*Trích từ điển cố trong truyện "Chẩm Trung Ký" thời Đường kể chuyện một chàng trai gặp một đạo sĩ trong một quán trọ. Đạo sĩ cho chàng trai một chiếc gối bảo ngủ đi. Bấy giờ chủ quán đang nấu một nồi cơm kê vàng, chàng trai nằm mộng thấy mình được làm quan, hưởng phú quý, nhưng khi tỉnh dậy, cơm kê vàng vẫn chưa chín, sau ví với sự vỡ mộng. Đầu tháng giêng là dạ yến mừng xuân, điện Tử Tiêu rợp trong ánh đèn, sơn hào hải vị bày khắp nơi, vạt váy của vũ cơ tung bay như mây. Triệu Dương mặc y phục gấm đen tuyền thêu hình rồng bằng chỉ vàng, vạt áo còn ẩn hiện hoa văn nhật nguyệt bằng chỉ ngũ sắc, đầu đội cao quan* bằng vàng có chín tua ngọc, tư thái oai hùng, mày kiếm dài tận tóc mai, mỉm cười ngồi ở vị trí cao nhất bên trái đế vị, ung dung khoản đãi văn võ bá quan cả triều. *Cao quan có chín tua ngọc: Hôm nay chính là xuân yến của Đại Hạ. Cho dù bên ngoài trời đông giá rét tràn ngập bão tuyết, chiến sự ở Tây Bắc vẫn còn tiếp diễn, dị tộc ở Đông Bắc lại có động thái đòi độc lập, mùa màng thất thu, lũ lụt khắp nơi, văn võ trên triều không ngừng ngấm ngầm công kích nhau, thì sự xa hoa ở triều đình Đại Hạ vẫn không suy giảm, đèn đuốc vẫn sáng choang, rượu ngon thịt thơm vẫn tràn ngập, mỹ nhân yến anh vẫn dập dìu. Thủ lĩnh các đại khu ở Bạch Chỉ, Tây Liêu, Triều Qua, Diêu Huyện, Bắc Hải, Đông Kim, cùng với phiên vương các nơi, tướng soái trong triều, gia chủ các thế gia, nhân ngày lễ, vua thần tụ tập ở một nơi tạo ra khung cảnh mưa thuận gió hòa. Hôm nay không ai muốn đề cập đến chiến sự đáng phiền cùng đấu tranh mưu quyền kia, rượu vào thì gan to ra, kẻ địch ngày thường cũng bá cổ quàng vai ngồi với nhau, vui đùa mỹ nhân như hoa như ngọc trong lòng, đội vũ cơ trên đại điện ra sức ca múa vũ khúc mừng thái bình. Văn võ quý tộc thỉnh thoảng lại quay về phía vương vị giơ cao chén rượu, không phải kính chủ vị mà là kính vị Thập Tứ hoàng tử còn trẻ mà đã cầm trọng quyền kia. Nếu là ba năm trước đây, có lẽ không ai ngờ sẽ có một ngày như thế này, kể cả lão cáo già tự cho bản thân có ánh mắt sắc bén là Ngụy Quang cũng không ngờ được, thiếu niên khi xưa còn vẫy vùng trong vũng bùn chỉ trong ba năm ngắn ngủi đã một bước lên trời, đường hoàng ngồi lên vị trí này. Nhưng cũng khó trách, hiện tại hoàng thất Đại Hạ tàn lụi, Triệu Tề và Triệu Giác đã chết, Triệu Triệt bị lưu đày, Triệu Tung trở thành người tàn phế, duy chỉ còn lại vị Thập Tứ hoàng tử này có thể gánh vác giang sơn Đại Hạ, cho nên cả Ngụy phiệt cũng đành quỳ gối dưới chân Triệu Dương, toàn tâm toàn ý phụ tá hắn thượng vị. Thủ lĩnh Triều Qua tiến lên mời rượu Triệu Dương đang ngồi trên cao, Triệu Dương lãnh đạm nâng chén, khẽ gật đầu rồi uống cạn chén. Gã tướng lĩnh trấn giữ Triều Qua lại huyên thuyên bày tỏ kính ý và lòng trung một hồi, cuối cùng nhận được một cái gật đầu nhẹ bâng của Triệu Dương mới