Bình Nhung châu gần như là một đầu khác của đại lục Cửu Châu, ngay cả Thái Huyền mang theo Phong Thiệu cưỡi mây đạp gió cũng phải mất hơn một tháng mới đi từ Ký Châu tới núi Đại La của Bình Nhung châu.
Bình Nhung châu nằm ở phía đông, khí hậu nơi này ôn hòa ẩm ướt với bốn mùa rõ rệt.
Thái Huyền lập một động phủ không quá lớn ở nơi đây, bên trong chỉ có một gian nhà gỗ đơn giản, chính giữa phòng đặt một chiếc giường đá với linh khí dồi dào quẩn quanh, rõ ràng là một pháp khí cao cấp.
Bích Lạc nằm trên giường đá.
Bà mặc một bộ pháp bào màu vàng nhạt, dường như trên gương mặt vẫn mang theo nụ cười dịu dàng chưa từng thay đổi, giống như chỉ mới ngày hôm qua, ngay cả phần bụng hơi gồ lên cũng giống bốn năm trước như đúc.
Phong Thiệu nhìn thấy vậy thì hơi khó chịu, không khỏi hỏi: “Đứa bé này…”
Thái Huyền nhìn sang, vừa bấm tay niệm thần chú đưa linh khí về phía giường đá vừa lấy ra một tấm pháp kì, lập tức có bốn luồng khí thể với màu sắc khác nhau nhập vào bên trong giường đá, sau đó lại được giường đá chuyển toàn bộ lên sắc thân của Bích Lạc.
Dùng mắt thường có thể thấy khuôn mặt của Bích Lạc trở nên tươi sáng hơn nhưng trên bụng của bà lại hiện lên từng luồng khí đen.
“Nàng có thể giữ lại một tia hồn tức ít nhiều gì cũng nhờ có thai nhi này, phần lớn ma khí Âm Huyết đều trú ẩn bên trong thai nhi, cũng giúp nàng hóa giải hơn phân nửa.
Bằng không Bích Lạc đã… Có điều đứa bé này không sống nổi.”
Phong Thiệu nghe thấy vậy thì chẳng biết phải đáp lại như thế nào.
Trong tình huống này, dù khó khăn lắm tu giả mới có thể mang thai nhưng chỉ cần giữ được mạng sống cho Bích Lạc đã là vạn hạnh rồi.
Y đưa ma châu Âm Huyết cho Thái Huyền.
Lúc này nó vẫn ở gần y nên cũng không có phản ứng gì, toàn bộ ma châu đều được bao phủ trong ánh sáng màu máu hắc ám, khiến cho nó trông vô cùng quỷ dị.
Cách của Thái Huyền là đem ma châu Âm Huyết đưa vào thai nhi để nó hấp thu những ma khí còn lại trong cơ thể của Bích Lạc.
Sau đó ông sẽ đem các loại linh tài địa bảo đã thu thập được từ trước đó đặt vào trận pháp…
Nói ngắn gọn, dùng ma châu hấp thụ ma khí của thai nhi, sau đó lại hóa nhập ma châu đã hấp thu ma khí vào trong đan điền của Bích Lạc để nó nuôi dưỡng lại tinh huyết nguyên phách của bà.
Bởi vì vốn dĩ bên trong ma châu đã ẩn chứa phần tinh huyết nguyên phách ban đầu của Bích Lạc và thai nhi.
Sau khi hóa nhập vào đan điền, tuy rằng Bích Lạc sẽ phải nhập Ma Đạo, tu vi của Đạo Môn cũng lập tức bị tiêu tán trong phút chốc nhưng ít nhất có thể cứu bà khỏi cơn nguy hiểm.
So với mạng sống thì rơi vào Ma Đạo đã không còn quan trọng nữa.
Ít nhất đó là với Thái Huyền.
Sau khi Phong Thiệu biết được cách này lại cảm thấy dường như có vài phần quen thuộc.
Y thỉnh Thái Huyền đợi trong giây lát, sau đó lại lật xem ngọc giản.
