Sính kiêu

Chương 4

Trời sáng. Một chiếc xe ngựa đã đỗ sẵn ở trước cửa nhà họ Tô, người làm khuân hành lý tới tới lui lui. Hồng Liên lưu luyến cầm tay Tô Tuyết Chí dặn dò liên tục, nước mắt sắp rơi lại kìm nén lại, mỉm cười nói: – Dì đúng thật là, lần này con đi là chuyện tốt mà. Khi nào về nhà nhớ mang món ăn ngon cho dì nhé. Dì Hồng của con thích đồ ăn lắm. Bên kia, hai bố con nhà họ Diệp cũng đang trò chuyện ở trong phòng. Làm cha cho đáng làm cha, vẻ mặt trịnh trọng dặn dò con trai chịu khó học hành, nói: – Bố đặt tên cho con là Hiền Tề…. – Biết rồi biết rồi, kiến hiền tư tề, học hành tài giỏi. Con luôn nhớ mà. Diệp Nhữ Xuyên bị đoạt lời nói, khựng lại. – Nếu không phải vì để con học hành cho xong thì Tuyết Chí cũng không bị xa nhà đâu. Cô của con và Tuyết Chí đều vì con cả đấy. Làm người phải có lương tâm, con chớ có phụ lòng họ đấy biết chưa. Diệp Hiền Tề gật đầu như gà mổ thóc, xong rồi xòe tay ra. Diệp Nhữ Xuyên trợn mắt: – Lại vòi tiền à? Lần trước lúc gửi điện báo cho con bố đã cho con tiền rồi mà. Diệp Hiền Tề cười nịnh: – Con ở Đông Dương chi tiêu tốn kém lắm, cái gì cũng cần tiền, con đã tiết kiệm lắm rồi. Lần này đưa em họ lên phương bắc, ít nhất cũng mất một hai tháng, còn nghỉ trọ, vé vủng đi lại nữa. Con làm anh, dĩ nhiên không thể bắt em gái trả tiền được. Diệp Nhữ Xuyên nghĩ nghĩ cũng thấy đúng. Tuy nhà họ Tô cũng không phải người ngoài, Tô Trung đồng hành cùng cũng sẽ không so đo gì, nhưng mình cũng không thể kém cỏi được. Lúc đến đây, vừa hay ông có mang theo mấy tấm ngân phiếu, bèn đưa cho con trai. Diệp Hiền Tề nhận lấy, cảm ơn liên mồm. Con trai khi còn nhỏ đã lanh lợi tinh ranh, Tuyết Chí là con gái, Diệp Nhữ Xuyên dĩ nhiên sẽ không nói cho con trai biết, sợ ông con trai của mình không giữ kín được mồm miệng, Có ai mà ngờ được cháu gái và con trai mình quan hệ lại rất thân thiết, lúc mười mấy tuổi đã nói sự thật cho anh họ biết, làm ông con trai sợ tới mức khóc lóc thảm thiết. Diệp Nhữ Xuyên biết chuyện buộc phải dặn dò con trai sự việc can hệ trọng đại, phải giữ kín không được tiết lộ ra bên ngoài. Cũng may ông con trai vẫn hiểu chuyện, luôn luôn giữ kín đến tận bây giờ. Lần này cháu gái phải đi xa nhà, rốt cuộc không còn giống như trước đây nữa, con trai đồng hành cùng, Diệp Nhữ Xuyên dĩ nhiên cũng không quên điều này, lại bắt con trai ghi nhớ không được tiết lộ cho bất cứ người nào, kiêng kỵ nhiều miệng, nói nhiều sai nhiều. Diệp Hiền Tề lại vâng dạ: – Bố yên tâm, con hiểu mà. Bao nhiêu năm rồi, bố có thấy con nói cho ai biết chưa? Diệp Nhữ Xuyên nghĩ thấy cũng đúng. Hai bố con đang trò chuyện thì Diệp Vân Cẩm dẫn theo Tô Tuyết Chí đi tới tạm biệt cậu chân cẳng không tiện. Diêp Nhữ Xuyên dĩ nhiên cũng dặn dò cháu gái rất lâu. Xong xuôi rồi, Diệp Vân Cẩm tiễn con gái ra ngoài. – Mẹ, mẹ không phải tiễn đâu. Đã mấy ngày trôi qua, câu xưng hô “mẹ” này cuối cùng Tô Tuyết Chí đã