Mùa thu năm 1667, lần đầu tiên trong Thanh Sử Cảo, một thí sinh đỗ trạng nguyên lẫn bác học hồng từ.
Có một hôm Khang Hi thiết đãi yến tiệc trong cung Càn Thanh.
Cửu Dương bèn ngồi kiệu, theo một công công mặt mày hồn hậu tuổi khoảng tứ tuần tên Kim Tứ Hiếu vào Cố cung.
Cung Càn Thanh nằm phía Bắc Cố cung, là cung điện lớn nhất trong nội sảnh của nội triều tam cung.
Khi kiệu phu khiêng kiệu đến Càn Thanh Môn, Kim Tứ Hiếu lấy ra một tấm lệnh bài.
Hai tên lính gác Càn Thanh Môn không dám chậm trễ, mở hai cánh cửa Nhật Tinh và Nguyệt Hoa.
Cửu Dương xuống kiệu, theo Kim Tứ Hiếu đi qua khoảnh sân rộng hướng đến cung điện có mái hai tầng, xây trên bệ đá cẩm thạch trắng.
Kim Tứ Hiếu dẫn Cửu Dương đến một căn phòng trong cung Càn Thanh, phía trước cửa phòng đặt hai pho tượng rùa và hạc, cả hai đều được đúc bằng đồng, trên cửa phòng treo tấm bảng khắc hàng chữ Văn Uyên Các, phía dưới khắc hàng chữ nhỏ Trung Thực Công Khai.
Kim Tứ Hiếu mở cửa phòng, dẫn Cửu Dương đi đến chiếc bàn đặt trước tấm màn thêu hình chín con rồng, trên tấm màn rồng là bức đại tự Chính Đại Quang Minh.
Một người đàn ông mặc đồ quan, tay cầm cuộn giấy, đứng trước chiếc bàn đặt dưới bức đại tự Chính Đại Quang Minh.
-Nô tài tham kiến Bảo Hòa Điện đại học sĩ!
Kim Tứ Hiếu quỳ bái chào Trương Anh.
Cửu Dương cũng quỳ, lúc nãy chàng nghe Kim Tứ Hiếu nói ba chữ Bảo Hòa Điện, biết người này là quân cơ đại thần Trương Anh, chủ biên bộ chính sử Minh Sử.
Cửu Dương nhớ Sách Ngạch Đồ và Tân Nguyên đã từng nói ở kinh thành thì Trương Anh thông thạo Tống Nho.
Nho giáo thâm ảo khó hiểu, những bậc tiên hiền đã đọc qua quả cũng không ít bậc trí giả thông thiên triệt địa nhưng trước giờ vẫn không ai có thể quán thông được toàn bộ những gì viết trong sách hơn Trương Anh.
- Học sinh bái kiến đại học sĩ! - Cửu Dương nói.
- Tân khoa trạng nguyên xin đừng đa lễ, mời ngài đứng dậy.
Trương Anh nói.
Cửu Dương vòng tay xá Trương Anh một cái, nói:
- Tạ ơn đại nhân!
Trương Anh cúi người đỡ Cửu Dương đứng lên.
Sau đó, Trương Anh quay sang Kim Tứ Hiếu, bảo Kim Tứ Hiếu ra ngoài.
Kim Tứ Hiếu vâng mệnh, lập tức ra ngoài.
Trương Anh thu tay về, nhìn Cửu Dương, nói:
- Hoàng thượng có việc chưa bàn xong với Định Viễn đại tướng quân và Sách thị lang đại nhân, lệnh cho bản quan tới đây trò chuyện với Lí Tài trước.
Cửu Dương nói:
-Hôm nay học sinh được bệ kiến hoàng thượng, Trương đại nhân, Sách thị lang đại nhân và Định Viễn đại tướng quân, thật là vinh dự cả đời của học sinh.
Trương Anh biết Cửu Dương là người Tế Độ mời đến giúp Khang Hi, nay lấy tên Lí Tài, tham gia cuộc thi, đạt chức trạng nguyên và bác học hồng từ, cho nên sau khi nói một câu khách sáo, Trương Anh cười khà khà nói:
-Các bài dự thi năm nay, bản quan đã xem qua, ngoài cái bài dài ba mươi trang giấy ca ngợi công đức của tam mệnh đại thần, đặc biệt là Ngao Bái, khiến gã rất thích thú, còn một bài luận văn nữa viết rất là hay, bài luận văn đó so với tuổi tác Lí Tài quả thật không hề đơn giản.
Cửu Dương nghe Trương Anh nhắc hai bài viết mà chàng đã viết, nhất là cái bài dài ba mươi trang giấy tâng bốc Ngao Bái lên chín tầng mây, cảm thấy buồn cười, cúi đầu nói:
- Học sinh thấy thật hổ thẹn, đã múa rìu qua mắt thợ.
Trương đại nhân là người rất được hoàng thượng trọng dụng, lại nổi tiếng khắp nơi là nhà kiến thức sâu rộng, vô cùng uyên bác.