hớn hở quay về chỗ ngồi. Trong ánh nến lung linh, một đám vũ cơ mới bước lên đại điện, tay áo giơ cao, vòng eo mềm mại uyển chuyển như rắn, nhất thời thu hút sự chú ý của đám đông. Triệu Dương âm thầm cong khóe môi nở một nụ cười rất nhạt, không dễ nhận ra. Hắn còn nhớ rất rõ gã tướng kia, bốn năm trước, cũng ngay trên đại điện này, khi đó bởi vì địa vị thấp, hắn được sắp ngồi phía dưới, trên đường đi mời rượu Triệu Tề, gã tướng kia đã bất cẩn giẫm lên áo choàng của hắn khiến rượu trong chén sánh ra ngoài, bắn đầy người hắn. Nhưng gã tướng kia cũng chỉ nhướng mày nhìn hắn, sau đó khinh thường hừ lạnh một tiếng rồi phủi tay bỏ đi. Sau bốn năm, thái độ của gã tướng này lại thay đổi nhiều như vậy, vô cùng lễ độ và khách khí. Đúng là nhân sinh thay đổi, người xung quanh cũng thay đổi theo. Triệu Dương hơi quay đầu, liếc khóe mắt về phía vương vị thoáng ẩn thoáng hiện trong ánh nến kia. Hắn nhìn hồi lâu, thần sắc dần dần trở nên mông lung, hiện tại hắn đang ngồi ở đây, tầm mắt bao quát cả đại điện, tiếng ca tụng tràn ngập bên tai, đột nhiên cảm thấy, vị trí từng cách hắn rất xa lại gần như vậy, chỉ giơ tay là có thể chạm đến. Nhưng khi điệu vũ vừa ngừng, hắn lại quyết đoán quay đầu đi, vẻ mông lung trên mặt tan biến, lấy lại thần sắc khi nãy. Ánh trăng bên ngoài rải lên thềm cửa đại điện, gió nhẹ thổi khiến góc rèm lụa đung đưa, một thị vệ đột nhiên khịt khịt mũi, quay sang hỏi thị vệ bên cạnh: "Sao tự nhiên lại có mùi khói nhỉ?" Thị vệ kia cũng hít hít mấy cái, nhưng lại lắc đầu, "Ngươi bị ảo giác à?" "Nhầm rồi sao?" Thị vệ không dám thắc mắc nữa, nơi này là nội viện hoàng gia, lại đang có xuân yến, ai dám cả gan đốt lửa ở gần đây chứ? Ánh trăng xuyên qua đại điện, theo gió luồn vào cửa cung thâm sâu, tổ miếu quanh năm bị khóa hiện đang bốc lên một cột khói, tro nhang đốt để tiễn năm cũ vừa bị cuốn lên cao liền bị gió lạnh xé tan thành từng mảnh nhỏ. Sâu trong đại điện mờ tối, đế vị đúc bằng bảo thạch cẩn minh châu lấp lánh, tựa như xua tan vẻ tĩnh mịch chết chóc, thế nhưng lại không ngăn được tầng tro bụi vất vưởng như oan hồn bất tán xung quanh. Người hiện giờ vốn nên có mặt trên điện Tử Tiêu, hoàng đế Triệu Chính Đức lại đang ngồi một mình trong tổ miếu vắng lặng, đối diện ông là một linh đường nguy nga lộng lẫy, trên linh đường bày chi chít linh vị, cao đến tận nóc, như muôn vàn đôi mắt đang lẳng lặng nhìn ông. Năm tháng trôi qua, gió lạnh luồn qua linh vị, phát ra âm thanh u u như tiếng nói từ hoàng tuyền. Một tiếng *keng* giòn tan đột nhiên vang lên phá vỡ sự im lặng trong điện, cái chén lưu ly trong tay hoàng đế vừa rơi xuống trên mặt đất, vỡ vụn thành bảy tám mảnh, chất rượu nho đỏ tươi chảy tràn ra, tỏa ra hương thơm ngọt ngào. Âm thanh đó đã đánh thức vị hoàng đế đang dựa vào ghế ngủ say, ông mơ hồ mở mắt ra, khóe môi nhăn nheo mỉm một