Dường như cách thức này đã được ghi lại trong tâm chú của chú Tế Luyện nhưng có hơi chênh lệch một chút.
Dù sao người sử dụng cũng là kiếm tu Đạo Môn mà pháp thuật lại của Ma Đạo cho nên có rất nhiều chỗ tinh diệu không thể vận dụng được hoàn toàn.
Chẳng hạn ma châu hấp thu ma khí là điều thứ nhất, có thể nuôi dưỡng tinh huyết nguyên phách của Bích Lạc là điều thứ hai nhưng đồng thời cũng có thể tách được phần tinh huyết nguyên phách đã bị ma châu hút từ Bích Lạc lúc ban đầu, thậm chí có thể lấy ma châu ra khỏi thân thể của Bích Lạc.
Như vậy chỉ cần tụ ma khí vào trong thai nhi, sau đó lấy thai nhi và ma châu Âm Huyết ra thì cơ thể của Bích Lạc sẽ không sợ bị ma khí ô nhiễn nữa, cũng lấy lại được tu vi ban đầu.
Sau khi Phong Thiệu và Thái Huyền thương lượng, quả thật đã giúp Thái Huyền có được hi vọng mới.
Dù sao nếu Bích Lạc phải tu ma, cho dù ông không để tâm nhưng cũng rất khó để chỉ điểm cho Bích Lạc trên con đường tu hành Ma Đạo.
Ngược lại nếu Bích Lạc không muốn tu hành thì đời người thoáng chốc như phù du cũng chỉ qua được trăm năm, vậy ngàn năm sau này Thái Huyền sẽ phải lẻ loi một mình.
Từ đó trở đi, một mình Thái Huyền không ngừng phải xâm nhập vào vùng đất cổ xưa để tìm kiếm ma dược, Phong Thiệu thì một lòng một dạ nghiên cứu pháp môn này.
Tuy rằng vẫn dùng cách này nhưng khó ở chỗ làm thế nào để khống chế được ma châu Âm Huyết.
Dù sao bình thường ma châu Âm Huyết vốn là vật chết, chỉ biết nghe lệnh của người kết trận, mà người kết trận lại là Thanh Dương.
May mà viên ma châu này đã được nuôi dưỡng trong cơ thể thuần âm của Đan Thanh, sau đó lại hút nguyên phách tinh huyết mạnh mẽ của thai nhi chưa ra đời khiến cho nó bỗng trở thành vật sống, cũng là một loại tân sinh nên không còn mối liên hệ với người kết trận nữa.
Bên cạnh đó, Phong Thiệu đã hấp thu ma khí của ma châu Âm Huyết suốt bốn năm, cũng trở thành một thể với nó từ lâu, cho nên muốn khống chế ma châu không phải là việc khó.
Ma châu có thể khống chế giúp vấn đề nan giải nhất cũng đã được giải quyết, phương pháp cứu người này càng trở nên thuận lợi hơn.
Bốn tháng sau, Phong Thiệu nhờ linh lực được Thái Huyền thêm vào cộng với các loại ma dược thu thập được, bắt đầu vận dụng ma lực để thi triển phương pháp này.
Lúc bắt đầu mọi chuyện vẫn vô cùng thuận lợi, sau khi quét dọn hết ma khí trong cơ thể của Bích Lạc vào thai nhi, y lại bóc tách tinh huyết nguyên phách của Bích Lạc từ trong ma châu ra rồi khảm nhập vào đan điền của bà.
Cuối cùng lấy ma châu ra khỏi cơ thể… đến bước này lại xảy ra biến cố!
Ma châu chạy trốn khỏi vị trí đan điền của Bích Lạc rồi đi thẳng đến chỗ thai nhi, sau đó dính chặt tại chỗ, hoặc phải nói là bị thai nhi hấp thu, tóm lại không thể tách nó ra được nữa.
Phong Thiệu chẳng thể làm được gì khác, đành phải lập tức lấy thai nhi chứa ma khí dày đặc vẫn còn mê mội kia ra khỏi cơ thể của Bích Lạc.
