Phượng Tù Hoàng
Chương 105
Trò chuyện một hồi, Sở Ngọc tiễn Vương Ý Chi ra về, rồi chậm rãi dạo bước trong rừng trúc.
Lúc này màn đêm đã buông xuống, trăng sáng vằng vặc trên nền trời tối thẫm. Ánh sáng bạc bao phủ khắp rừng trúc.
Trên khuôn mặt Sở Ngọc, ý cười đã tắt. Lúc trước câu nói của nàng với Vương Ý Chi: “Trên mặt đang cười, trong lòng đang khóc” là phỏng theo lời thoại của một bộ truyện tranh. Nói ra miệng rồi, nàng mới nhớ ra, ở thế giới này sẽ không có người nào hiểu câu nói này, cũng không hiểu được ý hài hước của nàng.
Vương Ý Chi không hiểu, Dung Chỉ cũng sẽ không hiểu.
Trong phút chốc, mặc dù bên cạnh có hai người mà nàng vẫn cảm thấy thật cô đơn. Thế giới này có hàng nghìn, hàng vạn người, nhưng nàng vẫn là một kẻ lạc loài bị ruồng bỏ.
Khó có thể ngăn cản, vậy không ngăn cản nữa! Sở Ngọc cứ để mặc cho đầu óc suy nghĩ vẩn vơ, chậm rãi bước vào rừng.
Băng đã tan chảy hết, không khí dần dần nóng lên. Một làn gió nhẹ thổi đến, phả hơi ấm trên mặt Sở Ngọc rồi nhanh chóng tản ra.
Trong rừng trúc tĩnh lặng bỗng ngân lên tiếng đàn, nhưng đứt quãng không liên tục, có lẽ gảy đàn một hồi lại dừng, dường như người đó đang suy tư điều gì.
Sở Ngọc nghĩ Tiêu Biệt vẫn còn ở trong rừng trúc, liền dạo bước đi tới.
Sở Ngọc bố trí cho Dung Chỉ và Tiêu Biệt, người hát, người gảy đàn trong rừng trúc. Đối với Dung Chỉ, đến phút sau cùng nàng không biết mời ai nên mới nhờ cậy hắn. Còn về tiếng đàn, ngay từ đầu Sở Ngọc đã nghĩ đến Tiêu Biệt.
Tuy Sơn Âm công chúa chê Tiêu Biệt là có lý, nhưng mức độ có lý này ở ngưỡng rất cao, không mấy ai hiểu được. Chí ít trong thành Kiến Khang, xét về tài đàn, không ai sánh bằng Tiêu Biệt.
Thế là, lựa lúc Tiêu Biệt đến Sở viên, Sở Ngọc liền đề xuất ý tưởng, thỉnh cầu hắn đệm đàn trong rừng trúc giúp nàng. Không ngờ Tiêu Biệt đồng ý ngay, nhanh đến mức khiến nàng cảm thấy có chút không yên tâm.
Diễn tấu đã xong, nhưng Tiêu Biệt vẫn ở lại trong rừng trúc, không biết để làm gì.
Đến gần hơn, ánh mắt Sở Ngọc xuyên qua cành lá sum suê, thấy Tiêu Biệt ngồi trước cây đàn cổ. Để đề phòng quần áo và cây đàn bị ướt và lấm bẩn, hắn ngồi trên một thảm lông rất dày, dáng vẻ chăm chú như đang suy nghĩ điều gì.
Nghĩ một lát, hắn lại nâng tay dạo qua dây đàn, tiếng đàn do dự không quyết đoán. Lặp lại như thế mấy lần, hàng lông mày giãn dần ra. Hắn gảy một đoạn âm điệu thanh u nhẹ nhàng xong, khóe miệng khẽ cong lên thành một nụ cười mơ hồ.