gọi hơi thuận miệng rồi. Diệp Vân Cẩm dừng lại, nhìn sang Tô Trung. Tô Trung lập tức khom người: – Phu nhân yên tâm, mọi thứ đã có tôi rồi. Diệp Vân Cẩm khẽ gật đầu. Tô Tuyết Chi lên xe ngựa, xe ngựa chuyển động, thấy Diệp Vân Cẩm cùng Hồng Liên và thím Ngô đứng ở bậc thang nhìn theo mình, Hồng Liên cúi xuống lau đôi mắt, liên tục vẫy khăn nhỏ trong tay với mình, Diệp Vân Cẩm tay như muốn đưa lên, rồi lại chậm rãi thả xuống. Cô hơi chột dạ, làm như không phát hiện ra, đúng lúc Diệp Hiền Tề ngồi cùng xe với cô thò người ra ngoài, hô to với Diệp Vân Cẩm: – Cô ơi cô yên tâm, đã có cháu rồi. “Cạch” một tiếng cửa xe đóng lại, toàn bộ đều bị chắn ở bên ngoài. Tô Tuyết Chí thở phào một hơi. Trên đường đi, mọi thứ đều rất thuận lợi, giữa trưa ngày hôm sau đoàn người đã đến phủ thành Tự Phủ. Phủ thành dân cư đông đúc giàu có, trên bến tàu rộng lớn, thuyền bè qua lại như thoi đưa, mấy con thuyền chất đầy hàng hóa vừa mới tới dừng thứ tự bên bến tàu. Trên bờ, cu li khuân vác hàng hóa thân trần trụi mồ hôi vã như tắm, vác hàng hóa đi qua đi lại nhẹ như bay. Ông chủ của hãng thuyền Phúc Toàn đã chờ ở bên bến tàu từ rất sớm, thấy đoàn người đã tới thì vội dẫn người lái thuyền bước ra đón. Nhà họ Diệp và nhà họ Tô là khách hàng lớn của hãng thuyền Phúc Toàn, việc vận chuyển hàng hóa của nhà họ luôn ký thác cho hãng thuyền Phúc Toàn. Lần này thiếu gia nhà họ đi ra ngoài một chuyến, tuy chỉ có mấy ngày thôi, nhưng chủ hãng thuyền cũng không dám chậm trễ, phái một con thuyền tốt nhất, một người lái tàu có kinh nghiệm phong phú nhất. Tô Trung và chủ hãng thuyền nói chuyện một lúc, chủ hãng thuyền ngay sau đó quay sang Tô Tuyết Chí và Diệp Hiền Tề, cung kính chào hỏi. Diệp Hiền Tề bỗng chỉ vào đằng trước hỏi: – Ơ, đó là Trịnh Đại đương gia đúng không ạ? Ông ấy đã cứu bố cháu, cháu muốn đi cảm ơn ông ấy. Tô Tuyết Chí nhìn theo hướng anh họ chỉ. Ở một chỗ khác trên bến tàu cách mấy chục bước có vài người đang đi đến, nhà thuyền cùng với những người khuân vác đều sôi nổi đi lên chào hỏi người đi ở giữa, tiếng chào hỏi “Đại đương gia” vang lên không dứt, biểu cảm vô cùng cung kính. Người kia vóc dáng gầy gầy nhưng rắn chắc, gò má bên trái có một vết sẹo, nhưng bởi làn da ngăm đen nên vết sẹo không rõ mấy, dáng vẻ đã ngoài năm mươi nhưng nom eo lưng vẫn rất khỏe khoắn. Tiền Thanh sụp đổ cũng đã được mấy năm, những người tầm tuổi này đại đa số đều vẫn giữ bím tóc, nghĩ biết đâu ngày nào đó triều đình lại khôi phục trở lại. Người này ngược lại tóc ngắn gọn gàng, sợi tóc cứng cáp dựng thẳng, hai bên thái dương đã nhuốm màu muối tiêu, mặc trang phục lao động, thoạt nhìn trông không khác gì những người khuân vác và thủy thủ đứng chung quanh đang cung kính vấn an ông ấy. Nhưng ánh mắt người này lại khiến cho Tô Tuyết Chí có cảm giác rất đặc biệt. Khoảng cách không quá gần, Tô Tuyết Chỉ lại có thể cảm nhận được ánh sáng trong mắt