nụ cười rồi nhẹ giọng nói: "Lại đến quấy trẫm nữa rồi." Ngữ khí rất dịu dàng, thậm chí còn mang theo ý cười, nhưng ở trong hoàn cảnh hiện tại lại vô cùng quỷ dị và lạnh lẽo. Tiểu thái giám khẽ run một cái, cẩn thận liếc mắt nhìn vào bên trong, nhưng liền bị lão thái giám đạp mạnh một cước, "Cút ra ngoài đi." Tiểu thái giám vội vàng quỳ sụp xuống, sợ đến mức không dám thở mạnh, sau đó lập tức bò ra ngoài. Lão thái giám bưng bình rượu lên, chậm rãi đi đến cạnh vương vị rót đầy một chén khác cho hoàng đế, dùng giọng nhỏ nhẹ đặc trưng của thái giám nói: "Hoàng thượng, hoàng hậu nương nương lại đến đùa với ngài nữa sao?" "Ừ." Hoàng đế quay đầu lại cười nói: "Ngươi cũng biết rồi đấy, nàng là chúa thích quậy phá, tính tình tùy hứng như vậy, làm gì có chút phong phạm mẫu nghi chứ?" Lão thái giám cũng không cười, chỉ đều giọng trả lời: "Hoàng thượng nói vậy, để hoàng hậu nương nương nghe được lại giận dỗi đấy." Hoàng đế cười to, sau đó đổi tư thế ngồi thoải mái hơn, tựa lưng vào long ỷ to rộng, nhẹ nhàng nói: "Ta đi xem nàng có dỗi không." Nói xong lại nhắm mắt lại. Mấy năm nay hoàng cung không ngừng có thay đổi lớn, Mục Hợp hoàng hậu đã qua đời từ lâu nhưng hậu vị vẫn còn để trống, mà trước Mục Hợp hoàng hậu, hoàng đế từng sắc phong mấy vị khác, cũng chẳng rõ nàng trong lời ông là chỉ ai. Lão thái giám cúi đầu, mặc kệ mảnh chén vỡ đầy đất mà chỉ nhặt một cọng cỏ rất nhỏ bị lẫn trong rượu lên, cẩn thận bỏ vào một chiếc hộp bằng vàng rồi lui vào đứng trong góc, sắc áo đen tuyền như hòa làm một với bóng đêm. Giờ lành đã đến, chúng cung nhân lũ lượt xuyên qua cửa cung lần lượt thắp sáng toàn bộ nến trong cung, thoáng cái đã xóa tan vẻ tăm tối tịch mịch của thâm cung, khiến tòa cung điện trở nên rực rỡ như một viên minh châu. Tiếng cười nói náo nhiệt cùng tiếng chúc tụng hoàng đế lan truyền như sóng biển, hòa tan trong tiếng chuông ngân nga, hàng nghìn bá quan văn võ xếp thành hàng dài, từ bên trong điện Tử Tiêu kéo ra tận cổng cung, câu tung hô vạn thọ vô cương chấn động cả bầu trời hoàng thành. Có bóng chim đen đột nhiên xẹt qua, một thị vệ trẻ tuổi vô tâm buột miệng kêu quạ đen kìa, liền lập tức bị trưởng thị vệ bên cạnh đá một cước, "Đồ ngu! Đó là hỉ thước*!" *Hỉ thước = chim khách, người xưa cho rằng chim khách báo tin vui Thành Chân Hoàng hôm đó vừa nổi bão tuyết mịt mù, trong mơ màng, hoàng đế khẽ nhíu mày, nhẹ giọng nói: "An Phúc, ai ầm ĩ bên ngoài vậy, bảo bọn họ nhỏ tiếng một chút." Lão thái giám đứng trong tối nhỏ giọng đáp: "Hoàng thượng, đó là chúng đại thần ở điện Tử Tiêu thỉnh an ngài đấy." "Thỉnh an phụ hoàng à?" Hoàng đế như đã uống say, lẩm bẩm, "Nói với Thế Thành, tan tiệc thì chờ ta một lát." Lão thái giám gật đầu, "Dạ." Đó là chuyện rất nhiều năm trước, cụ thể là bao nhiêu năm thì cả hoàng đế cũng đã quên. Năm đó hoàng đế còn chưa phải