Quan Cư Nhất Phẩm

Chương 902 : Cuộc loạn đấu cuối cùng

Lục Quang Tổ biết rõ, chỉ danh sách an ủi ban đầu là qua nghiêm khắc tuyển chọn, toàn bậc nghĩa sĩ được trong ngoài triều công nhận trung trinh, về sau toàn là cửa để người ta kiếm chác.. Lục Quang Tổ rất muốn hỏi:" Trong các ngươi kẻ nào dàm vỗ ngực tự xưng là mình vô tội bị đàn áp? Đa phần các ngươi đều đáng tội." Về sau tiếng chất vấn trong triều ngày càng lớn, lại bộ không dám khua chiêng gõ trống phê duyệt an ủi nữa, nhưng hành vi này chưa hề lúc nào dừng, chỉ đổi thành công bố danh sách công khai, sang cá nhân dâng thư, kín đáo xử lý... Thậm chí sau khi Cao Củng nắm lại bộ, suốt ngày bị tấu sớ kiểu này quấy nhiễu, phiền phức vô cùng. Trước ngày hôm nay, mỗi lần có tấu thỉnh ắt khảo sát kỹ xem có hợp lệ không.. Nhưng kẻ không được duyệt, ỷ vào di chiếu, liên tục dâng thư, nhất quyết phải đạt được mục đích. Thấy Lục Quang Tổ ngẩn ra, Cao Củng lớn tiếng lặp lại lần nữa: - Về sau thỉnh cầu kiểu này không phê chuẩn nữa, đừng mang tới làm phiền ta. Lục Quang Tổ nuốt nước bọt nói: - Làm thế chỉ e trái với di chiếu tiên đế. Nhắc tới di chiếu đó, sắc mặt Cao Củng âm trầm hết sức đáng sợ, chửi: - Di chiếu cái rắm, toàn do họ Từ giả danh tiên đế, mua chuộc lòng người. Lục Quang Tổ cũng trải qua mưa gió rồi, từ trong ngữ khí của Cao Củng, nghe ra ông ta muốn thừa cơ phát tác. Thẩm Mặc đã dặn hắn, phải toàn lực phối hợp với Cao Củng, dù là việc làm tổn hại cho đông nam cũng phải làm, nên Lục Quang Tổ gật đầu: - Thuộc hạ cũng rất bực minh, biết trong này có không ít kẻ thừa nước đục thả câu, nhưng bọn chúng giương cao lá cờ di chiếu, chỉ cần không có hành vi xấu quá rõ, chúng ta không có lý do để cự tuyệt. - Chẳng qua chỉ là thánh chỉ thôi. Cao Củng thấy hắn không nói giúp đám người kia, sắc mặt dãn ra được một chút: - Vậy ta xin một thánh chỉ, chặn đứng ảo tưởng của bọn chúng. Nói làm là làm, chẳng ngại Lục Quang Tổ ở bên, lấy giấy trắng ra viết ( chánh cương thường định quốc thị dĩ ngưỡng bì thánh chánh sứ ). "Quốc triều lấy hiếu trị thiên hạ, xưa nay giữ vững đạo cương thường quân thần phụ tử. Thế nhưng khi tiên đế giá băng, kim thượng đăng cơ, đại thần thác cô quên đi lễ quân thần, một vị giả di chiếu tiên đế, dùng lại hết kẻ vì đại lễ nghị mà mắc tội, thậm chí đề bạt lên công khanh, thực là hoang đường." " Tiên đế linh thiêng trên trời làm sao an nghỉ được? Hoàng thượng mỗi lần tế miếu làm sao đối diện với tiền nhân? Chẳng lẽ tất cả những quan viên bị tội kia không kẻ nào là đáng chịu sao?" "Vậy mà đại thần thác cô chẳng phân biệt có tội hay không, chẳng phân hiền hay ác, chỉ cần là tiên đế cách chức là sẽ phục hồi. Đây chẳng phải phỉ báng tiên đế hay sao? Cho dù là Chu Vũ Vương phản Thương, cũng chẳng qua bình xét lại cho vài người mà thôi, chưa từng bao giờ nghe nói người triều Thương bỏ là sẽ dùng hết. Huống chi kim thượng và tiên đế không phải là hai triều đại, mà là thân sinh phụ tử, nhưng lại bị ép phỉ bảng phụ tử ân nghĩa, làm thần đau đớn vô cùng." " Thần chấp chưởng lại bộ tới nay, chuyển xin ân ấm tràn lan như Đường Xu, Vương Tuấn Dân đều nhất luật dừng lại, tránh tình thế ngày càng tệ, không thể vãn hồi. Loại hành vi lung lạc nhân tâm thi ân cầu lợi này lại được người đời cho là chuyện bình thường, chẳng lẽ lẽ trời đã tận diệt, lòng người đã trơ lỳ rồi sao? Vì thế thần xin bệ hạ thánh dụ cho người đời, nay về sau phàm kẻ lạm thi ân đẩy oán cho tiên đế, đều luận tội đại bất kính." Viết xong Cao Củng đưa tấu sớ cho Lục Quang Tổ xem, dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng anh bạn Tiểu Lục mặt tắng bệnh, kêu khổ không thôi:" Quả nhiên thần tiên đánh rắm chẳng hề tầm thường, ngài thì hả giận rồi, nhưng Từ các lão để mặt mũi vào đâu?" Liền khuyên Cao Củng, liệu có nên uyển chuyển một chút? - Tại sao bọn chúng không uyển chuyển với tiên đế một chút? Cao Củng phất tay, bắt hắn đem tấu sớ tới Thông chính ti. Cánh tay không vật nổi bắp đùi, Lục Quang Tổ đành làm theo. Nhưng hắn đánh giá thấp sức ảnh hưởng của Cao Củng với hoàng đế, càng đánh giá thấp độ mẫn cảm chính trị của Cao Củng... Chỉ hai ngày sau liền được tin hoàng đế phê chuẩn tấu của Cao Củng, thầm cảm thán, Đại Minh sang thời đại khác rồi. Kỳ thực còn rất nhiều người đánh giá thấp trí tuệ chính trị của Cao Củng, tưởng ông ta nhìn ai ngứa mắt là vác gạch đập, không thèm vờ vịt. Kỳ thực dưới bề ngoài thô hào đó là trí tuên sâu xa, ông ta mẫn cảm nhận ra, mặc dù ban đầu Long Khánh ủng hộ di chiếu, nhưng hai năm sau, lòng hoàng đế đã phát sinh biến hóa cực lớn. Chẳng có gì khó hiểu, hai năm trước Long Khánh mới từ một hoàng tử suốt ngày nơm nớt lo sợ, chịu hết ủy khuất, lên làm hoàng đế chí tôn. Trong lòng hắn chỉ muốn báo thù phụ hoàng, bồi thường khổ nạn cả mình. Cho nên mới đồng ý với di chiếu phủ định Gia Tĩnh toàn diện này. Song nay Long Khánh tuy lười biếng chính sự, nhưng không ai phủ nhận được, hắn đã đứng ở lập trường một hoàng đế nhìn vấn đề một cách chững chạc. Triệt để phủ nhận tiên đế là bôi bẩn hoàng gia, làm người ngoài chê cười hai cha con họ. Bất kể thế nào, thể diện hoàng gia là quan trọng nhất, cho nên Long Khánh hối hận vì sao trước kia mê muội nghe Từ Giai oán trách phụ hoàng? Tiếp đó hận luôn Từ Giai xúi bẩy mình:" Ta còn trẻ không hiểu chuyện, ông là các lão thác cô, chẳng lẽ cũng không hiểu chuyện? Để ta làm chuyện bất hiếu, rốt cuộc có mưu đồ gì?" Cao Củng nắm chắc điểm Từ Giai bất kính với tiên đế, lên tiếng bất bình vì tiên đế, lấy tiếng hiếu cho đương kim, thắng là cái chắc. ~~~~~o0o~~~~~~ Khi bản tấu của Cao Củng đưa tới nội các, mặt ai nấy đều trở nên quái dị, nửa số đại học sĩ là học sinh của Từ Giai, hiện giờ Cao Củng công khai phủ định di chiếu, hành động Từ các lão đắc ý nhất đời, có khác gì triệt để phủ nhận Từ Giai? Bất kể bọn họ ngầm thành thế nước lửa, đấu tranh sống chết với Từ Giai ra sao, nhưng ở trường