Phải lấy người như anh
Chương 18 : chương 18
Vân xếp gọn tập thư đặt lên giá như cũ rồi ra khỏi văn phòng khoa. Vẫn không thấy thư của mẹ. Đã cuối tháng một, nàng sắp bước sang học kỳ mới và đã viết thư về nhà từ hai tuần trước để xin tiền. Vậy mà không có hồi đáp gì. Thư chuyển tiền không có, ngay cả những dòng dặn dò ngắn ngủi thường lệ cũng không. Chẳng lẽ công việc ở nhà bận bịu quá làm mẹ quên? Hay là việc kinh doanh có trục trặc gì? Hay là mẹ ốm? Nghĩ đến đó, Vân vội đạp xe ra bưu điện.
Nhà nàng trên Sapa vẫn chưa mắc điện thoại, phải gọi vào số máy nhà hàng xóm nhờ nhắn lại. Bà già hàng xóm vừa nghe nàng xưng tên đã nói luôn:
- Cái Vân chưa biết chuyện gì à? Mẹ mày đi bệnh viện nửa tháng nay rồi đó.
Vân đứng lặng, vậy là điều xấu nhất trong phỏng đoán của nàng đã trở thành hiện thực. Bà hàng xóm vẫn nói gì đó về bệnh của mẹ nàng, “xuất huyết”, “nhược cơ”, “tiểu cầu”, “siêu vi trùng”, toàn những từ ngữ nặng nề làm nàng càng thấy lo sợ.
- Giờ nhà cháu còn ai ở nhà không bà?
- Có, có dượng mày với thằng cu út.
- Mẹ cháu nằm bệnh viện tỉnh ạ?
- Ừ, nhưng bà không rõ khoa nào đâu. Mày dập máy đi lát gọi lại để bà sang gọi dượng mày nhé.
Ông dượng đủng đỉnh trả lời những câu hỏi lo lắng của Vân bằng vẻ dửng dưng nhát gừng. Khi nàng hỏi bệnh tình của mẹ, ông ta nói qua quýt. Việc hỏi xin học phí cũng bị từ chối với lý do “bao nhiêu tiền dồn vào ẹ mày nằm viện rồi”. Và ống nói đặt cạch xuống thô bạo.
Vân nhẩm tính số tiền trong đầu cùng một số dự định. Nàng ra ga mua vé tàu về Lào Cai ngay tối đó.
Mất cả một buổi sáng nàng mới tìm thấy mẹ trong bệnh viện tỉnh. Bà đang nằm mê man, làn da xanh tái và mái tóc xơ xác. Vuốt nhẹ lên gương mặt bất động của mẹ, Vân quay ra nhìn em gái:
- Còn ai trông mẹ nữa? Bác sĩ bảo bệnh gì?
Đứa em gái nhỏ của nàng sợ sệt nhìn vẻ bơ phờ của chị nói ngắc ngứ.
- Mẹ bị phát ban… rồi chảy máu cam… rồi…
Nó quá nhỏ để hiểu được những gì mà người lớn trao đổi với nhau. Vừa lúc đó dượng nàng hai tay xách hai chiếc cặp lồng tất tả bước vào. Thấy nàng, ông ta thoáng khựng lại, hỏi chỏng lỏn:
- Không ở dưới đấy mò lên đây làm gì?
- Mẹ con bị làm sao?
- Xuất huyết giảm tiểu cầu. Biến chứng nặng gì đó ở màng não.
- Bệnh đó là vì cái gì? Sao mãi không tỉnh?
- Bọn nó bảo phải nằm đây làm huyết đồ, xét nghiệm tìm hiểu nọ kia.
Ông ta sắp cặp lồng cơm ra bàn, lẩm bẩm chửi bác sĩ ăn tiền, kêu tiền thuốc men nằm viện tốn kém. Vân ngán ngẩm lắng nghe những lời ca cẩm phát ra cùng những từ ngữ thô lậu, nàng nói nhỏ:
- Bị từ hôm trước mà dượng không báo cho con về…
- Mẹ dặn không được cho chị biết - đứa em gái rụt rè vừa nói vừa đưa cho nàng cặp lồng cơm của nó.
Ông dượng thấy vậy liền nạt:
- Cơm của mày mày ăn đi! Về đ. báo trước thì ai biết mà hầu.
Vân chán ngán phẩy tay ra hiệu cho đứa em cứ ăn, nàng đi ra ngoài cổng viện mua một chiếc bánh mì paté rồi trở vào. Ông dượng đã bỏ đi đâu mất, đứa em gái nuốt vội miếng cơm rồi nói lí nhí:
- Bố bảo chị về Hà Nội học cho giỏi. Ở đây bố với anh Kỷ lo rồi.
