Về phủ, tuy rất mệt mỏi nhưng Sở Ngọc không đi nghỉ ngay. Nàng ngồi chép tóm tắt lại những chuyện hôm nay kể cho Lưu Tử Nghiệp. Tuy là nói bừa, nhưng muốn chế tác truyện sao cho hấp dẫn thì vẫn phải sắp xếp lại, tránh những tình tiết bất hợp lý. Dù sao cũng đã cho Kỷ Hiểu Lam ngược về thời đại Khang Hi, Sở Ngọc ngẫm nghĩ, thế là đem cả một số nhân vật thuộc năm triều Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh làm thuộc hạ của Khang Hi luôn. Trong số này còn có Ngụy Trưng, Ngụy Trung Hiền (*), từ trung thần đến gian thần, từ văn nhân đến danh sĩ đều đủ cả. (*) Ngụy Trưng (魏徵; 580-643), tự Huyền Thành (玄成) là một nhà chính trị và sử học đầu thời nhà Đường. Xuất thân ở Hà Bắc trong một gia đình nghèo, Ngụy Trưng từng đi theo Ngõa Cương quân của Lý Mật rồi trở thành quân sư cho thái tử Lý Kiến Thành, con trai cả của Đường Cao Tổ. Trong sự biến cửa Huyền Vũ, Lý Kiến Thành bị em trai là Lý Thế Dân, tức Đường Thái Tông sau này, giết chết. Tuy từng phục vụ nhiều đối thủ trên chiến trường và chính trường của Đường Thái Tông, Ngụy Trưng vẫn được nhà vua trọng dụng, ông được phong chức Gián nghị đại phu, Tả quang lộc đại phu, tước Trịnh quốc công, với nhiệm vụ can gián vua không mắc phải những quyết định sai lầm. Sự thẳng thắn và sáng suốt của Ngụy Trưng đã trở nên nổi tiếng trong sử sách và ông được coi là vị gián quan nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ngụy Trưng còn là một nhà sử học có tiếng đầu thời nhà Đường, ông là chủ biên bộ sách Tùy thư, bộ sử chính thức về nhà Tùy và là một trong Nhị thập tứ sử. Ngụy Trung Hiền (魏忠賢) (1568-1627) là một trong những đại hoạn quan nổi tiếng nhất và nhiều quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người cầm đầu "đảng hoạn quan" dưới thời Minh Hy Tông trong việc lũng đoạn triều chính, thâu tóm mọi quyền lực trong tay, đồng thời tiêu diệt tất cả những người không cùng phe cánh với mình một cách không khoan nhượng. Vương triều Minh dưới thời Hy Tông suy tàn một cách trầm trọng một phần lớn là do Ngụy Trung Hiền. (Nguồn: wikipedia) Chỉnh lý xong nội dung chuyện kể hôm nay, lại phác thảo đề cương truyện ngày mai, Sở Ngọc đặt bản thảo ở đầu giường rồi mới xoa xoa mi mắt nhức mỏi, yên tâm nằm ngủ. Kế hoạch tính toán đâu vào đấy, nhưng Sở Ngọc lại đánh giá quá cao sức khỏe của mình. Ngày hôm sau tỉnh giấc, cổ họng nàng bỗng đình công, cảm thấy rát ngứa vô cùng. Há miệng muốn nói, nàng chỉ có thể phát ra những tiếng thều thào khàn khàn không nghe rõ. Hôm qua Sở Ngọc kể chuyện cho Lưu Tử Nghiệp cả buổi chiều, cổ họng đã bị tổn thương. Sau khi nàng về phủ lại không điều dưỡng, viết truyện xong mới đi ngủ, vậy nên bây giờ chuyển thành tình trạng xấu thế này. Ấu Lam Phấn Đại tiến vào hầu hạ, Sở Ngọc khoa chân múa tay sai Phấn Đại đi tìm Dung Chỉ, thông báo