Sao đen

Chương 36 : Cái chết của... tử thần

Buổi tuyên thệ lễ ra mắt quốc dân của Chính phủ lâm thời Mặt trận Tự do Dân tộc dự định khai mạc vào chín giờ giờ địa phương ngày 12 tháng 8 năm 1981 tại biệt cứ An-pha. Trước đó một giờ, các nhà báo trong và ngoài nước (?) hân hạnh được đón tiếp kiến nhà lãnh đạo của Mặt trận. Tôi nhận được tin này ngay sau cuộc họp trù bị của các thành viên nội các để xem xét lần cuối cùng công việc của đại hội. Tôi chuẩn bị kỹ mọi phương tiện hành nghề. Bảy giờ sáng, hai nghĩa quân vũ khí nghiêm trang đưa đường cho tôi đến gặp thủ lĩnh. Leo qua hai quả núi đá nhỏ, xuống một khe suối, tôi thấy một toán từ trong khe đi ra. Khi cự li còn chừng mười mét tôi nhận ra người quen cũ: kỹ sư Đỗ Thúc Vượng. - Anh Vượng! - Tôi reo lên. Sửa lại chiếc kính trắng, anh nhìn tôi chằm chằm và cũng reo lên: - A! Trung tá Nghĩa! Không ngờ lại gặp nhau ở đây. - Xin anh gọi tôi là Mc Gill nhà báo Mỹ. - Trời ơi, cái tên và nghề nghiệp cũng lạ đấy, nhưng không làm tôi ngạc nhiên bằng diện mạo của anh. Tóc anh nhuộm và anh lại để râu nữa chứ? Anh mới ở Mỹ về? - Dạ, tôi mới trở lại mảnh đất thiêng liêng này được ba mươi sáu giờ. Anh vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu cho đến hôm nay? - Đâu có. Tôi chẳng phải là người anh hùng. Nhưng vì cái thành tích chống Cộng bằng bút trước đây của tôi nên tôi được mời tham dự cuộc hội nghị quan trọng này với tư cách quan sát viên, tư cách nhà báo, tư cách học giả... Vượng giới thiệu tôi với hai người cùng đi: - Vì vấn đề bí mật, tôi chỉ biết bút danh hai đồng nghiệp cùng đi. Anh Tử Khánh và anh Tiêu Long. Chúng tôi bắt tay nhau, vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ. Chẳng mấy chốc đã đến địa điểm họp. Một hội trường và hai ngôi nhà nhỏ được tạo dáng khá đẹp mắt. Tôi nâng ống kính lia một vệt đầu tiên. Vệ sĩ dẫn bọn tôi vào căn nhà bên phải. Vị thủ lĩnh từ trong nhà bước ra thềm bắt tay chúng tôi chính là Hoàng Quý Nhân. - Chào quý vị! - Chào ngài! - Trời ơi anh Nhân! Anh còn nhớ tôi chứ? - Vượng reo lên kinh ngạc. - Sao lại không nhớ! Chúng ta đã cùng chung lý tưởng chống cộng sau đó lại chung nhau một người đàn bà? Đến chết chúng ta cũng không thể quên nhau. Ha Ha! Nhân cười vui vẻ vì câu đùa của mình. - Bốn năm nay tôi đã đốt đuốc đi tìm minh chủ, không ngờ lại gặp anh. Té ra chính anh là minh chủ của tôi. Trước kia làm mật thám, anh khuyên tôi không nên làm chính trị. Bây giờ chính anh lại quay ra làm chính trị. Chắc là anh sẽ khuyên tôi không nên làm mật thám! Tôi đùa như vậy anh có giận tôi không? Câu nói của Vượng mang ý nghĩa châm biếm sâu cay, nhưng không hề làm cho Nhân thay đổi nét mặt. Y vẫn cười vui vẻ: - Anh vẫn "ác khẩu" như xưa. Tổng thống Diệm, Thủ tướng Khiêm, Tổng thống Thiệu, anh còn chẳng tha nữa là tôi. Điều cốt tử là chúng ta chung một kẻ thù Cộng sản. Chúng ta có thể liên minh với nhau để dựng cờ đại nghĩa! Nhân bắt tay và hỏi qua loa hai nhà báo Tiêu Long và Tử Khánh. Đến lượt tôi, Nhân bắt tay chặt chẽ rồi bỗng nhìn trừng trừng vào mặt tôi. - Mc Gill... Mc Gill?! Tôi cười vang lên và sắc mặt của Hoàng Quý Nhân từ từ biến đổi từ màu hồng của rượu vang xứ Bourgone sang màu thép lạnh. - Phan Quang Nghĩa! - Anh Hoàng Quý Nhân! - Chúng ta có thể nâng cốc chúc sức khỏe của Walter Montague được chứ? - Không! - Tôi lắc đầu - Walter chết lâu rồi! Nhân quay lại nói với ba người kia: - À xin lỗi. Mời quý vị vô trong nhà ngồi chơi ít phút. Tôi có câu chuyện riêng muốn nói với Mc Gill chút xíu. Đỗ Thúc Vượng cười vang rất sảng khoái: - Lại cố tri tao ngộ. Quanh đi quẩn lại vẫn những bộ mặt của thập kỷ bảy mươi cả. Nhân kéo tôi đến một gốc cây gần đó. Y hỏi nhỏ: - Hiệp ước bất khả tương xâm của ta vẫn còn giá trị nữa chứ? Nhân muốn nhắc lại một sự kiện cách đây mười ba năm. Khi dẫn bộ đội đặc công đánh vào cổng phụ Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn tôi đã bỏ lại tấm chứng minh thư và viên đạn trong hộp sọ tên lính gác. Sự vụ đã được đệ trình lên Đặc ủy An ninh phủ Tổng thống. Lúc đó Hoàng Quý Nhân là trợ tá thụ lý hồ sơ. Nhân đã gọi tôi đến biệt thự Vie Du Château cho xem tang vật và ngỏ ý muốn chiêu dụ tôi làm gián điệp đôi, cho tôi lương tháng năm trăm đô-la. May sao trong lưu trữ của tôi cũng có những bằng chứng về việc y chuyển giao bản mật danh 2B ở Hà Nội cho ta để cứu bố hắn khỏi chết rục trong nhà tù vì tội phản quốc. Nhưng vì tham lam y đã bán bản sao thứ hai cho Bop Edison lấy một ngàn đô-la. Người Mỹ dùng bản "mật danh thối" đó đã phải chịu một hậu quả là tất cả những toán biệt kích tung ra miền Bắc đều bị sa lưới. Tội thứ hai là y cộng tác với băng của Kỳ đưa lậu bạch phiến vào Hoa Kỳ gây nên sức ép mạnh mẽ của giới cầm quyền Mỹ với Thiệu. Nếu hai con bài này lật lên thì Nhân không sao tránh khỏi tội chết. Vì vậy y buộc phải thoả thuận với tôi một "mật ước bất khả tương xâm" cam kết không công bố tội trạng của nhau để cùng tồn tại. Tuy lúc đó tôi mạo nhận quan thày Walter Montague nhưng y thừa biết tôi là điệp viên cộng sản. Nhưng không muốn cùng tự sát nên y đã thi hành đầy đủ mật ước dựa trên một thế cân bằng mong manh của cả hai. Đến lúc này mật ước đã lỗi thời nhưng tôi cũng không muốn phá bỏ trước. Nhưng y đang muốn lợi dụng cam kết đó không phải để cứu bản thân mà mưu toan bảo toàn cho cả tổ chức phản loạn của y nên tôi cười và nói: - Bây giờ anh là một chính khách, tôi là nhà báo. Chúng ta đều ở cương vị mới. Tôi không muốn nhắc lại chuyện cũ. Nó đã kết thúc vào ngày 30 tháng Tư rồi. Tôi không can thiệp vào cuộc đời cũ của anh và anh có thể an tâm là tôi sẽ không làm nhân chứng để buộc tội anh ở bất cứ tòa án nào. Nhân nhìn tôi dò xét: - Trước đây tôi định mua anh và anh cũng định mua tôi. Nhưng chúng ta chưa ngã giá. Tôi biết bây giờ tôi đang ở thế yếu. Anh có định mua tôi nữa không? - Tôi là nhà báo, tôi chẳng có gì để mua, và mua cũng chẳng để dùng vào việc gì. - Anh có thể làm môi giới cho ông chủ cũ của anh? Tôi mỉm cười nhìn y thương hại: - Muộn mất rồi anh Nhân ạ. Anh cứ khư khư giữ giá quá lâu và đến giờ thì thứ đó xuống giá quá rồi! - Anh hiểu lầm đó. Của này càng để càng cao giá. Nó giống như rượu vang cất trong hầm thôi... Tôi lại vừa bổ sung được nhiều thứ mới lắm... Trước kia chỉ có đồ Pháp, đồ Mỹ, nay có cả đồ Tàu, đồ Thái nữa. - Anh định giá bao nhiêu? - Nó đáng giá hàng chục triệu đô-la! Nhưng thôi, tùy ông chủ của anh. Tôi biết ông ta cũng thuộc loại nghèo kiết xác. Ông ta có đến đâu ta liệu đến đó. Ngay trước mặt cũng có thể thu lại năm triệu rồi. Tôi bán tháo thân thôi chứ tiếc của lắm! - Tài liệu thì quý đấy, nhưng bản thân anh, ông chủ của nó thì chẳng đáng