Sơn Nam Hải Bắc
Chương 30
Bóng tối kéo tới, mặc dù đêm hè nhưng vẫn mang theo một chút hơi lạnh. Vầng trăng khuyết nghiêng nghiêng trên nền trời, một vài ngôi sao lặng lẽ nhấp nháy. Trong sân rất yên tĩnh, gió phất qua ngọn tre, khẽ xào xạc.
Ánh trăng mờ ảo chiếu xuống nền đất, nhìn không rõ lắm. Tiết Sơn đứng dưới mái hiên, sau lưng, ánh đèn phòng sáng tỏ.
Dáng anh chìm trong bóng tối, chỉ có chút ánh sáng lúc tỏ lúc mờ, theo động tác đưa tay của anh, lập lòe trong bóng đêm.
Đứng bao lâu, không biết. Hút bao nhiêu điếu thuốc, không đếm được.
Đã hơn nửa năm nay anh không chạm vào thuốc.
Ngày trước nghiện nặng, sau khi đưa Đồng Đồng về, con bé cứ ngửi thấy mùi thuốc là ho. Anh cố gắng hút ít đi, hoặc đổi nơi hút thuốc. Nhưng mũi con bé rất thính, hễ ngửi thấy mùi thuốc trên người anh, sẽ không cho anh ôm, cũng không cho anh lại gần.
Anh đành cắn răng, bỏ thuốc.
Năm hai mấy tuổi, bạn gái sống chết ép anh bỏ thuốc nhưng không thành công. Giờ nhớ tới, chuyện này cũng na ná như vậy.
Sau khi dỗ Đồng Đồng ngủ xong, anh trở lại phòng mình, lôi gói thuốc mua mấy tháng cuối, đi ra mái hiên, lặng lẽ nhìn cảnh đêm trước mặt, đốt từng điếu một.
Anh chậm rãi phun ra một làn khói xanh, chợt nhớ tới thời trung học. Mỗi khi nghe ai đó đồn thổi bàn tán về Tiết Hải. Tan học, anh liền kéo Phương Thanh Dã chặn kẻ đó trong con ngõ sau trường, hung hăng đánh hắn ta một trận tơi bời rồi buông một câu cảnh cáo: “Sau này tao còn nghe thấy mày nói em tao là tên thọt, tao sẽ chém đứt cái chân chó của mày nghe chưa!”.
Anh em sinh đôi ra đời cùng một ngày. Một người tay chân lành lặn, tiếng khóc rõ to. Còn một người thì dị tật bẩm sinh, chân trái bị cụt từ đùi trở xuống.
Cặp vợ chồng nông thôn, gia cảnh bần hàn, không hiểu y học, suốt thời kỳ mang thai chỉ siêu âm một hai lần. Sau khi biết mang thai đôi, họ vui mừng chờ những đứa con ra đời, không đến bệnh viện kiểm tra thêm một lần nào nữa.
Tiết Sơn vẫn nhớ, năm lên tiểu học, anh và tụi bạn hàng xóm chơi trò vật nhau trong sân nhà mình, hết vòng này đến vòng kia, tiếng cười huyên náo khắp sân.
Kỹ thuật anh rất tốt, thường giữ chức chỉ huy đám bạn nhỏ nên rất cao hứng. Cho đến một lần vô tình ngẩng lên, anh trông thấy gương mặt giống mình như đúc bên cửa sổ.
Tiết Hải ít khi ra ngoài, suốt ngày quanh quẩn trong nhà. Bởi vì ra ngoài sẽ bị người ta bàn tán trêu chọc, ở sau lưng gọi là tên thọt. Bố mẹ không rảnh rỗi để ngăn cản người ta nói linh tinh, đành bảo cậu hạn chế ra ngoài.
Cậu lẳng lặng đứng bên cửa sổ, nhìn đám bạn cùng tuổi vui vẻ đùa nghịch trong sân, nét mặt tỏ ý ghen tị, trông đợi.