Trong khoảnh khắc thai nhi được lấy ra khỏi bụng Bích Lạc, toàn bộ nhà gỗ, thậm chí là toàn bộ động phủ đều bị bao trùm trong làn sương mù huyết sắc tối đen như mực, thò tay không thấy được năm ngón, vô cùng kỳ dị quỷ quyệt.
Thai nhi mới được bốn tháng chưa từng lớn thêm, chỉ bé bằng bàn tay, đang được một lớp kén ma khí bảo vệ, ma châu Âm Huyết thì nằm trên cái bụng nhỏ xíu của nó.
Tuy rằng không có cảm giác tinh thuần mà một đứa trẻ bình thường vẫn có, nhưng lúc Phong Thiệu ôm nó trong lòng bàn tay lại cảm thấy đáy lòng mình mềm mại hơn nhiều.
Không hiểu tại sao y bỗng cảm thấy thai nhi bé bỏng này có mối liên hệ với mình.
Có lẽ chỉ là ảo giác thôi, rõ ràng đứa bé này là con của Bích Lạc và Thái Huyền.
Thế thì… chắc là ma châu khiến Phong Thiệu sinh ra ảo giác, nghĩ như vậy giúp lòng y dần bình ổn lại.
Không biết tại sao thai nhi này có thể thể tồn tại được, nhưng y có cảm giác dù thai nhi bị ma khí quấn thân khiến nó tràn ngập âm khí nhưng đồng thời cũng chứa đầy sinh cơ.
Dù sao cũng là đứa trẻ Bích Lạc và Thái Huyền khó khăn lắm mới có được, Phong Thiệu nghĩ như vậy liền muốn thử vận dụng cách thức được ghi lại trong tâm chú của chú Luyện Tâm, thử tách tinh huyết nguyên phách của thai nhi ở trong ma châu ra, sau đó lại lấy ma châu ra khỏi thai nhi, có lẽ sẽ cứu được nó.
Đợi đến khi rốt cuộc Phong Thiệu cũng nhận ra cả hai ý tưởng này đều không thể thực hiện được đã là ba tháng sau.
Tuy ma châu Âm Huyết tâm ý tương thông với y nhưng lúc này đã hòa thành một thể với thai nhi.
Cho nên y không thể tách được tinh huyết nguyên phách vốn có của thai nhi ra khỏi ma châu, cũng càng chẳng tách được ma châu ra khỏi thai nhi.
Có điều không biết là do may mắn hay do điều gì khác mà dường như thai nhi này vẫn đang sống, hơn nữa càng sống càng ngoan cường.
Phong Thiệu đi vào nhà gỗ, lúc đang muốn thương lượng với Thái Huyền việc này thì đã gặp Bích Lạc trước.
Bà vẫn mặc một thân hoàng sam như cũ, so với dáng vẻ gầy yếu tiều tụy lúc hôn mê thì bây giờ đã đẫy đà có tinh thần hơn nhiều.
Trong lòng Phong Thiệu rất vui vẻ, đang muốn gọi một tiếng “Sư bá mẫu” lại thấy Bích Lạc lộ ra vẻ mặt hơi kinh hãi, dường như có chút ngượng ngùng mà lui lại hai bước, sau đó mới nói: “Ngươi… Ngươi là điệt nhi của Huyền đại ca?”
Trong cơn sửng sốt, suốt hồi lâu Phong Thiệu cũng chẳng nói được một lời, dùng thần thức kiểm tra lại không cảm nhận được một chút tu vi nào của đối phương, nhưng…
Còn đang thấy khó hiểu thì Thái Huyền đi ra ngoài đã trở về, trong tay ông xách một hộp đồ ăn.
Bích Lạc quen thuộc đi lên nhận lấy, sau đó cười nói: “Cám ơn Huyền đại ca.” Nói xong bà lại bày biện toàn bộ thức ăn trong hộp ra rồi nhìn về phía này, nét mặt tươi cười như hoa: “Cùng dùng bữa đi?”
