Sau Khi Mẹ Kế Tỉnh Lại
Chương 3 : Chương 2.
--- SAU KHI MẸ KẾ TỈNH LẠI - THƯ THƯ THƯ ---
🌻🌻🌻🌻🌻
CHƯƠNG 2.
Người Dịch: Lan Thảo Hương.
Vu huyện nước nhiều, và hầu hết các thôn làng và trấn đều nằm gần nước. Hiện nay, đường ở nông thôn còn chưa được xây dựng và hầu hết người dân đi lại đều bằng đường thủy. Thuyền lớn thuyền nhỏ lắc lư chầm chậm trên dòng sông uốn lượn, và có thể nhìn thấy chim ưng biển đang nghỉ ngơi trên những chiếc thuyền đánh cá.
Nhà mẹ đẻ của Ninh Hương và nhà họ Giang ở hai ngôi làng liền kề. Cô không có thuyền nên tất nhiên không thể về nhà bằng đường thủy, vì vậy xách theo túi quần áo giẫm lên đường đất bùn xuyên qua vô số ruộng đồng, thôn xóm, cầu đá đếm không hết đi bộ trở về nhà.
Cô thu dọn hành lý trở về nhà đương nhiên không phải vì tức giận với con riêng Giang Ngạn.
Sau khi cô nhắm mắt chết ở kiếp trước, linh hồn đã ở trên thế gian này du đãng rất nhiều năm. Cô từng đến trường học và ở lại đó mấy năm nên đã có được kiến thức văn hóa cơ bản, ngoài ra còn nhìn thấy một thế giới rộng lớn hơn. Tầm nhìn rộng mở, tư tưởng cũng phát sinh ra biến hóa nghiêng trời lệch đất. Cũng chính vì tư tưởng thức tỉnh nên cô mới hiểu rõ cuộc đời mình thật nực cười đến nhường nào. Bị trói buộc bởi gông cùm của vô số thân tình, quên mình kính dâng ra cả một đời nhưng kết quả cuối cùng lại trở thành người vô giá trị nhất và ít được công nhận nhất trong gia đình và thậm chí toàn xã hội.
Vì vậy, lúc làm thần hồn du đãng cô đã nghĩ—— Nếu được làm lại cuộc đời, cô sẽ không bao giờ đi con đường cũ nữa!
Bây giờ cô thật sự đã trở lại khi còn trẻ, nên cô đương nhiên phải nắm chặt cuộc đời của mình.
Kiếp này, cô sẽ phá bỏ mọi gông cùm trói buộc mình và sống cho chính mình!
Cô sẽ không ở lại làm mẹ kế cho Giang Ngạn, Giang Nguyên và Giang Hân nữa. Ba đứa nhỏ nhà họ Giang một đứa hỗn láo hơn một đứa, lại còn xấu tính và đầu gấu. Đặc biệt là cực kỳ xấu tính với người mẹ kế này, thay vì tốn thời gian và tâm tư đi dạy dỗ chúng vậy còn không bằng đi phong phú chính mình còn hơn.
Cô sẽ không treo lên trán mấy chữ "dịu dàng hiền thục" để đi hầu hạ bà mẹ chồng xảo trá Lý Quế Mai kia nữa.
Và tất nhiên, cô cũng sẽ không duy trì cuộc hôn nhân không bình đẳng này với Giang Kiến Hải nữa. Không cam tâm đi làm "bảo mẫu" như mẹ già nữa. Cũng không cháy hết mình dâng hiến ra toàn bộ tốt đẹp của mình cho nhà họ Giang nữa. Sẽ không như lúc trước từ khi tiến vào cửa nhà họ Giang cho đến lúc nhắm mắt xuống mồ cũng không nói nổi một câu kiên cường hay một chữ không.
Cả đời này, cô muốn thẳng eo mà sống!
Tục ngữ nói đúng, ăn người nhu nhược bắt kẻ tay ngắn. Dựa vào đàn ông nuôi sống, có thể sống thoải mái một cách chân chính sao? Trên đời có rất nhiều đàn ông vô tâm, dù phụ nữ có trả giá bao nhiêu cho gia đình và đứa nhỏ thì ở trong mắt họ, đó chẳng qua là những việc vặt vãnh không giá trị.
