Nửa giờ đồng hồ sau màn kịch mà chúng tôi vừa mô tả, cũng vẫn cánh cửa sổ đó của lữ quán nhà Biscarros mà ban nãy đã đóng sập lại một cách đột ngột, đang từ từ thận trọng hé ra và nơi bệ cửa hiện ra sau khi đã cẩn thận nhìn sang phải sang trái, một cậu thiếu niên độ mười sáu hoặc mười tám tuổi, ăn mặc toàn đen, với bên trong là một chiếc áo sơ mi trắng muốt viền đăng ten diêm dúa theo đúng mốt mới nhất của thời bấy giờ. Một bàn tay nhỏ nhắn, thanh lịch, mũm mĩm, một bàn tay quý phái chính hiệu, đang vò nát một cách nóng nảy cặp găng tay da hươu có những đường thêu, chiếc mũ phớt màu xám bạc, với một cọng lông màu xanh đẹp mắt, che khuất mái tóc dài và lóng lánh vàng bao phủ thật tuyệt vời một khuôn mặt trái soan trắng ngần với đôi môi hồng và hai hàng lông mày sẫm màu. Nhưng, cần phải nói thêm rằng tất cả vẻ duyên dáng đó lẽ ra sẽ khiến cho chàng thiếu niên trở nên một kỵ sĩ thanh lịch nhất lại bị u ám đi bởi một vẻ cau có mà nguyên nhân có lẽ do sự chờ đợi kéo dài vô hiệu, bởi vì chàng ta cứ mở to mắt dõi theo con đường đang bắt đầu chìm trong sương chiều. Trong lúc nóng nảy, chàng thiếu niên đập mạnh cặp găng tay lên bàn tay trái. Nghe tiếng động đó, ông chủ quán đang sắp vặt lông xong ngẩng đầu lên và giở nón ra: - Thưa ngài, ngài sẽ dùng bữa vào lúc mấy giờ ạ? Chúng tôi chỉ còn chờ ngài cho lệnh để dọn lên thôi. - Ông cũng biết là tôi không dùng bữa một mình và tôi đang chờ một người. - Chàng thiếu niên nói - Chừng nào ông thấy người đó đến thì có thể dọn các món ăn lên. - Ôi, thưa ngài! - Mét Biscarros trả lời - Tôi thật không dám chê trách gì người bạn của ngài vì người đó có quyền muốn đến hoặc không, nhưng bắt người khác chờ đợi như thế thật là một thói quen không được hay lắm. - Mà đúng là người ấy đâu có thói quen đó, nên tôi rất ngạc nhiên vì sự chậm trễ này. - Tôi không chỉ ngạc nhiên thôi, thưa ngài, tôi rất lấy làm buồn phiền, món gà quay sẽ bị cháy mất thôi. - Thì lấy nó ra khỏi lò. - Nếu vậy thì nó sẽ nguội đi. - Cho một con khác vào lò. - Thì nó sẽ không chín kịp mất. - Thế thì ông bạn à, xin ông cứ làm theo như ý ông. - Chàng thiếu niên nói và dù đang bực bội cũng phải buồn cười trước vẻ tuyệt vọng của chủ quán - Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự khôn ngoan của ông. - Không có sự khôn ngoan nào, dù là của đức vua Solomon đi nữa, có thể làm cho một bữa ăn đã hâm đi hâm lại mà ngon miệng được. Khi đã thốt lên định luật bất di bất dịch đó, mà sau này Boilau sẽ viết nên cả một bài thơ, mét Biscarros trở vào quán, vừa đi vừa đau khổ lắc đầu. Và chàng thiếu niên, như để quên đi sự chờ đợi, quay vào phòng, gõ ủng lên sàn nhà một hồi. Kế đó, nghe văng vẳng đằng xa như có tiếng vó ngựa, chàng vội quay lại cửa sổ. - Chà! Ông ấy đây rồi! May quá! Quả vậy, từ nơi bụi cây có con chim họa mi đang hót mà những nốt nhạc réo rắt không lôi cuốn nổi chàng thiếu niên có lẽ vì sự chờ đợi kéo dài, chàng thấy cái đầu của một kỵ sĩ, nhưng ngạc nhiên thay chàng hoài công khi đợi người này hiện ra trên con đường: Kẻ mới đến rẽ qua bên phải, ẩn vào bụi rậm và chỏm mũ tụt xuống, chứng tỏ người kỵ sĩ vừa đặt chân xuống đất. Một lát sau, chàng thiếu niên thoáng thấy, qua những cành lá được cẩn thận gạt sang một bên, một chiếc áo choàng xám và ánh phản chiếu dưới nắng chiều của một nòng súng dài. Chàng thiếu niên đứng lặng bên cửa sổ. Rõ ràng là người kỵ sĩ ẩn nấp trong bụi rậm kia không phải là người mà cah`ng chờ đợi và nét nóng nảy trên khuôn mặt linh hoạt nhường chỗ cho vẻ tò mò. Chẳng bao lâu, một cái mũ khác lại hiện ra nơi khúc quanh đường, chàng thiếu niên nấp qua một bên để không bị lộ diện. Cũng vẫn chiếc áo choàng xám, vẫn thao tác đó,vẫn nòng súng bóng loáng kia, người mới đến nói vài câu với người thứ nhất mà chàng thiếu niên nghe không rõ vì khoảng cách khá xa, và sau vài lời dặn dò mà người bạn đưa ra, người thứ hai cũng đâm vào bụi cây kế cận, xuống ngựa nấp sau một tảng đá và chờ đợi. Từ nơi ẩn hiện trên cao của mình, chàng thiếu niên trông thấy cái mũ phớt bên tảng đá. Bên cạnh cái mũ sáng lên ánh thép của nóng khẩu súng dài. Một cảm giác hoảng sợ mơ hồ xâm chiếm tâm trí chàng thiếu niên khi nhìn thấy cảnh đó và chàng cố gắng lùi sâu vào tường. "Chà, chà" - Chàng tự nhủ - "Có phải vì ta và vì một ngàn đồng Louis (Louis: Đồng vàng có giá trị bằng 20 quan) mà ta mang theo mà họ đã hành động như vậy chăng? Nhưng mà không, bởi vì giả sử như Richon có đến và tối nay ta có thể lên đường, thì ta sẽ đi Libourne chứ có đi Saint André de Cubzac đâu, bởi vậy ta sẽ không đi ngang qua chỗ mà mấy tên láo lếu ấy đang ẩn nấp. Phải chi có lão Pompéc ở đây, ta sẽ hỏi ý kiến lão. Nhưng mà, ta có lầm không nhỉ, lại thêm hai tên nữa. Chà! Đây có vẻ như một cái bẫy vậy". Và chàng thiếu niên lại lùi sâu vào thêm một bước. Quả thật, ngay khi đó hai người kỵ sĩ khác hiện ra nơi khúc quanh của con đường, nhưng lần này, chỉ có một trong hai người vận áo choàng xám. Người kia, cưỡi trên một con ngựa cao