Đã qua ngày Chủ nhật. Tôi đã gặp em trai, nó còn gầy đi thêm nhưng nó không nói về cái đói của mình. Tôi không thể gọi nó là chú em nhỏ như trước đây được nữa. Mới vài ngày, nó đã già đi bao nhiêu. Chúng tôi không có quyền kể với nhau các hành động của mình vì quy tắc an toàn, nhưng tôi đọc được nơi mắt nó sự khắc nghiệt trong cuộc sống của nó. Chúng tôi đang ngồi ở bờ kênh; để qua thời gian, chúng tôi nói về nhà, về cuộc sống như trước đây, nhưng điều ấy vẫn không giúp ánh mắt nó được ổn. Thế là chúng tôi cùng thinh lặng hồi lâu. Cách chúng tôi không xa, một cần trục chân cong oằn, đung đưa trên mặt nước, cứ như thể nó đang hấp hối. Có lẽ Claude đã chơi vố ấy, nhưng tôi không có quyền hỏi nó. Claude đoán được ý tôi và cười: - Anh đã làm cái cần trục đấy hả? - Không, anh lại nghĩ có lẽ là em. - Em đã lo cái cửa cống ở phía trên một chút, và em có thể bảo anh rằng cống chẳng sớm hoạt động được đâu, nhưng còn cần trục thì em thề với anh là em chẳng dính dáng gì hết. Chỉ cần vài phút ngồi đấy, người nọ bên người kia, vài phút mà chúng tôi cuối cùng tìm lại được nhau, thếlà nó lại thành chú em nhỏ của tôi rồi. Nghe giọng nó nói, thì gần như nó xin lỗi đã làm một trò dại dột khi cho nổ tung máy móc vận hành cửa cống. Ấy thế mà, biết bao ngày đình đốn sẽ chất chồng trong việc vận chuyển trọng pháo hải quân mà quân đội Đức chuyên chở qua dòng kênh, từ Đại Tây Dương đến Địa Trung Hải? Claude cười, tôi xoa mái tóc rối bù của nó và cả tôi cũng cười vui. Đôi khi, giữa hai anh em, sự đồng lõa còn mạnh hơn mọi cấm đoán trên đời rất nhiều. Trời đẹp và cái đói vẫn cứ ở đó. Thế thì, cấm đoán đáp lại cấm đoán, thây kệ - Một cuộc đi dạo về phía quảng trường Jeanne-dArc, em thấy thế nào? - Để làm gì chứ? Claude hỏi với vẻ láu lỉnh. - Ăn một đĩa đậu lăng, chẳng hạn. - Quảng trường Jeanne-dArc ư? Claude nhấn mạnh, phát âm rõ rành từng tiếng một. - Em biết một chỗ khác hay sao? - Không, nhưng nếu chúng mình bị Jan vớ được, anh biết mình mạo hiểm thế nào chứ? Tôi những muốn làm bộ ngây thơ nhưng Claude lập tức cảu nhảu: - Thế thì em bảo cho anh biết nhé, chúng mình có nguy cơ nếm trải một ngày Chủ nhật rất rất tồi tệ! Cần phải biết rằng toàn đội đã bị Jan khuyến cáo nghiêm khắc vì cái quán ở quảng trường Jeanne-dArc. Chính Émile, tôi nghĩ vậy, đã khám phá ra chỗ này. Tiệm ăn có hai cái lợi, ăn ở đấy rẻ như bèo, chỉ sơ sơ mấy đồng lẻ, nhưng hơn nữa, ta ra khỏi tiệm no nê và chỉ riêng cảm giác ấy giá trị bằng mọi thực phẩm trên đời. Émile đã không chậm trễ truyền lại cho bạn bè mối này và, dần dần, quán bắt đầu đông khách. Một hôm, đi qua trước cửa kính, Jan kinh hãi phát hiện gần như toàn thể thành viên trong đội của anh đang ăn trưa ở đó. Một vụ càn quét của đội cảnh sát là chúng tôi bị tóm hét. Ngay tối hôm ấy, chúng tôi được triệu tập manu militari 1 