Nhà A nhà B

Chương 37 : 36 

Nhà A nhà BTác giả: Hàm Hàm Ngoại truyện Dịch: Losedow Biên tập: Airin Nguồn: Tangthuvien Ngoại truyện: Ngô Cạnh Việc đầu tiên tôi làm sau khi đến công tác tại đại học A là đi đón sinh viên mới. Sinh viên mới của đại học A báo danh ngày 15 tháng 9. Lần đầu tiên đi đón sinh viên với thân phận giáo viên, tôi nhìn lần lượt từng gương mặt trẻ trung như đang tỏa sáng, trong lòng vừa có chút cảm khái vừa cảm thấy hâm mộ. Hôm đó nhiệt độ rất cao, bàn tiếp nhận sinh viên mới đến báo danh của học viện chúng tôi được đặt dưới một tán cây to, mặt đất hơi gồ ghề, chiếc bàn cũng hơi cập kênh, có điều còn có thể coi như mát mẻ. Bên cạnh tôi là bốn nam sinh viên năm thứ tư cũng kê bàn đón sinh viên, bọn họ nhỏ giọng thảo luận về các sinh viên mới đi qua, đương nhiên là nữ sinh, mà không cần kiêng nể gì. "Cô bé này có nước da không tồi". "Cô bé kia thật là đầy đặn!" "Ôi trời, mày xem em kia mặc bộ quần áo quê chưa kìa!" "Oa, nhìn em kia kìa, đi báo danh mà dám mặc quần soóc ngắn như vậy!" (Tại Trung Quốc, trong một trường đại học có nhiều học viện khác nhau). Tôi đành phải giả câm vờ điếc, không biết là một giáo viên thì nên tỏ thái độ như thế nào mới phải. Họ ở trong ngôi trường này lâu hơn tôi, tôi lại không biết phong cách của trường này như thế nào, trường học khoan dung đối với lời nói cử chỉ của sinh viên tới mức độ nào, nếu cứ phát ngôn bừa bãi thì ngày mai có khi sẽ xuất hiện trên trang nhất website của trường cũng không chừng. Kỳ thực tôi cũng không hài lòng lắm với đại học A, trường này kém quá nhiều so với các trường tôi học đại học và thạc sĩ, cùng lắm cũng chỉ có thể coi như một đại học xếp hạng không thấp lắm trong tỉnh. Nhưng mẹ tôi kiên quyết bắt tôi phải về đây, mẹ nói rằng bà và bố tôi đã phấn đấu ở thành phố A chừng đó năm, cũng có một chút quan hệ, về thành phố A sẽ tốt hơn nhiều so với ở bên ngoài tay không tấc sắt gây dựng cơ nghiệp. Tôi không lay chuyển được bà, hơn nữa giờ đây tìm việc quá khó, tiến sĩ tốt nghiệp đã phải qua năm ải chém sáu tướng, vậy mà có thể tìm được một công việc như vậy đã xem như rất khá rồi. Sư huynh tôi đã tốt nghiệp hai năm nhưng giờ đây hồ sơ vẫn còn ở sàn giao dịch việc làm mà không có tin tức gì. "Thầy Ngô, sau này nếu trong lớp thầy có nữ sinh xinh đẹp thì thầy phải nhớ đến bọn em đấy!" Có lẽ là vì thấy tôi vẫn không lên tiếng nên một sinh viên ngoại hình rất đẹp trai bên cạnh quay sang bắt chuyện với tôi. Tôi cười cười, "Nam sinh đại học A muốn tìm nữ sinh mà còn cần giáo viên giúp đỡ sao?" Một nam sinh tóc rất dài khác đi tới nói: "Thầy Ngô, thằng này là thằng tàn nhẫn bẻ hoa có tiếng, tung hoành vô