Lại nói tới Hiệt Kiết Tư, sau khi không lấy lại được kinh thư đã tức tối ra lệnh cho một đoàn binh sĩ hơn ba vạn người Hồi tấn công vào doanh trại người Mãn đang đóng ở Hồi Cương, giết chết năm viên tướng đắc lực của triều đình nhà Thanh, đòi trả lại kinh thư.
Vùng biên giới giáp ranh với người Hồi vì vậy mà nổi lên chiến tranh tôn giáo.
Giáo đồ Hồi giáo tập hợp đông đúc xông vào các trại lính ở vùng Hồi Cương giết chết thêm nhiều quan viên nhà Thanh khác.
Suốt một dãy Cáp Mật, Tháp Thành, Khách Thập liên tiếp bị thất thủ.
Giáo đồ ở các nơi khác như Xương Cát, Hòa Điền, A Khắc Tô cũng đều hưởng ứng nổi dậy.
Tin cáo cấp gởi về triều đình như bươm bướm.
Ngao Bái xem sớ giật mình kinh hãi.
Tế Độ thì đã dẫn đoàn cảm tử quân là Chính Bạch Kỳ đi dẹp loạn Cát Nhĩ Đan vẫn còn chưa về.
Hồi này tướng giỏi nhất của Ngao Bái ở vùng Hồi Cương là Vương Kiệt Thư nhưng lại bị nhiễm độc chướng ở Ba Âm Quách Lăng.
Nhất thời không biết kiếm đâu một viên đại tướng lão luyện cầm quân xuất chinh đánh giặc.
Ngao Bái năm xưa danh chấn tứ phương, hết sức kiêu dũng, đã nhiều lần chinh Đông dẹp Tây khiến các giáo đồ thấy đều sợ hãi.
Ngao Bái có chòm râu dưới cằm nên thường được gọi là Tướng Râu.
Và mỗi lần nghe nói Tướng Râu tới là người Hồi ai cũng lo tháo thân trước.
Ngao Bái hồi đó đóng quân ở vùng Thiểm Tây, mấy lần đưa quân tới Hồi Cương để trợ chiến cho Đa Nhĩ Cổn giúp Đa Nhĩ Cổn lấy được rất nhiều thành trì, giết chết đến hơn hai vạn giáo đồ.
Nhưng lần này tuổi tác Ngao Bái quá cao nên đành biên thư sai Cửu Dương từ Hắc Long Giang đi đến Hồi Cương dẹp loạn.
Vì lo địch hung hãn uy mãnh lạ thường nên Ngao Bái sai Đô đốc Bành Xuân dẫn đoàn quân Tương Hồng kỳ đi tiếp viện.
Cửu Dương dẫn quân đội Thượng Tam kỳ đi từ Hắc Long Giang đến Hồi Cương chuẩn bị giao chiến, giữa đường thì gặp Phi Yến và Sách Ngạch Đồ.
Sách Ngạch Đồ đem Khả Lan kinh đưa cho Cửu Dương.
Đô đốc Bành Xuân còn chưa đến nên bấy giờ Sách Ngạch Đồ thấy binh lính Thượng Tam kỳ do Cửu Dương chỉ huy chỉ có bốn vạn, so với quân của Hiệt Kiết Tư chênh lệch quá xa.
Sách Ngạch Đồ không dám nhờ Cửu Dương chia quân ra để đi tìm Tân Nguyên, cũng không cho Phi Yến nhắc gì đến Tân Nguyên.
Hơn nữa, Cửu Dương lại là nguyên soái, càng không tiện rời đi.
Sách Ngạch Đồ bảo Phi Yến rằng hiện thời dù người bị lạc có là ai chăng nữa, không người nào trong quân đội tiện rời khỏi doanh trại để đi tìm.
Sau nửa tháng người Hồi thua trận, cưỡi chiến mã tẩu như phi.
Quân sĩ Bát Kỳ dưới sự chỉ đạo của Cửu Dương, Sách Ngạch Đồ và Bành Xuân vẫn không bỏ cơ hội truy đuổi tới cùng.
Cuối cùng người Hồi đành phải giảng hòa bằng cách cắt một miếng đất ở Hồi Cương dâng cho triều đình nhà Thanh với điều kiện lấy lại kinh thư.
Hai bên sau đó lập hiệp ước bãi binh.
Tuy thắng lợi là vậy, Cửu Dương vẫn cử người chạy về kinh cấp báo, nói với Ngao Bái chiến trường rất cần tiếp viện.
Mặt khác Cửu Dương cũng bảo bọn quan tổng binh ở những địa phương gần biên giới, vốn dĩ thuộc bè cánh và thường nhận mật ý của Tế Độ, đem ém nhẹm hết quân tình hằng ngày, rồi còn tâu láo về triều nói bị quân giặc giết đến hàng vạn.
Bọn quan binh này từ lâu cũng rất trái tai gai mắt những việc làm của tam mệnh đại thần nên nhất cử nghe lời Cửu Dương.
Cửu Dương lại cho người biên thư về nói Sa hoàng cũng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa này, ồ ạt dấy binh, xua cả vạn hùng binh tấn công từ phía Tây của Vạn Lý Trường Thành.
Ngao Bái lại sai Tát Bố Tố dẫn đoàn quân Tương Lam Kỳ đi tiếp viện.
Rốt cục Ngao Bái ở kinh thành chỉ còn mấy ngàn quân đóng vai trò quân đội đồn trú.
Còn trong tay Cửu Dương bấy giờ tổng binh, phó tướng, tham tướng của các doanh, nhân số vô cùng đông đảo..
Truyện khác cùng thể loại
17 chương
19 chương
135 chương