Sơn Nam Hải Bắc
Chương 18
Sáng sớm, mùi nước khử trùng gay mũi thấp thoáng lưu trong hành lang.
Mùi vị ấy giống như lời Phương Thanh Dã, quanh quẩn xung quanh Trần Dật, mãi không tan.
Tiết Sơn đi tới, nhìn bầu không khí lạ lùng, cùng dáng vẻ ngây ngốc của Trần Dật, anh không khỏi ngạc nhiên hỏi Phương Thanh Dã: “Cậu vừa mới nói luyên thuyên cái gì đấy?”.
Phương Thanh Dã há miệng, nhe hàm răng bàn quốc ra, trả lời: “Tán gẫu với bác sĩ Trần về quá khứ của cậu ấy mà”.
Nét mặt bình thản dần tan biến, Tiết Sơn vô thức liếc mắt nhìn Trần Dật, không biết cô đang nhìn gì, hình như là vết bẩn dưới chân giường, dáng vẻ hoàn toàn không để ý tới anh.
Anh quay sang Phương Thanh Dã, ánh mắt dọa người.
Phương Thanh Dã nhún vai, chưa đánh đã khai: “Ây dà, không có chuyện gì đâu, chỉ nói trước kia cậu đã từng đi lính…”.
Cảm nhận dáng vẻ Tiết Sơn càng lúc càng trở nên lạnh lùng, anh ta thức thời im bặt.
Trần Dật đứng lên: “Không còn chuyện gì nữa, tôi về trước đây”.
Đồng Đồng ngồi nghịch ngón tay cạnh cô nãy giờ nghe vậy cũng đứng lên, túm chặt vạt áo của Trần Dật, dường như không muốn cô đi.
Trần Dật nhìn đứa bé mỉm cười, xoa đầu nó.
Tiết Sơn kéo Đồng Đồng về phía mình, nói với Trần Dật: “Để tôi tiễn cô”.
Buổi trưa hai ngày trước, anh cũng nói mấy câu đó, kết quả bị cơn lũ bao vây, không tiễn được.
Bất chợt cảm thấy mông lung, rõ ràng thời gian tiếp xúc với người trước mặt mới được hai ba ngày nhưng cảm giác thân quen thì tựa như đã có từ lâu.
Có lẽ bởi vì những gì trải qua hai ngày qua thực sự không thể nào quên nổi, Trần Dật nghĩ như vậy.
Tiết Sơn đang đợi câu trả lời của cô, Đồng Đồng cũng nhìn cô chăm chú, Trần Dật thoáng mỉm cười, đáp: “Vâng”.
+++
Bến xe khách của huyện gần bệnh viện, đi hơn 10 phút là đến.
Ra khỏi bệnh viện, sang bên kia đường là một siêu thị nhỏ, Tiết Sơn bảo Trần Dật đợi một chút, anh đi vào mua hai chai nước.
Anh đưa một chai cho Trần Dật trước, còn chai kia anh mở nắp nhét vào tay Đồng Đồng.
Nhiệt độ bỗng nhiên tăng trở lại, chưa đến mười giờ, mặt trời đã chói chang. Từ bệnh viện đi ra mới được vài phút ngắn ngủi nhưng trên trán Đồng Đồng đã rịn một lớp mồ hôi.
Cầm chai nước trong tay, nhìn đứa bé ngửa đầu uống, Trần Dật nói cảm ơn.
Đồng Đồng uống xong, Tiết Sơn giúp con bé đóng nắp chai, giọng điệu hờ hững: “Giữa chúng ta không cần phải khách sáo như thế”.
Câu này nghe quen tai, Trần Dật không kìm được mỉm cười.
Kẹp chai nước gần nách, Tiết Sơn kéo Đồng Đồng bằng một tay: “Đi thôi”.
Ba người sóng vai đi về phía bến xe khách.
Trên đường đi qua một cửa hàng bán đồ chơi, cửa kính trong suốt, xếp rất nhiều thú bông với các kiểu dáng khác nhau. Trần Dật liếc thấy trong góc một chú gấu màu nâu, rất giống chú gấu cũ Đồng Đồng thích.
Xem ra Đồng Đồng cũng đã nhìn thấy, con bé tiến lên trước, ánh mắt không nỡ rời đi.
Trần Dật bảo: “Đợi một chút”.
Tiết Sơn dừng bước, quay đầu lại. Trần Dật chỉ về phía cửa hàng đồ chơi.
Anh đứng bên ngoài cửa kính, nhìn bóng người đi đi lại lại bên trong, cảm giác không được chân thực.