Không chỉ ở trong mắt rất nhiều đàn ông, mà ở trong mắt rất nhiều phụ nữ, họ cũng không tán thành giá trị của bà nội trợ ở trong gia đình. Ngay cả phụ nữ cũng xem thường phụ nữ và coi thường sự nỗ lực và đóng góp của phụ nữ dành cho gia đình không là gì, họ chỉ một lòng ca ngợi giá trị của đàn ông.
* * *
Ninh Hương không quay đầu, cô bước nhanh chân đi về nhà. Vừa đi đến cổng làng thì bắt gặp Ninh Lan vừa đi cắt cỏ cho lợn về.
Ninh Lan là em gái Ninh Hương, là con thứ hai trong nhà, năm nay đang học lớp mười một và sẽ tốt nghiệp vào tháng giêng cuối năm. Vì cắt cỏ cho lợn làm ướt quần nên cô xắn ống quần lên tận đầu gối. Tay áo cũng được xắn lên cao, trên áo còn dính mấy cái lá cây.
Thấy Ninh Hương, ánh mắt của cô sáng lên, cô vác theo cái rổ tre và phên tre mừng rỡ chào hỏi: "Chị, sao chị lại về?".
Dứt lời, cô để ý đến miếng gạc trên trán Ninh Hương liền thu lại ý cười: "Đầu chị bị sao thế?".
Ninh Hương hơi mỉm cười: "Bị đụng phải góc bàn".
Trong mắt Ninh Lan lộ ra đau lòng: "Đang êm đẹp sao lại đụng vào góc bàn?".
Đã đi hết cả một đời giờ trở lại nhìn thấy Ninh Lan lúc thiếu niên, cảm giác này thật ra rất kỳ diệu. Ninh Hương hiển nhiên cũng cảm giác ra trong lòng không còn ấm áp và cũng không muốn cố ý giả bộ thân cận, chỉ cười nói: "Về nhà trước đi”.
Ninh Lan nhìn Ninh Hương, cảm thấy có lẽ chị gái ở nhà chồng bị ủy khuất nên tâm tình không tốt. Chứ bình thường giọng nói và ánh mắt của Ninh Hương cực kỳ ấm áp và dịu dàng, mềm mại như nước đầu mùa xuân. Có lẽ chị ấy đã bị ủy khuất không nhỏ nên mới giống như bây giờ.
Ninh Lan hít một hơi, không có hỏi thêm mà cùng Ninh Hương đi về nhà.
Dọc đường chào hỏi các cô các bác cùng quê nhà cho đến tận cửa nhà, hai em trai Ninh Ba và Ninh Dương đang chơi đập bao diêm ở trước cửa.
Thời này, trẻ con không có đồ chơi nên thường nhặt giấy gói kẹo, hộp diêm hoặc vỏ thuốc lá gom lại làm đồ chơi. Bao diêm có thể thổi bằng miệng hoặc vỗ bằng tay, ai thổi hay vỗ khiến chúng lật ngược thì sẽ thuộc về người đó.
Ninh Ba và Ninh Dương sắp đánh nhau vì một hộp bao diêm. Đang lúc tranh cãi lại nghe thấy giọng Ninh Lan: "Ninh Ba, Ninh Dương, chị cả về rồi!".
Nghe Ninh Hương về, Ninh Ba Ninh Dương không tranh nhau hộp bao diêm nữa. Cả hai nhảy lên như con khỉ chạy đến trước mặt Ninh Hương cười hì hì hỏi: "Chị cả đã về rồi, chị có mang đồ ăn ngon về không?".
Trước kia mỗi lần Ninh Hương về nhà ngoại đều sẽ ghé qua công xã mua một ít bánh xốp, mứt lê hoặc bánh ngọt trứng gà trở lại. Ba mẹ sẽ không tham ăn cái này, mà Ninh Lan đã là cô gái lớn nên chỉ nếm thử một chút, còn hầu hết đều vào trong bụng của hai đứa em trai này.