là hoàng đế, chỉ là một vị hoàng tử không được sủng ái, có mẹ là một mỹ nhân từ Thanh Khâu đưa đến. Sau hai lần sinh nở, mỹ nhân kia dường như liền bị trượng phu quên lãng. Ông và mẫu thân cùng nhau lặng lẽ sống qua ngày, tự sinh tự diệt không ai buồn để tâm, cho nên phụ hoàng thậm chí còn quên mất việc ban tên chữ cho ông. Đến khi ông được bảy tuổi, cần phải nhập học thì hoàng gia mới rốt cuộc nhớ tới sự hiện hữu của ông. Ông nhớ rõ, lúc tổng quản thái giám đến báo cho phụ hoàng, phụ hoàng đang ngủ trưa trong tẩm cung với Hoa phi, người được sủng ái nhất bấy giờ, ông và mẫu thân cũng chỉ có thể quỳ trên sàn đá lạnh như băng trong điện chờ, quỳ gần hai tiếng phụ hoàng mới tỉnh lại. Phụ hoàng nằm trong vòng tay trắng như tuyết, mịn như ngọc của Hoa phi, hơi nhíu mày nhìn đôi mẫu tử xa lạ bên ngoài màn lụa tựa như đang cố hồi tưởng đến dáng vẻ của bọn họ, cuối cùng chỉ mỉm cười buông một câu: "Dùng chữ Húc* đi vậy." *Húc (煦) có nghĩa là ấm áp Mẫu thân qua đời, sáng sớm ngày thứ hai phát hiện thì thân thể đã cứng ngắc. Ông mặc chiếc áo mỏng manh đứng ở hành lang nhìn mẫu thân bị cuốn trong một tấm vải trắng mang ra ngoài, gió buổi sáng hơi lạnh, tốc tấm vải lên để lộ vầng trán của mẫu thân, trắng bệch như giấy tuyên thành thượng hạng. Ông quay đầu đi, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nhỏ bé, chảy xuống cổ lành lạnh. Ông vội vàng lau nước mắt, mẫu thân tuy có công sinh thành nhưng bởi vì thân phận thấp kém nên không có phân vị, không được tính là mẫu phi của ông, trên gia phả hoàng thất, mẫu phi của ông chính là hoàng hậu ở cung Chiêu Dương, không phải người phụ nữ vừa chết kia, ông không được đau lòng. Sau đó ông được dẫn đến cung Chiêu Dương, ba con trai của hoàng hậu đều đã xuất cung lập phủ riêng rồi nên ông mới có cơ hội được hoàng hậu nuôi dưỡng. Đám cung nhân trước kia coi thường ông đều ríu rít chúc mừng, nói cái gì đã sớm nhìn ra điện hạ là rồng trong biển người, đại phú đại quý, hiện tại đến lúc lột xác lên trời, thật sự là một chuyện mừng, phải vui vẻ lên. Trong tiếng chúc mừng của mọi người, trên điện Phượng Minh của cung Chiêu Dương, ông chân thành dập đầu. Khi đó, ông nghĩ, mẫu thân đã chết rồi, được hoàng hậu mang về nuôi là một chuyện đáng mừng, sau đó ông liền nở nụ cười, cười mà nước mắt chảy ướt cả mặt. Hoàng hậu nhướng mày nhìn ông một lúc rồi trầm giọng bảo mau dẫn xuống, sau này không có chuyện thì không cần ngày ngày tới thỉnh an, hoàng hậu không thích nụ cười của ông. Xế chiều ngày đó, ông gặp được Thế Thành, con trai của Nhị hoàng thúc là Bắc Yến vương. Khi đó Bắc Yến vương chưa đổi họ Yến, vẫn còn mang họ Triệu, chỉ là luôn ở tại đất phong Bắc Yến mà thôi. Thế Thành nhìn thấy ông, lập tức vui vẻ chạy tới nói to: "Đệ cũng từng uống sữa của Thư Hòa mỹ nhân đấy." Sau hôm đó, Thế Thành liền cả ngày theo quấy