Phương Nam Có Cây Cao
Chương 44
Các nhà đầu tư thảo luận lại việc rót vốn vào Tức Khắc Phi Hành với Ôn Địch. Trong lòng họ đã nghĩ trước đủ các cách từ chối, nhưng thứ chờ đợi họ lại là một bản hiệp thương chuyển nhượng cổ phần và giấy nợ. Thời Việt hoàn toàn rút lui khỏi vũ đài của Tức Khắc Phi Hành.
Các nhà đầu tư trợn mắt nhìn.
Ôn Địch nói: “Những gì Cơ Minh nói hôm đó là thật hay giả, các vị tự cân nhắc. Cây ngay không sợ chết đứng, đâu cần phải biện minh? Nếu nhà đầu tư trước kia của chúng tôi tồi tệ như Cơ Minh nói, tại sao lại tình nguyện từ bỏ 40% cổ phần vốn thuộc về mình?”.
Các nhà đầu tư không biết phải nói gì nữa.
Ôn Địch nhìn họ, tiếp lời: “Người sáng lập của Tức Khắc Phi Hành muốn nói với các vị một câu, thời gian sẽ chứng minh tất cả. Các vị đầu tư cũng được, không đầu tư cũng xong, cuối cùng Tức Khắc Phi Hành vẫn sẽ lên sàn chứng khoán”.
...
Thời Việt đi cùng Khích Hạo làm thủ tục chuyển nhượng cổ phần và khoản nợ. Xong việc, Khích Hạo kéo anh đi uống rượu. Họ lái xe đi rất xa, từ Triều Dương đến tận Trung Quan Thôn, tới khi sắc trời tối dần. Họ tìm một quán bán cánh gà nướng ở đường Hải Điện.
Khích Hạo gọi một đống bia, xiên nướng và cánh gà, còn đặc biệt gọi riêng ba xiên nướng siêu cay.
Thời Việt nói: “Ăn cay thế làm gì? Về lại bị vợ chê đấy”.
Khích Hạo nheo mắt liếc anh một cái, đáp: “Tưởng nhớ thời trẻ hào hùng”.
Thời Việt lắc đầu cười khẽ.
Thời trẻ... chợt cảm thấy quá xa xôi. Anh quay đầu nhìn con đường này, còn nhớ lúc đó, anh bán đĩa lậu ở đây, dán quảng cáo khắp các bức tường, nhìn thấy người liền áp sát hỏi với vẻ bí ẩn: “Có cần đĩa không?”. Ai nhìn con becgie Đức bên cạnh anh cũng sợ hãi chạy mất.
Giờ đã không còn ai bán đĩa ở đây nữa. Ngay cả các hàng xiên nướng, cá nướng, các quán bán đồ nướng lưu động đã từng đông đúc cũng chẳng còn lại mấy.
Khích Hạo gọi chủ quán lại nói: “Ông Phó! Còn nhận ra bọn tôi không?”.
Chủ quán cánh gà nướng tóc đã bạc trắng nhìn họ hồi lâu, lắc đầu: “Ôi, già rồi, không nhận ra nổi”.
Khích Hạo cười hà hà: “Xem ra chúng ta cũng già rồi”.
Chủ quán lau bàn tay đầy mỡ lên tạp dề: “Là khách quen thì giảm giá 30%! Ăn thoải mái đi! Dù sao mấy hôm bữa quán của tôi cũng đóng cửa...”.
Khích Hạo ngạc nhiên hỏi: “Sao lại đóng cửa?”.
Chủ quán thở dài: “Chính đốn bộ mặt đô thị. Quán chúng tôi khói than mù mịt, hai anh đến muộn mấy hôm thì không được ăn đồ ở đây nữa rồi!”.
Hóa ra vật còn người mất, mọi thứ đều thay đổi quá nhanh.
Khích Hạo cắn cánh gà, khen: “Lâu lắm rồi không ăn, ngon thật!”.
Thời Việt bật cười, uống một cốc bia lớn.
Khích Hạo uống ngà ngà liền bắt đầu nhớ lại chuyện xưa. Hoặc có lẽ nơi này khiến người ta tự nhiên muốn hoài niệm quá khứ. Anh ta vẫn thấy tiếc: “Khoản đầu tư hơn hai mơi triệu đổi được tỉ mấy, anh Thời, anh quả là nhìn xa trông rộng”.