địch ở học viện mình đấy, học kì trước có hai nữ sinh đánh nhau vì nó, cảnh tượng đó, tặc tặc, vô cùng thê thảm!" "Có chuyện như vậy à? Đánh nhau ở phòng nam sinh hay là phòng nữ sinh?" Tôi hỏi. Phòng nữ sinh thì đương nhiên nam sinh không vào được. Nam sinh tóc dài gãi đầu cười nói: "Nghe nói, nghe nói thôi mà thầy". Nam sinh đẹp trai đấm hắn một đấm, nói: "Đây là mày đang bôi nhọ danh dự của tao đấy. Học viện kinh tế làm gì có gái đẹp, tất cả gái đẹp đều ở học viện ngoại ngữ hết rồi! Thầy Ngô, hôm nào đến dạ hội chào mừng sinh viên mới thầy đến mà xem, tất cả khủng long đều là sinh viên học viện chúng ta, thật là đáng thương!" Tôi cười lắc đầu, nói: "Nói không chừng năm nay sẽ có người còn xinh hơn học viện ngoại ngữ, đừng chán nản thế". Lời này đã ứng nghiệm, trong số sinh viên mới thật sự có một cô bé xinh đẹp. Hơn mười giờ sáng, đã có rất nhiều sinh viên lục tục đến báo danh. Mấy sinh viên cũ bắt đầu bận rộn, người thì chỉ đường, người thì khuân vác hành lí giúp, người thì phát tài liệu, tất cả đâu vào đấy. Tôi đứng bên cạnh nhìn, cảm thấy không có việc gì làm nên định đến căng tin gần đó mua chút đồ uống cho mấy sinh viên cũ. Lúc này một cô gái mặc áo phông trắng quần jean đeo ba lô đi tới hỏi: "Học viện kinh tế báo danh ở đây đúng không ạ?" Âm thanh rõ ràng nhưng lại rất dịu dàng. Tôi quay đầu lại thấy một gương mặt cực kì thanh thuần xinh đẹp, làn da trắng muốt, ngũ quan xinh xắn, đôi môi hồng tươi, đôi mắt vừa to vừa sáng cực kì dễ thương. Tôi nghĩ thầm, vừa nói học viện kinh tế không có người đẹp mà đã đến ngay rồi. Đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp mặt, cô ấy không chú ý đến tôi, mà ngoại trừ việc cảm thấy cô ấy xinh đẹp, tôi cũng không có cảm giác gì đặc biệt. Có điều rất nhiều năm sau tôi còn nhớ rõ dáng vẻ đơn thuần như học sinh cấp hai của cô ấy, hơn nữa còn rõ ràng hơn cả lúc vừa nhìn thấy. "Đúng vậy đúng vậy". Nam sinh đẹp trai phản ứng nhanh nhất, "Tiểu sư muội học khoa nào?" "Khoa tài chính kế toán". Cô ấy vừa nói vừa lấy giấy gọi từ trong ba lô ra, "Có phải nộp phí ở đây luôn không?" "Không phải, phải đến phòng tài vụ nộp, phòng tài vụ ở tòa nhà hành chính, anh dẫn em đi". Nam sinh đẹp trai ân cần nói, "Hành lý của em đâu? Anh đưa em đến ký túc xá trước". "Không cần, tự em đi được mà". Cô gái chìa tay ra, "Đưa sơ đồ cho em là được". Nam sinh đẹp trai sững sờ một chút, đại khái là không ngờ lại bị từ chối, cười nói: "Trường học rất lớn, có thể em sẽ không tìm được". Nam sinh tóc dài cũng phụ họa: "Kéo hành lý đi tới kí túc nữ sinh thì chết mất, anh có xe đạp, để anh chở giúp em". Tôi cười cười đi đến căng tin. Tiết mục của thiếu