gì, thậm chí... - Anh cứ trả đi, ít nhiều xin anh cứ đặt cho một giá. Chẳng lẽ không nổi một triệu đô-la sao? - Không đáng một đồng! Hoàng Quý Nhân nhìn tôi sửng sốt... và rồi như có ý trách móc: - Đồng nghiệp gì mà chẳng biết người biết của, bắt bí nhau quá xá. Như thế là không mã thượng đâu. Riêng cái đồng hồ đeo tay của tôi cũng đáng hai trăm đô-la rồi. - Tính cả cái đồng hồ đấy. Vì bản thân anh chỉ đáng giá... âm mười triệu đô-la. Cho nên cả bộ sưu tập lẫn tài sản và bản thân anh cộng lại không đủ một đô-la. Anh đã gây nên quá nhiều tội ác tới mức không ai dám đứng ra bảo đảm mạng sống cho anh trước pháp luật. Riêng chuyện anh cho Ngũ Giác Đài thuê nghiệm trường thử hóa chất độc T20-20 vừa bị phanh phui cũng đủ lãnh một trăm bản án tử hình rồi. Hoàng Quý Nhân im lặng không nói gì. Một phút sau vẻ mặt y từ màu thép lạnh chuyển sang màu rượu vang. Y nói gằn từng tiếng: - Hãy chờ đấy. Tôi cho anh xem mặt hàng này hấp dẫn lắm, nó phù hợp với thị hiếu cao quý của anh hơn. Y đi vào trong nhà. Tôi đưa ống kính hướng theo - Khi quay ra, sắc mặt Nhân lại chuyển thành màu thép lạnh: - Hãy nghe đây! Tên Cộng sản khốn kiếp, mày đã đánh giá sai tư thế của mày. Đây là cái giá tao trả cho mày! Nhân chĩa họng súng đen ngòm vào tôi. Tôi không có vũ khí trong tay để chống lại. Bản năng tự vệ phản xạ như ánh chớp. Tôi lách mình vào một gốc cây khiến viên đạn đầu tiên y bắn trượt. Y chỉ giỏi đầu độc thôi chứ bắn rất xoàng. Tôi đưa ống kính lên với hy vọng ghi lại bằng chứng cuối cùng của tên tội phạm. Hoàng Quý Nhân tức run lên trước thái độ bình tĩnh của tôi. Y tiến lên hai bướt để rút ngắn cự ly. Y định nổ phát súng thứ hai thì Đỗ Thúc Vượng đã kịp chay ra ngăn lại. Viên đạn chệch trái. Tôi thấy đau nhói ở ngực, máu trào ra, mắt hoa lên, tôi lảo đảo ngã xuống. - Bạn bè cũ cả, bao nhiêu năm mới gặp nhau, sao lại làm thế ông Nhân? - Hãy lấy máu tên Cộng sản này làm vật hiến tế cho buổi lễ long trọng của chúng ta hôm nay. - Không nên nóng nảy. Tội gì cũng phải xử lý cho minh bạch. Bây giờ ông là một chính khách, một nhà lãnh đạo quốc gia chứ đâu phải là anh cảnh sát nửa mà ông hành động khinh suất như vậy? Bao con mắt sẽ nhìn vào ông. Họ sẽ quan niệm thế nào về lý tưởng tự do dân chủ mà chúng ta đang theo đuổi? Cuộc tranh luận Vượng khởi xướng bất ngờ làm cho Hoàng Quý Nhân lúng túng, y nói bừa là đối với Cộng sản thì phải có đối sách ngoại lệ. Không có tự do dân chủ gì hết trọi mà là tận diệt! Tận diệt! Càng nói y càng mắc sơ hở và Vượng cứ nhằm vào những sơ hở đó mà khoét mãi. Rõ ràng cuộc đấu khẩu như vậy khó mà kết thúc. Hình như Vượng chỉ muốn kéo dài thời gian hoặc phân tán sự chú ý của Nhân khỏi những sự kiện trước mắt. Bỗng có một tràng súng máy nổ ran phía dưới thung lũng. Tiếng vọng từ vách đá giội lại náo động cả khu rừng. Hoàng Quý Nhân dừng lại nghe ngóng... Từ dưới dốc một người chạy lên vẻ mặt hốt hoảng. - Súng nổ ở đâu đấy? - Trình ông Năm có biến! Bộ phận tiền tiêu phát hiện một toán Cộng sản mang cả chó săn đang tiến lên đồi. Họ đã nổ súng báo động. - Sao không chạy lên mật báo mà lại nổ súng? Đồ ngu. - Trình ông Năm vì lúc đó nghe thấy hai tiếng súng nổ phía sau, nghĩa quân hoảng hốt tưởng bị bao vây. - Anh cho người dẫn các đại biểu lánh sang địa điểm dự bị. Các đơn vị nghĩa binh phải đứng lại chiến đấu tại chỗ có lịnh mới được rút. Mới đụng ba cái thằng lính cộng sản mà đã hoang mang thì làm ăn gì? - Xin tuân lịnh ông Năm! Viên chỉ huy nghĩa quân vừa xuống khỏi dốe thì tiếng súng lại nổ rộ ở một hướng khác. Tiếng nhốn nháo của bọn nghĩa binh lan ra khắp mật cứ. Rồi tiếng động cơ máy bay lên thẳng ầm ầm vang động bầu trời. Ba chiếc HU1 bay rất thấp lướt qua đỉnh đầu. Hai tay nhà báo hoảng hốt chạy bổ vào rừng. Hoàng Quý Nhân gọi lại: - Hướng đó có mìn đừng chạy nữa! Nhưng chúng đâu có nghe thầy gì. Hai đứa chạy được chừng trăm mét thì một tiếng nổ long trời hất tung chúng xuống vực. Cùng lúc đó một tiểu đội nghĩa binh ào ào chạy qua trước mặt Nhân khiến y tức điên người. - Dừng lại tử thủ! Không được chạy!... Dừng lại! Mặc cho Nhân hò hét, bọn lâu la chẳng còn để ý gì đến mệnh lệnh của thử lĩnh nữa. Là đại tá cảnh sát, Nhân chỉ quen đốc thúc bọn mã tà bắt bớ, tra tấn, nổ súng vào những người tay không chứ y không quen chỉ huy chiến trận. Y hết sức lúng túng. Vài phút sau y cũng đành bỏ chạy vào phía trong núi đá. Đỗ Thúc Vượng mới đến bên đặt tay lên ngực tôi. Thấy tim còn đập mặt anh rạng rỡ hẳn lên. Anh vội xé áo lót băng lại vết thương cho tôi. - Anh yên tâm sẽ được cấp cứu ngay. Tôi ngạc nhiên về câu nói của Vượng nhưng không thể hỏi gì thêm. Quang cảnh lúc đó thật sôi động. Súng nổ khắp bốn phía. Hai chiếc trực thăng treo đứng trên không. Nhưng chiến sĩ xung kích leo thang dây đổ bộ xuống các mỏm đá. Từ dưới chân dốc một tốp khác tràn lên. Đỗ Thúc Vượng gọi mấy chiến sĩ lại. - Các anh cho gọi y tá mau, có người bị thương nặng. Không rõ ta hay địch một anh bộ đội hỏi lại. - Ai thế? - Các anh cứ báo cáo với chỉ huy: ông Nghĩa, nhà báo bị thương. Mấy phút sau Thiếu tướng Nguyễn Hữu Đức dẫn đầu một tốp người chạy lại. - Nghĩa đâu? - Cháu đây cậu ạ! - Tôi cố nói. - Cháu bị thương ra sao? - ông cúi xuống ôm lấy tôi nhìn vết thương lo lắng - Cháu bị bắn lầm à? - Không, Hoàng Quý Nhân bắn cháu. - Nhân chạy đâu rồi? - Hắn chạy theo hướng này - Đỗ Thúc Vượng chỉ về phía núi. - Cảm ơn! - Tướng Đức bắt tay Vượng rất trân trọng. - Thôi cậu để mặc cháu, phải truy theo Hoàng Quý Nhân ngay kẻo nó chạy thoát mất. Thiếu tướng cho khiêng tôi vào nhà và dặn dò nho nhỏ với bác sĩ. Ông quay lại với tôi. - Cậu lo cho cháu quá. Trận đánh đang tiếp diễn, cậu phải về sở chỉ huy để điều hành công việc. Bây giờ bác sĩ tiếp máu tại chỗ cho cháu. Cậu sẽ sớm quay lại. Ông Vượng bắt tay tôi và cùng đi với tướng Đức. Tôi ngạc nhiên về mối quan hệ khó hiểu của họ. Mười hai giờ Nguyễn Hữu Đức cùng một sĩ quan chỉ huy trở lại thăm tôi. - Đã bắt được Hoàng Quý Nhân chưa cậu? - Không bắt được - Giọng ông buồn bực - Hắn cùng mười sáu tên phản loạn cố thủ trong một hang núi. Khi ta vào được trong hang thì chỉ thấy toàn xác chết. Hoàng Quý Nhân đã tự sát bằng thuốc độc. Thật đáng tiếc... Cháu thấy trong người thế nào? - Dạ được tiếp máu cháu thấy dễ chịu hơn nhưng vẫn còn đau. Nếu ông Đỗ Thúc Vượng không gạt kịp thì chắc chắn Hoàng Quý Nhân đã hạ sát được cháu. - Thế mà ông Vượng chẳng nói chuyện này với cậu. Cậu đã cảm ơn ông ấy nhưng lại ở một công viện khác. Bây giờ cậu bàn với cháu. Liệu cháu có đủ sức quay lại điểm xuất phát không? - Dạ nếu cháu lết ra được mũi Kim Ngưu thì mọi chuyện sẽ dễ dàng. Cháu đã có mật khẩu liên lạc với ông