Grigori tháo lấy cái yên trên con ngựa bị giết và vừa bắt đầu đi về phía đám lau sậy bị những mảnh đạn chém đứt nát trên cái đầm gần nhất thì khẩu súng máy lại bắn từng đợt với những khoảng ngắt quãng đều đặn. Chàng không nghe thấy tiếng đạn bay, biết rằng đúng là kẻ địch trên gò đã bắt đầu bắn vào mục tiêu mới.
Một giờ sau, chàng lần được tới hầm của tên đại đội trưởng.
- Hiện giờ chúng nó không còn cưa đẽo gì nữa rồi. - Tên đại đội trưởng nói, - Song đến đêm nhất định chúng nó lại làm việc. Nhưng xin đồng chí quẳng cho chúng tôi ít đạn, nếu không có thể khóc được đấy, mỗi anh em chỉ có được hai kẹp.
- Đến tối sẽ có đạn mang tới. Nhưng không được rời mắt khỏi bờ bên kia đấy?
- Chúng tôi vẫn quan sát đấy. Đêm nay tôi định sẽ lấy mấy tay cảm tử bơi sang xem chúng nó đang giở cái trò gì bên ấy.
- Thế sao đêm qua không phái đi!
- Thưa đồng chí Grigori Panteleevich, cũng đã phái đi hai thằng, nhưng chúng nó sợ không dám mò vào trong thôn. Đã bơi tới sát bờ sông nhưng vào thôn thì sợ… Mà trong lúc nầy còn bắt buộc ai làm gì được nữa. Công việc thì mạo hiểm, chạm trán với vọng gác của chúng nó là toi mạng. Trong khi đánh nhau gần nhà, bọn Cô- dắc không tỏ ra dũng cảm lắm đâu… Hồi đánh nhau với quân Đức, thường có biết bao nhiêu người liều mạng vì một tấm huân chương, nhưng bây giờ, chưa nói đến chuyện mò sâu vào trận địa của địch để đi trinh sát, ngay đến việc canh gác cũng đã khó cắt phiên rồi. Mà ở đây lại còn đang có một cái tai hoạ nữa là bọn đàn bà: họ cứ bám riết lấy chồng, ngủ đêm nay trong chiến hào, đuổi cũng không đi nữa. Hôm qua tôi đã bắt đầu tống cổ họ đi, nhưng bọn Cô- dắc đã đánh tiếng đe tôi. Chúng nó bảo: "Thôi đi, bảo hắn liệu mà vừa vừa thôi, nếu không bọn mình sẽ cho nó một trận nên thân!"
Từ căn hầm của tên đại đội trưởng, Grigori đi ra các chiến hào. Dãy chiến hào chạy chữ chi trong khu rừng, cách sông Đông chừng mười hai xa- gien. Những rừng sồi, những bụi ngải cứu và những đám tiêu huyền non rậm rạp che kín không cho các chiến sĩ Hồng quân nhìn thấy dãy ụ đất vàng. Vài đoạn hào giao thông nối liền các chiến hào với các hầm trú ẩn, nơi bọn Cô- dắc nghỉ ngơi. Ở gần các căn hầm thấy đổ bừa bãi những đống vẩy cá khô xanh xanh xám xám, xương cừu, vỏ hướng dương, mẩu thuốc lá và giẻ rách. Trên các cành cây treo lung tung những thứ đã giặt: bít tất, áo lót may bằng vải gai, vải bọc chân, áo sơ- mi và váy của đàn bà…
Grigori vừa tới căn hầm thứ nhất đã thấy một người đàn bà còn trẻ, đầu trần, còn ngái ngủ, thò đầu ra. Người ấy dụi mắt, lãnh đạm nhìn Grigori một cái rồi thụt ngay vào sau cái cửa hầm đen ngòm như một con chuột đồng trong hang. Trong căn hầm bên cạnh có tiếng hát khe khẽ. Một giọng nữ cố ghìm nén, nhưng cao và trong, đan quyện với những giọng nam. Một người đàn bà Cô- dắc không còn trẻ lắm, nhưng ăn vận sạch sẽ, ngồi ngay ở lối vào căn hầm thứ ba. Một gã Cô- dắc có món tóc trước trán đã hoa râm nằm gối đầu lên đầu gối mụ. Gã nằm nghiêng, ngủ một cách thoải mái trong khi vợ gã thoăn thoắt chải đầu cho gã. Mụ giết những con chấy đen sì trên cái lược gỗ răng rất to và đuổi những con ruồi đậu trên mặt người bạn lòng đã luống tuổi. Nếu bên kia sông Đông không vang lên những tiếng súng máy hung hãn, nếu dòng nước không đưa tới những tiếng hoả lực pháo binh nổ rất vang từ một nơi nào đó trên thượng lưu, không biết là ở trấn Migulinskaia hay trấn Kazanskaia, thì có thể nghĩ rằng đây là một nơi nghỉ đêm của những người cắt cỏ ven sông Đông, vì quang cảnh đại đội thôn Gromoc của quân phiến loạn lên tuyến lửa sao mà thái bình vô sự.