lớn đen tuyền và trùm kín trong một chiếc áo choàng rộng, đội một chiếc mũ phớt có viền được tô điểm bằng một cộng lông trắng, và dưới chiếc áo choàng thỉnh thoảng bay tung lên bởI làn gió chiều, ẩn hiện những đường thêu thêm diêm dúa của một chiếc áo chẽn màu đỏ tươi. Có thể nói đó là ánh chiều tà kéo dài để rọi sáng cảnh tượng đó bởi vì những tia nắng cuối cùng lan ra từ sau những áng mây đen nơi chân trời bỗng lóe sáng lên như muôn ngàn viên hồng ngọc trên những ô cửa kính của một ngôi nhà xinh xắn nằm cạnh con sông khoảng một trăm bước chân, nếu không như vậy chàng thiếu niên sẽ không nhìn thấy ngôi nhà đó vì nó nằm khuất giữa các tán lá của những thân cây lớn. Ánh sáng đó cho thấy rằng, trước hết ánh mắt của mấy tên do thám chuyển từ ngõ vào làng qua căn nhà đó, sau nữa là mấy chiếc áo choàng xám tỏ ra rất kính cẩn với chiếc mũ có lông trắng và cuối cùng là qua một trong mấy khung cửa sổ vừa được mở toang, một người phụ nữ bước ra bao lơn, cúi xuống một lát như chính mình đang chờ đợi ai đó rồi vội quay vào như sợ bị bắt gặp. Ngay sau khi người phụ nữ quay trở vào, mặt trời hạ thấp xuống sau đỉnh núi và càng xuống thấp, tầng trệt ngôi nhà chìm dần trong bóng tối, ánh sáng rời các cửa sổ chuyển lên mái ngói cuối cùng biến hẳn sau khi một lần cuối cùng, vẽ lên một chùm ánh sáng vàng chóe. Đối với một đầu óc thông minh thì từng đó cũng đủ chứng cớ để dựng lên, nếu không phải là những điều xác thực thì cũng là những nghi vấn. Rất có thể là những người này đang canh chừng ngôi nhà nhỏ hẻo lánh nơi người đàn bà vừa hiện ra ở bao lơn trong chốc lát. Cũng rất có thể là người phụ nữ và những người đàn ông kia cùng chờ đợi một người nào đó, nhưng với những ý định hoàn toàn khác hẳn nhau. Và cũng rất có thể là người đang được chờ đợi kia sẽ đến từ ngõ vào làng, do đó sẽ phải đi ngang qua trước lữ quán vì quán này nằm giữa làng và lùm cây um tùm kia cũng như lùm cây um tùm kia lại nằm giữa lữ quán và ngôi nhà trọ. Cuối cùng, cũng rất có thể là người kỵ sĩ với mũ gắn lông trắng là người chỉ huy mấy chiếc áo choàng xám. Và qua cử chỉ nóng nảy của người này khi rướn mình trên yên ngựa để nhìn được xa hơn có thể hiểu rằng người chỉ huy này đang ghen tức và chắc chắn là rình rập vì lý do riêng. Ngay khi chàng thiếu niên vừa chấm dứt chuỗi lập luận đó, cánh cửa phòng của chàng mở ra và mét Biscarros bước vào. - Chủ quán à! - Chàng thiếu niên nói mà không để cho kẻ mới bước vào phòng một cách tùy tiện trình bày lý do của lão, lý do mà chàng trai đã biết rất rõ - Hãy đến đây và nói cho tôi biết, nếu câu hỏi của tôi không phải là thiếu kín đáo, ngôi nhà thấp thoáng đằng xa kia như một chấm trắng giữa những cây liễu và bạch dương là của ai vậy? Ông chủ quán nhìn theo hướng tay chỉ và đưa tay gãi trán: - Nói cho đúng, khi thì của người này, lúc của người kia. - Ông ta trả lời với một nụ cười cố tỏ vẻ châm biếm - Nó là của ngài nếu ngài có một lý do nào đó để tìm kiếm cảnh cô tịch, hoặc là ngài muốn tránh né sự tò mò của kẻ khác, hoặc giản dị là ngài muốn che dấu ai đó. Chàng thiếu niên đỏ mặt: - Nhưng hôm nay thì ai ở trong ngôi nhà ấy? - Một phu nhân trẻ tự cho mình là bà góa, mà bóng ma của người chồng đầu tiên, có lẽ của cả người chồng kế thỉnh thoảng vẫn trở về thăm viếng. Nhưng phải ghi nhận một điều này: Đúng là cả hai bóng ma đã có thỏa thuận với nhau nên không bao giờ trở về cùng một lúc. - Bà góa xinh đẹp ấy - Chàng thiếu niên mỉm cười hỏi tiếp - đến ngụ trong nhà lắm bóng ma từ bao giờ vậy? - Khoảng độ hai tháng nay. Vả lại, bà ta tỏ ra rất kiêu kỳ. Hai tháng qua, chẳng ai dám tự nhận là được thấy mặt bà ta: Bởi vì rất hiếm khi bà ta ra ngoài mà nếu có đi đâu cũng che kín mặt. Mỗi buổi sáng, một cô hầu khá xinh đến tôi đặt các bữa ăn cho ngày. Người của tôi mang đến: Người hầu nhận nơi phòng ngoài, thanh toán rất rộng rãi và đóng cửa ngay trước mũi thằng nhỏ. Như tối nay chẳng hạn, ở đấy có đãi đằng, và chính vì thế mà tôi vặt lông mấy con chim đa đa và chim cút mà ngài thấy đấy. - Bà ta đãi ai vậy? - Có lẽ là đãi một trong hai bóng ma mà tôi vừa kể với ngài. - Ông có bao giờ thấy mấy bóng ma đó chưa? - Có đấy, nhưng chỉ vào buổi tối, khi mặt trời đã lặn và sáng sớm khi ngày chưa đến. - Ông Biscarros thân mến à, ngay từ câu đầu tiên, có thể thấy ông là một người có mắt quan sát. Sao ông không nhìn thấy gì đặc biệt trong cung cách của hai bóng ma đó à? - Bóng thứ nhất của một một người đàn ông tuổi từ sáu mươi đến sáu mươi lăm, và có vẻ như là bóng ma của ông chồng trước, bởi vì nó đến như một kẻ vững tin vào quyền lực của mình. Bóng kia là của một chàng trai trẻ độ hai mươi sáu đến hai mươi tám tuổi, và cái bóng này tôi phải nói thêm là nó rụt rè hơn, cứ như là một cô hồn lang thang. Bởi vậy tôi chắc đây là người chồng kế. - Còn hôm nay ông được lệnh mang bữa ăn tối đến vào lúc mấy giờ? - Tám giờ. - Bây giờ đã là bảy giờ ba mươi. - Chàng thiếu niên nói sau khi lôi từ từ trong túi ra một chiếc đồng hồ khá xinh