Hừ, ông ta mượn lời con bé đuổi nàng đấy! Không có tiền thì học giỏi bằng nước lã chắc? Bình thường mẹ nàng nắm tiền nong cắt đặt mọi việc thì ông ta nhũn như con chi chi, có hậm hực cũng chỉ dám nói sau lưng mẹ. Vậy mà bà mới ốm mươi ngày, ông ta đã muốn bứt nàng ra khỏi mối dây gia đình vốn đã quá lỏng lẻo này. Nàng quay ra ga với nỗi hoảng sợ, nói dại nếu mẹ có mệnh hệ nào thì nàng biết nương tựa vào ai đây?
Tàu về đến Hà Nội, mới gần 7 giờ nhưng trời đã tối mịt, ánh đèn của những quán hàng quanh ga vàng vọt trong gió bấc đem đến cho những người khách cô độc cảm giác quạmh quẽ giữa biển người. Vân xách balô đi bộ về phía phố Nguyễn Thái Học. Hôm qua nàng vừa được một thầy giáo ở trường chỉ cho xưởng chép tranh ở đây. Với một sinh viên mỹ thuật công nghiệp năm thứ nhất đang cần làm thêm, chép tranh thuê cũng là một lựa chọn không tồi. Tiền trong túi giờ không đủ ột chuyến xe buýt, cũng may là nàng biết lối tắt thông từ ga Trần Quý Cáp ra Nguyễn Thái Học. Chẳng biết giờ này còn ai ở đó để giao việc cho nàng không.
Những phiên bản Mùa thu vàng, Hoa diên vỹ hay Thiếu nữ bên hoa huệ chỉ giúp Vân không ngất xỉu giữa đường vì đói và đỡ cho nàng khoản tiền giấy tiền màu đi học chứ chẳng giúp nàng trở thành sinh viên gương mẫu trong việc hoàn thành học phí được. Những tờ thông báo nhắc nhở của nhà trường cứ liên tiếp đưa tới từng lớp. Và tất nhiên chúng không ghi thiếu tên nàng.
Cố gắng liên lạc về nhà hỏi thăm bệnh tình của mẹ với hy vọng mong manh là bà đã bình phục phần nào, nàng vấp phải bức tường lạnh nhạt mà dượng và đứa em trai kế dựng lên quanh bà. Người hàng xóm nhiệt tình hỏi han cũng chỉ nhận được những tin tức sơ sài từ miệng hai đứa em nhỏ ngơ ngác rằng mẹ đã tỉnh nhưng vẫn yếu, vẫn mệt và chưa được về nhà. Vân thậm chí đã viết thư gửi về địa chỉ bệnh viện, nhưng chỉ có một sự im lặng đáng sợ đáp lại nàng. Thế là trong buổi chiều ảm đạm cuối đông ấy, nàng đã…
* * *
Người đàn bà có đôi mắt sắc như dao cau đứng lên khỏi salon. Nhìn soi mói vào từng đường chỉ trên áo nàng, bà ta cất giọng hỏi han đon đả chân tình:
- Sinh viên Mỹ thuật thời trang à? Thật là phù hợp quá… Bố cháu là người Phúc Kiến ư? Khéo lại là chỗ thân quen cũng nên.
Vân gượng cười méo xẹo. Nàng vừa cuốc bộ từ nhà trọ lên tận Hồ Tây, chiếc bánh ế lúc trưa dường như đã biến mất không tăm tích. Cái đói và cái mệt làm sắc mặt nàng đã trắng giờ lại càng trắng bệch hơn. Người đàn bà tự xưng là trưởng phòng nhân sự hết vuốt tóc lại nắm tay nàng, vẻ mặt và cử chỉ tỏ ra hết sức ân cần. Trao đổi thêm vài câu tiếng Anh tiếng Trung, bà ta gật gù với vẻ khá hài lòng:
- Mặt cháu không có nét lắm nhưng chúng ta sẽ có chuyên viên trang điểm. Dáng người và trình độ như vậy là quá mỹ mãn rồi. Giờ chỉ còn chờ giám đốc đồng ý nữa thôi.
Vừa lúc đó chiếc xe loại bảy chỗ đỗ xịch trước thềm. Một người đàn ông lớn tuổi bệ vệ bước xuống. Bà trưởng phòng cung cúc chạy ra cúi chào.
Vân khoác chiếc áo choàng lụa đi ra mở cửa sổ và đứng nhắm mắt hít thở không khí lành lạnh sau cơn mưa. Một lát, nàng quay lại nhìn người đàn ông trẻ đang ngồi im lặng trên giường, cất tiếng cười uể oải:
- Lão giám đốc đáng kính đấy là người lớn tuổi nhất trong số ba “người khách” của em hôm nay. Em đã từng coi lão ta như cha như ông, thậm chí còn kể chuyện gia đình mình cho lão ta nghe.