Khoảnh khắc ấy, trái tim Tiết Sơn như có người bóp chặt.
Hồi ấy trong ngôi nhà nhỏ, trong căn phòng gạch mộc cũ nát, hai anh em ở chung một phòng.
Buổi đêm, Tiết Sơn ngủ bên Tiết Hải, lên tiếng chuyện trò: “A Hải, ngày mai anh sẽ dẫn em ra ngoài chơi. Anh đã hẹn Phương Thanh Dã đến kho thóc chơi bắn bi rồi. Bọn anh sẽ dạy em chơi nhé?”.
Người nằm cạnh trở mình, vùi đầu trong chăn, giọng buồn buồn: “Không đi”.
Tiết Sơn xoay người, nằm đối diện Tiết Hải, xốc chăn của cậu ta lên, nói: “Đi đi, có anh đây, không ai dám trêu chọc em đâu”.
Hình như suy nghĩ thật lâu, cuối cùng Tiết Hải vẫn lắc đầu: “Không đi”.
Sau khi tắt đèn, Tiết Sơn mãi không ngủ được.
Không biết qua bao lâu, anh cảm thấy người bên cạnh trở mình, giọng như đang lẩm bẩm:
“Anh, em không chơi được. Anh giúp em, chơi luôn phần của em nhé”.
Sau này, học xong tiểu học, Tiết Hải không tiếp tục đến trường mà ở nhà giúp bố mẹ cơm nước. Năm mười lăm tuổi, cậu đi theo bác thợ mộc hàng xóm học nghề, có thể tạo ra một số đồ dùng đơn giản trong gia đình. Tuy thu nhập ít ỏi nhưng cũng coi là giúp đỡ, giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ.
Tiết Sơn học hành bình thường, tạm coi là có kiến thức cơ bản. Mỗi lần về nhà, mặc dù không thích học, anh vẫn nhẫn nại dạy Tiết Hải học chữ, học số. Dạy xong còn hỏi Tiết Hải thích chơi gì, anh sẽ làm giúp cậu ấy.
Tiết Hải nói muốn ra sông bắt cá. Ngày hôm sau Tiết Sơn kéo Phương Thanh Dã đi liền. Kết quả bị chủ ao cá bắt được, phạt nhấn cổ xuống nước rồi mách cha mẹ. Cuối cùng phải đền một ít tiền họ mới cho qua.
Tiết Hải nói mấy hôm trước trông thấy trên cây trước cửa nhà có tổ chim, cậu muốn trèo lên xem chim non được ấp như thế nào. Ngày hôm sau, trời vừa sáng, Tiết Sơn đã đánh thức Tiết Hải dậy, đưa cậu ấy ra sân, bảo cậu ấy nhìn mình trèo lên cây. Kết quả trượt chân, trèo nửa đường thì bị ngã, đập bể chậu rửa rau mẹ anh để bên cạnh, bị mẹ đuổi theo đánh cho một trận.
Sau khi tốt nghiệp trung học, thành tích không tốt, không có hy vọng đậu đại học, cộng thêm điều kiện kinh tế bấp bênh, Tiết Sơn định cùng Phương Thanh Dã đi nơi khác làm công.
Tuy bố mẹ không đồng ý để anh đi xa nhưng nghĩ làm vậy cũng đỡ cho gia đình được một phần tiền nên đành chấp nhận.
Buổi tối trước khi đi, hai anh em giống như trước, nằm trên giường tỉ tê.
Tiết Sơn hỏi: “A Hải, nếu chân của em lành lặn, cho em chọn một nghề em thích nhất, em sẽ chọn nghề gì?”.
Tiết Hải đáp: “Quân nhân. Em muốn làm quân nhân, có thể bảo vệ được tổ quốc, bảo vệ cha mẹ, bảo vệ anh trai”.
Khi đó, cả nước đang có đợt tuyển quân trên diện rộng, đầu đường cuối ngõ, khắp nơi đều thấy những hàng chữ đỏ sơn to tướng sơn trên tường – một người tham gia quân ngũ, cả nhà quang vinh.
