40 tuổi. Năm thứ mười sau khi tôi chết, Nguyễn Chính Ý tròn bốn mươi tuổi. Anh vẫn chưa tái hôn. Tôi vẫn tiếp tục ở cạnh anh, nhìn anh một mình trải qua bao mùa hoa nở rồi lại tàn, một mình trải qua bao buồn vui trong cuộc đời. Tôi xót thương anh, nhưng chẳng thể làm bất kỳ điều gì. Vào sinh nhật tôi, Nguyễn Chính Ý ghé qua nghĩa trang. Mười năm qua, anh chưa từng đặt chân tới nơi này, tết Thanh Minh cũng không hề ghé đến. Chỉ có bố mẹ tôi đến trò chuyện và tảo mộ cho tôi. Nhưng sinh nhật năm nay anh lại đến. Anh mua một chiếc bánh kem socola rất lớn, nhìn qua hộp bánh trong suốt có thể thấy được mặt bánh phủ đầy bột oreo và dâu tây. Anh đặt chiếc bánh xuống bia mộ tôi, kèm theo bông hồng trắng tôi yêu nhất. Anh cúi nhìn tấm ảnh trắng đen của tôi thời trẻ, anh nhìn rất lâu, sau đó nói, “Uyển Uyển, chúc mừng sinh nhật.” Nói xong, anh dứt khoát ngồi xổm xuống, đối diện với tấm ảnh của tôi, “Mười năm rồi anh không đến thăm em, có giận anh không?” Tôi muốn nói, “Đồ ngốc này, sao em có thể trách anh.” Nhưng trả lời anh chỉ có tiếng gió heo hút, thật cô đơn biết mấy. Anh cười, mặt mày đều mang theo tình ý, “Đừng trách anh, không phải anh không muốn đến, cũng không phải lòng anh không có em. Uyển Uyển, mấy năm nay anh không sao quên được. Đúng hơn là anh không thể tin, thậm chí không thể hiểu nổi, em trẻ như thế, lại san sẻ cùng anh bao nhiêu khó khăn. Tại sao cuối cùng chỉ có mình em lẻ loi nơi này, gặp mặt em lần cuối anh cũng không thể. Anh không cam lòng. Tại sao người khác trăm năm hoà thuận mà chúng ta lại không thể bên nhau đến bạc đầu?” Giọng điệu anh nhàn nhạt, từng chút từng chút làm lòng tôi đau nhói. Anh duỗi tay lấy điếu thuốc cùng chiếc bậc lửa trong túi áo khoác, nhưng nghĩ tới gì đó lại do dự bỏ lại. Hẳn là anh nhớ ra, tôi không thích anh hút thuốc. Tôi muốn đưa tay chạm vào tóc anh, nhưng chỉ có thể bắt được không khí. Anh dịu dàng nhìn tấm ảnh sắp phai màu, “Mười năm rồi, Uyển Uyển, mười năm cứ vậy mà trôi qua.” “Mười năm, hình bóng của em trong tâm trí anh cũng dần trở nên mơ hồ. Anh cứ cảm thấy rất nhiều chuyện giữa hai ta cứ như một giấc chiêm bao. Đôi khi anh nhìn ảnh của em, hình dáng em vừa quen thuộc vừa xa lạ, anh biết em là vợ anh, nhưng anh không thể quên em để sống đến trăm năm cùng người khác.” Anh dừng một chút, “Anh vẫn nhớ rõ, anh đã hứa với em, nếu em đi trước, anh sẽ không cưới thêm ai nữa.” “Nhưng mà Tô Uyển Uyển, em ra đi quá sớm. Em bỏ lại mình anh, sao em nỡ…” Lần đầu tiên tôi nghe anh lải nhải nhiều lời đến vậy, “Uyển Uyển đã đến thiên đường chưa, ở thiên đường có bánh kem socola không?” Anh mở hộp, cắt một miếng bánh bỏ vào chiếc đĩa nhỏ, đặt trước mặt tôi, “Trước kia Tô Thức [1] có câu thơ thập niên sinh tử lưỡng mang mang, bất tư lường, tự nan vương [2]. Uyển Uyển, bây giờ anh đã hiểu cảm giác này.” [1] Tô Thức (1037-1101) tự Tử Chiêm, Hoà Trọng, hiệu Đông Pha cư sĩ, người đời thường gọi ông là Tô Đông Pha, thuỵ Văn Trung. Ông từng làm quan Thông phán, Thái thú. Cha là Tô Tuân, em là Tô Triệt, đều là các đại gia thi văn, đương thời người ta gọi là Tam