Hầu thị cũng không dám làm cho nhiều người tức giận, huống chi tên Lưu Hầu Tử kia nói cũng có lý. Thân phận những người làm thuê như bọn họ đều là hạng thường dân áo vải, sao có thể đi làm cái việc trộm cắp, nếu không, bị người ta phát hiện thì được chẳng bằng mất. Vậy chuyện kia có thể do ai làm đây? Bà ta đột nhiên nghĩ đến ba tên oắt con bị ghẻ lạnh, liền quát mắng: - Mặt trời sắp ngả về tây rồi đó, còn không mau đi làm đi, cả đám lề mề ở đây làm gì thế? - Bụng lép xẹp thế này, lấy đâu ra sức mà đi làm? Mọi người chẳng thèm để ý, giọng cả đám thều thào nói. - Đáng đời lũ đàn ông chân bùn đói mạt kiếp! Hầu thị hùng hổ nói: - Nhanh đi ăn đi, rồi còn mau mau đi làm, nếu không thì ngay cả cơm trưa cũng đừng nghĩ đến nữa! - Có tìm khắp tám xã, mười dặm quanh đây cũng không có ai chèn ép người làm thuê như Trần nương tử đâu! Mọi người oán giận, nhưng vẫn lập tức giải tán: - Làm hết kỳ này, để xem còn có ai đến làm công cho nhà ngươi nữa không! - Đám người muốn làm việc cho nhà ta xếp hàng từ thôn Thạch Loan cho đến sườn núi đấy nhé! Hầu thị một bên không chịu thua miệng lưỡi, cố nói một câu, một bên hùng hổ đi tới phía túp lều phía tây bắc. Trần Tam Lang sớm bị Hầu thị đánh thức, lúc này nghe tiếng bước chân đang đến gần liền biết mụ tới đây để điều tra. Hắn thấp giọng dặn dò hai đệ đệ, nhất định phải kín miệng. Vừa mới mặc áo cho Tiểu Lục Lang xong thì Hầu thị đã hùng hổ đẩy cửa tiến vào, rồi ngay lập tức mắng xối xả: - Nói, có phải đám tiểu súc sinh các ngươi trộm gà của lão nương? - Tiểu súc sinh mắng ai thế? Trần Tam Lang đè nén tức giận trong lòng, xoay người xỏ giầy cho Tiểu Lục Lang. - Tiểu súc sinh mắng ngươi đó! Hầu thị vừa nói ra xong liền biết mình mắc lỡm, khuôn mặt khó coi trát đầy phấn son của mụ lập tức trở nên đỏ như tôm luộc: - Dám ăn cắp đồ của lão nương! Vóc giáng của mụ so với đàn ông còn lực lưỡng hơn, lúc này giương nanh múa vuốt lao tới, nhất thời liền dọa cho Tiểu Lục Lang khóc thét lên. - Đại nương vì sao lại động thủ đánh người vô cớ như thế? Trần Tam Lang vội vàng ôm lấy Tiểu Lục Lạng đang đứng gần mụ, rồi lùi ra cửa nói: - Chúng cháu đắc tội với đại nương chỗ nào? Hầu thị vừa bị mắc lỡm, có miệng mà không thể nói, đành phải đem chuyện mất gà hỏi tội đám nhỏ trước, nói: - Nói, các ngươi đem gà của ta dấu ở chỗ nào rồi? - Gà nào? Vẻ mặt Trần Tam Lang mờ mịt nói: - Gà của đại nương, làm sao lại chạy đến chỗ này của bọn cháu chứ? - Nhất định là ngươi đã trộm! Để xem đến lúc ta tìm ra chứng cứ, còn không đem đám trộm cắp các ngươi lên quan sao? Hầu thị vừa nói vừa tìm khắp trong ngoài, nhưng ngay cả đến cọng lông gà cũng làm sao mà thấy được? Nhưng sau khi mụ xem đến nhà bếp có một ít tro tàn, đồng thời trong nồi giường như đã luộc qua thứ gì đó, liền xem như đã tìm được chứng cứ, nói: - Nói, có phải các ngươi đã đem gà của ta luộc rồi hay không? - Đại nương xem lại trong rồi xem, coi có giọt nước sôi nào hay không rồi nói? Trần Tam Lang lạnh lùng nói. Hắn muốn nhắc nhở điều này với Hầu thị, nồi là được xây ở trên bếp, nếu muốn lấy xuống thì phải dỡ bếp lò ra. Cho nên, nếu có luộc gà thì chắc chắn phải tìm được dấu vết. Nhưng Hầu thị cho dù có mở to con ngươi, tìm tới tìm lui trong nồi vài lần, cũng không thể tìm được một giọt nước sôi nào. Mụ ta không