Thời Việt cười, ăn xiên nướng, không nói gì.
“... Thế mà bảo không cần là không cần luôn, anh Thời, anh sắp cưới cô Nam thật à?”.
Thời Việt cúi đầu, lại rót đầy cốc bia, bọt bia trắng tràn ra ngoài: “Không biết”.
“Ừm...”. Khích Hạo thở dài, “Nhớ hồi đó, anh phải mất bao công sức mới mua được cái biệt thự ở khu suối nước nóng Tiểu Thang Sơn... Bây giờ nói không cần là không cần luôn”. Anh ta lặp đi lặp lại không đầu không cuối, rồi lại bật cười. “Nghĩ lại anh em mình trải qua bao mưa gió đi đến hôm nay, thật không dễ dàng chút nào! May mà bây giờ cũng coi như có chút thành công! Nhớ lại thì đó đều là những năm tháng huy hoàng cả. Nào, anh Thời, cạn ly!”.
Thời Việt nâng cốc thủy tinh lên, chạm “cạch” một tiếng vào cốc của anh ta. Hai người ngửa đầu uống một hơi cạn cốc bia, thật là quá đã. Khích Hạo lại mở hai chai nữa, đưa cho Thời Việt một chai, miệng hát bài: “Năm tháng huy hoàng”.
“Hôm nay chỉ còn thân xác tàn tạ đón chờ năm tháng huy hoàng, ôm chặt lấy tự do trong mưa gió. Một đời trải qua đủ mọi giằng xé hoang mang, tự tin có thể thay đổi tương lai, thử hỏi ai có thể làm được... “.
Khích Hạo cầm đũa đã gắp món nộm vào đĩa lạc rang chủ quán mang đến: “Anh Thời, hôm nào đi hát karaoke không? Lâu lắm rồi không được hát một trận ra trò”.
Thời Việt cười, nheo mắt nhìn ra ngoài: “East Scala cũng đóng cửa rồi nhỉ?”.
“Em không biết”, Khích Hạo đáp, “Hàng karaoke rẻ tiền như thế, bây giờ chắc chẳng ai đi nữa”.
Khích Hạo rót đầy cốc cho Thời Việt, Thời Việt cũng không từ chối, một hơi uống cạn, hỏi: “Mộng Cảnh Tỉnh Táo thế nào rồi?”.
Khích Hạo xua tay, vẻ hơi say, “Đừng nhắc đến nữa! Đám anh Thái và Lưu Thanh Sơn gần đây hoạt động rất mạnh. Nghe nói bên trên sắp làm chặt, họ nhân lúc gió chưa nổi làm mấy vụ lớn”.
Đôi mày sắc bén của Thời Việt cau lại: “Thế không được”.
Khích Hạo thở dài, xòe tay bất lực: “Hai đám người này ghê gớm lắm. Trước kia không phải chúng ta từng nghĩ cách lén tố cáo họ mấy lần đấy à? Cảnh sát bắt được thì đã sao? Không nắm được chứng cứ, anh Thái chỉ cần đưa một thằng đàn em ra chịu tội, ra ngoại lại như không có chuyện gì, còn đến đập phá quán của chúng ta nữa! Chút hàng thỉnh thoảng chúng ta lục soát được hoàn toàn không thể làm gì anh Thái!”.
Thời Việt lạnh lùng nói: “Để đó tao nói chuyện với họ”.
“Đừng làm thế, anh Thời!”, Khích Hạo nấc lên, xua tay cuống quýt nói, “Bây giờ anh đang ở đầu sóng ngọn gió, đừng có dây vào việc này. Chúng ta nhịn được thì nhịn, đợi bên trên ra tay, coi như chúng ta cũng được yên thân”.
Thời Việt chậm rãi uống cạn cốc bia trong tay, nói: “Vậy chúng mày phải cẩn thận một chút”.
Khích Hạo đáp: “Em biết rồi, anh Thời, em sẽ cho mấy thằng để ý”.
...
An Ninh đang đợi Thời Việt. Chị ta ngồi trên chiếc ghế lớn mềm mại, nhìn chằm chằm vào những bức tranh sơn dầu được treo lệch nhau trên bức tường đối diện. Đó đều là tác phẩm đầy vẻ quý tộc nho nhã của các họa sĩ lớn.