nhiễu ông, bất kể là ăn cơm hay ngủ nghê đều chạy theo sau lưng ông, ai dám tỏ sắc mặt với ông liền bị Thế Thành xô ngã. Năm đó tiểu tử kia tuy ít tuổi nhưng sức lực lại không nhỏ, ngay cả một đại hán cao to giữ thành do hoàng huynh bố trí cũng bị tiểu tử kia đẩy ngã nhào. Từ đó về sau, không thấy ai trêu chọc Cửu hoàng tử nữa. Nhưng ông vẫn cảm thấy tiểu tử kia rất phiền, ông không thích nụ cười trên mặt hắn, cảm thấy nụ cười đó quá giả tạo, không giống như đám người trong cung, cười rất nhạt, rất lạnh lẽo, còn nụ cười của Thế Thành thì quá trong trẻo, ông không nhìn được chút âm u nào. Ông luôn tự nói với bản thân, tiểu tử này quá giảo hoạt, che giấu tài tình thật, cần tránh xa. Có một lần bị theo đuổi đến bực, ông liền nói với hắn, tối gặp ở hầm băng, không gặp không về. Thế Thành vui vẻ vỗ ngực nói đại trượng phu Bắc Yến không nuốt lời, còn định cắt máu ăn thề, may mà ông kịp thời cản lại. Cũng chẳng ông đau giùm hắn, chẳng qua thân là hoàng tử, tự làm bản thân bị thương sẽ bị phạt. Sang ngày thứ hai, quả nhiên không thấy Thế Thành lộ diện. Bắc Yến thế tử mất tích, cả hoàng cung như phát điên, ai cũng đổ xô đi tìm, gần như lật tung từng tấc đất, kinh động đến cả hoàng hậu cùng phụ hàng. Đám thị vệ cả ngày chạy ngược chạy xuôi, tiếng chân rầm rập như đòi mạng từng bước bóp chặt tim ông. Ông cực kỳ sợ hãi, ông biết Thế Thành ở đâu nhưng lại không dám nói. Ở trong hầm băng một ngày một đêm, nhất định đã sớm bị đông chết, ông cũng sợ, sợ Thế Thành còn sống, nếu người khác biết được Thế Thành chạy đến hầm băng là do ông xui, ông sẽ gặp đại họa. Tối hôm đó, cuối cùng có cung nữ đi lấy băng phát hiện Yến thế tử bị đông cứng trong hầm băng, chúng thái y lũ lượt qua cửa, than thở Bắc Yến thế tử e không ổn rồi, mau báo cho Bắc Yến vương. Lúc ấy, ông nấp sau cột đại điện, lặng lẽ cầu khẩn: Mau... mau chết đi. Đừng sống lại. Nhưng Thế Thành vẫn qua khỏi, hơn một tháng sau liền hoàn toàn hồi phục. Bắc Yến vương biết chuyện còn cười lớn, nói khí hậu ở Bắc Yến băng hàn, Thế Thành từ nhỏ đã chơi đùa trong nước tuyết cả canh giờ liền, chút lạnh lẽo đó vẫn có thể chịu được. Một tháng đó ông luôn sống trong sợ hãi, ngày nào cũng gặp ác mộng làm cho giật mình tỉnh giấc lúc nửa đêm, sợ sẽ bất tri bất giác chết đi giống như người phụ nữ đã sinh ra ông, sau đó bị quấn vải trắng mang ra khỏi cung. Nhưng sau khi bình phục, Thế Thành lại lén đến tìm ông, trừng mắt hỏi: "Hôm đó huynh bị gì vậy? Tại sao không đến?" Lúc ấy, ông đã sửng sốt, vô vàn lý do chắp vá nghĩ suốt nhiều ngày đều tan biến, đầu óc trống rỗng, một chữ cũng nghĩ không ra, ông ấp úng hồi lâu, cuối cùng chỉ thấp giọng nói một câu: Ta quên mất. Thế Thành cười ha ha, nói hắn cũng biết ông không cố ý, nói xong liền như chợt nhớ ra cái gì, vội vã thấp giọng dặn ông tuyệt đối không để người khác biết, bằng