Phong Vũ Thanh Triều [Quyển 2]

Chương 75 : Hành trình Ngũ Đài Sơn

Sáng sớm, tuyết bắt đầu rơi. Những bông tuyết ào ạt xoay múa trên không trung. Nữ Thần Y đứng yên giữa rừng thông bạt ngàn, một thân bạch y đằm thắm hòa cùng màu tuyết trắng xóa. Giai nhân và cảnh vật vẽ nên một không gian lung linh sống động, mà nàng lại là hình ảnh tươi đẹp nhất trong không gian ấy. Nàng đứng bên cạnh hắc mã dịu dàng vuốt bộ lông đen tuyền của nó. Cũng ở nơi đây, chốn này, năm xưa Cửu Nạn sư thái dẫn nàng và Cửu Dương tới Ngũ Đài Sơn lễ phật, mới đó mà đã hơn mười mấy năm. Giờ nhớ lại vẻ mặt của sư huynh lúc đứng dưới tán cây bên đồi ngâm Tống Từ, Nữ Thần Y thở dài. Bài chưa đọc trọn, đã khiến nàng hóa ngẩn hóa ngơ. Trở lại Xương Môn cảnh khác xưa Cùng đi hà cớ chẳng cùng về Ngô đồng tàn tạ sau sương lạnh Quạnh quẽ uyên ương mất bạn thề Cỏ trên bãi Móc vừa se Chốn xưa mộ mới dạ tái tê… Lòng sầu muộn, Nữ Thần Y nghĩ ngợi vẩn vơ, chợt cảm giác ai đó vén gọn lọn tóc bên tai nàng. Thấy là lạ, nàng bèn quay lại thì bắt gặp Dương Tiêu Phong đang đứng đằng sau lưng nhìn nàng, tia mắt đượm đầy tình ý. Nàng bèn dùng bộ điệu tỉnh bơ ngó lại y tuy nhiên cặp nhãn quan chứa đầy tia nghi hoặc. Dương Tiêu Phong tới đưa nàng mấy cái bánh, nói: - Nàng ăn sáng xong, chúng ta lên đường. Nữ Thần Y chọn lấy bánh hạt sen mà khi còn nhỏ rất thích ăn, nâng lên cắn một miếng. Dương Tiêu Phong cười cười hỏi: - Tối qua nàng ngủ có ngon giấc không? Lời chưa dứt, miếng bánh hạt sen mắc sững nơi cổ họng, Nữ Thần Y bật ho khằng khặc. Dương Tiêu Phong thấy vậy vội cầm nước tới, lo lắng vuốt lưng. Nữ Thần Y uống liền mấy ngụm mới lấy lại được hơi sức. Nét cười nơi khóe miệng rạng ra cả khuôn mặt, Dương Tiêu Phong lại được dịp trêu: - Không ngờ nàng khi ngủ giống hệt một tiểu trư, lúc ăn uống cũng không khác cho lắm. Nữ Thần Y mặt đỏ như gấc chín, bụng ấm ức nhưng vẫn vờ hỏi: - Không biết đại nhân đang khen nô tì hay khen bản thân? Chúng ta rất giống nhau mà. Dương Tiêu Phong hiển nhiên hiểu câu xỏ ngọt, nhún vai đáp: - Bổn quan làm sao địch nổi nàng chứ. Cơ mà... bất quá... ta thích người như nàng, có chăng vui vẻ là chính, không nhiều phép tắc như mấy vị tiểu thư cách cách hằng ngày trong cung! Đoạn ghé tai Nữ Thần Y thì thào: - Mà không biết đêm qua nàng nằm mơ thấy gì nhỉ? Cứ quấn lấy bổn quan không chịu buông. Nữ Thần Y ngẫm nghĩ, đại khái cũng hiểu y đang ám chỉ nàng thất thố, xong chịu không nổi nụ cười của đối phương nữa bèn ném cho Dương Tiêu Phong một tia mắt hắc ám rồi leo lên yên. Dương Tiêu Phong phớt lờ tia nhìn “hung ác” đó, lại cười vô cùng vui vẻ, cuối cùng cũng phóng lên ngựa. Ngồi chung một yên, Nữ Thần Y cứ cảm giác thân hình cao lớn đằng sau lưng nàng làm nàng thở không dễ, chỉ có thể bị vây ở một chỗ, không thể động đậy. Độ xế chiều, người cũng như ngựa đều bải hoải dưới cái lạnh của ngày tàn. Tuy thế mà Dương Tiêu Phong vẫn không ngừng vung roi, cứ chốc chốc vụt lên tron