Rất nhanh, người bên trong đi ra.
Lúc ăn sáng xong, Trần Dật bảo Tiết Sơn cho mượn hai trăm đồng làm lộ phí và sử dụng khi cần thiết, nên cô mới có tiền để mua.
Hai tay vắt chéo sau lưng, Trần Dật làm bộ bí ẩn đứng trước mặt Đồng Đồng, như làm ảo thuật, biến từ sau lưng ra một chú gấu nhỏ.
Chiêu lừa bịp vặt vãnh trong mắt người lớn nhưng hữu ích với trẻ con.
Đồng Đông cong môi, gương mặt nghiêng nghiêng, dáng vẻ hớn hở nhưng vẫn không thốt ra bất kỳ âm thanh nào.
Tiết Sơn trông thấy, thấp giọng nói: “Cảm ơn cô, bác sĩ Trần”.
Trần Dật lắc đầu, ba người tiếp tục đi tiếp.
Đồng Đồng đắm mình trong niềm vui có gấu bông mới, vừa đi vừa hôn vừa vuốt ve.
Trần Dật ngó sang, dịu dàng nhắc nhở: “Đồng Đồng, người gấu bông không sạch lắm đâu, đợi về nhà tắm cho nó xong rồi hãy hôn được không?”.
Con bé kẹp gấu bông dưới cùi chỏ, gật đầu khe khẽ.
Đi được một đoạn, Trần Dật nhớ tới lời Phương Thanh Dã nói lúc nãy, bỗng mở miệng: “Tiết Sơn, anh ở trong quân đội mấy năm?”.
Thoáng sửng sốt, Tiết Sơn trả lời: “Hai năm”.
Trần Dật ngẫm nghĩ: “Sau khi tốt nghiệp trung học à?”.
Tiết Sơn gật đầu.
Ánh mặt trời từ phía sau theo tới đây, kéo dài bóng ba người trên mặt đất. Hai bên đường là hàng cây không biết tên cao lớn xanh ngắt.
Chỗ rẽ phía trước giao lộ là bến xe, một chiếc xe buýt màu trắng đang đi từ trong ra.
Trần Dật thoáng nhìn tấm biển ghi tuyến, là xe đi ngoại thành.
“Anh xuất ngũ được mấy năm rồi?”. Trần Dật hỏi.
“Năm năm”. Tiết Sơn trả lời thành thật.
“Sau đó thì sao?”. Trần Dật hỏi tiếp: “Sau khi xuất ngũ, anh làm thợ sửa xe luôn à?”.
Tiết Sơn ngạc nhiên, lắc đầu, không ngờ cô hỏi tỉ mỉ như vậy: “Không phải. Tôi làm bảo vệ, mãi sau mới học sửa xe”.
Lúc hỏi mấy chuyện đó, giọng điệu Trần Dật bình thường tựa như bạn bè nói chuyện phiếm, thoải mái nhẹ nhõm. Nhưng không hiểu sao, Tiết Sơn có cảm giác sau lưng toát một lớp mồ hôi lạnh.
Cũng may Trần Dật không hỏi tiếp, bởi vì họ đã đứng trước bến xe.
Mua vé xong, Tiết Sơn dẫn Đồng Đồng đến cửa soát vé, tiễn Trần Dật lên xe xong, hai bố con mới quay lại.
Điều kiện của chiếc xe buýt chạy tới thôn Nhã Lý hơi kém, mùi trong xe lại khó chịu, đi gần hai tiếng rưỡi xóc nảy khiến người ta buồn ngủ.
Ngủ chập chờn được mấy giấc thì xe cũng đến cửa trung tâm.
Trần Dật lấy chìa khóa dự phòng bên nhà hàng xóm, sau khi mở cửa vào nhà, bà hàng xóm đứng tuổi chạy sang, tỏ vẻ quan tâm hỏi thăm: “Tiểu Trần à, cháu trở về là tốt rồi. Cháu không biết chứ, nghe nói cháu bị mắc kẹt trong thôn Thạch Tháp, mọi người lo lắng gần chết, chỉ sợ cháu gặp chuyện gì bất trắc”.
Vị đồng nghiệp này làm việc ở bộ phận phát thuốc, ngày thường gặp nhau chỉ coi như xã giao. Lúc trước bà ta có ý định giới thiệu đối tượng cho Trần Dật, sau khi bị Trần Dật nhã nhặn từ chối, liền lời ong tiếng ve sau lưng cô, Trần Dật biết nhưng làm như không nghe thấy.
Cảm ơn sự quan tâm của bà ta, Trần Dật nói lát nữa còn phải vào trung tâm có việc cần giải quyết. Bà hàng xóm đành hậm hực rời đi.