Thanh đứng dậy đến bên nàng, một tay bám vào chấn song cửa, một tay quàng nhẹ lên vai nàng. Vân quên mất là mình vừa dằn hắt chàng. Nàng đón nhận bàn tay ấy với vẻ nhu mì rời rã, tựa trán vào bờ vai có mùi mồ hôi nhàn nhạt của chàng, vẫn tiếp tục mạch câu chuyện:
- Lúc đầu mọi việc tương đối bình thường. Em cùng với chín người nữa được bố trí ăn ở tại công ty, hàng ngày có xe đưa đi “thực tế”. Người ta đem hàng kiện quần áo đến, chúng em phải tự chọn, tự là ủi và tự sửa cho vừa vặn. Những buổi đi làm mẫu ở ngoại thành có vẻ hơi đáng ngờ, nhưng bọn em chẳng đứa nào nhận ra, tất cả còn quá trẻ và nhiều tự ái, thích được nghe phỉnh nịnh thích tỏ ra là mình quan trọng. Không những thế, tiền thù lao còn khá cao. Kiếm được vài trăm nghìn một ngày, với em và nhiều người lúc đó là một giấc mơ. Nhưng chỉ sau vài buổi chụp ảnh mẫu ở ngoại thành như vậy, tất cả đã thay đổi…
Vân bật cười khan, tiếng cười nghe sắc nhọn như tiếng oán hờn:
- Thông báo tuyển người mẫu cho công ty may mặc thật ra chỉ là cái cớ để lão già tuyển hàng mới cho đường dây gái gọi cao cấp. Bọn em đã trở thành những mắt xích trong đó. Nhóm người mẫu được chia nhỏ ra “vì yêu cầu làm việc”. Em vì nói được tiếng Trung nên được tháp tùng sếp đi công chuyện. Và trong một lần đi công chuyện như thế, em đã thành đàn bà, với một chai nước pha thuốc ngủ, trên băng sau của một chiếc Mekong kín mít.
Thanh ôm ghì lấy nàng. Người run run như vừa trải qua một cơn chấn động nhưng nàng vẫn mỉm cười, đôi mắt càng ngày càng tối lại đầy chua chát:
- Em đã chẳng thể phản ứng vì không hề có bằng chứng gì của sự cưỡng đoạt. Lão già thậm chí còn gọi đấy là bước đào tạo ban đầu cho công việc. Em định bỏ đi thẳng thì lão đã ném ra tờ hợp đồng em ký đồng ý cộng tác hai năm cho công ty cùng bản kê những khoản em đã hưởng suốt mấy tuần trước đó, số tiền lên tới chục triệu đồng, bao gồm cả chi phí ăn ở. Vậy là em biết rằng mình chẳng còn đường nào để lùi.
Thanh đứng sững, vòng tay như cứng lại quanh người nàng. Chàng biết mình chẳng thể nói được điều gì, chỉ có thể lặng im mà nghe nàng kể. Những lời kể khô khan như thể bao nhiêu nước mắt và máu đã cạn rồi:
- Em nhắm mắt đưa chân, cầm những đồng tiền bán thân của mình để nộp cho nhà trường. Đã được tiếp tục học nhưng kỳ đó em chểnh mảng bê trễ. Thay vì học vẽ ở trường, em được lão già và lũ má mì dạy cách chiều chuộng đàn ông.
Nàng đi về phía giường, chống tay nửa nằm nửa ngồi, hất mặt nhìn lên:
- Mình thấy đấy, em đã tiếp thu tốt!
Thanh ngồi xuống bên nàng, giọng quả quyết một cách trầm tĩnh:
- Phải làm thế nào thì lão ta mới buông tha em?
- Lão ta đã buông rồi - Vân vẫn mê mải ngắm những mép phào trang trí trên trần - Nói đúng hơn, lão buộc phải buông.
Chàng ngả người nằm xuống. Vân ngả theo, tự nhiên ghé miệng cắn lên bắp tay chàng. Thanh để nàng tựa đầu lên vòm ngực, nghe giọng nói mệt mỏi của nàng hoà lẫn nhịp đập tim mình:
- Em ở trong cái ổ dịch hạch đấy gần bốn năm trời. Với cái mác sinh viên Mỹ thuật và vốn tiếng Trung, em là một món hàng sống khá sáng giá cho những gã trọc phú và Hoa kiều. Trong số những khách hàng quen của em, có một người Đài Loan tên là…
Truyện khác cùng thể loại
89 chương
20 chương
105 chương
41 chương
122 chương
43 chương
85 chương
9 chương