Trong năm năm chiến tranh, đây là lần đầu Grigori được chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng như thế nầy trên trận địa. Chàng không ghìm được nụ cười trong khi đi qua các căn hầm. Đến chỗ nào chàng cũng nhìn thấy những người đàn bà đang bận phục dịch cho chồng, người thì sửa hoặc vá những chiếc quần áo Cô- dắc, người thì giặt những đồ lót của lính tráng, người thì nấu nướng hoặc rửa nồi niêu bát đĩa sau bữa ăn trưa đơn giản.
- Các cậu ở đây sướng thật đấy! Mọi mặt đều đầy đủ… - Về đến hầm tên đại đội trưởng, Grigori bảo hắn.
Tên đại đội trưởng nhe răng ra cười:
- Chúng tôi sống thật sướng không đâu bằng.
- Nhưng thoải mái quá rồi đấy! - Grigori cau mày nói. - Phải lập tức đuổi bọn đàn bà đi khỏi nơi nầy ngay? Đang chiến tranh mà còn như thế nầy à? Chỗ các cậu đây là nơi bày hàng ra bán hay là chợ phiên thế hử? Như thế nầy thì còn ra thể thống gì nữa? Bọn Đỏ chúng nó đang sắp vượt sông đến nơi mà các cậu chẳng nghe thấy gì cả: vợ kè kè bên cạnh thì còn lúc nào mà nghe với ngóng… Trời sâm sẩm là phải tống cổ hết cái bọn dài đuôi nầy đi! Nếu không ngày mai tôi quay lại mà còn thấy một đứa mặc váy là sẽ chặt ngay đầu cậu trước.
- Vâng, đúng là phải thế mới được… Tên đại đội trưởng vui vẻ đồng ý, - Chính tôi cũng chống lại cái chuyện bọn đàn bà đến đây, nhưng đối với bọn Cô- dắc thì còn làm thế nào được? Chẳng còn kỷ luật gì nữa… Đàn bà họ nhớ chồng, chúng ta chiến đấu đã ba tháng rồi còn gì!
Nhưng chính hắn lại đỏ bừng mặt, ngồi sụp xuống chiếc giường ván dưới đất để che một chiếc tạp dề màu đỏ của đàn bà, rồi hắn quay lưng về phía Grigori, lườm một cách đầy hăm doạ chỗ góc hầm được che bằng một tấm vải thô. Chính cô vợ yêu của hắn đang từ trong đó tươi cười nhìn ra với cặp mắt màu hạt dẻ.
--------------------------------
1Polovet là một dân tộc châu Á, đã từng xâm nhập vào miền nam nước Nga từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13. Brodnik là một dân tộc du mục ở vùng đồng cỏ miền nam nước Nga và ở Hungary từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 13 (ND).
Truyện khác cùng thể loại
20 chương
53 chương
53 chương
54 chương
1400 chương
15 chương