Cởi bỏ bộ đồ lót và đôi tất thấm nước đã được gió thổi khô, tìm bộ quần áo của mình, thay bộ đồ của Tiết Sơn mua ra, Trần Dật đi ra ngoài.
+++
Bộ phận văn phòng của Trung tâm nằm trên tầng hai, lúc đi lên tầng hai Trần Dật gặp rất nhiều đồng nghiệp, họ hỏi thăm cô rối rít. Vừa hiếu kỳ vừa quan tâm, họ muốn tìm hiểu tình hình cụ thể của cô trong hai ngày bị mắc kẹt nhưng thấy dáng vẻ không muốn nói chuyện của Trần Dật, họ lại thôi.
Trong văn phòng, viện phó Trương đang ký một xấp giấy tờ.
Trần Dật ngồi xuống đối diện, nghe viện phó Trương nói: “Tiểu Trần à, lần này cháu thật sự vất vả rồi”.
Trần Dật đáp: “Không có gì, cảm ơn viện phó Trương đã quan tâm”.
Đợi lãnh đạo ký xong, hai người nói đến chuyện nghỉ phép.
Ý của viện phó Trương là cô nghỉ phép vài hôm không vấn đề gì. Số lượng bệnh nhân bên phòng khám methadone hiện không nhiều lắm, có thể sắp xếp chia ca, tưng đấy nhân viên là đủ. Viện phó Trương bảo cô tranh thủ đi làm lại chứng minh, thẻ ngân hàng, sim điện thoại rồi hãy quay lại với công việc.
Trần Dật cảm kích sự sắp xếp đầy tình người của lãnh đạo nhưng trong lòng cảm thấy không đơn giản như vậy.
Quả nhiên, sau khi nói xong, viện phó Trương đề cập tới chuyện khác.
Bà bảo Trần Dật thu xếp thời gian nhận lời phỏng vấn của đài truyền hình thành phố, nói về những việc đã trải qua trong vụ thiên tai vừa rồi. Đương nhiên là muốn làm nổi bật hình ảnh của nhân viên trung tâm, đã không quản ngại gian khó, hết lòng phục vụ nhân dân.
Bà nói thẳng với Trần Dật, gần đây lãnh đạo của Bộ y tế có phân bổ kinh phí cho các cơ sở y tế hạ tầng. Với tin tức như thế này sẽ mang lại tiếng thơm cho Trung tâm. Đồng thời cũng sẽ khiến các cấp lãnh đạo thêm coi trọng trung tâm, giúp ích cho việc trích quỹ tài trợ.
Đặt quan hệ lợi ích một cách rõ ràng, rất phù hợp với phong cách của người lãnh đạo, Trần Dật không thể nói có, cũng không thể nói không.
Nhắc tới vấn đề lợi ích, phó viện trưởng Trương đánh bài tình cảm, nói người phụ trách chuyên mục nào đó trong đài là người quen của bà, đích thân lên tiếng nên bà không nỡ từ chối. Huống chi, đây là việc hữu ích, cớ sao không làm?
Từ ngày bước chân vào làm tại trung tâm sức khỏe cộng đồng của thôn Nhã Lý, Trần Dật luôn cố gắng làm tốt việc của mình, không tham gia buôn chuyện với đồng nghiệp, chia bè kết phái, trung thành bảo vệ ý nghĩ riêng của bản thân. Mặc cho ở một nơi xa xôi hẻo lánh như thế này, có rất ít người chịu ngồi suy xét xem bệnh án đã viết đạt tiêu chuẩn hay chưa, hồ sơ xuất viện liệu có phù hợp với yêu cầu của Bộ y tế hay không? Cô vẫn chăm chỉ làm việc, tỉ mỉ và cẩn thận.
Dù là trong công việc hay trong cuộc sống, luôn luôn có thể sống theo cách của mình thế là đủ.
Có một điều cô không hề nghĩ tới, sau vụ tai nạn, có rất nhiều chuyện đã bị thay đổi.
Bất kể trong công việc, hay trong cuộc sống.
Thấy Trần Dật trả lời đồng ý, phó viện trưởng Trương hài lòng khen cô biết xử lý, có tầm nhìn, sau này sẽ cất nhắc đề bạt.
Trần Dật nghe không vào tai, viện lý do để cáo từ.
Cô vừa đi ra cửa, lại bị phó viện trưởng Trương gọi lại.