của đối phương – không phải là loại ánh mắt hung hãn dọa người. Đó là đôi mắt của thợ săn lão luyện đầy kinh nghiệm ẩn nấp sâu nhất trong rừng sâu, vừa sắc bén lại vừa uy nghiêm. Tô Tuyết Chí biết người này là ai. Chính là vị “Trịnh Đại đương gia” nửa tháng trước đã cứu cậu của mình. Cô đương nhiên không có chút bất mãn gì với người này cả. Đúng như anh họ đã nói, còn phải cảm ơn mà không kịp. ||||| Truyện đề cử: Sau Khi Xuyên Thành Beta Giả Thì Bị Cắn ||||| Nhưng trong lòng cô trong khoảnh khắc nhìn thấy người này lại đột ngột trào lên một cảm giác kháng cự. Tuy cảm giác này chỉ chợt lóe lên rồi tắt ngay, nhưng Tô Tuyết Chí vẫn hiểu được. Cảm giác này, hẳn là đến từ tiềm thức của chính cô – Tô Tuyết Chí ban đầu không ưa vị “Trịnh đại đương gia” này. Ánh mắt của đối phương cũng chiếu sang đây, nhìn thấy cô. Tô Tuyết Chí để ý, ông ấy có vẻ nhưng cũng khựng lại, chần chừ một giây, bước chân hòa hoãn, không tiếp tục qua đây nữa. Tô Trung ngẩng lên nhìn trời: – Trời nắng quá, thiếu gia vào trong khoang đi, đừng để bị cảm nắng. Tô Tuyết Chí biết Tô Trung muốn mình đi. Cô cũng không tính để Tô Trung khó xử, liền lên thuyền. Vào khoang rồi nghiêng người tựa vào khoang cửa sổ, thấy Tô Trung dẫn theo Diệp Hiền Tề bước nhanh đến chỗ người kia. Diệp Hiền Tề tuy chịu ảnh hưởng của trường phái phương tây nhưng lễ nghĩa nên có vẫn có, có lẽ là từ nhỏ cũng đã bị cậu dạy dỗ nghiêm khắc, có nề nếp chắp tay trịnh trọng cảm ơn. Tô Trung cũng nói: – Đại đương gia, may quá hôm nay gặp được ngài. Lần trước tới cửa để bái tạ nhưng ngài đi vắng, không gặp được. Lần đó nếu không nhờ có ngài thì Cữu lão gia nhà chúng tôi sợ là không thể về nhà được. Đại ân đại đức này không có gì báo đáp, hai nhà chúng tôi vô cùng cảm kích Đại đương gia. Nói xong chắp tay khom người thi lễ. Trịnh đại đương gia đưa hai tay nâng Tô Trung dậy. Tô Trung lập tức cảm nhận được một sức mạnh ngầm từ đôi tay đi lên, muốn tiếp tục cúi người xuống nhưng làm thế nào cũng không làm được. Thấy Trịnh đại đương gia không chịu nhận lễ, Tô Trung đành phải từ bỏ. Trịnh Đại đương gia nở nụ cười nhẹ, thu tay lại buông Tô Trung ra, gật đầu với hai người. – Diệp thiếu gia và Tô quản sự khách sáo quá rồi. Ngày đó tôi chỉ trùng hợp đi ngang qua mà ra tay trợ giúp mà thôi, không dám nhận ân đức gì cả. Diệp lão gia bình an là tốt rồi. – Nhờ phúc của ngài, vết thương của cữu lão gia nhà chúng tôi đã khôi phục tạm ổn rồi. Bởi thế chuyến này đưa thiếu gia lên phương bắc đi học là tôi đưa cậu ấy đi. Nói rồi xoay người chỉ chỉ vào thuyền nhà mình thuê. Trịnh đương gia nhìn thoáng qua, thu ánh mắt lại. – Chúc Thiếu gia đi thuận buồm xuôi gió, việc học hành sớm ngày thành công. – Đa tạ đa tạ. Ngài là người bận rộn, vậy chúng tôi không làm phiền nữa, chúng tôi đi trước. Hôm nay thời tiết tốt nên xuất phát sớm, tranh thủ tới thuyền máy trạm đầu tiên. Trịnh đương gia ôm quyền, đứng