Phong Thiệu liếc mắt nhìn Thái Huyền, thấy Thái Huyền mặt không gợn sóng ngồi xuống rồi cầm đôi đũa lên bắt đầu ăn những món ăn không chứa chút linh khí của thế tục.
Điều này khiến cho y càng thêm cả kinh nhưng lúc này đã hồi thần lại, vì thế đành giả bộ như không có chuyện gì cũng ngồi xuống bàn.
Tuy Bích Lạc chẳng còn nhớ ai nữa nhưng tính tình của bà cũng không hề thay đổi, giọng nói vẫn rất dịu dàng.
Bà ôn hòa gắp thức ăn cho Thái Huyền và Phong Thiệu, đôi lúc được hỏi thì cũng trả lời nhưng không đào sâu cũng không dây dưa, vô cùng điềm tĩnh.
Nếu không phải Phong Thiệu đã tận mắt nhìn thấy đối phương quên mất mình, chỉ sợ cũng không nhận ra được Bích Lạc hiện giờ và lúc trước có gì khác nhau.
Ăn cơm xong, Phong Thiệu đang muốn bấm tay niệm thần chú xử lý chỗ cơm thừa rượu cặn theo thói quen lại bị Thái Huyền đè tay ngăn cản.
Y nhìn thấy trong mắt Bích Lạc cũng tràn đầy ý cười, vươn tay thu thập mọi thứ rồi nói: “Huyền đại ca đã cứu ta, lại còn ngày ngày chăm sóc chiếu cố.
Những chuyện như thế này cứ để ta làm là được rồi, các ngươi nghỉ ngơi đi.” Đúng là dùng tay để thu dọn mọi thứ, mà Thái Huyền cũng dùng tay để giúp đỡ bà.
Nhìn cảnh này khiến Phong Thiệu dần chú ý hơn, một lần nữa được trải nghiệm cảm giác dùng tay để rửa bát sau một thời gian rất dài.
Thấy Bích Lạc ngồi trong sân im lặng đọc sách, Thái Huyền và Phong Thiệu đi vào buồng trong.
“Kiếp nạn lần này, tuy rằng nàng may mắn sống sót nhưng tu vi lại bị ma khí tự động phong ấn.
Có lẽ là do lúc lấy thai nhi ra, nàng muốn ngăn cản theo bản năng nên đã tổn thương tâm niệm, quên hết những chuyện lúc trước.” Thái Huyền nói bình tĩnh.
Phong Thiệu nhíu mày, nói: “Vậy khi nào sư bá mẫu có thể nhớ lại mọi chuyện?”
Thái Huyền trầm mặc một chút: “Đợi tới khi nàng Kết Anh một lần nữa sẽ giải trừ tu vi bị phong ấn, cũng có thể nhớ lại chuyện lúc trước.”
Phong Thiệu ngây người.
Muốn Kết Anh một lần nữa sẽ phải mất đến tám trăm năm, cho dù có tư chất tuyệt luân thì cũng cần đến năm trăm năm mới được.
Tuy rằng Phản Hư kỳ có hai ngàn năm nguyên thọ nhưng phải đợi thêm năm trăm năm nữa, vậy cũng quá… Y muốn nói thêm điều gì nhưng thấy ánh mắt của Thái Huyền rất kiên định, không mảy may có một tia dao động nào, khiến trong lòng Phong Thiệu bỗng cảm thấy xúc động khó hiểu làm y chẳng nói thêm được gì nữa.
Vì thế Phong Thiệu không tiếp tục nhiều lời về chuyện này mà chỉ nhắc đến việc liên quan tới thai nhi..
“Bích Lạc vất vả lắm mới loại bỏ được hoàn toàn ma khí, hiện giờ nàng đã là phàm nhân, quyết không thể lại chạm vào một tia ma khí Âm Huyết đó nữa.” Thái Huyền xoay người, sau một lúc lâu mới nói: “Nếu đứa bé có thể sống, mong Thiệu nhi con hãy nuôi dưỡng nó.