nam thiếu nữ quả nhiên là không quan tâm đến thiên thời địa lợi. Ngẩng đầu lên, tôi vô tình nhìn thấy một người đàn ông trung niên đang đứng ở đối diện với căng tin cách bàn đăng kí không xa không gần mỉm cười nhìn về phía bên này. Khuôn mặt ông ta rất giống cô bé kia, có lẽ là bố cô ấy, đứng ngoài nắng gắt mà ông vẫn không tỏ ra khó chịu gì, vẫn ung dung nho nhã chứ không sốt ruột hỏi đông hỏi tây đi qua đi lại không yên tâm như các phụ huynh khác. Tôi không nhịn được quay lại nhìn một chút mấy nam sinh đang săn đón đó, nghĩ thầm, có một ông bố xuất sắc như vậy thì ánh mắt của cô bé nhất định là sẽ rất cao. Lúc tôi đi mua nước về cô gái này vẫn đang đứng đó vì bị một đám nam sinh cũ hỏi han các kiểu với những ánh mắt sáng rực, có thể thấy cô ấy hơi sốt ruột, vừa ngoan ngoãn trả lời lại vừa len lén nhìn về phía bố mình, nhìn cực kì trẻ con, cũng cực kì đáng yêu. Nam sinh tóc dài nhận những chai nước trong tay tôi đặt lên trên bàn, quá nặng, bàn hơi nghiêng một chút, mấy tờ tài liệu rơi xuống. "Cẩn thận", tôi kêu lên. Cô bé quay đầu lại nhìn tôi, "Gì thế?" Tôi nhặt tài liệu lên cười cười nhìn cô ấy, "Nghe rõ những gì các sư huynh dặn chưa?" "Nghe rõ rồi ạ". Cô ấy lập tức nhận ra tôi có ý giải vây cho mình nên vội gật gật đầu như trút được gánh nặng, vừa muốn xoay người rời đi thì một nam sinh cũng đến báo danh từ bên cạnh chạy tới vừa lau mồ hôi vừa tiện tay thả hòm hành lý xuống dưới chân cô ấy. "Cẩn thận!" Cách cái bàn ở giữa, tôi đưa tay qua bàn muốn kéo cô ấy ra để tránh bị đè vào chân nhưng cô ấy đã khéo léo nhảy sang bên cạnh một bước rồi quay đầu hỏi tôi: "Gì thế?" Tôi lắc đầu, chỉ chỉ dưới chân cô ấy. Nam sinh nọ đã nhận ra mình bất cẩn, vội vàng liên tiếp xin lỗi cô ấy dưới ánh mắt bất mãn của các đàn anh, có lẽ là vì đối tượng cần xin lỗi là người đẹp nên mặt còn đỏ lên. Thiếu nam thiếu nữ, đúng là đáng yêu. "Không sao đâu". Cô ấy chỉ mỉm cười không để ý rồi xoay người chạy về phía bố mình. Lúc đó tôi còn không biết cô ấy tên là Mạch Tiểu Hân, hai lần tôi nói "cẩn thận" cô ấy đều cho rằng là tôi gọi cô ấy. (Tiểu Hân và tiểu tâm đồng âm, tiểu tâm có nghĩa là cẩn thận). Sau đó tôi không còn dùng đến hai chữ này nữa, dần dần cũng trở thành một loại thói quen. Thậm chí sau này tôi cũng không bao giờ nói hai chữ này với con tôi, lúc thật sự cần thiết cũng chỉ nói "Chú ý!", tôi không dám thốt ra hai chữ ấy. Bận rộn một ngày, tắm rửa xong tôi đến nhà ăn của giáo viên. Đã hơn tám giờ rồi, vì chỉ có nhà ăn này còn đồ ăn nên cũng có không ít người. Cô bé xếp hàng phía trước có một mái tóc dài hơi xoăn, hình như cũng vừa gội đầu xong nên tóc còn ẩm, đang định bưng một