không ông sẽ gặp họa. Khi đó Thế Thành mới bảy tuổi, hiếu động như một chú nghé con vùng Tây Bắc, đôi mắt trong trẻo luôn mở to, kiễng chân mới đứng đến tai ông. Hơn nhiều năm sau, ông có hỏi Thế Thành, chẳng lẽ chưa từng giận, chưa từng nghi ngờ ông sao? Yến Thế Thành khi ấy đã là một thiếu niên, kỳ quái nhìn ông một cái, nhướng mày hỏi lại: "Đệ sao lại nghi ngờ Húc ca? Chúng ta là cùng uống sữa của một người mà lớn lên đấy." Đúng vậy, Thế Thành được sinh ra ở kinh thành, Yến vương phi không đủ sữa, đúng lúc Thư Hòa mỹ nhân, mẫu thân hắn lần thứ hai hạ sinh ra một bào thai chết. Vì vậy Thế Thành liền được ôm sang chỗ Thư Hòa mỹ nhân cho bú, có điều cũng chỉ có mấy ngày mà thôi. Năm tháng trôi qua, bọn họ như một mầm cây gặp gió liền lớn, chớp mắt đã trở thành nam tử cường tráng. Trời sáng hai người liền cùng nhau tập võ, cùng nhau cưỡi ngựa, cùng nhau bắn tên, cùng nhau diễn tập binh pháp, cùng nhau nhập ngũ, như hình với bóng. Tâm tình của ông cũng dần tươi sáng hơn, thỉnh thoảng còn có thể cùng với Mông Điền trêu ghẹo cung nhân một hai câu. Mãi đến năm đó, khi theo hoàng thúc xuôi Nam, trong khung cảnh nước non hữu tình, ông gặp được một người đã thay đổi cuộc đời bọn họ. Số mạng như một dòng nước chảy xiết, bất kỳ ai rơi vào dòng chảy kia đều không có lối thoát. Đến nay ông vẫn còn nhớ rất rõ, ngày ấy, ông, Thế Thành và Mông Điền lén rời khỏi dịch quán đi thăm thú thắng cảnh. Hôm đó trời xanh trong vời vợi, thời tiết vô cùng đẹp, mặt trời trên cao thong thả tỏa nắng ấm xuống vạn vật, thiếu nữ chống mái chèo đứng ở mui thuyền, y phục xanh nhạt như hòa làm một với nền trời, dung nhan xinh đẹp, hai mắt long lanh như châu ngọc thượng hạng. Nàng chân trần đứng đó, ống quần xắn cao để lộ một đoạn bắp chân trắng muốt, cười ngoắc ngoắc ba người bọn họ, cất giọng trong trẻo như tiếng chuông bạc: "Này! Ba anh cao to, cần đi thuyền không?" Đã nhiều năm như vậy, lâu đến mức ông cho rằng mình quên gần hết rồi, quên thời gian, quên địa điểm, quên nụ cười cùng dung nhan năm đó, nhưng vĩnh viễn cũng không thể quên giọng nói kia. Ông nhìn thiếu nữ thong thả chèo thuyền đến gần, khẩn trương đến mức lòng bàn tay cũng rịn mồ hôi, muốn nói gì đó nhưng mở miệng không ra. Ngay sau đó liền nghe Thế Thành bên cạnh cười to, "Này, tiểu nha đầu, thuyền nhỏ như vậy chở nổi cả ba người chúng ta sao?" Chuyện ngày đó như một tảng đá to bị ném vào trong dòng thời gian, kích lên vô số gợn sóng trắng xóa. Có lẽ, có rất nhiều chuyện vừa bắt đầu đã mang kết cục được định sẵn từ trước. Chiến sự nổ ra, ông rốt cuộc bị buộc bước lên con đường sinh tử. Trên con đường đó, ông khó khăn đi từng bước một, người cản đường ông đã chết, người bảo vệ ông cũng đã chết, có người tay không tấc sắt, không còn gì để làm nhưng cũng lao mình vào vòng xoáy, cuối cùng đều chết hết trong chiến