Thế nhưng trước mắt chị lại là con đường bẩn thỉu bừa bãi ở Trung Quan Thôn. Chị ta tới đây để bàn việc làm ăn. Nếu không phải vì có một vị lão đại lập dị sống ở đây, chắc cả đời này chị ta cũng không muốn đặt chân đến.
Trước đây, chị ta rất thích một chú chó Poodle lông xoăn, đi đâu cũng ôm theo không rời tay. Hôm đó, chị ta lên lầu bàn công chuyện, giao con Poodle cho một đàn em bế, đợi ở dưới lầu. Khi bước ra, chị ta nghe thấy con Poodle thường ngày ngoan ngoãn của mình đang sủa điên cuồng.
Khi cất tiếng sủa, chú chó nhỏ xíu lại có sức mạnh hoàn toàn không tương xứng với thể hình. Đàn em bế con chó, có vẻ rất lúng túng. Chị ta nhìn theo ánh mắt của con chó, cách đó mấy mét, có một con becgie Đức khổng lồ nằm bên ngoài một cửa hàng tên là “Vua mì thịt bò Lan Châu”.
Trước tiếng sủa của con Poodle, con becgie kia rất điềm tĩnh, vẫn thè lưỡi nằm đó, hai chiếc tai nhọn dựng đứng. Thỉnh thoảng, nó ngước lên nhìn con Poodle một cái, đôi mắt to đen láy trông vừa hiền lành vừa kiên định, mang cảm giác vô cùng có kỷ luật.
An Ninh nhìn một cái là nhận ra đây là chó quân đội, từng được huấn luyện nghiêm ngặt. Nó có vẻ cũng chưa già lắm, không biết sao lại giải ngũ? Hay là vì không thể rời xa người chủ đã rời khỏi quân đội nên lén trốn ra ngoài?
Chị ta bế con Poodle, đúng lúc này, một chàng trai trẻ vội vã từ trong cửa hàng bước ra. Cậu ta mặc áo nhân viên có logo của chợ điện tử, quần dài cũ kỹ trông vô cùng nhà quê, không khác gì những người làm thuê ở khu Trung Quan Thôn khác. Thế nhưng bộ đồ vỉa hè không che giấu nổi thân hình vai rộng chân dài rất đẹp kia. Cậu ta dùng giấy ăn lau qua khóe miệng vẫn còn chút dầu mỡ.
Cậu ta vừa xuất hiện, con becgie Đức kia liền nhảy lên, lao về phía cậu ta. Cậu ta vuốt đầu nó, nghi hoặc nhìn An Ninh đang bế con Poodle một cái.
Chỉ bằng một ánh nhìn, An Ninh đã nhớ được cậu ta. Ánh nhìn ấy vô cùng sắc bén, lại mang vẻ cảnh giác khiến nhịp tim chị ta đập nhanh hơn.
An Ninh vuốt mớ lông xoăn của con Poodle, nhìn cậu ta đầy thâm ý.
Cậu ta không chút bận tâm, quay người bỏ đi. Bóng dáng vừa cao lớn vừa thẳng tắp như một cái cây lớn cành lá rậm rạp tràn đầy sức sống tươi trẻ, hoàn toàn không tương xứng với cách ăn mặc rẻ tiền.
Chị ta chầm chậm mỉm cười. Nhắm trúng cậu ta rồi.
...
Thời Việt bước vào mang theo khí thế của kẻ xâm phạm ngồi xuống trước mặt An Ninh, đôi mắt vừa đen vừa tối lạnh đến vô cùng.
An Ninh khẽ cười, nhìn anh một lượt: vest đen tuyền rất phong cách kết hợp áo sơ mi trắng, thân hình cao ráo, gương mặt lạnh lùng, từng cử chỉ đều đượm vẻ thượng lưu.
Đây chính là Thời Việt chị ta đã mất bao nhiêu năm dạy dỗ mới có thể từ cậu nhóc con năm đó thành một người đàn ông như thế này. Thời Việt là ly Margarita của riêng chị. Người xưa trồng cây, người nay hưởng bóng mát là một chuyện thật đáng ghét, chị ta là một người phụ nữ, nhưng chị ta không muốn làm một người phụ nữ đáng thương.
“Đều do chị làm”.
“Đúng vậy”. An Ninh cười đáp: “Cậu thấy thủ đoạn của tôi có được không?”.
“Đủ rồi! An Ninh!”.