khỏi nghi hoặc nói: - Vậy thì các ngươi nhóm lửa làm gì? - Hôm qua, cháu bị bệnh nặng, phải uống nước ấm, đại nương lại không cho chúng cháu ăn cơm, nên cháu phải nhờ đệ đệ nấu cơm. Trần Tam Lang lạnh lùng nói: - Cháu biết đại nương chê cha con chúng cháu chỉ biết ăn cơm trắng, chi tiêu tốn kém, nên sớm đã có ý muốn ra ở riêng, còn rất không muốn thấy mặt cha con chúng cháu nữa. Lại thừa lúc cha cháu ở bên ngoài dốc sức học hành, tìm mọi cách để làm nhục đối với huynh đệ chúng cháu. Đột nhiên hắn ngưng lại một chút, rồi sẵng giọng nói: - Đại nương nương cần gì phải làm như vậy, năm nay là năm thi cử, cha cháu nếu có thể thi đậu, đến lúc đó không biết các ngươi làm sao đối mặt! Sở dĩ hắn đem vấn đề này nói ra, đầu tiên tất nhiên là vì muốn đánh lạc hướng Hầu thị, tránh cho hai đứa nhỏ lộ ra dấu vết. Thứ hai chính là muốn dạy cho mụ ta phải biết kiềm chế… Hầu thị vốn là muốn lợi dụng bọn hắn còn nhỏ không hiểu chuyện để bắt nạt, nên mới không thèm kiêng nể gì như vậy. Hiện tại nghe hắn nói có đạo lý rõ ràng, trong lòng không khỏi cả kinh, thầm nhủ: “Làm sao nó có thể nói ra những lời mạnh mẽ đến vậy! Chẳng lẽ tên nhóc này có thể nhìn thấu lão nương?” Điểm tâm tư này của mụ đúng là đã bị Trần Tam Lang nhìn ra. Bao nhiêu năm rồi, bởi vì đàn ông trong nhà trước giờ không được đi học, lúc này cha mẹ chồng liền đem hy vọng đặt lên trên người tiểu thúc, cho nên lời nói và việc làm tất nhiên sẽ khó tránh khỏi thiên vị cho tiểu thúc, mụ ta lại hẹp hòi, nên trong lòng vẫn luôn bất mãn. Nhưng lúc đó cha mẹ chồng còn sống, mụ cũng lo lắng tiểu thúc có thể thực sự đỗ đạt làm quan, đến lúc đó còn dựa dậm được nhiều mặt, cho nên bề ngoài cũng phải giả vờ hòa thuận êm ấm. Nhưng cái loại tâm lý méo mó này cứ tích lũy theo năm tháng, phẫn uất chất chồng, cuối cùng là mụ xem tiểu thúc trong nhà như cái đinh trong mắt, cái gai trong thịt. Khiến mụ càng thêm vui mừng khi người gặp họa chính là tiểu thúc hao phí thời gian mười mấy năm, đừng nói là đậu tiến sĩ, ngay cả thi thử cũng không qua nổi…Điều này làm cho mụ khẳng định rằng tiểu thúc và chồng của mình, cả hai anh em đều không mệnh làm quan. Cứ như vậy, mụ lại càng không dễ dàng tha thứ cho một nhà tiểu thúc có mấy cái miệng ăn không ngồi rồi, chứ đừng nói chi là mụ phải gánh thêm việc chi tiêu học hành cho bọn họ! Như vậy chỉ có thể ra ở riêng! Mụ đã sớm có ý nghĩ này trong lòng, nhưng sở dĩ kéo dài tới sau khi bà bà mất hơn hai năm mà vẫn còn không ra riêng, không phải là không đủ độc ác để làm mà là không dám. Cái mà mụ sợ chính là luật pháp vô tình! Ở triều Đại Tống này, thoát ly gia tộc ra ở riêng không chỉ đơn giản là việc của gia tộc đó. Ở đây, triều đình đề cao những gia tộc có mấy đời nối tiếp ở chung với nhau, cổ vũ phong trào huynh đệ ở chung trong một nhà. Đương nhiên có thể thực sự làm được điều này cũng chỉ là một số ít mà thôi, nhưng trong Tống Hình Thống vẫn có quy định rõ ràng: “Chư tổ phụ mẫu, phụ mẫu tại nhi tử tôn biệt tịch dị tài giả, đồ tam niên. Chư cư phụ mẫu tang, sinh tử cập biệt tịch dị tài giả, đồ nhất niên”. Trong đó, “biệt tịch” là tách hộ ra ở riêng, còn “dị tài” là chia tài sản. Ý tứ là, khi ông bà cha mẹ còn sống, ai dám ra ở riêng phạt tù ba năm, cho dù cha mẹ đã mất thì cũng phải chờ đến khi mãn tang mới có thể