Lần này Ninh Hương không mang theo thứ gì về, cũng mất đi sự cưng chiều và yêu thương như ở kiếp trước đối với hai em trai song bào thai, cô chỉ đáp: "Hôm nay về không có đi qua công xã, nên không mang theo đồ ăn ngon".
Nghe vậy, sắc mặt Ninh Ba Ninh Dương lập tức xụ xuống.
Ninh Ba không tin, cậu tiến lên kéo khóa túi xách màu vàng của Ninh Hương ra. Sau khi mò tay vào lật mấy lần thấy không tìm được thứ mình muốn, bèn thất vọng nói: "Đúng là không mang gì về thật".
Ninh Dương thấy không có đồ ăn ngon để ăn, sự chú ý lập tức quay trở lại hộp diêm. Cậu xoay người lao tới đoạt bao diêm trên mặt đất, nhưng ngón tay chưa kịp đụng vào đã bị Ninh Ba cũng đã nhào tới, cả hai lại tiếp tục tranh nhau.
Ninh Hương không quan tâm hai đứa nó ầm ĩ thế nào, cô xách theo cái túi đi vào nhà.
Mẹ cô là Hồ Tú Liên đang nấu bữa tối dưới bếp, bà dò đầu ra liền thấy Ninh Hương thì có chút tò mò hỏi: "Sao lại trở về vào giờ này?”.
Bình thường Ninh Hương về nhà ngoại số lần không nhiều, mỗi lần về đều vào buổi sáng, sau khi ăn cơm trưa thì quay trở về nhà chồng. Cô chưa từng trở về vào buổi tối, càng không có chuyện lúc về còn mang theo một bao hành lý lớn như vậy.
Ninh Hương đi vào phòng Ninh Lan cất túi xách, ngoài miệng qua loa nói: "Trở về ở mấy ngày".
Hồ Tú Liên cảm thấy kinh ngạc, dùng khẩu hình hỏi Ninh Lan đang cho thêm củi vào bếp lò: "Có chuyện gì vậy?".
Ninh Lan xách cái rổ tre đến bếp nấu thức ăn cho lợn, lắc đầu với Hồ Tú Liên không nói tiếng nào.
Sau khi Ninh Hương vào phòng đặt túi xách xuống, cô cũng không đi ra ngay mà ngồi ở trên giường nghỉ ngơi một lúc. Cho đến khi Hồ Tú Liên hấp cơm và Ninh Lan nấu thức ăn cho lợn và cho lợn ăn xong, cô mới từ từ đi ra khỏi phòng.
Hồ Tú Liên đang cắt cải cúc trên thớt gỗ, bà cầm dao phay chặt mấy cái rồi nhìn về phía Ninh Hương nói: "A Hương, con xào rau ngon nên qua xào đi. Xào xong ba con cũng sắp về rồi, vừa lúc ăn cơm".
Ninh Hương vẫn không nói nhiều, đi qua chờ chảo nóng.
Ninh Lan ngồi sau bếp lò nhóm lửa, Hồ Tú Liên vừa bóc tỏi vừa thử hỏi: "Con đánh nhau với mẹ chồng à?".
Ninh Hương lấy ít mỡ heo bỏ vào chảo, nhìn mỡ heo từ từ tan ra, đơn giản đáp: "Giang Ngạn đẩy".
Hồ Tú Liên ngẩng đầu lên nhìn cô, một lúc lâu sau liền cười thoải mái, nói: "Ôi dào, mẹ còn tưởng mẹ chồng con khiến con ủy khuất. Con chấp nhặt với đứa nhỏ Giang Ngạn kia làm gì? Con là mẹ, nên kiên nhẫn chút, bọn trẻ con đều như vậy mà".
Ninh Hương đập tỏi ném vào chảo dầu nóng, đợi khi mỡ lợn phi tỏi ra lại cho toàn bộ cải cúc vào chảo lật xào mấy lần, cô mở miệng nói: "Con không phải mẹ nó".