“Vẫn chưa đủ”. An Ninh nói nhẹ bẫng. Chị đứng dậy bước ra sau lưng Thời Việt, ôm lấy cổ anh.
Thời Việt hơi giãy ra, bị chị giữ chặt đầu, để anh nhìn thẳng vào tấm gương đối diện.
“Thời Việt, tôi có thể nâng cậu lên, cũng có thể dìm cậu xuống. Cậu là người của tôi, biết chưa?”
Thời Việt lạnh lùng nói: “Chị trả nợ cho tôi, giúp tôi tráng cái họa mười năm ngồi tù, tôi vô cùng biết ơn chị. Mười năm qua tôi đã trả hết cho chị rồi, chị còn muốn thế nào nữa?”.
An Ninh không đáp, cứ tự nói: “Thời Việt, cậu hãy nhìn lại mình đi. Cậu có thể đối xử tốt với một người phụ nữ như thế, tại sao người phụ nữ đó không thể là tôi chứ?”
“Không thể là chị được!”.
Anh đáp thẳng thừng như vậy, An Ninh cuối cùng cũng nổi nóng, “Thời Việt! Cô ta có hiểu cậu như tôi không? Cô ta biết thứ cậu muốn có nhất là gì không?”
“Tôi muốn gì?”. Anh lạnh nhạt hỏi.
An Ninh đứng ra trước mặt anh, nhìn thẳng vào đôi mắt sắc lạnh của anh, đáp: “Phức cảm quân nhân... ha, cậu muốn có danh dự, muốn có tôn nghiêm, muốn được rửa sạch oan uổng. Lúc đầu cậu tìm cô ta không phải là vì điều đó sao? Sao sau này cậu lại quên đi mất?”.
“Chị nhầm rồi”. Anh lạnh lùng đáp, “Tôi chưa bao giờ quên cả”.
Đôi mày được tỉa rất cẩn thận của An Ninh hơi nhướn lên,chị ta cao ngạo đứng thẳng dậy,nói: “Tôi hỏi cậu lần nữa, danh dự hay là cô ta?”.
“Cô ấy”.
AnNinh đột nhiên bật cười ha hả, nghiến răng nghiến lợi nói với Thời Việt:
“Cậu cứ chờ đấy, trò chơi còn chưa kết thúc đâu!”.
Trước ngày Trung Thu, Nam Kiều có chút việc nên tan sở rất muộn, Thời Việt đã chuẩn bị xong hết thức ăn, chỉ chờ Nam Kiều về, hâm nóng là có thể ăn ngay. Anh thấy trong tủ lạnh vẫn còn một ít ngó sen, nghĩ chắc phải một lúc nữa Nam Kiều mới về, chi bằng nấu một nồi sườn hầm ngó sen vậy? Đây là món ăn nổi tiếng của tỉnh H, Nam Kiều từng miêu tả với anh – sườn mang theo hương thơm thanh mát của ngó sen, ngó sen được hầm nhừ, căn một miếng, tơ sen còn vương, vừa mềm dính vừa thơm ngọt.
Ngó sen của miền Bắc tất nhiên không ngon như ngó sen ở ao hồ miền Nam, có điều anh chưa bao giờ làm món này, có thể thử xem sao. Thời Việt cầm tiền xuống lầu, tới siêu thị gần nhà mua một cân sườn và các phụ liệu, gia vị khác. Khi anh xách một túi đồ to, bước tới cổng, cậu bảo vệ chào hỏi anh như mọi khi.
“Anh Thời, anh đi mua thức ăn về đấy à?”. Vừa rồi Thời Việt ra ngoài, cậu bảo vệ mới đổi ca, đã thấy anh ra khỏi tiểu khu.
“Đúng”.
Cậu bảo vệ cười nhiệt tình, “Vừa rồi có một người phụ nữ mang theo một đứa trẻ đến tìm cô Nam, nói là chị gái cô Nam. Tôi thấy họ khá giống nhau nên cho chị ấy vào rồi”.
Thời Việt hơi giật mình hỏi: “Còn có gì nữa không?”.
Cậu bảo vệ đáp: “Chị ấy hỏi nhà có người không, tôi nghĩ thường thì giờ này cô Nam đã về nhà rồi, nên nói có, chỉ có anh ra ngoài mua thức ăn rồi thôi”.