hợp công khai, quyết không thể đứng cùng phía với Cao Củng, thậm chí còn nói vài câu bảo vệ Từ Giai, tránh bị chê cười.... Nhưng ai dám đối đầu với Cao Củng? Còn muốn có cơm ăn nữa không? Lý Xuân Phương xem xong, nhìn sang ghế trống bên cạnh mình, mắng:" Tên giảo hoạt họ Thẩm, hiển nhiên sớm biết phong thanh, lấy cớ tuần thị kinh doanh trốn mất, làm bọn ta trốn không kịp." Gặp chuyện khó nhằn, thủ phụ đi hâm mộ thứ phụ chuồn mất, truyền ra ngoài người ta sẽ cười rụng răng. Trương Cư Chính cũng oán trách:" Lão Cao ông có muốn lập uy phong cũng phải trao đổi trước với ta chứ? Giờ làm ta trở tay không kịp, phải làm sao đây?" Còn về phần Trần Dĩ Cần và Cao Nghi, thấy hai học sinh đều chẳng nói cho sư phụ, đương nhiên an tâm giả câm, xem vở kịch tiếp diễn. Ánh mắt mọi người bất giác hướng về vị duy nhất có thể đấu với Cao Củng... Chỉ thấy Triệu Trịnh Cát mặt tối đen, mắt nheo lại, quả nhiên đã tới mép bờ bùng nổ. Cao Củng lại làm như không thấy, nói với Trần Dĩ Cần: - Nếu không có ý kiến thì lão Trần viết lời phê đi, để ta đọc... - Phê cái rắm. Cao Củng còn chưa nói xong, Triệu Trinh Cát cảm thấy bị ngó lơ vỗ bàn đứng dậy, quát: - Làm thế có khác gì bia gian đảng triều Tống? "Bia gian đảng" là do Tống Huy Tông lệnh gian tướng Thái Kinh, đem đám Ti Mã Quang, Văn Ngạn Bác, Tô Thức gồm 309 người phản đối biến pháp Vương An Thạch khắc lên bia, ban hành thiên hạ, từ đó không ai dám chỉ trích triều đình nữa. Triệu Trinh Cát hiển nhiên so Cao Củng với Thái Kinh. Nói xong Triệu Trinh Cát hầm hầm phát tay áo bỏ đi. Thấy thế Cao Củng đành rời vị trí, đi ra đưa tay chặn Triệu Trinh Cát lại: - Cần gì phải thế, chuyện gì cũng thương lượng được mà... Xem ra câu kẻ ngang ngược sợ kẻ lỗ mãng, chẳng sai tí nào. Triệu Trinh Cát cũng thấy mình bỏ đi chẳng phải trúng gian kế Cao Củng, hừ một tiếng về chỗ, không thèm nhìn ông ta. Cao Củng cười khan: - Bản tấu này hoàng thượng đã chuẩn, nội các lại không phê, há chẳng phải ép hoàng thượng hạ chỉ sao? Chuyện mà làm lớn lên, uy tín của nội các sẽ không có lợi. Câu này đánh trúng chỗ yếu của mọi người, làm thần tử không thể khiêu chiến quyền uy của hoàng đế, nhất là chuyện hoàng đế còn chiếm lý... Chẳng lẽ ngươi bắt kẻ làm con cứ đâm dao lên người cha mãi sao? Cho nên một khi Long Khánh nghĩ thông chuyện này, di chiếu tới ngày thành tro bụi không xa nữa. - Ngươi thật vô sỉ. Triệu Trinh Cát như mèo bị dẫm phải đuổi, nhảy bật dậy: - Cố ý báo thù Từ các lão. - Nếu như đạo sớ này không thông qua, ta sẽ dâng bản khác, tới khi đó không còn nói kín đáo như vậy nữa đâu. Cao Củng vỗ bàn nhìn Triệu Trinh Cát: - Năm xưa đại lễ nghị, ông cũng có mặt, hẳn biết vụ án này chẳng qua là tập đoàn quan văn của cha con họ Dương, mang Hiếu Tông hoàng đế ra làm cái cớ áp tiên đế còn chưa đứng vững chân, muốn khống chế triều cục. Tiên đế không chịu yếu thế, tập trung lực lượng đấu tranh với cho con họ Dương. Vị án này vốn chỉ là tranh đấu