Hồ Tú Liên bị cô nói làm cho sững sờ, bà chớp chớp mắt nói: "Lời này nói ở trước mặt chúng ta thì được, đừng để người nhà họ Giang nghe thấy. Dù trong lòng không vui thế nào thì cũng không thể nói như vậy. Có thể gả cho xưởng trưởng Giang đó là phúc khí của con!".
Ninh Hương không nhịn được nhếch mép cười lạnh, cô nhấc cao chảo lật cải cúc tiếp tục xào: "Ninh A Hương con sợ là mệnh bạc không chịu nổi phúc khí như vậy. Con cũng chẳng sợ người khác sẽ nghe thấy. Từ hôm nay trở đi, con không phải người nhà họ Giang nữa, ai muốn cái phúc khí này thì cứ cầm đi".
Ninh Hương rất hiếm khi nói chuyện cứng như vậy, Ninh Lan đang ngồi sau bếp lò nhóm lửa ngẩng đầu liếc nhìn cô.
Hồ Tú Liên nhíu mày, nhìn Ninh Hương nói: "Nói mê sảng cái gì đó, con bị đụng hỏng đầu rồi hả? Cái gì gọi là ai muốn cái phúc khí này thì cứ lấy? Con là vợ xưởng trưởng Giang cưới hỏi đàng hoàng, phúc khí này chỉ có con đời này mới có thể hưởng!".
Ninh Hương đặt cái chảo xuống, rắc thêm ít muối vào chảo: "Đây là phúc khí gì? Đàn ông của mình lâu dài không ở nhà, đơn thuần là tìm một bảo mẫu miễn phí ở lại nông thôn hầu hạ mẹ già và ba đứa con thôi. Người nhà đó đều không coi con là người, con có khác gì nha hoàn thời xưa đâu. Đây mà là phúc khí sao?".
Hồ Tú Liên cảm thấy chắc lần này Ninh Hương đã bị chịu ủy khuất không nhỏ, nhưng bà lại không dám đi tìm người nhà họ Giang tranh luận nên đành phải tận tình khuyên bảo Ninh Hương: "Phụ nữ chúng ta sinh ra là vậy, gả cho ai mà không phải sống như thế? Xưởng trưởng Giang là lãnh đạo, con gả cho người ta không phải lo ăn không phải lo mặc, đi ra ngoài cũng sáng mặt mũi, ngay cả nhà ta cũng đi theo được nhờ. Công việc sau này của Ninh Lan, tiền đồ của Ninh Ba Ninh Dương đều phải nhờ cả vào xưởng trưởng Giang. Người như vậy đi đâu mà tìm được? Nếu không phải người ta có ba đứa con, căn bản không đến lượt con đâu biết chưa hả?".
Ninh Hương nghe một hồi chỉ cảm thấy ngực buồn bực, cô nhấc chảo cho đồ ăn ra đĩa. Sau đó cầm muôi ném mạnh vào trong chảo đến "cạch" một tiếng thật vang, dọa cho Hồ Tú Liên và Ninh Lan đều giật bắn.
Hồ Tú Liên nhìn cô, một lát sau mới nói: "Con uống nhầm thuốc đấy à? Ở nhà chồng bị ủy khuất thì về ở hai ngày, đợi hết giận rồi thì về lại bên đấy. Quăng cái chảo đập cái bát là muốn làm gì?".
Ninh Hương nhìn chằm chằm Hồ Tú Liên, từng chữ lạnh lùng nói: "Con muốn ly hôn".
Hồ Tú Liên và Ninh Lan đều sửng sốt, cả hai khá là giật mình nhìn Ninh Hương.
Ba Ninh là Ninh Kim Sinh đúng lúc từ đội sản xuất về đến nhà, ông vừa vào cửa đã nghe thấy câu nói muốn ly hôn của Ninh Hương. Ông liếc Ninh Hương một cái, vừa múc nước rửa tay vừa nhàn nhạt hỏi: “Ai muốn ly hôn?”.
"Con muốn ly hôn".
Ninh Hương vét nốt chỗ cải cúc vào chảo xào, thái độ không hề mềm mỏng, ngữ khí nhàn nhạt.
