Năm 31 tuổi. Tôi theo chân Nguyễn Chính Ý tròn một năm. Người đàn ông này mạnh mẽ hơn tôi nghĩ. Khi tôi chết, anh bình tĩnh lo liệu hậu sự cho tôi, đồng thời trấn an bố mẹ tôi.  Anh vẫn đi làm, tan làm, ăn uống như bình thường. Mỗi ngày chủ nhật, anh xách túi lớn túi nhỏ đến thăm bố mẹ tôi.  Giờ đây, tôi đã trở thành vết thương vĩnh viễn không lành lặn trong lòng bố mẹ. Suốt một năm nay, hai ông bà thường ngắm nhìn những con búp bê ngày trước tôi hay chơi, nâng niu những cuốn truyện, những tập album và tạp chí yêu thích của tôi mà lén lau nước mắt. Trước mặt Nguyễn Chính Ý, họ không hề nhắc tới tôi lời nào và anh cũng im lặng ngầm hiểu chuyện. Thời gian vẫn thấm thoắt thoi đưa, và cuộc sống vẫn tiếp diễn như thể tôi căn bản là chưa từng tồn tại.  Chuyện Tô Uyển Uyển đã chết là một quả mìn trong lòng bọn họ, không cẩn thận sẽ khiến cõi lòng vỡ tan nát. Thậm chí, Nguyễn Chính Ý không hề ghé đến thăm tôi vào tết Thanh Minh, không tảo mộ cho tôi, cũng không dâng hoa cho tôi nữa. Cuộc sống một mình anh chỉ có hai địa điểm từ nhà về công ty. Sau khi tôi chết, anh chưa từng đề cập đến tôi trước mặt bất kỳ ai. Kể cả nếu người khác lơ đãng nhắc tới tôi, anh đều vờ như không nghe thấy. Vậy thì tại sao tôi biết được anh ấy vẫn còn nhớ mình? Trong nhà vẫn bày biện đồ đạc của tôi, gấu lớn đặt trên giường là do chúng tôi cùng nhau gắp được trong máy gắp thú lúc đi xem phim. Tôi là cao thủ máy gắp thú, ôm con gấu lớn mặc váy hoa hiên ngang bước ra, khiến không ít bạn nhỏ ở đó chú ý.  Tôi thích đồ ngọt nhưng rất sợ tăng cân, vậy nên tôi mua rất nhiều kẹo đặt cạnh mấy hộp cà phê của anh. Anh ghét đồ ngọt nhất, thế nhưng chưa từng ném đi đống kẹo tôi đã mua. Anh đặt điện thoại của tôi ở tủ đầu giường, thỉnh thoảng còn sạc pin cho nó. Ảnh cưới của chúng tôi vẫn treo trên tường. Anh không cố ý nhìn vật nhớ người, anh biểu hiện hệt như Tô Uyển Uyển chỉ đang đi công tác một thời gian và sẽ trở về sớm thôi. Tôi chỉ muốn nói cho anh biết rằng, Nguyễn Chính Ý, vợ anh chết rồi, mau đi thêm bước nữa thôi. Anh vốn đâu biết nấu ăn, tra Baidu cả buổi mới miễn cưỡng nấu xong một bữa. Dùng nồi cơm điện nấu cháo, chiên trứng lúc nào cũng không chín đều, thịt kho tàu phải bỏ nước tương chứ không phải dầu hào, dầu hào chỉ cho vào để thêm màu sắc cho đồ ăn mà thôi. Dầu đổ vào chảo không nhất thiết phải lấy thìa tán đều ra, chỉ cần đảo chảo một vòng là xong. Thật sự là ngốc chết đi được.  Sinh nhật ba mươi mốt tuổi, anh đã mua một chiếc bánh kem. Người không thích đồ ngọt vậy mà lại mua loại bánh kem sô cô la ngọt nhất. Rồi anh đặt chiếc bánh vào chỗ ngồi đối diện. Thì ra anh không mua bánh cho bản thân mình mà mua nó cho tôi. Trước kia khi còn nghèo, chúng tôi nào mua nổi bánh kem, anh cũng không thích ngọt, sinh nhật năm nào cũng chỉ làm bát mì trường thọ, rán một quả trứng là xong việc. Năm đó, tháng lương đầu tiên rơi vào đúng dịp sinh nhật tôi, nhưng chi tiêu hồi đó vẫn rất eo hẹp, nào tiền thuê nhà, tiền nước, tiền điện, tiền ăn uống… Tuy vậy, Nguyễn Chính Ý vẫn dẫn tôi đến tiệm bánh mua một chiếc bánh kem nhỏ phủ vụn socola, bên trên còn đính thêm dâu tây và việt quất. Đó là lần đầu tiên tôi ăn một chiếc bánh kem ngon như vậy. Anh tự nấu cho mình một bát mì rồi bỏ thêm rất nhiều ớt cay. Tôi ngồi đối diện với anh, nhìn bánh kem, rồi lại nhìn anh. Không biết có phải do ớt quá cay không, tôi thấy khóe mắt anh ươn ướt.  Mà có lẽ không phải, tôi thấy bờ vai anh khẽ run run, rồi từng giọt nước mắt dần lăn dài xuống bát. Tôi vươn tay, song lại chẳng  thể chạm vào anh. Và anh cũng không nhìn thấy tôi. Ngày hôm sau, chiếc bánh bị vứt đi. Anh không phải một người thích thể hiện tình cảm, tôi nghĩ, nếu sau này anh tái hôn, chắc chắn phải cưới một người như tôi. Có thể không được đẹp như tôi. Có thể không đáng yêu bằng tôi. Có thể yêu anh ấy mà không màng đến quá khứ là tôi.  Nhưng người đó phải hiểu anh ấy như tôi vậy. Hiểu được những cảm xúc ẩn giấu phía sau khuôn mặt vô cảm của anh. Mỗi khi anh buồn sẽ đến ôm lấy anh. Và mỗi khi anh hút thuốc trong cô độc, sẽ dựa vào lưng anh, nói “Nguyễn Chính Ý, em sẽ luôn bên anh.” Nhưng tôi rất sợ, sợ rằng không một ai giống tôi đến bên bầu bạn cùng anh, hiểu anh, bao dung anh. Tôi sợ anh phải trải qua sáu mươi năm cô đơn lẻ bóng.  Cho nên, tôi sẽ mãi ở bên cạnh anh, cho đến khi anh bước ra khỏi ký ức mang tên tôi, tìm được hạnh phúc mới. Tôi muốn nhìn anh cưới vợ sinh con, con cháu đầy đàn. Không sao đâu, Nguyễn Chính Ý, năm đầu tiên vắng bóng em có lẽ vẫn hơi khó khăn. Nhưng thời gian sẽ xoa dịu đi bất cứ nỗi buồn nào. Rồi trong tương lai, anh sẽ chào đón một khởi đầu mới. Em sẽ đợi ngày anh tái hôn..