Phong Vũ Thanh Triều [Quyển 2]

Chương 15 : Chân mạng thiên tử

Mới độ đầu giờ Thân mà vầng thái dương đã sớm nép mình sau làn mây xanh lơ. Từng tia nắng gắt gao bỗng chốc thôi còn nhảy múa bên hiên nhà. Cố cung đang sáng bừng chợt bao phủ bởi tầng sương mù của trời chiều chạng vạng. Hơn ba thì thời trôi qua, Khang Hi lâm triều còn chưa bãi giá. Đến quá giờ Thân, biết cuộc hẹn ấn định với thái hoàng thái hậu có nguy cơ không thể hoàn tất, Lôi Kiến Minh bèn nhờ phó tướng mai lặc chương kinh Tô Khất thay thế Phủ Viễn đại nhân hộ tống Nữ Thần Y vào Khôn Ninh cung. Lần đầu tiên đặt chân vào Tử Cấm thành, nàng thẫn thờ dán mắt vào những mái ngói lưu ly màu vàng, say mê ngắm nhìn sông hộ thành hà và tường ngăn màu đỏ. “Hoàng cung thật ra là một nơi như thế nào,” Nữ Thần Y tự vấn “mà khiến những người tánh tình dù có nông nổi đến đâu, vào cung cũng biến thành nghiêm trang cẩn mật?” Tử Cấm thành lấy chữ tử đại diện cho màu tím theo thuật số Tử Vi Viên. Tương truyền thiên đình định hướng ở nơi có chồm sao bắc đẩu, xung quanh vòm sao này là khu vực của lão Thiên. Đương kim hoàng đế vốn là nam tử của thiên đình, ngài hạ phàm nhằm cai trị chúng sinh. Bởi vậy mà nơi an cư của ngài cũng phải tương tự như cung đình nên được gọi là tử, còn hai chữ cấm thành dùng để chỉ khu vực cấm địa, ngoài quan binh, tì thiếp và các nô bọc thì phàm nhân tuyệt nhiên không thể ra vào. Tử Cấm thành có dạng hình vuông, được bố cục chặt chẽ và đối xứng hai trực tuyến nam bắc. Các kiến trúc đa số đều hướng về phía nam để tránh gió mùa. Xung quanh hoàng cung được bao bọc bởi con sông hộ thành hiền lành, hoàn toàn xung khắc với những bức tường cao lớn đầy đe dọa. Khu vực có tường thành bao quanh gọi là hoàng thành, và vây quanh hoàng thành là khu thành nội, về phía nam là thành ngoại. Trong thành vốn xây dựng nhiều cung điện, đầy ắp những cửa ngõ, khu viện và đình viên. Tổng sơ lược có đến chín ngàn chín trăm chín mươi chín gian phòng dành riêng cho hoàng gia và tùy tùng trú ngụ. Ngoài ra, bốn mặt tường thành còn có bốn cổng ra vào. Cổng Ngọ Môn nằm ở phía nam, tương phản cổng Thần Vũ Môn tại phía bắc. Cổng Đông Hoa Môn đối diện cổng Tây Hoa Môn. Qua khỏi Ngọ Môn là một đại viện có kim thủy hà xuyên ngang. Trên sông ngự năm cây cầu đá tượng trưng cho ngũ đức, vượt khỏi cầu là đến viện lạc Thái Hòa Môn. Thái Hòa Môn là nơi ngự tọa của điện Thái Hòa. Cung điện đứng sừng sững trên nền cẩm thạch, là nơi chính thức diễn ra các đại lễ quốc sự quan trọng của hoàng triều. Lúc đó, hoàng thượng sẽ an vị uy nghi trong tiếng chuông vàng vang vọng, để rồi tiếp nhận sự quỳ lại bởi hàng trăm vị chư hầu văn võ bá quan. Đi xuyên Thái Hòa Môn là hai cung điện Trung Hoa và Bảo Hòa, còn hướng về phía bắc thì có cung Càn Thanh, nơi hoàng đế Khang Hi an nghỉ. Lại nói về cuộc hành trình đến Khôn Ninh cung. Phó tướng mai lặc chương kinh Tô Khất cùng bốn tên binh sĩ hộ tống Nữ Thần Y lên đường qua cửa Tây Hoa Môn. Họ không vào Ngọ Môn vì đó là cửa chính, chỉ dành riêng cho hoàng đế. Đoàn người đi rất lâu, cuối cùng dừng chân trước cánh cổng của một khu viên lâm yên tĩnh, đập vào mắt là hàng chữ Khôn Ninh Môn. Cung điện toát