trót, thúc giục con ngựa đã mệt nhoài vì đường sá xa xôi lại phải luôn luôn cất vó nuốt nhanh đoạn đường dài đăng đẳng. Đi thêm một quãng nữa, đột nhiên hai người nghe đâu đấy có tiếng sói lang tru lên lanh lảnh. Tiếng tru giữa buổi chiều tà vắng lặng của miền hoang dã nghe thật rùng rợn làm sao. Lúc đến gần chân núi Ngũ Đài Sơn, Dương Tiêu Phong quyết định dừng lại ở một tiểu trấn bên đường để gởi ngựa trước khi leo bậc thang nghìn bước để lên Thanh Lương Tự. Ngựa dừng vó, Dương Tiêu Phong và Nữ Thần Y đi tìm quán nước, gọi một bình trà và vài món ăn. Chủ quán là một ông lão tóc điểm sương, tay cầm dây cương trao cho tiểu nhị bảo hắn dắt ngựa đi ăn cỏ rồi hỏi thăm hai người dăm câu. Trong khung cảnh im ái ấy lại đột ngột vang lên tiếng sói tru, hơn nữa phảng phất một cái gì khác lạ khiến cho con ngựa đang gằm đầu tìm gặm cỏ non phải giật mình. Ba người đang chuyện trò cũng thình lình bỏ lững câu nói. Lúc này nắng chiều tắt hẳn, mặt trời đỏ ối chìm xuống chân trời phía tây để lộ một dải diễm hồng. Màn đêm bắt đầu ngự trị không trung, cảnh vật ảm đạm thê lương như báo điềm bất trắc sắp sửa xảy ra. - Có lẽ hai vị nên tìm chỗ dừng chân lại đây đêm nay - Ông lão rót thêm trà vô chung, trao cho Dương Tiêu Phong - Đợi sáng mai hãy lên đường vì sắp có một trận tuyết lớn rồi đó. Nữ Thần Y nghe ông lão khuyên vậy máy móc nhìn trời, rồi lại nhìn Dương Tiêu Phong, định nói gì đó nhưng Dương Tiêu Phong đã ngửa mặt lên lặng thinh không nhúc nhích. Nữ Thần Y đành nén lại, cũng nhìn lên trời theo. --oo0oo--- Cách đó khoảng chừng nửa dặm, trong khi Dương Tiêu Phong và Nữ Thần Y nghỉ chân tại tiểu trấn thì có một đoàn người võ công cao cường, thận vận hắc y triển khai thân pháp nhắm hướng đỉnh núi phóng thẳng. Thân pháp của họ cực nhanh, chưa quá nửa thời thần đã lên tới đỉnh. Sau khi đến chùa bày bố đâu đó xong xuôi, họ định theo sơn đạo xuống núi thì chợt thấy một nữ tử đang cầm kiếm đứng chắn giữa lộ. Nữ nhân đó thấy đám người bí ẩn tiến lại gần tuy nhiên khuôn mặt không lộ vẻ thất sắc, dầu chỉ một ít. Nàng ung dung thư thái đưa mắt ngắm vầng thái dương ẩn xuống dãy núi phía tây. Bóng tối lúc bấy giờ rốt cuộc cũng bao trùm, đất đai dần chìm vào màn hôn ám. Nằm trong địa phận huyện Ngũ Đài thuộc địa cấp thị Hãn Châu tỉnh Sơn Tây, Ngũ Đài Sơn hiện ra sừng sững, địa hình kỳ diệu bất thường. Dãy núi được chia thành năm đỉnh. Diệp Đấu Phong phía bắc, Cẩm Tú Phong phía nam, Vọng Hải Phong phía đông và Quải Nguyệt Phong phía tây. Thúy Nham Phong là đỉnh thứ năm nằm ở trọng tâm. Ngũ Đài Sơn được nhận định là một ngọn núi hùng vĩ trong “tứ đại danh sơn.” Vốn là nơi tu luyện của nhiều vị bồ tát nhưng chủ yếu là nơi hiển linh của bồ tát Văn Thù. Tương truyền trong nhân gian, Văn Thù bồ tát hay cư ngụ tại phía bắc trên ngọn núi mát lạnh và trong lành này. Vì khí hậu giá rét, cho nên tên của ngọn núi này còn được gọi là Thanh Lương Sơn. Bên trong Ngũ Đài Sơn có đến ba mươi chín ngôi