xắn mà chàng vẫn chốc chốc coi giờ - Ông coi chừng trễ đấy! - Ồ! Xin ngài đừng lo, nó sẽ được chuẩn bị kịp giờ, có điều tôi lên để hỏi vì tôi muốn nói rằng tôi vừa chuẩn bị một món khác. Bởi vậy, vì ông bạn của ngài đến quá trễ, bây giờ phải làm sao để ông ta đến sau một giờ nữa. - Hãy nghe tôi đây, chủ quán à! - Chàng thiếu niên nói với vẻ mặt của người cho bữa ăn chỉ là một vấn đề thứ yếu, ông đừng lo lắng gì về bữa ăn của chúng tôi cả. Dù cho người bạn của tôi có đến đi nữa thì chúng tôi sẽ phải trò chuyện với nhau. Nếu các món ăn chưa chuẩn bị kịp thì chúng tôi sẽ nói chuyện trước, còn nếu đã có sẵn thì chúng tôi sẽ trò chuyện sau vậy. - Quả thật, thưa ngài! - Ông chủ quán nói - Ngài thật là một người dễ chịu và bởi vì ngài đặt hoàn toàn tin tưởng vào tôi nên xin ngài cứ yên tâm, ngài sẽ được hài lòng. Nói xong, mét Biscarros cúi chào thật sâu và được chàng thiếu niên đáp lại bằng một cử chỉ gật đầu nhẹ, rồi lão đi ra. "Bây giờ" - Chàng thiếu niên tự nhủ khi quay lại với chỗ quan sát của mình bên cửa sổ - "Thì mình hiểu cả rồi. Bà phu nhân đang chờ đợi ai đó sẽ từ Libourne đến, còn những người nấp trong bụi rậm thì có có ý định gặp người khách trước khi chàng ta đến gõ cửa ngôi nhà". Cũng ngay khi đó, như để chứng minh những dự đoán của chàng, tiếng vó ngựa vang lên từ phía bên trái. Nhanh như tia chớp, ánh mắt của chàng phóng vào bụi rậm để quan sát thái độ của những người đang ẩn nấp. Dù bóng đêm đã bắt đầu làm nhòa đi mọi vật, chàng trông thấy như kẻ thù vạch các cành cây, kẻ thì nhổm người lên để nhìn qua các tảng đá, những người ẩn nấp chuẩn bị một tư thế trông hoàn toàn giống như một cuộc tấn công. Ngay khi đó, một tiếng động khô khốc, như tiếng đạn lắp vào ổ súng, ba lần vang lên bên tai chàng và làm chàng run lên. Thế là chàng vội quay về hướng Libourne, cố gắng nhìn cho rõ kẻ đang bị đe dọa bởi những tiếng động chết chóc ấy và thấy trên một con ngựa tuyệt đẹp đang phi nước kiệu, hiện ra một chàng trai rất đẹp, vẻ mặt hớn hở với chiếc áo choàng ngắn có lót satin trắng để hở một cách duyên dáng bên vai phải. Từ xa, khuôn mặt trông thật lịch sự, đầy thơ mộng và mang một vẻ kiêu hãnh vui tươi. Nhìn gần thì đấy là một khuôn mặt với những đường nét thanh tú, vẻ mặt linh hoạt, ánh mắt cuồng nhiệt, với cái miệng hé mở vì thói quen tươi cười, một hàng ria đen duyên dáng và hàm răng đều đặn, trắng bóc. Đằng sau chàng khoảng năm mươi bước, trên lưng một con ngựa được bắt nhịp theo bước chân ngựa của chủ là một tên người hầu khá hợm hĩnh, có vẻ như thuộc vào hàng đầy tớ cũng không kém phần quý phái như chủ của hắn giữa đám các nhà quý tộc. Chàng thiếu niên bảnh trai đứng nơi cửa sổ của lữ quán, có lẽ còn quá trẻ để có thể lạnh lùng chứng kiến một cảnh tượng như kiểu chàng biết chắc sẽ nhìn thấy, nên không thể nào không rùng mình khi nghĩ rằng hai con người đang tiến tới, đầy vô tư và tin tưởng kia, sẽ không còn nghi ngờ gì nữa, rơi vào cái bẫy đang dành cho họ. Dường như trong chàng đang diễn ra một sự đấu tranh rất nhanh giữa tánh rụt rè của tuổi thơ và tình yêu đối với đồng loại. Cuối cùng thì lòng tốt chiến thắng và khi chàng kỵ sĩ sắp đi ngang qua cửa lữ quán mà cũng chẳng thèm liếc mắt vào, chàng thiếu niên, tuân theo một nhiệt tình đột ngột và một quyết định dứt khoát liền chồm mình đến trước và gọi người lữ khách xinh đẹp: - Này ông ơi! - Chàng thiếu niên kêu lên - Dừng lại đi, tôi có điều quan trọng muốn nói với ông. Nghe tiếng gọi và những câu nói đó, chàng thanh niên ngẩng đầu lên, bắt gặp cậu thiếu niên nơi cửa sổ liền giựt dây cương cho ngựa dừng lại. - Ông không nên dừng ngựa lại. - Cậu thiếu niên lại nói tiếp - Trái lại, hãy đến gần tôi một cách tự nhiên và làm ra vẻ như ông có quen với tôi. Người mới đến hơi do dự, nhưng khi thấy rằng mình đang giao tiếp với một người quý phái có phong cách và bộ mặt dễ mến nên giơ mũ cầm tay và mỉm cười tiến đến: - Xin tuân theo lời anh bạn, tôi có thể giúp gì cho bạn được? - Ông hãy đến gần hơn nữa! - Người đứng nơi cửa sổ lại nói - Bởi vì những gì tôi sắp nói đây không thể lớn tiếng được. Xin ông hãy đội mũ lên để mọi người nghĩ rằng chúng ta có quen biết với nhau từ lâu, và chính tôi là người mà ông đến đây để tìm gặp. - Nhưng tôi chẳng hiểu gì cả. - Rồi ông sẽ hiểu. Tạm thời hãy đội mũ lên đi, được rồi, hãy đến gần đây hơn, gần hơn, gần hơn nữa, đưa tay cho tôi, đấy! Rất hân hạnh được gặp ông! Bây giờ hãy nghe tôi nói, đừng đi xa hơn lữ quán này nếu không ông sẽ mất mạng. - Có chuyện gì vậy? Anh bạn làm cho tôi sợ quá! - Chàng kỵ sĩ mỉm cười. - Có phải ông muốn nói đến ngôi nhà nhỏ đằng kia, nơi có ánh đèn đấy không? - Người kỵ sĩ phác một cử chỉ. - Nhưng trên đường từ đây đến đó, nơi khúc quanh, kế bên lùm cây um tùm đằng kia, có bốn người đang nấp chờ ông đấy. - Thế sao! - Người kỵ sĩ kêu lên, mở to mắt nhìn cậu thiếu niên - Thật ư? Anh bạn chắc chứ? - Tôi đã thấy họ lần lượt đến, kẻ sau người trước, xuống ngựa nấp sau những thân cây, và những