màu trắng xóa. Mặc dầu là tiết đông nhưng hậu cung được trang trí với vô số chậu hoa nhài, vốn là cống phẩm dâng hiến từ phương nam. Hai bên hành lang tràn ngập hương thơm phiêu dật nồng nàn. Những chiếc lá xanh mướt nền nã hòa mớ tuyết đọng trên cành đẹp tựa xâu bích ngọc lung linh. Hàng vạn bông hoa trắng nõn mềm mại như chùm lộ thủy lấp lóa. Nữ Thần Y sững sờ bước chân, niềm vui thích râm ran trong lòng “không hiểu nơi này lấy đâu ra hoa mà lắm thế?” Âm trầm bước vào một căn phòng huy nga tráng lệ, Tô Khất và toán quân lính trao nàng cho một cung nữ rồi cáo từ. Tay khép cánh cửa điêu khắc hoa văn, cung nữ nhẹ giọng nói: - Thái hoàng thái hậu đang chờ cô nương. Nữ Thần Y vừa vào trong liền trông thấy một bà lão mái tóc muối tiêu, ăn vận cao sang quyền quí, y phục đính trân châu, tóc cài trâm phĩ thúy đang an vị trên ghế ngọc. Cốt cách quý phái, tay nhịp tách trà vàng, bà không nói gì mà chỉ nhìn nàng một thoáng rồi kề miệng vào tai một phụ nữ khác. Cuộc đối thoại diễn ra chừng mấy mươi giây. Nữ Thần Y đứng cách một quãng nên không nghe rõ họ to nhỏ những gì, chợt có tiếng quát đanh: - Dân nữ to gan, gặp thái hoàng thái hậu mà không quỳ thỉnh an. Ngươi thật đáng chết! Nữ Thần Y giật nẩy mình, lật đật nhìn sang bên phải, phát hiện một vị công công đang long mắt ngó nàng. Y thét xong thì vụt lại phía sau lưng, tung chân đá một cú. Hai gối bất thần bị đốn, Nữ Thần Y không muốn cũng quỳ sụp xuống sàn, cơ mà nhanh chớp nhoáng thì đứng bật dậy trở lại. Tất cả mọi người trong gian phòng sững sờ, nhất thời không biết ứng đối thế nào với dân nữ có lá gan to hơn hùm. Họ còn đang phân vân thì linh quang lóe tia căm phẫn, Nữ Thần Y hếch cằm trừng trừng nhìn lão bà đang an ngự trên ghế trụ, xuất khẩu ngữ mà chẳng chịu nhún nhường chút nào: - Ta là thần dân Hán tộc – Nàng khinh khỉnh hỏi - Sao phải quỳ bái lại bọn ngoại tộc các người? - Tiện nhân – Vị công công nọ hét toáng - Không được xuất khẩu ngông cuồng trước mặt lão phật bà! Tai nghe công công ví thái hoàng thái hậu Hiếu Trang hiền từ đức hậu như Quan Thế Âm, Nữ Thần Y cau mày nói: - Ta không biết các người có thật sự ngồi yên trên tòa sen cả ngày tụng kinh niệm phật hay không, nhưng ta dám chắc các người không hiểu đạo lý thương dân như con là gì cả! Và chẳng cho ai cơ hội đối đáp, nàng gằn giọng tiếp lời: - Triều đình Mãn Châu các người tự vỗ ngực xưng danh là thiện lương bác ái, thế mà lại bỏ mặc sự đói khát của thường dân. Các người chỉ biết suốt ngày tọa trên chiếu hoa hưởng thụ, chứ không hay biết vạn dân lâm cảnh màn trời chiếu đất. Các người vốn không hề quan tâm đến sự sống chết của bá tánh! Rồi trước hàng chục gương mặt sửng sốt của a hoàn, ma ma lẫn công công và thái hoàng thái hậu, Nữ Thần Y hậm hực chất vấn: - Nếu các người vẫn cố chấp không tin thì để ta hỏi các người, lắm lúc nhân gian gặp nạn hạn hán, các người có bao giờ xuất kho tiếp tế lương thực hay không? Ngoài miệng các người luôn niệm nam mô nhưng bản thân thì núp phía sau bức tường thành kiên định, cả ngày ăn ngon mặc đẹp, giả bộ hiền lành thục đức. Rồi khi Hoàng Hà vỡ đê thì lúc đó các người lại ở đâu? Đã đành thiên tử phải yêu dân như con, còn các