chùa lớn, bên ngoài còn có thêm tám chùa chiền nhỏ. Trong những ngôi chùa đó thì chùa Nam Sơn là lớn nhất, được kiến trúc vào thời nhà Nguyên. Chùa được chia thành bảy lầu, ba tầng dưới gọi là Cực Lạc tự, tầng chính giữa là Thiện Đức đường, ba tầng trên cùng là Hữu Quốc tự. Những ngôi chùa quan trọng khác còn có chùa Hiển Tông, chùa Tháp Viện, chùa Thọ Ninh, chùa Bích Sơn, chùa Bồ Tát, chùa Thê Hiền và nhiều nữa. Lại nói tới cuộc hành trình đến Ngũ Đài Sơn tìm tiên hoàng. Thời tiết tháng hai thật lạnh vô cùng, dù ánh dương đã buông trùm trên vạn vật nhưng cái lạnh thấu xương vẫn đọng lại khắp mọi nơi. Dương Tiêu Phong khẽ nhíu mày, mơ hồ cảm giác có điềm không ổn. Con đường lên Nam Sơn tự quá là bình yên, nhưng sự an lành này lại làm cho chàng chột dạ. Bụng tự nhủ chẳng thà bọn sát thủ lộ diện hành thích, lúc đó dễ dàng đối phó hơn, đằng này… Dương Tiêu Phong nhớ đám tay sai của Ngao Bái ra mặt đuổi theo lúc chàng và Nữ Thần Y vừa rời Thành Tử Cấm, nhưng sau khi hai người trú mưa ở trong hang động thì một tiếng vó ngựa cũng không. Chẳng lẽ… đã đánh lạc hướng được bọn chúng? Dương Tiêu Phong bán tin bán ngờ, nghĩ rồi quay sang Nữ Thần Y định bảo nàng tăng cường cảnh giác tuy nhiên nàng lại hồ hởi thưởng thức phong cảnh, đôi mắt mải mê ngắm vẻ kiêu hùng của thiên nhiên, đâu còn tâm trí suy nghĩ đến việc gì nữa. Dương Tiêu Phong nhìn theo tay chỉ của Nữ Thần Y, phát hiện hoàng hôn trên núi có khác, từng cụm mây trắng phao phao sà xuống, treo lủng lẳng trên cành thông xanh. Đứng ở đây so với thiên địa vạn vật, phàm nhân chỉ là những hạt bụi nhỏ nhoi giữa đất trời, non nước giang san thật tình bao la hùng vĩ. Độ chiều tàn hẳn. Hai người mới đến được tam quan. Thời bấy giờ, Nam Sơn tự được kiến trúc theo kiểu “ngũ môn tam cấp,” tức năm cửa ba bậc, qua cổng là đến sân. Hai bên sân là hai dãy nhà làm nơi ăn nghỉ cho du khách trong những ngày lễ hội. Qua khỏi khoảnh sân rộng đó là đến bảo thềm, cũng là một cái sân với diện tích nhỏ hơn sân trước khoảng chừng một phần hai. Trước bảo thềm này đặt một đỉnh đồng dùng để đựng nhang đèn. Hai bên bảo thềm có xây năm gian nhà xí dành riêng cho khách ngủ trọ. Dương Tiêu Phong và Nữ Thần Y đi qua hai cửa tam quan, thấy hai bên tam quan có dựng một gác trống bên trái và một gác chuông bên phải. Tam quan nối thẳng vào tam bảo, nơi này chính là nơi thờ phật Văn Thù, cũng là nơi xây các buồng sư, buồng cung văn, nhà dấu, nhà oản. Phía sau tam bảo là điện Thánh Mẫu, gác tàng thư, nhà Tổ và Thiên Thủy tháp. Lúc bấy giờ có nhiều khách viếng chùa đang thả những quan tiền xuống hai bể nước ở hai bên tam bảo. Phương trượng trong bộ cà sa màu vàng nghệ đứng chắp tay cảm tạ họ. Trong khi Nữ Thần Y đang gia nhập vào đoàn người để thắp nhang cho pho tượng Văn Thù bồ tát thì Dương Tiêu Phong tranh thủ hỏi thăm phương trượng về vị đại sư nọ. Thái hoàng thái hậu quả thật nói không sai, phương trượng vừa nhìn thấy bức chân dung đó đã