bõ già ở nhà thờ. Ở đấy có thuyền chờ "đại hội" kết thúc để trả lại khách ra khơi cho chiến hạm Hoa Kỳ. - Nhưng chỉ mình cháu thoát chết trở về thì Warrens nghi ngay. Lẽ ra phải để cho vài tay lọt lưới. - Đã bắt hết đám chính khách lưu vong chưa ạ? - Con số cuối cùng đâu? - Nguyễn Hữu Đức hỏi người sĩ quan tham mưu. Anh mở cặp ra thì tôi thấy bản danh sách còn thiếu Mlle Mộng Vân và bác sĩ Ngô Thế Vĩ. Nguyễn Hưu Đức hỏi ý kiến tôi về hai người này. - Có thể để cho họ lọt lưới được. Những nhân vật quan trọng đều đã rơi vào tay ta rồi. Thiếu tướng quay lại phía người sĩ quan tham mưu: - Đồng chí cho ngừng truy nã bà Mộng Vân và ông Ngô Thế Vĩ. Tôi phải mô tả nhân dạng vì sợ họ mang giấy tờ giả, anh em lại bắt lầm. Khi chỉ còn hai cậu cháu, Thiếu tướng nói với tôi: - Cậu suy tính phương án như sau. Cháu sẽ được đưa về bệnh viện điều trị tích cực trong hai ngày cho vết thương ổn định. Ngày kia máy bay lên thẳng sẽ đưa cháu đến một điểm gần đường. Ô tô sẽ bí mật chuyển cháu đến gần mục tiêu chừng vài ki-lô mét. Sau đó cháu phải tự lết đến địa điểm liên lạc. Có thể cháu sẽ gặp Mộng Vân và bác sĩ Vĩ ở đây. Hy vọng là bác sĩ Vĩ biết chăm sóc người bị thương. Cháu sẽ chờ chuyến vượt biển theo đường dây của chúng. Chỉ có điều lo lắng là liệu đường dây này còn hoạt động nữa hay không. Nếu có gì trục trặc ta sẽ tìm cách khác. Cậu sẽ quy định mật hiệu liên lạc. Đây là đất của ta thiếu gì cách truyền tin. Sẽ có một bộ phận luôn luôn bám sát cháu. - Dạ. - Phương án trên chỉ thực hiện khi sức khoẻ của cháu tiến triển tốt hơn thôi. Nếu vết thương còn nguy hiểm thì cậu không cho cháu đi đâu. Phương án hai là đưa ra tòa xét xử nhà báo Mỹ Mc Gill đã vi phạm chủ quyền Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, xâm nhập trái phép. Cháu sẽ bị phạt mười ngàn đô-la và được tha theo chính sách nhân đạo đạo! Chịu chứ! - Dạ cháu xin chấp hành. Hai cậu cháu đều cười vui vẻ. Ít phút sau cậu nói tiếp: - Chúng ta đã cất vó được toàn bộ bọn đầu sỏ phản loạn. Chỉ còn tên phản bội Nguyễn Hùng Thắng là chưa tìm thấy. Nó quen đi rừng, biết cách lẩn trốn nên có thể lọt lưới. Hồ sơ vụ Hoàng Quý Nhân coi như được đóng kín. Thưa cậu, Hoàng Quý Nhân đã chết, nhưng độc tố của nó tỏa ra vẫn có thể gây lại những di hoạ to lớn. Bản thiết kế của bộ máy CIA đồ sộ ở đây vừa được y khôi phục lại hiện vẫn còn nằm trong màn bí mật. Không biết thiết kế thì ta khó bề tháo gỡ an toàn. Warrens sẽ không chịu để bản thiết kế đó rơi vào tay ta. Còn ta thì cũng chẳng chịu để chúng chiếm được. Như vậy sẽ diễn ra một cuộc tìm kiếm quyết hệt và thầm lặng của cả hai bên. Cháu nghĩ Trung tâm cần phải đi sớm một bước. Vấn đề này cháu có khuyết điểm lớn. Trong cuộc đụng đầu vừa rồi với hoàng Qúy Nhân y đã gạ bán lại toàn bộ tài sản đó cho ta. Thực tế đó là một cuộc đầu hàng có điều kiện. Cháu tự thấy mình chẳng có tư cách gì tiến hành một cuộc đàm phán chưa được trên cho phép. Hơn nữa cháu lại chủ quan kiêu ngạo áp đặt cho nó một cuộc đầu hàng vô điều kiện bằng những lời đe doạ vô nghĩa. Điều này đã kích thích sự điên rồ của nó. Lẽ ra phải lấy cuộc sống để thách thức, cháu lại lấy cái chết để uy hiếp. Xin cậu tha tội cho cháu. Nghe tôi thành thực kể lại khuyết điểm, Thiếu tướng bực mình thật sự. - Thực chẳng còn sự ngốc nghếch nào sánh kịp! Cháu thử tưởng tượng xem nếu cháu khôn khéo, tế nhị và cao thượng một chút thì ta đã dễ dàng nhận được bộ sưu tập nguyên vẹn, và cả một con bài đáng sợ trong tay. Cháu có tưởng tượng nổi một Hoàng Quý Nhân sống khỏe mạnh trong "cái lòng" của chúng ta cao giá như thế nào không? Cháu đã bít chặt mọi con đường, xé nốt lá bùa hộ mệnh cuối cùng của nó làm gì nó chẳng rút súng ra tặng cháu mấy viên đạn để rồi chấp nhận một giải pháp siêu thoát đầy bi kịch! - Cậu thở dài nhún vai tỏ vẻ tiếc rẻ - Nhưng thôi, chuyện đã rồi. Việc nào đi việc đó. Dù sao thì cháu cũng có thành tích lớn. Cộng lại thì ưu điểm vẫn là nổi bật. Cả Bạch Kim nữa, các cháu đã dũng cảm tận tuỵ hoàn thành nhiệm vụ. Tổ Quốc sẽ không bao giờ quên những người con trung thành như vậy. Là người chỉ huy, cậu rất hài lòng về các cháu, trừ cái chuyện vừa xay ra. - Cháu chỉ xin cậu một đặc ân. Cậu hãy kể chuyện về các cháu cho mẹ cháu nghe, tất nhiên là trừ những chuyện cần bí mật. Mẹ cháu cần những thứ này hơn tiền bạc. - Cháu không nói thì cậu cũng đã làm việc này. Tiện chuyến về, cháu nên viết cho mẹ mấy chữ, quà cáp để cậu lo cho, cậu sẽ đưa đến tận tay cho mẹ cháu. - Dạ, cháu xin cảm ơn cậu. Tôi hỏi thăm anh Hai Bền, Thiếu tướng nói anh Bền muốn đến thăm tôi nhưng chưa được phép. Anh còn bận giải quyết nhiệm vụ thu dọn chiến trường. Mai Hai Bền sẽ đến bệnh viện đặc trách trông nom việc nuôi dưỡng và chữa chạy cho tôi rồi tổ chức việc đưa tôi trở về điểm xuất phát. Nghe tin sắp gặp Hai Bền làm tôi sung sướng quên cả đau. Gần chục năm mới có dịp gặp lại người đồng chí. Người bạn cùng công tác sẽ có biệt bao chuyện được nghe và được nói. Bốn ngày sau đó cả ba người thoát chết trong đoàn thâm nhập đã mò về đến mũi Kim Ngưu. Ông bõ già nhìn thấy bộ mặt hốc hác và tấm áo bết máu của tôi cũng phải thất kinh. Ba người nhìn nhau nhún vai. Không nói với nhau nổi một câu. Sự thất bại nhận chìm chúng tôi trong câm lặng. - Xin ông giúp cho chúng ta đi càng sớm càng hay. Ở đây Cộng sản mà khui ra thì cũng chẳng dễ chịu gì cho ông đâu! - Dạ, đúng vậy. Nhưng phải chờ đến mai. Hôm nay chưa có tàu đón. - Có liên lạc vô tuyến được với tàu ngoài khơi không? - Dạ, có, nhưng cũng phải theo lịnh định sẵn. Đúng như chương trình, tàu chiến của Navy đón chúng tôi ngoài khơi rồi đưa trả về Portsat. Không có vị tai to mặt lớn nào đón những kẻ bại trận. Chí có Bảy Dĩ thay mặt Warrens mang xe đưa chúng tôi về biệt thự "Bạch Tượng". Chúng tôi được thay đổi trang phục và thu hồi những phương tiện CIA giao cho lúc lên đường. Nhưng chẳng ai mang về được thứ gì ngoài bộ quần áo rách rưới hôi hám. Bảy Dĩ cho mỗi người một khoản tiền và yêu cầu giữ tuyệt mật sự kiện bi thảm này. Bác sĩ Ngô Thế Vĩ ra thẳng sân bay đi Tokio ngay. Còn tôi và Mộng Vân thì đến trọ ở khách sạn Pyradmid. Bảy Dĩ kiếm một bác sĩ hàng ngày đến chăm sóc cho tôi. Đến được chỗ ăn nghỉ an toàn, chị Mộng Vân mới thực sự hồi tỉnh. Chị nhìn tôi, rơm rớm nước mắt: - Đúng là "ngã về không!" - Tôi chưa chịu đâu chị ạ. - Tôi cười - Còn phải thử sức vài chuyến nữa. "Buộc chuông cổ mèo" một lần đâu đã được! - Tôi nhổ toẹt vào cả con chuột lẫn con mèo của cậu. Tôi chán ngấy rồi. Tôi muốn nhổ cả vào cái giống đàn ông bẩn thỉu các cậu. Tôi nhún vai lùi ra như để tránh sự phẫn nộ của chị, sợ nó biến thành hành động cụ thể như chị đe doạ. Đối sách