ra ở riêng, nếu không sẽ bị phạt tù một năm…Điều này là để tránh trường hợp khi cha mẹ vừa mất thì anh em trong nhà không thèm để ý đến tang sự của cha mẹ mình, rồi từ đó nảy sinh những việc bê bối khi tranh đoạt gia sản. Pháp luật Đại Tống, bất kể về mặt chế định hay về phương diện thi hành, đều có thể nói là đã qua nghiên cứu kỹ lưỡng của nhiều thế hệ nhân tài kiệt xuất về vấn đề nhân tính. Nhưng pháp luật là chết, người là sống, nếu muốn nhờ vào pháp luật chết để bảo hộ tất cả mọi người thì chẳng khác nào người si nói mộng. Mặc dù Hầu thị chậm chạp không dám ra ở riêng, nhưng vẫn có thể dùng thân phận đại tẩu của mình tùy ý ức hiếp cả nhà tiểu thúc, để tạm thời giải bớt phiền muộn nhiều năm trong lòng. Nhưng cho dù là vậy thì trước kia mụ nhiều nhất cũng chỉ là gây khó khăn cho tiểu thúc, rồi không cho đám cháu trai quần áo mới để mặc, thứ tốt để ăn. Dù thế nào cũng không như bây giờ, đem ba đứa nhỏ bức đến đường chết…Trần gia cũng coi như nhà giàu, hơn nữa đây còn là cháu ruột của mình, mụ làm như vậy không khỏi mất thể diện, mất cả thanh danh. Hầu thị sở dĩ đột nhiên trở nên độc ác như thế, là bởi vì tháng ba năm nay, cũng chính là tháng này, con cháu Trần gia sẽ mãn tang, như vậy ngày phân chia tài sản sắp tới rồi. Mụ nhất định phải chiếm được phần lớn gia sản, bởi vậy nên mụ đã sớm sai đệ đệ tới huyện nha chuẩn bị trước. Ai ngờ đệ đệ của mụ trở về nói là thư lại quan phủ khẳng định loại chuyện như vậy rất khó giải quyết, bởi vì luật lệ Đại Tống phản đối việc ra riêng, chia tài sản. Nó cho rằng hành vi này là hủy hoại thuần phong mỹ tục, cho nên người nào đề xuất việc ra ở riêng thì người đó ngược lại sẽ được chia rất ít gia sản. Hơn nữa, bởi vì cháu chắt đối với tài sản của ông bà cũng có quyền thừa kế, nên khi chia tài sản, quan phủ sẽ chiếu theo số người của mỗi bên mà chia…Gia đình anh em Trần gia đều không có con gái chưa chồng, chỉ toàn là nam, nói cách khác, ngoại trừ mụ là vợ của huynh trưởng ra thì tất cả người khác đều có quyền thừa kế…So ra thì tỷ lệ chia tài sản của hai nhà là ba so với năm, nhà mụ vẫn như cũ bị vây trong hoàn cảnh xấu. Hơn nữa, bởi vì chế độ quan lại đặc thù của triều đại này khiến cho vị trí huyện đại nhân không thể vì một chút lợi nhỏ mà làm hỏng danh tiếng thanh quan của mình. Cho nên, nếu dựa vào quan phủ để phân chia, thì nhà của mụ khẳng định sẽ chịu thiệt. Khi nghe đệ đệ của mình nói vậy thì mụ hoàn toàn choáng váng, đây không phải là đem đá tự đập vào chân mình hay sao? Đệ đệ nói cho mụ biết, hiện tại hoặc là khiến cho Trần lão nhị tự mình đề xuất ra ở riêng, hoặc là song phương lén đạt thành hiệp nghị, rồi cả hai cùng đến quan phủ chia tài sản…Chỉ cần tất cả hợp lý, tri huyện đại nhân cũng sẽ mắt nhắm mắt mở cho qua. Điều này chẳng khác nào cọng rơm cứu mạng của Hầu thị, thế nên trước tiên mụ quyết tâm bức bách tiểu thúc tự mình đề xuất việc ra ở riêng, do vậy mới làm cho mọi thứ trầm trọng như bây giờ. Vừa hay lúc này Trần lão nhị đi học xa nhà, mụ liền bắt đầu tìm mọi cách ngược đãi ba đứa nhỏ… chính là muốn khiến Trần lão nhị tự mình giác ngộ, hoặc là vĩnh viễn ở nhà trông con, hoặc là lập tức xin ra ở riêng. Nếu không cẩn thận chết một hai đứa thì càng hợp ý nàng hơn. Ở thời đại này, tỷ lệ trẻ con chết yểu rất cao, cho dù là gia đình giàu có đi nữa, nếu sinh ra mười đứa thì có thể nuôi lớn một nửa trong số đó đã xem như kỳ tích rồi. Giống như mụ ta vậy, sinh ra bảy người con, nhưng sống sót chỉ có hai, cho nên đối với mụ mà nói thì có chết vài đứa nhỏ chưa trưởng thành cũng chả có gì to tát. ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~ Tâm tư của Hầu thị đột nhiên bị một tên nhóc nói toạc ra khiến mụ không khỏi bối rối, trong miệng chỉ biết lầm bầm mắng cái gì mà “Xé nát miệng của người ra”, chân bên dưới tự động bắt đầu bước ra bên ngoài, không còn dám nhìn thẳng vào đôi mắt có thể thấy rõ lòng người kia nữa. Trần Tam Lang âm thầm thở phào nhẹ nhõm, nhưng vẻ mặt của hắn vẫn không có chút nào thay đổi. Nhưng Hầu thị làm sao có thể chấp nhận bỏ đi như vậy, khuôn mặt xám xịt bỗng nhiên nghiêm lại, hai con ngươi bắt đầu xoay chuyển, hy vọng có thể tìm được một lý do nào đó để hạ thấp cái vẻ bệ vệ của tên tiểu tử này. Khi ánh mắt hung thần ác sát của mụ dừng lại trên người Tiểu Lục Lang thì đột nhiên phát hiện phía bên hông thằng nhãi con này có một vật, mụ không khỏi hét lớn một tiếng nói: - Ngươi đang giấu cái gì! Nói xong, mụ liền chộp ngay tay phải của Tiểu Lục Lang. - Bà muốn làm gì! Trần Tam Lang vội vàng ngăn lại, nhưng hắn chẳng qua chỉ mới mười tuổi, làm gì có sức lực như kiếp trước? Lập tức hắn bị ả đàn bà có chồng hung hãn này đẩy tới, lảo đảo lui lại phía sau. Mặc dù hắn rất nhanh đã đứng vững lại, nhưng trong nháy mắt tay áo của Tiểu Lục Lang đã bị Hầu thị bắt được. - Bà buông đệ đệ ta ra! Trần Tam Lang dùng sức ôm lấy cánh tay của ả đàn bà kia, lớn tiếng quát Tiểu Lục Lang: - Chạy mau di! Nhưng đệ đệ của hắn còn quá nhỏ, đã hoàn toàn bị dọa cho ngây ra. Cũng may là Ngũ Lang phản ứng kịp, liền ôm đệ đệ né qua một bên. Quần áo của Tiểu Lục Lang sớm đã rách rưới không chịu nổi, giờ đây bị Hầu thị dật một phát, nhất thời rách toạc ra một miếng to, nguyên cả ống tay áo bị kéo xuống. Thấy rõ việc xảy ra, ngay cả Trần Tam Lang cũng ngây cả người, trong tay đệ đệ hắn không ngờ là một cái đùi gà màu vàng… - Tốt lắm! Dáng vẻ bệ vệ của Hầu thị lập tức tăng vọt, mụ hất mạnh Trần Tam Lang ra, chỉnh lại tóc tai đang rối bời một chút, rồi chỉ vào cái đùi gà, vô cùng phấn khởi nói: - Ta quả nhiên không nhìn lầm, các ngươi chính là một ổ trộm! - Ngươi thúi lắm! Một tiếng chửi hày lại không phải của Trần Tam Lang hay là Hắc Ngũ Lang, mà là của Tiểu Lục Lang với vẻ mặt đỏ bừng, tên nhóc này gấp đến độ nói lắp: - Ta…anh trai ta không phải là kẻ trộm! - Còn dám cãi à! Loại đàn bà đanh đá như Hầu thị, tất nhiên không thể buông tha đám nhỏ này, mụ liền giơ tay tát một cái, thoáng cái đã đánh cho Tiểu Lục Lang ngã xuống đất, miệng mũi đầy máu. Hầu thị còn muốn thi triển dâm uy cho đã giận thì lập tức lại nghe thấy một tiếng gầm phẫn nộ: - Ta giết cái con rùa già nhà bà! - Ngươi… Mụ ta còn chưa nói xong chữ “ngươi” thì đã gào lên “á” một tiếng thảm thiết, thì ra mụ bị Trần Tam Lang trở nên điên cuồng đang hung hăng húc vào. Hầu thị bất ngờ không kịp đề phòng, liền ngã lăn quay. Trần Tam Lang lại một lần nữa quá đề cao sức mạnh của chính mình, hắn không thể đứng vững mà cũng ngã nhào trên mặt đất. Nhưng lúc này, Hắc Ngũ Lang gầm lên, cả người nhào tới, ngồi lên bụng Hầu thị, rồi đấm túi bụi xuống dưới.