Sở Ngọc ho nhẹ một tiếng rồi bước ra, không tiếp tục rình xem nữa. Gặp Tiêu Biệt, nàng cảm thấy hơi lúng túng. Lúc trước nàng nói hắn chẳng ra gì, vậy mà hắn lại rất sẵn sàng giúp đỡ khiến nàng cảm thấy áy náy: “Sao ngươi vẫn còn ở đây?”
Tiêu Biệt ngước mắt nhìn nàng: “Ta vừa mới nghĩ ra một cầm khúc mới, nên quyết định dạo thử ngay ở đây…” Hắn vừa dứt lời, bỗng giật mình nhìn xung quanh, phát hiện ra trời đã tối. Hắn trầm mê trong tiếng đàn, thời gian trôi qua bao lâu mà không hề hay biết.
Tiêu Biệt hạ mắt, thản nhiên nói: “Hóa ra đã muộn như vậy!” Gương mặt tịch liêu như lóe lên điều gì, hắn ôm đàn đứng dậy khẽ gật đầu với Sở Ngọc: “Công chúa, không còn sớm nữa, ta cũng nên về thôi!”
Cảm thấy mình như có ý đuổi khách, Sở Ngọc không đành lòng. Nàng sóng vai bước cùng với hắn: “Hôm nay dù sao cũng phải đa tạ ngươi. Những lời ta nói trước kia, ngươi đừng để bụng!” Tiêu Biệt dừng bước, nhìn Sở Ngọc dường như ngạc nhiên: “Công chúa sao lại nói như vậy?” Sở Ngọc khẽ mỉm cười: “Ta nói ngươi đánh đàn vì mưu cầu danh tiếng, còn bản thân ta thanh cao thoát tục sao? Hôm nay, ta tổ chức tiệc trà, nếu không phải vì muốn thể hiện với mọi người và có chút tiếng tăm, thì sao phải nhọc lòng khổ công như thế? Ngày đó ta chê trách ngươi, chẳng qua là chó chê mèo lắm lông mà thôi!”
Nàng cẩn thận thở hắt ra, xoay người nhìn thẳng vào Tiêu Biệt, chân thành nói: “Thực ra ta chẳng có tư cách gì để giáo huấn ngươi, ngươi cũng đừng để chuyện này trong lòng!”
Nếu Tiêu Biệt vẫn đối chọi gay gắt giống như khi mới gặp thì Sở Ngọc không sợ, có thể thoải mái tìm chiêu phản kích. Đằng này, thái độ của hắn với mọi người vẫn lạnh lùng như trước, nhưng riêng đối với nàng thì đặc biệt, hơn nữa còn thường xuyên tìm tới Sở viên, mời nàng nghe cầm khúc mới. Tình cảnh này, Sở Ngọc không biết phải xử trí làm sao.
Sở Ngọc hơi hối hận. Giá như trước đây đừng nói hắn như thế!
Tiêu Biệt không nói gì mà chỉ chăm chú nhìn Sở Ngọc. Trong đêm tối, đôi mắt hắn sâu thẳm, khuôn mặt kín bưng như bao phủ một tầng băng lạnh, nhưng phảng phất trong đó lại thấy ánh lên vẻ dịu dàng ấm áp. Không biết đã trải qua bao lâu, cuối cùng hắn trầm giọng nói: “Công chúa, nàng thực là một người thẳng thắn! Thẳng thắn thừa nhận mong muốn của mình, thẳng thắn đi thu lượm kết quả, cũng thẳng thắn nói rằng mình mưu cầu danh lợi. Điều này khiến ta bội phục nàng! Ta sở dĩ như thế, không phải bởi lời nói ngày đó của nàng, mà bởi vì, nàng có thể hiểu tiếng đàn của ta!” Hắn thay đổi động tác ôm đàn trước ngực, ngữ khí tuy vẫn lạnh lùng như trước, nhưng trong đó dường như có ẩn chứa những tình cảm khó nói nên lời: “Đàn là tiếng lòng, công chúa có thể hiểu được tiếng lòng của ta, thế là đủ rồi!”