tảng đá. Hồi nãy khi ông từ làng hiện ra, tôi có nghe thấy họ nạp đạn vào súng. - Được lắm! - Chàng kỵ sĩ đã bắt đầu kinh hoảng. - Vâng, thưa ông, đúng như tôi vừa nói, và nếu trời sáng sủa hơn, ông có thể nhìn thấy và nhận ra họ. - Ồ, tôi không cần phải nhìn mặt họ, tôi biết rõ đấy là những ai. Nhưng còn anh làm sao biết được tôi đang đi đến ngôi nhà đó và chính tôi là kẻ mà người ta đang chờ đợi? - Tôi đoán như vậy. - Anh bạn thật tử tế, cám ơn nhiều lắm. À! Thì ra họ muốn cho tôi ăn đạn, mà họ có bao nhiêu người tất cả nhỉ? - Bốn trong đó có một là người chỉ huy. - Người chỉ huy đó lớn tuổi hơn mấy người kia, đúng không? - Vâng, theo như mắt của tôi nhìn thấy từ đây. - Lưng hơi khòm? - Vai rộng, lông mũ trắng, áo chẽn thêu, áo khoác sẫm cử chỉ hiếm hoi nhưng đầy uy quyền. - Đúng rồi, đó là công tước D Epernon. - Công tước D Epernon! - Cậu thiếu niên kêu lên. - À! Bây giờ thì anh bạn biết chuyện riêng tư của tôi rồi. - Người khách mới đến cười nói - Tôi chưa bao giờ tiết lộ những chuyện như vậy, nhưng anh bạn đã giúp tôi một việc rất lớn nên tôi không phải e dè với anh. Mà những người đi theo ông ta họ ăn mặc như thế nào? - Áo khoác lính màu xám. - Đúng rồi, đó là những tên vẫn theo hầu lão ta. - Nhưng hôm nay họ có mang theo súng. - Để tiếp đón tôi đấy mà, tôi thật lấy làm hân hạnh! Bây giờ thì anh bạn có biết anh bạn phải làm gì không? - Không, nhưng xin ông cứ cho biết ý kiến, và nếu có thể giúp ích được cho ông điều gì, thì tôi rất sẵn lòng. - Anh có mang vũ khí chứ? - À, tôi có một thanh gươm. - Anh có người hầu không? - Có chứ! Nhưng lão ta không có ở đây, tôi đã sai lão đi đón người mà tôi đang chờ đợi. - Nếu vậy thì anh bạn cần phải giúp tôi một tay. - Để làm gì? - Để đánh úp mấy tên khốn kiếp đó, và bắt bọn chúng cùng với tên chỉ huy phải van xin chúng ta tha mạng. - Ông có điên không? - Chàng thiếu niên kêu lên, chứng tỏ rằng cậu không một chút nào sẵn lòng trước một hành động như vậy. - Tôi xin lỗi anh bạn! - Người kia nói - Tôi quên rằng đây không phải là việc của anh. Rồi quay về phía tên người hầu đã dừng lại cách đó một khoảng cách: - Castorin, lại đây! Cùng một lúc chàng ta đưa tay sờ đến bao súng nơi yên ngựa để biết rằng những khẩu súng vẫn nguyên vẹn. - Ôi, thưa ông! - Chàng thiếu niên kêu lên vừa đưa tay ra như để cản chàng trai lại - Tôi van ông, không nên liều mạng mình vì chuyện như vậy! Tốt hơn cả là nên vào quán để đừng gây nghi ngờ cho những kẻ đang chờ đợi ông, hãy nghĩ đến danh dự của một người phụ nữ. - Anh bạn có lý. - Người kỵ sĩ nói - Dù rằng trong trường hợp này vấn đề không phải là danh dự mà là tài sản. Này Castorin! - Chàng ta nói tiếp vừa quay về phía tên hầu - Tạm thời chúng ta không đi xa hơn đây nữa. - Sao? - Castorin kêu lên, cũng thất vọng không thua gì chủ - Ngài nói gì kia? - Tôi nói là tối nay cô Francinette sẽ mất niềm vui được gặp cậu, vì chúng ta sẽ ngủ lại đêm ở lữ quán Con Bê Vàng. Vào đi và bảo chủ quán chuẩn bị cho ta một bữa ăn tối cùng một cái giường. Và có lẽ vì chàng ta thấy rằng Castorin đang toan phản đối, chàng kèm theo những lời nói cuối cùng đó một cái hất đầu tỏ ý không muốn bàn cãi thêm. Thế là Castorin biến mất sau cánh cửa rộng, tai cụp xuống và không dám nói thêm một lời nào nữa cả. Người mới đến nhìn theo Castorin một lát, sau một lúc nghĩ ngợi, chàng ta có vẻ như đã quyết định, đặt chân xuống đất, cùng đi vào nhà sau tên người hầu, sau khi đã ném dây cương lên cánh tay hắn, và chỉ với hai bước nhảy, đã lên đến phòng chàng thiếu niên. Cậu này khi thấy cánh cửa phòng mình bật mở, buông ra một cử chỉ kinh ngạc pha lẫn sợ sệt, mà người mới đến vì bóng tối, nên không thể thấy được. - Rõ ràng rồi nhé! - Người mới đến vui vẻ bước lại gần chàng thiếu niên và thân mật siết bàn tay của chàng - Anh bạn đã cứu sống tôi đấy! - Ồ, thưa ông, ông quá lời đấy thôi! - Chàng nói, vừa lùi lại một bước. - Không, xin đừng khiêm tốn như vậy, đúng như tôi đã vừa nói mà, tôi biết rõ ngài công tước, lão ta rất tàn bạo. Còn anh bạn, anh bạn đúng là một kiểu mẫu về đức tính sáng suốt và lòng tốt. Nhưng xin cho tôi hỏi, vốn tử tế và đầy lòng trắc ẩn như vậy, anh bạn có ý nhắn giùm những người trong nhà kia chưa? - Nhà nào? - Thì nhà, nơi mà tôi đang muốn đến! Ở đấy người ta đang đợi tôi. - Không. - Chàng thiếu niên nói - Tôi không nghĩ đến điều đó, xin thú thật như vậy. Mà có nghĩ đến đi nữa thì cũng không có cách nào đến được. Tôi vừa mới đến đây được hai tiếng đồng hồ, và chẳng quen biết ai trong ngôi nhà đó. - Chà! Quái quỷ thật! - Người khách nói với cử chỉ lo âu - Tội nghiệp cho Nanon! Cầu mong đừng xảy ra chuyện gì với nàng. - Nanon à? Nanon de Lartigues! - Chàng thiếu niên sửng sốt kêu lên. - Ái chà! Anh bạn đúng là một tên phù thủy! Anh bạn thấy có người đến nấp sau bụi rậm và anh bạn đoán ngay được bọn họ muốn gì, tôi nói ra một cái tên và anh bạn đoán được cả họ. Nào, phải giải thích nhanh cho tôi rõ nếu không tôi sẽ tố cáo anh bạn, sẽ cho anh bạn lên