tại chỗ, nhìn theo Tô Trung cùng thiếu gia nhà họ Diệp quay về con thuyền kia. Diệp Hiền Tề đi được một đoạn rồi lại quay đầu lại, thấy Trịnh đương gia đã quay mặt đi nói chuyện với một người bên cạnh thì lẩm bẩm trách: – Chú Trung, cơ hội tốt như thế, sao lúc nãy chú không mở miệng nhờ ông ấy lo cho chúng ta? Chặng đường thủy này dài quanh co, hai bên bờ núi non trùng điệp, ngoài nguy hiểm đường thủy có thủy tặc xuất quỷ nhập thần ra thì đi thuyền cũng tồn tại tai họa ngầm. Người họ Trịnh này là Đương gia Thủy hội của Tự Phủ. Ông ta vốn không phải dân bản xứ, không một ai biết tên thật của ông ấy, bởi ông ấy bơi lội giỏi, hơn nữa được người khác kính trọng, bởi vậy mới có danh hiệu là Trịnh Long Vương. Cũng không một ai biết lai lịch của ông ta, chỉ nói ông ta tầm ba mươi năm trước đã tới vùng này, ban đầu là thủy thủ trên Hồng Thuyền, về sau một bước đi lên, cuối cùng trở thành Đương gia Thủy hội. (Hồng Thuyền là Thuyền cứu sinh do quan phủ lập nên trên thượng du Trường Giang thời kỳ triều Thanh). Trong mười năm cuối cùng khi tiền Thanh sắp sụp đổ, quan phủ cũng bất lực trước sự hoành hành của thủy tặc, quản chế của Hồng thuyền ban đầu cũng buông thả, ngoài bảo vệ một số ít quan viên đi lại ra còn không thì mặc kệ thuyền của dân chúng, khi thuyền dân bị lật út cũng không hề cứu viện, nhẹ thì gia sản mất hết, nặng thì thuyền mất người chết. Người họ Trịnh này lập tức đứng ra tổ chức những người ở dọc ven bờ sông, thiết lập lại đội tuần tra Hồng thuyền ở những khu vực bờ bãi nguy hiểm và cũng định ra quy tắc thu một khoản tiền nhất định của những con thuyền qua lại. Không có gì bằng mua lấy sự yên tâm nhằm tránh tai họa bất ngờ xảy ra trên sông biển, các cuộc cứu viện trên sông bắt đầu được phát động. Mỗi ngày có vô số tàu thuyền qua lại trên sông, việc lật thuyền gần như là xảy ra mỗi ngày. Dù là người lái thuyền có kinh nghiệm lão luyện nhất cũng không dám vỗ ngực bảo đảm lần sau mình sẽ không xảy ra chuyện, nộp chút khoản tiền này bản thân lại được che chở, thủy tặc có việc chính làm, mình đi thuyền cũng càng an toàn hơn, nhà thuyền dĩ nhiên vui vẻ. Mà thủy tặc phần lớn cũng sẵn sàng tham gia vào công việc có số thu ổn định mà tương đối an toàn này, cộng thêm e ngại họ Trịnh tạo áp lực, một số tên cứng đầu không chịu nghe theo vẫn đánh cướp thuyền trên sông đầu đã bị cắt máu tươi chảy ròng ròng phơi trên bãi cát, mọi người đều kinh sợ lập tức nghe theo răm rắp. Cứ như vậy, mấy năm này vẫn luôn được duy trì. Có thể nói chẳng những đoạn sông ở Tự Phủ mà khắp thượng dụ, hai bên bờ vùng ven sông phàm là hắc bạch lưỡng đạo ăn cơm dính nước nghe đến cái tên Trịnh Long Vương này thì đều phải nể ba phần mặt mũi. Nhưng tuy là hiện giờ đi lại trên sông dễ dàng và an toàn hơn trước, nhưng biết đâu chừng lại có kẻ ngoại lại không hiểu quy củ, cho nên Diệp Hiền Tề mới trách Tô Trung không chịu mở miệng nhờ vả. Tô Trung nói: – Biểu thiếu gia, vừa rồi tôi qua đó chào hỏi, chưa nói chính là nói, nói chính là chưa nói. Diệp Hiền Tề mù mịt: – Nghĩa là sao ạ chú? Nói là chưa nói là gì, chú chưa có nói mà. Tô Trung kêu lên: – Tới rồi tới rồi, biểu thiếu gia lên thuyền trước đi, tôi đi kiểm tra hành lý, nhỡ bỏ quên trên bờ mất. Diệp Hiền Tề đành phải thôi, nhảy lên thuyền, vào trong khoang, thấy em họ ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngooài sông, như có tâm sự gì đó. Anh ta bỗng nhớ tới một chuyên, mày nhăn lại, cười khì khì thò lại gần, dán vào tai thì thầm: – Tuyết Chí, anh biết rồi vì sao em lại chịu rồi. Em thích gã Phó Quân kia đúng không, anh tốn công sức lắm mới nghe được một tin cho em đấy. Em nói xem có khéo không, học kỳ tới anh ta cũng không dạy học ở trường cũ của em nữa đâu mà sẽ đến học viện quân y mà em chuẩn bị đến để giảng dạy đó. Nếu em không đi, làm sao mà có cơ hội gặp nhau chứ? – Đây rõ ràng là duyên phận, duyên phận đấy! Diệp Hiền Tề vô cùng đắc ý. Tô Tuyết Chí vẫn còn ký ức của nguyên thân, biết ông anh họ này của mình ngày đó sao trùng hợp đến thế cơ chứ, cậu vừa xảy ra chuyện là anh ta đã xuất hiện rồi. Rõ ràng là anh ta không phải vừa từ Đông Dương trở về, mà là về từ trước đó rồi. Sự việc là như này, trước một tuần Tô Tuyết Chí được nghỉ, vào giờ tan học quay về nhà cậu, khi đi qua một hiệu cầm đồ bất ngờ lại nhìn thấy anh họ lẽ ra đang học ở bên Nhật đi ra, có vẻ như mới làm chuyện gì đó. Khi đó cô vô cùng ngạc nhiên. Diệp Hiền Tề giải thích, học kỳ này anh ta được nghỉ trước thời gian, mấy hôm trước vừa từ Nhật Bản trở về. Cậu muốn sắp xếp một hôn sự cho anh ta, anh ta kiên quyết kháng cự, không muốn về nhà, cho nên giờ đang sống nhờ ở nhà một người bạn. Vì ngặt quá mà vừa nãy đã phải đi cầm đồ đồng hồ quả quýt, bảo em họ giữ bí mật cho anh ta, đừng nói cho cậu biết. Tô Tuyết Chí đồng ý, mời anh ta đi ăn cơm, còn cho anh ta vay tiền. Lúc ăn cơm đã tâm sự chuyện của mình, nói mình yêu thích một giáo viên năm ngoái vừa du học Đông Dương về nước, tên Phó Minh Thành. Phó Quân hình như là người phương bắc, học y ở Nhật Bản, sau khi du học về nước đáng nhẽ có thể ở lại thành thị lớn có điều kiện tốt hơn, nhưng anh ấy lập chí báo quốc, muốn phát triển tây y ở nước nhà, biết nguồn giảng dạy tây y ở các tỉnh phía tây còn lạc hậu, giáo viên còn thiếu, vì thế đã nhận lời mời. Năm ngoài đã đến trường y mà Tô Tuyết Chí học để giảng dạy. Phó Quân tuổi trẻ phong độ, mỗi một cử chỉ đều toát lên khí chất của con nhà đại gia. Nghe nói anh ta xuất thân phú quý, đến từ một hộ gia đình giàu có phương bắc, nhưng bản thân anh ta chưa từng đề cập tới nửa câu. Anh ta đa tài đa nghệ, ngoài dạy y khoa còn kiêm môn thể dục, ngày thường tham gia nhiều hoạt động với học sinh, các học sinh đều yêu quý anh ta. Thấy Tô Tuyết Chí thành tích không tốt, lo việc tốt nghiệp gặp khó khăn, đã chủ động dạy