Ninh Kim Sinh hoàn toàn không coi trọng lời nói của Ninh Hương. Không biết cô học được lời này ở đâu, chỉ cho rằng đầu óc của cô nóng lên nên nói vớ vẩn. Kết hôn cho đến bây giờ là chuyện cả đời, ở nông thôn cũng không hề có chuyện ly hôn. Bất kể tốt xấu ra sao thì kết hôn chính là chuyện cả đời.
Ông ngồi xuống bàn ăn chờ ăn cơm, không mặn không nhạt tiếp tục hỏi: "Mẹ chồng con khiến con bị ủy khuất?".
Hồ Tú Liên đứng dậy, lên tiếng trả lời: "Không phải bà thông gia, là Giang Ngạn đẩy nó".
Ninh Kim Sinh nghe thế, sắc mặt bỗng trầm xuống: "Giang Ngạn là trẻ con, nó đẩy mày một cái mày liền cáu gắt? Nói ra không sợ người ta cười cho à. Nhanh ăn cơm rồi đi về nhà họ Giang đi. Kết hôn rồi, tính tình lại ngang hơn trước, mày như vậy là không tốt đâu đấy. Mà đã gả vào nhà họ Giang thì chính là người nhà họ Giang, nhà mẹ đẻ chỉ là thân thích thôi. Đừng có cáu kỉnh cái là lại chạy về nhà mẹ đẻ, cái này không thích hợp đâu. Nhà này cũng không thể giữ mày quá lâu, bằng không nhà họ Giang sẽ có ý kiến với nhà ta".
Kiếp trước, Ninh Hương hầu như không trở về nhà mẹ đẻ mỗi khi bị ủy khuất ở nhà chồng. Ở trong mắt người khác, cô là người chịu khó chịu khổ và đúng là cô luôn một mình nuốt hết tất cả những ủy khuất đó. Cô chưa từng trải qua cảnh như hiện tại, bị oan ức liền trở về nhà mẹ đẻ. Tuy nhiên, ba mẹ cô lại chẳng quan tâm cô bị làm sao mà chỉ để ý người nhà họ Giang có ý kiến gì với họ không.
Đúng ha, sao có thể không để ý nhà họ Giang cho được?
Bọn họ còn đang chờ Giang Kiến Hải sắp xếp công việc cho Ninh Lan, đang chờ trải đường cho Ninh Ba Ninh Dương mà.
Ninh Hương cầm muôi đảo rau cải cúc trong chảo rồi cho ra đĩa, trong lòng có bất bình nên không nói chuyện.
Đúng thế, nội tâm cô cảm thấy bất bình. Kiếp trước, nhìn Ninh Lan, Ninh Ba và Ninh Dương từng người trưởng thành thành tài. Mỗi người trong nhà mẹ đẻ và nhà chồng đều có tiền đồ hơn cô, lại luôn vô tình lộ ra sự xem thường coi cô là mẹ già chỉ biết cọ nồi rửa chén. Bọn họ luôn coi nhẹ cảm thụ và ý nghĩ của cô dù việc lớn hay việc nhỏ, vậy nên trong nội tâm cô đã từ từ tích lũy oán giận.
Ninh Kim Sinh không biết cô đang nghĩ gì, cho là cô đã nghe lọt tai lời mình nói bèn thả lỏng sắc mặt nói tiếp: "Con từ khi còn nhỏ đã là đứa hiểu chuyện nhất nhà, chưa bao giờ phải để ba và mẹ con phải phiền lòng. Giờ đã gả cho người ta rồi thì càng phải tốt hơn. Con bây giờ chính là vợ xưởng trưởng, đời này không cần lo ăn uống lại được người khác kính trọng, cuộc sống so với người khác sung sướng biết bao nhiêu? Đừng có nghĩ đến mấy chuyện vớ vẩn, con chỉ cần kiên nhẫn dỗ dành mẹ chồng và ba đứa nhỏ là được rồi".
Ninh Hương không nói chuyện, trong lòng lại nghĩ—— Vợ xưởng trưởng làm người ghen tị, đời này cô không muốn làm nữa. Bà mẹ chồng Lý Quế Mai kia là người xảo trá, bắt bẻ lại cay nghiệt. Mấy đứa Giang Ngạn, Giang Nguyên và Giang Hân chính là mấy tên đầu gấu con, ai thích dỗ dành thì đi mà dỗ đi!