không ngần ngại nói: - A di đà phật, thí chủ hãy đến chùa Trấn Hải sẽ gặp người muốn tìm. ---oo0oo--- Thấp thoáng ở lưng chừng núi, Trấn Hải tự trầm tư nằm gọn trong lòng màu xanh của cây cỏ, cùng với sự lung linh của những đám mây trắng vờn bay. Chùa được xây dựng trên mảnh đất hình chữ nhật chạy dài suốt từ con suối cho tới mé bờ vực thẳm. Cảnh sắc trên đường tới đó liên tục thay đổi, làm cho du khách mải mê đắm chìm bởi cảnh sắc của thiên nhiên. Từ các tán cây rậm rạp mang hình thù linh thú cho tới con suối chảy róc rách, thân cây cổ thụ tỏa bóng như bao trùm mọi vật, những đám rêu phong bám trên đá, thân cây dọc đường đi tạo nên vẻ u tịch cần có của chốn tĩnh tu. Một không gian thật tĩnh lặng thanh bình, núi đồi yên ả với nhiều cảnh sắc kì thú của vùng đất sơn thủy hữu tình. Lại nữa quanh năm ở đây khói nhang nghi ngút khiến chùa toát thêm vẻ trang nghiêm và thành kính. Ngôi chùa này là một trong những ngôi chùa hội đủ tam thế phật với huyền thoại đẹp đẽ về đời và đạo, giúp nhân sinh gần thêm với cõi thiện. Chùa Trấn Hải là sự kết hợp tài tình giữa cảnh sắc thiên nhiên, cộng với quần thể kiến trúc tôn giáo, tạo thành một vẻ đẹp hài hòa, thật đúng y câu “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này.” Nhắc tới Dương Tiêu Phong và Nữ Thần Y. Khi hai người đến Trấn Hải tự thì bầu trời đã nhá nhem tối. Tam quan nội ngoại đều đóng kín. Tứ bề thâm nghiêm u tịch. Phong cảnh thanh tịnh của chùa đáng lẽ phải làm cho du khách cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm như tơ, không còn những mối căng thẳng hoặc lo âu hối hả hằng ngày nữa cớ nhưng hai người họ lại không cảm nhận vậy. Mắt trông cảnh chùa cô tịch, đêm tối im lìm không một bóng người, Dương Tiêu Phong nắm chặt bàn tay của Nữ Thần Y. Họ đi qua tam quan, sân chùa tối thui. May mắn còn có ánh trăng nhưng tia sáng lại soi xuống các chậu kiểng và hòn non bộ tạo nên những hình thù rùng rợn. Dương Tiêu Phong và Nữ Thần Y lia mắt quan sát xung quanh, thấy đại đa số những vật liệu dùng để xây chùa Trấn Hải đều được làm bằng tre tranh, và gỗ. Riêng mái chùa được lợp bằng gạch và ngói đỏ. Chùa Trấn Hải hình chữ “công,” có nhà chính điện và nhà bái đường song song với nhau. Hai nhà này được nối liền bằng một ngôi gọi là thiêu hương, nơi trù trì làm đại lễ. Dương Tiêu Phong và Nữ Thần Y đưa mắt nhìn nhau như thầm hỏi, rồi đồng loạt bước lên bậc thềm vào tiền đường. Hương án đang ngun ngút khói. Trên các cây cột gỗ lim có khắc tên những người đóng góp công đức. Còn một danh sách tên tuổi nữa được ghi trên bàn thờ bằng đá, các loại đồ sứ, bát hương, bình hoa, và cả chân đèn. Vẫn không tìm ra bóng dáng chú tiểu lẫn nhà sư nào hết, cả hai đành tiến vào chính điện. Ở giữa nơi bái đường và chính điện là một khoảng sân trống có nhiều bao phục lớn, miệng bao được cột chặt. Nhà chính điện chẳng có gì khả nghi, chỉ có nhiều pho tượng phật đang trang nghiêm trên bàn thờ. Đang định dẫn Nữ Thần Y