“Đấy, cháu tới đây cô mới nhớ, đúng là già cả mất rồi”. Phó viện trưởng Trương cười tủm tỉm: “Buổi sáng có một cô gái gọi điện tới đây, nói là bạn cùng quê với cháu. Sau khi biết tin, cô ấy đã rất lo lắng nên gọi điện tới hỏi thăm tình hình”.
Bạn cùng quê?
Gần hai mươi năm qua cô chưa từng về đó, lấy đâu ra bạn?
“Có phải nhầm không nhỉ?”. Trần Dật hỏi: “Họ có để lại tên hay số điện thoại không ạ?”.
Phó viện trưởng Trương vội gật đầu: “Có có”. Sau đó lật ngăn kéo ra.
Bà đưa cho Trần Dật một tờ giấy nhớ: “Trên này có ghi số điện thoại, cả tên nữa. Cô ấy nói khi nào cháu về, mong là cháu sẽ liên lạc lại với cô ấy”.
Trần Dật cầm tờ giấy nhớ màu vàng, trên đó ghi một dãy số viết láu, đằng sau dãy số là một cái tên.
Cô nhìn chăm chú, miệng khẽ đọc: “Trương Lệ Quân?”.
+++
Trần Dật đi dạo trong thôn Nhã Lý, mua di động mới, trong cửa hàng không xài thẻ tín dụng. Cô đành cầm thẻ rút tiền ở cây ATM thị trấn rồi quay lại, tiện thể mua luôn một chiếc sim mới.
Thủ tục thay sim tương đối phiền phức, cần tới chứng minh. Dù sao ngày thường, ngoại trừ các đồng nghiệp, cô cũng chỉ liên lạc với Dư Sanh Sanh nên mua một cái mới cho nhanh.
Giữa trưa, ánh mặt trời chiếu chói chang.
Trần Dật bước vào một quán ăn nhỏ, chọn một phần mì thịt bò. Trong lúc đợi món, một nhóm công nhân sửa đường tốp năm tốp ba cùng vào ăn cơm. Giọng bọn họ khá lớn, cười cười nói nói, khiến không gian chật chội càng thêm náo nhiệt.
Mì rất nhanh được mang lên, nước canh nổi đầy váng mỡ, phía trên phủ mấy miếng thịt bò nhỏ trông không ngon lắm.
Trần Dật gắp một miếng đưa lên miệng định ăn thì điện thoại bỗng rung.
Trước mắt là một dãy số không tồn tại. Cô chưa báo cho bất kỳ ai số điện thoại mới, người gọi tới chắc là bạn cũ Trương Lệ Quân.
Lúc nãy, sau khi cài sim điện thoại, cô đã nhấn dãy số ghi trên tờ giấy nhưng không có người nghe.
Hiện tại, Trần Dật cầm điện thoại, nhìn dãy số lạ, ấn nút trả lời.
“Alo?”. Đầu bên kia vang lên một giọng nói dè dặt.
Hít sâu một hơi, Trần Dật đáp: “Lệ Quân, mình là Trần Dật đây”.
Tiếng chợ búa ồn ào, văng vẳng bên tai là những lời ba hoa khoác lác không dứt. Trần Dật một mình một phương, giờ phút này vô cùng tĩnh lặng, sau mấy giây trầm mặc, bắt đầu mơ hồ vang lên tiếng khóc của đối phương.
+++
Trương Lệ Quân vô số lần nằm mơ thấy, mùa đông năm ấy, ngay ngã ba thôn, lúc thảo luận nên lấy gì làm mắt cho người tuyết, bọn cô không cãi lộn, không đánh cuộc, cả hai ăn ý lựa chọn hạt dẻ.
Sau đó, Trần Dật kiên nhẫn đứng chờ bên cạnh người tuyết, sửa sửa chữa chữa, còn cô co cẳng chạy về nhà lấy đạo cụ. Hai đứa trẻ vui vẻ hoàn thành tác phẩm.
Nhưng thời gian sẽ không bao giờ quay trở lại, mỗi giây qua đi, sẽ ra đi mãi mãi.
Sau này trưởng thành, cô dần dần hiểu ra rằng, chỉ có ánh nắng mà không có bóng râm, chỉ có sung sướng mà không có đau khổ, thì đó không phải là cuộc sống.
Cô chỉ hy vọng, ông Trời có thể thương lấy Trần Dật, đừng mang thêm đau đớn tới cho cô ấy nữa.
Hãy để cô ấy được sống bình an, khỏe mạnh, vui vẻ hết phần đời còn lại.
Truyện khác cùng thể loại
65 chương
10 chương
46 chương
35 chương
39 chương
75 chương
19 chương
183 chương
10 chương