Cái tin Trang Doãn Thành bị xử lăng trì ở pháp trường vào một buổi chiều thu năm 1670 làm chấn động toàn thành.
Mọi người chưa hết bàng hoàng, lại nghe con trai Trang Doãn Thành là Trang Đình Long chết rồi cũng bị quật mồ lên chịu tội phanh thây, cả nhà họ Trang mấy chục người từ mười lăm tuổi trở lên đều bị xử trảm, vợ con bị đày đi Phiên Dương.
Sau đó lại có thêm tin Tiền Lễ bộ thị lang Lý Lệnh Triết, Hàng Châu tướng quân Tùng Khôi, án sát Lý Hoán, huấn đạo Triệu Trinh Đồng, học chính Hồ Thượng Hành, đề đốc Lương Hóa Phong và thủ đạo Trương Võ Liệt cũng bị bắt giam, tùy theo tội nặng nhẹ mà bị tống giam, bị lưu đày, hoặc bị giết chết.
Chả là mùa thu năm 1670, Ngao Bái làm theo lời Cửu Dương cử hai khâm sai từ Bắc Kinh xuống Hàng Châu và Chiết Giang, đem theo mấy trăm binh sĩ bắt giam hết những người có liên quan đến một bộ sử về thời Minh để tra xét, nhưng mục đích chính là muốn loại trừ những người không chịu phục tùng tam mệnh đại thần.
Năm 1589, khi Chu Quốc Trinh, một thượng thư bộ lễ kiêm nội các đại học sĩ vì không theo phe đảng của hoạn quan Ngụy Trung Hiền nên từ quan về ở Nam Tầm tỉnh Chiết Giang.
Họ Chu sau đó đã dày công soạn thảo một bộ sử về thời Minh, trong đó có nhiều phần khác nhau gồm Hoàng Minh Đại Sử Ký, Hoàng Minh Đại Chính Ký, Hoàng Minh Đại Huấn Ký và đã được lần lượt in ra.
Riêng bộ sau cùng là Minh Lịch Triều Chư Thần Truyện chưa soạn xong thì ông mất.
Gia cảnh ngày càng xuống dốc nên con cháu phải đem bộ bản thảo dang dở của ông bán cho một thư sinh con phú gia ở Nam Tầm tên là Trang Đình Long.
Khoảng đầu năm 1593, Trang Đình Long đã mời được nhiều nho sĩ đất Giang Nam như Lý Lệnh Triết, Mã Lương, Nghiêm Hồng Đạt, Mao Nguyên Minh, Phan Sanh Chương, Ngô Viêm...!tổng cộng mười tám người đến để tiếp tay tu chỉnh, ngày đêm tăng bổ, nửa năm làm xong sách.
Bộ sách này được đặt tên là Minh Sử Kỷ Lược, nhưng chưa kịp xuất bản thì Trang Đình Long chết.
Thể theo nguyện vọng của Trang Đình Long, cuối năm đó cha Trang Đình Long là Trang Duẫn Thành cho người in sách.
Trước khi phát hành sách Trang Duẫn Thành có gửi một bản về bộ Lễ để xin phép vào tháng Giêng năm 1660 và đã được phê là "không có gì đáng ngại." Tuy nhiên chỉ một thời gian sau khi sách được phổ biến rộng rãi thì bị các quan địa phương moi móc ra những điều cấm kị dùng để uy hiếp vòi vĩnh tiền bạc của Trang Duẫn Thành.
Một trong những điều được cho là cấm kị là đoạn văn viết về Đa Nhĩ Cổn, một trong những hoàng thân có ảnh hưởng lớn trong đầu nhà Thanh song sách lại không gọi Đa Nhĩ Cổn là nhiếp chính vương mà vẫn dùng tên riêng, niên hiệu trong sách cũng sử dụng niên hiệu triều Minh.
Sách còn có thêm một đoạn viết về Gia Định Tam Đồ với chất giọng văn đầy ai oán.
Thêm vào đó chuyện tác giả chê trách sử quan nhà Minh là Thượng Khả Hỉ, Cảnh Thân Minh và những tướng lãnh nhà Minh là Khổng Hữu Đức, Cảnh Tinh Trung, những kẻ đầu hàng triều đại mới.
Mặc dù sau đó Trang Duẫn Thành đã nhờ người sửa chữa gấp rồi in lại, đồng thời cũng thu hồi tất cả bản in lần đầu nhưng quan huyện Qui An Ngô Chi Vinh vẫn cố tình tìm ra và đem dâng bản in cũ để lập công với triều đình.
Chiều hôm Trang Doãn Thành bị xử lăng trì, Nghị Chánh, Phi Yến và Tiểu Tường không như hằng ngày mở sạp bán lồng đèn trong chợ Đông Thành.
Ba người đang ở trong cô nhi viện than ngắn thở dài.
Vào giờ Dậu, Tân Nguyên và Tiểu Điệp ghé qua cô nhi viện.
Tân Nguyên nói với đám người Nghị Chánh sau khi nàng hay tin Trang Doãn Thành chết liền đến căn nhà tre tìm Nữ Thần Y nhưng không tìm ra Nữ Thần Y.