tình trạng của mình. Sau khi được Ấu Lam hầu hạ rửa mặt hoàn tất, ngồi bên mép giường, Sở Ngọc thấy Dung Chỉ bước vào. Nàng liền chỉ chỉ tay vào họng mình, hơi há mồm rồi cười khổ mà không thành tiếng. Dung Chỉ đến trước mặt Sở Ngọc, Ấu Lam đứng bên vội chủ động lui ra, nhường chỗ cho Dung Chỉ. Mặc dù đã bị giáo huấn, nhưng Ấu Lam vẫn như cũ không có chút nào bất kính với Dung Chỉ. Nhếch khóe môi mỉm cười nhẹ nhàng, Dung Chỉ lẳng lặng nhìn Sở Ngọc. Đợi mãi không thấy động tĩnh gì, Sở Ngọc sốt ruột lại chỉ vào họng mình. Nàng thấy hắn khẽ cười, nói nhỏ ba chữ: “Xin thất lễ!”, rồi hơi cúi xuống, nâng nhẹ cằm nàng lên, cặp mắt tối đen hiện vẻ hơi buồn cười: “Công chúa, không há miệng ra thì làm sao ta khám được?” Tiếng nói hắn thật nhẹ nhàng mềm mại! Sở Ngọc hơi ngượng ngùng, định tránh tay hắn, rồi lại sợ động tác đó quá khả nghi. Nàng do dự một chút, rồi vẫn thuận theo tay Dung Chỉ, hơi ngửa đầu lên, há miệng ra. Miệng vừa hé, nàng bỗng giật mình không biết vừa rồi có súc miệng sạch sẽ không. Chỉ hận không thể súc miệng thêm một lần nữa cho yên tâm! Ngẩng mặt, Sở Ngọc chỉ có thể nhìn thấy từ trán Dung Chỉ trở lên, trên vầng trán là mái tóc đen mịn. Vì không nhìn thấy mặt Dung Chỉ, các giác quan của nàng trở nên nhạy cảm khác thường. Nàng có cảm giác, hình như vì Dung Chỉ vội đến đây nên không kịp chải đầu cẩn thận, vài sợi tóc mềm nhẹ của hắn xõa xuống chạm vào mặt nàng buồn buồn. Hơi thở của hắn rất gần, ấm áp thổi trên mặt khiến Sở Ngọc cảm thấy hơi tê tê. Hơi thở của nàng phả trên tóc Dung Chỉ, rất nhanh thổi ngược trở lại mặt nàng. Sở Ngọc mấy lần gắng nín thở, một lát sau không nín được nên hô hấp lại càng kịch liệt. Thời gian tưởng chừng như bị kéo dài vô hạn, mỗi giây phút trôi qua đằng đẵng. Sở Ngọc ngửa đầu, tay đặt trên đùi. Dung Chỉ nâng cằm nàng rất nhẹ nhàng, thế mà nàng có cảm giác hắn đang chế ngự toàn thân nàng, khiến cả người nàng cứng ngắc. Cảm thấy lâu quá rồi, Sở Ngọc hít một hơi sâu, giật nhẹ tay áo Dung Chỉ, ý hỏi hắn bao giờ thì xong. Nàng nghe thấy tiếng hắn khẽ cười: “Rốt cuộc hôm qua công chúa đã làm gì, mà để họng sưng lên thế này?” Bàn tay hắn đã buông tha khuôn mặt nàng, khiến nàng thở phào như được đại xá, có thể ngồi thẳng đầu, còn Dung Chỉ cũng lùi về phía sau nửa bước. Dung Chỉ nhìn Sở Ngọc, an ủi dịu dàng: “Công chúa không cần lo lắng! Bây giờ ta đi kê đơn, nàng chỉ cần nghỉ ngơi vài ba ngày là khỏi. Tuy nhiên mấy ngày nay đừng nói chuyện nữa, để tránh tổn thương sâu hơn!” Sở Ngọc nuốt vào là thấy đau, làm sao dám liều lĩnh nữa, nên vội vàng ngậm miệng gật đầu. Tuy nàng tiếc nuối mất hai ngày không thể tiếp tục gieo hạt cho Lưu Tử Nghiệp, nhưng trước hết phải giữ gìn cổ họng này đã, rồi sau đó mới có thể tiếp tục thi triển tài năng! Phấn Đại theo Dung Chỉ đi ra, Sở Ngọc lại khoa chân