quay trở ra ngoài, Dương Tiêu Phong bất thần dừng bước, hỏi: - Nàng có nghe tiếng gì không? Nữ Thần Y nghiêng đầu lắng tai, mừng rỡ nói: - Hình như có tiếng tụng kinh ở tăng đường. Chúng ta mau mau đến đó! Thẳng đường cất bước, họ vào sâu bên trong chùa, qua nhà chính điện, men theo hành lang song song hai bên chính điện đi đến nhà tổ hậu đường. Trên hành lang lại có nhiều bao phục, miệng bao cũng bị buộc túm lại. Thêm vào đó trên mặt đất của hậu đường ngổn ngang nhiều đoạn thạch khối đổ nát. Nữ Thần Y trông những hình khối giống như bị tàn phá, cảm giác hoang mang, tức khắc quay sang bên cạnh thì chạm ngay ánh mắt sắt bén. Dương Tiêu Phong đang nhìn nàng, sắc diện cũng bất ổn không kém. - Đại nhân nhìn xem – Nữ Thần Y giơ tay chỉ tứ bề, hạ giọng - Nơi này không hề giống với các chùa chiền gần đây, xung quanh không có lấy một bóng người. Đã vậy, nơi đây lại có nhang đèn trong đỉnh, ngay cả sân chùa cũng được dọn dẹp rất tốt, không có cọng cỏ dại nào mọc. Điều này chứng tỏ là chùa này được chăm sóc rất chu đáo, ngoài mấy cái bao phục to tướng nằm rải rác và đống đất đá đổ nát. Dương Tiêu Phong không nhận xét gì, chỉ khẽ gật đầu đồng tình rồi kéo tay nàng đi đến tăng đường. Khi đến tăng đường, Nữ Thần Y nhanh tay đẩy cửa. Cánh cửa bằng sắt tức thì mở ra, bản lề di chuyển êm ái như xoay trên nhung. Hai người vừa đặt chân vào thì từ bên trong tăng đường bỗng có khí lạnh bốc ra, rờn rợn người khiến cho cả hai cảm tưởng như sắp sửa trông thấy một cái gì ngụy dị thần bí lắm. Rốt cuộc nơi này cũng chẳng thấy ai cả, dường như kẻ tụng kinh vừa rồi bốc hơi đi khỏi vậy. Ở tăng đường chỉ có nhiều pho tượng thờ đa dạng. Gian giữa bày tượng Thánh Tăng và Đức Tổ Tây Bồ Đề Đạt Ma, bên cạnh là Quan Âm Tống Tử, Quan Âm Tọa Sơn, Thiện Tài Long Nữ. Tất cả các bức tượng thờ này được đặt cùng chung với nhau trên một bục gỗ khá lớn. Phía sau bục gỗ có tấm màn màu đen chắn ngang. “Không biết đằng sau tấm vải đó là gì?” Nữ Thần Y tự hỏi. Rồi nhác thấy pho tượng phật bà Quan Âm bằng đá xanh đang ngồi trên tòa sen, nàng vụt buông tay Dương Tiêu Phong, quỳ mọp xuống chân bục gỗ lầm rầm cầu khấn. Tượng phật bà Quan Âm có dáng người thon thon, gương mặt trái xoan, cổ cao ba ngấn. Chân trái để trần đặt lên đài sen, chân phải hơi co, tay trái cầm một viên ngọc minh châu, lá sen tỏa ra mềm mại như có một cơn gió nào đó đương lay động dưới chân tượng. Nữ Thần Y quỳ gối thành tâm nguyện cầu. Xong xuôi, nàng toan đứng dậy thì thấy có một vết đỏ dưới chân bục gỗ. Vết đỏ trông hơi mờ, hình như đã được chùi rửa qua cơ mà vẫn không sạch hẳn. Nàng bèn chỉ Dương Tiêu Phong: - Đại nhân xem kìa, phải chăng chính là... Nữ Thần Y thốt tới đấy thì bỏ lửng câu nói tuy nhiên Dương Tiêu Phong hiểu ngay nàng muốn ám chỉ điều gì, tuy vậy lại không đi đến xem mà vòng ra phía sau bức màn. Nữ Thần Y bật dậy bám sát, vừa vào tới đã khựng. Uế khí thoang thoảng đưa lên mũi, tinh phong huyết vũ nổi lên khắp nơi.