Tiết Hải nói: “Em muốn bố mẹ tự hào, không muốn họ ra ngoài bị người ta chê cười vì đã sinh ra một đứa con què quặt. Em không muốn cả đời này bị người ta nói sống dựa bố mẹ và anh trai. Bản thân em cũng muốn trở thành chỗ dựa cho mọi người”.
Từ nhỏ tới lớn, bao lần bị bố mẹ mắng chửi giáo huấn, đánh nhau mặt mũi bầm dập cũng không khiến Tiết Sơn chảy nước mắt. Vậy mà đêm hôm ấy, giữa căn phòng nhỏ hẹp u ám, sau mười tám năm, giọt nước mắt đầu tiên đã chảy xuống.
Ngày hôm sau, một mình Phương Thanh Dã khoác hành lý lên đường.
Mùa đông năm sau, năm đầu tiên Tiết Sơn nhập ngũ trở về quê nhà. Anh cố ý mặc quân phục, đứng ở cửa chờ Tiết Hải trông thấy mình.
Ngày hôm ấy, nụ cười trên mặt Tiết Hải như thế nào, anh vẫn nhớ rõ. Bởi vì từ sau khoảnh khắc đó cho mãi đến ngày Đồng Đồng ra đời, rốt cuộc anh không biết nụ cười trên mặt Tiết Hải có hình dáng như thế nào.
Hút hết bao thuốc, Tiết Sơn dậm tắt tàn, ngẩng đầu ngắm cảnh trời đêm bao la bát ngát, bỗng cảm thấy số phận thật bi thương.
Nhưng một giây sau, dáng hình Trần Dật lơ lửng ngay trước mặt, chút bi thương ấy lại lặng lẽ biến mất.
+++
Một đêm gió êm sóng lặng, Trần Dật ngủ không an giấc, ngoài phòng mặt trời rực rỡ chiếu trên cao.
Chuông đồng hồ không báo, cô bị dậy muộn.
Vội vã vệ sinh cá nhân xong đi làm, cô không kịp ăn sáng, chạy ngay đến phòng khám methadone, trông thấy đồng nghiệp Chính Nhất sốt ruột đứng chờ ngoài cửa phòng. Cơ chế hai người quản lý chìa khóa là như vậy, nhất định phải có hai chìa mới có thể vào cửa.
Một buổi sáng không mấy tốt lành bắt đầu, tựa như định trước mọi chuyện ngày hôm nay sẽ không suôn sẻ.
Mới sáng sớm người nhà bệnh nhân đã kéo đến, cãi lộn trong phòng khám. Bảo vệ thấy người ta là phụ nữ, không tiện đuổi đi. Người phụ nữ được thể, đặt mông ngồi bệt xuống đất, la lối om xòm; “Bác sĩ các người đều là lũ lừa đảo! Lũ nói dối! Cái gì mà điều trị methadone? Con tôi uống hơn nửa năm nay, có tác dụng gì đâu. Con tôi vẫn lén lút ra ngoài mua ma túy đấy thôi? Tất cả đều do các người lừa đảo hết”.
Tình huống như vậy thi thoảng vẫn xảy ra. Thường thì nhân viên nghiệp vụ sẽ giải thích đi giải thích lại với người nhà bệnh nhân, để họ hiểu rằng methadone chỉ có tác dụng thay thế, không thể ngay lập tức dứt được cơn nghiện mà cần từng bước dần dần giảm lượng. Cuối cùng, bệnh nhân sẽ bỏ được methadone. Như vậy mới tính là thành công. Nhưng người nhà bệnh nhân vẫn gào khóc đến tận nơi ý kiến ý cò.
Chật vật mất cả một buổi sáng để thuyết phục gia đình họ. Đến chiều lại thêm một người nữa, cũng nói gần đây chồng mình lén hút ma túy, giấu bán gà vịt ngan ngỗng trong nhà. Đến khi con gái cần tiền đóng học phí thì không còn một xu nào.