người bỏ chút công sức và ngân lượng để giúp dân đắp đê khoanh vùng cũng không có. Thử hỏi một triều đại sa đọa như thế thì lấy tư cách gì bảo ta phục tùng? Dường như đã xếp đặt sẵn bản kết tội, Nữ Thần Y chỉ chừ hồi tưởng trong đầu xong đọc lên. Ở chính giữa gian, thái hoàng thái hậu ngự trên ghế trụ, lẵng lặng nhìn nữ tử mỹ lệ, son phấn không thoa, khuôn mặt tươi mát. Phong thái của nàng lịch sự tao nhã, mày như trăng non, hai mắt có thần, sóng mũi thon cao cộng làn môi anh đào đứng liệt kê tội trạng. Nàng vận chiếc váy màu hồng phấn, vạt áo đồng màu có thêu nhành mai vàng, tóc đen như mây búi lên đơn giản. Cả người không tự ti hoặc là kiêu ngạo, không chút lo sợ, cũng không như mẫu đơn đẹp đẽ quý phái, không như hoa hồng xinh xắn song đầy gai. Mà trái lại, nàng giống hệt u lan vô cốc, đôi lúc càng ngắm càng từa tựa đóa tuyết liên trên đỉnh Thiên Sơn. Đơn thuần, thánh khiết và cao nhã. Thái hoàng thái hậu trầm tư đợi Nữ Thần Y luận xong tội tình của triều đình đại Thanh, rồi hất đầu ra hiệu cho ma ma lên tiếng. Ma ma từ tốn đi đến đối diện vị cô nương mà dân gian tương truyền là tái thế Hoa Đà, hòa nhã biến bản thân thành chiếc cầu nối giữa những người bọn họ: - Nữ Thần Y cô nương – Ma ma tự bạch – Ta là Dung ma ma. Từ cổ chí kim ta không ưa vòng vo Tam Quốc, thành thử nhân tiện xin nói thẳng, hôm nay thái hoàng thái hậu truyền triệu cô vào cung không phải để nghe giáo lý của cô. Nữ Thần Y hơi chột dạ nhìn người phụ nữ trước mặt. Dung ma ma ôn tồn tiếp lời: - Thái hoàng thái hậu nghe đồn y thuật của cô đứng đầu trung nguyên, nên muốn cô giúp bà một việc. Thần sắc ung dung tự nhiên, ánh mắt xinh đẹp ngời ngời trí tuệ, Nữ Thần Y yên tịnh lắng nghe Dung ma ma nhập đề: - Đương kim hoàng đế lâm bệnh đậu mùa ác tính. Lúc ban đầu, giai đoạn tiền triệu kéo dài bốn ngày, chẳng may dẫn đến sốt cao rồi nhiễm độc huyết khiến giác mạc bị sẹo. Hiện tại ngài không thấy gì. Thái hoàng thái hậu có truyền triệu rất nhiều y sĩ đến điều trị nhưng toàn thể các vị lương y trong Thái Y Viện đều bó tay. Bởi thế nên thái hoàng thái hậu muốn mời cô tới Càn Thanh cung chuẩn trị cho ngài. Dung ma ma vừa dứt lời thì thái hoàng thái hậu mỉm cười đưa ra điều kiện thảo luận. Giọng nói của bà nhẹ nhàng như gió thoảng mây bay, vọng tới tai Nữ Thần Y: - Nếu cô nương khẳng khái trợ giúp, mai này hoàng thượng bình phục, ai gia sẽ nhất định trọng thưởng cho cô hậu hĩ vô cùng. Vì thái hoàng thái hậu xuất ngôn lịch thiệp, Nữ Thần Y dầu có căm hận triều đình nhà Thanh thấu tận xương tủy cũng đành nhỏ giọng đáp lời: - Dân nữ chỉ là một y sĩ bình thường, chuyên chữa trị dùm Hán dân, vốn không có tài cán để chuẩn trị đại Thanh thiên tử. Xin thái hoàng thái hậu tha thứ, dân nữ thất ý, không thể thi hành yêu cầu của người. - Ngươi…! - Dung ma ma tức khí nghẹn lời, có nằm chiêm bao cũng không ngờ một nữ tử nhỏ nhoi lại cả gan từ chối yêu cầu chửa trị bệnh tình của đương kim hoàng thượng. Trong khi các lương y khác tranh đua tìm phương thuốc, ả lại khăng khăng khước từ. Thế là Dung ma ma lập tức nổi cáu để chứng tỏ bản thân là người có năng lực, muốn thể hiện quyền uy, và trên hết là muốn nữ nhân này phục