quyền lực, làm gì có thiện ác đúng sai? Còn đám quan viên liên quan chẳng qua là nanh vuốt cho phe mình, đấu khẩu vô nghĩa, làm gì có công lý? Nói tới đó cười lạnh: - Không biết ta đem cái này nói rõ với hoàng thượng rồi, người sẽ có cảm tưởng gì? Triệu Trinh Cát giọng run run: - Ngươi định đem quân thần đẩy vào hướng đối diện? - Chẳng qua ta chỉ muốn nói cho hoàng thượng biết mà thôi. Thực ra ta cũng chẳng phải người lắm chuyện, cho nên mới bảo dừng chuyện an ủi tiền thần, nếu không đại lễ nghị thành sai sao? Vậy thì Minh Luân Đại Điển cũng nên bỏ, Hiến hoàng đế có phải cũng nên đưa khỏi thái miếu? Đại Minh này hoàng đế còn quyền uy nữa không? Một loạt câu hỏi không thể trả lời đã triệt để khống chế cục diện, ngay Triệu Trinh Cát cũng thừa nhận, Từ Giai năm xưa làm thế để lại thóp cho người ta nắm, đành lui lại: - Việc đó có thể dừng, nhưng di chiếu không thể phủ định. Bất kể ông nói thế nào, thứ đó có tên là Gia Tĩnh di chiếu, ban bố với danh nghĩa tiên đế, trong mắt người đời nó là di mệnh của tiên đế, ông luôn nói tránh để hoàng thượng mang tiếng bất hiếu, vậy càng không có lý nào phản đối di chiếu. Lúc đó Cao Củng có cảm giác vác đá đập chân mình, đành gian nan gật đầu: - Được... Cuối cùng sau thỏa hiệp của hai bên, lệnh dừng an ủi chỉ dùng hình thức công văn phát đi, không biến thành thánh chỉ. Nhưng giấy không gói được lửa, huống hồ cũng chẳng hề có ý gói lửa, hành động đó rất nhanh chóng được toàn triều biết tới. Chỉ cần biết Từ Giai dựa vào thi hành di chiếu mua chuộc được bao nhiêu lòng người, là biết Cao Củng chọc vào tổ ong lớn thế nào. Tức thì tiếng chỉ trích vang lên không ngớt, nhất là đám được dựa vào di chiếu mà phục chức, cùng đám "hậu nhân trung lương" được ưu đãi, càng coi Cao Củng là gian tà. Vương Thế Trinh kịch liệt phê bình:" Từ các lão với mục đích vỗ về trung thần, mới lấy danh nghĩa tiên đế tặng ấm, khiến thiên hạ trở nên tươi mát. Còn Cao các lão cưỡng từ đoạt lý muốn vấy bẩn Từ công, đoạt lợi ích của trung thần, dụng tâm thật ngoan độc." Thế là mỗi ngày đều có cả đống người hùng hổ chặn đường đi làm của Cao Củng, lấy trứng thối ném vào kiệu của ông ta. Khiến cho một khoảng thời gian dài, mỗi khi Cao Củng xuất hành là Cẩm Y vệ phải mở đường trước. Thẩm Mặc bày tò lo lắng với tình cảnh của Cao Củng, từng đế xuất muốn điều đình giúp ông ta, trừ bỏ tâm tình đối địch. Thế nhưng Cao Củng nói: - Không cần, đệ cứ đợi xem tiếp kịch là được. Thẩm Mặc nhìn thấy rõ chiến ý ngụt ngụt cháy trong mắt ông ta, chửi thầm:" Cao Điên, ông chưa chơi đủ à?" Cao Củng đúng là chưa chơi đủ, chuẩn xác mà nói ông ta vừa mới bắt đầu thôi.. Quả nhiên vài ngày sau ông ta lại kiếm được cơ hội. Mùa thu là mùa lá rụng, cũng là mùa xử quyết phạm nhân trong năm, theo lệ hình bộ đem danh sách tử tù gửi lên nội các, phê xong do hoàng đế định đoạt... Nội các chỉ quan tâm tới tài chính thu chi, quốc gia đại sư, chứ không phải là đám tử tù chờ chặt