bát mì mà một cốc nước ngọt quay đi thì nhân viên nhà ăn bên trong gọi lại: "Cháu quên thẻ rồi!" "A". Cô ấy nhanh chóng quay đầu lại, còn tôi lúc này đang cúi đầu xuống gọi đồ ăn, đầu cô ấy đập vào cằm tôi, cả hai người đều đau đến xuýt xoa. Cô ấy vội quay đầu đi và lại không nhịn được xuýt xoa lần nữa, tôi cúi đầu xem, một lọn tóc dài của cô ấy mắc vào khuy áo tôi. "Đừng động". Tôi nhận ra cô bé bị các sư huynh vặn hỏi nhiều lần lúc báo danh này, từ từ gỡ tóc cô ấy ra khỏi cúc áo mình, thật ra cũng chỉ có mấy sợi. "Cảm ơn sư huynh". Cô ấy đỏ mặt, hơi cúi người với tôi, trên tay vẫn bưng đồ ăn. "Là giáo viên". Tôi chỉnh lại cho cô ấy, cũng gọi mì và nước ngọt giống cô ấy rồi nói với cô bé vẫn đứng bên cạnh không dám đi này, "Tôi là chủ nhiệm lớp của các em, Ngô Cạnh". "A, thầy Ngô". Rõ ràng cô bé rất ngạc nhiên, bất an đi theo phía sau tôi. Trong lòng tôi rất vui vẻ, thì ra nhìn qua mình còn rất trẻ, một cô bé như vậy lại gọi mình là sư huynh. "Ngồi đi, Mạch Tiểu Hân". Cô ấy càng giật mình nhìn tôi, hai mắt trợn trừng cực kì đáng yêu. Cô ấy đâu biết rằng lúc về tôi đã tra hồ sơ. "Thấy quen với cuộc sống ở đại học chưa?" Tôi ra vẻ giáo viên đạo mạo. "Quen rồi, trước kia nhà em cũng ở trong khuôn viên như vậy". Cô ấy ngoan ngoãn nói, uống một ngụm nước ngọt có đá rồi nheo mắt lại có vẻ rất hưởng thụ, "Ở đại học C". "Thảo nào vừa đến đã tìm được nhà ăn nhân viên". Tôi cười nói, "Tại sao muộn như vậy mới ăn cơm?" Tôi phát hiện cô ấy ăn rất chậm, vì vậy tôi cũng cố tình ăn chậm lại. "Không muốn ăn". Cô ấy dừng lại một chút, "Bởi vì phụ huynh đều về hết rồi, tâm tình mọi người đều không tốt". Tôi bật cười, "Đều đã bao nhiêu tuổi rồi? Vẫn còn tưởng mình là học sinh tiểu học à?" Cô ấy không lên tiếng, một lát sau mới nhỏ giọng nói, "Còn có bạn khóc nữa cơ, các bạn ấy khóc em cũng ăn không ngon". "Thế nên bây giờ đói rồi?" Tôi thấy cô ấy gật đầu, nghĩ thầm, thì ra lớp mình chủ nhiệm cũng không khác nhà trẻ là mấy, mấy em bé chưa rời xa bố mẹ bao giờ này còn chưa cai sữa. "Bố em dạy ở đại học C à? Tại sao em không thi vào đại học C?" Đại học A và đại học C xếp hạng gần ngang nhau, tại sao một cô bé không nỡ rời bố mẹ mà lại không học ở đại học C luôn? "Sợ bố em nhìn thấy em ngồi dưới lớp nghe giảng lại căng thẳng". Cô ấy cười rất tinh nghịch, hai má lúm đồng tiền nhàn nhạt như ẩn như hiện, linh động phi thường. Đột nhiên tôi nghĩ, nếu như tôi nhìn thấy cô ấy ngồi bên dưới nghe giảng như vậy thì có phải cũng sẽ cảm thấy căng thẳng không? "Bố em rất đẹp trai". Nói xong, tôi mới phát hiện hình như lời nói của mình thiếu vẻ nghiêm túc của một giáo viên. "Mọi người đều nói như vậy", cô