bổ túc cho cô, bảo cô cố gắng học y để tương lai còn dùng y cứu nước. Hành động của Phó Quân xuất phát từ sự quan tâm và khích lệ học trò, Tô Tuyết Chí lại đang độ tuổi thiếu nữ mộng mơ, tiếp xúc nhiều, khó tránh khỏi sẽ nảy sinh tình cảm. Nhưng nghĩ đến tình cảnh đặc thù của mình, người mẹ gia trưởng phong kiến cứng rắn vô tình, cô đành phải khuất phục, trong nỗi uất ức nói đã không thể chịu đựng tiếp được nữa, quyết lần này trở về sẽ ngả bài với mẹ, yêu cầu được quay trở lại làm con gái. Cô biết mẹ sẽ không dễ dàng đồng ý, bảo Diệp Hiền Tề cùng cô quay về nói giúp cô trước mặt mẹ đôi lời. Diệp Hiền Tề vừa vay tiền em họ, tức thì mở miệng đồng ý ngay, đến khi đi theo Tô Tuyết Chí về nhà, còn chưa vào cổng huyện thành thì đã bắt đầu hoảng sợ, tìm cớ ra sức khuyên em họ từ bỏ ý định. Thiếu nữ đang rơi vào bể tình luôn luôn dũng cảm. Tô Tuyết Chí đã quyết tâm, mặc kệ anh ta lâm trận bỏ chạy, cô tự quay về, vì thế mới có liên tiếp chuyện xảy ra sau đó. Diệp Hiền Tề không ngờ em họ lại gây với cô gay gắt đến như vậy, khi ấy nghe nói thiếu gia nhà họ Tô nhảy sông tự tử, anh ta hoảng hốt, quanh quẩn bên ngoài nhà họ Tô cả một ngày trời, ngày hôm sau nghe nói không xảy việc gì cả thì mới yên tâm. Nhưng mới qua mấy ngày, lại nghe nói bố mình xảy ra chuyện, trên đường đi đến đây thì gặp phải thổ phỉ, anh ta không thể trốn tránh được nữa, mới có màn xuất hiện đúng lúc ngày hôm đó. Chuyến đi lần này, anh ta sợ em họ vẫn còn giận mình, mấy hôm trước đã âm thầm hỏi thăm tin tức cho em, giờ mới như hiến vật quý nói ra, còn tưởng rằng em họ sẽ vô cùng mừng rỡ, lại thấy cô chẳng có phản ứng gì, chỉ lạnh nhạt “vâng” một tiếng, thì càng thêm nhận định rằng trong lòng cô hãy còn giận mình, nịnh nọt: – Tuyết Chí, em giỏi thật, thế mà nghĩ ra được cách đó để dọa cô. Nếu không phải do em đổi ý, anh thấy cô chắc chắn sẽ gật đầu… Đột nhiên, anh ta như được thể hồ rót xuống: – Anh biết rồi. Chắc là em biết Phó Quân cũng đi Thiên Thành làm việc nên mới đổi ý đúng không? Tô Tuyết Chí thấy phiền anh ta lải nhải suốt, cứ như mụ đàn bà, cô lại chẳng có hứng thú nghe, vì thế đáp lấy lệ một câu, dựa vào giường, cầm một quyền sách y lên lật xem. Diệp Hiền Tề càng khẳng định suy đoán của mình, nếu không tại sao em họ lại đổi ý vào phút cuối chứ? Nhớ tới mấy ngày trước mình như chó bản chạy khắp nơi hỏi thăm tin tức, bất giác cảm thấy phí hết cả công sức, em họ lại chẳng buồn đáp mình lấy một câu chỉ mải đọc sách thì cũng chán chường lên giường đối diện, duỗi eo. – Ôi, thuyền này chật quá, mông chẳng có chỗ dịch…Chỉ muốn mau chóng đổi sang thuyền máy thôi. Chặng đường thuận buồm xuôi gió, mấy ngày sau, như anh ta mong muốn, thuyền thuận lợi địa điểm trung chuyển đổi sang thuyền máy, hạ du Trọng Thành Du Thành. Thời đại này, các loại thuyền máy lớn nhỏ có ống khói màu đen qua lại trên sông không dứt. Nhưng từ Tự Phủ đi xuống đoạn thượng