tùng thánh ý. - Ta nghe danh cô là một lang y trung hậu – Dung ma ma thốt lời dè bỉu – Từng được nhân dân mến thương nhưng tiếc thay khi tương tụ lại không phải vậy. Cô là một y sĩ, cớ sao nhẫn tâm từ bỏ công vụ chữa trị bệnh nhân? Cô thật không đáng là danh y, mà chỉ đáng để người đời khinh thường! Nữ Thần Y cương quyết phớt lờ ba câu chói tai. Cứ coi lời chê bai của Dung ma ma hệt tiếng ruồi kêu vo ve, nàng không mảy may tỏ vẻ bối rối hay là tức tối. Chịu không nổi thái độ khinh bỉ triều đình Mãn Châu, Dung ma ma quay gót trở lại thì thào vào tai thái hoàng thái hậu: - Ả chẳng qua chỉ là một lang y giang hồ, bây giờ chúng ta nhận xét là thần y thì quả có đánh giá cao ả quá. Trước tiên hẳn cứ mềm dẻo với ả, một là thuận theo ý của lão phật bà, hai là dụng hình cho ả khiếp sợ oai phong… Vị công công lúc nãy cũng đến gần thái hoàng thái hậu, thêm lời cay nghiệt: - Suy cho cùng thì nhìn tướng mạo của ả, vốn là thứ dân mọi rợ không có nề nếp chi hết. Ngay cả Ngạo đại thần còn phải chỉn chu giữ phận trước mặt lão phật bà, còn ả là một dân nữ lại dám ngang ngược hỗn láo đến thế đấy. Nô tài nghĩ chắc không cứng rắn thì ả sẽ không bằng lòng chuẩn mạch cho vạn tuế gia… Thái hoàng thái hậu chẳng biết trong lòng nghĩ gì mà nín lặng nhíu mày nhìn chằm chằm Nữ Thần Y, chả rõ có thông những điều hai tên nô tài đóng góp. Dung ma ma và công công chờ có đến nửa khắc, thái hoàng thái hậu mới đưa ra quyết định ứng phó nữ nhân xấc xược vô lễ. Bà yêu kiều nhún vai như thể không để tâm: - Tùy ý hai người lo liệu, ai gia chỉ muốn sức khỏe của hoàng thượng bình phục toàn phần. Dung ma ma cả mừng, đứng thẳng lưng và giơ tay trỏ mặt Nữ Thần Y: - Ta hỏi lần cuối, cô có đồng ý chữa trị căn bệnh hiểm nghèo của ấu chúa hay không? Nữ Thần Y u oán liếc Dung ma ma, lộ vẻ không ưng lòng. Dung ma ma chớp mắt tức giận tột đỉnh, xong nhanh chóng hồi phục thần thái trầm tĩnh, lạnh lùng hạ lệnh: - Người đâu, chuẩn bị dụng hình! Hoàn toàn trái hẳn dáng vẻ yếu mềm khóc lóc đau thương của ngày hôm qua, Nữ Thần Y điềm đạm nói vắn tắt: - Cho dù có chết ta cũng không bằng lòng! Chầu chực đôi bên đánh tới nước cờ này, công công tuyệt vọng nhìn thái hoàng thái hậu: - Xem như không thị oai với ả thì không xong! Thái hoàng thái hậu ngồi im mân mê xâu chuỗi tràng hạt, đầu gật khẽ và mắt nhắm nghiền. Bà hít mấy hơi thật sâu rồi ngoảnh mặt về phía pho tượng phật nghìn tay nghìn mắt. Lòng không muốn dự phần vào tấn tuồng sắp sửa diễn biến giữa vị cô nương chưa quen biết và hai kẻ nô tài. Bà càng không muốn nhìn thấy cảnh máu me be bét vì cuộc sống của bà đã quá đủ rầu rĩ âu sầu, đâu cần máu tươi để nhuốm thêm bi thảm nữa. Kết cuộc, thái hoàng thái hậu đứng dậy bỏ ra khỏi thư phòng. Hai a hoàn nâng tà áo dài nối gót theo sau. Chờ cho bóng dáng cao sang khuất lấp đằng sau ngạch cửa, Dung ma ma mỉm cười nhìn công công. Trong nháy mắt, Nữ Thần Y bị hai a hoàn lôi đến giữa gian phòng. Bốn bàn tay ấn vai, nàng đành quỳ chuẩn bị chịu cực hình tra tấn. Công công giơ hai ngón tay móng dài thậm thượt nâng cằm nàng lên, trợn tròn mắt hỏi: - Ta xem ngươi cứng miệng như vậy, không biết mình mẩy có cứng thế không? Có chịu nổi một