giàn hỏa thiêu của chính quyền tỉnh Bordesux đấy. - À, lần này thì chắc ông cũng đồng ý với tôi. - Chàng thiếu niên lại nói, rằng chẳng phải khôn ngoan gì cho lắm để tìm ra tung tích người đó. Ông đã nêu danh ngài công tước D Epernon như tình địch của ông, thì rõ ràng là ông có nói ra một cái tên Nanon nào đó, thì chỉ có thể là Nanon de Lartigues thật đẹp, thật giàu, thật khôn ngoan như mọi người thường nói, người mà công tước D Epernon đang mê mệt và đang cai trị trong chánh quyền của ông ấy, khiến cho trong toàn vùng Guyennes bà ấy căm ghét không khác gì ông ta. Mà ông lại đến nhà người đàn bà đó à? - Chàng thiếu niên nói tiếp với giọng trách móc. - Vâng, xin thú thật điều này, và bởi vì tôi đã nói ra cái tên đó, nên tôi sẽ không chối cãi. Vả lại, Nanon đã bị vu khống và không ai hiểu rõ cô ấy đâu. Đó là một phụ nữ rất dễ mến, luôn luôn trung thành với lời hứa của mình chừng nào cô ấy còn muốn giữ nó, và luôn luôn tận tụy với người yêu, nhưng khi cô ấy còn yêu. Tối nay tôi sẽ dùng bữa với cô ấy, nhưng ngài công tước lại về phá đám. Anh bạn có muốn tôi giới thiệu anh với cô ấy không? Quỷ thật! Dẫu sao thì lão công tước lúc này hay lúc khác, cũng phải trở về Agen thôi! - Cám ơn. - Chàng thiếu niên đáp lại với giọng cộc lốc - Tôi chỉ mới được biết tên cô De Lartigues và thấy không cần thiết phải biết mặt. - Chà anh bạn nghĩ sai rồi đó! - Tôi chỉ đi ngang qua đây - Cậu nói - và đêm nay buộc phải lên đường rồi. - Ồ! Nhưng mà anh bạn sẽ không ra đi trước khi tôi được hân hạnh biết người đã cứu mạng tôi là ai. Chàng thiếu niên có vẻ do dự, và một lát sau nói: - Tôi là tử tước De Cambes. - À à! Tôi có nghe nói đến một vị nữ tước De Cambes rất xinh đẹp, có rất nhiều đất đai chung quanh Bordeaux và là bạn của công chúa phu nhân. - Đấy là chị bà con của tôi! - Thiếu niên vội vã nói. - Tôi xin có lời chúc mừng anh, tử tước à, bởi vì người ta bảo là cô ấy thật tuyệt vời, hy vọng rằng nếu có dịp, anh bạn sẽ giới thiệu tôi với cô ấy nhé. Tôi là nam tước De Canolles, đại úy trong quân đội Navailles và tạm thời đang được hưởng một chế độ nghỉ phép mà công tước D Epernon đã rộng lòng ban cho tôi nhờ lời cầu xin của cô De Lartigues. - Nam tước De Canolles! - Lần này thì tử tước De Cambes kêu lên, vừa nhìn người đối thoại mình với tất cả sự tò mò mà cái tên bất hủ giữa những câu chuyện phiêu lưu tình ái đương thời gợi lên trong đầu cậu. - Anh bạn biết tôi à? - Tôi chỉ nghe danh thôi. - Tử tước trả lời. - Chẳng đẹp đẽ gì lắm có phải không? Biết làm sao được bây giờ? Mỗi người có bản tính riêng của mình, tôi thì thích có một cuộc sống sôi động. - Ông hoàn toàn tự do theo sở thích của mình thưa ông! - Tử tước trả lời - Nhưng cũng xin cho tôi được phép cho ý kiến. - Anh bạn cứ nói. - Rằng người phụ nữ đó đã bị mang tiếng vì ông và ngài công tước sẽ trút cơn thịnh nộ lên bà ấy sau khi đã thất vọng về phía ông. - Quỷ thật! Anh bạn tin như vậy à? - Có thể lắm, vì dù là một người phụ nữ nhẹ dạ, tiểu thư De Lartigues dẫu sao cũng là một phụ nữ và đã bị mang tiếng vì ông, bây giờ ông có bổn phận lo lắng cho sự an toàn của người đó. - Anh có lý, anh bạn à! Và tôi quên mất, vì bị lôi cuốn vào câu chuyện dễ mến của anh, nhưng bổn phận của một người lịch sự chúng tôi đã bị lộ rồi, và hẳn là lão công tước đã biết tất cả. Đúng Nanon chỉ cần được báo cho biết chuyện này, nàng rất khôn khéo và tôi hoàn toàn tin tưởng rằng nàng có đủ khả năng buộc lão công tước phải xin lỗi vì hành động của lão. Anh bạn trẻ này, anh đã biết chiến tranh là gì chưa? - Chưa. - Vị tử tước cười trả lời - Nhưng tôi tin rằng sẽ được học hỏi ở nơi tôi sắp sửa đến. - Đấy! Đây là bài học đầu tiên. Anh bạn phải biết rằng trong chiến tranh,sức mạnh là vô ích, cần phải xử dụng đến mưu chước. Vậy hãy giúp tôi dùng đến mưu mẹo nhé! - Tôi không đòi hỏi gì hơn. Nhưng phải làm cách nào đây? - Quán có hai cửa. - Vậy à, bây giờ tôi mới biết đấy. - Tôi biết một cửa trông ra đường lớn, cửa kia là cửa sau, ngó ra đồng. Tôi ra bằng cửa sổ, đánh một vòng và đến ngôi nhà đó, gõ vào cũng một cánh cửa sau. - Phải, để họ bắt quả tang ông trong đó! - Chàng thiếu niên kêu lên - Ông thật là một nhà chiến thuật khôn khéo! - Người ta bắt quả tang tôi? - Chứ còn gì nữa. Ngài công tước, sau khi chờ đợi lâu quá, và không thấy ông ở đây ra, sẽ quay về nhà. - Ừ, phải, nhưng tôi chỉ vào rồi ra ngay. - Vào rồi thì ông sẽ không trở ra nữa đâu. - Anh bạn à, anh đúng là một tay phù thủy. - Ông sẽ bị bắt quả tang, và có thể bị giết ngay dưới mắt bà ấy, có vậy thôi. - Chà! - Canolles nói - Còn có mấy cái tù? - Ô! - Chàng tử tước kêu lên. Tiếng "Ô" đó được kêu lân với một âm điệu đầy hàm ý, nó hàm chứa những câu trách móc, tính bẽn lẽn thẹn thùng, một sự tinh tế dịu dàng đến nỗi Canolles sửng sốt và mặc dù bóng tối đã tràn ngập căn phòng, chàng ta đáp con mắt sắc bén vào cậu thiếu niên đang đứng tựa vào bệ cửa sổ. Tử tước cảm nhận đầy đủ gánh nặng của ánh mắt đó và nói tiếp với giọng đùa giỡn: - Dẫu