nguồn dài đến gần hai ngàn dặm thì thế nước khó lường cùng địa hình hiểm trở thất thường đã trở thành một rào chắn ngăn cản người từ bên ngoài tiến vào vương quốc cổ xưa rộng lớn này. Loại thuyền máy này khi ngược dòng đi lên, ở một số vùng nước nguy hiểm không giống như thuyền có người lái có thể dựa vào con người để trợ lực, hoặc là không đủ mã lực để kháng sức nước, hoặc là mùa nước cạn, không thể nào chống đỡ an toàn đi qua được, cho nên từ trước nới nay việc thuyền máy khai thông ra vào là vô cùng thưa thớt. Cho nên trong tháng này cũng chỉ có một chiếc thuyền hãng Phúc Lai khởi hành từ Du Thành đến Thượng Hải vào ngày 20. Nhà họ Tô đã gửi điện báo đến chi nhánh Du Thành để chưởng quầy đặt vé. Lẽ ra là mua vé hai phòng ở khoang hạng nhất cho hai vị thiếu gia, nào ngờ toàn bộ tầng trên cùng của khoang hạng nhất lại bị một người không rõ lai lịch bao mất. Họ mua vé muộn, phòng bình thường ở tầng giữa cũng không có, chỉ còn lại loại giường ghép. May mắn chưởng quầy quen với người của hãng thuyền, dựa vào mặt mũi cuối cùng cũng được xếp một phòng ở tầng giữa. Hết cách thôi, chỉ đành phải để hai vị thiếu gia ở cùng nhau thôi. Tô Tuyết Chí thì sao cũng được, dù sao thì tối ngủ kéo mành là xong. Nhưng vị anh họ này có lẽ là quan hệ của đời trước mà cô cảm giác thân thiết đến không thể thân thiết hơn. Mà Diệp Hiền Tề căn bản không hề coi Tô Tuyết Chí là con gái. Hai người ở chung một phòng, nhưng không ngờ ngay buổi tối đầu tiên khi lên thuyền thì xảy ra sự cố. Nửa đêm, ngay phòng sát vách có âm thanh rên rỉ. Phòng bình thường không có cách âm thì thôi, nhưng người đi qua lại bên ngoài, tiếng thở hơi lớn một chút cũng đều nghe được rõ ràng. Tô Tuyết Chí nhìn chằm chằm vào chỗ gỉ sét trên nóc ca bin, trong đầu nghĩ đến cấu tạo và giải phẫu cơ quan sinh sản của con người, vẻ mặt không biểu cảm. Nhưng Diệp Hiền Tề thân làm anh đến lúc này mới ý thức được em họ là con gái, như thế sẽ dạy hư cô, xông lên ra sức vỗ vào tấm vách. Tiếng động bên kia ngừng lại, người đàn ông bên đó không lên tiếng, nhưng người phụ nữ thì không chịu yếu thế lập tức đáp trả, đập lại vào vách ngăn, mắng to: – Này, đồ chết dẫm kia, đêm hôm khuya khoắt đập gì mà đập, muốn ăn phân à. Là một giọng the thé của phụ nữ trung tuổi, thuần khẩu âm hải phái. (Hải phái: một chi phái của Kinh Kịch, lấy phong cách biểu diễn của Thượng Hải làm tiêu biểu) Diệp Hiền Tề ngớ ra: – Bà mới ăn phân ấy. Mười tám đời tổ tông nhà bà đều ăn phân, ăn ra con rùa bà ấy. Người phụ nữ kia nghe giọng anh ta tuổi trẻ, không giận mà bật cười: – Ồ, thì ra là em trai nhỏ. Ai kêu cậu em ở cách vách, lợi cho em rồi. A Phúc, cậu chết đâu đấy, lại đây. Đối đầu với người phụ nữ trung niên sức chiến đấu mạnh mẽ, Diệp Hiền Tề thất bại thảm hại, tức giận dậm chân, âm thanh bên cách vách lại vang lên, các khoang khác không một ai hó hé, có lẽ đều nghe lén, vì thế nghiến răng