Đương nhiên, trong lòng Ninh Hương hiểu rõ hơn ai hết rằng có đánh chết Hồ Tú Liên và Ninh Kim Sinh thì bọn họ cũng sẽ không đồng ý cho cô ly hôn.
Lý hôn là chuyện cực kỳ khác người ở nông thôn ở thời đại này, phụ nữ ly hôn sẽ bị mọi người chụp cho cái mũ không đứng đắn. Không chỉ khiến người nhà bị mất mặt mà còn sẽ bị người chỉ trỏ nói này nói kia ở sau lưng và sẽ không thể nào ngóc đầu lên được ở quê nhà.
Trong giá trị của mọi người xung quanh, phụ nữ kết hôn chính là cả một đời. Bất kể cuộc sống tốt hay xấu thì cả đời này chỉ sống với một người đàn ông. Cho nên làm bảo mẫu cho đàn ông suốt đời, nối dõi tông đường cho hắn, nuôi con nuôi mẹ già cho hắn, dù chết cũng không được ly hôn.
Đời đời cứ truyền xuống quan niệm truyền thống này, cãi nhau hay nói đạo lý có thể tranh giành ra một kết quả sao?
Tranh giành không được nên Ninh Hương lười phí sức đi tranh luận.
Ninh Kim Sinh thấy cô vẫn không nói câu nào bèn hỏi: "Có nghe thấy không?".
Ninh Hương đứng trước bếp, lấy ít mỡ heo cho vào nồi rồi nhìn mỡ tan ra. Cô không trả lời Ninh Kim Sinh, dáng vẻ nghe tai trái ra tai phải hoàn toàn coi như không nghe thấy.
Ninh Kim Sinh lần đầu tiên thấy cô như vậy, ông đột nhiên không kìm được nóng giận giơ tay đập mạnh xuống bàn, nặng giọng nói: "Ninh A Hương, tai mày điếc à? Tao hỏi mày có nghe thấy không?!".
Hồ Tú Liên và Ninh Lan bị giật mình, cả hai đồng thời run rẩy. Hồ Tú Liên ngước mắt lên nhìn Ninh Hương, đè giọng xuống nhắc nhở cô: "Ba con đang nói chuyện với con đấy".
Ninh Hương đứng trước bếp nhìn dầu nóng, nhẹ nhàng nín thở. Một lát sau, cô ném cái muôi trong tay vào trong nồi, nhìn Ninh Kim Sinh nói: "Con đã quyết định ly hôn".
Nói xong không chờ Ninh Kim Sinh lại nổi giận, cũng mặc kệ chuyện xào rau, cô đi thẳng ra khỏi phòng và ném lại một câu bình đạm: "Con đi tìm a tam a tứ về ăn cơm".
Ninh Kim Sinh trừng mắt nhìn bóng lưng Ninh Hương, quát: "Tao xem mày dám không! Đúng là phản rồi".
Hồ Tú Liên đứng dậy cầm lấy muôi bắt đầu xào rau, hòa hoãn nói với Ninh Kim Sinh: "A Hương đã gả vào nhà họ Giang được nửa năm, đến giờ có bao giờ trở về kể khổ đâu. Đầu năm vừa mới kết hôn, Giang Kiến Hải đã xách hành lý rời đi, một cô dâu mới như con bé vừa kết hôn đã phải sống quả phụ, ở nhà hầu hạ mẹ chồng và ba đứa nhỏ kia hơn nửa năm, sao trong lòng có thể không có ủy khuất? Sợ là ủy khuất tích lại nhiều nên mượn lần này để phát tiết ra một chút. Ông cũng đừng nói nó nữa, để con bé ở nhà hai ngày rồi về".
Ninh Kim Sinh hít sâu một hơi cố nén xuống cơn giận, suy nghĩ một chút cũng không nói thêm gì nữa.
--- HẾT CHƯƠNG 2 ---
Truyện khác cùng thể loại
60 chương
98 chương
39 chương
21 chương
8 chương