sao thì ông cũng có lý, nam tước à, ông cứ đi nhưng hãy cẩn thận đừng để bị bắt gặp. - Ô không! Chính tôi đã nói sai, anh bạn là người có lý, nhưng làm sao báo cho nàng biết được bây giờ? - Tôi nghĩ rằng chỉ cần vài hàng. - Nhưng ai sẽ mang đi? - Tôi thấy hình như ông có một người hầu kia mà. Một tên hầu, trong trường hợp này, có lẽ chỉ lãnh vài cái gậy thôi, còn một người lịch sự thì sẽ mất mạng đấy. - Ừ nhỉ, tôi mất trí khôn rồi. - Canolles nói - Mà Castorin sẽ hoàn toàn xuất sắc công tác này, vả lại tôi nghĩ rằng hắn biết khá rõ mọi chuyện trong nhà. - Ông cũng thấy là mọi chuyện đều có thể thu xếp từ đây được. - Vâng, anh bạn có bút, giấy và mực không? - Không. - Tử tước nói - Nhưng dưới nhà chắc có. - Xin lỗi phải thú thật rằng là tối nay tôi làm sao ấy. Tôi phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác. Không sao! Xin cám ơn những lời khuyên của anh, tử tước à, tôi sẽ làm theo ngay đây. Và Canolles, không rời mắt khỏi chàng thiếu niên mà nam tước từ nãy đến giờ vẫn dò xét với ánh mắt chăm chú đặc biệt, đi ra cửa và xuống cầu thang, trong khi tử tước bối rối, lẩm bẩm: - Hắn ta nhìn mình dữ thật! Có thể nào hắn nhận ra? Trong khi đó, Canolles đã xuống đến nhà dưới, và sau khi buồn rầu đưa mắt nhìn đa đa với cút với đủ thứ của ngon vật lạ khác đang được chính chủ quán sắp đặt trong một cái giỏ đặt trên đầu tên phụ bếp, mà một người khác sẽ thay chàng được ăn, dù rõ ràng là chúng đã được nấu nướng để phục vụ chàng. Chàng hỏi căn phòng mà chủ quán đã dọn sẵn cho mình và bảo đem mực, bút, giấy đến và viết cho Nanon lá thư sau đây: "Phu nhân kính mến, Cách cửa nhà phu nhân một trăm bước, nếu thiên nhiên có phú cho cặp mắt xinh đẹp của phu nhân khả năng nhìn xuyên qua bóng đêm, thì phu nhân sẽ nhận ra giữa những lùm cây ngài công tước D Epernon đang rình để bắn hạ tôi và sau đó phu nhân sẽ bị tai tiếng khủng khiếp với mọi người. Nhưng tôi không muốn mất mạng, cũng không muốn để phu nhân bị tai tiếng. Xin phu nhân hãy an tâm về mặt này. Về phần tôi, tôi sẽ xử dụng đến những ngày phép mà phu nhân vừa xin giùm tôi hôm nọ để tôi có được những giây phút thảnh thơi đến thăm phu nhân. Tôi sẽ đi đâu, tôi chưa biết được, mà không biết là mình sẽ có đi đâu hay không. Dù sao đi nữa, khi cơn dông qua rồi, xin hãy cho gọi kẻ chạy trốn trở về. Nơi quán Con Bê Vàng sẽ có người chỉ cho phu nhân biết tôi đã đi đường nào. Hy vọng là phu nhân nhận thức rõ sự hy sinh mà tôi phải chịu đựng. Nhưng quyền lợi của phu nhân đối với tôi còn đáng quý hơn cả niềm vui của tôi. Tôi nói niềm vui là vì tôi sẽ được thích thú xiết bao nếu được nện cho ngài công tước và đám tay chân của lão dưới lốt giả dạng đó. Và thưa phu nhân kính mến, xin hãy nhân nơi tôi tình cảm tốt đẹp và luôn luôn trung thành." Canolles ký tên dưới lá thư mang đầy tính cách xỏ lá của dân miền Gascogne đó mà chàng ta biết rõ sẽ có một kết quả như thế nào đối với nàng Nanon cũng vốn là dân xứ Gascogne. Rồi cho gọi tên hầu: - Này Castorin, hãy thú thật với cậu ta là chuyện giữa mi với cô nàng Francinette đã đi đến đâu rồi? - Nhưng thưa chủ nhân - Castorin trả lời, khá ngạc nhiên vì câu hỏi - Thế con có phải...? - Yên tâm đi tên hợm hĩnh kia, ta không có ý định gì với cô nàng của mi đâu, và mi không có được cái hân hạnh là tình địch của ta đâu. Ta chỉ muốn biết một chút, vậy thôi. - Thưa chủ nhân, đó là một chuyện khác nữa, cô Francinette có đủ thông minh để nhận thức những khả năng của con ạ. - Như vậy là hai anh chị rất hợp ý nhau, phải không? Được lắm. Vậy hãy cầm lá thư này, và đến đó băng qua cánh đồng. - Dạ, con biết đường, thưa chủ nhân. - Castorin nói với vẻ tự mãn. - Hãy đến đó gõ vào cửa sau. Chắc mi biết cánh cửa đó chứ? - Dạ biết. - Tốt. Vậy hãy theo con đường đó, hãy đến gõ vào cánh cửa sau, và đưa lá thư này cho cô Francinette. - Như vậy, thưa chủ nhân - Castorin vui vẻ nói - Con có thể... - Mi có thể đi ngay bây giờ, cho mi mười phút vừa đi vừa về. Lá thư này cần phải được đưa ngay cho tiểu thư Nanon de Lartigues. - Nhưng thưa chủ nhân. - Castorin nói, đánh hơi thấy có điều không hay - Nếu người ta không mở cửa con con thì sao ạ? - Thì mi sẽ là một thằng ngốc, bởi vì mi phải biết một cách gõ đặc biệt nào, để một người lịch sự không bị bỏ quên bên ngoài chứ. Nếu không như vậy, thật đáng tiếc cho một nhà quý tộc như ta lại đi có một tên hầu ngu ngốc như mi. - Con có biết một cách, thưa chủ nhân - Castorin nói với một giọng đắc thắng nhất. - Trước hết con gõ hai lần cách khoảng đều nhau, rồi thêm một lần. - Ta không hỏi mi gõ bằng cách nào. Điều đó đối với ta không quan trọng, miễn là cửa mở thôi. Vậy thì đi đi, nếu có bị ai giữ lại thì hãy nhớ nuốt mảnh giấy. Nếu không, khi trở về ta sẽ cắt hai tay mi đấy. Castorin chạy vụt đi, như một tia chớp. Nhưng đến cuối cầu thang, hắn dừng lại và bỏ qua mọi mệnh lệnh đút mẩu giấy vào bên trên của chiếc ủng rôi đi ra ngoài qua cửa sau, chạy vụt ra mấy bụi rậm như một con cáo, nhảy qua mấy cái rãnh như một