đầu, mà danh sách chi chít tên, chẳng ai biết người trên đó có đáng giết hay không, nên chỉ là làm cho có thôi. Nhưng chuyện bị các đại lão coi là chuyện nhỏ đó bị Cao Củng tóm lấy, ông ta xem đi xem lại danh sách mấy lượt, cuối cùng nói: - Mấy người này không giết được. Nội các đại thần ngẩng đầu lên nhìn Cao các lão chỉ sợ thiên hạ không loạn, nghe ông ta nói tiếp: - Vương Kim, Đào Thế Ân, Đào Phảng, Thân Thế Văn... Không được giết. Triệu Trinh Cát dù sao năm ngoái mới về kinh, chuyện trước kia không rõ lắm, trầm ngâm: - Nghe quen quen. Nhưng những người khác đều biến sắc, những kẻ kia đều là đám phương sĩ cuối cùng bên Gia Tĩnh, theo di chiếu bị bắt vào ngục, tội danh "dâng bừa dược vật" hại chết tiên hoàng, theo Đại Minh luật, tội tử hình. Chỉ là không ai biết rằng, đám phương sĩ này còn sống được tới hôm nay là phải cám ơn vị đại học sĩ phân quản hình danh, được người ta nhờ giữ chúng lại tới ngày hôm nay. - Ông không chịu yên một chút được sao? Sau khi biết nguồn cơ, Triệu Trinh Cát nổi giận: - Không sinh sự thì chết à? Cao Củng chẳng hề để ý tới Triệu lão phu tử đã tức tới lỗ mũi xì khỏi, nói với Lý Xuân Phương: - Thủ phụ, mấy tên phương sĩ này chết không đáng tiếc, nhưng ngài đã nghĩ tới chưa, nếu lấy tội danh này giết chúng, chẳng phải xác thực tin đồn tiên đề dùng đan dược mà chết? Há chẳng phải nói, tiên đế không chết an lành? Lý Xuân Phương nào dám tiếp lời, ném ngay củ khoai nóng cho Thẩm Mặc: - Thẩm các lão thấy sao? - Cao các lão nói có ý lắm. Thẩm Mặc gật đầu: - Chuyện liên quan tới thanh danh tiên đế, ta cần thận trọng. - Pháp ti đã xét qua rồi, có gì phải thận trọng. Triệu Trinh Cát cực kỳ khó chịu Thẩm Mặt và Cao Củng vào hùa với nhau. - Hồ sơ khi đó ta cũng xem qua. Trương Cư Chính chậm rãi nói: - Thẩm tra đúng là hơi cẩu thả, ta cũng kiến nghị tam pháp ti xét lại, không thể làm tiên đế bị oan. Hắn đã nhìn rõ Cao Củng và Thẩm Mặc đã kết thành đồng minh, thêm vào hoàng đế đứng đằng sau, triều đường đã không ai cản được hai bọn họ nữa. Chuyện lần trước mình không đứng về phía Cao Củng, nếu lần này không lên tiếng, đắc tội với cả hai đằng, sẽ bị Thẩm Cao đẩy sang bên lề... Thấy nhiều người tỏ thái độ như thế, Cao Nghi cũng nói: - Tra, chuyện này phải tra rõ, càng triệt để càng không ai có thể lấy nó ra tác quái. Tùy tiện giết người là thiếu trách nhiệm với lịch sử với triều đình. - Vậy thì tra... Ý kiến nội các ngả về một phía, Triệu Trinh Cát biết mình phản đối cũng vô ích, nhưng ông ta dùng ánh mắt phun lửa nhìn Cao Củng, như muốn khoét thủng hai lỗ trên người Cao Củng vậy. Trong di chiếu có ba việc, một là phục hồi các đại thần tiến ngôn mà đắc tội, hai là dừng xây dựng cung quan, ba là luận tội đám phương sĩ. Ba việc này là chính tích của Từ Giai, hiện việc đầu đã bị dừng, nếu còn lật lại vụ phán quyết phương sĩ, vậy trừ việc xây dựng hao tiền mệt dân không thể không chấp hành, tất cả chính tích của Từ Giai đã bị Cao