đó làm cho chị bật cười. - Cứ lại gần đây!? Lại gần đây đừng sợ! Trừ cậu ra, chú em thân mến ạ. Lấy vợ đi rồi tìm một nghề gì mà sống. Đừng dính mũi vào cái trò vô vọng này nữa. Đùa giỡn mãi hết quá nửa cuộc đời rồi. Với Cộng sản thì lại càng không nên. Tha cho cái bọn khố rách áo ôm ấy, không thèm chấp! - Chị lại vui vẻ như thường. Tôi sẽ về Paris sống với con mèo Macno, với con chó Top cho đến hết đời. Tại sao hôm đó mình không trúng quách một viên đạn cho xong nhỉ! Té ra mình còn giỏi hơn nhiều thằng mình mới chui lọt vòng lưới thép chứ! - Chắc gì chị đã giỏi mà có thể đối phương lịch sự với đàn bà, nhất là với một "Mlle Parisienne"1 (Tiểu thư Pa-ri). - A ha! Đúng đấy. Mấy cha đó ngờ nghệch dễ thương quá. Gặp mình chạy như ngựa phải vía giữa rừng nó hỏi giấy. Mình đưa nó cái chứng minh thư giả ghi: làm nghề đốt than. Thế mà nó cũng tin! Chưa chừng mấy cha này mù chữ cũng nên! - Tôi nghĩ lúc đó chị rất giống dân đốt than. Mặt chị xám ngoét. Không còn hạt máu nên họ tin là chị vừa chui trong hố than ra, đúng như tờ chứng chỉ! - Oh! Cest vrai! Mais Cest un humour noir!2 (Ồ đúng đấy! Nhưng là một trò cười... ra nước mắt). Chị ôm lấy tôi và thưởng cho tôi hai cái thơm lên má. Hai hôm sau chị Mộng Vân chia tay tôi, bay đi Paris. Nằm lại một mình buồn quá, tôi mò mẫm gọi điện cho Tùng Lâm. Nghe tôi bị thương, anh xúc động lắm. Anh hứa sẽ thu xếp lên thăm tôi. Hôm sau Hào đến thăm tôi chứ không phải Tùng Lâm. Té ra Tùng Lâm đã phóng xe đến Hải cứ Gam-ma thông báo tin này. Tôi cảm ơn tình bạn tốt của hai anh. Vì mắc bận không thể đi ngay được; Tùng Lâm giục Hào phải đi thay. Tôi đoán Hào không yên tâm về chuyện "cầm nhầm" chiếc ra-đi-ô nên tôi cũng rất muốn gặp anh. - Trông anh xanh quá, vết thương ra sao? - Đạn bay qua ngực nhưng không hề hấn gì. Nó cố lựa điểm ít nguy hiểm nhất! - Tôi đến phát ghen lên vì huyền thoại đó. - Anh tha lỗi cho tôi, hôm đổ bộ lúng túng thế nào mà tôi quàng luôn cả chiếc ra-đi-ô của anh. Mãi khi lên bờ tôi mới phát hiện ra sự lầm lẫn này. Tôi mang theo chờ khi quay về sẽ trả lại anh. Nhưng tiếc là gặp tai biến, mọi sự đổ bể hết tôi phải bỏ của chạy lấy người. May mà còn sức lết về đến mũi Kim Ngưu để bữa nay được nhìn thấy anh. - Ô tưởng chuyện gì, cái ra đi ô cũ kĩ vất đi được rồi, không đáng vài đô-la. Anh chẳng phải bận tâm về nó. Từ nay chúng ta không bao giờ nhắc lại chuyện này nữa nhá. - Cảm ơn anh, dù chỉ đáng vài đô-la mà tôi cứ áy náy suốt. Tôi kể lại những nét chủ yếu của cuộc hành quân cho Hào nghe. Anh trầm tư rồi buồn buồn nói với tôi. - Tôi đã khuyên anh là không nên tham dự vào những việc làm phiêu lưu. Không phép màu nào có thể làm thay đổi cục diện chính trị ở quốc nội đâu. Tôi phải liều lĩnh vì hy vọng mang vợ con đi tiếp. Còn anh có gì dính líu với quốc nội nữa mà phải liều thân. - Ví trót lĩnh của Liên Minh một số tiền khá lớn nên tôi phai đi để lấy cái trang trải. Nhưng rủi thay ngay chuyến đầu tiên đã mất cả chì lẫn chài. Đây cũng là một bài học lớn để tôi suy nghĩ cho tương lai của mình. Hào không ở chơi lâu. Anh cáo bận quay về hải cứ ngay. Anh cũng bảo tôi giữ kín cuộc thăm viếng này vì theo anh, ông chủ đang cố gắng phong tỏa những tin thất thiệt của cuộc hành quân vừa qua. Không giờ ngày chủ nhật Tom Hardy nhận được mật điện từ khinh hạm Polard báo về họ đã đón được ba người trên biển. Bà Eugénie Mộng Vân, ông bác sĩ Ngô Thế Vĩ và nhà báo Phan Quang Nghĩa. Cộng sản đã bao vây biệt cứ An-pha trước giờ khai mạc đại lễ thành lập chính phủ lâm thời. Chỉ có ba trong số mười bốn chính khách trong đoàn đổ bộ quay được về mũi Kim Ngưu để ra tàu. Sự chờ đợi suốt một tuần đến cháy ruột đã kết thúc bằng một tiếng sét. Hardy đã hai lần định gọi điện thoại xin được gặp Warrens ngay nhưng không dám. Đánh thức thủ lĩnh lúc nửa đêm để báo một tin thất thiệt quá lớn thì rất dễ nhận được cơn lôi đình vô cớ của sếp. Nhưng may sao, chính Warrens gọi điện đến. - Có tin gì X1 chưa? - Dạ mới chỉ có điện từ khinh hạm Polard báo về. Tôi vừa dịch mã xong. Cho phép tôi mang lên trình ngài. - Tôi chờ! - Warrens đặt máy xuống. "Kinh cung chi điều" Từ vụ thất bại thử nghiệm T20-20 đến nay tâm trạng Warrens thường không ổn định. Suốt một tuần chờ đợi tin tức của cuộc hành quân X1 mà không thấy. Nay nghe có điện của khinh hạm Polard, linh tính báo cho ông biết một sự chẳng lành. Warrens không hỏi nội dung qua điện thoại và ra mở cửa đứng chờ. Mấy phút sau đã thấy viên phụ tá bước vội trên hành lang. - Trình ngài - Tom Hardy đưa bức mật điện cho Warrens. Thủ lĩnh đi về phía buy-rô bật thêm ngọn đèn bàn rồi ngồi xuống đọc. Mặt ông ta cau lại theo từng dòng chữ. Cuối cùng ông ta giáng một cú đấm mạnh mẽ làm rung chuyển những đồ vật đặt trên mặt bàn. - Thế là hết! Warrens đứng dậy vẫn thấy người phụ tá đứng nghiêm như tượng gỗ trước cửa ra vào. - Còn đứng đấy làm gì nữa Hardy? Cho ông lui. - Xin cảm ơn - Hardy biến đi như một cái bóng. - Warrens quay số điện thoại của Bảy Dĩ. - Ông Dĩ đâu? Hello! Ông lên gặp tôi ngay. Mười lăm phút sau Bảy Dĩ mới đóng bộ xong để lên gặp thượng cấp. Ánh trăng tràn ngập cánh rừng, gió từ mặt hồ thổi vào bán đảo... Bảy Dĩ thấy lòng se lạnh. Một cuộc gặp gỡ nửa đêm với người chỉ huy chắc phải có chuyện gì khác thường. Vui hay buồn, lành hay dữ đây? Bước lên cửa văn phòng, Dĩ đà thấy thân hình đồ sộ của Warrens ngồi oai vệ trên chiếc ghế bành, đầu hơi ngửa như ngắm nhìn trần nhà, hai cánh tay duỗi thẳng tỳ lên thành bàn. - Thưa ông Warrens, tôi có mặt. - Mời ngồi. Chờ cho Dĩ ngồi ngay ngắn với tập hồ sơ đặt trước mặt, Warrens mới đưa cho viên trợ lý đặc vụ bức điện. - Ông đọc đi. Bảy Dĩ đón lấy sửa lại kính, chăm chú đọc. Mặt Dĩ xám đi nhanh chóng như bị bóng mây che phủ. - Ôi thật là khủng khiếp - Dĩ nói giọng thì thào, đặt bức điện xuống nhưng không dám nhìn Warrens. - Chuyện này có thể chờ sáng mai thông báo cho ông, nhưng tôi nghĩ là tôi sẽ không thể ngủ được khi chưa đề ra được một quyết định tạm thời nào. Hai cuộc hành quân của chúng ta tung ra ở hai thời điểm khác nhau, địa bàn khác nhau, phương thức khác nhau và nhân sự hoàn toàn độc lập với nhau thế mà đều bị Hà Nội bẻ gãy. Tại sao chúng có thể gài bẫy ta một cách hoàn hảo như vậy. Bây giờ thì tôi có thể tin chắc là trong hàng ngũ những người Việt Nam đã có tên điệp viên Cộng sản hoặc một tên phản bội. Chỉ còn phải trả lời câu hỏi: "Kẻ giấu mặt đó là ai?" thôi. - Số người biết đại lược kế hoạch X1 khá đông. Các thành viên của Uỷ ban thường vụ Liên Minh, các chính khách tham dự cuộc đổ bộ. Kế hoạch đình hoãn từ năm ngoái đến nay còn làm cho tin tức bí mật thoát rộng hơn nhiều. Tuy nhiên không một ai biết được