Thế là nhóm người Nghị Chánh cùng Tân Nguyên, Tiểu Điệp đi hỏi các khu nhà lân cận, gặp ông Lão Dượng, thì nghe ông nói ban chiều có nhìn thấy một nhóm người đến dẫn Nữ Thần Y đi.
Trong lòng Nghị Chánh, Tiểu Tường, Phi Yến, Tân Nguyên, Tiểu Điệp rối như một nắm tơ vò, trở về cô nhi viện.
Nghị Chánh còn chưa biết làm sao, Tiểu Điệp không ngừng nói:
-Dựa vào sự giảo hoạt của Tần Thiên Văn, chàng ấy nhất định bày binh bố trận trong phủ, chúng ta vào đó cứu Nữ Thần Y chẳng khác nào cá sa vào lưới rập!
Khuya hôm đó, Nghị Chánh đi tới đi lui trong khoảnh sân trước cô nhi viện, đi cũng cả trăm vòng, mỗi lần nhớ tới lời Tiểu Điệp, Nghị Chánh đều đấm hai tay vào nhau, lẩm bẩm:
-Huynh ấy có thủ hạ và binh sĩ vô số thì sao chứ? Không thể vô duyên vô cớ, giam lỏng một cô nương trong phủ, ta cũng không thể bỏ mặc muội ấy mà không lo tới được!
Tân Nguyên vẫn chưa về cung, nàng không nói năng gì, cả mấy canh giờ cứ đứng bên cửa sổ trong phòng ngủ của Cửu Dương, căn phòng mà mấy năm trước khi chàng còn ở trong cô nhi viện, chàng đã ở.
Dạo này là mùa thu nên hoa cỏ đang dần dà phai tàn, thay vào đó là sắc lá vàng nhạt đua chen.
Tiểu Điệp nhìn dáng đứng của Tân Nguyên, không đoán được trong lòng Tân Nguyên đang có cảm giác gì? Có thật hay không? Tiểu Điệp cũng vẫn còn chưa tin Cửu Dương chủ mưu vụ án Minh Sử Kỷ Lược.
Tiểu Điệp cũng như mấy người Nghị Chánh, Phi Yến, Tiểu Tường, không biết Cửu Dương thay đổi từ khi nào? Tiểu Điệp nhớ lại sáng sớm hôm qua nàng có việc đi ngang điện Thái Hòa, thấy Cửu Dương cùng các quan trò chuyện ở trước sân đại điện, nom Cửu Dương không có vẻ gì thay đổi, không như một người bên trong nung nấu một đại nghiệp lớn như người trong thành đang nói.
Phi Yến thì không chịu nổi cú sốc này nên ở trong phòng ngủ của nàng và Tiểu Tường khóc ròng rã suốt mấy canh giờ.
Phi Yến vốn là một thiếu nữ vô ưu vô tư, giờ đã biến thành đa sầu đa cảm.
Tiểu Tường ôm lấy hai vai Phi Yến, vuốt ve trên tóc Phi Yến.
Mấy lần Nghị Chánh rời sân đi tìm Tiểu Tường, nhưng không khi nào Tiểu Tường ở một mình.
Trong phòng không khí âm u, tuy đèn cầy được Tiểu Tường thắp lên vẫn không ngăn được cảnh sắc tối tăm ủ dột.
Nghị Chánh không biết làm sao để có cơ hội gặp mặt Tiểu Tường riêng rẽ, để nói với nàng vài câu an ủi.
Phi Yến khóc một hồi ngủ vùi trong tay Tiểu Tường.
Nghị Chánh đứng bên ngoài căn phòng ngủ của hai cô gái, thấy Phi Yến ngủ, chàng giơ tay gõ cửa, nhưng Tiểu Tường chưa kịp ra ngoài gặp chàng thì Phi Yến thức giấc.
Phi Yến lại khóc.
Thế là Nghị Chánh chỉ có thể nhìn Tiểu Tường dỗ dành Phi Yến, chàng đứng trên hành lang cả đêm, thấy người con gái chàng yêu, yêu kiều đang ngồi trong căn phòng cách chàng chỉ vài tầm tay thôi mà như xa hẳn nghìn núi trăm sông.
Nghị Chánh nhớ có lần chàng hỏi Tiểu Tường, tại sao nàng lại yêu Cửu Dương nhiều đến vậy? Tiểu Tường đáp vì nàng nhận thấy đảm thức của Cửu Dương rất tốt.
Từ khi gặp Cửu Dương, Tiểu Tường nói nàng đã đem lòng ngưỡng mộ chàng rồi.
Rồi từ lòng ngưỡng mộ đó đã phát sinh tình yêu.
Tiểu Tường nói nàng không quên được lần Cửu Dương dùng ngân lượng và miệng lưỡi chuộc thân cho nàng ra khỏi một hoa lâu, chàng đã dạy nàng võ công, những tháng ngày hai người cùng ở trên Đồng Sơn, hai người cùng nhau ngắm sao đêm, cùng thưởng trăng.
Cửu Dương từng bảo vệ nàng trước bọn du thủ du thực Bắc Thiên Tam Kiệt, chàng đã chăm sóc nàng, mặc dù chàng không yêu nàng nhưng cả đời này nàng nguyện theo chàng..
Truyện khác cùng thể loại
38 chương
58 chương
158 chương
32 chương