loạn. Chỉ có Thế Thành vẫn một mực dẫn dắt quân Bắc Yến đi theo sau ông. Cho đến giờ, mỗi khi nhắm mắt lại, bên tai ông như vẫn có thể nghe được giọng nói trẻ tuổi của cậu thiếu niên: Húc ca, đệ đến rồi! Húc ca, không việc gì phải sợ bọn chúng, cùng lắm thì đồng quy vu tận. Húc ca, bất luận ra sao thì huynh cũng phải sống, huynh sống thì mới có thể báo thù cho các huynh đệ đã ngã xuống. Húc ca, làm đế vương phải vì dân vì thiện, chỉ cần huynh nhớ những lời này, đệ chết cũng đáng. Húc ca, ai dám bất trung với huynh, đệ sẽ chém hắn! Húc ca, Húc ca, Húc ca... Đám đông như biển quỳ lạy ở trước mặt ông, hô vang vạn tuế, ông mặc long bào vàng rực, đi từng bước lên tổ miếu nhận vương vị Đại Hạ. Chỗ ngồi của hậu viện, nhét bên trong bộ phượng bào dành cho Thái hậu chỉ có một khối ngọc bội, đó chính là di vật của mẫu thân, khối ngọc nhỏ xíu, nhỏ như phần dũng khí ít ỏi năm đó của ông vậy. Trong đại điện tranh tối tranh sáng, gió thiu thiu thổi, hoàng đế cảm thấy hơi lạnh, chậm rãi mở mắt ra. Lão thái giám từ phía sau đi đến phủ thêm áo choàng nhưng ông lại hờn dỗi ném nó xuống đất, nhướng mày hỏi: "Sao tên tiểu tử Yến Tuân kia còn chưa đánh tới đây vậy?" Lão thái giám cũng không kinh sợ khi nghe hỏi, chỉ nhẹ giọng nói: "Hoàng thượng, Bắc Yến vương hiện giờ vẫn còn đang ở bên ngoài Nhạn Minh Quan." "Đúng là vô dụng, nếu là Thế Thành thì đã công phá cửa khẩu từ lâu rồi. Thanh niên bây giờ đúng là chẳng có mấy người dùng được." Hoàng đế lắc đầu đứng dậy, lộ dáng vẻ rất chi là tiếc hận. "A Sanh không tin ta sẽ không giết tiểu tử kia, được thì nhanh gọi hắn tới cho A Sanh nhìn một chút." Hoàng đế hơi khom lưng, nhẹ giọng lầm bầm. Trên chiếc bàn nhỏ có vô số chén rỗng, chất rượu màu đỏ kia được ủ từ một loại cỏ tên là Hoàng Lương (Hoàng Lương = kê vàng), ngàn vàng khó mua được, tương truyền chỉ cần một chút cũng có thể khiến tâm trí lâng lâng, mơ thấy mộng đẹp. Chính vì nó quá quý giá, muốn mơ một giấc mộng đẹp mà phải tốn rất nhiều tiền, cho nên quyền quý đương thời cũng khó có được. Nhưng trong tòa cung điện này, đâu đâu cũng có thể thấy loại cỏ này sinh trưởng. "An Phúc, ngươi nói xem, làm hoàng đế mệt như vậy, vì sao bọn chúng vẫn luôn muốn tranh đoạt để làm thế?" Hoàng đế đột nhiên quay đầu lại hỏi. Lão thái giám cúi đầu im lặng không lên tiếng. Hoàng đế không chờ nghe câu trả lời đã xoay người đi xa. Ánh trăng bên ngoài mông lung như sương, lấp lánh một cách chói mắt. Hoàng thượng, đó là vì bọn họ chưa từng làm thử nên không biết. Ngay cả ngài, sau khi rượu Hoàng Lương tan đi, chẳng phải cũng một lòng muốn bảo vệ giang sơn vạn dặm của mình đó sao? Nhân sinh giống như ván cờ, mỗi người là một con cờ, tung hoành ngang dọc một trận, cuối cùng ai mới có thể thoát ra đây? Bên ngoài lại nổi gió to, kéo tuyết bay mù mịt, thân ảnh đơn độc dần khuất dạng. d��^c�%a