Sở Ngọc ngẩn người, đứng trơ mắt nhìn Tiêu Biệt khẽ cúi người, rồi chậm rãi rời đi. Hắn đi rất chậm, nhưng bước chân vững chãi. Cho đến khi hắn ra tận cửa lớn, nàng cũng không thốt được lời nào.
Nàng không nói nên lời.
Không ngờ, Sơn Âm công chúa lại khắc sâu vào đáy lòng một người đến như thế!
Sở Ngọc không khỏi thầm thở dài: nàng làm sao có thể nói với hắn, người có thể hiểu tiếng lòng của hắn không còn nữa?
Nàng sao có thể nói với vị Bá Nha này rằng, Chung Tử Kỳ của hắn đã chết? Hiện tại, người đứng trước mặt hắn chỉ là vỏ bọc “Chung Tử Kỳ” mang linh hồn khác, đối với âm nhạc hoàn toàn dốt đặc cán mai.(Bả Nha – Chung Tử Kỳ: Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc (thế kỉ 4 TCN), Liệt Ngự Khấu, người nước Trịnh, trong Thang vấn, sách Liệt Tử có ghi rằng:
“Bá Nha chơi đàn tuyệt hay, Chung Tử Kỳ nghe đàn càng giỏi. Bá Nha chơi đàn, chí tại núi cao, Chung Tử Kỳ nói: ‘Hay thay! vời vợi tựa Thái sơn’. Chí để nơi dòng nước chảy, Chung Tử Kỳ nói: ‘Hay thay! mênh mang như sông nước’. Bất luận là chí tại cao sơn hay chí tại lưu thuỷ, Bá Nha trong mỗi khúc nhạc đều biểu hiện chủ đề hoặc tư tưởng của mình, nhờ đó Chung Tử Kỳ có thể lĩnh hội được ý tứ đó. Nghe nhạc là cảm thụ tâm tình mà người chơi gửi gắm, đạo lý này vốn dĩ đă có từ ngàn xưa vậy. (Khúc nhạc Cao sơn lưu thủy của Bá Nha được coi là một trong mười cầm khúc hay nhất của Trung Hoa cổ đại)Một ngày, Bá Nha và Chung Tử Kỳ dạo chơi ở núi Thái Sơn, gặp trời mưa to, hai người dừng lại dưới một mỏm núi đá. Bá Nha trong lòng phiền muộn bèn tấu một khúc nhạc. Khúc nhạc ban đầu biểu hiện cảnh mưa rơi xuống một dòng suối trên núi, tiếp đó khúc nhạc mô phỏng âm thanh của nước lên cuồn cuộn cùng đất đá đổ nát. Mỗi khúc nhạc vừa hoàn thành, Chung Tử Kỳ đều ngay lập tức nói được ý tứ mỗi bài. Bá Nha thấy thế bỏ đàn mà rằng: “Giỏi thay! Các hạ có thể nghe thấu cái chí thú trong khúc nhạc, ý của các hạ cũng là ý của ta vậy”. Từ đó hai người trở thành một cặp bằng hữu tri kỷ mà đời sau vẫn ca ngợi. Về sau, khi Chung Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ cây đàn, không bao giờ chơi đàn nữa vì cho rằng không còn ai hiểu được tiếng đàn của mình) (Theo Wikipedia) ------------------Tuy tiếng tăm đã nổi như cồn, nhưng ngày hôm sau Sở Ngọc vẫn làm các công việc như mọi ngày: đầu tiên là vào cung kể chuyện, sau đó về phủ dạy tiếng Anh. Nàng tìm cách nổi danh không phải vì khoe khoang, mà sau này dùng thân phận Dụ Tử Sở sẽ có nhiều tiện lợi.
Trong phòng là một chiếc bàn vuông, hai người ngồi hai bên. Sở Ngọc thấy Thiên Như Kính đã làm xong bài thi, bèn cầm lên xem, lấy bút son khoanh mấy chỗ sai. Tuy nàng cố tình làm khó dễ, nhưng Thiên Như Kính có một trí nhớ siêu phàm cộng với năng lực học tập đáng kinh ngạc. Hắn tiến bộ rất nhanh, các lỗi sai ngày càng giảm thiểu.