Ở Giang Nam, học sinh đã từng nghe danh đại nhân là người am hiểu văn chương thơ từ đa dạng, phong phú bậc nhất trong cung.
Còn học sinh thì kinh nghiệm thư quán còn non kém nên hai bài văn vừa qua chỉ là bịt mắt sờ voi thôi.
- Không dám nhận hai từ trọng dụng – Trương Anh tươi cười nói - Chẳng qua chỉ là do lão phu dốc lòng phụng sự hoàng thượng.
Trương Anh nói đoạn hạ giọng:
-Cám ơn Lí Tài đã nói mấy câu cả nể với lão phu, nhưng lão phu tự biết sức lực của ta chẳng có bao nhiêu, không làm sao sánh bằng Tần viện trưởng của học đường Hắc Viện ở Hàng Châu, hôm nay chính lão phu mới là người múa rìu qua mắt thợ.
Cửu Dương nghe Trương Anh thay đổi cách xưng hô, lại gọi tên chàng, chắp tay định nói gì đó thì Trương Anh tiếp:
-Nhờ Tần viện trưởng xem dùm lão phu bức tranh hoa mai này.
Trương Anh dứt lời, mở cuộn giấy đang cầm trong tay ra.
-Xin ngài đừng từ chối.
Cửu Dương nghe Trương Anh nói vậy, nói:
- Nếu như đại nhân đã sai bảo, học sinh chỉ đành cung kính bất như tòng mệnh.
- Ngài thấy sao? Mời ngài nhận xét tự nhiên.
Trương Anh nói.
Cửu Dương ngắm bức tranh hoa mai, cố lắng nghe những phản ứng chủ quan của chàng một cách càng khách quan càng trung tính càng tốt.
Đôi mắt chàng dừng ở mấy đóa hoa mai, cân nhắc một chốc, nói:
-Theo sự hiểu biết nông cạn của học sinh về các loại tranh hoa thì bức tranh này diễm lệ vô song, bài thơ ở góc phải có phong độ Hán Đường.
Trương Anh nói:
- Không cần quá khách sáo, xin ngài hãy nhận xét một cách tận tình.
Cửu Dương nói:
-Lúc nãy học sinh không hề nói quá, mấy năm nay học sinh ở cô nhi viện bên bờ sông Vô Định, được dịp ngắm mai nở ở quanh sông, quả thật mai miền Nam không thể nào bì với mai miền Bắc.
Ở miền Bắc có nhiều chỗ quanh năm đều trổ hoa.
Trương đại nhân sinh ra và lớn lên ở đây, vừa mở mắt là đã làm quen với mai, nên nét bút có khí khái hơn các họa sĩ miền Nam vẽ mai.
Trương Anh nói:
- Đối với những bài thơ về mai, không biết ngài thích nhất bài nào?
Cửu Dương nói:
- Học sinh thích nhất bài Mai Hoa Dị Lạc, học sinh thuộc nằm lòng bài đó.
Ngoài ra, đại nhân còn sáng tác năm tập thơ hoa, bài nào cũng hay như nhau.
Cửu Dương dứt lời chậm rãi đọc:
-Mai hoa dị lạc hương mãn đầu
Mai hoa tận lạc hương mãn túc
Trị khổng liêu chi tâm khổng khai
Hoa trương trật nhật trang tì lai
Hương thấu tâm trung bì cốt hóa
Bất tri di ngã, hoàng di mai
Trương Anh cười nói:
- Thời gian trôi qua như tên bắn.
Bài thơ Mai Hoa Dị Lạc lão phu đã sáng tác lúc đến Yên Sơn dạo chơi, ở Yên Sơn mùa xuân mai mọc kín sườn đồi, tới nay đã hơn chục năm trời, không ngờ vẫn còn người ngâm lại bài thơ cũ rích này.
- Bài Mai Hoa Dị Lạc được lưu truyền rộng rãi trong các tập thơ hoa.
Học sinh yêu thích mai, cũng vì đã được đọc bài thơ đó, hai câu thơ cuối, “bất như sinh tác Mộc Lan nê, trường dư mai hoa tán hồn phách,” là hai câu thơ học sinh cực kỳ yêu thích.
- Nói như vậy, ngài cũng như lão phu, là những người rất ưa thích thiên nhiên.
- Năm xưa học sinh ở Tung Sơn, sau những buổi nghiên cứu kinh văn, không có chuyện làm, đã mò mẫm xem các tập thơ hoa, vừa ngồi trên núi vừa ngâm thơ, trên đời này không gì có thể sánh bằng ngồi ngâm thơ giữa thiên nhiên.
- Không biết ngài bắt đầu học hành từ khi nào?
- Năm học sinh bốn tuổi, người bà con đưa học sinh tới chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn, nhờ nhà chùa dạy cho võ công, nhưng thay vì học võ công, học sinh luôn nhìn qua cửa sổ xem các chú tiểu đọc sách trong Tàng Thư Các.
Một vị đại sư ngó thấy đã sắp đặt cho học sinh một ghế để vào học..
Truyện khác cùng thể loại
17 chương
19 chương
135 chương