Dạo này Thời Việt rảnh rỗi, còn về phần Nam Kiều, chỉ cần công ty không có việc gì gấp, cô sẽ đều về nhà ăn cơm đúng giờ, nếu phải làm thêm, ăn cơm xong Thời Việt sẽ dắt chó đi dạo, tiện thể đưa cô về công ty. Dắt chó đi mấy vòng, cả người và chó đều vận động đủ, anh lại đón cô từ công ty về nhà.
Thời Việt hỏi: “Không hỏi gì khác à?”.
“Có hỏi, có hỏi”. Cậu bảo vệ nói, “Chị ấy hỏi anh là ai, tôi nói là chồng cô Nam chứ ai!”.
Tâm trạng Thời Việt liền trở nên nghiêm trọng. Thời gian qua, mỗi tuần Nam Kiều về nhà một lần. từ sau khi bức ảnh chụp trong ngày hội marathon cầu vồng ở công viên rừng Olypic được gửi về, bố mẹ Nam Kiều càng thêm tin chắc Thạch Lịch là con rể tương lai của mình.
Sau khi Nam Kiều và Thời Việt đến với nhau, dù bề ngoài trông vẫn lạnh lùng như trước, nhưng cả nhà đều nhận ra sự thay đổi về tâm trạng và thần sắc của cô, họ đều tưởng cô và Thạch Lịch thành đôi thật rồi.
Lúc mấy người phụ nữ chuẩn bị thức ăn trong bếp, chị dâu của Nam Kiều còn cố tình trêu cô, hỏi khéo xem chuyện giường chiếu của cô và Thạch Lịch có hài hòa không, định bao giờ kết hôn với có con. Nam Kiều không biết nên trả lời thế nao. Mẹ cô thì vui lắm, bẹo má cô cho con dâu xem, “Con xem này, vừa hồng hào vừa mịn màng, khỏi cần ăn tổ yến nữa”.
Chị dâu Nam Kiều cười nắc nẻ: “Đúng là đại bổ”.
Nam Cần khá nam tính, không chịu nổi mẹ và em dâu, chỉ vỗ vỗ đầu Nam Kiều rồi ra ngoài.
Mẹ cô mỉm cười, nói rất chân thành: “Kiều à, năm nay con đã hai tám, hai chín rồi, đây là tuổi sinh con tốt nhất của phụ nữ. Nếu con thích Thạch Lịch, mẹ thấy hai nhà chúng ta làm đám cưới đi, mau chóng đẻ lấy thằng cu, mẹ và bố con đều nghỉ hưu rồi, cũng có niềm vui mới”.
Nam Kiều mấy lần định nói với mẹ người mình yêu là Thời Việt, không phải Thạch Lịch, nhưng thấy tinh thần bà tốt lên rất nhiều sau cơn bệnh nặng, cô lại lo nếu nói thẳng ra như vậy, bà có nhất thời không chịu nổi không. Dù sao bác sĩ đã nói bây giờ hệ tiêu hóa của bà rất yếu, cảm xúc biến động sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bà, mọi người phải luôn giúp bà giữ tâm trạng vui vẻ.
Có lẽ cần một thời cơ thích hợp hơn. Nam Kiều nói với mình như vậy.
Sau đó việc Jaeger ra đời, bay thử, chuẩn bị lễ ra mắt sản phẩm, chuẩn bị số lượng sản phẩm... làm cô bận tối tăm mặt mũi, không có thời gian nghĩ đến chuyện khác nên việc này bị gác lại.
Sắp đến Trung Thu rồi, bố mẹ cô đột nhiên bảo cô muốn gặp Thạch Lịch, hay là đưa anh ta về nhà ăn bữa cơm đoàn viên. Dù sao nhà họ Thạch nhiều con trai, vắng Thạch Lịch cũng không sợ thiếu, họ đã nói trước với bên nhà họ Thạch rồi.
Nhận được điện thoại của bố mẹ xong, Nam Kiều vô cùng phiền não, bèn về nhà bàn bạc với Thời Việt.
Thời Việt nghĩ ngợi một lát rồi nói, em và Thạch Lịch về đi.
Nam Kiều hỏi tại sao.
Anh bảo trong lễ ra mắt sản phẩm của Tức Khắc Phi Hành mới xảy ra chuyện, tên tuổi anh e là không tốt. Nhỡ bố mẹ Nam Kiều biết chuyện, phát hiện anh và Nam Kiều ở bên nhau thật, lại còn giấu họ bao nhiêu lâu nữa thì sẽ nghĩ thế nào? Chi bằng đợi phong ba này qua đi rồi tính.