con chó săn, và đến gõ vào cửa sau với cách thức đặc biệt mà hắn ta vừa khoe với chủ và rất có hiệu nghiệm đến nỗi cửa mở ngay tức khắc. Mười phút sau, Castorin đã quay trở về mà không hề gặp chuyện rắc rối nào cả và báo với chủ nhân rằng lá thư như đã được trao tận tay tiểu thư De Lartigues. Canolles đã xử dụng mười phút đó vào việc mở hòm rương của mình, lấy ra một chiếc áo mặc trong nhà và bảo dọn bàn. Chàng nghe lời báo cáo của Castorin với vẻ hài lòng rõ rệt, đảo một vòng quanh nhà bếp, ra mệnh lệnh về việc ngủ đêm và ngáp một cái rõ dài như một người đang chờ đợi đến lúc được đi ngủ. Cử chỉ đó là để công tước D Epernon, nếu có cho người theo dò xét chàng, sẽ đinh ninh rằng chàng không ý định đi qua lữ quán này, nơi chàng đến giản dị như một lữ khách bình thường, vô hại và chỉ đòi một bữa ăn với một nơi qua đêm. Quả thật, kế hoạch đó mang lại kết quả như ý chàng mong muốn. Một gã trông nông dân đang ngồi uống trong một góc tối nhất của quán liền gọi người hầu bàn, thanh toán tiền rượu, rồi đứng dậy một cách thản nhiên, vừa đi vừa lảm nhảm một câu hát. Canolles đi theo gã đến ngoài cửa và thấy gã tiến về một bụi cây. Mười phút sau, chàng nghe có nhiều tiếng vó ngựa xa dần, cuộc mai phục đã được bãi bỏ. Thế là chàng nam tước trở vào hoàn toàn yên tâm về phía Nanon, chàng chỉ nghĩ đến việc phải trải qua một buổi tối bằng cách nào thú vị nhất. Bởi vậy, chàng ra lệnh cho Castorin chuẩn bị cỗ bài với xúc xắc, rồi đi mời tử tước De Cambes vui lòng tiếp chủ nhân của hắn. Castorin tuân lời và gặp nơi ngưỡng cửa phòng một lão tùy tùng già tóc bạc phơ. Ông này chỉ mở hé cửa và đáp lại lời mời với một vẻ khá khó chịu: - Không được! Ngài tử tước đang bận việc riêng. - Được lắm, ta sẽ chờ vậy. - Canolles nói. Và vì chàng nghe tiếng ồn ào dưới nhà bếp, nên để giết thời giờ, chàng đi xuống xem có chuyện xảy ra nơi quan trọng nhất trong nhà ấy. Đó chính là cậu phụ bếp đáng thương trở về dở sống dở chết: đến khúc quanh của con đường, cậu ta bị bốn người chận lại và biết cậu mang bữa ăn tối đến cho vị phu nhân nơi ngôi nhà hoang vắng, họ liền lấy cái nón, áo khoác trắng cũng như tạp dề của cậu. Tên trẻ nhất bốn người liền mặc vào người bộ y phục đặc trưng cho nghề nghiệp của cậu, đặt cái giỏ lên đầu hắn và thay cậu đi tiếp con đến ngôi nhà trọ. Mười phút sau, hắn ta trở lại, nói nho nhỏ gì đó với người trông như là người chỉ huy tất cả. Thế là bọn kia trả cho cậu bộ y phục, đặt lại cái giỏ lên đầu rồi tặng cậu một cái đá vào đít để chỉ cho cậu hướng mà cậu phải theo. Cậu nhỏ không dám đòi hỏi gì hơn. Cậu vội vã bỏ chạy và ngã xuống, mười phần chết một phần sống, trên ngưỡng cửa nơi mọi người vừa khiêng cậu vào. Tai nạn này thật khó hiểu với mọi người, ngoại trừ Canolles, nhưng vì chàng không có lý do gì để đưa ra câu giải thích nên để cho chủ quán, hầu bàn, phụ bếp tha hồ mà phỏng đoán về sự kiện. Chàng trở lên phòng vị tử tước, và nghĩ rằng lời mời đầu tiên qua miệng của Castorin sẽ miễn cho chàng những câu khách sáo như vậy nên chàng thản nhiên mở cửa phòng bước vào. Một cái bàn được đặt ngay giữa phòng, có nến soi sáng và được bày biện hai bộ đồ ăn, chỉ còn chờ đợi các món ăn được mang lên. Canolles nhận thấy hai bộ đồ ăn và cho đó là một điềm tốt. Thế nhưng, vừa nhìn thấy chàng, vị tử tước đứng bật dậy biểu lộ rõ ràng tính cách bất ngờ của cuộc viếng thăm, và Canolles hiểu rằng bộ đồ ăn thứ hai kia không phải dành cho mình. Sự thất vọng đó được củng cố bởi những lời đầu tiên của tử tước: - Ngài nam tước - Tử tước vừa nói vừa bước một cách trịnh trọng đến trước mặt chàng - Tôi có thể hiểu lý do vì đâu mà tôi được hân hạnh tiếp ngài hay không? - Nhưng - Canolles trả lời, hơi tức giận vì sự tiếp đón lạnh nhạt này - Lý do hoàn toàn dễ hiểu thôi. Cái đói đến với tôi. Tôi nghĩ rằng nó cũng đến với anh bạn. Anh chỉ có một mình, tôi cũng vậy, và tôi muốn được hân hạnh mời anh cùng dùng bữa. Chàng tử tước nhìn Canolles với một vẻ ngờ vực rõ rệt và có vẻ hơi bối rối không vội trả lời. - Hình như tôi làm cho anh bạn sợ thì phải. - Canolles vừa cười vừa nói - Anh bạn là hiệp sĩ xứ Mailte à? Anh bạn sẽ vào nhà tù hay là đã được khuyên bảo rằng nên tránh xứ dòng họ Canolles? Coi! Một giờ ngồi chung với nhau bên bàn ăn không làm cho anh bạn sa ngã đâu. - Không thể nào dùng bữa cùng ngài được, nam tước à. - Nếu vậy thì đừng xuống. Nhưng mà tôi đã lên đây rồi thì... - Lại càng không được. Tôi đang chờ một người. Lần này thì Canolles cứng miệng: - À! Thì ra anh chờ một người? - Chàng hỏi. - Vâng. - Phải nói... - Canolles nói tiếp sau một giây im lặng - Chẳng thà anh bạn để tôi tiếp tục con đường, dù cho chuyện gì có đến với tôi đi nữa, còn hơn là hỏng đi, bởi thái độ xa cách của anh bạn đối với tôi, sự giúp đỡ vừa qua mà thật ra, tôi cũng chưa có dịp cảm ơn anh bạn. Chàng thiếu niên đỏ mặt và tiến gần Canolles: - Xin lỗi ông. - Chàng nói với một giọng run run - Tôi thấy rõ thái độ bất lịch sự của mình, vì thế nếu không phải vì