Nếu không thể, vậy chỉ trách nó không có tạo hóa.” Nói xong ông liền đi ra khỏi phòng ở.
Mấy ngày sau, Thái Huyền muốn đưa Bích Lạc rời khỏi động phủ.
Kỳ thật cũng đúng, người phàm ở bên trong động phủ sẽ chẳng có gì tốt, càng đừng nói đến chỗ tràn đầy linh khí như tiên cảnh Côn Luân, nơi ấy sẽ khiến họ bị giảm phúc.
Bởi vậy Thái Huyền muốn mang Bích Lạc đi vào thế tục.
“Chúng ta sẽ đi tìm một thôn trang để định cư, sau đó tu hành lại lần nữa.” Thái Huyền đã thay đổi đạo bào nguyệt bạch của Côn Luân sang một bộ trường bào thanh y tầm thường, vẫn mang vài phần tiên phong đạo cốt.
Bích Lạc đứng bên cạnh vẫn mặc một thân hoàng sam, dường như chỉ cần vậy cũng đã hòa tan một phần băng hàn của ông.
Phong Thiệu biết một câu từ biệt này sẽ là khoảng cách mấy trăm năm chẳng gặp lại nên bỗng thấy rất khó chịu, nhưng y không dám biểu lộ ra chút dị sắc nào tránh để Bích Lạc nhìn thấy sẽ lo lắng, chỉ cười: “Thiệu ở Côn Luân chờ sư thúc.” Còn cả sư bá mẫu.
Thái Huyền nhìn thoáng qua Bích Lạc sau đó nhìn về phía Phong Thiệu, truyền âm nói: Tâm tính của con không đổi, xưa nay thuần thiện, cho dù là Ma tu thì có lẽ Thái Dần sư huynh và các đệ tử trong tông môn cũng sẽ thông cảm một hai.
Dù có phải nhận lấy một vài trách phạt thì cũng không được phép tiếp tục giấu diếm.
Phong Thiệu nghiêm túc gật đầu: Cẩn tuân sư thúc dạy bảo.
Thái Huyền gật đầu.
Lần này ông không cưỡi mây đạp gió mà lại đỡ Bích Lạc đặt lên một con tuấn mã, bản thân thì nắm dây cương, càng lúc càng khuất bóng trong ánh chiều tà ngả về tây.
Phong Thiệu im lặng nhìn trong chốc lát, cảm thấy hơi hâm mộ, bỗng nhiên cũng rất nhớ Phong Bạch.
Dưới tâm tình ấy, thai nhi vẫn luôn tâm linh tương thông với y cũng khẽ động đậy, dường như cảm nhận được nó thấy bất an và xót xa.
Phong Thiệu nâng tay triệu hồi, một thai nhi lớn khoảng bảy, tám tháng bỗng xuất hiện trên khuỷu tay y.
Tuy hai mắt nó nhắm nghiền, còn có huyết sắc quấn quanh thân, chẳng phải là dánh vẻ dễ thương gì nhưng lại khiến trong lòng Phong Thiệu nảy sinh cảm giác trìu mến không thôi.
Y nhẹ nhàng dỗ nó: “Mấy trăm năm thôi, không lâu lắm đâu.
Phụ thân con đợi được, con cũng đợi được.”
Tác giả có lời muốn nói:※ tiểu kịch trường
※ Ma thai: Cha…o[*^@^*]o
※ Phong Tiểu Bạch: Người dám lén lút sinh con sau lưng ta !? Nói, đứa nhỏ này có phải con ta không !σ[`д′*ノ]ノ
※ Phong Tiểu tThiệu: Không phải.[ ⊙ o ⊙ ]
※ Pong Tiểu Bạch: Được, người được lắm 艹皿艹
※ Phong Tiểu Thiệu:… Nấm nhỏ mau cứu cha !~~o[_]o ~~
Truyện khác cùng thể loại
10 chương
105 chương
10 chương
59 chương
87 chương
143 chương