Nam Kiều nghĩ kỹ lại, cũng cảm thấy anh nói có lý, bèn đồng ý. Thạch Lịch rất dễ tính, sau khi biết Nam Kiều và Thời Việt quay lại với nhau, anh ta rất mừng cho cô, lại bảo cô nếu cần thì cứ tiếp tục giả vờ, dù sao anh ta cũng không chịu nổi việc bố mẹ suốt ngày cằn nhằn bên tai.
Nói thì nói vậy, nhưng có người đàn ông nào giương mắt nhìn cô gái mình yêu khoác tay người đàn ông khác về nhà vào Trung Thu, lại còn phải giả vờ làm người yêu, tỏ ra âu yếm thân mật mà không khó chịu trong lòng chứ? Nếu có thì người đó đúng là thánh rồi.
Thế là đêm đó, Nam Kiều lại bị giày vò. Thời Việt không nói nhiều, chỉ không ngừng quấn lấy cô. Nam Kiều thở dốc, mắng anh là đồ trẻ con, rõ ràng rất thích kẹo mà cứ phải giả vờ hào phóng cho người khác một cái. Thời Việt kệ cho cô mắng, dùng ưu thế của mình ép cô nói những lời vô cùng xấu hổ. Nam Kiều không chịu, anh tất nhiên có cách ép cô, dụ cô, kích thích cô. Nam Kiều cảm thấy cơ thể không còn là của cô nữa, hồn phách cũng bay đâu.
...
Bảo vệ đang nói chuyện với Thời Việt, Thời Việt chỉ liếc mắt một cái là nhìn thấy Nam Cần dẫn Trịnh Hạo ra từ cửa lớn khu nhà. Trước kia từng gặp Nam Cần ở Học viện Quân sự Không quân phương Bắc, nên bây giờ anh nhận ra chị ngay. Anh còn chưa kịp nghĩ xem nên đi tới hay tránh mặt, Trịnh Hạo tinh mắt đã phát hiện ra anh, lớn tiếng gọi:
“Chú Thời ơi!”.
Thời Việt nghĩ bây giờ có tránh cũng vô dụng. Anh gật đầu với Trịnh Hạo qua tấm cửa sắt của tiểu khu, “Tiểu Hạo đấy à”.
Nam Cần nhìn thấy anh liền bước tới mấy bước, đôi mắt nghi hoặc nhìn anh, “Thời Tuấn Thanh?”.
“Không phải đâu!”, Trịnh Hạo có vẻ rất hiểu biết, giới thiệu cho mẹ mình, “Chú ấy tên là Thời Việt, là bạn của dì, sống ở tiểu khu bên kia”. Nó chỉ về phía khu nhà trước kia Thời Việt từng ở.
Nam Cần lạnh lùng nhìn Thời Việt, sự lạnh lùng của chị khác của Nam Kiều, nó mang theo một áp lực đầy uy nghiêm và khó lòng chống đỡ, “Thế à?”.
Thời Việt biết Nam Kiều từng nhờ Nam Cần điều tra hồ sơ của anh ở Học viện Quân sự, bây giờ đứng trước mặt Nam Cần, anh hoàn toàn ở vào thế không có gì che chắn: “Trước kia là thế?”.
“Bây giờ thì sao?”.
Thời Việt không đáp, chỉ trả lời bằng một cái nhìn thản nhiên.
“Vào trong nói chuyện”.
Bảo vệ chủ động mở cửa cho Thời Việt, còn cười với anh. Nam Cần lạnh nhạt nhìn mọi việc.
Thời Việt đi thẳng vào đơn nguyên, Nam Cần và Trịnh Hạo đi sau. Trịnh Hảo cảm thấy rất kỳ lạ, nhưng nhìn thần sắc nghiêm túc có chút giận dữ của mẹ, nó không dám hé răng nói câu nào.
Thời Việt mở cửa bằng vân tay.
“Bao lâu rồi?”, Nam Cần hỏi.
“Nửa năm”.