ấy không phát hiện, còn cảm thấy hơi đắc ý. "Có điều bạn Tiểu Mạch lại rất mảnh mai". Tôi nhịn cười, nói. Tôi không bao giờ nói đùa với phụ nữ, không biết vì sao thấy cô ấy lại cảm thấy rất thả lỏng, rất muốn trêu đùa cô ấy. "Thầy Ngô, đừng gọi em là Tiểu Mạch". Cô ấy vừa uống nước ngọt vừa lẩm bẩm nói: "Đại Mạch Tiểu Mạch, toàn bị người ta đặt biệt hiệu". Tôi bật cười, suýt nữa phun cả mì trong miệng ra, "Thế gọi là gì? Tiểu Hân? Cũng không được mà, càng dễ làm mọi người hiểu lầm". Cô ấy không lên tiếng, vừa uống nước ngọt vừa cúi đầu cười vui, hai hàng lông mi rất dài, rất cong rung rung giống hệt một em bé làm mọi người nhìn thấy là trong lòng lại cảm thấy rất thoải mái. Sau đó tôi nghe thấy các sinh viên đều gọi cô ấy là Mạch Mạch. Mạch Mạch, Mạch Mạch, tôi cũng rất thích gọi cô ấy như vậy, và luôn gọi như vậy cho đến khi không thể gọi nữa. Buổi tối hôm đó, lúc về nhà, mẹ hỏi tôi đi làm cảm thấy thế nào. Tôi nói rất tốt, tôi thích ngôi trường này, rất thích, cũng thích học sinh của tôi, rất thích. Đây là lần đầu tiên tôi thích một cô gái, lần đầu tiên muốn bảo vệ một người trong tay mình. Thì ra trên thế giới này thật sự có tình yêu sét đánh. Lúc có một mình tôi luôn nghĩ, ngày đầu tiên biết nhau chúng tôi đã gặp nhau ba lần, có thể coi như hữu duyên đúng không? Trong vòng một năm sau khi biết nhau chúng tôi đã yêu nhau, càng nên coi như hữu duyên đúng không? Là ai đã nghĩ ra bốn chữ "hữu duyên vô phận" này, người đó nhất định cũng đã trải qua nỗi đau xé lòng như vậy, như tôi. Sau này, trong cuộc sống, mỗi lần đi dưới gốc cây đặt bàn đăng kí lúc đầu tôi lại luôn nhớ tới hình ảnh ngày đầu tiên cô ấy đến báo danh, áo phông trắng, quần jean, xinh xắn nhẹ nhàng, vừa nhớ đến lại thấy đau lòng. Kỳ thực chúng tôi chỉ nói chuyện với nhau một cách bình thường nhất như giữa một sinh viên mới với chủ nhiệm lớp, thông thường đến mức người ngoài nghe thấy hoàn toàn có thể coi là nhảm nhí, xoay người là quên mất, nhưng tôi lại nhớ rõ ràng không quên một câu nào. Bởi vì, đó là thứ duy nhất cô ấy để lại cho tôi, may mắn là thứ cô ấy để lại là trí nhớ, có thể chỉ thuộc về một mình tôi, vĩnh viễn sẽ không có ai phát hiện. Hôm đó ở lễ cưới của La Cầm Cầm tôi nhìn thấy một người đàn ông bên cạnh cô ấy dịu dàng nói chuyện với cô ấy, còn có một người đứng ở xa xa nhưng ánh mắt vẫn quanh quẩn bên người cô ấy như thể muốn khắc ghi hình ảnh của cô ấy vào lòng. Cô bé này quả nhiên đi đến đâu cũng là bảo bối trong lòng các chàng trai. Chỉ mong tất cả những tủi thân cô ấy đã phải chịu đựng khi ở bên tôi sẽ được một người yêu cô ấy bồi thường gấp bội. Mong em hạnh phúc, Mạch Mạch của anh.