Trong lúc Trần Dật đang khuyên nhủ người nhà đó thì Tiết Sơn đến.
Anh đứng ngoài cửa nghe thấy tiếng khóc rống bên trong, bước vào thấy cảnh ấy liền hiểu ngay chuyện gì.
Nhưng anh không quản nhiều, đi thẳng về phía cửa sổ uống thuốc, báo số hiệu.
Bảo vệ vẫn đang khuyên giải người nhà của bệnh nhân. Bên này, hai bác sĩ đang bận chuyện chính. Bỗng nhiên, bà ta lao bổ về phía Tiết Sơn, túm cổ tay anh, cao giọng nói: “Anh đừng tin cái lũ ấy! Đều là giả dối hết! Chồng tôi uống không hiệu quả, lại ra ngoài hút rồi”.
Tiết Sơn gạt tay người phụ nữ trung niên, khẽ liếc nhìn bà ta, không trả lời, ánh mắt tiếp tục lướt xuống tờ giấy đăng ký, ghi thông tin của mình.
Trong phòng khám, Trần Dật bắt gặp tình huống đột xuất, hoảng hốt đứng bật dậy, ngó lăm lăm người đứng bên ngoài cửa sổ.
Tiết Sơn đăng ký xong chìa tờ giấy ra, trông thấy ánh mắt của cô, anh khẽ gật đầu, ý bảo không sao.
Người phụ nữ náo loạn một hồi, rầu rĩ bỏ đi.
Đến giờ ăn cơm tối, Trần Dật cởi áo khoác trắng ra ngoài, Tiết Sơn đứng dưới hàng cây đợi cô.
Hai người tiến vào một quán ăn nhỏ, ăn cơm cùng nhau.
Nhìn ra được, tinh thần của Trần Dật hôm nay không được tốt, toàn thân lộ vẻ mệt mỏi, không nói lời nào.
Tiết Sơn chăm chú nhìn cô, thi thoảng nhỏ giọng nhắc nhở: “Gọi thêm món đi, em ăn ít quá”.
Mỗi lần như vậy, Trần Dật lại ngước lên, nhìn anh mỉm cười thản nhiên.
Một lúc sau, anh bỗng nói: “Trần Dật, anh muốn giảm số lượng”.
Động tác uống canh thoáng dừng lại, Trần Dật chậm rãi buông bát, nhìn về phía anh, khẽ lắc đầu.
“Tháng trước anh vừa mới giảm xuống còn 20ml, đây đã là liều lượng duy trì thấp nhất rồi. Nếu giảm tiếp, nghĩa là bắt đầu bước vào giai đoạn cảnh báo điều trị methadone”. Trần Dật không đồng ý với ý tưởng của anh. Cô nói: “Như vậy nhanh quá. Em sợ cơ thể anh không chịu đựng nổi, sẽ phản tác dụng”.
Tiết Sơn im lặng nghe. Những điều Trần Dật nói, không phải anh chưa từng nghĩ đến. Nhưng anh có cảm giác nóng vội, muốn nhanh chóng lôi cổ con quỷ dữ ra khỏi người mình.
Anh biết rõ, cảm giác nóng vội đó là vì Trần Dật.
Đương nhiên Trần Dật cũng hiểu được điều ấy. Cô thì thầm: “Tiết Sơn, em không vội nên anh cứ từ từ”.
Ngừng một lúc, Trần Dật nói thêm: “Cuộc sống sau này của chúng ta vẫn còn dài”.
Nói xong, cô mỉm cười, vươn tay nắm chặt bàn tay anh.
“Anh đã làm rất tốt. Dạo gần đây người bị đình chỉ thuốc ngày càng nhiều. Đồng nghiệp của em đều có lời khen anh đấy”.
Tiết Sơn nghi hoặc nhìn cô, dường như không hiểu mình có gì đáng để khoa trương đến vậy.
Trần Dật nói: “Đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại”.