Thời Việt để thức ăn vào bếp, Nam Cần đứng ngắm căn hộ này. Chị thấy quần áo của hai người phơi lẫn vào nhau ngoài ban công, hai chiếc gối đặt sát nhau, mọi đồ dùng đều là đồ đôi hai màu đen trắng. Căn hộ được bày biện vô cùng gọn gàng sạch sẽ, ngay cả chăn cũng được gấp thành một khối chữ nhật vuông vắn, hoàn toàn mang tác phong trong quân doanh.
Một căn hộ không chia phòng như vậy, có thể nhìn rõ mọi ngóc ngách của nó, mỗi nơi đều nhắc nhở chị một cách rõ ràng rằng, hai người đã sống chung rất lâu rồi, hơn nữa còn vô cùng hòa hợp.
Thời Việt hỏi: “Hai người ăn tối chưa?”.
Nam Kiều đáp: “Ăn rồi”.
“Mẹ... “, Trịnh Hạo có vẻ ấm ức, “Con ăn mỗi một cái hamburger, còn chưa no... chú Thời nấu cơm ngon lắm”.
Thời Việt nhìn Trịnh Hạo: “Thế chú đi nấu nhé”.
Nam Cần lại vào bếp nhìn ngó. Lúc này, khóa cửa vân tay kêu vang, Thời Việt bất giác đi ra cửa, Nam Kiều mở cửa bước vào, ôm hôn anh theo thói quen.
Mọi thứ đều quá tự nhiên, trở thành hành động bản năng không cần suy nghĩ của cả hai người. Khi Nam Kiều buông anh ra, ánh mắt lướt qua vai anh, nhìn thấy chị Nam Cần đứng sau lưng anh.
Cô chau mày: “Chị, chị đến làm gì?”.
Nam Cần cười nhạt: “Không đến khi không biết, đến đây đúng là giật cả mình”.
Đằng nào chị Nam Cần cũng biết rồi, Nam Kiều tỏ ra thản nhiên: “Chuyện là như thế, em muốn nói với chị lâu rồi”.
Thời Việt vào bếp nấu cơm, Nam Kiều ở ngoài kể hết đầu đuôi sự việc cho Nam Cần nghe.
Bữa cơm giải quyết trong bầu không khí trầm mặc. Nam Cần chỉ ăn tượng trưng mấy miếng, cuối cùng buông đũa, quyết định: “Nếu hai đứa đã đến với nhau lâu như vậy, tết Trung Thu mà đưa Thạch Lịch về nhà thì còn ra thể thống gì nữa? Lại để người ta cười chê à!”.
Chị nghiêm khắc nhìn Nam Kiều và Thời Việt, nói: “Hai đứa chuẩn bị, hai hôm nữa là Trung Thu, cùng về nhà gặp bố mẹ đi”.
Chị mắng Nam Kiều: “Em đúng là không hiểu chuyện! Có gì mà phải giấu? Em tưởng giấu được hôm nay sẽ giấu được cả ngày mai à? Lần này bố mẹ muốn gặp Thạch Lịch là định cho hai đứa đính hôn. Nếu không phải hôm nay chị tới đây định nhắc em mua bánh Trung Thu, đến lúc đó biết làm thế nào!”.
Nam Cần ra về, bảo rằng phải đánh tiếng trước với bố mẹ, tránh để hai người bị sốc.
Nam Kiều và Thời Việt không biết nên mừng hay nên lo, có điều dù sao đây cũng là lần đầu ra mắt bố mẹ Nam Kiều, Thời Việt chuẩn bị rất cẩn thận. Thời Việt còn đi cắt ngắn tóc, mua một bộ đồ có vẻ chín chắn hơn, mặc vào trông rất chỉnh tề.
Anh hỏi Nam Kiều: “Bố mẹ em có thích thế này không?”.
Nam Kiều vuốt cái cổ áo trắng muốt thẳng thớm của anh, đáp: “Dù anh không chỉnh trang, bố mẹ em vẫn thích”.
Anh nói: “Sắp gặp thủ trưởng, anh vẫn thấy căng thẳng lắm”.
Cô khẽ cười: “Ngay từ đầu anh đã biết em là ai, sao không thấy anh căng thẳng?”.
Thời Việt khẽ thì thầm bên tai cô: “Đêm ngủ với em, anh cũng hơi căng thẳng đấy”.
Nam Kiều đá anh một cái thật mạnh: “Anh biến đi”
Truyện khác cùng thể loại
22 chương
180 chương
85 chương
29 chương
38 chương
74 chương
185 chương