chương trình cụ thể, phương thức đổ bộ ngoài tôi và ông Nhân, không rõ ông Nhân trong khi tổ chức có tiết lộ thêm cho ai không, chứ tôi thưa ông Warrens tôi xin thề là không nói cho ai hết. Mọi tài liệu đều nằm trong lưu trữ. Các thành viên đổ bộ chỉ được báo trước ba mươi sáu giờ và đưa đến Westland bằng hành lang không vận của USAF. Không có ai phải xin hộ chiếu ở bất cứ cơ quan ngoại giao nào. Họ đến Voca City cùng một ngày và đón thẳng đến lâu đài "Bạch Tượng". Mọi người không ai được phép ra ngoài và sau đó là một cuộc "lột xác tập thể" trừ Mlle Mộng Vân được chiếu cố đôi chút. Sáng hôm sau trực thăng đưa thẳng đến thiết giáp hạm Portsmouth đỗ giữa biển khơi. Tôi nghĩ là ta đã giữ được tuyệt mật cả thời gian lẫn không gian của cuộc hành quân. - Còn tổ lái con thuyền đổ bộ. Tôi đã làm đúng lệnh của ông. Tôi đã chuyển đại úy Hào cùng một hoa tiêu phụ một điện báo viên đến thiết giáp hạm Portsmouth trước đó nửa tháng. Nói là để luyện tập nhưng thực ra là để cách ly họ với mọi người. Họ cũng chỉ biết nhiệm vụ khi đoàn đổ bộ hạ cánh xuống thiết giáp hạm. - Trước đây ta coi Tương Tấn Hào là một trọng điểm theo dõi. Sự kiện này rõ ràng vượt ra ngoài tầm tay anh ta. Ông xem có kẻ nào đáng nghi vấn trong đoàn đổ bộ nữa không? - Thưa ông Warrens! Bộ mặt tên Cộng sản phản bội Nguyễn Hùng Thắng gây cho tôi mối nghi ngờ. Y đến với ta chưa bao lâu mà ông Nhân đã cả tin đưa nó vào những vai trò lớn quá sớm. Nếu nó là điệp viên được tung vào đội ngu của ta thì sao. - Cũng có thể. Nhưng làm sao nó có thể thông báo những tin tức đó cho Hà Nội nhanh như vậy? Khi sống với chúng ta nó có tiếp xúc với người Việt nào không? - Dạ mấy tháng gần đây chúng tôi để nó sống ở Sydney. Chúng tôi cũng để hắn đó lại với mấy cô gái người Việt. Những cô gái này do chúng tôi tuyển mộ để phục vụ và giải sầu cho những kẻ tha hương. - Nhưng giờ đây số phận Thắng ra sao ta đâu kiếm soát được. Việc chọn y làm mục tiêu điều tra trở thành vô nghĩa. Ta xét về những người sống sót. - Bà Mộng Vân là mật vụ chuyên nghiệp của Pháp từ năm 1949. 1956 bị Diệm trục xuất, bà đến Paris làm cho cơ quan an ninh đối ngoại Pháp và bí mật tham gia các băng buôn lậu bạch phiến ở Italia... 1964 phá sản. Năm 1977 bà quay lại chính trường khi những người lưu vong ở Mỹ tổ chức cuộc hội thảo Cali. Bà ta có thể bán mình cho mọi cơ quan tình báo, nhưng tôi tin là bà không thể hợp tác với Cộng sản vì cả hai đều không thể tin nhau. Người thứ hai là bác sĩ Ngô Thế Vĩ. Sinh năm 1923 tại Hải Phòng. Năm 1945 là sinh viên y khoa hoạt động trong phong trào Việt Nam Quốc dân đảng. Khi tướng Lư Hán vào giải giáp quân Nhật ông ta theo sang Tàu tá túc ở Hồng Kông, lấy vợ Tàu và tốt nghiệp y khoa bác sĩ. Năm 1949 trở về Cali ông là đại biểu của cộng đồng hữu phái Việt Kiều ở Nhật. Ông Vĩ được bầu vào Uỷ viên thường vụ của Liên Minh và tham gia chính phủ lâm tời theo đề nghị của cụ Bảo. Tôi chưa thể hiểu sâu về con người này. - Thôi được, ta sẽ bàn giao hồ sơ về cho Bắc Á vụ ở Tokio để họ điều tra thêm. Còn cái anh chàng bị thương nặng. - Đó là nhà báo Phan Quang Nghĩa. Bút danh Hoài Việt, phóng viên tiền tuyến của tờ Chim Việt, cơ quan ngôn luận của Liên Minh Việt kiều Hải ngoại. Sinh năm 1934, em cùng cha khác mẹ với tiến sĩ Phan Quang Ân một luật gia, cũng là chính khách nổi tiếng. Nghĩa đã từng theo Việt Minh chống Pháp nhưng vì con nhà quan lại nên bị thất sủng, trốn vào Sài Gòn khi quân Pháp rút khỏi Bắc Việt. Năm 1959, Nghĩa tòng học quân trường Thủ Đức. Warrens ra hiệu cho Dĩ ngừng lại để ông ta ghi lại chi tiết trên vào sổ tay. - Tiếp đi. - Về sư 97 làm trợ tá tham mưu, lập chiến tích lừng lẫy ở sông Mang, cứu sống tướng Lâm Quang Thới, được vinh thăng đại úy và cử đi thụ giáo tham mưu quân sự ở Leavenworth. Năm 1963 về làm sĩ quan điện toán ở Bộ Tổng tham mưu, năm 1975 làm tham mưu trưởng cho tướng Tùng Lâm. Phòng tuyến Đan-ly thất thủ, Nghĩa cùng cả ban tham mưu bị bắt. Tháng 7 năm 1975 Nghĩa cùng với Tùng Lâm vượt trại tù tìm đường ra nước ngoài. Tôi và Hào đã đưa hai người di tản. Hiện nay Nghĩa sống với gia đình ở Cali. - Cảm ơn. Mai ba người thoát chết này sẽ đến Porsat. Thảm bại này không cho phép tôi đón họ như những người anh hùng được. Chúng ta sẽ gặp riêng từng người nhưng không ở cùng một nơi và không vào cùng một lúc. - Dạ. - Bây giờ ông có thể nghỉ. Mai chúng ta còn nhiều việc để làm. ... Mlle Mộng Vân đang định gọi điện mua vé máy bay đi Paris thì có tiếng chuông gọi cửa. Chị ra mở cửa và thấy sừng sửng trước mặt mình người Mỹ to lớn, người cầm đầu Viễn Đông vụ CIA đầy quyền lực. - Xin thào bà Bộ trưởng. Cho phép tôi được tiếp kiến bà ít giờ. - Vẻ mặt nghiêm túc không mang chút gì là châm biếm của Warrens khiến chị bật cười. - Hello Warrens! Ông thật là một người vui tính. Tôi tưởng quý ông đã quên chúng tôi như mẩu đuôi thuốc lá trong cái gạt tàn rồi? - Bà thứ lỗi cho. Tôi vừa nhận được tin quý vị mới từ trong bức màn sắt trở về. Tôi vội đến ngay đây. Tôi mong bà Bộ trưởng coi cử chỉ này của tôi cũng long trọng chẳng kém gì khi mời bà đi duyệt đội quân danh dự trong tiếng nổ vang trời của hai mốt phát đại bác! Hy vọng người đồng nghiệp cũ có thể dễ dàng thông cảm tính chất công việc của tôi. Bây giờ xin trân trọng mời bà tới dự bữa trưa với tôi. Mlle Mộng Vân nhận lời một cách vui vẻ. Đối với chị lúc này, thời gian thật trống rỗng và vô nghĩa. Chị có thể sa đà vào mọi cuộc "tán róc lai rai" ở bất cứ lĩnh vực nào Warrens muốn. Viên phân vụ trưởng lái xe đưa Mộng Vân đến một biệt thự nhỏ không người gác cổng nhưng rất kín đáo. Bảy Dĩ đã có mặt ở đây. Họ bắt tay nhau vồn vã. Bữa ăn đã được dọn, Warrens rót rượu, ba người chạm cốc. - Xin cầu chúc cho linh hồn những người từ trận! Cầu chúc cho số phận của những người mất tích! Cầu chúc vận may cho những người thoát nạn! - Cảm ơn ông Warrens! - Xin bà, nhân danh một cựu ký giả, một tình báo viên, bà hãy tường thuật lại toàn bộ diễn biến cuộc hành binh và thảm hoạ diễn ra sau đó. Được tâng bốc và có hơi men kích thích. Mộng Vân tường thuật sôi nổi mọi tình tiết rất sinh động. Chị biết thổi phồng sự khủng khiếp trong mô tả sự châm biếm trong phê phán, sự hài hước trong bình luận... Khiến "cha con" Warrens cứ dỏng tai lên mà nghe, không thèm để ý đến những món nhậu bày la liệt trên bàn tiệc. - Tôi muốn biết số phận ông Nhân. - Tôi không thể trả lời ông được. Cuộc tiến công của Cộng sản diễn ra lúc bảy giờ bốn mười sáu phút mà theo quy định đúng tám giờ chúng tôi mới có mặt ở Hội quán để dự lễ. - Trong giờ này ông Nhân làm gì? - Ông ta tiếp nhà báo trong và ngoài nước. - Là Bộ trưởng Thông tin tuyên truyền mà bà không