Nhìn vẻ trầm tĩnh điềm đạm của Thiên Như Kính, Sở Ngọc đặt bài thi trên bàn, đến bên ghé tai hắn hỏi nhỏ: “Ngươi có biết hôm qua ta làm gì không?”
Không đợi hắn trả lời, nàng lại nói: “Ta mời một vị hòa thượng!” Cùng với Dụ Tử Sở, Dụ Tử Viễn, tên tuổi Tịch Nhiên cũng trở nên nổi tiếng. Chỉ trong một thời gian ngắn, mọi người đã biết đến một tăng nhân trẻ tuổi tinh thông và am hiểu sâu sắc về Phật học.
Trừ việc tiêu tiền cho các khối băng, Sở Ngọc còn chi một khoản đáng kể liên quan đến Tịch Nhiên. Nàng quyên tặng cho chùa Kiến Sơ một số tiền lớn, nhưng xin mượn Tịch Nhiên trong nửa tháng để cùng Hoàn Viễn diễn tập chuẩn bị cho buổi tiệc trà.
Tịch Nhiên vốn có tài học xuất chúng, dung mạo anh tuấn, vết chu sa đỏ rực trên ấn đường khiến người khác khó quên. Hắn là người kế thừa chức vị trụ trì chùa Kiến Sơ trong tương lai, cũng có thể coi là có địa vị và uy tín. Sở Ngọc mượn sức hắn, thực ra là hai bên hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Nàng lấy thân phận thành viên của hoàng gia, ủng hộ chùa Kiến Sơ cả về tiền tài và quyền lực, còn chùa Kiến Sơ cử Tịch Nhiên đến giúp nàng đạt được mục đích.
Sở dĩ nàng chọn một hòa thượng tham gia kịch bản, đó là quyết định tạm thời, cũng là cục diện tình hình bắt buộc. Nàng muốn ủng hộ phát triển một loại tín ngưỡng tôn giáo khác lớn mạnh lên, dần dần có thể lấn át, thậm chí tiêu diệt ảnh hưởng của Đạo giáo và Thiên Như Kính.
Nói trắng ra, nàng muốn đem Tịch Nhiên đến bên cạnh hoàng đế, lật đổ địa vị của Thiên Như Kính.
Thiên Như Kính hoàn toàn hiểu được ý định của Sở Ngọc. Nhưng lúc này, nàng ở quá gần, dường như cả hai có thể cảm nhận được hô hấp của nhau. Hắn nhìn chằm chằm gương mặt, chân mày khóe mắt của người thiếu nữ thanh nhã. Vẻ ngoài yểu điệu khác hẳn ý chí kiên định, quật cường của nàng, khuôn mặt nàng sáng ngời diệu kỳ, mà hắn chưa từng bắt gặp ở bất kỳ ai, như áp chế tinh thần hắn.
Nàng không sợ hắn, không coi hắn là thần thánh. Nàng chỉ đối xử với hắn như với một người bình thường, cãi nhau với hắn, mỉm cười với hắn, lúc uy hiếp, lúc dụ dỗ, thậm chí có lúc tức giận đập bàn.
Phảng phất ngửi thấy một mùi hương thoang thoảng, Thiên Như Kính cảm thấy hơi hoảng hốt. Hắn không hiểu tại sao, mình không thể nào dời tầm mắt khỏi gương mặt nàng.
Chậm rãi, khuôn mặt hắn nóng dần lên như bị hỏa thiêu. Không biết đây là thứ cảm xúc gì, nhưng mang ý vị thật kỳ diệu đang nhộn nhạo trong lồng ngực hắn. Từ trước đến giờ, hắn chưa từng trải qua cảm giác này.
Truyện khác cùng thể loại
139 chương
16 chương
98 chương
1 chương