Củng lật nhào. Triệu Trinh Cát thấy mình còn nhịn, là có lỗi với gửi gắm của Từ Giai, càng làm bản thân bì dồn vào bờ vực, cần phải phản kích rồi. Được nội các thúc đẩy mạnh mẽ, ngày xử lại vụ án Vương Kim mau chóng được xác định. Mọi người đều biết, nếu như lật lại vụ án này, quốc sách mà Từ Giai định ra sẽ bị lật nhào hết, sức ảnh hưởng của ông già ở Tùng Giang kia với triều đình sẽ giảm mạnh, ít nhất bề ngoài không ai dám lấy quy định trước kia của ông ta ra nói nữa, Từ đảng cũng rất có khả năng mất đi khống chế triều chính. Điều này có nghĩa là gì mỗi phần tử Từ đảng đều rất rõ, trong cái tổ vỡ làm gì có trứng lành? Từ đảng đã tới thời khắc nguy hiểm nhất. Dưới tầng tầng áp lực, Triệu Trinh Cát không ngồi yên được nữa, hôm đó lấy danh nghĩa tẩy trần cho Chu Hành vừa ở đề về, mời ông ta tới nhà ăn cơm thương lượng. Hôm đó Triệu Trinh Cát về nhà sớm, bảo nhà bếp sửa soạn một bàn tiệc thịnh soạn đợi Chu Hành tới, ai ngờ đợi mãi, tới khi cơm canh nguội cả Chu Hành mới ngồi kiệu đi cửa sau vào phủ. Hiếm khi mời khách, khách lại đến muộn, nếu là trước kia Triệu Trinh Cát đã thể hiện hết khó chịu ra mặt, nhưng hiện giờ là thời kỳ phi thường, ông ta đành miễn cưỡng nặn ra nụ cười: - Sĩ Nam, sao đến muộn thế? Phải phạt ba chén. Chu Hành mặc thường phục, trên người còn mang tàn lưu vẻ mệt mỏi trên đê mang lại, nghe thế cười yếu ớt: - Thế nào cũng phải đợi trời tối mới tiện đi. - Đây không giống lời Chu Sĩ Nam... Triệu Trinh Cát cố làm ra vẻ thoải mái: - Khi ta lần đầu bị Nghiêm Tung lưu đầy, ông tiễn ta ba mươi dặm trước mặt mọi người, đâu có sợ ai Chu Hành nghe thế thần thần, nhớ lại thời thanh niên nhiệt huyết, lắc đầu: - Già rồi, gan nhỏ rồi. - Lời này ta không thích nghe. Triệu Trinh Cát rót rượu cho ông ta: - Sao ta thấy mình càng già càng mạnh, một có thể chống hai? Chu Hành thầm nghĩ:" Mạnh miệng, vậy ông còn tìm ta làm gì?" Đương nhiên không thể nói ra, nhìn xung quanh hỏi: - Bàn tiệc thịnh soạn thế này chỉ có hai ta ăn thôi sao? - Còn ai nữa. Triệu Trinh Cát trêu: - Hay là ta sai người đi kiếm vài tiểu nương tử, hát ca rót rượu cho chúng ta? - Thôi. Chu Hành cười khổ: - Lúc này ông tìm ta khẳng định là có chuyện, tâm tư đâu uống rượu nghe hát. Ông đâu phải là loại người ấy. - Đúng. Triệu Trinh Cát tự cho thanh cao, không đụng vào nữ sắc, nói tìm ca kỹ chỉ chứng minh lòng ông ta bất an, bị Chu Hành nói toạc ra, Triệu Trinh Cát đỏ mặt nói át đi: - Nào, nào, uống rượu... Hai người uống rượu, không khí có chút trầm lắng, Triệu Trịnh Cát đi vào chính đề: - Sĩ Nam, ông đã nghe nói tới chuyện xét lại vụ án Vương Kim chưa? Chu Hành gật đầu: - Cao Túc Khanh nói, giết đám Vương Kim là thừa nhận tiên đế chết không nhắm mắt, đây là tin mới ở kinh thành, ai mà không biết? Triệu Trinh Cát mặt tối lại: - Cao Củng có ý gì mọi người hiểu hết, Sĩ Nam, chúng ta không phản kích chỉ đành ngồi chờ chết thôi. - Nội các nhiều người như thế mà để cho Cao Củng