đến nhà Charles, và mỗi người đều bị quở mắng. Địa điểm gọi là Đĩa Đậu tằm từ nay dứt khoát bị cấm đối với chúng tôi, nếu không sẽ bị phạt nặng. - Em đang nghĩ một điều, Claude nói khẽ. Nếu không ai được quyền đến đấy nữa, có nghĩa là không ai trong bọn mình sẽ có mặt ở đấy? Cho đến chỗ ấy, thì lý lẽ của thằng em tôi vững. Tôi để nó tiếp tục. - Mà nếu không ai trong bọn mình có mặt ở đấy, thì nếu anh với em đến, chúng mình chẳng gây cho đội một nguy hiểm nào phải không? Không chỉ trích được gì hết, vẫn vững như thường. - Và nếu anh em mình cùng đến, thì sẽ không ai biết chuyện và Jan sẽ không trách mắng chúng mình được. Em thấy đó, trí tưởng tượng của người ta thật là điên rồ khi người ta mang cái bụng rỗng cùng cái đói khốn kiếp đang giày vò nó. Tôi khoác cánh tay thằng em và, quên ngay con kênh, chúng tôi chạy nước rút hướng quảng trường Jeanne-dA Bước vào quán, cả hai chúng tôi đều bị một chấn động kỳ cục. Xem ra, tất cả các chiến hữu trong đội đều đã lập luận giống như chúng tôi; và còn nhiều hơn một sự xem ra, vì ai nấy đều đang ăn trưa ở đó, thành thử chỉ còn hai chiếc ghế trống trong phòng. Hãy thêm vào đó, là các chỗ trống lại ở đúng bên cạnh chỗ ngồi của Jan và Catherine, mà cảnh mặt đối mặt riêng tư tình tứ rành rành là làm hại thanh danh, và lý do thì ai cũng biết! Mặt Jan dài thuỗn ra và tất cả cố kìm giữ được đến đâu hay đến đấy trận cười như nắc nẻ. Chủ nhật ấy, chắc ông chủ quán phải tự hỏi vì sao đùng một cái, toàn thể khách ăn của ông lại cười lăn lộn, trong khi rõ ràng là không một ai có vẻ quen biết nhau. Tôi là người đầu tiên kiểm soát được trận cười như nắc nẻ của mình; không phải vì tôi thấy tình thế ít kỳ cục hơn các bạn khác, nhưng đó là vì ở phía trong cùng của quán, tôi vừa nhìn thấy Damira và Marc cũng đang ngồi ăn riêng với nhau. Và bởi Jan đã để mình bị bắt gặp trong quán bị cấm cùng với Catherine, nên Marc chẳng có một lý do gì phải chịu thiệt; tôi nhìn thấy cậu cầm tay Damira và cô để yên. Trong khi những hy vọng yêu đương của tôi tiêu tan trước một đĩa đậu lăng giả, thì các bạn, đầu cúi xuống đĩa ăn, đang lau nước mắt. Catherine giấu mặt sau khăn quàng, nhưng cô không đừng được và đến lượt cô bật lên một tràng cười như nắc nẻ khơi lại trạng thái tươi vui trong phòng; ngay cả Jan và ông chủ cuối cùng cũng hòa theo. Cuối buổi chiều, tôi tiễn Claude về. Chúng cùng ngược lên con phố nơi em ở. Trước khi đi đến bến tàu điện ngầm của mình, tôi ngoảnh lại, chỉ đúng một lần, để nhìn cái mặt non choẹt của nó trước khi lại ra đi về phía nỗi cô đơn. Nó thì không ngoảnh lại, và rốt cuộc như thế lại hay hơn. Vì không phải chú em nhỏ của tôi đang về nhà nữa, mà là người đàn ông mà nó đã trở thành. Và tối Chủ nhật ấy, tôi thấy sầu muộn ghê gớm. --- ------ ------ ------ ------- 1 Tiếng La tinh: bằng biện pháp quân sự