múa tay sai Ấu Lam mang giấy bút. Nàng viết thư cho Lưu Tử Nghiệp, thông báo tình hình, tạm thời hoãn kể chuyện, chờ cổ họng nàng khỏi rồi sẽ tiếp tục. Dung Chỉ đến Thượng Dược ti lấy thuốc chữa đau họng, viết cách dùng, liều lượng rồi sai người đưa cho Sở Ngọc. Sau đó hắn trở lại chỗ ở của mình, vào trong Thư các hơn nửa ngày. Mãi cho đến chạng vạng tối, Dung Chỉ mới chậm rãi đi vào Tu Viễn cư, lẳng lặng ngồi nhìn Hoàn Viễn và Mặc Hương bận rộn. Hoàn Viễn xong việc chuẩn bị đi ngủ, hỏi hắn đến có việc gì, Dung Chỉ mới hỏi với vẻ nghi hoặc: “Hoàn Viễn, ngươi có biết trong thư tịch cổ, có hoàng đế nào tên là Khang Hi không? Ta tra rất nhiều thư tịch, cũng không tìm thấy chút ký lục nào về người này. Học vấn ngươi uyên bác, có lẽ biết nhiều điển cố hơn ta!” Hôm nay lúc khám cổ họng cho Sở Ngọc, hắn vô tình thoáng nhìn thấy bản thảo ở đầu giường, chữ viết chi chít. Hắn cũng không cố tình nhìn lén, nhưng thị lực tốt quá, lại có trí nhớ kinh người, chỉ cần đưa mắt có thể nhớ được tám, chín phần, vì hiếu kỳ nên nhìn kỹ hơn một chút. Tuy vẫn tập trung khám bệnh cho Sở Ngọc, nhưng hắn nhớ kỹ người gọi là hoàng đế Khang Hi cùng với các sự tích liên quan. Trên giấy viết các câu chuyện gián đoạn, thậm chí nhiều chỗ khó hiểu, nhưng Dung Chỉ mẫn tuệ hơn người, có thể nắm bắt rất nhanh. Hắn lục lọi ký ức nhưng không thể tìm được vào thời nào lại có một hoàng đế với nhiều câu chuyện ly kỳ như vậy. Hoàn Viễn tất nhiên cũng không nhớ được thời nào có hoàng đế Khang Hi, nhưng hắn biết Dung Chỉ không bao giờ hỏi những chuyện vớ vẩn, nên ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Có lẽ kiến thức của ta hạn chế, không biết trong Thư các chỗ ngươi có tài liệu gì không?” Dung Chỉ lắc đầu: “Trước khi tới đây, ta đã tìm hết thảy trong đó, vì không có nên mới đến nhờ ngươi!” Hai người ngồi im lặng đối diện một hồi, không biết nói gì. Cuối cùng Dung Chỉ đứng lên nói: “Có lẽ ta tìm chưa kỹ, bỏ qua chỗ nào không biết chừng!” Mấy ngày sau đó, hai người có học thức uyên bác nhất trong phủ, đều băn khoăn cùng một vấn đề: Khang Hi là ai? ---------------------- Mấy ngày sau, cổ họng đã khỏi hẳn, Sở Ngọc lại vào cung. Nhìn thấy Thiên Như Kính đứng trước cửa đại điện, Sở Ngọc định nhắm mắt làm ngơ, ngó nghiêng sang chỗ khác mà bước qua hắn. Nhưng lúc đi qua chỗ Thiên Như Kính, nàng bỗng nghe thấy tiếng nói trong vắt của hắn: “Khang Hi, vậy có Càn Long không?” Là câu hỏi, nhưng ngữ điệu của hắn đều đều, như đang trần thuật. Sở Ngọc đột nhiên dừng bước, một lúc sau mới xoay người sang nhìn Thiên Như Kính, ánh mắt như thấy ma quỷ. Nàng kể chuyện cho Lưu Tử Nghiệp đúng là có cải biên lung tung. Nhưng nàng dám thề rằng, chưa từng nhắc đến tên Càn Long! Sở Ngọc chưa kịp nghĩ gì thêm, Thiên Như Kính lại hỏi câu thứ hai: “Cô đã xem thiên thư rồi?”