làm bừa sao? - Đừng nói tới nội các, không ta lại tức điên lên. Triệu Trinh Cát mặt trở nên khó coi: - Nói ra trong 7 người có tới bốn là học sinh của Từ các lão, nghe qua thì ghê lắm, thực tế? Thủ phụ chỉ biết co đầu rụt cổ. Thứ phụ thì bày rõ cùng một bọn với Cao Củng... Hai đứa con tiểu thiếp này cũng đành đi, nhưng cả tên họ Trương được Từ các lão dốc toàn bộ tâm huyết bồi dưỡng cũng mắt qua mày lại với Cao Củng, không cách khi sư diệt tổ bao sa nữa. Uống cạn chén rượu đặt mạnh lên bàn: - Ài, ông nói xem, Từ các lão tinh minh cả đời, sao dùng nhiều kẻ trảo trở như thế? - Tức là trong nội các ông bị cô lập rồi? Chu Hành lòng trầm xuống. - Không thể nói thế. Triệu Trinh Cát xấu hổ nói: - Trần Dĩ Cần là đồng hương của ta. Chu Hành thở dài: - Mạnh Tĩnh, còn chưa nhìn ra sao, đại thế không còn bên ta nữa. - Đại thế cái rắm, ông đừng chỉ nhìn vào nội các, đừng quên ngôn quan đứng về phía chúng ta, còn các các bộ, địa phương, thực lực chúng ta vẫn hơn chúng. - Đúng, ta thừa nhận, người của chúng ta còn nhiều, Cao Củng muốn thắng không dễ, nhưng quan trọng là, chúng ta có thắng nổi không? - Chuyện này... Triệu Trinh Cát không phải kẻ tự đại mù quáng, biết sau khi Từ Giai đi, đám học sinh đều mang lòng khác, ông ta sở dĩ ngang ngược như thế trong nội các há chẳng phải vì hư trương thanh thế cho Từ đảng? Nhưng đối với Chu Hành, ông ta không thể che dấu được: - Không thắng nổi. - Vậy đấu đi đấu lại có ý nghĩa gì, cùng lắm làm triều đình thêm vài năm hỗn loạn. - Ông nói gì thế? Triệu Trinh Cát cảnh giác nói: - Không phải ông ăn cây táo rào cây me chứ? - Ta chỉ thấy, Đại Minh như cái thuyền rách, nếu người trên thuyền không hợp lực chèo chống tới khi thuyền laatj thì chẳng ai thoát được. Lời của Chu Hành làm lòng Triệu Trinh Cát lạnh đi quá nửa, ông ta muốn Chu Hành đứng đầu đám thanh lưu phối hợp với mình, ai ngờ Chu Hành lại theo chiều hướng đầu hàng... Nếu chẳng phải giao tình nhiều năm, biết Chu Hành là người cương chính, ông ta đã hoài nghi đối phương phản bội rồi, lạnh lùng nói: - Sĩ Nam, Cao Củng chuốc thuốc mê gì cho ông mà ông chuyên môn tới dát vàng lên mặt hắn. - Không phải thế, ta chỉ nghĩ Cao Củng đúng là một người có thể biến chuyện người khác không dám nghĩ thành hiện thực, Đại Minh hiện nay cần người như thế lèo lái mới có thể thoát khỏi khốn cảnh. - Đủ rồi. Triệu Trinh Cát không chịu nổi nữa, vỗ mạnh bàn, làm bát đũa rung lên, canh bắt hết cả ra: - Cao Củng là loại người gì, nhìn hành vi gian tà gân đây của hắn là biết. Ông cho rằng ta vì tranh quyền đoạt lợi mới chuẩn bị đối đầu với hắn? Vậy ông quá coi thương Triệu Mạnh Tĩnh này. Chu Hành đặt đũa xuống không nói. - Từ các lão mạo hiểm đắc tội với đám phương sĩ, đại thần văn võ nhờ siểm nịnh được tiên đế đắc sủng, kiên trì ban bố di chiếu là vĩ đại nhường nào, ông cũng phải hiểu chứ? Tiên đế là người thế nào, ông cũng phải hiểu chứ? Nếu không di chiếu làm sao được lòng người như