Phong Vũ Thanh Triều [Quyển 1]

Chương 11 : Hồi dương

Giang Nam. Hắc Viện. Bình minh. Sáng sớm tinh sương, Trương Quốc Khải thức giấc. Cơn sốt ác nghiệt lui hẳn. Thần khí tỏa sắc hồng hào. Chàng đã không sao. Âu cũng là nhờ công lao bái thiên khấn địa của Lâm Tố Đình, tài chữa bệnh của Nữ Thần Y, và lượng huyết mạch của một số thành viên bang hội. Tin Trương Quốc Khải thức tỉnh mới vừa được truyền bá từ miệng của Lâm Tố Đình thì Cửu Dương, lão Tôn, cùng chục thành viên bang hội tranh giành nhau ùa vào thư phòng, nhanh như thác đổ. Lão Tôn kính cẩn đỡ Trương Quốc Khải ngồi dậy tựa lưng vô vách tường trong khi chục thành viên bang hội rối rít hỏi thăm tình trạng sức khỏe của tam đương gia. Tâm can của tất cả mọi người rộn lên, tư duy hân hoan không tả xiết, miệng mồm tíu tít. Lâm Tố Đình nhe răng cười tới nỗi khép môi không được, cái mỏ của nàng há thiệt to, rộng đến tận mang tai, suýt soát là sái quai hàm. Cửu Dương đứng ở cuối giường, nhường chỗ cho mấy người kia tía lia. Khi bọn họ nói đã đời thì chàng mới tiến lại gần, chúc mừng sư huynh. Cửu Dương thở phào sung sướng: - Quả thật hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân. Và chàng đặt tay lên vai Trương Quốc Khải, cố ý muốn truyền thêm dũng khí. Trương Quốc Khải khụt khịt mũi cảm động, rồi cung hai tay trịnh trọng đáp lễ: - Đa tạ sư đệ. Ở trong bang hội Đại Minh Triều thì Trương Quốc Khải là tam đương gia, ngồi chiếc ghế thứ ba, sau Sư Thái, Tần Thiên Nhân, và Khẩu Tâm. Ở cương vị cao cấp đó, Trương Quốc Khải nắm giữ quyền hành trong tay, và uy thế cũng nhiều hơn so với bốn vị đương gia còn lại. Riêng Cửu Dương thì là thất đương gia, nghĩa là người đứng tít thò lò ở đằng sau cuối của nhóm Giang Nam thất hiệp. Cửu Dương tuy rằng tài hoa nhất, diện kẻng nhất, và đỏm dáng nhất, nhưng lại trẻ tuổi nhất. Thành thử, chàng kiêm quản chiếc ghế thứ bảy. Vả lại, thứ tự hàng ngũ của các vị đương gia là do Sư Thái đặt để. Chức vị của họ đã được bà cân nhắc, tính trên cơ sở tuổi tác, nền tảng võ công, thời gian nhập môn, công vụ hành hiệp trượng nghĩa và nhiều yếu tố khác. Sáng hôm nay, Trương Quốc Khải có thân phận cao cơ mà tỏ lòng bái tạ kẻ đứng thấp lè tè dưới đất, nghi thức chu đáo quá mức. Điểm này khiến cho Cửu Dương ái ngại. Cửu Dương lưỡng lự, không dám nhận sự cảm kích. Chàng xua tay, khéo léo từ chối: - Huynh đừng nói thế, đệ vô công bất thọ lộc. Vị ân nhân cứu mạng của huynh là... Cửu Dương vừa nói vừa đảo mắt nhìn chung quanh nhưng không thấy bóng người muốn tìm. Chàng tái mặt, rồi nhanh nhảu quay mình trở gót. - Sư đệ đi đâu đó? - Trương Quốc Khải với gọi theo. Nhưng quá trễ tràng. Cửu Dương đã bước qua cửa, ra tới ngoài sân, rồi rùn chân lấy trớn phi thân vượt tường đi khuất. Lâm Tố Đình thấy Trương Quốc Khải thô thố đôi mắt ngạc nhiên thì đến bên cạnh giường bệnh. Nàng hắng giọng đáp thay cho Cửu Dương: - Chắc huynh ấy đi tìm Nữ Thần Y. - Nữ Thần Y đang ở đâu? Trương Quốc Khải luýnh quýnh chồm mình tới phía trước, hỏi Lâm Tố Đình. Do quá khẩn trương nên tim đập mạnh, dẫn đến cảm giác tức ngực. Chàng đành đưa tay bụm miệng ho khục khặc. Lâm Tố Đình liền ngồi lên mép giường, đối diện Trương Quốc Khải. Nàng dùng bàn tay nhỏ gọn, nhẹ nhàng xoa lòng ngực của sư huynh. Lão Tôn thấy bệnh nhân ho khan thì khua chân vọt lại góc phòng, nơi có chiếc bàn gỗ nhỏ để rót tách trà sâm. Lâm Tố Đình đón nhận tách trà từ tay ông lão. Nàng kề tách trà nóng hổi lên môi thổi cho nguội bớt trước khi đưa sư huynh uống. Vừa thổi, Lâm Tố Đình vừa trả lời câu hỏi: - Đúng ra thì Nữ Thần Y đang trú ngụ ở tại Hắc Viện này. Cô ấy đến đây giải độc Kinh Phủ. Nhưng có lẽ cô ấy nghe chúng ta chuyện trò ríu rít thì biết bệnh tình của huynh đã khỏi nên không cáo mà biệt rồi.