Phản ứng hai giây, Tiết Sơn thoáng cười, nghĩ tới vấn đề khác.
Anh hỏi Trần Dật: “Dạo này người bị đình chỉ thuốc nhiều vậy à?’.
Trần Dật gật đầu.
Anh lại hỏi: “Vậy em có gặp phiền toái gì không?”.
Trần Dật đã ăn xong, rút giấy lau miệng: “Chưa có”.
Vẻ mặt Tiết Sơn có chút lo lắng: “Còn chưa có? Vậy trước kia có rồi?”.
Trần Dật không muốn anh lo lắng nên không muốn kể chi tiết chuyện hôm trước. Cô đáp qua loa: “Làm nghề này khó tránh khỏi gặp rắc rối. Nhưng anh xem, em chẳng phải vẫn toàn vẹn trước mặt anh sao? Hơn nữa, ở chỗ làm có camera giám sát, bảo vệ 24/24 nên không việc gì đâu”.
Nơi làm việc rất an toàn, nhưng bên ngoài nơi làm việc thì sao? Khu ký túc xá cho nhân viên không có cổng, người ngoài có thể đi lại tự do. Vả lại, dãy ký túc đấy, theo như Tiết Sơn quan sát, chỉ có bốn năm nhân viên, đều là nữ. Nếu quả thực gặp chuyện thì sẽ không thể kêu cứu.
Trần Dật lắc tay anh: “Không cần lo cho em đâu, thật đấy”.
Nhìn sắc mặt vẫn lộ rõ vẻ lo lắng của anh, Trần Dật nói: “Nếu quả thực gặp chuyện, em sẽ báo cảnh sát. Anh yên tâm đi”.
Đồn cảnh sát thôn Nhã Lý ngay trên phố, cách viện khoảng 2km. Nếu gặp chuyện khẩn cấp, vẫn không có cách nào đến đó trước tiên.
Trần Dật thấy anh im lặng, liền xiết chặt tay anh, lặp lại: “Tiết Sơn, anh không cần lo lắng cho em. Thật đấy”.
Trong đầu anh bỗng bật ra một ý, Tiết Sơn liếc mắt nhìn Trần Dật, vội ép ý tưởng này xuống.
Cuối cùng, anh nói: “Buổi tối khóa chặt cửa, không được tắt điện thoại”.
Trần Dật đáp: “Vâng, tuân lệnh”.
Hiếm khi cô nói được một câu dí dỏm, Tiết Sơn bật cười, đưa tay vuốt tóc cô. Động tác dịu dàng đầy yêu thương.
Đây là quán cơm, là nơi công cộng, tuy chỉ có hai ba người tới ăn. Nhưng đột nhiên thân mật như vậy, Trần Dật cảm thấy không quen, hai tai thoáng chốc nóng bừng.
Ăn xong, hai người tính tiền đi ra ngoài. Tiết Sơn đưa Trần Dật sang đường, nhìn cô bước vào cửa phòng khám methadone mới lái xe rời đi.
Trên đường về, anh đang nghĩ tới chuyện của Trần Dật thì điện thoại đột nhiên vang lên. Anh một tay giữ xe, một tay móc túi lôi điện thoại ra.
Nhìn dãy số trên màn hình, anh vội đạp mạnh phanh, chiếc xe liền dừng lại bên đường.
Dãy số này không lưu trong điện thoại bởi vì anh đã thuộc nằm lòng.
Anh đã từng rất nhiều lần sợ hãi cũng như hoảng hốt khi nhìn thấy dãy số đó hiện lên.
Điện thoại rung liên tục, anh nhấn nút trả lời.
Đầu kia truyền đến một giọng nói trầm thấp oai vệ.
“A lô, A Sơn”.
Trời chiều nghiêng nghiêng tỏa bóng, mang theo chút hơi ấm.
Anh khẽ trả lời: “Cát Gia”.
Truyện khác cùng thể loại
65 chương
10 chương
46 chương
35 chương
39 chương
75 chương
19 chương
183 chương
10 chương