có mặt ở đây? - Ít nhất nửa tiếng sau đó tôi mới có vinh hạnh nhận chức vụ trên! Mặt khác tôi đã dự cuộc họp trù bị chiều hôm trước. Tôi bận chuẩn bị đọc một tham luận quan trọng và sẽ chủ trì cuộc họp báo vào ngày kết thúc Đại hội! - Thật đáng tiếc! - Warrens nhún vai, chua chát. - Theo Hoài Việt kể lại thì lúc đó Hoàng Quý Nhân vừa nói chuyện thân mật với bốn nhà báo. Hoài Việt đang ghi lại hình ảnh nhà lãnh đạo bên ngoài hội quán thì có tiếng súng nổ. Ông Nhân vội cáo lỗi để quay về sở chỉ huy. Ông Hoài Việt còn đang hoảng hốt chưa biết xử trí ra sao thì bị trúng đạn. - Bà có thể nêu ra một vài nguyên nhân dẫn đến thảm hoạ. - Ông Nhân đánh giá không đúng sức mạnh của mình. Còn chúng ta, những người đứng ở bên ngoài thì mù quáng nuốt phải cái tín điều bệnh tật của ông ấy truyền cho. Cộng sản thực sự kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ. Ở một nơi hẻo lánh như vậy mà vòng lưới của họ bủa ra chính xác và nhanh chóng như một ánh chớp! Điều đó chứng tỏ họ luôn luôn làm chủ tình hình. - Thế mà bà vẫn thoát nạn! Đó là một sự may mắn, may mán đến kỳ lạ. Các vị khác khoẻ mạnh hơn, họ chạy nhanh nên chui luôn vào lưới Cộng sản. Tôi nghĩ lẩn trốn còn tốt hơn bỏ chạy. Phơi mình ra lúc này rất dễ lộ mà có thể còn xơi đạn lạc nữa. Tôi lẩn vào một bụi rậm và thu mình lại. Chờ cho im re mới dò dẫm tìm đường ra lộ và... lạy Chúa tôi đã thoát. - Ngoài những người lưu vong, bà có nhận ra bộ mặt quen thuộc nào trong đám đại biểu quốc nội không? Mộng Vân cười vang: - Nhận ra, nhận ra ngay. Họ toàn là những người nổi tiếng mà! Tuy nhiên họ đều đổi tên đổi họ... - Thật tuyệt vời. Tôi hy vọng bà đã chụp ảnh được những người anh hùng đó. - Có chứ. Đấy là một trong những mục tiêu hàng đầu của tôi đối với chuyến đi. - Bà có thể vui lòng cho chúng tôi được xem những cuốn phim ấy chứ? Eugénie Mộng Vân nhún vai mỉm cười: - Đây là cái vốn của cuộc phiêu lưu cuối cùng trong đời tôi. Tôi muốn giữ bản quyền. Hôm qua nó là cái kết thúc, nhưng biết đâu ngày mai nó lại là cái bắt đầu! Warrens phá lên cười, hàm râu rung rung: - Tôi hiểu. Xin bà định giá cho. Tôi không phải là khách hàng keo kiệt. - Ông xem hàng xong hãy định giá. Nói sớm sợ ông chê mắc - Mộng Vân lục túi đưa cho Warrens cuốn phim chưa tráng. - Nguyên bản, chưa sao chép, ông vừa ý chứ. Warrens cầm lấy hỏi lại. - Bà có cần tự tráng lấy không? Xin mời bà vào buồng tối. - Không cần, tôi tin ông mà! Warrens bấm chuông. Một phút sau nhân viên kỹ thuật đã đến nhận phim đem tráng. Khi tiệc tan họ được mời sang phòng chiếu phim. Từng tấm ảnh màu hiện lên trên ê-crăng. Mộng Vân thuyết minh tên tuổi từng nhân vật..., Warrens trố mắt kinh ngạc. - Thế này là thế nào? Bà chụp thế này liệu có ích gì? - Những bức chân dung nét thế mà ông không thích à? - Tất cả đều đeo mặt nạ thì làm sao nhận ra họ. Nhận được chứ, ông không thấy họ giống ai à? Chiếc mũ bồ đài chụp xuống tận cổ. Cặp mắt u tối hiện ra sau hai lỗ khoét, hệt như bọn 3K ở bang Alabama, bọn Camétlia ở bang Texas, bọn Mafiosi ở Sicile, bọn Cagoulord ở Pháp hay bọn Crânes rasés mặt nạ nâu, còn ở Hambourg... chỉ khác là 3K, Camélia Balnce mang mặt nạ trắng, Mafiosi, Cagoulard mặt nạ đen Crânes Rasés mặt nạ nâu, còn những người hùng của chúng tôi thì mặt nạ vàng! - Thưa bà không có cơ quan tình báo nào lại chịu mua những bức ảnh chỉ biểu hiện một khả nàng phân biệt dung nhan duy nhất là màu sắc. - Tôi hiểu, thưa ông Warrens. Vì vậy tôi đâu có định giá trước với ông, và cũng chẳng sợ ông sao chép khi tôi nhờ phòng tối của ông làm công việc tráng phim. Khi hai người trở lại phòng khách Warrens mới trân trọng trao trả Mộng Vân cuốn phim và mỉm cười. - Thưa bà, bà là một người thích đùa! - Cảm ơn ông Warrens. ông khen tôi sớm quá đấy. Sợ có lúc ông phải đính chính lại quan điểm của mình mất thôi. Nói rồi chị cài cẩn thận cuốn phim vào tủi xách. - Tôi thực chưa hiểu ý bà - Warrens nói sau một phút suy nghĩ - Mọi người thường nhận xét tôi là một kẻ quá tự tin, bảo thủ, một tên độc tài. Rất ít người lay chuyển được quan điểm của tôi. - Thí dụ theo quan điểm của ông thì cuốn phim này chẳng có giá trị. Còn đối với tôi thì ngược lại bởi lẽ tôi không bao giờ phí công chụp những tấm ảnh mà chẳng mang lại lợi lộc gì. Mai tôi sẽ trở lại Paris. Tôi cố viết lấy vài bài báo. Tôi lấy cái đầu đề: "Laventure dune vieille rate", Our seeret debarkment to the Kim Nguu beach" hoặc "Portraits des insurges"1 (Cuộc phiêu lưu của con chuột cái già. "Cuộc đô bộ bí mật của chúng tôi vào bãi biển Kim Ngưu", "Chân dung nhg người nổi loạn) kèm những bức ảnh "cagoul-Jaune"2 (Mũ trùm vàng) đó vào thì chắc chắn ăn khách lắm. - Bà định phơi bày tất cả những tin thất thiệt đó ra trước công luận sao? - Mặt Warrens biến sắc. - Chuyện đó đâu còn là bí mật. Tôi không làm thì Hà Nội cũng sẽ công bố. Những bức chân dung họ chụp có lẽ còn rõ hơn những bức của tôi. Vì vậy tôi cần làm sớm hơn thì mới moi được tiền của bọn chủ báo. - Hà Nội công bố là việc của họ. Còn bà, tôi xin bà đừng công bố. Hành động này có hại cho chính nghĩa tự do! - Thưa ông tôi là một người tự do, tôi công bố cái thảm bại cuối cùng của cuộc đời tôi trước mọi người thôi. - Nhưng thưa bà chuyện đó không phải là của riêng bà. Nó sẽ xúc phạm đến danh dự của CIA, của riêng cá nhân tôi vì tôi là đạo diễn của tấn thảm kịch đó. Mộng Vân cười vang: - Tôi xin giấu tên người đạo diễn. Xin thề là tôi không nêu tên cơ quan Tình báo Trung ương và cả tên ông nữa. - Những tấn bi kịch này đâu có làm cho bà vinh quang thêm? - Tôi coi đó là một tấn bi hài kịch mà tôi là một diễn viên trong đó. Dù có đóng quận chúa hay đóng vai gái điếm, người diễn viên vẫn muốn phơi mặt mình ra trước công chúng! Nó chẳng vinh quang lắm nhưng nó giúp tôi một khoản tiền để sống. Chẳng lẽ chuyến đi sinh tử này tôi lại mất trắng? Tôi đâu có chịu. - Tôi sẽ không để bà thiệt. Xin bà định giá cho cuốn phim và toàn bộ tin tức của chuyến đi vừa rồi. - Ha Ha! Thế là ông đã thay đổi quan điểm rồi nhé! - Không, đây hoàn toàn là vấn đề chính trị. Tôi muốn nói cuốn phim không có giá trị tình báo. - Thưa ông Warrens, tôi nghĩ không có công tác tình báo của một quốc gia nào lại tách rời những mục tiêu chính trị. Tình báo phi chính trị thực chất chỉ là một băng cướp không hơn kém. Warrens trở nên lúng túng, ông ta lảng tránh cuộc tranh luận. - Xin bà quay lại chủ đề chính cho. Bản quyền cuốn phim là bao nhiêu? - Không dưới mười ngàn đô-la thưa ông! Warrens trợn tròn đôi mắt nhìn Mộng Vân một cách dữ tợn: - Có thằng chủ bút ngu xuẩn nào bỏ mười ngàn đô-la ra mua ba tấm ảnh không mặt mũi, mồm, miệng, cùng với vài dòng tin vu vơ đó. - Thưa