nghiến lợi đạp chân vào vách tường, bảo Tô Tuyết Chí ra ngoài trước, lát hẵng đi vào. Tô Tuyết Chí nghe theo anh ta, đi ra ngoài. Giờ đêm đã khuya, đề phòng đụng phải đá ngầm, con thuyền đã dừng bên bờ ở vùng nước chậm. Ngoài phía đầu thuyền còn sáng ngọn đèn dầu thì những nơi còn lại đều tối om, không nhìn thấy một bóng người. Tối nay thời tiết rất tốt, bầu trời đầy sao, nước sông dập dềnh nhè nhẹ, ngọn núi được tô nên đường viền cong tinh thế bởi bầu trời đêm xanh thẳm. Trên cao bầu trời đầy sao, phía dưới dòng sông êm đềm. Giờ khắc này, nếu như đứng trên boong tàu là một người lãng mạn tinh tế, ắt sẽ nảy lên ý thơ. Cũng đúng thôi, cảnh đẹp thì thắm tình. Nhưng Tô Tuyết Chí lại không có tâm trạng như vậy. Ban ngày vì chuyển tàu, đi đường có chút mệt, giờ cô chỉ muốn được nằm nghỉ ngơi mà thôi. Cô đứng bên đuôi mạn thuyền ở tầng hai mờ tối, chán đến chết, trong lòng cá rằng trong tình huống chung quanh đều là mấy lỗ tai, gã tên A Phúc kia có đủ sức chịu đựng để đếm được số dê có mấy con không. Cô thích dùng số dương để tính giờ. Một con dê chính là một giây, cô nhẩm vô cùng chuẩn, có thể so được với đồng hồ bấm giây. Đây là bản lĩnh từ nhỏ khi mỗi khi cô không ngủ được. Một con dê. Hai con dê. Ba con dê. Khi đếm tới con thứ ba mươi, bỗng cô ngửi thấy mùi thuốc lá. Hình như là từ đỉnh đầu bay xuống. Cô bất giác ngửa đầu nhìn lên trên, nhìn thấy trên một góc của boong tàu, có một bóng người. Ánh sáng nơi đó rất yếu, nhìn không thấy được rõ, nhưng hình bóng kia là đàn ông, cao ráo, gầy gò, mặt nhìn ra mặt sông, đang hút thuốc. Cô có một trực giác, người này có lẽ là đã đứng ở nơi đó được một lúc rồi. Ít nhất là tới trước mình. Chung quanh vô cùng yên tĩnh, ngay cả nước sông mênh mông dâng trào của ban ngày giờ phút này cũng đang ngủ say. Cô thậm chí có thể nghe được âm thanh của đốm lửa cháy phát ra tiếng lách tách từ điếu thuốc được người đàn ông kia ngậm trong miệng kia. Người này có lẽ là đang muốn tập trung suy nghĩ gì đó, hoặc có lẽ, chỉ là đang hút thuốc mà thôi. Nhìn bóng dáng kia tựa như đã hòa vào với bóng đêm, bất giác cô thấy mình như đã tùy tiện xâm nhập vào khu vực riêng tư của người ta. Cô lập tức nín thở, khẽ khàng xoay người, muốn lén lút rời khỏi. Đúng lúc này, cô lại nghe được tiếng bước chân, anh họ từ trong khoang chạy ra, giọng kiểu không thể tin nổi: – Trời ơi trời ơi, Tuyết Chí em nói đi, gã A Phúc kia chưa đến hai phút đã xong việc rồi. Hai phút đấy. Ôi mẹ ơi, đang bị mụ kia mắng vô dụng… Tô Tuyết Chí ngẩng lên nhìn lên trên lần nữa. Người kia cũng đang nhìn xuống, liếc cô một cái, dường như hơi giận vì bị quấy nhiễu, búng mẩu thuốc lá bắn vào mặt sông, xoay người tính bỏ đi, bỗng lại cúi xuống, giơ ngón tay vừa kẹp điếu thuốc lên, mu bàn tay nhẹ nhàng đặt lên môi, hơi nghiêng mặt qua, suỵt một tiếng ngắn ngủi, ngay sau đó thì rời khỏi, bóng dáng mau chóng biến mất trong bóng đêm.