những việc quan trọng trong gia đình mà cần phải bàn riêng với người sắp đến gặp tôi, thì sẽ là một hân hạnh và một niềm vui cho tôi được tiếp đón thêm một người thứ ba dù rằng... - Ồ, xin cứ nói tiếp. - Canolles bảo - Anh bạn có nói gì chăng nữa, tôi cũng sẽ không buồn đâu. - Dù rằng - Chàng thiếu niên nói tiếp - sự quen biết giữa chúng ta chỉ là do kết quả của một tình cờ, một cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, một trong mối quan hệ tạm thời. - Mà tại sao lại như vậy chứ? - Canolles hỏi - Trái lại, chính vì vậy mà nảy sinh những tình bạn lâu dài và chân thành nhất, chỉ còn một việc là tạ ơn Đấng Bề Trên về cái mà anh bạn gọi là ngẫu nhiên. - Đấng Bề Trên, thưa ông - Chàng tử tước lại cười và nói tiếp - muốn rằng tôi sẽ lên đường sau hai giờ đồng hồ nữa, và rõ ràng là con đường của tôi sẽ ngược với đường đi của ông. Vậy xin hiểu cho rằng tôi rất lấy làm hối tiếc vì không thể, dù rằng tôi rất muốn, nhận tình bạn của ông đối với tôi mà tôi rất hiểu rõ giá trị. - Ôi, anh bạn đúng là một anh chàng trai khác thường và lòng tốt bộc phát của anh bạn đã cho tôi một ý nghĩ hoàn toàn khác với cá tánh của anh. Nhưng thôi, xin tùy ý anh bạn vậy, quả thật là tôi không có quyền đòi hỏi bởi vì chính tôi là người mang ơn anh bạn, và anh bạn đối với tôi nhiều hơn là tôi có quyền đòi hỏi nơi một người xa lạ. Tôi đành dùng bữa một mình vậy, nhưng tử tước à, phải nói là điều này đối với tôi thật nặng nề, độc thoại không phải là một thói quen của tôi. - Thưa ông - Tử tước vừa nói vừa đưa bàn tay ra - dù sao đi nữa, và dù cho cuộc gặp gỡ chúng ta có ngắn ngủi đi chăng nữa, xin hãy tin rằng tôi rất vui sướng đã được giúp ích cho ông. Canolles chỉ nghe có lời khen ngợi, chàng nắm lấy bàn tay vừa đưa ra, một bàn tay mềm ấm và run rẩy thay cho cái bắt tay cứng cáp và thân mật của chàng, và hiểu rằng dù câu nói có ân cần đến đâu đi nữa, ý đuổi khéo vẫn buộc chàng phải trở lùi, đầy thất vọng và vô cùng thắc mắc. Ra đến cửa, chàng đụng phải nụ cười nơi cái miệng sún hết răng của ông lão tùy tùng già, ông này cầm lấy chân nến nơi tay vị tử tước và trịnh trọng tiễn Canolles đến phòng của chàng rồi trở ngay lên với chủ nhân của lão đang đứng đợi nơi đầu cầu thang. - Y đang làm gì vậy? - Tử tước hỏi nhỏ. - Có lẽ ông ấy sẽ dùng bữa một mình - Pompéc trả lời. - Nếu vậy thì y sẽ không trở lên nữa đâu. - Tôi cũng mong như vậy. - Hắn dặn chuẩn bị ngựa đi, lão Pompéc, như vậy sẽ đỡ mất thời gian, nhưng kìa - tử tước nói thêm và lắng tai nghe - tiếng động gì vậy? - Hình như là tiếng của ông Richon. - Và của cả Canolles nữa. - Nghe như họ đang cãi nhau. - Không, trái lại, họ nhận ra nhau, nghe kìa. - Mong sao Richon đừng nói gì cả. - Ồ! Không việc gì phải lo, đó là một người thận trọng. - Suỵt. Cả hai người im lặng, và có tiếng Canolles vang lên: - Dọn lên cho hai người, mét Biscarros, hai phần ăn! Ngài Richon đây dùng bữa với tôi. - Xin cám ơn, nhưng không được đâu. - Richon trả lời. - Coi kìa? Anh cũng muốn dùng bữa một mình như cậu công tử kia à? - Công tử nào? - Cậu công tử ở trên kia! - Người đó tên là gì? - Tử tước De Cambes! - À, anh cũng quen với tử tước De Cambes à? - Cậu ấy mới cưu mang tôi. - Cậu ấy à? - Phải. - Sao có chuyện đó chứ? - Hãy dùng bữa với tôi, rồi vừa ăn tôi sẽ vừa kể cho anh nghe. - Không thể được, tôi dùng bữa với tử tước. - À, đúng rồi, cậu ta đang chờ một người. - Tôi đấy, và vì tôi đến hơi muộn, xin phép anh, tôi phải lên trên đó đây. - Không được! Tôi sẽ không cho phép anh đâu! - Canolles kêu lên - Tôi đã mang trong đầu ý định là sẽ dùng bữa với ai đó, bởi vậy anh sẽ ngồi ăn với tôi, hoặc là tôi ngồi ăn với anh. Mét Biscarros, dọn lên hai phần ăn! Nhưng, trong khi Canolles quay lại để xem lệnh của mình đã được thi hành hay chưa, Richon đã lên đến cầu thang và vội vàng leo lên đến bậc thang cuối cùng, bàn tay của ông đụng phải một bàn tay nhỏ nhắn kéo ông vào phòng của tử tước Cambes, cánh cửa đóng sập lại sau lưng ông ta và để cho chắc ăn hơn, hai cái chốt được cài vào. - Chà! Canolles lẩm bẩm trong khi hoài công đưa mắt tìm kiếm Richon và đành phải ngồi vào bàn ăn một mình - Không biết cái chốn quái quỷ này có điều gì chống lại ta đây. Kẻ thì đuổi theo ta để tìm giết, kẻ thì chạy trốn ta như thể ta bị hủi quá vậy. Mẹ kiếp! Ta không còn muốn ăn nữa, ta cảm thấy buồn quá và muốn uống say như một tên phu xe. Ái chà! Họ đóng cửa kín với nhau như thể đang âm mưu một điều gì. À sao mà ta ngu ngốc quá! Đúng là họ đang âm mưu với nhau, chính vậy, bây giờ thì ta đã hiểu. Nhưng họ theo phe ai? Phe ngài trợ giám mục? Phe các vị hoàng thân? Phe nghị viện? Phe vua? Phe hoàng hậu? Phe ngài Mazarin? Thôi ạ, họ theo phe ai thì theo, chuyện đó không ăn nhằm gì đến ta. Ta lại cảm thấy đói bụng rồi. Castorin, hãy dọn ăn, và rót rượu cho ta, nhanh lên. Và Canolles đành phải tấn công món ăn trước đó đã được dành cho tử tước De Cambes mà vì thiếu lương thực, mét Biscarros đành phải hâm lại và dọn lên cho chàng.