đúng vậy. Cùng lắm có quăng cho tôi một trăm đô-la nhưng với ông, một người giàu có, hơn nữa nó thực sự có ích cho ông, nên tôi tin là ông dám mua tới giá đó - Mộng Vân cười - Thuận mua vừa bán, ông hoàn toàn tự do thôi. Tôi xin nhắc lại cái giá của mình: Mười ngàn đúng. Nếu ông không ưng tôi sẽ bán cho bọn chủ báo lấy một trăm đô-la! - Giá cả chi mà kỳ quặc vậy! - Có người bỏ một trăm đô-la ra mua một viên ngói nhà Sher-lock Holmes. Còn tôi, một hào tôi cũng chẳng mua. Giá cả ngoài yếu tố giá trị nó còn có yếu tố nhu cầu và cả thị hiếu nữa! - Có thể... - Warrens nhún vai thỏa hiệp - Bà cần lĩnh tiền ở ngân hàng nào? - Eugenie Mộng Vân. Mười nghìn đô-la. Chase Manhattan New York. Ông viết đi. - Warrens trao ngân phiếu và nhận lấy cuộn phim. Mộng Vân xúc động lấy khăn tay thấm thấm khóe mắt. - Bà thấy tiếc chăng? - Warrens hỏi với giọng châm biếm. - Đúng là tiếc thật. Khi họa sĩ phải bán đến bức chân dung tự họa cuối cùng, nhà văn phai bào mòn cuộc đời ra để sống bằng tập hồi ký cuối cùng, cũng có nghĩa là anh ta chẳng còn gì trong tay nữa. Anh ta đã bước tới suy tàn! - Giá bà nói hai mươi ngàn tôi cũng chịu! - Warrens trêu tức. - Chẳng đến, nhưng mười lăm thì có thể. Nhưng thôi đồng nghiệp với nhau một là một, hai là hai, cần cái chữ tín. - Đồng nghiệp thân mến ạ, tôi hy vọng đây là lần cuối cùng chúng ta cộng tác với nhau. - Vội vàng thế ông Warrens? Sợ có lúc ông lại phải thay đổi quan điểm? - Mộng Vân cười rất kẻ cả. Tiễn chân Mộng Vân ra khỏi cửa, Waarrens mới nhổ nước bọt và nói với Bảy Dĩ: - Trước đây tôi ghê tởm Vi xi, còn bây giờ thì tôi ghê tởm cả hai dân tộc "Do Thái phương Đông" này, ghê tởm cả cái giống da vàng các anh! Đáng lẽ phải tức giận hay xấu hổ thì Bảy Dĩ lại nhe răng ra cười rất thoải mái. Niềm lạc quan này bỗng lây lan sang cả Warrens. Thế là cả hai cùng cười rũ, cười đến chảy nước mắt ra. Cuối cùng Warrens mới buông một câu kết luận: - Thật toàn là một lũ láu cá, ranh vặt! Cuốn băng lưu trữ những tín hiệu vô tuyến điện trong đêm diễn ra cuộc đổ bộ Kim Ngưu do thiết giáp hạm Portsmouth ghi lại đã được chuyển về sở chỉ huy ở Banville. Năm chuyên viên kỹ thuật điện từ, mã thám cùng Warrens ngồi trong phòng bá âm. Tất cả tập trung thính giác vào hệ giải tần. Các thế giới âm thanh của thứ ngôn ngữ chỉ gồm hai ký hiệu bỗng nhiên vang lên như chợ vỡ. Máy thu siêu cảm đã không để sót một tín hiệu nào. Tất cả đều được lọc tạp âm và khuếch đại đến một cường độ đủ nghe và rất nét. Một làn sóng khả nghi đều được các chuyên gia điện tử tách ra ghi riêng để nghiên cứu. Mọi sự chuyển dịch vi-sai về tần số lại đã nổi lên "giọng điệu" khác. Có những máy đối chiếu với băng từ lưu trữ những lần tàu qua gần mũi Kim Ngưu mà không diễn ra cuộc đổ bộ. Đôi lần họ cũng gặp những tín hiệu lạ mang dấu ấn của những ngón ma níp mới xuất hiện. Nhưng tất cả sự tìm kiếm đều trở nên vô nghĩa, một là vì ở đây "đông vui" quá, hai là sự so sánh để giữ lại, để loại bỏ rất phức tạp. Chuyên viên điện tử xoay núm điều khiển đến những tần số cao. Ở vùng này âm thanh dần dần thưa thớt và mờ nhạt hơn. Bỗng trong cái thăm thẳm không cùng đó Warrens phát hiện ra một âm thanh kỳ lạ. Không phải nó được phát vào không gian qua ngón tay của một báo vụ viên, vì tín hiệu đó không chứa đựng "ngôn ngữ". Cũng không phải là "bíp bíp" của vệ tinh, chẳng phải tiếng kêu cứu của một phương tiện bị nạn của hệ thống Kospass hay Starsat trong vũ trụ. Các chuyên gia điện tử quay đi quay lại hiệu chỉnh lại máy móc xem đây có phải là hiện tượng nhiều loạn của tầng điện li hay không. Họ đã thống nhất ý kiến là không phải. Tín hiệu xuất hiện ở phút thứ mười hai kể từ lúc toán đổ bộ chuyển tải từ tàu Portsmouth sang chiếc sà-lúp. Nó cứ phát đi đơn điệu và tự động như vậy. Nửa giờ sau nó mờ dần và mất hút trong thinh không. Âm thanh đó gợi đến một hình tượng lãng mạn. Y như con vạc ăn đêm buông những tiếng kêu đơn độc trong màn đêm đen thẫm như tiếng con nai lạc mẹ trong cánh rừng mùa thu. - Đó là tín hiệu pulsar, "hơi thở" của một thiên thể neutron khổng lồ trong vũ trụ hoặc tín hiệu của một ngôi sao đen lạ mặt nào đó đang bay lướt qua hệ Thiên Hà? Không hiểu nổi câu nói đùa của "boss" một chuyên gia điện tử giải thích: - Không thể là hiện tượng pulsar được. Phương tiện vô tuyến điện của tàu Portsmouth không sao thu nổi tín hiệu đó. Đài Greenwich phải dùng những ống kính thiên văn vô tuyến cực mạnh với những ăng ten khổng lồ hướng tới khoảng cách hàng tỉ năm ánh sáng mới có dịp may mắn hiếm hoi thu được tín hiệu này. - Tôi muốn nói đến một thứ sao đen khác - Mặt Warrens nghiêm trở lại - Đã có một tên Cộng sản láu cá nằm trong đội ngũ những người đổ bộ hoặc trong tổ chức những người ra đón. Tên gián điệp đã mang theo máy vô tuyến định vị để vẽ lên một quỹ đạo vô hình trên biển và sau đó là trên đất liền. Cơ quan chỉ huy phản gián của Hà Nội chỉ việt bí mật điều động lực lượng bám chặt lấy đoàn người di chuyển. Khi họ dừng lại, lập tức nguy cơ bao trùm lấy họ. Cộng quân giống như một con a-míp chỉ có việc ôm gọn lấy con mồi tiêu đi. Đây là giả thuyết của tôi. Đám chuyên viên im lặng. Một phần đồng tình với boss một phần chưa nêu ra được một giả thuyết nào đáng tin hơn. Chuyện phát hiện ra tín hiệu lạ được giữ kín tuyệt đối. Ngay Bảy Dĩ cũng không hề được biết. Ngay hôm đó Warrens điện cho tàu Portsmouth bí mật kiểm tra tư trang của ba thủy thủ người Việt Nam trước khi trả họ về Hải cứ Gamma. Họ đã chẳng được kết quả gì. Chiếc máy phát tín Hào mang theo đã bị Nghĩa "cầm nhầm". Sự tình cờ này đã cứu thoát Hào mà anh không hề biết. Thấy sức khoẻ đã hồi phục khá khá là tôi mua vé bay về Cali liền. Suốt ba tuần vắng nhà tôi không viết thư từ, điện báo gì về. Bước xuống sân bay tôi mới gọi điện cho cháu Quang Trung mang xe đi đón. Thấy tôi an toàn trở về, gia đình vui mừng lắm. - Có đúng là chú đã đặt chân lên đất liền Tổ quốc không? - Anh tôi hỏi với vẻ ngờ vực. - Dạ đúng, tiếc là em không lấy về nắm đất để biếu anh chị làm kỷ niệm! - Chú đi được những đâu? Về Sài Gòn chứ? Chú có qua ngôi nhà của chúng mình không? Đã có người ở hay vẫn còn hoang vắng? - Không, em chỉ đến mật cứ An-pha thôi. - Mật cứ? Trời! Nghe bí hiểm quá nhỉ? Chú có chụp được nhiều ảnh không? - Không được một tí gì! Vào - bị thương - Rút ra, đơn giản thế thôi. - Bị thương? - Bạch Kim kinh ngạc- Anh bị vào đâu? Có nặng không? - Rất nặng nhưng không chết! - Tôi cười vui vẻ. - Anh không nói đùa đấy chứ! - Có gì đáng đùa đâu! Tôi cởi áo vạch cho mọi người nhìn vết thương vừa liền sẹo. - Trời ơi thế mà không chết, cũng không bị bắt. Thật đại phúc. Y như có phép màu phù trợ cho chú. - Em không