Tô. Ông là người có tài nhất trong số bát đại gia của Trung Hoa (từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII) (theo thivien.net). [2] Tô Thức năm 19 tuổi lấy người vợ đầu là bà Vương Phất. Bà mất năm 27 tuổi ở Tứ Xuyên. Mười năm sau, lúc đang làm quan ở Sơn Đông, Tô Thức nằm mơ thấy người vợ xưa. Ông tỉnh dậy làm bài từ này để tế vợ. Đây là lần đầu tiên một bài văn tế được làm theo thể từ. Ông dùng chữ chân phác minh bạch, được người đời truyền tụng. Dịch nghĩa hai câu thơ trong truyện:  Mười năm sống chết cả hai đều thăm thẳm, Không suy nghĩ tới, Nhưng vẫn khó mà quên được. “Lần sau anh sẽ không đến nữa, đến chỉ thêm buồn. Em rất nhẫn tâm, mười năm rồi mà đến trong mơ cũng không chịu gặp anh.” Nguyễn Chính Ý đứng dậy, “Anh đi đây, Uyển Uyển, chờ anh chết đi, anh sẽ đi tìm em. Kiếp này em nợ anh một đời bạch đầu giai lão, kiếp sau phải đến trả lại cho anh.” “Tô Uyển Uyển, tuy anh chưa đi hết kiếp này, nhưng anh biết, mặc kệ đời này dài hay ngắn, anh cũng chỉ yêu mình em.” Nguyễn Chính Ý rời đi rất nhanh, không hề quay đầu lại. Tôi vờ như không thấy giọt lệ vương trong đáy mắt anh. Có lẽ ngay từ đầu tôi đã sai khi quay về bên anh, chờ anh tái hôn. Mười năm bình thản trôi, tra tấn anh, cũng làm khổ tôi. Từ lúc nghe tin Tô Uyển Uyển chết, ánh sáng trong đôi mắt Nguyễn Chính Ý đã mất đi. Năm đầu tiên anh giả vờ kiên cường, sau đó lại tỏ vẻ bình thản, tỏ ra mạnh mẽ chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài mà thôi. Chỉ có mỗi tôi biết, bao nhiêu nỗi niềm nhung nhớ, áy náy, bất đắc dĩ, không nỡ, thống hận, những cảm xúc này cứ từng chút từng chút tra tấn anh trong mười năm. Thậm chí anh không có cách nào đến trước mộ người vợ đã khuất dâng lên một bó hoa. Anh tự lừa gạt bản thân mình suốt mười năm ròng. Anh cho rằng Tô Uyển Uyển vẫn còn bên cạnh. Anh giả vờ quá tốt, lừa được tất cả mọi người. Nhưng không sao lừa được tôi. Nếu không phải yêu đậm sâu, không phải là không nỡ, cần gì phải sống cô độc tận mười năm, nhìn mọi người lần lượt lên xe hoa, bắt đầu một cuộc sống mới hạnh phúc? Chỉ có đồ ngốc như anh mới không chịu buông bỏ chuyện xưa, mặc cho từng mảnh ký ức tích góp đầy bụi bặm của tháng năm. Tôi nhìn anh đau khổ, nhìn anh không sao thoát ra được mà ngay cả một cái ôm, một lời an ủi cũng không thể cho anh. Tôi biết anh không tái hôn, một thân một mình cô đơn lẻ bóng, không hề hạnh phúc. Tôi tình nguyện để anh phụ lòng mình, tìm cho bản thân một mái ấm, trải qua mỗi ngày đều vui vẻ. Ngày càng trở nên tốt hơn, dựa vào hồi ức xoa dịu vết thương. Tôi không cách nào buông bỏ, nhưng có thể thế nào được chứ. Giữa chúng tôi là khoảng cách giữa sống và chết, thời gian có dài nhường nào cũng không sao bù đắp lại. Loại cảm giác bất lực này giống hệt như chết đuổi, chúng tôi vẫn yêu nhau như xưa, nhưng lại vì sự cố năm 30 tuổi ấy mà cách xa vạn dặm. Linh hồn tôi vẫn chưa tiêu tan, tôi cho rằng anh sẽ tái hôn, nhưng cuối cùng chỉ còn lại cảm giác xót xa, trách bản thân không tích đức đủ để có thể cho anh một đời bình an. Năm mươi năm còn lại, tôi vẫn sẽ tiếp tục ở cạnh anh..