trăm hèo không đấy? Cùng chung phe phái giết người không gớm tay, Dung ma ma hừ mũi chế nhạo: - Còn ta thì chắc chắn ả chừng không chịu nổi vài mươi hèo. Nữ Thần Y đang tẩn mẩn ngẫm thầm nàng có chịu nổi mười hèo hay chăng thì hai a hoàn khác tiến đến nhét giẻ vào mồm, nhưng Dung ma ma cười gằn nói: - Không cần! Làm thế cô ta không phát tiết được, khí chảy ngược vào nội tạng dễ đi chầu Diêm Vương lắm. Công công hoan hỉ vỗ tay tán thành: - Đúng rồi đó, để ả chết mau như vậy thì còn chi thú vị? Ta phải cho ả lâm cảnh muốn sống không được, muốn chết cũng không xong! Đầu ong ong, Nữ Thần Y chẳng thiết nghe họ bày mưu lập kế gì thanh toán nàng, chực nhìn mấy cây roi dài trong tay a hoàn thì khiếp hãi tận cùng tâm khảm. Mới ban đầu, nàng còn tỉnh táo cắn răng chịu đựng. Nhưng khi ngọn roi bắt đầu quất xuống như mưa bão thì nước mắt tuông trào khắp bờ môi. Dung ma ma đích thân cầm hung khí, cùng một a hoàn căng thẳng roi mà quất. Chưa đầy nửa cây nhang, tóc tai tử tù cực kỳ rối rắm, thân thể tay chân đầy vết thương. Vút! Vút! Vút! Các ngọn roi lại quất xuống liên hồi. Hết roi này đến roi khác, chẳng bao lâu máu rịn ướt toàn thân, đa phần là ở trên lưng, rồi loang dần loang dần. Trong cơn đau xé ruột, Nữ Thần Y liên tục thét lên từng tiếng. Hai kẻ nô tài hè nhau quất roi về phía trước, phía sau, bên phải, bên trái. Đôi lúc nhắm ngay chỗ hiểm của đối phương mà đi roi. Tệ hại hơn thế, roi đi đến đâu là câu vào y phục đến đó, xé toạt một mảng ngay tấp lự. Nữ Thần Y lăn lộn trên nền gạch lạnh như băng, ngỡ là hố huyệt chôn thây của nàng. Sau phần dụng hình tơi tả dưới tay Dung ma ma, Nữ Thần Y nằm sấp xuống sàn bất tỉnh. Công công bèn dẫn thêm ba a hoàn khác bước tới đá vào eo nàng vài cái. Thấy nàng vẫn không cử động, công công nhếch môi cười nửa miệng trước khi bưng tách trà nóng tạt vào những vết trầy xước trên lưng nàng. Hét một tiếng xé trời, Nữ Thần Y từ từ hé mắt. Hồn phi phách tán, nàng lập tức co rúm người lại nhưng ba a hoàn lao đến ấn tứ chi của nàng xuống sàn nhà. Những tưởng trận mưa roi làm cả người nàng bê bết máu, cảnh tượng thê thảm không gì sánh được, thế nhưng lần dụng hình thứ hai còn tệ hại hơn. Nữ Thần Y thu hết tàn sức liếc nhìn. Trên sàn có để một hộp gấm nhỏ, trong đó chứa vô số cây kim mỏng, nhọn và dài khoảng năm phân. Công công nửa ngồi nửa quỳ trước mặt nàng, giơ một tay lên thư thả gãi chiếc cằm nhẵn nhụi. Y nheo mắt nhìn nữ tù nhân ngoi ngóp như cá trên thớt, bất chợt nắm tóc nàng giật ngược ra sau. Bốp! Công công tát nàng một tát tai, lực đánh rất mạnh khiến nàng xây xẩm mặt mày. Rồi chưa hả giận, y hất đầu ban lệnh hành hung. Cái hất hàm của công công giống hệt một phát hiệu lệnh. Các a hoàn khác mỗi người nhặt lên một cây kim, vung tay ra sức đâm thật mạnh vô vai và lưng nàng. Cơn đau đớn thứ hai khiến cơ thể nàng toát mồ hôi như tắm. Nhân chi sơ tính bổn thiện, thế mà công công làm ngơ trước tiếng kêu gào thê lương, đứng dậy phủi tay cười hềnh hệch, đoạn nói lớn: - Tiện nhân như ngươi cần chi đôi co cho phí nước bọt của ta. Ngươi không ra sức cứu đương kim hoàng thượng thì chỉ có đường xuống âm tào địa phủ đoàn tụ với lũ Giang Nam bát phỉ!