tin vào phép màu, nhưng em tin là có những cái ngẫu nhiên, kỳ lạ đến mức không sao giải thích nổi. Tôi kể lại sơ bộ cuộc hành quân. Mọi người hồi hộp theo dõi như muốn uống từng tình tiết phiêu lưu ly kỳ mà tôi đã pha thêm một chút "dầu dấm tưởng tượng" vào. Tất nhiên tôi cũng phải cắt đi mấy đoạn mà tôi cho là hay nhất. Thí dụ như đoạn tôi "ăn cắp" chiếc ra-đi-ô, đoạn tôi gặp Đỗ Thúc Vượng, hay đoạn đối mặt với Hoàng Quý Nhân. Tôi dành những đoạn này để kể riêng cho Bạch Kim nghe. Chỉ có cô được phép nghe và xứng đáng được nghe, vì cô phải chịu đựng nỗi lo âu khắc khoải thương chồng, nỗi ưu tư cho sự thành bại của chiến dịch. - Chỉ có ba người chạy thoát? - Dạ. - Còn những người kia, ai bị bắt, ai bị giết? - Em không thể biết. Nhưng chắc chắn họ không trở về. Từ nay cụ Bảo sẽ không thể thấy mặt con. Một lần nữa đồng tiền lại lật sấp trước mặt cụ. Bà Tôn Thất Bình sẽ không được thấy mặt chồng. Lũ con nhà Hà Thúc Linh chẳng còn được nhìn thấy mặt cha... Ngọn cờ đại nghĩa chưa tìm được chỗ cắm. - Những điều này không nằm ngoài dự đoán của tôi. Phải để cho bọn phiêu lưu học được một điều gì. Cả chú nữa, tôi hy vọng tham bại này giúp chú sáng mắt ra! - Anh tôi nhìn tôi bằng cặp mắt nghiêm khắc. - Em nghi ngờ tài tổ chức của đám chính khách dân sự. Họ thiếu kinh nghiệm và lại hay ba hoa. Có thể tin tức của cuộc đổ bộ đã bị thất thoát. Biết đâu trong Bộ tham mưu của nghĩa quân đã có kẻ nội gián Việt Cộng nằm chờ. Nếu không tài gì họ có thể bao vây mật cứ đúng nửa giờ trước khi khai mạc Đại hội trong một vùng rừng núi hầu như không mấy người qua lại. - Vùng nào? - Em đoán là ở cực nam Trung phần. - Nghĩa là họ nắm chắc được lòng dân, họ cai trị được đất nước hữu hiệu, và những lời của tướng Tùng Lâm chỉ là trò nguỵ tạo? ... Mới xa con có ba tuần mà cháu Việt Dũng đã thay đổi hẳn. Nước da hồng hồng, cặp mắt mở to, bàn tay quờ quờ bàn chân đạp mạnh. Những vết nhăn nheo, những vi huyết quản chẳng chịt trên da đều lặn dần và đã có dấu hiệu bụ sữa. Trong giấc ngủ cái miệng tóm tém, đôi lúc thoáng hiện một nụ cười như mơ như tỉnh trông rất dễ thương. - Bố bị thương liệu còn đủ sức bế con không? - Không những bế được con mà còn dư sức bế luôn cả mẹ nó nữa. - Anh không thấy em béo ra à? Tôi nhìn kỹ Bạch Kim, sinh nở làm cô thay da đổi thịt. Đúng là cô hơi đẫy ra. - Béo ra đôi chút em đẹp hơn. Thật đấy, bao giờ anh cũng thích vẻ đẹp có chứa đựng sức mạnh. - Có điều lạ lùng là nuôi con mọn bận bịu, cuộc sống mất thăng bằng, thói quen đảo lộn, anh lại đi xa để lại cho em nhiều lo lắng. Thế mà em vẫn béo ra. - Sinh nở là chức năng thiên bẩm của phụ nữ. Sự mất thăng bằng trong sinh hoạt em cảm thắt lại biểu hiện mất trạng thái cân bằng mới, phù hợp quy luật của tạo hóa. Anh tin là có bận rộn em cũng sẽ thấy khỏe hơn và chắc chắn là vui hơn. Đêm đó tôi thuật lại tỉ mỉ những điều bí mật của cuộc hành quân và cái pha kết thúc đầy kịch tính của nó cho Kim nghe. Cô khen tôi: - Tất cả là do anh "ăn cắp" cái ra-đi-ô của Hào. Cái nút của vấn đề được mở ở đấy! - Đó là cái nút thứ hai. Nút thứ nhất là đường đi của Đỗ Thúc Vượng được Trung tâm quản lý tốt. Nhưng Trung tâm cũng không dám cho bám thật sát anh Vượng vì sợ lộ, địch sẽ biết cách thoát lưới. Nghĩa là cả "anh chồng hụt" lẫn "anh chồng rổ rá cạp lại" của em đều có công trong chuyện này. Bạch Kim vừa cười vừa đấm cho tôi một trận nên thân. - Phá được vụ này có lẽ Warrens phải cho ta nghỉ ngơi một thời gian chứ? - Không đâu. Do sai lầm của anh dẫn đến sự kiện Hoàng Quý Nhân tự sát, hậu quả của vấn đề rất phức tạp. Cái kho tàng Nhân bỏ lại sẽ là một di sản tranh chấp quyết liệt. Ta muốn mà Warrens cũng thèm. Một cuộc chạy đua vô hình và "mù quáng" sẽ diễn ra và cả hai đầu không biết đâu là đích. Sẽ có những cuộc đụng độ nảy lửa để giành giật bộ sưu tập quý giá đó. - Đối với Warrens thì bộ sưu tập đó có đáng giá gì đâu. Trong két lưu trữ Blackhouse ở Langley có đầy đủ danh sách, địa chỉ, mật danh, mật ngữ, mật mã, sơ đồ cấu tạo tổ chức và trình độ từng nhân viên của họ ở Việt Nam. Họ còn lưu thứ đó một trăm năm nữa. Họ cần gì đến một cuộc săn đuổi. - Em lầm rồi. Thứ nhất mấy năm qua có thể Hoàng Quý Nhân đã lần mò theo sơ đồ bộ máy đó rồi sửa chữa, thay đổi, bổ sung, thanh toán để biến nó thành tổ chức khác hắn. Muốn biến thành của riêng, độc quyền điều khiển Nhân phải định lại toàn bộ mật mã, mật danh, đường dây liên lạc phương thức hoạt động, luật lệ thưởng phạt... Y không cho phép Warrens điều khiển nổi đám "âm binh" của mình nữa. Bất kể một sự động chạm nào tới Bộ máy đó đều rất nguy hiểm. Warrens muốn gì phải qua Nhân. Những thứ lưu trữ ở Langley đều trở thành đồ bỏ xó, vô dụng thậm chí còn là liều thuốc tự sát nữa. Nay Nhân chết, Warrens muốn chỉ huy nổi bộ máy thì trước tiên phải nắm được "bộ sưu tập" của Hoàng Quý Nhân, Warrens đã cử người theo dõi Nhân. Đó là một nguyên tắc của CIA. Dùng ai thì phải nắm chắc người đó, thao túng, o bế được họ. Nếu quả là Warrens đã lo xa chuyện này thì ông ta thực sự có ưu thế trong cuộc chạy đua với ta. Hơn nữa Bảy Dĩ là bạn cũ của Nhân, là nhân vật hàng đầu được Warrens tín nhiệm. Có thể Dĩ đã nắm được những hang ổ mà Nhân thường đi lại, cuộc tìm kiếm kho tư liệu mật đó dễ dàng hơn. Thứ hai: Phía ta cũng phải cố gắng để đến đích sớm hơn. Có được bộ sưu tập trong tay ta sẽ hoàn toàn chủ động trong lĩnh vực phản gián. Ta có thể phá hủy triệt để bộ máy này hoặc để nguyên cho địch điều hành dưới tầm mắt quan sát của ta. Ta cũng có lợi thế là sử dụng được sức mạnh tổng hợp để điều tra, tìm kiếm vết tích của tên trùm phản động này. Tuy nhiên đấy mới chỉ là ưu thế về mặt lý thuyết. Trong thực tiễn mấy năm qua ta bỏ biết bao công sức vào chuyện này mà đã đạt được kết quả gì đâu. - Liệu chúng ta có giúp gì được cấp trên trong chuyện này? - Tất nhiên là có chứ! Anh phải cố gắng "ập công chuộc tội". Tiếc thật, nếu anh khôn khéo chút nửa, chỉ có một chút thôi cũng đủ để cho vấn đề đơn giản đi nhiều. Nhưng trước mắt, anh chưa thể có hành động gì. Warrens sẽ phản ứng quyết hệt để tìm ra nguyên nhân thảm hại, không loại trừ việc theo dõi những người thoát chết. Anh nghĩ tên anh, tên chị Mộng Vân và bác sĩ Ngô Thế Vĩ chắc đã đặt bên những dấu hỏi lớn trong cuốn sổ tay của Warrens. Nhưng y cũng chẳng có chứng cớ gì để nghi ngờ anh được. - Dù sao thì chúng ta cũng phải cảnh giác. Anh cần giấu kín bộ sưu tập của chúng ta biết đâu chẳng xảy ra cuộc khám nhà đột ngột. Chủ quan là trở tay không kịp đâu! - Anh không để tí gì trong nhà ta đâu. Từ sau vụ Hứa Quế Lan, ngôi nhà chúng ta có thể đã trở thành tụ điểm của nhiều ống kính theo dõi của nhiều loại tình báo.