thế. - Quốc gia hai năm qua có thể bình ổn quá độ, dần phục hồi nguyên khí là công lớn của di chiếu, công lớn của Từ các lão. Nếu để Cao Củng đạo lộn trắng đen, vấy bẩn di chiếu, đừng nói là có lỗi với Từ các lão, chỉ riêng với lương tâm, ông thấy có xứng không? Chu Hành một lúc lâu mới nói: - Ông nói đúng cả, nhưng sứ mệnh lịch sử của di chiếu đã hết, nếu còn tiếp tục thế này, chỉ trói buộc cải cách. - Cải cách, cải cách, thì ra ông bị họ Cao truyền nhiễm rồi. Triệu Trinh Cát vỡ lẽ: Chu Hành thở dài: - Không thể thương lượng hay sao? - Không thể. Triệu Trinh Cát trợn trừng mắt trâu: - Pháp lệnh tổ tông hoàn thiện. Nếu để bọn chúng, à không các ngươi tự tiện sửa đổi, thế nào thiên hạ cũng đại loạn. - Nhưng thiên hạ đã tới mép bờ đại loạn rồi. - Nhảm nhí, trị nước lớn như nấu cá nhỏ, dù quốc gia có bệnh, cũng phải từ từ điều trị, ổn định là hàng đầu. Chu Hành biết, đạo bất đồng bất tương vi mưu, nói nữa cũng vô ích, mặc Triệu Trinh Cát chửi bới đám Cao Củng một hồi rồi đứng dậy cáo từ. - Không tiễn. Triệu Trinh Cát mặt sương giá: - Sau này cũng đừng tới nữa. Chu Hành buông một tiếng thở dài rồi lên kiệu rời đi. Chu Hành đi rồi, Triệu Trinh Cát ngồi lặng người, cuối cùng không áp chế nổi lửa giận càng lúc càng vượt, hất mạnh bàn an, cả phòng cơm canh tung tóe. Triệu Trinh Cát không biết vì sao Chu Hành thay đổi, ông ta cũng chẳng muốn tìm hiểu, cho dù tất cả chiến hữu ngày trước thay đổi, ông ta vẫn còn mấy trăm ngôn quan, ngự sử hậu thuẫn, có thể chiến tới cùng. Vì chính đạo thiên hạ tuyệt đối không lui. Cùng lúc này cách đó mấy con đường, ở Thẩm phủ cũng đang tổ chức yến hội, nhưng không khí náo nhiệt hơn nhiều, tuần phủ Sơn Đông Tôn Quán về kinh, chuẩn bị thay Đường Nhữ Tập tiếp nhận tổng đốc Giang Nam, Thẩm Mặc liền mời đám đồng niên tới. Đại lý tự khanh Tôn Phi Dương cũng tới, trong bữa tiệc hắn được gia đinh trong phủ gọi tới thư phòng, thấy Thẩm Mặc lấy cớ thay y phục, đợi ở đó. Tôn Phi Dương biết Thẩm Mặc có việc tìm mình. Thẩm Mặc biết tính lạnh lùng của hắn, liền không nhiều lời: - Ngày mai hội thẩm, ta nghĩ huynh cũng biết vụ án này liên quan tới hướng đi triều đình mấy năm sau. - Ta chỉ là Đại lý tự khanh, chủ thẩm là Mao bộ đường. Tôn Phi Dương không có thiện cảm gì với hành vi ngang nhiên chơi đùa pháp luật này. - Huynh hiểu lầm rồi, ý ta là huynh phải nỗ lực làm cho thật rõ, đừng sợ lực cản. Phía Mao bộ đường ta cũng nói như thế, cố gắng xử án công bằng, tất cả đã có ta gánh vác. - Huynh quá lo rồi. Tôn Phi Dương lúc này mới biết mình trách lầm Thẩm Mặc, cũng hiểu lo lắng của y, nói: - Triệu tổng hiến sẽ lấy thế ép người, quấy nhiễu xử án sao? - Chắc chắn. Thẩm Mặc cau mày: - Ông ta mà khùng lên, ta cũng phải tránh xa, chỉ sợ mọi người không chống lại. - Ta sẽ tận lực, chẳng lẽ ông ta còn to hơn được công lý. Hay cái là bên kia cũng nghĩ mình chiếm công lý, thật không biết đâu mới là công lý thật. (thiếu phần 4 của chương này)